Trang

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Một số nhận định về Bản Tường Trình cuộc điều tra các dòng tu nữ Hoa Kỳ

Một số nhận định về Bản Tường Trình cuộc điều tra các dòng tu nữ Hoa Kỳ

Như bạn đọc đã biết, ngày 16 tháng 12 hôm qua, Thánh Bộ Các Dòng Tu đã mở cuộc họp báo để công bố bản tương trình về cuộc thanh tra kéo dài 6 năm nay đối với các dòng tu nữ Hoa Kỳ.

Không thiếu các nhận định tiêu cực đối với Bản Tường Trình. Nữ tu Louise Gallahue, bề trên Dòng Nữ Tử Bác Ái Tỉnh Dòng St Louis, chẳng hạn, cho rằng cuộc thanh tra khởi sự từ năm 2008 là “một diễn trình quá dài và nhàm chán” vì nếu bản tường trình chỉ khuyến khích các cộng đoàn nữ tu suy nghĩ và đối thoại, thì họ đã vẫn làm từ xưa đến nay rồi. 

Bà cho rằng vấn đề gai góc nhất liên quan tới Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (Leadership Conference of Women Religious), một cơ quan đại diện cho khoảng 80% các nữ tu Hoa Kỳ, vẫn chưa được giải quyết. Một tường trình công bố năm 2012 tố cáo nhóm này cổ vũ các chủ đề duy nữ cấp tiến. 

Nữ tu Campbell, người nổi tiếng với sáng kiến “Nữ Tu Trên Xe Buýt” và từng nói chuyện tại Đại Hội Đảng Dân Chủ năm 2012, thì thắc mắc không hiểu “đối thoại” có nghĩa là đối thoại hay đối thoại là phải nghe các “đấng”. 

Nhưng phần đông nhấn mạnh tới những điều tích cực của Bản Tường Trình. Nữ Tu Mary Ann Walsh, nguyên phụ trách phòng Báo Chí của HĐGM Hoa Kỳ, cho rằng Bản Phúc Trình đã phát động một thời kỳ hòa giải. 

Nữ tu Marie Bernadette Thompson, một phối trí viên của Hội Đồng Các Bề Trên Cả Của Các Hội Dòng Nữ (Conference of Major Superiors of Women Religious), bao gồm khoảng 20% nữ tu Hoa Kỳ, cho rằng bà tìm thấy trong Bản Tường Trình “một tinh thần hợp nhất và hợp đoàn thực sự… Nói chung, bản tường trình này rất ấm lòng và hữu ích đối với các hội dòng”. 

Mẹ Agnes Mary Donovan, chủ tịch của CMSWR, cho rằng Bản Tường Trình này cho thấy các điều các nữ tu muốn nói đã thấu tai Đức Thánh Cha. 

Nhiều nữ tu đồng ý với gợi ý cho rằng phải làm sao để người đời nhận ra các nữ tu là những người tận hiến qua y phục bề ngoài. Nữ Tu Thompson cho rằng: phần lớn đức tin Công Giáo được phát biểu ra ngoài qua nghệ thuật thánh, qua các dấu hiệu thánh trong phụng vụ, và y phục là một trong các dấu hiệu dễ nhận này, chứng tỏ các nữ tu là người đã được để riêng ra thánh hiến cho Chúa. 

Tuy nhiên, Nữ Tu Campbell cảm thấy được khích lệ khi Bản Tường Trình thừa nhận rằng vì thừa tác vụ của mình, một số nữ tu đã phải tổ chức cộng đoàn của mình “một cách không chính thống” như các nữ tu có thể sống một mình ở bên ngoài cộng đoàn chẳng hạn. 

Điều đáng chú ý là giọng điệu của Bản Tường trình đã đánh tan bầu khí căng thẳng trước đây giữa một số các dòng nữ của Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Trong cuộc họp báo của Thánh Bộ các Dòng Tu, Nữ Tu Sharon Holland, người đứng đầu LCWR, thừa nhận rằng thoạt đầu, cuộc thanh tra của Tòa Thánh bị nhiều người nghi ngại và ngờ vực, nhất là các nữ tu có tuổi vì “cảm thấy rằng trọn cuộc đời của họ đã bị cho là thiếu sót”. Nay kết quả cho thấy Tòa Thánh đã lắng nghe các nữ tu. 

Bà bảo: “trong bản tường trình này, giọng điệu rất khích lệ và thực tiễn. Các thách thức thì ai cũng hiểu, nhưng đây không còn là một văn kiện đổ lỗi hay bao gồm các giải pháp ngây ngô nữa. Đọc bản văn, ai nấy cảm thấy được đánh giá cao và được tin tưởng”. 

Hầu hết các nữ tu cho rằng có được điều trên hiển nhiên là nhờ Đức Phanxicô. Nữ Tu Holland nói rằng “Tôi hoàn toàn dành cho ngài tất cả những công lao này. Tôi không biết phải lượng giá ra sao tất cả những ảnh hưởng của ngài trong việc này, nhưng ngài quả là một khích lệ và hy vọng lớn lao cho chúng tôi”. 

Nữ tu Campbell cũng đồng ý như vậy. Bà bảo: “khi có sự thay đổi lãnh đạo, là có sự khác biệt sâu xa”. 

Nữ tu Gallahue thì tin rằng việc làm của các nữ tu Hoa Kỳ đối với người nghèo đã làm Đức Phanxicô xúc động và cuối cùng, ngài đã giúp lên khuôn Bản Tường Trình, khiến nó có giọng điệu hòa dịu. 

John Allen thì cho rằng Bản Tường Trình này là cành ôliu đối với các nữ tu Hoa Kỳ. Thực vậy, cuộc điều tra chưa từng có và từng gây nhiều tranh cãi mọi cộng đoàn nữ tu tại nước này đã bắt đầu với lời chỉ trích cho rằng các nữ tu này có “não trạng thế tục”, nhưng đã kết thúc với một Bản Tường Trình đầy khen ngợi, không đưa ra bất cứ biện pháp kỷ luật hay cơ chế kiểm soát mới nào. 

Bản Tường Trình viết rằng: “Ngay từ những ngày đầu của GHCG [tại Hoa Kỳ], các nữ tu đã can đảm đứng ở tuyến đầu… chăm sóc đầy vị tha các nhu cầu thiêng liêng, tinh thần, giáo dục, thể lý và xã hội của không biết bao nhiêu người”. 

Cách riêng, Bản Tường Trình nói rằng các nữ tu Hoa Kỳ đặc biệt có khả năng “cùng với Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng ‘không ai trong chúng ta được nghĩ rằng mình được miễn chuẩn khỏi quan tâm tới người nghèo và công bình xã hội’”.

Tài liệu này biểu lộ “lòng biết ơn sâu xa của Tòa Thánh và của GH tại Hoa Kỳ đối với việc phục vụ tận tụy và vị tha của các nữ tu trong mọi phạm vi chủ yếu của đời sống GH và xã hội”. 

Tưởng cũng nên nhắc lại: năm 2009, Thánh Bộ Dòng Tu cho biết lý do đứng đàng sau cuộc điều tra các dòng nữ Hoa Kỳ: “một não trạng duy tục đã và đang lan rộng trong các gia đình nữ tu này, thậm chí còn là tinh thần ‘duy nữ’ nữa”. Chính ngôn ngữ này đã khiến có những động thái cứng rắn từ Rôma nhằm đưa các nữ tu này trở lại hàng ngũ. 

Nhưng kết cục, cuộc điều tra đã trở thành điều mà một quan sát viên Vatican coi gần như một cuộc tỏ tình (love fest). Tài liệu dài 5,200 chữ này đã chấm dứt cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2008.

Điều đáng lưu ý là những hạn từ như “khủng hoảng”, “bất đồng”, “tín lý”, và “phẩm trật” không xuất hiện trong tài liệu này. Tuy nhiên hạn từ “vâng lời” thì có, nhưng là vâng lời Chúa Giêsu Kitô, chứ không hẳn vâng lời cơ cấu quyền lực của Giáo Hội.

Hạn từ đối thoại đã được nhấn mạnh. Bản Tường Trình viết: “Chúng tôi dùng cơ hội này mời gọi mọi viện tu trì chấp nhận ý muốn của chúng tôi sẵn sàng dấn thân vào cuộc đối thoại tôn trọng và có hiệu quả với họ”. 

Khởi đầu cuộc điều tra, một số cộng đoàn nữ tu Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không hợp tác. Một số cộng đoàn còn đe doa sẽ qua mặt giáo luật (non-canonical) để tổ chức theo dân luật. Tuy nhiên, đầu năm 2011, có sự thay đổi lãnh đạo ở Thánh Bộ Dòng Tu với Đức HY João Bráz de Aviz, người Ba Tây và Đức TGM Joseph Tobin của Hoa Kỳ điều khiển; cả hai vị tỏ ý muốn hoà giải với các nữ tu (Đức Cha Tobin, sau đó, được cử làm TGM Indianapolis). Nhờ thế một phần mà có kết quả như ngày nay.
Vũ Van An12/17/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét