Ngày 25 tháng 12
Lễ Chúa Giáng Sinh
Lễ
Rạng Ðông
Bài
Ðọc I: Is 62, 11-12
"Này
đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Ðây
Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion:
Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp
trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân
thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12
Ðáp: Hôm nay sự
sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.
Xướng:
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời
xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. -
Ðáp.
2)
Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người
hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người! - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Tt 3, 4-7
"Chúa
đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Khi
Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không
phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người,
mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần,
Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ
chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng,
chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Lc 2, 14
Alleluia,
alleluia! - Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho
người thiện tâm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 2, 15-20
"Các
mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: "Chúng ta sang
Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết". Rồi
họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.
Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người
nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn
Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử
trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng
như lời đã báo cho họ.
Ðó
là lời Chúa.
Lễ
Ban Ngày
Bài
Ðọc I: Is 52, 7-10
"Khắp
cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Ðẹp
thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng,
người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!
Tiếng
của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt
họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng,
hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem.
Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ
cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Khắp nơi bờ
cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Xướng:
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.
Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện
của Người. - Ðáp.
2)
Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công
minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. -
Ðáp.
3)
Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể
địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
4)
Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng
với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là
Vua. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Dt 1, 1-6
"Chúa
đã phán dạy chúng ta qua người Con".
Trích
thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở
xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta
qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua
Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà
Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng
bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét
sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm.
Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các
thiên thần bấy nhiêu.
Phải,
vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng:
"Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con"? Rồi Chúa lại
phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một
mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ
lạy Người!"
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ
lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}
"Ngôi
Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".
Bắt
đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ
nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn
là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi
vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác
thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống
là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp
nhận sự sáng.
Có
một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng
minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông
không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.
Vẫn
có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người
vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận
biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không
tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ
được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những
người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của
đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và
Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi
đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như
của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan
làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến
sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".
Chính
do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì
Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu
Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong
Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Hoặc
đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14
"Ngôi
Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"
Bắt
đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ
nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn
là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi
vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác
thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống
là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp
nhận sự sáng.
Vẫn
có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người
vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận
biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không
tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ
được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những
người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của
đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và
Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi
đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như
của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Lên Ðường
(Ys
62,11-12; Tt 3.4-7; Lc 2,15-20)
Theo
chân các mục đồng, chúng ta lên đường đi gặp Chúa và bắt chước họ, chúng ta hân
hoan về những điều mắt thấy tai nghe.
A.
Lên Ðường
Nghe
lời các thiên thần, các mục đồng rủ nhau: "Nào ta hãy đi tới Bêlem!".
Và họ đã vội vã lên đường. Những ai quen biết Tin Mừng Luca có thể nhận thấy
ngay ở đây một cái gì vọng lại việc Ðức Maria đi thăm bà Êlisabét. Ngày ấy, Ðức
Maria cũng được sứ thần nhà trời báo tin việc bà chị họ cưu mang do quyền phép
của Thiên Chúa. Luca kể: sứ thần vừa ra đi là Ðức Maria đã vội vã lên đường. Ở
đây cũng vậy, các thiên thần vừa khuất mắt, các mục đồng đã vội vã rủ nhau đi
Bêlem. Trong cả hai trường hợp, cũng một thái độ vội vã, nhanh nhẹn thi hành Ý
Chúa. Và động lực thúc đẩy chính là lòng tin đơn thật, trong trắng mà chỉ những
người mà Phúc Âm gọi là nghèo khó mới có được.
Nhưng
không phải là không có một sự khác biệt giữa Ðức Maria và các mục đồng. Luca nhận
xét rất sâu sắc. Các mục đồng cũng như các người nghe họ, cũng như họ hàng bà
con của Yoan Tẩy Giả trước đây (Lc 1,63) và như các thính giả của Chúa sau này
(4,22; 8,25...) đứng trước các việc kỳ diệu của Chúa và giáo huấn với các phép
lạ của Người, họ chỉ biết ngạc nhiên bỡ ngỡ. Họ bị xúc động mãnh liệt và không
thể không thốt ra những lời chúc tụng hoặc thuật lại cho người khác nghe. Nhưng
duy một Ðức Maria "giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong
lòng". Thái độ của Người mới thật là thái độ của người đã tin, của người
đã nhận thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong khi mọi người khác chưa nhận
ra. Kế hoạch mới khởi sự và chưa hiển hiện hết, nên đời người có lòng tin phải
suy đi nghĩ lại. Chứ thái độ ngạc nhiên, bỡ ngỡ trên hãy còn hời hợt và mau
qua.
Như
vậy, với bài Tin Mừng hôm nay, Luca như muốn nhắn nhủ mọi người về thái độ phải
có trước mầu nhiệm Giáng sinh. Mau mắn tin vào việc Chúa làm và ngạc nhiên chúc
tụng Ngài như các mục đồng đã làm, thật là tốt! Ðặc biệt trong Mùa Giáng sinh
này, chúng ta hát thánh ca dâng Chúa Hài Nhi cũng rất phải, vì Phụng vụ dưới đất
phải liên kết với Phụng vụ trên trời, tiếng chúc tụng của mục đồng phải hợp
hoan với tiếng ca của các thiên thần. Nhưng tất cả sẽ mau qua và hời hợt, nếu
chúng ta không bắt chước thái độ của Ðức Maria, suy đi nghĩ lại trong lòng và
khi đó việc lên đường của chúng ta hôm nay không phải để đi đến Bêlem hay máng
cỏ, nhưng là để đi vào trong thâm cung của lòng mình, để thấy ơn Chúa Giáng
sinh đang làm gì cho chúng ta.
B.
Ơn Giáng Sinh
Lời
sách Isaia khi đó sẽ thấm thía. Chúng ta không còn là thành đô bị bỏ rơi, nhưng
đã được tìm kiếm; chúng ta đã được Chúa cứu chuộc và trở nên thánh thiện. Người
đến, quả để ân thưởng chúng ta. Chúng ta trước đây xa lạ với Chúa. Tệ hơn thế nữa,
chúng ta đã thù địch với Người, nên bị bỏ rơi trong cảnh tội lỗi lầm than. Trái
tim mỗi người như thiếu tình yêu, hay quá lộn xộn vì dục vọng. Nay Chúa cứu chuộc
đến với ta, để mang tình yêu của Người tới. Người tìm kiếm ta để ta không còn bị
bỏ rơi. Và thánh Phaolô bảo, Người đến rửa sạch tội lỗi, để Thánh Thần của Người
tràn ngập lòng ta, hầu ta được kế thừa sự sống đời đời.
Nhận
thấy ơn Giáng sinh như vậy, không ai được phép chỉ chạy theo những niềm vui tự
nhiên của Mùa Giáng sinh; nhưng còn phải có thái độ trầm lặng như Ðức Maria,
suy tư trước cảnh Chúa trở thành Hài Nhi, để thấy thiên tính đã hiện thân trong
xác thể thế nào, hầu muốn đem chất siêu nhiên của Chúa vào trong cuộc đời cụ thể
của ta. Muốn làm công việc ấy, rõ ràng ta phải tìm hiểu nhiều về Chúa, phải đọc
Thánh Kinh nhiều và nhất là phải có lòng tin sâu xa như Ðức Maria.
Lòng
tin ấy, ta cũng phải có ngay trong lúc này để đi vào Thánh Lễ; nếu không, làm
sao ta có thể cảm nghiệm được đây là mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa cứu chuộc
chúng ta. Nhờ việc suy đi nghĩ lại về ơn Thánh Thể chúng ta sẽ chịu, chúng ta sẽ
thêm ý thức về Lòng nhân ái của Thiên Chúa chúng ta. Người hằng muốn ban Thánh
Thần để nhập thể trong ta, biến cuộc đời của ta nên đời sống của Người, để Người
tiếp tục cứu độ trần gian, nối dài mầu nhiệm Giáng sinh cứu đời ở thời đại ta.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Ngày 25 tháng 12, Lễ
Giáng Sinh
Bài
đọc: Isa 52:7-10; Heb 1:1-6; Jn 1:1-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa họat động
trong lịch sử con người.
Nhiều
người trong chúng ta dễ dàng bị thuyết phục bởi câu nói xem ra rất chí lý, “đạo
nào cũng là đạo; đạo nào cũng dạy con người làm điều lành tránh điều ác!” Từ
đó, nhiều người đưa đến kết luận, ai theo đạo nào cũng được. Nếu chúng ta chỉ dựa
vào đạo lý để tin vào các thần, sẽ có rất nhiều thần trong thế giới này; nhưng
những thần này có làm lợi gì cho chúng ta đâu? Có những vị thần do trí tưởng tượng
của con người tạo nên, có những vị thần do con người tự nhận, có những vị thần
do con người phong chức cho; đâu là Vị Thần đích thực và là Người điều khiển thế
giới này? Một trong những tiêu chuẩn giúp chúng ta nhận ra là dựa vào giòng lịch
sử của con người để tìm hiểu, kiểm chứng, và xác nhận ảnh hưởng và sự can thiệp
của Vị Thần này vào đời sống nhân lọai.
Trong
suốt Mùa Vọng qua, và trong các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của
Vị Thần đích thực này chính là Thiên Chúa. Ngài không phải là một vị thần sống
xa cách và không quan tâm gì đến cuộc sống của dân chúng; trái lại cả Ba Ngôi
Thiên Chúa đều sống mật thiết và quan tâm đến mọi khía cạnh của con người suốt
giòng lịch sử: từ khi tạo dựng cho đến Ngày Cánh Chung. Trong Bài đọc I,
Tiên-tri Isaiah cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc sống của dân trước,
đang, và sau thời gian Lưu Đày. Trong Bài đọc II, Tác giả của Thư Do-Thái cho
thấy 2 cách can thiệp khác nhau của Thiên Chúa: thuở xưa Ngài phán dạy qua các
Tiên-tri; thời nay Ngài dạy dỗ con người qua chính Người Con Nhập Thể. Điều này
cũng đã được Tiên-tri Isaiah và Jeremiah loan báo trước: “Mọi người sẽ được dạy
dỗ bởi chính Thiên Chúa” (Isa 54:13, Jer 31:33, Jn 6:45). Trong Phúc Âm, Thánh
Gioan nhìn thấy vai trò của Ngôi Hai ngay từ ban đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng
con người; và vai trò của Người trong Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Chính Người
Con này đã nhập thể để ở với con người, để yêu thương dạy dỗ, và để hiến mình
thành của lễ hy sinh đền tội cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
1.1/
Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi bước
chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố
ơn cứu độ và nói với Sion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."
Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được
thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion.” Người loan báo Tin Mừng phải loan báo
3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu
độ:
(1)
Công bố bình an: Bình
an là một trong những chữ được Tiên-tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải
là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con
người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.
(2)
Loan tin tốt lành: Tin
Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người:
tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.
(3)
Công bố ơn cứu độ: Ơn
Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng
Dân Do-Thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội
lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.
Thiên
Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của
Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai
trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.
1.2/
Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: “Hỡi Jerusalem
điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân
Người, và cứu chuộc Jerusalem. Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần
thánh của Người: người bốn bể rồi ra nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng
ta.” Sự kiện Chúa giải phóng dân Do-Thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại
Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh
quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do-Thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của
Cyrus, Vua Ba-Tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội
bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do-Thái còn đang dưới
ách đô hộ của Đế-quốc Rôma.
2/
Bài đọc II:
Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.
2.1/
Thánh Tử cao trọng hơn các tiên-tri: Trong Mầu Nhiệm Cứu Độ, những gì Thiên Chúa muốn được
mặc khải qua hai giai đọan:
(1)
“Thời xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua
các ngôn sứ.” Các tiên-tri, vì khả năng giới hạn, không thể lĩnh hội một lần;
nên Thiên Chúa phải mặc khải nhiều lần và qua nhiều người. Mỗi thời đại có những
vấn đề khác nhau, nên mặc khải của các tiên tri cũng khác nhau, chẳng hạn:
Tiên-tri Amos chú trọng đến công bằng xã hội; Tiên-tri Isaiah chú trọng đến việc
sửa dạy để thanh luyện dân chúng; Tiên-tri Hosea chú trọng đến sự trung thành của
Thiên Chúa và sự bất trung của dân. Các tiên-tri chỉ biết một khía cạnh về
Thiên Chúa, không một tiên tri nào biết tất cả các khía cạnh của Thiên Chúa.
Các tiên tri cũng dùng các cách khác nhau để mặc khải: tuyên sấm (Amos,
Isaiah), hành động như đóng kịch (Jeremiah).
(2)
Thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta trực tiếp qua Thánh Tử: Mặc khải
do Thánh-Tử hòan hảo hơn tất cả mặc khải của các tiên-tri, vì Thánh-Tử biết rõ
tất cả những gì xảy ra nơi Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu. Các tiên-tri là những
bạn hữu của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu là Người Con của Thiên Chúa. Ngài
không chỉ biết một phần sự thật như các tiên tri; nhưng nơi Ngài ẩn chứa tất cả
sự thật. Qua Ngài, con người nhận ra Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-Thái không chủ
ý khinh thường các tiên tri; nhưng muốn làm nổi bật vai trò của Thánh Tử.
Người
Do Thái quan niệm họ đang sống giữa hai thời đại: thời hiện tại và thời cánh
chung; thời hiện tại hòan tòan xấu và thời tương lai là thời huy hòang của Đức
Chúa. Giữa hai thời đại là Ngày của Đức Chúa đến và Đức Kitô là Người bắt đầu
triều đại của Thiên Chúa.
2.2/
Thánh Tử cao trọng hơn các thiên-thần.
1/
Sự cao trọng của Thánh Tử: C.J. Vaughan chỉ ra 6 điều quan trọng liên quan đến Đức Kitô:
(1)
Vinh quang nguyên thủy của Thiên Chúa thuộc về Đức Kitô: “Người là phản ảnh vẻ
huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Vinh quang của Thiên
Chúa gồm chứa không trong sự đánh phạt con người hay giảm họ xuống hàng tôi tớ,
nhưng trong phục vụ, yêu mến, và chết cho con người.
(2)
Vương quốc thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn
vật muôn loài.” Các tác giả Tin Mừng không bao giờ nghi ngờ sự chiến thắng thuộc
về Đức Kitô; đơn giản vì Ngài là Con Thiên Chúa. Khi mọi việc hòan tất, Ngài sẽ
trao vương quốc lại cho Thiên Chúa.
(3)
Công cuộc tạo dựng cũng thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên
vũ trụ.” Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có.
(4)
Công việc quan phòng vũ trụ cũng thuộc về Đức Kitô: “Người là Đấng dùng lời quyền
năng của mình mà duy trì vạn vật.” Thiên Chúa không những dựng nên vũ trụ,
nhưng còn quan phòng điều khiển nó theo một trật tự hòa điệu. Ngài điều khiển
nó theo sự khôn ngoan, mà Ngôi Lời là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(5)
Công cuộc cứu chuộc là do Đức Kitô: Bằng cái chết, Ngài gánh tội cho con người;
bằng sự hiện diện liên tục với con người, Ngài giải phóng con người khỏi tội.
(6)
Cuộc vinh thắng khải hòan cũng thuộc về Đức Kitô: “Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi,
Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.” Theo tác giả Sách Do-Thái, Ngài
ngự bên hữu Thiên Chúa để làm Trạng-sư bênh vực cho con người.
2/
Thánh Tử cao trọng hơn các thiên-thần: Truyền thống Do-Thái tin thiên thần là các sứ giả (aggeloi,
Hy-Lạp, và mal’akim, Do-Thái) của Thiên Chúa: các thiên-thần có nhiệm
vụ trao mệnh lệnh của Thiên Chúa cho con người và tường thuật những gì con người
làm hay cầu xin lên Thiên Chúa. Quan hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người
không thể xảy ra; nếu con người nhìn thấy Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ phải chết
(Acts 7:53, Gal 3:19). Vì thế, dễ dàng cho người Do-Thái chấp nhận các thiên thần
hơn là chính Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-Thái muốn nhấn mạnh Đức Kitô không phải
là một trong số các thiên thần; nhưng cao trọng hơn các thiên thần bội phần.
“Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao
nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu. Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã
phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra
Con; hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử
vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải
thờ lạy Người.”
3/
Phúc Âm:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”
3.1/
Sự hiện hữu và vai trò của Ngôi Lời:
(1)
Ngôi Lời hiện hữu từ khởi thủy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về
Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên
Chúa.” Từ ngữ “Ngôi Lời” có lịch sử trong cả Do-Thái và Hy-Lạp. Cả hai lịch sử
đều cho “Lời” là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là trí tuệ của Ngài. Thánh sử
Gioan dùng từ Hy-Lạp để nói về Đấng Thiên Sai của Do-Thái, cho người Hy-Lạp hiểu.
Nếu Ngôi Lời là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn hiện hữu với Thiên
Chúa từ khởi thủy.
(2)
Vai trò của Ngôi Lời trong việc tạo dựng vũ trụ: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo
thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo
thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Nếu Ngôi Lời
là trí tuệ của Thiên Chúa, cái gì có trong trí tuệ thì sẽ có; cái gì không có
trong trí tuệ thì sẽ không có. Sự sống và Ánh sáng là hai chủ đề chính trong
Tin Mừng Gioan, và có liên quan mật thiết với nhau. Sự sống không chỉ thuần túy
thể lý, nhưng mở rộng tới sự sống đời đời. Chỉ có Ngôi Lời có khả năng đem sự sống
đời đời này cho con người.
(3)
Ngôi Lời là ánh sáng: “Ánh
sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Có một
người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng
về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông
đến để làm chứng về ánh sáng.” Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế
gian; ai tin Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”
(Jn 8:12). Bóng tối đối ngược với ánh sáng, và con người cần ánh sáng xua tan
bóng tối để con người có thể nhìn thấy; nhưng cũng có những con người muốn ở
trong bóng tối nên muốn diệt trừ ánh sáng, vì sợ ánh sáng sẽ phơi bày những tội
lỗi của họ cho người khác nhìn thấy.
3.2/
Phản ứng của con người: “Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Ánh sáng của
Ngôi Lời chính là sự thật Ngài mang từ Thiên Chúa đến cho con người. Đứng trước
sự thật, Thánh-sử Gioan tường thuật 2 phản ứng chính:
(1)
Không nhận biết và không tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà
có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng
chịu đón nhận.” Con người ít nhất hai lần từ chối Ngôi Lời: Lần thứ nhất, Thánh
Phaolô đồng ý với Gioan khi tố cáo: “Con người phải nhận biết Thiên Chúa qua những
gì Thiên Chúa tạo dựng, nhưng họ đã không nhận ra Thiên Chúa” (Rom 1:19-20).
Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời, con người chẳng nhận ra Ngôi Lời cũng chẳng
nhận biết Thiên Chúa. Lần thứ hai là qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, rất nhiều người đã
nhìn thấy Ngôi Lời, nhưng vẫn từ chối tiếp nhận Ngài.
(2)
Phần thưởng dành cho những ai tiếp nhận Người: “Còn những ai đón nhận, tức là
những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ
được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc
do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.” Phần thưởng trọng đại
dành cho những ai tin vào Ngôi Lời là họ trở thành con Thiên Chúa; và được hưởng
tất cả mọi ơn lành dành cho người con.
3.3/
Những hồng ân Ngôi Lời ban cho con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng
ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha
ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật… Quả thế, Lề Luật đã được
Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà
có.”
(1)
Ân sủng: “Từ
nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.”
Đức Kitô, tuy trong thân xác con người, nhưng chứa đựng tất cả khôn ngoan, uy
quyền, tình thương, và sự bình an của Thiên Chúa (như các tên gọi của Ngài
trong Thánh Lễ Nửa Đêm). Bất cứ ai có được Ngài, là hưởng được tất cả những gì
Ngài có. Ngài là sự tòan hảo của Thiên Chúa, và Ngài ban cho con người đời sống
thần linh của Ngài.
(2)
Sự thật: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Người Con Một vốn là
Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho
chúng ta biết.” Ngôi Lời mặc khải cho con người biết sự thật về Thiên Chúa và tất
cả các ý định của Ngài. Khi Philip xin Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa, Đức Kitô
bảo ông: “Ai đã xem thấy Thầy là đã thấy Cha” (Jn 14:9).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lịch sử rất quan trọng trong việc hiểu biết và củng cố niềm tin của chúng ta
vào Thiên Chúa. Người không biết lịch sử sẽ dễ dàng chạy theo những niềm tin mơ
hồ. Nguy hiểm của những niềm tin này là con người không đạt được mục đích của đời
mình.
-
Lịch sử của Do-Thái quan trọng cho niềm tin của các Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã
chọn họ làm Dân Riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Chúng ta cần học hỏi lịch
sử của họ qua các Sách Cựu Ước để hiểu biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa cho
con người.
-
Theo Lịch sử Cứu Độ, Thiên Chúa đã dùng những cách thức khác nhau để dạy dỗ con
người: thời Cựu Ước, Ngài dùng các tiên-tri để nói thay và dạy dỗ con người; thời
Tân-Ước, Thiên Chúa cho Người Con nhập thể để dạy dỗ và mặc khải rõ ràng Kế Họach
Cứu Độ cho con người.
-
Mọi người chúng ta đều cần được dạy dỗ bởi chính Người Con này. Chúng ta phải
có Đức Kitô trong cuộc đời để Ngài soi sáng, dạy dỗ, ban ơn, và chỉ đường cho
chúng ta về hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Vào
dịp lễ Giáng sinh năm 1914, quân Anh và quân Đức đang đối đầu nhau. Binh sĩ ở
dưới những giao thông hào đầy bùn và chuột. Nửa đêm, một người lính Anh cất lên
một bản thánh ca. Chẳng bao lâu sau, tất cả các lính Anh cũng cất tiếng hòa ca.
Mọi người đang hát say sưa thì một người hô lớn : “Im. Nghe xem có tiếng gì từ
bên kia vọng lại”. Mọi người im lặng lắng nghe. Thì ra những người lính Đức bên
kia chiến tuyến cũng đang hát thánh ca mừng Chúa ra đời. Một cái gì đó linh
thiêng nối kết những kẻ thù ở hai bên chiến tuyến. Tất cả binh sĩ bỏ chiến hào
chạy ùa tới nhau. Họ nắm tay nhau nhảy múa theo điệu hát. Họ chia cho nhau những
điếu thuốc, những mẫu bánh. Chiến tranh biến đâu mất. Chỉ còn lại hòa bình. Mọi
người rất vui.
Nhưng
niềm vui không kéo dài lâu. Tiếng hát, tiếng cười ồn ào đến tai các vị chỉ huy.
Các vị này lập tức ra lệnh chấm dứt tất cả, mọi người phải trở lại vị trí của
mình. Thế là chiến tranh lại tiếp diễn !
Mỗi
lần đến lễ Giáng sinh là người ta nghĩ đến hòa bình, bởi vì trong đêm Chúa
Giáng sinh, các thiên thần đã hát “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới
thế cho người thiện tâm”.
Nhưng
hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không chỉ là ngưng tiếng súng.
Hòa bình là hoa trái sinh ra từ những tâm hồn thiện tâm. Nếu tâm không thiện
thì không có hòa bình thật. Hòa bình bền vững không phải do thỏa hiệp của những
bên đã từng chống đối nhau, mà là ơn ban của Chúa. Trong lễ Giáng sinh, Chúa
ban ơn hòa bình cho ta, để rồi ta cũng mang ơn hòa bình ấy ban cho kẻ khác.
Sách
Ngôn Sứ Isaia 52.7-10; Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Do Thái 1.1-6
và Phúc
Âm Thánh Gioan 1.1-18
I. Giáo
Huấn P.Â.:
Chúa Giêsu sinh làm con người trong thân phận một hài nhi đích thực là Con
Thiên Chúa, là Alpha và Omega. Ngài là Thuỷ Chung.
Buổi
đầu sáng tạo, đêm tối bao trùm. Ánh sáng được tạo thành trước tiên. Chúa Giêsu
Giáng Sinh là Lời tạo thành, là ánh sáng khai mở cho một công trình sáng tạo mới.
Thiên
Chúa sáng tạo, sinh dựng và cứu độ. Mọi hiện hữu hoàn toàn tuỳ thuộc vào Thiên
Chúa.
II. Vấn
nạn P.Â.
Công
Nguyên
Công nguyên được định nghĩa là Công Lịch Kỷ Nguyên, được dịch từ Anno Domini
trong tiếng Latinh. Anno Domini là Năm của Chúa, hiểu là Năm Chúa Giáng Sinh.
Không rõ tại sao trong tiếng Việt lại là Công Nguyên mà không bỏ từ CHÚA trong
kiểu dịch nầy. Phải chăng nó cũng giống từ Red Cross, chữ thập đỏ. Dùng chữ “thập”
để tránh từ Thánh Giá chăng? Hay cũng có người cho rằng hình thánh giá có hai gạch
giống như chữ thập trong tiếng Hán? Nhưng chữ thập
trong tiếng Hán không hề mang ý nghĩa cứu độ của Thánh Giá mà Henry Dumant và đồng
bạn, những bác sĩ người Công Giáo Thuỵ Sĩ đã thành lập năm 1863 ở Geneve để cứu
những thương binh ngoài chiến trường.
Nhưng rồi muốn sao thì muốn, ai cũng phải hiểu Công Nguyên là là Năm Chúa Giáng
Sinh. Chúa sinh làm con người trong lịch sử nhân loại. Chúa Giáng Sinh bắt đầu
kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo. Năm Chúa Giáng Sinh là năm 1 trong cách tính nhưng
đúng là năm Zêro, năm phân chia lịch sử nhân loại thành hai giai đoạn trước
Chúa Giáng Sinh (Before Christ) và sau Chúa Giáng Sinh (After Christ) Nếu coi
ai đó như Voltaire, văn hào của Pháp chủ trương vô thần, không tin có Thiên
Chúa thì cũng phải nói là Voltaire sinh năm 1694 sau Chúa Giáng Sinh. Nên lòng
vòng rồi cũng phải nhìn nhận là Công Nguyên hay kỷ nguyên hay thời đại Kitô
giáo (Christian era), cũng như Computer era (thời vi tính) tức Tây Lịch, lấy
năm Chúa sinh làm tiêu chuẩn tính ngày giờ năm tháng lịch sử con người.
Đức Giáo Hoàng Gioan I yêu cầu một thầy dòng tên Dionysius Exiguus tính xem từ
năm 527 cho đến 626, Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào ngày nào? Ông dựa theo lịch của
Roma được xử dụng từ năm 45 trước Công nguyên, được gọi là Julian Calendar
(Julius Ceasar). Những lịch Công Giáo về sau nầy như Lịch Giáo Hoàng Grêgoriô
thứ VIII cũng đã theo cách tính lịch của Dionysius Exiguus. Lịch Anno Domini lấy
năm Chúa Sinh ra làm năm 1 Công Nguyên. Tuy nhiên vì lý do lầm lẫn sao đó mà
Dionysius Exiguus tính năm Chúa sinh trễ hơn sáu năm. Theo Phúc Âm Matthêô 2:16
thì khi Chúa Sinh ra Hêrôđê cả vẫn còn sống và ra lệnh giết những trẻ sơ sinh từ
hai tuổi trở xuống. Lịch sử cho biết Hêrôđê cả chết năm thứ 4 BC. Như vậy Chúa
phải sinh 6 năm B.C. Nếu đây thật là sự tính sai của Dionysius Exiguus, thì
chúng ta đang ở năm 2019 chứ không phải năm 2013. Không ai có thể hoán chuyển
hay thay đổi ngày tháng của lịch sử. Cũng như không ai có thể chối rằng mình
đang sống năm 2013 sau Chúa Sinh Ra. Nên Công Nguyên là năm Chúa Sinh ra. Chúa
sinh bắt đầu thời đại Thiên Chúa Giáo. Nói khác đi Chúa là người làm nên lịch sử.
III.
Thực hành P.Â.:
Thế
giới vui tưng bừng đón Chúa Giáng Sinh
Các quốc gia Hồi Giáo cấm tín đồ mừng lễ Giáng Sinh. Họ muốn chối bỏ ơn cứu độ
phổ quát. Nước Nhật cũng nhìn thấy lễ Giáng Sinh là một lễ của Tây phương. Nên
người Nhật không chú trọng hay không muốn người dân chia sẻ văn hoá tôn giáo với
người Tây Phương. Các nước cộng sản vài chục năm trước cũng đã cố gắng chận đứng
hay hạn chế việc cử hành lễ Giáng Sinh. Nhưng rồi dần dà cũng xuôi theo khuynh
hướng đám đông dân chúng. Hiện tại trên thế giới, không có chỗ nào không mừng
chúa Giáng sinh. Người dân Tây phương đi làm quanh năm để dành tiền mừng lễ
giáng sinh. Bao nhiêu cơ quan từ thiện bác ái đã chuẩn bị quà, mua gà tây để bà
con nghèo được mừng lễ giáng sinh.
Ai cũng thấy càng ngày lễ Giáng Sinh càng bị trần tục hoá. Nhưng xét cho cùng,
Chúa Giáng trần có nghĩa là Chúa bỏ trời xuống làm người phàm như chúng ta. Niềm
vui Giáng Sinh, niềm vui đón mừng Con Chúa làm người lan tràn vào mọi ngỏ ngách
của xã hội loài người. Cái xã hội mà không phải chỗ nào cũng thánh. Người ta
không tin gì cả, trừ tin Chúa sinh làm người.
Tôi không thấy có gì khó chịu hay gọi là phải “keep Christ in Christmas”. Trào
lưu đang đến như vậy mà. Có chận đứng cũng luống công. Chúng ta không cần hạn
chế người ta đi mua sắm để keep Christ in Christmas. Chúng ta không cần buộc
người ta phải dự lễ như chúng ta để keep Christ in Christmas. Bao lâu người ta
biết mừng lễ Giáng Sinh là người ta đã tin nhận Chúa là niềm vui, là tin vui,
là hồng ân cho muôn người rồi. Có nhiều người bắt đầu thích đi tu làm linh mục
vì thấy linh mục ăn ngon. Chúa có khả hoán chuyển từ ước muốn trần tục thành
siêu nhiên. Hãy bằng lòng và vui với niềm vui giáng sinh theo kiểu trào lưu trần
thế nầy. Chúa đi vào đời để nối liền đất trời. Đó là cách thế cứu độ. Sau cùng
Chúa sẽ chiến thắng! Chúa đến! là tin mừng, tin vui cho muôn người.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên
Lectio Divina: Chúa
Giáng Sinh (B)
Thứ
Năm, 25 Tháng 12, 2014
Chúa Giêsu Ra Đời
Lc
2:1-20
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Thánh Thần của chân lý, được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm
đến sự toàn chân, xin Chúa hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể
hiểu được lời Kinh Thánh. Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và
khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy
tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa. Xin giúp
chúng con tìm hiểu giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt
lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh
Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi
qua sự kiên trì của chúng con.
2. Bài
Đọc
a) Bối
cảnh:
Bài
Tin Mừng của chúng ta ngày hôm nay là một phần của đoạn Phúc Âm theo thánh Luca
nói về thời thơ ấu của Chúa và bao gồm hai chương đầu của sách Phúc Âm thứ
ba. Đó là Phúc Âm của tuổi thơ. Vì thế, trọng
tâm chính của tác giả không phải về một dữ liệu, hay cho chúng ta biết các chi
tiết lịch sử về việc ra đời của Đức Giêsu, mà là loan báo Tin Mừng về sự giáng
sinh của Đấng Cứu Thế được mong chờ. Hài nhi Giêsu đã được xem như
là Chúa như đã được công bố trong lời tông truyền.
Tương
tự như hai chương đầu của sách Tông Đồ Công Vụ về sự chuyển tiếp từ thời đại của
Chúa Giêsu sang thời đại Giáo Hội, do đó hai chương đầu của Phúc Âm Luca là về
sự chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước. Thường xuyên có những lời
trích dẫn và hàm ý đến Cựu Ước. Các nhân vật, ví dụ như ông Giacaria
và bà Êlisabéth, ông Simêon và bà Anna, thánh Giuse và đặc biệt là Đức Maria, đại
diện cho tinh thần người nghèo của Chúa được mô tả trong giai đoạn cuối của Cựu
Ước. Tất cả mọi người, và đặc biệt là Đức Maria, vui mừng vì sự cứu
rỗi mà họ mong mỏi đã đến.
Thánh
Luca phân chia Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu ra làm bảy cảnh: lời
công bố việc ra đời của Gioan Tẩy Giả (1:5-25), lời công bố việc giáng sinh của
Đức Giêsu (1:26-38), chuyến thăm viếng bà Êlisabéth của Đức Maria (1:39-56),
Gioan Tẩy Giả ra đời (1:57-80), Đức Giêsu được sinh ra (2:1-21), Chúa Giêsu được
dâng trong Đền thờ (2:41-52). Nhiều học giả tin rằng thánh Luca có ý
muốn tạo nên sự tương ứng giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả để cho thấy tính ưu
việt của Chúa Giêsu so với Gioan, vị ngôn sứ cuối cùng. Với sự ra đời
của Đức Giêsu đã bắt đầu cho kỷ nguyên mới hướng về điều mà Cựu Ước mong mỏi.
b) Phúc
Âm:
Ngày
ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustinô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm
sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô
làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán
mình. Giuse cũng rời thị trấn Nagiarét trong xứ Galilêa trở về quê
quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng
Đavít, để kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai. Sự việc
xảy ra, trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa,
và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và
đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy
giờ trong miền đó có những người mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh
giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ,
và ánh sáng của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng
thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Cá ngươi đừng sợ, đây ta mang đến
cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn
dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi
trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các
ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ.” Và
bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng
thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình
an dưới thế cho người thiện tâm.” Khi các thiên thần biến đi, thì các mục
tử nói với nhau rằng: “Chúng ta đi đến Bêlem và coi xem sự việc đã xảy
ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết.” Rồi họ hối hả tới nơi và gặp
thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế,
họ đã hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người
nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria
thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục
tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy,
đúng như lời đã báo cho họ.
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện
Để
Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý
Để
giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Tôi có
dành chỗ nào trong cuộc sống của tôi cho Chúa Giêsu
không?
b) Các dấu
hiệu của sự hiện diện Thiên Chúa trao ban cho tôi là gì?
c) Tôi đáp
ứng với các dấu hiệu này như thế nào?
d) Chúa
Giêsu đã được sinh ra để mang niềm vui và an bình. Những món quà này
mô tả đặc điểm cuộc đời tôi đến đâu rồi?
e) Tôi có
phải là người mang niềm vui và an bình đến cho những người khác
không?
5. Chìa
khóa của bài đọc
Dành
cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
· “Không
còn chỗ cho họ”
Chúa
Giêsu được sinh ra trong sự nghèo khổ cùng cực. Đó không chỉ là chuyện
thiếu thốn vật chất của gia đình Chúa. Nó còn hơn thế nữa. Chúa
được sinh ra tại nơi xa khỏi ngôi làng cha mẹ Người sinh sống, xa khỏi tình yêu
thương của bạn bè và thân thích, xa khỏi sự ấm cúng của gia tộc, dù rằng là người
nghèo. Chúa được sinh ra ở giữa những người xa lạ không màng chi đến
Người và chỉ có một máng cỏ cho việc giáng sinh của Người.
Chúng
ta thấy ở đây mầu nhiệm nhập thể tuyệt vời. Thánh Phaolô sẽ
nói: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó
vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr
8:9). Lời mở đầu của Tin Mừng theo Gioan khẳng định rằng mặc dầu qua
Người mà thế gian được tạo thành, Đức Giêsu, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, “Người
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Đó
là tấn bi kịch đánh dấu toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu, tiến đến tột đỉnh của
nó trong sự chối bỏ tuyệt đối tại cuộc tra án xét xử trước quan tổng trấn
Philatô (xem Ga 18:28-19:16). Trong phần phân tích cuối cùng, tấn bi
kịch về Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình và liên tục hiến tặng chính thân
mình cho nhân loại và bị thường xuyên khước từ.
· Một
dấu chỉ sắp được giải mã
Tuy
nhiên, phải nói rằng không dễ dàng gì cho người thời bấy giờ nhận ra được Chúa
Giêsu. Điều ấy không bao giờ là việc dễ dàng cho bất cứ ai, ngay cả
ngày nay, để nhận ra thực sự Người là ai. Chỉ có sự mặc khải của
Thiên Chúa mới có thể mặc khải mầu nhiệm của Người (xem ví dụ Ga 5:37;
6:45). Trong câu chuyện giáng sinh của Người, mục đích lời loan báo
của thiên thần chính là để mặc khải mầu nhiệm của Người.
Thật
ra, đoạn Tin Mừng của chúng ta gồm có ba phần. Trong các câu 1-7,
chúng ta có sự kiện về sự ra đời của Đức Giêsu trong một bối cảnh rõ
ràng. Đó là sự ra đời của một hài nhi trai giống như những em bé
trai khác. Các câu 8-14 cho chúng ta biết về lời loan báo của thiên
thần và thị kiến các thiên thần đồng thanh hát khen. Đó là sự mặc khải của
Thiên Chúa (câu 15) giúp chúng ta khám phá ra trong “dấu hiệu” của “một hài nhi
mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (câu 12) “Chúa Kitô, Đấng
Cứu Thế” (câu 11). Trong phần cuối (các câu 15-20), chúng ta bắt gặp
các phản ứng khác nhau về sự mặc khải của mầu nhiệm. Khi dấu chỉ mà
Thiên Chúa ban cho được nhận với lòng khiêm nhu, nó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc
hành trình đức tin hướng về Người, Đấng đã tự mặc khải chính
mình.
· Làm
cách nào để giải mã dấu chỉ và chào đón Đức Giêsu
Văn
bản của chúng ta đưa ra ba phản ứng về mầu nhiệm Đức Giêsu.
Đầu
tiên là các mục đồng. Họ được biểu thị bởi một số động từ của mong đợi/tìm
kiếm và khám phá: “(họ) thức đêm … canh giữ” (câu 8); “chúng ta hãy
đến và coi xem…” (câu 15); “họ hối hả tới nơi và gặp thấy…” (câu
16). Các mục đồng đã sẵn sàng cho sự mặc khải của mầu nhiệm. Họ
đón nhận nó trong sự hồn nhiên và tin vào nó (xem các câu 15 và 20)
và họ đã trở nên các chứng nhân cho những gì đã được mặc khải cho họ (xem câu
17). Sau đó, có “những người nghe” những gì các mục đồng nói với họ
về Hài Nhi Giêsu (câu 16). Họ ngạc nhiên, không thể nhìn thấy được ý
nghĩa thực sự của sự kiện đã xảy ra trong bọn họ. Sau cùng là phản ứng
của Đức Maria. Tác giả Phúc Âm đưa ra sự tương phản về phản ứng của
bà với phản ứng của “những người nghe”. Thật ra, Luca giới thiệu bà
với những chữ “về phần Maria” (câu 19). Giống như họ, Đức Maria đã
không nghe thấy lời loan báo của thiên thần và đã không trông thấy các thiên thần
hát mừng, mà chỉ được nghe từ lời chứng của các mục đồng. Nhưng bà
đã chấp nhận điều ấy. Một cách chắc chắn, bà đã có lời truyền tin của
thiên thần nói riêng cho mình bà tại lúc khởi đầu của cả toàn bộ câu chuyện này
(1:26-38). Thiên thần đã nói về người con mà bà sinh ra là Con Đấng
Tối Cao sẽ trị vì cho đến muôn đời (xem câu 1:32 và 35). Nhưng những điều
vừa mới xảy ra, sự ra đời trong những hoàn cảnh như thế, có thể gây ra nghi ngờ
về những lời này. Bây giờ các mục đồng xuất hiện và lại nói những điều
tốt đẹp về con trai của bà. Đức Maria ghi nhớ tất cả mọi việc trong
lòng, những lời của thiên thần, những lời của các mục đồng, các sự kiện diễn ra
và cố gom góp lại để hiểu về bé trai này, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho bà là
ai, sứ vụ của người con này là gì và nhiệm vụ của bà trong tất cả những việc
này là gì. Đức Maria là một người phụ nữ chiêm niệm, giữ cho mắt và tai của
bà luôn rộng mở để khỏi bỏ lỡ bất cứ điều gì. Khi ấy, bà giữ lại và
suy niệm tất cả trong sự thinh lặng của tâm hồn chiêm niệm của
mình. Đức Maria là một Trinh Nữ chu đáo, có khả năng nhận lãnh lời
Thiên Chúa nói với bà trong các sự kiện hằng ngày của đời sống. Chỉ
có những người muốn tìm kiếm như các mục đồng và có tâm hồn chiêm niệm của Đức
Maria mới có thể giải mã được các dấu hiệu của sự hiện diện và hành động của
Thiên Chúa trong đời sống của họ và để đón nhận Đức Giêsu vào trong lòng họ.
6. Thánh
Vịnh
98
Hãy
ca tụng Chúa một bài ca mới,
Vì
Người đã thực hiện những việc lạ lùng.
Tay
mặt Người đã đem lại toàn thắng,
Cùng
với cánh tay thánh thiện của Người.
Chúa đã công bố ơn cứu độ,
Chúa đã công bố ơn cứu độ,
Đã
tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân.
Người
đã nhớ lại lòng nhân hậu,
Và
lòng trung thành đối với nhà Israel.
Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất,
Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất,
Đã
nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Toàn
thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa,
Hãy
vui mừng hoan lạc và đàn ca.
Hãy
ca mừng Chúa với đàn cầm thụ!
Với
đàn cầm thụ, với nhạc rân ran!
Hãy
thổi sáo và thúc tù và,
Hân
hoan trước thành nhan Chúa là Vua!
Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
Địa
cầu với toàn thể dân cư!
Sông
lạch ơi, vỗ tay đi nào,
Đồi
núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Chúa.
Vì
Người ngự đến xét xử trần gian,
Người
xét xử địa cầu theo đường công chính,
Xét
xử muôn dân theo lẽ công bình.
7. Lời Nguyện Kết
7. Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu Hài Đồng! Chúa là kho báu duy nhất của con, con xin dâng
hoàn toàn hồn xác con đây cho trí tưởng tượng thiêng liêng của
Chúa. Con không có niềm vui nào khác hơn là thấy Chúa mỉm cười. Xin
hãy khắc dấu ấn trên con với ân sủng Chúa và với các đức tính trẻ thơ của Người,
để mà vào ngày sinh nhật của con trên thiên đàng, các thiên thần và các thánh
có thể nhận ra những dấu này trong người phối ngẫu bé nhỏ của Chúa.
(Thánh
Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan Chúa, lời nguyện thứ 14)
Nguyện xin tình yêu, ơn thánh và sự bình an của Chúa Hài Đồng tuôn tràn trong tâm hồn của quý vị và gia quyến.
Cùng nguyện chúc tất cả một Năm Mới 2015 : sức khỏe, thành đạt và gia tăng tình yêu với Thiên Chúa.
Trân trọng kính chúc !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét