Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

14-12-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG năm B

14/12/2014
Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
(phần I)


Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11
"Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54
Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).
Xướng: 1) Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước. - Ðáp.
2) Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. - Ðáp.
3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24
"Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến".
Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.
Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)
Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28
"Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". - "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải".
Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo".
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Niềm Vui
"Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Ðức Kitô.
Anh em đứng dập tắt tác động của Thánh Thần" (1Thes 5,16-17).
Lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalônikê ngày xưa, hôm nay Giáo hội lại công bố với chúng ta trong ngày Chúa nhật thứ III mùa Vọng này.
Trong lúc chờ đợi Ðức Kitô đến, chúng ta phải tỉnh thức, phải lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi. Chính tiếng Người đem lại niềm vui cho ta, như Yoan Tẩy giả đã làm chứng, khi ông nói về vai trò tiền hô của mình đối với Ðấng Cứu thế.
"Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài.
Niềm vui của tôi đã sung mãn.
Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi"
(Gioan 3,29-30)

1. Giáo Hội Kêu Gọi Chúng Ta Vui Lên. Nhưng Thế Nào Là Vui?
Theo kinh nghiệm thông thường, vui là khi một ước vọng của ta được toại nguyện; khi ta thành công trong một nỗ lực hoặc một dự tính; khi quyền lợi của ta bị tước đoạt mà nay được phục hồi; và vui nhất là khi ta được gặp lại những người thân yêu sau một thời gian xa vắng. Tắt một lời, ta vui khi lòng ta đang trống mà được lấp đầy.

2. Niềm Vui, Theo Nghĩa Thánh Kinh, Chính Trị Là Trạng Thái Của Con Người Ðược Thiên Chúa Ðổ Ðầy Thánh Thần
Bài sách Isaia hôm nay (Is 61,1-2a.10-11) phác họa cho ta hình ảnh Ðấng Thiên Sai được Thánh Thần xức cho dầu hoan lạc:
"Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi... Ngài sai tôi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".
Năm hồng ân trong Cựu Ước - mà Năm Thánh là điệp ảnh - quả là một sáng kiến độc đáo Thiên Chúa đề ra cho Dân Ngài. Nó là khoảng thời gian đặc biệt nhắc cho mọi người nhớ rằng: tất cả những gì mình có đều là do Thiên Chúa ban, và mọi người phải nghĩ đến quyền lợi của kẻ khác: bởi vì mọi người đều có quyền sống tự do và hưởng dùng tài nguyên trên mặt đất. Năm hồng ân làm nổi bật, nguyên tắc công bằng và quyền bình đẳng của mọi người trước mặt Thiên Chúa (Lêvi 25,1-55).
Mở đầu cuộc đời công khai, Ðức Yêsu đã đọc cho mọi người nghe đoạn sách Isaia trên đây trong hội đường Nadarét. Và Ngài kết luận: "Hôm nay, đoạn sách thánh ấy đã thực sự ứng nghiệm cho anh em" (Lc 4,16-21). Và như thế, Ngài nhận lấy sứ mạng "loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ, băng bó vết thương cho những tấm lòng tan nát, công bố ân xá cho những kẻ bị tù đày, trả tự do cho những người bị áp bức" (Is 61,1-2; cf Lc 4,18-19).
Ðó là những quyền căn bản của con người: quyền được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và được tôn trọng, quyền được hưởng niềm vui làm người tự do và bình đẳng.
Nhưng hơn thế nữa, sứ mạng cứu thế của Ðức Yêsu Kitô còn nhằm biến đổi mọi người trở thành con cái Thiên Chúa. Ðiều quan trọng hơn cả trong Tin Mừng Ngài mang đến cho chúng ta là Thiên Chúa muốn sống giữa loài người liên đới với nhau như một cộng đoàn hợp nhất, thánh thiện và hòa bình. Sứ điệp đó thúc đẩy chúng ta nỗ lực xây dựng Nước Trời trong một xã hội công bình và huynh đệ, ở đó mọi thành phần đều được Thần Khí thánh hóa và quy tụ quanh Ðức Yêsu Kitô, để cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha (Gal 3,16; Rm 8,14-17). Bài sách Isaia loan báo Thiên Chúa sẽ khoác cho dân Ngài một áo choàng công chính và cứu độ (Is 61,10) mà thánh Phaolô họa lại bằng lời nguyện cầu "xin Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em" (1Thes 5,23).
Niềm vui Ðức Yêsu Kitô mang tới cho ta, chính là niềm vui của người tự do được làm con Thiên Chúa.

3. Sứ Ðiệp Tin Mừng Là Thế - Sứ Ðiệp Ðấng Thiên Sai Là Thế
Nhưng người Kitô hữu chúng ta phải làm gì để nhận được niềm vui đó? Thánh Phaolô trả lời: "Anh em đừng dập tắt tác động của Thánh Linh" (1Thes 5,19) vì chính Thánh Thần làm nảy sinh mọi sự tốt đẹp, mọi hoa quả nhân đức "bác ái, hoan lạc, bình an, cao thượng, tận tâm, nhân từ, tín thác, hiền lành, tự chủ" (Gal 5,22-23), và "đâu có Thánh Thần, đấy có tự do" (2Co 3,7). Ðặc điểm của thời đại Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa phủ đầy Thần Khí trên nhân loại, làm cho mọi tâm hồn chan chứa niềm vui: niềm vui được Thiên Chúa viếng thăm, được Ngài chúc phúc và ban ơn cứu độ.
Nhưng hạng người được Thiên Chúa ưu tiên viếng thăm là những người nghèo (xem Lc 2,24). Họ được, Ngài chúc lành (Lc 6,20; Mt 5,3) và Tin Mừng cũng được loan báo trước tiên cho họ (Lc 4,18). Họ được Thiên Chúa ban đầy hồng ân, vì lòng họ sẵn sàng và khiêm tốn đón nhận. Những người tiếp xúc với Ðức Yêsu thuở Ngài còn thơ ấu; cũng như khi Ngài hoạt động công khai đều là những con người nghèo hèn bé mọn của Yavê: Yacaria, Isave, Maria, Yuse, đám mục đồng, Simêon, Anna, Yoan Tiền hô, nhóm môn đệ và đoàn dân nghèo theo Ngài để đi giảng. Ðó là một xã hội nghèo của Ngài và từ đó phải trở thành Giáo hội của người nghèo; một Giáo hội nhẹ lòng với của cải trần gian, ít bận tâm về những điều vật chất, để được thanh thoát và mở rộng tâm hồn đón nhận tác động của Thần Khí Thiên Chúa biến đổi họ thành những con người tự do.
Hai tâm hồn tiêu biểu nhất trong mùa Vọng là Trinh Nữ Maria và Yoan Tẩy giả. Họ đều nghèo nhưng cả hai đều tràn đầy Thánh Thần và vì thế, lòng các ngài chan chứa niềm vui. Riêng niềm vui của Ðấng Tiền hô thật là sung mãn: bởi đã nghe tiếng Chúa Cứu Thế, được làm người dọn đường cho Ngài, để chỉ Ngài cho thiên hạ thấy, rồi vui vẻ rút lui vào bóng tối; chấp nhận nhỏ dần đi để Ngài được lớn lên (Gioan 3,29-30).
Người Kitô hữu cũng phải mang đầy niềm vui như Yoan Tiền hô, một niềm vui thâm thúy của con người ý thức trách nhiệm, trung thành chu toàn sứ mạng, đúng như ơn gọi Thiên Chúa đã dành cho.
Mà ơn gọi và sứ mạng đều phát xuất từ Thiên Chúa. Nhưng để sống đến cùng những đòi hỏi của ơn gọi mình, người Kitô hữu cũng phải như Ðức Trinh Nữ Maria kết hiệp mật thiết với Ðấng Cứu Thế. Bởi vậy, khi kêu gọi ta vui lên, thánh Phaolô cũng nói thêm: "Anh em hãy cầu nguyện không ngừng" (1Thes 5,16).
Ðó là điều kiện cần thiết mang lại niềm vui sâu xa cho tâm hồn con người tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa. Và ai có những lần đã thực sự cầu nguyện, thì cũng đã cảm nghiệm được niềm vui thiêng liêng, niềm vui của người Kitô hữu.

Bài Giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
Thấy Yoan xuất hiện, dân Dothái ngày xưa đã hân hoan rồi. Nhưng khi nghe Yoan tuyên bố: sắp có Ðấng cao trọng hơn ông đến, họ còn vui mừng hơn nữa. Vì thế, Chúa nhật thứ ba mùa Vọng là Chúa nhật hân hoan vui mừng.
Chúng ta hãy vui mừng, không phải chỉ vì đang được nghe lại tiếng kêu của Yoan. Ngày xưa dân Dothái đã hân hoan khi thấy Yoan xuất hiện. Tên ông đã gợi lên niềm tin rồi, vì Yoan có nghĩa là "Thiên Chúa đoái thương". Ngài không còn ngoảnh mặt đi nữa, nhưng đã bắt đầu nhìn lại Dân Ngài, để ra tay cứu độ. Và quả thật, đang có nhiều hy vọng vươn lên. Người ta tuôn đến nghe Yoan giảng; người ta chen nhau lội xuống nước, thú nhận tội mình, để được ông rửa cho. Yoan này thật là vị tiên tri vĩ đại. Chúa gửi người đến cho dân, để sửa soạn gì đây. Dân Chúa cảm thấy phấn khởi vì sự hiện diện của Yoan Tẩy giả, với phong trào đạo đức mà ông đang khơi động.
Ngày nay chúng ta cũng có thể phần nào vui lên như thế. Ở trong Giáo hội toàn cầu cũng như ở nơi Giáo hội Việt Nam đang nổi lên biết bao phong trào đạo đức. Người ta đi lễ nhiều hơn trước, rước lễ đông hơn trước, say sưa học giáo lý và dường như thấy rõ niềm tin lúc này là nguồn an ủi sâu xa hơn khi nào khác. Ở nhiều nơi, người ta còn được chứng kiến nhiều buổi cầu nguyện Thánh Linh nữa. Các phong trào đạo đức đó như đang làm cho bộ mặt Giáo hội sáng ngời lên, khiến nhiều người có thể hân hoan nghĩ rằng: tất cả những gì đang xảy ra có thể là cơ hội thanh tẩy Giáo hội và giúp Giáo hội vươn lên trong sự công chính và thánh thiện thật.
Nhưng cũng như dân Dothái ngày xưa, chúng ta đừng chỉ vui với chừng ấy. Ngày xưa khi thấy Yoan xuất hiện, dân Chúa như đã muốn vui luôn trong ánh sáng của người. Nhưng Phúc Âm hôm nay cho ta thấy: Yoan bảo dân chúng phải nhìn xa hơn nữa. Ông chỉ rửa trong nước thôi; sắp có Ðấng đến sau để rửa dân trong Thánh Thần. Chính Ngài mới là Ðấng Kitô Cứu Thế và ông không đáng cởi dây giày cho Ngài... Chúng ta ngày nay cũng phải cẩn thận, đừng dừng lại ở những hiện tượng lạc quan như trên đã nói. Phải đi sâu hơn, xa hơn. Phải vượt qua mọi hình thức, cho dù rất đạo đức, để tìm gặp chính Chúa Kitô. Nhiều người trong ta có lẽ còn giống nhóm Biệt phái và Dothái. Các nhóm này, ngày xưa, chỉ muốn dừng lại ở Yoan, ngưỡng mộ ông và coi ông như Cứu Thế. Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng thường chỉ muốn dừng lại ở những cái thấy được, ở các buổi phụng vụ sốt sắng và các buổi cầu nguyện sầm uất. Học giáo lý để thuộc chứa không để sống! Rước lễ để sốt sắng trong nhà thờ chứ không để thêm sức sống đạo ở giữa đời! Hôm nay, phụng vụ của Giáo hội thúc giục ta phải đi xa hơn, vượt qua những hành vi và tổ chức đạo đức, để gặp Chúa Kitô và sống với Ngài.
Chúa Kitô, theo bài đọc I hôm nay, là sứ giả của Thiên Chúa sai xuống trần gian. Ngài được xức dầu Thánh Thần, rồi được sai đem Tin Mừng cho người nghèo khó; và công bố khắp nơi năm hồng ân của Thiên Chúa... Ngày nay, Chúa cũng đang muốn tìm được những sứ giả như vậy ở giữa chúng ta. Ngài muốn cho cả Giáo hội của Ngài được xức dầu hoan lạc để luôn luôn công bố cho mọi người biết Tin Mừng Chúa đến cứu độ trần gian. Ngài muốn cứu mọi người từ tận căn, tận rễ, từ những người đang nghèo khổ, bất cứ về phương diện nào, để đời sống trở thành như năm hồng ân của Thiên Chúa.
Như vậy, tinh thần của ngày Chúa nhật hôm nay, đòi ta phải lột bỏ mọi vẻ mặt sầu bi, thiểu não. Phải đuổi xa mọi tâm tư hắc ám và buồn nản. Phải giải tỏa mọi nỗi lòng đau khổ và tội lỗi. Xưng tội từ hôm nay để tham dự vào mầu nhiệm Giáng sinh không phải là quá sớm đâu. Phải như mặc lấy áo phần rỗi và công chính để hoan hỷ đem tin vui đến cho mọi người.
Và tin vui của Ðức Kitô là gì?
Như lời sách Isaia viết: Ngài muốn "đem hân hoan đến cho người nghèo, băng bó những tâm hồn đang đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ lưu đày". Ngài muốn nhờ ta bây giờ làm những công việc ấy, để khắp nơi nổi lên một bầu khí hân hoan như được hồng ân của Chúa viếng thăm.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng vạch ra cho ta con đường thực tế để sống đạo theo tinh thần nói trên. Ngài bảo ta trước hết phải lạc quan: "Anh em hãy vui mừng luôn". Rồi hãy có tinh thần cầu nguyện để nhìn thấy thánh ý Chúa trong mọi việc. Ðừng dập tắt Thánh Thần của Chúa, đừng làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa hằng vang lên trong mọi sự xảy đến hằng ngày cho ta, hãy duyệt lại tất cả: bỏ cái xấu đi, và giữ lấy cùng phát triển mọi điều tốt gặp được.
Như vậy chúng ta sẽ đi vào đường lối của Ðức Kitô, sẽ sống như Ngài trong cuộc đời trần gian: Ngài đã mặc lấy thân phận y hệt như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra, gạt bỏ điều xấu, xây dựng điều lành. Ngài cứ nhìn vào những người nghèo khó và khổ sở ở đời để tìm cách kéo gỡ họ ra khỏi thân phận đau thương. Chính vì vậy Ngài đã trở thành Cứu thế và ban ơn Cứu độ.
Giờ đây trên bàn thờ Ngài muốn cử hành mầu nhiệm cứu độ đó ở trước mắt chúng ta, để kêu gọi chúng ta đi vào, dâng mình kết hợp với Ngài, hầu Ngài có thể ngự vào lòng ta để tiếp tục làm những hành vi cứu độ trong đời sống và qua đời sống của ta. Ta hãy nhiệt tâm đi vào mầu nhiệm thánh lễ này.

Ðức Yêsu Là Người Thực
Tôi dám nói rằng: Nếu tôi không nhận biết Chúa Kitô thì đối với tôi, "Thượng đế" sẽ là một danh từ vô nghĩa. Nếu không có ơn rất đặc biệt tôi sẽ không thể mường tượng một hữu thể vô hạn. Thiên Chúa của các triết gia và những nhà bác học sẽ không giữ vai trò nào trong đời sống luân lý của tôi. Thiên Chúa đã phải hạ mình xuống trong nhân loại, và trong một giờ khắc rõ rệt của lịch sử, tại một địa điểm xác định trên địa cầu, một người được tạo nên bằng huyết nhục, đã phải tuyên bố mấy lời và làm một vài cử chỉ thì tôi mới quỳ gối thờ lạy. Nếu Chúa Kitô đã không phán: "Lạy Cha chúng con..." thì không bao giờ tự mình tôi có ý niệm về tình nghĩa tử này. Lời kêu cầu ấy đã không khi nào tự đáy lòng tôi thốt ra trên môi. Tôi chỉ tin cái gì tôi đụng chạm và nom thấy, cái gì sát nhập vào bản thể tôi. Và chính vì thế, tôi đã tin Chúa Kitô. Tất cả những khuynh hướng muốn giảm bớt thân phận con người nơi Chúa Kitô sẽ đi ngược với một ý hướng sâu thẳm nhất của tôi. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn không thích nhìn dung nhan Chúa Kitô Vua và Ðấng Thiên Sai toàn thắng bằng hình ảnh khiêm tốn và tiều tụy của Con Người mà qua việc bẻ bánh trong quán trọ làng Emmau các lữ khách đã nhận ra. Người là người anh mang đầy thương tích và là Thiên Chúa của chúng ta.
Francois Mauriac Vie De Jésus

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B
Bài đọc: Isa 61:1-2, 10-11; I Thes 5:16-24; Jn 1:6-8, 19-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vui mừng lên!
Tại sao phải vui mừng? Con người vui mừng vì nhiều lý do: Có thể vui mừng vì đạt được những gì mình hy vọng như: học sinh ra trường, nhà nông thu họach mùa màng, mục đồng được báo tin vui Đấng Cứu Thế đã ra đời, Ba Vua đi tìm và được gặp Đấng Cứu Thế. Có thể vui mừng vì tìm lại được những gì đánh mất như: tình yêu, sức khỏe, mù được thấy, qùe được đi, câm được nói. Có thể vui mừng vì làm được những gì mình đã không thể làm: như người đàn bà mang thai và có con trong lúc tuổi già, linh mục có quyền trừ quỉ và tha tội.
Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Vọng xoay quanh chủ đề “Hãy vui mừng lên,” vì Đấng Cứu Thế sắp tới; Ngài mang theo tất cả những gì con người đang thiếu thốn và mong đợi. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah kêu gọi dân Do-Thái hãy vui mừng lên vì Năm Tòan Xá sắp tới, niềm vui vì sắp hết Thời Lưu Đày (50 năm, từ 587 BC đến 538 BC). Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô không những kêu gọi các tín hữu vui mừng lên, mà còn phải vui mừng luôn mãi. Lý do là vì Ngày Chúa Quang Lâm sắp tới; và mọi người sẽ được nhìn thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả báo cho dân biết Đấng Cứu Thế đã xuống và ở giữa con người; nếu họ đi tìm thì họ sẽ gặp Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tuyên bố Năm Hồng Ân (hay còn gọi là Năm Tòan Xá)
1.1/ Năm Tòan Xá: Để hiểu những gì Tiên Tri Isaiah nói tới hôm nay, chúng ta cần hiểu về Năm Tòan Xá. Theo truyền thống Do-Thái, cứ 50 năm một lần, con người có quyền làm lại từ đầu. Trong năm này, ruộng vườn nhà cửa được trả lại cho người bán, ân xá hay gỉam án cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, nô lệ. Nói tóm, Năm Tòan Xá là năm mà mọi tội lỗi hay nợ nần được tha, để tất cả mọi người có thể làm lại cuộc đời (x/c Lev 25:8-55, Isa 49:8-26). Sở dĩ có năm này là vì Thiên Chúa yêu thương con người; Ngài không muốn tội lỗi và hậu quả của nó đè bẹp con người, nhưng cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời.
1.2/ Tiên Tri Isaiah loan báo Năm Hồng Ân: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, một Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than.” Nếu so sánh những lời Tiên Tri nói tới trong đọan văn này, với những gì được mô tả ở trên về Năm Tòan Xá, chúng ta có thể nhìn thấy những điều giống nhau như: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, yên ủi mọi kẻ khóc than, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một Năm Hồng Ân của Đức Chúa, công bố Ngày Tòan Thắng của Thiên Chúa chúng ta.
Hơn nữa, đọan văn này là chương 61 của Sách Tiên Tri Isaiah III, gồm các chương từ 60 tới 66. Sách Isaiah III được viết sau Thời Lưu Đày; và Thời Lưu Đày được kéo dài đúng 50 năm (587-538 BC). Một số chi tiết quan trọng trong đọan văn cần được lưu ý:
- Thánh Thần được đề cập thường xuyên, bắt đầu chương 60, nhưng đã được hứa trước trong (Isa 11:1-2). Sự hiện diện của Thánh Thần bắt đầu triều đại Đấng Cứu Thế. Sau này, tất cả mọi người thuộc về Đấng Cứu Thế, sẽ được hưởng Thánh Thần (x/c Joel 2:28).
- Ai là người được xức dầu tấn phong? Theo truyền thống Isaiah (Isa 40:11, 54:1-17, 55:3), người được xức dầu tấn phong bởi Thánh Thần chính là Người Tôi Tớ của Yahveh, Đấng Cứu Thế!
- Điều Tiên Tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến trong trình thuật hôm nay là Ơn Cứu Độ tòan diện, bao gồm mọi khía cạnh: thể lý, tâm linh, cá nhân, và xã hội (x/c Mt 11:4-6).
1.3/ Niềm vui vì được Thiên Chúa ghé mắt thương đến: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”
Điều quan trọng nhất để hiểu đọan văn này là phải xác nhận: Ai là người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến trong đọan văn này? Theo Targum, người được Thiên Chúa ghé mắt thương đến là Jerusalem. Bản Targum thêm câu, “Vì thế Jerusalem nói.” Jerusalem được nhân cách hóa để chỉ Israel, Dân Chúa. Jerusalem cử hành tình yêu trọn vẹn giữa Dân Thành với Thiên Chúa (Isa 54:5-8, Jer 33:10-11, Rev 19:7, 9, Jn 2:1-11). Jerusalem cũng có thể chỉ Giáo Hội, Jerusalem mới, Hiền Thê của Đức Kitô. Sau cùng, Jerusalem cũng có thể được áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria.
- Mấy điểm quan trọng của đọan văn này:
(1) Mặc cho tôi hồng ân cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa và được ban tặng cho con người.
(2) Choàng cho tôi đức chính trực công minh: Nhờ tin vào Đức Kitô, con người được hòa giải với Thiên Chúa, và vì thế, được trở nên công chính trước mặt Ngài.
(3) Ngày Cứu Độ được ví như Ngày Hôn Lễ: Đức Kitô là Chú Rể, Giáo Hội là Cô Dâu: “như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.”
(4) Một khi đã được Thiên Chúa ghé mắt thương đến, con người sẽ không còn khô cằn sỏi đá, nhưng kết trái đâm bông, sinh hoa kết quả; và xứng muôn lời ca ngợi.
(5) Vinh quang của Đấng Thiên Sai bắt đầu từ trái đất – với và qua con người – nhưng Thiên Chúa vẫn là nguồn của mọi đời sống (Isa 45:8, 53:2).
2/ Bài đọc II: Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến.
Đây là những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Thessalonica. Căn bản của những lời khuyên nhủ là Ngày Quang Lâm sắp tới, làm việc gì cũng phải nhắm tới ngày đó.
2.1/ Tinh thần của các Kitô hữu: “Phải vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thánh Thần. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.”
- Vui mừng, cầu nguyện, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh: đây chính là cách để chu tòan bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
- Phải nhận ra các ân huệ khác nhau được ban bởi cùng một Thánh Thần cho các người trong cộng đòan (I Cor 12-14). Đừng dập tắt những biểu lộ trung thực của Thánh Thần (Acts 7:51, Isa 63:10), mặc dù sự phân biệt những biểu lộ cũng là một ân sủng cần thiết (I Cor 12:10, 14:29), cần phân biệt sự nguy hiểm của quỉ thần và các thần gian dối (II Thes 2:2).
- Chớ khinh thường ơn nói tiên tri: biểu tỏ qua những lời rao giảng, dạy dỗ, và an ủi. Ơn này đánh dấu một ân huệ chuyển tiếp, không phải là một lọai đặc biệt của Kitô hữu (I Cor 14:31).
- Cân nhắc mọi sự: các biểu lộ ân huệ của Thánh Thần, không chỉ là lời khuyên nên làm lành lánh dữ.
2.2/ Ngày Chúa Quang Lâm đã gần đến: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.”
- Ngày Chúa Quang Lâm là đích điểm. Cuộc sống các tín hữu phải xoay quanh Ngày này.
- Chúa là nguồn mạch bình an: Ngài sẽ đưa tất cả những lời hứa đến chỗ vẹn tòan cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Ngài. Chúa là Đấng trung thành: Chúa hứa và Ngài sẽ thực hiện.
- Tòan diện gồm: trí tuệ, linh hồn, và thân xác của con người. Thánh hóa tòan diện không phải chỉ là một lời hứa, nhưng còn là công việc của Thiên Chúa làm (Exo 31:13, Lev 21:8, Eze 37:28, Jn 17:19). Con người được thánh hiến bằng Lời Chúa, ơn thánh, và Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Tin Mừng: Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
3.1/ Gioan là sứ giả loan báo Tin Mừng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Nhiều người cho rằng: sở dĩ Thánh-sử Gioan phải viết những lời này vì có giáo phái coi trọng Gioan Tẩy Giả hơn Đức Kitô. Điều này xảy ra không phải tự Gioan muốn như thế, nhưng có thể là môn đệ hay những người quí trọng ông. Thánh-sử Gioan muốn làm sáng tỏ quan niệm này, khi ngài nhấn mạnh:
- Chỉ có Đức Kitô là ánh sáng của thế gian (Jn 8:12).
- Gioan Tẩy Gỉa không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
3.2/ Lời chứng của Gioan Tẩy Giả: Khi một số người gồm các Kinh-sư, Biệt-phái, từ Jerusalem đến chất vấn, ông trả lời họ như sau:
(1) Gioan không phải là Đức Kitô: Họ hỏi: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn: "Tôi không phải là Đấng Kitô." Gioan không muốn ai lẫn lộn mình với Đấng Kitô.
(2) Gioan không phải là Elijah: Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Elijah không?" Ông nói: "Không phải." Ông có lý do để trả lời như thế, mặc dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Gioan chính là Elijah phải tới. Ông chu tòan sứ vụ của TT Elijah, chứ không phải là hiện thân của Elijah như người Do-Thái tin.
(3) Gioan không phải là một ngôn sứ: Họ lại hỏi: "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?" Ông đáp: "Không." Có lẽ vì biết trách vụ của mình chỉ là người dọn đường, nên Gioan đã khiêm tốn thú nhận mình không phải là một ngôn sứ.
(4) Gioan là tiếng kêu trong hoang địa: Họ chất vấn ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.”
(5) Gioan phân biệt 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông và của Đấng Cứu Thế. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Elijah hay vị ngôn sứ?" Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy vui mừng lên! Vì ơn cứu độ của chúng ta đã tới.
- Đấng Cứu Thế đã tới và đang ở giữa chúng ta. Mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được tha.
- Chúng ta có niềm vui của người bắt đầu cuộc đời mới với bao nhiêu ơn lành. Chúng ta phải vui mừng luôn, cầu nguyện với Thiên Chúa, và tạ ơn trong mọi hòan cảnh vì Ngày Chúa Quang Lâm đã gần tới.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

14/12/14 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B
Ga 1,6-8.19-28

Suy niệm: Gio-an Tiền Hô, người kêu gọi “sửa đường cho thẳng,” cũng là người làm chứng trung thực. Dân chúng tin lời Gio-an tuốn đến lãnh nhận phép rửa từ tay ông vì lối sống của ông tương hợp với lời ông rao giảng. Với thế giá đó, nếu Gio-an mạo nhận mình là Đấng Ki-tô hẳn là người ta tin vào ông răm rắp. Nhưng Gio-an vẫn luôn nói thật về mình. Ông là gì, ông nhận mình là thế. Ông nhận mình là “tiếng” người hô trong hoang địa. “Tiếng” chỉ là âm thanh để chuyển đạt nội dung là “Lời”. Càng chuyển đạt“Lời” cách trọn vẹn, chính xác, “tiếng” càng trung thực. Như thế, Gio-an càng xoá mình đi để Đức Ki-tô được lớn lên, lời chứng của ông càng trung thực và càng đáng tin hơn.
Mời Bạn: Trung thực là đức tính cao quý của con người. Người trung thực thì lời chứng của họ có giá trị thuyết phục và đáng tin. Sứ mạng của người Ki-tô hữu là làm chứng về Đức Giê-su. Thánh Gio-an Tiền Hô là gương mẫu cho chúng ta khi làm chứng về Đức Giê-su bằng chính con người và lời chứng trung thực của mình. Sống trong một thời đại mà sự thật nhiều khi không được tôn trọng, người Ki-tô hữu phải trở nên chứng nhân đầy thuyết phục về Đức Ki-tô bằng lời nói cũng như đời sống trung thực của mình.
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa: “Có nói có, không nói không” (Mt 5,37).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con một gương mẫu về chứng nhân trung thực của Đức Giê-su là thánh Gio-an Tiền Hô. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài mà làm chứng cho Đức Giê-su bằng đời sống trung thực của mình.

Người làm chứng (14.12.2014- Chúa nhật 3 Mùa vọng)

Suy Niệm
Trong bài Tin Mừng trên đây
cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.
Lẽ sống của Gioan là làm chứng.
Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7).
Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan,
cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).
Gioan không làm chứng cho mình hay về mình,
bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.
Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35)
giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.
Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa,
tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn
đến tìm hiểu con người ông.
Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai ?
Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định:
“Tôi không phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – “Không”.
Những tiếng không dứt khoát và trung thực.
Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông.
Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng
hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê.
Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình
khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất.
Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai ?
Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa,
là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô.
Ông biết rõ mình là người đến trước
nhưng vị đến sau lại có trước ông
và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Làm đầy tớ cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng.
Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô.
Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.
Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị
cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.
Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu,
và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài
để chịu phép rửa (Ga 3,26).
Có ai siêu thoát như Gioan?
Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên.
Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng.
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.
“Có một vị đang ở giữa các ông
mà các ông không biết.”
Hôm nay Ðức Giêsu vẫn là Ðấng xa lạ với nhiều người.
Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ,
trong khi Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm.
Xin được làm người chứng như Gioan,
giới thiệu cho bạn bè Ðấng mà họ đang tìm kiếm.
Cầu Nguyện
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG MƯỜI HAI
Chúa Đang Đến Gần
Hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Hãy nhân hậu và từ tâm, hãy sẵn lòng tha thứ cho nhau.
Chúa gần đến. Nguyện xin Người ban bình an của Người cho bạn! Thánh Tông Đồ viết: “Sự bình an của Chúa, vốn vượt trên mọi trí hiểu, sẽ canh giữ lòng trí anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,7).
Sự bình an ấy thật là một hồng phúc lớn lao! Tiên vàn, đó là sự bình an của một lương tâm ngay thẳng. Chúa đang đến gần, điều đó thúc bách chúng ta khảo sát lại lương tâm mình, thúc bách ta dò xét các tư tưởng và hành động của ta trước mặt Người.
Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan là một minh họa tuyệt vời về sự thúc bách này. Đó là lý do tại sao phụng vụ mùa Vọng hơn một lần gợi cho chúng ta chú ý đến sứ vụ ấy. Gioan là vị sứ giả loan báo rằng Đấng Mêsia đang đến gần. Ông đề nghị người ta hoán cải để đón nhận Đấng ‘sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa’ (Lc 3,16).
Chính qua sứ vụ của Gioan trên bờ sông Gio-đan mà con cái Israel nghe biết rằng Chúa đang đến gần. Trong ánh sáng này, câu hỏi đầu tiên của dân chúng là: “Vậy chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3,10). Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách mời gọi người ta sống công chính đích thực. Ông mời gọi cả những người thu thuế và các binh lính. Thì ra, khi Chúa đến gần, Người kêu gọi người ta hoán cải, canh tân, thay đổi cách sống.
Vâng, Thiên Chúa đang đến thật gần. Người kêu gọi người ta qua tiếng nói lương tâm trong sâu thẳm lòng họ. Nếu tiếng lương tâm nơi một người không vang lên, thì nghĩa là đương sự chưa gặp gỡ Thiên Chúa, đương sự chưa cảm nếm được sự gần gũi của Thiên Chúa trong ”Tinh Thần và Sự Thật” (Ga 4,23). Đương sự đã hụt mất Thiên Chúa hoặc chính đương sự đã quay lưng tránh xa khỏi Người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY  14-12.
Chúa Nhật III Mùa Vọng
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Không những chỉ có Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho con người, mà còn có cả Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17) và “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5b). Cuối cùng viên đại đội trưởng người Rô-ma khẳng định: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”(Mt 28,54b)
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tin. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn vững tin và mạnh dạng tuyên xưng Danh Chúa trước mặt mọi người bất cứ hoàn cảnh nào.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 14-12: Thánh GIOAN THÁNH GIÁ
Linh Mục Tiến Sĩ (1542 - 1591)

Gioan de Yepes sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542. Cha Ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làmnghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn. Mẹ Ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh Gioan. Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.
Trong mọi việc, Ngài có thói quen tự hỏi: - "Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì ?"
Ngài không trốn tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của Ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, Ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.
Năm1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567 Ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên Ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với Ngài: - "Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ".
Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, Ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, Ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.
Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình: - "Cha là vị thánh".
Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến Ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thày dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, Ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với Ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa Ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng Ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của Ngài. Đáp lại, Ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, Ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn "Thánh ca thiêng liêng" (cantiques spirituelles).
Được 9 tháng thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, Ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về "hạnh phúc của đau khổ" và bỗng Ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho Ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo... thánh Têrêxa nói: - "Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo".
Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như muốn nâng Ngài lên. Khiêm tốn, Ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng Ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt Ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.
Đức Thánh cha và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, Ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính Ngài đã xây dựng một thủy lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, Ngài đã viết cuốn "ngọn lửa tình yêu sống động" (la vive flamme d'amour). Cuối cùng Ngài trở thành Tổng đại diện Andalousia.
Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho Ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát nhiều bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá Ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, Ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến Ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà Ngài gọi là "đêm tối của tâm hồn". Nhưng Ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.
Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: - "Oi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm thương hại chúng ta".
Lần kia, Ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi Ngài hỏi về phần thưởng Ngài muốn rằng: - "Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa".
Và Ngài đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.
Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể Ngài. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia Ngài nói với người đối thoại: - "Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau nhức".
Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta qúi mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với Ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho Ngài đau đớn thêm. Nhưng Ngài càng ôm chặt thánh giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin Ngài tha thứ.
Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, Ngài xin đọc sách Diễn tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, Ngài cầm thánh giá nói: - "Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa".
Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: - "Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu".
Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, đêm tối tâm hồn, Ngọn lửa tình yêu sống động, thánh ca thiêng liêng. Ngài được tuyên thánh năm 1726. Và Đức Piô XI đã đăt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1962.
(daminhvn.net)


14 Tháng Mười Hai
Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam
Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.
Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.
Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét