Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo: Phần Hai, cuộc tranh luận quanh đề xuất của Đức HY Kasper (17)

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo: Phần Hai, cuộc tranh luận quanh đề xuất của Đức HY Kasper (17)

Những ngày gần kề THĐ đặc biệt về gia đình

Dù THĐ đặc biệt vào đầu tháng Mười chỉ có nhiệm vụ soạn thảo nghị trình cho THĐ thường lệ vào một năm sau, nhưng càng tới gần ngày khai mạc nó, bầu khí tranh luận về việc cho người ly dị và tái hôn, dù không có tuyên bố vô hiệu, được rước lễ càng sôi sục hơn. 

Thực vậy, không kể các vị Hồng Y như Burke và Muller vốn lên tiếng từ đầu, gần đây, thêm nhiều vị Hồng Y cùng lên tiếng một lượt, phần lớn để bất đồng ý kiến với Đức HY Kasper. Tuy thế, không hẳn không có người ủng hộ hoặc có cảm tình với luận điểm nói chung của ngài. 

Những người nghiêng về phía Đức HY Kasper

Không biết trong số này có nhà báo nổi tiếng của Ý là Sandro Magister hay không. Vì gần đây, bỗng nhiên ông viết bài cho hay: Đức HY Burke dám bị giáng cấp bằng cách rời bỏ vị trí cầm đầu Tòa Án Tối Cao, ngang hàng một thánh bộ, về “vườn đuổi gà” cho Hội Hiệp Sĩ Malta, trong lúc mới 64 tuổi. Magister cho rằng việc giáng cấp này cho thấy Đức Phanxicô muốn loại dần các vị thuộc phe bảo thủ. Đức HY Burke là vị HY lên tiếng từ đầu và thường xuyên phản công các đề nghị của Đức HY Kasper. Tuy nhiên, việc ngài rời bỏ Tòa Án Tối Cao có thể là cơ hội để ngài có nhiều thì giờ viết lách hơn và chống lại quan điểm của Đức HY Kasper. 

Magister cũng có bài (ngày 8 tháng Chín) cho rằng Đức Phanxicô đã có lời đồng ý “in pectore” (giữ kín) đối với việc cho phép người ly dị vá tái hôn nói trên được rước lễ. Ông căn cứ vào nhận định của một nhà thần học Úc, Cha Paul-Anthony McGavin, thuộc TGP Canberra và Goulburn. Mà nhận định của Cha McGavin thì đặt nặng trên phương pháp học của Đức Phanxicô nhiều hơn, cho rằng ngài nghiêng về phía canh tân, không thích bất cứ “hệ thống khép kín” nào, dù có tính tín lý hay có tính mục vụ; và do đó, gần với phương pháp học của Đức HY Kasper hơn. 

Cha McGavin cho rằng nhận định vắn vỏi của Đức HY Burke đối với một vấn đề phức tạp, đụng chạm tới nhiều lãnh vực nghiên cứu khác nhau này, cho thấy một sự hẹp hòi nào đó về quan điểm. Vì trong nhiều năm qua, giáo luật cho thấy nhiều cách giải đáp khá thần kỳ đối với các nố bất thường của mục vụ: lời khấn trọng thể trong dòng tu được miễn chuẩn; những người có chức thánh “được hoàn tục” và được kết hôn thành sự… 

Vả lại, lời Chúa trong Mc 10:9,11 có thể chỉ có nghĩa deontic (nghĩa vụ học), chưa hẳn có nghĩa hermeneutic (chú giải học). Hơn nữa, nền thần học có tính nhận thức (noetic) về bí tích cũng như nền thần học luân lý chưa đóng lại vấn đề. 

Cha McGavin còn dựa vào kinh nghiệm giải tội để nói rằng những câu truyện nát lòng do tan vỡ hôn nhân gây ra nghe được tại đây phần lớn không tập chú vào việc thiếu trong sạch mà là “tính đã chết của việc sống chung” không còn là hôn nhân nữa. Về điểm này, xin coi quan điểm của Đức HY Muller khi trả lời câu hỏi về tình yêu đã chết. 

Diễn văn của Đức Phanxicô với các giám mục Đại Hàn tại Seoul ngày 17 tháng 8 cũng được Cha McGavin dựa vào để tố cáo quan điểm hẹp hòi của những người như Đức HY Burke. Đức Phanxicô nói rằng: không nên “tìm an toàn biểu kiến bằng cách núp đàng sau những câu trả lời dễ dãi, những công thức, luật lệ và qui định có sẵn. Chúa Giêsu chống chọi với những người chuyên núp phía sau luật lệ, qui định và giải đáp dễ dãi… Người gọi họ là đồ giả hình”. 

Cha McGavin còn trích cả “Niềm Vui Tin Mừng” ở đoạn nói rằng: “”Luôn có sự căng thẳng giữa ý niệm và thực tế. Thực tế đơn thuần ‘hiện hữu’ trong khi ý niệm ‘được tạo ra’. Cần phải có cuộc đối thoại liên tục giữa hai điều này, kẻo ý niệm trở thành xa rời đối với thực tại. Điều nguy hiểm là cố thủ trong lãnh vực lời nói mà thôi… Nên đã có một nguyên tắc khác: thực tại lớn hơn ý niệm. Nguyên tắc này đòi ta phải bác bỏ nhiều phương tiện dùng để che đậy thực tại: các hình thức trong sạch như thiên thần, các hình thức độc tài của duy tương đối, những mỹ từ trống rỗng, các mục tiêu lý tưởng nhiều hơn thực chất, những nhãn hiệu cực đoan phi lịch sử, những hệ thống đạo đức học bị tước hết khôn ngoan” (số 231). 

Ai cũng biết, những câu tuyên bố trên mới cần “hermeneutics” và do đó, có thể có nhiều nghĩa khác nhau, không hẳn chứng minh được là Đức Phanxicô ủng hộ việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ. 

Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, RI, ngày 15 tháng 9, lên tiếng ủng hộ quan điểm của Đức HY Kasper khi trích lời vị Hồng Y này nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội “cần để lại sau lưng các xem xét duy luật học của những tâm trí hẹp hòi và những nghiêm khắc không có tính Kitô Giáo vốn đè quá nặng đến nỗi người ta không chịu nổi”. 

Vị giám mục này cũng cho rằng chính Đức Phanxicô cho người ta hy vọng sẽ có thay đổi lớn trong đáp ứng mục vụ đối với người ly dị và tái hôn. Trước nhất là câu tuyên bố mùa hè rồi của Đức Phanxicô: THĐ sẽ thăm dò một chính sách chăm sóc mục vụ sâu sắc hơn đối với hôn nhân kể cả vấn đề người ly dị và tái hôn. Cả luật lệ về tuyên bố vô hiệu cũng cần duyệt lại. Câu trích dẫn khác là từ Niềm Vui Tin Mừng: Thánh Thể “không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo mà là thuốc chữa mạnh mẽ và của nuôi cho người yếu”.

Rồi Đức Cha trích dẫn đoạn Tin Mừng nói tới việc các môn đệ hái lúa ngày Sabát và câu nói bất hủ của Chúa Giêsu: “Ngày Sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc 2:28). Và gọi đây là “bối cảnh mục vụ”: miễn chước việc chấp pháp vì nhu cầu con người lúc ấy. 

Rồi Đức Cha hỏi: liệu có thể áp dụng cùng nguyên tắc trên vào luật hôn nhân hiện nay không để nói rằng: hôn nhân vì con người, chứ không phải con người vì hôn nhân?

Ngài còn dựa vào lời Chúa “ai không ăn thịt Con Người và uống máu Người, thì không có sự sống đời đời” (Ga 6:53) để ngầm cho thấy thật là thiếu bác ái khi không cho người ly dị và tái hôn rước lễ, trong khi lại cho các chính trị gia phò hôn nhân đồng tính, thậm chí phá thai (?), rước lễ. 

Một cách cụ thể, ngài đề nghị đơn giản hóa thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Và thay vì thủ tục chính thức “giống như tòa án” này, nên dựa vào “phán đoán của lương tâm bản thân” của các người phối ngẫu mà cho phép họ rước lễ. 

Có thể nói chính các nhận định kiểu McGavin hay Tobin trên bị coi là hẹp hòi vì đã bỏ qua nhiều khía cạnh thuộc bản chất bí tích, chỉ chú trọng tới những cảm quan bản thân nhiều tính chủ quan hoặc những thế giá tổng quát không hẳn bàn tới vấn đề đang bàn. 

Những người không đồng ý với Đức HY Kasper

Các vị phản đối ý kiến của Đức HY Kasper thì nhiều hơn và cũng “nặng ký” hơn. Thực vậy, theo Francis X. Rocca, (Catholic News Service), nhà xuất bản Ignatius Press sắp cho công bố ba tác phẩm phản bác ý kiến của Đức HY Kasper. 

Cuốn đầu tựa là "Remaining in the Truth of Christ" (Ở lại trong sự thật của Chúa Kitô) gồm các tham luận của ba nghị phụ THĐ: các Đức HY Gerhard Müller, Raymond Burke, và Carlo Caffarra của Bologna, Ý. Cuốn hai tựa là "The Hope of the Family", gồm bài phỏng vấn Đức HY Müller; và cuốn ba cùng tựa với cuốn của Đức HY Kasper: "The Gospel of the Family" (Tin Mừng Gia Đình) với lời nói đầu của Đức HY George Pell, chủ tịch VP Kinh Tế của Tòa Thánh. 

Quan điểm của các Đức HY Muller và Burke đã được trình bày trên đây. Còn Đức HY Pell thì không hẳn tranh luận cho bằng góp một tay làm mạnh hơn quan điểm của các vị Hồng Y bạn, với lời khẳng định: “không thể chủ trương tính bất khả tiêu của hôn nhân bằng việc cho phép ‘người tái hôn’ rước Lễ”. 

Ngài cho rằng những người như Đức HY Kasper “đi tìm những an ủi ngắn hạn vô ích” thay vì tập chú vào những yếu tố chủ yếu trong cuộc thách đố hiện nay đối với hôn nhân và gia đình. Thực vậy theo ngài, “Các cộng đồng lành mạnh không phí thì giờ và năng lực vào những vấn đề ngoại biên, và chẳng may, con số những người Công Giáo ly dị và tái hôn cảm thấy mình nên được rước lễ chỉ là một con số rất nhỏ”. Mà thường họ chỉ tập trung ở một số quốc gia Âu Châu, nơi người ta đi nhà thờ rất ít và những người ly dị càng ngày càng không muốn tái hôn. 

Nói tới việc Đức HY Kasper đề nghị coi việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ giống như cung cấp cho họ chiếc thuyền cứu đắm (lifeboat), chứ không hẳn con tầu mới, Đức HY Pell cho rằng thuyền cứu đắm ấy đưa họ tới đâu? Tới ghềnh đá, đầm lầy hay tới bến an lành, là bến thường khó khăn mới tới được? Nhiệm vụ của Giáo Hội là cung cấp tài lãnh đạo và bản đồ tốt để giảm thiểu các vụ đắm tầu. 
Lòng nhân hậu, từ bi ư? Nhưng từ bi nhân hậu khác với phần lớn các hình thức khoan dung vì một số hình thức khoan dung không thừa nhận sự hiện hữu của tội lỗi. Trong giáo huấn Tin Mừng, luôn có sự nối kết giữa từ bi và trung tín, giữa sự thật và ơn thánh. Ngài nhấn mạnh tới việc phải nói lại cho rõ lệnh cấm cổ truyền đối với việc rước lễ của các người ly dị và tái hôn. 

Đức HY Caffara thì nói rằng người ly dị và tái hôn không được rước lễ vì tình trạng của họ mâu thuẫn một cách khách quan với dây nối kết yêu thương vốn kết hợp Chúa Kitô và Giáo Hội được Phép Thánh Thể biểu tượng và thể hiện. Cho họ rước lễ là hợp pháp hóa các mối liên hệ tính dục ngoài hôn nhân và thực tế là bác bỏ tín lý về tính bất khả tiêu của hôn nhân. 

Rõ ràng cảm thấy nhột nhạt, Đức HY Kasper than phiền rằng các vị Hồng Y trên không cho ngài hay biết gì về các cuốn sách sắp được công bố. Lần đầu tiên trong cuộc đời học thuật, ngài mới thấy lối chỉ trích này. Ngài cho rằng các vị trên “tuyên một cuộc chiến tranh tín lý” và cuộc tấn công của các ngài thực sự nhắm vào Đức Phanxicô chứ không hẳn nhắm vào ngài, vì chính Đức GH khuyến khích ngài thăm dò phương thức mục vụ có thể trợ giúp người Công Giáo ly dị và tái hôn. Ngài nói thêm: “Không một Hồng Y anh em nào từng nói chuyện với tôi. Còn tôi, hai lần tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha. Tôi sắp xếp mọi sự với ngài. Ngài nhất trí. Một vị Hồng Y có thể làm gì ngoại việc đứng về phía Đức Giáo Hoàng? Tôi không phải là mục tiêu, mục tiêu là một người khác”. 

Nói như trên, Đức HY Kasper dường như tin chắc Đức Phanxicô đứng về phía ngài. Tuy nhiên, theo Đức Cha Demetrio Fernandez của giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha, người vừa thực hiện chuyếng viếng thăm “ad limina”, thì trong chuyến viếng thăm này, các giám mục Tây Ban Nha hỏi Đức GH về “đề nghị Kasper” thì Đức GH trả lời: người kết hôn trong Giáo Hội rồi ly dị và tái hôn dân sự không thể tới gần các bí tích”. Đức Phanxicô còn nói thêm rằng giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này đã thành nề nếp rõ ràng, vì đã tuân theo lời dạy của Chúa Giêsu, nên giáo hoàng cũng không thể thay đổi được. 

Chính vì thế, càng ngày càng có thêm nhiều vị Hồng Y lên tiếng đả kích đề nghị của Đức HY Kasper, trong số này có hai vị khá nặng ký, viết trên tập san cũng khá nặng ký là Communio (do Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là 1 thần học gia, sáng lập) là Đức Hồng Y Angelo Scola, TGM Milan và Đức HY Marc Ouellet, tổng trưởng thánh bộ giám mục. 

Điều quan trọng là dựa vào chứng tá

Tiểu luận của Đức HY Scola tựa là Hôn Nhân Và Gia Đình Giữa Nhân Học và Phép Thánh Thể: Các Nhận Định Liên Quan Tới Phiên Họp Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình.

Trong phần đầu của tiểu luận, Đức HY nói tới khía cạnh nhân học của hôn nhân. Ngài cho rằng hai khía cạnh nhân học và bí tích của thực tại hôn nhân và gia đình có liên hệ qua lại với nhau. Chính vì thế, Tài Liệu Làm Việc của THĐ nhấn mạnh tới việc phải nghiên cứu chi tiết chiều kích nhân học. Đức HY nhận định rằng nguồn gốc của nhiều hiểu lầm đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình là do ta đã rút gọn giáo huấn này vào một mớ các chỉ dẫn có tính luân lý không phát sinh từ một viễn kiến đồng nhất về con người nhân bản. 

Ngài tin rằng một nền nhân học thỏa đáng sẽ giúp ta hiểu thấu đáo hơn ý nghĩa sâu xa của hôn nhân như một bí tích. Nó sẽ giúp ta thấy rõ mối tương quan nội tại giữa những khía cạnh có thể nói là tự nhiên của hôn nhân và thực tại bí tích, nhờ thế lướt thắng được chủ nghĩa ngoại tại (extrinsicism) vẫn còn rất thịnh hành. 

Nói về nhân học, không thể không nói về dị biệt giới tính. Dị biệt (difference) khác với đa dạng (diversity). Ngài cho rằng nền văn hóa hiện thời thường thay thế nhị thức đồng nhất - dị biệt bằng nhị thức bình đẳng - dị biệt. Việc cổ vũ bình đẳng nam nữ đôi khi dẫn người ta tới việc coi dị biệt như là kỳ thị. 

Thực ra, đa dạng trong nguyên ngữ La Tinh di-vertere có ý nói tới việc một người chuyển động theo hướng khác với một người khác. Thành thử hai chủ thể độc lập sẽ đa dạng nếu họ bước vào một tương quan hay đi theo các hướng khác nhau mà vẫn duy trì được chủ quan tính độc lập của mình. Cho nên, đa dạng đem tương quan liên ngã nhập cuộc. 

Trái lại, điều ta cảm nhận trong dị biệt ám chỉ một thực tại nội ngã (intrapersonal). Nó là một điều gì đó liên hệ tới con người cá thể trong căn tính cấu thành ra họ. “Dị biệt” trong nguyên ngữ La Tinh dif-ferre có nghĩa đem tới một nơi khác, rời chỗ. Sự xuất hiện của một người khác phái “đem tôi tới một nơi khác”, “rời tôi đi nơi khác” (dị biệt). Mỗi cá thể đều thấy mình được nội tiếp (inscribed) trong sự dị biệt này và luôn phải đối mặt với lối hiện hữu khác như một con người này, một lối hiện hữu mà mình không bao giờ đạt tới. Chiều kích tính dục là một điều gì đó nội thẩm bên trong con người cá thể; nó chỉ ra việc họ cởi mở từ trong yếu tính đối với giới tính đối lập. Nhìn nhận sự dị biệt này là yếu tố quyết định đem ta tới chỗ tự ý thức đầy đủ về mình. Vì thế, ta hiểu tại sao dị biệt giới tính không thể là tiền thân của kỳ thị. 

Nhưng phải hiểu dị biệt giới tính một cách năng động. Tâm lý học đúng đắn cho thấy tiểu sử mỗi con người cá thể đều có một diễn trình dục hóa (sexualization). Nói cách khác, mọi cá nhân với dị biệt giới tính từ lúc mới sinh đều đối diện với thành tố sinh học của giới tính. Điều này khiến ý chí tự do của họ phải hành động và hành động suốt đời liên quan tới “thực tại giới tính của mình”. Thực vậy, phán quyết cần thiết của tự do con người không thể làm gì khác hơn là giáp mặt cả với chiều kích tính dục. Chính trong cơn “lâm bồn” này, cá nhân cởi mở con người mình đối với người khác nhờ sức mạnh của dị biệt giới tính, quyết định nghiêng về người khác, và nhờ đó, lên đường bước vào tình yêu, một điều nhất định bao hàm một chọn lựa. Trong hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, điều này diễn ra cách khác quan. Trong đó, tôi chọn lựa để được người khác tôi về tính dục chọn lựa, với ý định phải sống duy nhất với nàng mãi mãi trong một hiệp thông sự sống và yêu thương phong phú.

Trái lại, theo Đức HY Scola, lý thuyết phái tính (gender theory) hiện nay có khuynh hướng thay thế dị biệt giới tính bằng nhiều khuynh hướng phái tính khác nhau. Phát sinh từ nhu cầu muốn giải thoát người nam người nữ khỏi những thông số chật hẹp trong các vai trò do xã hội định đoạt cho họ, lý thuyết này đã trở thành đồng minh gần gũi của một số thuyết duy nữ, là những thuyết chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi ách thống trị của nam giới, một ách thống trị dĩ nhiên là kỳ thị. Họ cổ vũ sự bình đẳng/kình chống giữa các giới tính, thậm chí còn đi xa tới chỗ chủ trương rằng điều kiện tiên quyết của bình đẳng là loại bỏ chính dị biệt. 

Cứ như thế, dị biệt giới tính có khuynh hướng bị rút gọn, trở thành một điều kiện hóa có tính văn hóa, mà ta có thể xác định nhiều cách, thậm chí nhiều lần trong đời. Dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái, và hoán đổi giới tính (transsexuality), và càng ngày càng có những phái tính khác nhau, được coi là những khả thể lệ thuộc hoàn toàn ở quyền tự quyết của cá nhân. 

Tuy nhiên, theo Đức HY, kinh nhgiệm nền tảng trong con người làm chứng cho tính hiển nhiên của dục năng (eros) như một cởi mở nguyên thủy đối với người khác và cho tính mang hoa trái của mối liên hệ, vốn được ghi khắc nơi thân xác đã được dị biệt hóa về tính dục. “Nhục thể”, vì là thân xác “biết cảm nhận” (sentient), cho ta thấy: sự hiện hữu của ta, bao lâu còn được định vị trong dị biệt giới tính, luôn diễn ra trong các mối tương quan được sự dị biệt này ghi dấu. Điều hiển nhiên ở đây là dị biệt, tương quan và tính mang hoa trái (fruitfulness) có liên hệ qua lại với nhau một cách không thể nào tách biệt được. 

Chiều kích phu thê, vì là chiều kích thích đáng của mọi hình thức yêu thương, chính là khởi điểm để thảo luận các thách đố mục vụ về hôn nhân và gia đình. Dị biệt giới tính dứt khoát lên đặc điểm cho mọi con người trong tính độc đáo của họ. Nhìn nhận cấu trúc nhân học này không cho phép ta tổng quát hóa. Các vấn đề không thể bỏ qua vốn cố hữu trong dị biệt giới tính, như các vấn đề liên hệ tới hôn nhân và gia đình chẳng hạn, cần được giải quyết như những hoàn cảnh độc đáo, khởi đi từ cá nhân. 

Trong phần hai của tiểu luận, Đức HY Scola đề cập tới mối liên hệ giữa Thánh Thể và hôn nhân. Ngài nhận định rằng “bí tích không hề bao giờ ‘không thỏa đáng’ để dương đầu với các hoàn cảnh khó khăn và các vết thương mà hai người phối ngẫu phải trải nghiệm. Vì bí tích đem tình yêu Phu Quân là Chúa Kitô đến cho Hiền Thê của Người là Giáo Hội. Tình yêu này là tài nguyên, là tiêu chuẩn và là bảo đảm đoan chắc rằng lời hứa vốn ghi khắc trong trái tim mọi con người nhân bản với một nhu cầu không thể nào dập tắt muốn được yêu và được yêu mãi mãi là điều có thể có được. Cho nên, hạ giá các thiện ích chuyên biệt của bí tích (tính bất khả tiêu, lòng trung thành, và sự sẵn sàng sinh nở) nhân danh một ý niệm thu nhỏ về chăm sóc mục vụ để giải quyết các vấn đề đau đớn có tính bản thân của người ta là điều chẳng giúp họ được gì. Đặc biệt trong các thử thách và thương tích của cuộc kết hợp phu thê, hành động bí tích của Chúa Kitô không bao giờ để các người phối ngẫu thiếu ơn thánh họ cần để sống thực tình yêu của họ tới chỗ hoàn toàn hiệp thông với nhau vì lợi ích của Giáo Hội và của thế giới. 

Trong Thánh Thể, vợ chồng gặp được nền tảng Ba Ngôi của mầu nhiệm phu thê như một đan kết hỗ tương giữa dị biệt, tự hiến và sinh hoa kết trái. Đức Bênêđíctô trong tông huấn hậu THĐ Sacramentum caritatis, số 27 nói rằng: Thánh Thể tăng cường đến bất tận sự kết hợp và tình yêu bất khả tiêu của mọi cuộc hôn nhân Kitô Giáo. Nhờ sức mạnh của bí tích, dây hôn phối được liên kết từ trong nội tại với sự kết hợp của Phu Quân Kitô với Hiền Thê Giáo Hội. Sự ưng thuận hỗ tương mà vợ chồng trao đổi cho nhau trong Chúa Kitô cũng có chiều kích Thánh Thể. Thực vậy, trong thần học của Thánh Phaolô, tình yêu vợ chồng là dấu chỉ bí tích của tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội Người, một tình yêu lên cao điểm ở Thánh Giá, vốn là biểu thức cho cuộc hôn nhân của Người với nhân loại và đồng thời là nguồn gốc và trái tim của Thánh Thể. 

Đức HY Scola còn đi xa hơn nữa bằng cách cho rằng không nên tách việc tỏ lời ưng thuận hỗ tương giữa hai người phối ngẫu ra khỏi việc cử hành Thánh Thể, mà phải coi nó như “một điều kiện dứt khoát trong đó lời ưng thuận phu thê được đưa ra” để vợ chồng xác tín hơn nữa rằng qua lời ưng thuận nhau, họ đã chấp nhận lời mời gọi của Phu Quân Kitô như là nguồn gốc cho quyết định của riêng họ. Phải làm nổi bật sự nối kết căn bản giữa cử hành Thánh Thể và ưng thuận phu thê. 

Sau khi làm nổi bật mối liên kết trên giữa Thánh Thể và Hôn Phối, Đức HY Scola bàn tới những người ly dị và tái hôn và việc không cho những người này rước lễ. Đức HY cho rằng việc cấm này không hề là một hành vi võ đoán của huấn quyền Giáo Hội mà đúng hơn vì ý thức được dây liên kết bất khả phân giữa Thánh Thể và Hôn Phối. Lý do ngăn họ không được xưng tội rước lễ không phải là một tội đơn độc là thứ tội luôn được tha thứ miễn là ăn năn và xin Chúa Tha thứ. Trong khi ấy, người ly dị và tái hôn, khi chưa có án vô hiệu, đã để mình rơi vào một tình trạng mâu thuẫn với điều được dây liên kết giữa Thánh Thể và Hôn Phối kia biểu tượng. 

Tình trạng ấy cần được thay đổi để tương hợp với những gì được hai bí tích này thể hiện. Việc cấm rước lễ mời gọi họ, trong đau khổ và thương tích, lên đường hướng về việc hiệp thông trọn vẹn dưới sự soi sáng của Thánh Ý Thiên Chúa. 

Dù tập tục của Giáo Hội sơ khai có được giải thích ra sao, thì ta vẫn không nên quên rằng Giáo Hội mỗi ngày mỗi ý thức được hơn mối liên kết nền tảng giữa Thánh Thể và Hôn Phối. Chính vì thế cả Familiaris consortio (số 84) lẫn Sacramentum caritatis (số 29) đều quả quyết rằng “tập tục của Giáo Hội, đặt căn bản trên Thánh Kinh (xem Mc 10:2–12), không cho phép người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích, vì tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với cuộc kết hợp yêu thương của Chúa Kitô và Giáo Hội được biểu hiệu và thể hiện trong Thánh Thể”.

Đức HY Scola cho rằng về phương diện này, cần phải nghiên cứu hai yếu tố sau một cách thấu đáo hơn. Đã đành, Thánh Thể có bao hàm một khía cạnh của tha thứ; nhưng nó không phải là một bí tích chữa lành. Ơn thánh của mầu nhiệm Thánh Thể thể hiện sự hợp nhất của Giáo Hội vừa như Hiền Thê vừa như Thân Thể của Chúa Kitô, và điều này đòi nơi người lãnh nhận khả thể khách quan cho phép mình được tháp nhập hoàn toàn vào Chúa Kitô. 

Ngoài ra, cũng cần giải thích rõ hơn tại sao không nên coi việc ngăn cấm này như một hình phạt, mà như một dấu hiệu chỉ đường tìm về hợp đoàn Giáo Hội. Do đó, nhiệm vụ của mọi cộng đồng Giáo Hội là thực thi mọi chương trình thích đáng để những người này thực sự tham gia vào đời sống Giáo Hội, trong khi vẫn tôn trọng hoàn cảnh cụ thể của họ. 

Các hình thức tham gia vào nhiệm cục cứu rỗi

Đức HY Scola đề nghị một số hình thức tham gia vào đời sống Giáo Hội cho những người ly dị và tái hôn, những hình thức mà nền linh đạo truyền thống vốn đề xuất cho những người giống như họ. 

Thứ nhất là rước lễ thiêng liêng: ước muốn được tiếp rước Mình và Máu Chúa Kitô cùng với niềm ân hận vì những ngăn trở khiến mình không thể hiện được ước muốn này. Thực hành này không hề xa lạ đối với nhiệm cục bí tích của Giáo Hội. Thực vậy, việc gọi là “rước lễ thiêng liêng” sẽ vô nghĩa nếu đặt ra ngoài nhiệm cục bí tích. Nó là một hình thức tham dự Thánh Thể chung cho mọi tín hữu; và nó thích hợp với cuộc hành trình của một người rơi vào một tình trạng hay một điều kiện đặc thù nào đó. Hiểu như thế, thực hành này tăng cường ý thức của ta về cuộc sống bí tích. 

Một thực hành tương tự đối với bí tích hòa giải cũng rất hữu ích và hợp tinh thần Thánh Kinh (xem 1Pr 4:7-9) đó là làm việc bác ái, đọc Lời Chúa và đi hành hương. Những cử chỉ này nói lên ước muốn thay đổi và xin Chúa tha thứ trong khi chờ đợi hoàn cảnh bản thân của mình khai triển tới mức có thể tiếp cận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. 

Sau cùng là một thực hành mà theo kinh nghiệm mục vụ của Đức HY có thể làm được tức việc cam kết sống tiết dục hoàn toàn như khuyến cáo của Thánh GH Gioan Phaolô II. Đức HY từng tiếp nhận những cặp cam kết như thế trở lại bàn tiệc Thánh Thể. Ngài nhấn manh rằng những biện pháp này không phải chỉ có tính giảm đau (palliative) mà thực sự là nguồn đem lại bình an. 

Các trường hợp tuyên bố hôn nhân vô hiệu

Trong việc giải quyết các tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tuy nhấn mạnh tới việc phải quan niệm tín lý và giáo luật như một đơn vị, Đức HY Scola cho hay: cần lưu ý hơn tới khía cạnh mục vụ, tới nỗi đau của những người liên hệ không muốn quay về với quá khứ đau thương; cũng cần lưu ý tới khía cạnh đức tin khi kết hôn của họ: “Ngày nay, ít nhất trong một số bối cảnh, không thể coi là đương nhiên việc các người phối ngẫu khi cử hành hôn phối của họ có ý định ‘thực hiện điều Giáo Hội có ý định thực hiện’. Ngày nay, việc thiếu đức tin có thể dẫn tới việc loại bỏ chính các thiện ích của hôn nhân. Nghĩa là khiến cho hôn nhân không thành sự. 

Dù sao, Đức HY cũng khuyến cáo phải giải quyết nhanh chóng các án tuyên bố hôn nhân vô hiệu, trong khi vẫn tôn trọng các thủ tục cần thiết, và làm cho phương thức mục vụ hiển nhiên hơn. Để đạt mục đích này, ngài đề nghị Đức Giáo Hoàng trao nhiều quyền hơn cho các giám mục để các ngài có thể “tạo ra một thủ tục hợp giáo luật nhưng không có tính pháp chế, với trọng tài cuối cùng không phải là một chánh án mà đúng hơn lá vị giám mục hay người đại diện của ngài. Nghĩa là một thủ tục do luật Giáo Hội qui định, với các phương pháp chính thức dùng để thu lượm và lượng định chứng cớ”. 

Đức HY đưa ra một thí dụ: tại mỗi giáo phận hay một nhóm giáo phận, có một dịch vụ huấn đạo (counseling) dành cho những người CG hoài nghi tính thành sự của hôn nhân. Từ dịch vụ này, người ta sẽ bắt đầu diễn trình giáo luật nhằm lượng định tính thành sự của dây hôn phối, dưới sự hướng dẫn của một vị được chỉ định; diễn trình này phải thật nghiêm ngặt trong việc thu lượm bằng chứng, các bằng chứng này sẽ được trình cho giám mục, cùng với ý kiến của chính vị được chỉ định, của người bênh vực dây hôn phối, và của người trợ giúp bên nguyên. 

Giám mục, hay người được ngài ủy nhiệm, sẽ phải quyết định liệu cuộc hôn nhân này có nên được tuyên bố là vô hiệu hay không. Tất nhiên, một trong hai người phối ngẫu có quyền kháng cáo lên Tòa Thánh. 

Đề nghị này mục đích làm sáng tỏ thêm mối nối kết giữa tín lý, chăm sóc mục vụ và giáo luật. Trong phần kết luận, Đức HY Scola nhấn mạnh tới việc không ngừng phải dựa vào trải nghiệm vững chãi của đời sống thánh thiện trong gia đình tìm thấy rất nhiều nơi Dân Chúa thuộc mọi hoàn cảnh địa dư và văn hóa. “Trọng điểm mạnh mẽ nhất cho cuộc phục hưng nền chăm sóc mục vụ gia đình chỉ có thể là chứng tá”. 

Ngài viết thêm: “sau cùng, chỉ có thể giải quyết các hoàn cảnh đau thương và khó khăn một cách tích cực nhờ rất nhiều người phối ngẫu sống cuộc sống hôn nhân của họ trong yêu thương và trung thành. Khi thăm viếng các giáo xứ và cộng đoàn, tôi luôn luôn xúc động được gặp rất nhiều cặp nay đã cao niên, những người sau 40, 50, thậm chí 60 năm, vẫn nói tới cuộc hôn nhân của họ với một niềm hân hoan âu yếm và lên tiếng làm chứng nhờ ơn trợ giúp của Chúa và nhờ sự hỗ trợ thực tiễn của cộng đồng Kitô hữu, họ đã giáp mặt và vượt thắng ra sao biết bao thử thách và đau thương. Với lòng biết ơn sâu xa, tôi cũng nhớ tới chứng từ của những người từng bị người phối ngẫu bỏ rơi nhưng đã quyết định sống trung thành với sợi dây hôn phối của mình”.

Tóm lại, Đức HY Scola cùng một tâm thức với Đức HY Pell khi cho rằng không thể dựa vào chứng từ của một thiểu số để thay đổi giáo huấn của Giáo Hội trong khi đại đa số vẫn có thể trung thành một cách hân hoan với giáo huấn ấy. Điều này cho thấy ơn thánh Chúa vẫn hữu hiệu khi tự do con người hợp tác với nó. “Hôn nhân là thực tại bất khả tiêu sẵn sàng đối phó bằng đôi tay sắt trước sự hiện diện của những khuynh hướng phá hoại nó. Và nó thúc đẩy những người ngả nghiêng biết vượt thắng con người mình mà lớn lên trong mối tình chân thực bằng cách uốn nắn đời mình theo mô thể tham gia. Khi đưa ra lời thề hứa, các người phối ngẫu không chỉ dựa vào bản thân họ, vốn là khối cát hay truồi (shifting sands) đối với tự do riêng của họ, mà đúng hơn dựa vào mô thể (xét cho cùng là chính Chúa Kitô) đã chọn họ vì họ đã chọn nó… Mô thể này trải dài ra mọi bình diện của cuộc sống, từ gốc rễ sinh học cho tới đỉnh cao ơn thánh và sự sống trong Chúa Thánh Thần”. 

Hôn nhân trong tính bí tích của Giáo Hội

Tiểu luận trên tờ Communio của Đức HY Marc Ouellet tựa là “Hôn Nhân và Gia Đình trong Tính Bí Tích Của Giáo Hội: Các Thách Đố và Tầm Nhìn” với câu nhận định cho rằng việc mở ra phương thức mục vụ đặt căn bản trên lòng từ bi nhân hậu phải diễn ra trong tính liên tục của truyền thống Giáo Hội, một truyền thống vốn nói lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa. 

Đức HY tin rằng trong các tranh luận hiện nay, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho ta cách canh tân mà vẫn trung thành với truyền thống Công Giáo, nhất là với giáo huấn của Vatican II và với nền giải thích của Thánh GH Gioan Phaolô II. Muốn thế, phải tập chú vào mối liên kết hữu cơ giữa bí tích hôn phối và tính bí tích của Giáo Hội. Đức HY muốn đưa ra một số tiêu chuẩn cho việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu trong ngữ cảnh một phương thức mục vụ canh tân đặt trọng tâm vào nhân hậu từ bi mà vẫn gắn bó với việc tôn trọng tính bất khả tiêu của hôn nhân. 

Đức HY cho rằng trước Vatican II, người ta có quan niệm nghèo nàn về các bí tích, chỉ xem sét chúng theo nhu cầu cá nhân, không có liên hệ hữu cơ nào với Giáo Hội. Với Vatican II, Giáo Hội là một dấu chỉ và là dụng cụ hiệp thông với Thiên Chúa và hợp nhất với mọi người. 

Nhờ định nghĩa Giáo Hội như bí tích, Vatican II đã đem lại cho các bí tích một chiều kích truyền giáo, vì chúng tạo nên tính hữu hình của Giáo Hội trước mặt mọi dân tộc. 

Cùng với tầm nhìn nền tảng trên, tức coi GH như bí tích cứu rỗi và mầu nhiệm hiệp thông, ta còn phải thêm chiều kích phu thê cho nền thần học bí tích, được chính Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo (Số 1617) xác nhận: Toàn bộ đời sống Ki-tô giáo mang dấu ấn của tình yêu "phu thê" giữa Ðức Ki-tô và Hội Thánh. Bí tích Thánh Tẩy, cửa ngõ dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là mầu nhiệm "phu thê"; có thể gọi nó là "cuộc tắm rửa chuẩn bị phu thê" (x. Ep 5,26-27) trước khi dự tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Ki-tô giáo là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích của giao ước giữa Ðức Ki-tô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thực sự của Giao Ước Mới, vì biểu thị và thông ban ân sủng cho họ (x. DS 1800; CIC 1055, 2)”. 

Như thế, tính bí tích của Giáo Hội đặt căn bản trên mối liên hệ phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đã được Thánh Phaolô nhắc tới trong thư Êphêsô để thiết lập ra giá trị bí tích của tình nghĩa vợ chồng giữa một người đàn ông và một người đàn bà. 

Giáo huấn của Vatican II về hôn nhân vừa có tính quan phòng vừa có tính tiên tri trước một tương lai sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân học. Việc tân phúc âm hóa hôn nhân và gia đình này bắt đầu với Chúa Kitô và vén mở vẻ đẹp của gia đình như một Giáo Hội tại gia. Đức HY cho rằng việc chăm sóc mục vụ trong Giáo Hội chưa thi hành đầy đủ Tin Mừng này về gia đình, tuy nó đã được công bố lại như mới trong tông huấn Familiaris consortio.

Nét mới mẻ của Tin Mừng này là đặt hôn nhân và gia đình trở lại nền tảng Kitô học và Giáo Hội học trong Vui Mừng và Hy Vọng: Đấng Cứu Thế, phu quân của Giáo Hội, gặp gỡ các cặp vợ chồng Kitô hữu qua bí tích hôn phối. Người ở với họ để, qua việc tự hiến hỗ tương, họ yêu nhau bằng một lòng chung thủy lâu bền, như chính Người yêu thương Giáo Hội và phó mình cho Giáo Hội. 

Vượt quá ý niệm pháp chế về khế ước hôn nhân, Vatican II tái quan niệm hôn nhân như là “cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”, Phu Quân của Giáo Hội, Đấng “ở với” cặp vợ chồng và cho họ tham dự vào chính tình yêu của Người. Chữ “như” của Thánh Phaolô nói lên sự tham dự của vợ chồng vào tình yêu của Chúa Kitô; nó tương đương với chữ “như” của Thánh Gioan trong lời cầu nguyện linh mục ở Gioan 17. Nó không chỉ có nghĩa tương tự nhờ mô phỏng, mà khẳng định một tham dự thực sự của vợ chồng vào tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội (xem Vui Mừng và Hy Vọng số 48; Ánh Sáng Muôn Dân, số 11). 

Hôn nhân Kitô Giáo, vì thế, là hình ảnh và là sự tham dự vào tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Nó chỉ cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong thế giới và bản chất chân thực của Giáo Hội qua tình yêu và tính sinh hoa trái của tình yêu này nơi các người phối ngẫu, qua sự hợp nhất và lòng trung thành của họ, và qua cung cách đầy yêu thương trong đó mọi thành viên của gia đình hợp tác với nhau (VMHV, số 48). 

Thuật ngữ Giáo Hội tại gia của Vatican II nói lên cả hai nền tảng Kitô học và Giáo Hội học của hôn nhân và gia đình. Lối gọi này đòi thần học một suy tư sâu sắc hơn mới có thể bộc lộ được hết tính thích đáng và tính sinh hoa trái của hôn nhân trong toàn bộ tính bí tích của Giáo Hội. Là “dấu chỉ” và là “mầu nhiệm hiệp thông”, Giáo Hội tự phát biểu mình ra một cách đặc biệt trong cử hành Thánh Thể, vốn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Sống Lại. Giáo Hội cũng tự phát biểu mình ra trong các liên hệ có tính định chế với nhà nước, trong các hoạt động truyền giáo và bác ái và trong cuộc đấu tranh cho công lý và liên đới. Sau cùng Giáo Hội tự phát biểu mình ra qua sự hiện diện của các gia đình, vốn là các ốc đảo hiệp thông dành cho những người đang lữ hành xuyên sa mạc theo vết chân Chúa Kitô. 

Đức HY cho rằng cốt lõi, sức mạnh và vẻ đẹp của Tin Mừng gia đình chính là việc vợ chồng tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội. Tin Mừng này bắt nguồn từ Phép Rửa và khai mở qua các đặc tính tự nhiên và siêu nhiên của tình yêu phu thê: hợp nhất, trung thành, sinh hoa trái, và bất khả tiêu. 

Đức HY cho rằng tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội biểu lộ rõ nét nhất trong Bí Tích Thánh Thể. Nhưng hôn phối vốn là bí tích của Tình Yêu này nên hôn phối có một liên hệ nội tại với Phép Thánh Thể. Mỗi lần rước Thánh Thể, họ đều thưa “vâng” với Giao Ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một giao ước chứa đựng, nâng đỡ, thánh hóa và cứu vớt giao ước của vợ chồng. Họ được kêu gọi phục vụ Cuộc Tình lớn hơn cuộc tình riêng của họ, một cuộc tình hiện hữu cách huyền nhiệm trong chính họ bất chấp các thăng trầm của nhân sinh. 

Ngài cho rằng dù ơn thánh hóa đôi khi có thể vắng bóng trong cuộc gặp gỡ Thánh Thể của vợ chồng, song dây hôn phối (res et sacramentum) thì vẫn là một dữ kiện nền tảng và khách quan tiếp tục làm chứng cho lòng trung thành của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, thậm chí cả trong khi hai vợ chồng ly thân với nhau. Do đó, không thể có một cuộc hôn nhân bí tích khác cho những người ly dị ở tòa dân sự tự ý rời bỏ cuộc kết hợp thứ nhất. Việc họ có thể làm thế mâu thuẫn một cách trực tiếp với cam kết bất phản hồi của Chúa Kitô Phu Quân trong cuộc kết hợp đầu. 

Thành thử, việc hiệp thông Thánh Thể cũng bị loại trừ vì việc này trước nhất nói lên tiếng “vâng” về phần chúng ta với chứng tá của Chúa Kitô đối với tình yêu phu phụ trong tính phu thê trùm phủ của Giáo Hội. Có thể nói: một hành vi như thế trong hoàn cảnh tái hôn sẽ áp đặt lên Chúa Kitô một dấu chỉ bí tích ngược với chứng tá của riêng Người. Chính vì thế, Giáo Hội luôn duy trì một giới hạn đối với các người Công Giáo ly dị và tái hôn trong việc tham gia cử hành Thánh Thể, dù không loại họ ra khỏi cộng đồng. 

Câu hỏi liệu có nên nhân danh phương thức mục vụ canh tân dựa vào lòng thương xót để gỡ bỏ giới hạn trên chăng, thì cần phải được xem xét theo chiều kích Giáo Hội của các bí tích. Dĩ nhiên, mục tiêu của THĐ sắp tới là xem sét hoàn cảnh các gia đình ngày nay, đưa ra các định hướng mục vụ có khả năng củng cố các cặp vợ chồng vẫn trung thành dù gặp nhiều áp lực trái ngược, hàn gắn vết thương do thất bại yêu thương tạo ra, và giúp đỡ các gia đình trong các hoàn cảnh không hợp lệ nhưng vẫn ước mong có được cuộc sống ơn thánh đúng nghĩa. 

Trong số những người vừa kể, có các người ly dị và tái hôn. Đức HY cho rằng họ không ít, dù theo thống kê, con số của họ đang giảm do các diễn biến hiện nay khiến nhiều người không còn coi hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà nữa. Nhiều người khác không muốn kết hôn, chỉ sống chung với nhau. 

Do đó, theo Đức HY, phương thức mục vụ dựa trên lòng thương xót phải lưu ý trước nhất tới việc cứu người đàn ông và người đàn bà khỏi sự sợ hãi không dám tự cam kết. Chỉ có việc tân công bố Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế mới giải thoát nhân loại khỏi nỗi sợ sệt yêu thương mà thôi vì chính Đấng Hóa Công đã thiết lập tình yêu này và Đấng Cứu Thế đã phục hồi nó. Muốn thế, phải dựa vào gia bảo của Đức Gioan Phaolô II và truyền bá gia bảo này bằng một cách tiếp cận mục vụ có tính hữu cơ đối với việc khai tâm Kitô Giáo, chuẩn bị hôn nhân và việc các gia đình đồng hành. 

Riêng đối với những người ly dị và tái hôn, ta phải hoan nghênh việc họ cơỉ mở đối với con đường hồi tâm, thống hối, và tăng trưởng thiêng liêng. Tùy theo hoàn cảnh đa dạng trong đó họ không tìm được giải pháp pháp chế, ta phải giúp họ phục hồi cuộc sống kết hợp với Chúa Kitô trong các giới hạn do sự thật về bí tích của Giáo Hội đặt để. 

Đức HY nói rằng: ta phải nói đi nói lại với người ly dị tái hôn tuy hối hận về lỗi lầm của mình nhưng không thể bỏ được cuộc kết hợp mới rằng: lòng thương xót của Chúa vươn tới họ một cách mật thiết ngay trong hoàn cảnh mới của họ. Tuy nhiên, ta không thể cho phép họ làm chứng công khai bằng việc lãnh nhận Thánh Thể. Vì làm thế là ta phản bội lại sự thật vốn làm nền tảng cho tính bất khả tiêu của hôn nhân. 

Điều đáng chú ý là quan điểm sau đây của Đức HY Ouelett: việc không cho phép trên không ngăn cản lòng thương xót Chúa khỏi vươn tới tâm hồn họ. Vì ngăn cản như thế không hề tương đương với việc tuyên bố những người này đang sống trong tội trọng hay họ bị từ chối không được rước lễ vì lý do luân lý. Lý do của họ chỉ là lý do bí tích. Cuộc hôn nhân thứ hai của họ luôn là một trở ngại khách quan không cho phép họ tham dự vào sự thật trong việc làm chứng công khai tính bí tích của Chúa Kitô và của Giáo Hội. 

Theo ngài, họ có thể xin được ơn kết hợp với Chúa Kitô dù không có các dấu chỉ bí tích. Cốt lõi ơn thánh bí tích vẫn có thể thông ban cho những người này dưới hình thức “rước lễ thiêng liêng”, vốn không thay thế việc rước lễ theo bí tích, nhưng vẫn là một chiều kích của nó vì mọi cuộc rước lễ theo bí tích trước nhất phải là biểu thức của việc rước lễ thiêng liêng nghĩa là, muốn có tình trạng ơn thánh, một tình trạng mà việc Rước Lễ nuôi dưỡng và tăng cường. 

Đức HY Ouelett cho rằng phương thức mục vụ đặt trọng tâm vào lòng thương xót cần làm sáng tỏ điểm trên. Vả lại, có một nối kết giữa việc rước lễ và việc hiệp thông trong nhiệm thể Người là Giáo Hội. Ta không thể thưa “Amen” với Thân Xác Chúa Kitô được ta tiếp nhận lúc rước lễ mà đồng thời không hoan nghênh Thân Xác có tính Giáo Hội của Người, nghĩa là không yêu thương các chi thể khác của Nhiệm Thể Người. Theo cách nhìn này, tín hữu phải được giúp đỡ để biết trân qúy mọi khía cạnh của việc rước lễ, như tham dự cuộc tập họp phụng vụ, giúp họ dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô với các tín hữu khác, cũng như tình hiệp thông trong các sinh hoạt hay sáng kiến của cộng đồng đối với người nghèo. 

Ơn thánh không bị giới hạn chặt chẽ vào trật tự bí tích đối với các người không phải là Kitô hữu và các Kitô hữu khác thế nào, thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng sinh động như thế trong cuộc sống các tín hữu đang gặp trở ngại không được rước lễ. Các tín hữu này tiếp tục làm chứng cho lòng trung thành tuyệt đối của Chúa Kitô bằng chính việc tự chế không rước lễ, vì tôn kính Đấng Phu Quân Thần Thánh là Đấng không phá vỡ cuộc kết hợp thứ nhất bất chấp sự thất bại của vợ chồng. Cứ rước lễ bằng bất cứ giá nào là buộc Đấng Phu Quân Thần Thánh này dự phần vào việc làm chứng giả của ta. 

Trước khi đọc tiếp nhận định của Đức HY Ouellet, tưởng nên nhắc lại ý kiến trên đây của ngài cho rằng ngăn cấm người ly dị và tái hôn dân sự không được rước lễ không đồng nghĩa với việc tuyên bố họ mắc tội trọng. Thiển nghĩ nói như thế khiến nhiều người cho rằng: vậy thì sống trong cuộc hôn nhân bất thành thứ hai không phải là một tội trọng. Tưởng nên nói cho rõ: tuy không tuyên bố, nhưng sống như thế là một tội trọng khách quan. Chính điều sau khiến việc rước lễ của họ mâu thuẫn với yếu tính Thánh Thể, chứ không hẳn điều gì khác. 

Đến đây, dường như Đức HY Ouellet lại thêm một nhận định khác có vẻ ủng hộ nhận định của Đức HY Kasper. Ngài viết thế này: “Ngoại trừ trong một số trường hợp thực sự ngoại lệ, trong đó, ngả đường pháp chế để thừa nhận tính vô hiệu là điều bất khả, nhưng xác tín mục vụ về tính vô hiệu thì có đó, tôi không thấy lý do khiến con đường thống hối có thể mở đường cho những người đã kết hôn thành sự rồi sau đó ly dị và tái hôn được tiếp cận việc giải tội và rước lễ”. Ngài cho rằng phải do xác tín mục vụ về tính vô hiệu chứ không do thống hối, vì thống hối không thể thay đổi được hiệu quả của bí tích, tức dây hôn phối, vốn bất khả tiêu vì liên kết với chứng tá của chính Chúa Kitô. Ở phần ghi chú, Đức HY không nói rõ những trường hợp thực sự ngoại lệ này là những trường hợp nào, chỉ cho rằng còn nhiều việc phải làm mới đưa ra được các điển hình, như ấn định tiêu chuẩn và thủ tục, xác định các điều kiện và trách nhiệm cho các quyết định mục vụ này. Nhưng ngài cho rằng làm gì thì làm cũng không thể trao các quyết định này cho “tòa riêng” (private forum). 

Nói thế rồi, Đức HY Ouellet khẳng định rằng: việc mở ra phương thức mục vụ dựa trên lòng thương xót phải diễn ra trong tính liên tục của truyền thống tín lý Giáo Hội, tự nó vốn nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Dù trong khi hạn chế việc rước lễ, Giáo Hội vẫn lưu tâm tới hạnh phúc của con cái mình, nhưng hạnh phúc này không thể tìm đâu cho bằng trong sự thật của Giao Ước. Phương thức mục vụ của Giáo Hội thành hay bại là do sự thật này. 

Về khía cạnh này, Đức HY nhấn mạnh một lần nữa: Giáo Hội phải mở rộng tầm nhìn về việc rước lễ căn cứ vào tính bí tích của Giáo Hội bằng cách tái khẳng định khả thể ơn thánh chân thực dù không tham dự đầy đủ vào trật tự bí tích. Giáo Hội nên mời gọi những người đang sống trong các hoàn cảnh bất hợp lệ đừng tách mình ra khỏi cộng đồng nhưng dấn thân vào cộng đồng một cách huynh đệ và luôn nhớ rằng “đức ái che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4:8). Giáo Hội cũng cần nhắc những người này nhớ hiệp thông Thánh Thể có thể diễn ra dưới nhiều hình thức tôn sùng Thánh Thể khác nhằm nuôi dưỡng việc hiệp thông hay rước lễ thiêng liêng: rước kiệu, chầu Thánh Thể, viếng Mình Thánh v.v… Tóm lại, trong trường hợp ly dị và tái hôn, không nên dính cứng vào viễn kiến quá hẹp hòi về rước lễ. Đồng thời, tìm cách làm dễ việc giải quyết các trường hợp hôn nhân vô hiệu. 

Về việc vừa nói, Đức HY cho rằng: công việc của các tòa án hôn phối hiện chủ yếu hơn bao giờ hết. Chúng cần làm việc cách khách quan và vô tư trong một tinh thần mục vụ chân chính, luôn lưu ý tới lòng trung thành của Giáo Hội đối với mầu nhiệm Giao Ước và luật tối cao của việc cứu rỗi các linh hồn. 

Một cách cụ thể, Đức HY nhắc tới nhận định của Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới mối tương quan giữa đức tin và bí tích vì hiện nay ta gặp nhiều người tuy đã chịu phép rửa nhưng không tin. Làm sao ấn định được việc: đến mức nào, việc thiếu đức tin khiến một cuộc hôn nhân không thành sự? 

Theo giáo luật, việc khảo hạch tiền hôn nhân chú ý tới ý định của các người phối ngẫu đối với các mục đích và đặc tính của hôn nhân vốn tương ứng với các thiện ích chung thủy (fides), sinh sản (proles) và bất khả tiêu (sacramentum) theo định nghĩa của Thánh Augustionô. Bác bỏ các thiện ích này không cho phép việc cử hành bí tích; nói cách khác, không nhìn nhận các thiện ích này sẽ làm cho sự ưng thuận của hai người phối ngẫu bất thành sự vì nó không tương ứng với bản chất của khế ước hôn nhân và do đó của bí tích. Điều này được Đức Gioan Phaolô II nói rõ trong Diễn Văn với Tòa Thượng Thẩm Rôma, ngày 30 tháng 1, năm 2003. 

Đức Bênêđíctô XVI thì cho rằng tính bất khả tiêu không đòi nơi người kết ước một đức tin bản thân, chỉ cần họ có ý định “làm điều Giáo Hội làm” nhưng ta vẫn không thể tách biệt đức tin hoàn toàn ra khỏi tính bất khả tiêu như nhận định của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế năm 1977: nếu không có dấu vết chi của đức tin, người ta dám hoài nghi ý định kia và do đó không biết cuộc hôn nhân có được kết ước thành sự hay không. 

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, việc chấp nhận đức tin giúp vợ chồng có khả năng tự hiến, sống tận hiến và trung thành với nhau. Khép kín với Thiên Chúa hay bác bỏ chiều kích thánh thiêng của kết hợp vợ chồng chắc chắn gây trở ngại cho việc nhập thân mẫu mực cao cả nhất của hôn nhân vốn được Giáo Hội quan niệm theo kế hoạch Thiên Chúa, thậm chí còn có thể phá hoại tính thành sự của giao ước, nếu nó được phát biểu trong khi bác bỏ nguyên tắc sống trung thành với nhau nghĩa là một trong các yếu tố chủ chốt khác của hôn nhân. Tuy nhiên, ngài cho hay ngài chỉ nêu khía cạnh này để ta suy nghĩ thêm mà thôi (xem Diễn Văn Với Tòa Thượng Thẩm Rôma, 26 tháng 1, 2013). 

Tóm lại, Đức HY Ouellet nhấn mạnh tới việc đặt căn bản hôn nhân trên tính bí tích của Giáo Hội. Tính bí tích này được phát biểu khắp trong 7 bí tích, vì 7 bí tích này đều coi mối liên hệ giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội như một mầu nhiệm phu thê, đầy hoa trái. Giáo Hội tại gia xây dựng trên bí tích hôn phối phải được xét trong bối cảnh nền thần học cơ cấu bí tích này về Giáo Hội. Trong mọi gia đình Công Giáo, Chúa Kitô và Giáo Hội nối dài chứng tá thần linh và nhân bản về một tình yêu trung thành bất khả tiêu và đầy hoa trái. Các yếu đuối, các lỗi lầm và các thất bại của một số cặp hôn nhân ngày nay càng là một lý do khiến ta công bố như mới Tin Mừng gia đình và đưa ra một phương thức mục vụ dựa vào lòng nhân hậu để đem lại bình an, hòa giải và nhiều phương thuốc khác cho mọi gia đình. 

Còn 1 kỳ

Vũ Văn An10/2/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét