Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Phúc Trình của Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt về Gia Ðình (1-11)

Phúc Trình của
Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt về Gia Ðình


Phúc Trình của Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt về Gia Ðình.
Roma (VietCatholic News 31-10-2014) - Trái với việc công bố, cùng một lúc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bản phúc trình giữa khóa, bản phúc trình sau cùng, tức bản phúc trình của Thượng Hội Ðồng (Relatio Synodi) đã chỉ được công bố bằng tiếng Ý và gần hai tuần sau, tức ngày 30 tháng Mười hôm nay, mới có bản tiếng Anh chính thức. Chúng tôi xin dựa vào bản này để chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Dẫn Nhập
1. Thượng Hội Ðồng giám mục, tụ họp quanh Ðức Thánh Cha, đã hướng suy nghĩ của mình vào mọi gia đình trên thế giới, từng gia đình với những niềm vui, các khó khăn và niềm hy vọng của họ. Một cách đặc biệt, cuộc Hội Họp này cảm thấy có bổn phận phải tạ ơn Chúa về lòng quảng đại và trung thành của biết bao gia đình Kitô Giáo trong việc đáp lại ơn gọi và sứ mệnh của họ, những việc họ chu toàn một cách đầy vui tươi và đức tin, cho dù việc sống như một gia đình đòi họ phải đối diện với nhiều trở ngại, hiểu lầm và đau khổ. Toàn bộ Giáo Hội và Thượng Hội Ðồng này bày tỏ với các gia đình này lòng qúy mến, biết ơn và khích lệ của chúng tôi. Trong buổi canh thức cầu nguyện tổ chức tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đêm 4 tháng Mười năm 2014 để chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đơn sơ và cụ thể nhắc nhớ tính trung tâm [của kinh nghiệm] gia đình trong đời sống mọi người như sau: "Màn đêm đang buông xuống cuộc tụ họp của chúng ta. Ðây là thời khắc người ta mau mắn trở về nhà để gặp lại tại cùng một bàn ăn, với lòng tràn đầy âu yếm, những điều tốt lành đã được thực hiện và lãnh nhận, những gặp gỡ làm ấm lòng và giúp nó phát triển, ly rượu ngon giục ta mau mắn tham dự tiệc tùng bất tận của đời người. Ðây cũng là thời khắc nặng nề nhất để con người thấy mình diện đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, trong cái tranh tối tranh sáng đắng đót của những giấc mộng tan tành và nhiều kế hoạch không thành; biết bao con người lê bước qua ngày trong ngõ cụt tăm tối của buông xuôi, bỏ rơi, ngay cả hận thù: trong biết bao căn hộ, rượu hân hoan mỗi ngày một ít đi, và do đó, cả lòng say mê sống nữa, vốn là đức khôn ngoan [#]. Ta hãy làm cho lời cầu nguyện của ta được lắng nghe, lời cầu nguyện cho nhau vào buổi tối hôm nay, lời cầu nguyện cho mọi người".
2. Bên trong bức tường gia đình, có niềm vui và thử thách, có yêu thương và liên hệ sâu sắc, những yêu thương và liên hệ đôi lúc bị tổn thương. Gia đình quả là "trường của nhân loại" (Gaudium et Spes, 52), rất cần thiết cho ngày nay. Bất chấp nhiều dấu hiệu khủng hoảng trong định chế gia đình tại nhiều khu vực khác nhau của "căn làng hoàn cầu", ước muốn kết hôn và tạo lập gia đình vẫn rất mạnh mẽ, nhất là nơi người trẻ, và là căn bản để Giáo Hội cần phải công bố "Tin Mừng Gia Ðình" một cách không mệt mỏi và với một xác tín thâm hậu, một Tin Mừng vốn được ủy thác cho Giáo Hội cùng lúc với việc Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Người nơi Chúa Giêsu Kitô, và không ngừng được giảng dạy bởi các Giáo Phụ, các bậc thầy linh đạo và huấn quyền Giáo Hội. Gia đình là điều quan trọng một cách độc đáo đối với Giáo Hội và vào lúc này, khi mọi tín hữu đều được mời gọi nghĩ tới người khác hơn là nghĩ tới mình, gia đình cần được tái khám phá như là tác nhân chủ yếu trong công trình phúc âm hóa.
3. Tại Phiên Họp Toàn Thể Ðặc Biệt hồi tháng Mười, năm 2014, Giám Mục Rôma đã kêu gọi Thượng Hội Ðồng Giám Mục suy nghĩ về thực tại nguy cấp và vô giá là gia đình, một suy nghĩ sau đó sẽ được theo đuổi sâu sắc hơn tại Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ dự tính diễn ra vào tháng Mười, năm 2015, cũng như trong suốt cả năm giữa hai Thượng Hội Ðồng này. "Việc convenire in unum (tụ họp làm một) quanh Giám Mục Rôma vốn đã là một một biến cố của ơn thánh, trong đó, tình hợp đoàn giám mục được làm cho hiển hiện qua con đường biện phân thiêng liêng và mục vụ". Ðó chính là lời lẽ được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng để mô tả kinh nghiệm Thượng Hội Ðồng và chỉ ra nhiệm vụ hiện nay: đọc được cả các dấu chỉ của Thiên Chúa và lịch sử con người, trong lòng trung thành hai mặt nhưng vẫn độc đáo do việc đọc này mang theo.
4. Với những lời lẽ trên trong tâm trí, chúng tôi đã thu lượm lại với nhau các kết quả suy nghĩ và thảo luận của chúng tôi trong ba phần sau đây: lắng nghe, xem xét tình thế gia đình hiện nay trong mọi nét phức tạp của nó, cả điểm sáng lẫn điểm tối; nhìn xem, bằng cái nhìn dán mắt vào Chúa Kitô để tái lượng giá, một cách tươi mát và phấn khởi như mới, những điều mạc khải, vốn được lưu truyền trong đức tin của Giáo Hội, vốn dạy chúng ta về vẻ đẹp và phẩm giá của gia đình; và đối diện với tình thế,bằng con mắt của chính Chúa Giêsu, để biện phân cách Giáo Hội và xã hội làm thế nào đổi mới được cam kết của mình với gia đình.
Phần I
Lắng nghe: bối cảnh và các thách đố của gia đình
Bối cảnh văn hóa xã hội
5. Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng tôi xem xét thực tại gia đình trong mọi tính phức tạp của nó với cả các điểm sáng lẫn các điểm tối của nó. Chúng tôi hướng các suy nghĩ của mình vào cha mẹ, ông bà, anh chị em, các thân nhân xa gần và mối liên kết giữa hai gia đình do hôn nhân tạo ra. Các thay đổi về nhân học và văn hóa thời ta đã ảnh hưởng tới mọi khía cạnh sự sống và đòi hỏi một cách tiếp cận có tính phân tích và đa dạng hóa. Các khía cạnh tích cực được làm nổi bật trước nhất, tức tự do phát biểu nhiều hơn, nhìn nhận quyền lợi phụ nữ và trẻ em nhiều hơn, ít nhất tại một số khu vực trên thế giới. Ðàng khác, cũng cần phải quan tâm giống như thế đối với nguy cơ do chủ nghĩa cá nhân gây rối đem lại, một chủ nghĩa làm méo mó các dây nối kết gia đình và kết cục coi mỗi thành phần trong gia đình như một đơn vị cô lập; trong một số trường hợp, còn dẫn tới ý niệm cho rằng con người được đào tạo theo các thèm muốn riêng của mình, những thèm muốn họ cho là tuyệt đối. Thêm vào đó, còn là cuộc khủng hoảng đức tin, được chứng kiến nơi rất nhiều người Công Giáo, một cuộc khủng hoảng thường nằm bên dưới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình.
6. Một trong các khía cạnh nghèo nàn nhất của nền văn hóa hiện thời là nỗi cô đơn, phát sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống con người và tính mỏng dòn dễ vỡ của các mối liên hệ. Một cách tổng quát, người ta cũng cảm thấy bất lực trước các thực tại văn hóa xã hội; các thực tại này đôi khi kết cục ở chỗ đè bẹp các gia đình. Ðó là trường hợp gia tăng các hoàn cảnh nghèo đói và thất nghiệp, những hoàn cảnh đôi lúc trở thành ác mộng, hay trường hợp khó khăn tràn ngập về tài chánh khiến người trẻ không dám kết hôn. Các gia đình thường cảm thấy bị bỏ rơi do việc các định chế không thấy thích thú hay không lưu ý gì tới họ nữa. Tác động tiêu cực đối với việc tổ chức xã hội rất rõ ràng, như ai cũng thấy trong cuộc khủng hoảng dân số, trong việc khó khăn dưỡng dục con cái, trong việc do dự không dám chào đón sự sống mới và trong việc coi sự hiện diện của người cao niên như một gánh nặng. Tất cả các điều này có thể ảnh hưởng tới sự cân bằng về xúc cảm của người ta, một điều đôi khi dẫn tới bạo động. Nhà Nước có trách nhiệm phải thông qua các đạo luật và tạo công ăn việc làm để đảm bảo tương lai cho người trẻ và giúp họ thể hiện được kế hoạch tạo lập gia đình của họ.
7. Một số bối cảnh văn hóa và tôn giáo đặt ra nhiều thách đố đặc thù. Tại một số nơi, đa hôn vẫn còn được thực hành và tại những nơi có truyền thống lâu đời, vẫn còn có thói quen "kết hôn từng giai đoạn". Tại những nơi khác, "các cuộc hôn nhân sắp đặt" vẫn là một thực hành lâu đời. Tại các quốc gia mà Ðạo Công Giáo là thiểu số, nhiều cuộc kết hôn hỗn hợp và liên tôn đã diễn ra, tất cả đều có những khó khăn nội tại về phương diện pháp chế, Phép Rửa, dưỡng dục con cái và hỗ tương tôn trọng tự do tôn giáo của nhau, ấy là chưa kể tới nguy cơ của chủ nghĩa duy tương đối hay dửng dưng bất cần. Nhưng cùng một lúc, các cuộc hôn nhân này có thể cho thấy những tiềm năng lớn lao khuyến khích tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn trong việc sống hài hoà giữa các tôn giáo khác nhau trong cùng một nơi chốn. Cả ở bên ngoài các xã hội Tây Phương, nhiều nơi cũng đang chứng kiến hiện tượng gia tăng tổng quát thói quen sống chung trước hôn nhân hoặc chỉ sống chung với nhau không hề có ý định tạo lập mối liên hệ gắn bó theo luật.
8. Nhiều trẻ em sinh ra ở bên ngoài hôn nhân, rất nhiều tại môt số quốc gia, nhiều em sau đó lớn lên chỉ có một cha hoặc mẹ đơn lẻ hay trong các gia đình hỗn hợp (blended or reconstituted). Con số ly dị gia tăng, nhiều khi xẩy ra chỉ vì các lý do kinh tế. Ðôi khi con cái là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa cha mẹ và trở thành nạn nhân thực sự của các vụ tan vỡ gia đình. Các người cha, thường vắng nhà, không nguyên bởi lý do kinh tế, cần lãnh trách nhiệm cách rõ ràng hơn đối với con cái và gia đình. Phẩm giá người phụ nữ vẫn còn cần được bảo vệ và cổ xúy. Trên thực tế, ngày nay, tại nhiều nơi, chỉ cần là đàn bà cũng đã là nguồn để bị kỳ thị rồi và hồng phúc làm mẹ đôi khi bị trừng phạt, hơn là qúy trọng. Người ta cũng không nên quên việc gia tăng bạo lực đối với phụ nữ, trong đó, bất hạnh thay, họ trở thành nạn nhân ngay trong gia đình và do kết quả của thói quen trầm trọng và phổ biến là cắt bỏ bộ phận sinh dục tại một số nền văn hóa. Việc khai thác tình dục trẻ em vẫn còn là một thực tại khác đầy tai tiếng và xấu xa trong xã hội hiện nay. Các xã hội nổi tiếng bạo động do chiến tranh, nạn khủng bố và sự hiện diện của tội ác có tổ chức gây ra đang chứng kiến cảnh sa sút của gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, tại những khu ngoại vi của chúng, hiện tượng gọi là "trẻ đường phố" đang gia tăng. Ngoài ra, di dân cũng là một dấu chỉ khác của thời đại mà ta cần phải giáp mặt và hiểu nó về phương diện hậu quả nặng nề gây ra cho đời sống gia đình.
Sự quan trọng của cảm giới (affectivity) trong cuộc sống
9. Ðứng trước tình huống xã hội nói trên,tại nhiều nơi trên thế giới, người ta đang cảm thấy có nhu cầu lớn lao phải chăm sóc chính mình, phải biết mình nhiều hơn, phải sống hoà hợp hơn với các cảm xúc và các tình cảm của mình và tìm cách sống cảm giới của mình cách tốt nhất bao nhiêu có thể. Những khát vọng thích đáng này có thể dẫn họ tới chỗ ước muốn đưa ra nhiều cố gắng lớn lao hơn để xây dựng cho bằng được các mối liên hệ tự hiến và hỗ tương đầy sáng tạo, đem lại sức mạnh và hỗ trợ như các mối liên hệ bên trong gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ nghĩa cá nhân và chỉ muốn sống cho chính mình mà thôi quả là một nguy hiểm thực sự. Thách đố của Giáo Hội là trợ giúp các cặp vợ chồng trong diễn trình chín mùi và phát triển cảm giới của họ bằng cách cổ vũ đối thoại, nhân đức và tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Cam kết trọn vẹn mà hôn nhân đòi hỏi có thể là đối cực mạnh mẽ đối với cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy cá nhân đầy vị kỷ.
10. Các xu hướng văn hóa trên thế giới ngày nay xem ra không đặt bất cứ giới hạn nào đối với cảm giới của người ta, trong đó, họ thấy cần phải thăm dò mọi khía cạnh, ngay các khía cạnh phức tạp nhất. Thực thế, ngày nay, cảm giới của người ta rất mỏng dòn dễ vỡ; cảm giới tự yêu mình thái quá (narcissistic), đầy bất ổn và dễ thay đổi không luôn luôn giúp họ lớn lên tới chỗ trưởng thành. Ðáng âu lo một cách đặc biệt là việc phát tán nạn khiêu dâm và việc thương mãi hóa thân xác con người, còn được cả việc lạm dụng internet và nhiều tình thế đáng chê trách khác cổ vũ nữa trong đó người ta bó buộc phải làm điếm. Trong bối cảnh này, các cặp vợ chồng phân vân, do dự và mò mẫm tìm nhiều cách lớn lên. Nhiều người có khuynh hướng nằm lại ở các giai đoạn ban đầu của đời sống cảm giới và tính dục. Bất cứ khủng hoảng nào trong mối liên hệ cũng làm gia đình bất ổn và qua việc ly thân và ly dị, có thể dẫn tới những hậu quả trầm trọng cho người lớn, trẻ em và toàn thể xã hội, làm các mối liên kết cá nhân và xã hội yếu đi. Việc giảm sút dân số, do não trạng không muốn có con và do các nền chính trị trên thế giới ngày nay cổ vũ sự lành mạnh về sinh sản, tạo nên không những một tình huống trong đó mối liên hệ giữa các thế hệ không còn được bảo đảm mà còn cả mối nguy này nữa: với thời gian, sự giảm sút này sẽ dẫn tới cảnh nghèo kinh tế và mất hết hy vọng vào tương lai.
Các thách đố mục vụ
11. Về phương diện này, Giáo Hội biết mình phải đưa ra những lời hy vọng có ý nghĩa đặc biệt, dựa trên xác tín này: con người nhân bản phát xuất từ Thiên Chúa, và do đó, bất cứ việc xét lại nào đối với vấn đề lớn lao về ý nghĩa của nhân sinh phải đáp ứng được các chờ mong sâu sắc nhất của nhân loại. Các giá trị lớn lao của hôn nhân và gia đình Kytô Giáo đều tương hợp với cuộc tìm kiếm vốn là đặc điểm của nhân sinh, ngay trong thời đại của chủ nghĩa duy cá nhân và duy hưởng lạc này. Người ta cần được chấp nhận trong các hoàn cảnh sống cụ thể của họ. Ta cần biết cách trợ giúp họ trong cuộc tìm kiếm của họ và khuyến khích họ trong niềm khát khao Thiên Chúa của họ và trong hoài mong cảm nhận được họ là thành phần trọn vẹn của Giáo Hội, bao gồm cả những ai đang trải nghiệm thất bại và thấy mình vướng vào các tình huống dị biệt. Sứ điệp Kitô Giáo luôn chứa đựng trong nó thực tại và năng động tính xót thương và sự thật mà ta luôn tìm gặp nơi Chúa Kitô.
(Còn tiếp)

Vũ Văn An



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét