01/02/2015
Chúa Nhật
4 Quanh Năm Năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20
"Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng
người".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: "Chúa là Thiên Chúa các ngươi,
sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta:
các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các
ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe
tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa,
kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng
giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời
của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu
kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử
nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải
nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng
lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng
cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để
hoan hô Người. - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan
Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người
chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng
lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các
ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". -
Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35
"Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người
không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người
đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị
chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc
Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng
việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho
anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến
đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta;
những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 21-28
"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy
trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy
người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên
thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?
Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên
Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người
này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi
người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo
lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh
Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng
lân cận xứ Galilêa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sống Theo Thần Khí
Tiếp nối tư tưởng của 2 Chúa nhật trước, hôm nay Phụng vụ còn muốn
cho chúng ta được nhìn thấy Ðức Yêsu hoạt động ở Galilêa, để không những chúng
ta hiểu rõ vai trò cứu thế của Người hơn, nhưng cũng để chúng ta nhìn vào Người
mà nhận ra ơn gọi của mình.
Chúng ta sẽ thấy Người vượt xa hình ảnh vị tiên tri mà sách Thứ
luật đã nói tới. Việc Người trừ quỷ có một ý nghĩa rất sâu xa. Và vì thế chúng
ta được kêu gọi đi vào nếp sống đặc biệt mà Người đã mở ra.
1. Vị Tiên Tri Của Sách Thứ Luật
Chúng ta biết Thứ luật là cuốn sách cuối cùng trong bộ Ngũ thư tức
là 5 quyển sách đầu của bộ Cựu Ước. Nó được trình bày như là những lời di chúc
của Môsê. Ông sắp lìa trần nên cố gắng nhắn nhủ dân những lời cuối cùng để họ
thi hành khi vào đất hứa. Ông lấy lại luật pháp của Giao ước Sinai, quảng diễn
ra cho phù hợp với hoàn cảnh của dân sắp đặt chân vào đất Canaan. Chính vì vậy
mà các dịch giả bản 70 gọi quyển sách này là Thứ luật, tức là quyển luật pháp
thứ 2, quảng diễn luật pháp 10 giới răn đã được ban hành ở núi Sinai, là luật
pháp thứ nhất.
Nhưng sự thật không đơn sơ như vậy.
Rất nhiều sách trong bộ Cựu Ước không phải là tác phẩm của một
người, viết trong một giai đoạn nào nhất định. Nhiều quyển là kết quả sưu tầm
góp nhặt nhiều bản văn ở nhiều thời đại khác nhau về cùng một vấn đề. Sách Thứ
luật đây là một thí dụ. Có lẽ nói đã thành hình vào khoảng giữa thế kỷ 7 trước
Công nguyên, nghĩa là 5, 6 trăm năm sau khi Môsê từ trần. Nhưng nó có rất nhiều
đoạn đã manh nha từ thời Môsê. Và nhất là hết mọi đoạn trong sách này đều căn cứ
vào luật pháp Môsê mà nó có ý dẫn giải và áp dụng. Gọi nó là Thứ luật chỉ đúng
theo nghĩa đó; chứ không phải hết mọi trang trong sách này đều chú giải luật
pháp đâu.
Bài đọc I hôm nay chẳng hạn. Rút từ sách Thứ luật nhưng lại bàn
về vấn đề tiên tri, và nói về vị tiên tri mà Thiên Chúa hứa ban cho dân sau khi
Môsê lìa trần. Chúng ta có thể hình dung bối cảnh của bài Kinh Thánh này như
sau.
Bấy giờ dân Dothái sắp vào hứa địa hay mới vào được ít lâu. Chỗ
nào họ cũng gặp tà giáo. Và nơi các dân tộc chung quanh cũng vậy. Những thứ tôn
giáo sơ khai này lại có nhiều điều hấp dẫn. Ðặc biệt vai trò của các thầy bói,
bà đồng và của các nhà tiên tri thật là quan trọng. Dân chúng mê tín luôn luôn
tìm đến những con người tự tôn là giao cảm được với thần minh để biết ý trời và
hậu vận. Người có óc khoa học ngày nay coi đó là bịp bợm; và người có đức tin
chân chính nghĩ đó là "những việc do ma quỷ bày đặt".
Tác giả sách Thứ luật còn đi xa hơn. Ông thấy có nghĩa vụ phải cảnh
giác dân Chúa. Ông để cho Môsê nói với dân rằng: khi ngươi vào Ðất hứa sẽ không
được gặp thấy nơi người nào người bói quẻ hay phù chú, người lên đồng lên bóng
hay chiêm tinh hoặc chiêu hồn. Ngươi phải hoàn hảo đối với Thiên Chúa. Bù lại,
Người sẽ cho xuất hiện từ giữa các anh em ngươi một tiên tri như ta, tức là như
Môsê đây. Và sở dĩ Người cho như vậy là vì chính ngươi đã xin khi ở dưới chân
núi Sinai. Ngày ấy nghe tiếng Chúa, ngươi đã rụng rời và ngươi nài xin Người đừng
nói thẳng với ngươi nữa, một xin Người dùng trung gian một người từ giữa các anh
em người để đến nói với ngươi nhân danh Người. Kẻ ấy mới thật là tiên tri, vì
người chỉ đến nói nhân danh Chúa. Ngươi phải nghe lời người vì đó là Lời Chúa� Còn
ngươi sẽ không được nói tự ý mình hoặc nhân danh thần nào khác.
Nội dung bài sách Thứ luật hôm nay là như vậy. Vừa cảnh giác dân
vừa hứa hẹn với dân những điều tốt đẹp. Dân đừng bắt chước kẻ ngoại tin vào phù
thủy và bói quẻ. Thiên Chúa sẽ ban cho dân những vị tiên tri đích thực: luôn
luôn chỉ nói nhân danh Chúa. Và điều này đã xảy ra trong lịch sử dân Chúa.
Israel vẫn có các vị tiên tri của Chúa ở giữa mình.
Tuy nhiên Israel vẫn trông chờ một vị tiên tri như Môsê. Và vì
thế bài sách Thứ luật hôm nay còn nói về Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ
là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Người chính là Ðức Yêsu Kitô đã
khiến người ta phải kinh ngạc như chúng ta vừa nghe đọc trong bài Tin Mừng.
2. Nhà Tiên Tri Ðầy Uy Quyền
Thánh Marcô, tác giả bài Tin Mừng có vẻ lúng túng trước những điều
nghe thấy trong hội đường Capharnaum. Ðức Yêsu vừa vào đó với các môn đệ. Chắc
là theo như thông lệ chủ hội đường đã mời Người đọc và giải thích Kinh Thánh. Lập
tức người ta đã thấy ngay đây là một giáo lý khác thường. Người nói có uy quyền
lạ lùng, khác hẳn các luật sĩ xưa nay. Hay Người là vị tiên tri đặc biệt mà
sách Thứ luật đã nói? Người ta chưa hết ngạc nhiên thì này có tiếng hét lên. Tiếng
quỷ nhập ở trong một người đã công khai thú nhận: "Ngài đến tiêu diệt
chúng tôi ư? Tôi biết Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa mà!". Ðức Yêsu liền
bảo nó câm miệng lại và ra khỏi người đó. Lập tức nói vâng lời. Mọi người lại
kinh ngạc. Lời của Người sao mà uy quyền đến thế? Thần ô uế cũng phải vâng
theo.
Khi thuật truyện như vậy rõ ràng thánh Marcô chú ý đến cách Ðức
Yêsu giảng dạy. Người dùng câu truyện trừ quỷ để minh chứng uy quyền giảng dạy
của Ðức Kitô. Người lồng câu truyện đó vào giữa một bài tường thuật mà đoạn đầu
và đoạn cuối đều nói về việc người ta kinh ngạc trước lời giảng dạy của nhà
tiên tri mới. Chỉ có như vậy mới hiểu được vì sao ma quỷ đã không tru trếu lên
ngay khi Ðức Yêsu vừa mới bước chân vào hội đường. Marcô để cho Người lên tiếng
dạy dỗ đã, rồi ma quỷ mới được kêu lên, hầu làm chứng Lời của Người có giá trị
trừ quỷ. Và như thế Người không phải là vị tiên tri đặc biệt sao?
Ðàng khác, khi mô tả việc trừ quỷ, Marcô đã khéo gói ghém nhiều
yếu tố quan trọng... Thường thường vị trừ quỷ phải lên tiếng trước ra lệnh trục
xuất thần ô uế ra khỏi người ta. Nhất là nếu có thể, Người phải gọi đích danh
quỷ ra, vì biết được tên ai là khống chế được người đó. Nhưng ở đây, chính quỷ
lại bị bó buộc tru trếu trước. Nó xưng tên Ðức Yêsu Nadarét và chân tướng của
Người ra. Có lẽ nó hy vọng áp đảo được Người. Nhưng Người đã ra lệnh bắt nó phải
câm và phải ra khỏi người ta. Người thật là vị trừ quỷ siêu việt. Hơn nữa, có
thể nói, Người không cần trừ quỷ. Lời giảng của Người có giá trị xua đuổi nó rồi.
Thành ra chúng ta có thể nhận xét thêm: khi mô tả việc trừ quỷ
như trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô dường như một đàng muốn chú trọng đến
uy quyền của Ðức Yêsu khi giảng dạy và đàng khác cũng muốn lưu ý chúng ta về uy
quyền của Lời Chúa hiện nay đang được rao giảng ở trong Giáo Hội. Nói cách
khác, trong bài Tin Mừng này, thánh Marcô vừa muốn giới thiệu Ðức Kitô là nhà
tiên tri xuất sắc, vừa muốn nói đến uy quyền của Lời rao giảng Phúc Âm hiện
nay. Hình như người muốn khẳng định rằng: cũng như Lời Ðức Yêsu rao giảng ngày
trước đã có uy quyền xua đuổi tà thần thế nào, thì hiện nay cũng vậy, Lời rao
giảng về Người ở trong Hội Thánh cũng sẽ giải thoát người ta khỏi vòng nô lệ tà
thần.
Tuy nhiên thánh Marcô cũng muốn đề phòng mọi lạm dụng. Người
không muốn cho người ta kêu tên Chúa Yêsu một cách vô cớ, tức là một cách không
xứng đáng. Vì thế sách Tin Mừng của người luôn luôn cấm người ta nói đến danh
tánh Ðức Yêsu. Phải đợi đến khi Thánh giá được dựng lên, người ta mới được quyền
tuyên xưng Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa (15,39). Nghĩa là theo thánh Marcô, chỉ
những ai chấp nhận đi qua mầu nhiệm thập giá mới hiểu được Chúa và mới được quyền
đọc tên Chúa, mới có Thánh Thần giúp đỡ để kêu tên Yêsu khiến ma quỷ, tội lỗi rời
xa.
Do đó ngoài việc giới thiệu Ðức Yêsu là vị tiên tri đặc biệt như
bài sách Thứ luật đã gợi lên, và ngoài việc khẳng định Lời Chúa hiện nay vẫn đầy
uy quyền ở trong Hội Thánh, bài Tin Mừng hôm nay còn muốn cảnh giác chúng ta, đừng
tưởng được nghe Lời Chúa và kêu tên Người là đủ để xua đuổi được tà thần ra khỏi
tâm hồn và đời sống của mình; nhưng còn phải cùng Ðức Yêsu đi qua mầu nhiệm
thánh giá nữa. Có kết hợp với mầu nhiệm Tử nạn của Người, chúng ta mới có sự sống
mới Người đem xuống trần gian. Bấy giờ chúng ta mới dễ chấp nhận lời khuyên của
bài thư Phaolô hôm nay.
3. Sống Theo Thần Khí
Bài thư này tiếp nối thư Chúa nhật trước. Thánh tông đồ đang
khuyên nhủ giáo dân Côrintô. Người nói thời buổi đã đến lúc sung mãn. Ðức Yêsu
Kitô đã giáng thế, tử nạn và phục sinh, tức là đã khai trương một nếp sống mới.
Người không đưa môn đệ ra khỏi thế gian nhưng họ không còn thuộc về thế gian nữa,
tức là không ở trong luật lệ của tà thần và tội lỗi nữa. Họ có thể vẫn cưới xin
và sống bậc gia đình, nhưng đừng để xác thịt làm khổ mình. Hơn nữa ơn của mầu
nhiệm phục sinh còn có thể giúp họ sống vượt khỏi các đòi hỏi của xác thịt. Người
ta có thể sống bậc đồng trinh và độc thân, và sống như vậy sẽ đỡ nhiều lo âu
hơn khi sống có gia đình.
Những lo âu nào? Có phải những lo âu về đời sống vật chất cho
gia đình không? Hay là những lo âu về đời sống xã hội? Ở đây, thánh Phaolô
không có ý nói đến những lo âu như thế. Ðàng khác ai mến Chúa yêu người mà
không phải để tâm săn sóc đến đời sống vật chất và xã hội của người khác? Chính
việc săn sóc này, cũng là nghĩa vụ phải chu toàn để đưa Nước Chúa đến chỗ Trời
mới và Ðất mới. Ở đây thánh Phaolô nói đến những lo âu về tình yêu, tức là những
ràng buộc của lòng mến. Người đồng trinh vì mến Chúa thì chỉ lo đẹp lòng Chúa.
Còn người lập gia đình còn phải lo đẹp lòng bạn mình. Một đàng có trái tim toàn
khối; còn đàng kia có trái tim chia sẻ. Và chắc chắn như vậy.
Nhưng không phải ai ai cũng được ơn gọi sống độc thân vì Nước Trời.
Tuy nhiên ở bậc nào mọi người cũng phải sống đoan chính, và khắng khít với Chúa
không hề lơi, bởi vì Chúa phục sinh đang ở giữa chúng ta và chúng ta đang ở
trong thời buổi sung mãn.
Như vậy bài thư Phaolô cũng như bài Tin Mừng Marcô. Cả hai đều
khẳng định Ðức Kitô đã đến và đem vào thế gian, không những một giáo lý mới, mà
còn một uy lực mới, để chúng ta sống xa được sức mạnh của tà thần. Như vậy, Người
là vị tiên tri mà sách Thứ luật đã loan báo. Thế nên chúng ta không được tin
vào những tiên tri của thế gian. Họ không nói tư tưởng của Chúa mà chỉ đưa ra
những ý nghĩ của lòng họ hoặc của các ngẫu tượng họ thờ. Nghe theo lời họ sẽ bị
rơi vào vòng kìm hãm của tà thần mà đời sống nặng nề xác thịt là một dấu hiệu.
Ðem những lời đó đến so với Lời Chúa giảng dạy trong Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy
chúng la lên và dằn vặt chúng ta: lúc ấy niềm tin vào Lời Chúa và quyết tâm thi
hành thánh ý Người sẽ giải cứu và ban bình an cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta
thử đưa những lời Thánh Kinh vừa nghe đọc vào lòng xem. Có thể chúng ta sẽ thấy
mau mau đến với Chúa trong Thánh Thể để được bình an. Giả có như vậy thì quả thật
chúng ta cũng còn có phước và đã được phúc do Thánh lễ này.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật
IV Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Deut
18:15-20; I Cor 7:32-35; Mk 1:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò
của ngôn sứ
Ngôn sứ hay tiên tri là người nói thay cho Thiên Chúa, chứ không
phải là những người nói trước về tương lai. Trong Cựu Ước, ngôn sứ chỉ là một
thiểu số nhỏ, được Thiên Chúa tuyển chọn giữa dân để nói thay cho Ngài, nhất là
trong thời miền Bắc và miền Nam bị rơi vào tay ngọai bang và bị lưu đày.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò của vị ngôn sứ.
Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Đệ Nhị Luật cho biết lịch sử tại sao có ngôn sứ,
và vai trò quan trọng trong sứ vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô giải thích cho cộng đòan Corintô biết lý do cụ
thể của những người không có gia đình, họ có nhiều thời giờ hơn để làm những
chuyện của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ Tối Cao, vì Ngài
là chính Lời của Thiên Chúa. Ngài giảng dạy như một ngôn sứ có uy quyền chứ
không giống các Kinh-sư; và Ngài có quyền trục xuất thần ô uế ra khỏi con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời tiên tri về vị ngôn sứ Thiên Chúa hứa
ban:
1.1/ Sự cần thiết của ngôn sứ: Truyền thống Do-Thái tin khi một
người nhìn thấy Thiên Chúa, người đó sẽ phải chết. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa
không xuất hiện để nói với dân, nhưng Ngài dùng những nhà lãnh đạo như Moses và
Aaron, để thực thi những gì Thiên Chúa muốn. Để chứng nhận uy tín của những người
lãnh đạo này, Thiên Chúa cho dân thấy một phần quyền năng của Ngài như khi dân
Israel được triệu tập ở Horeb trong ngày đại hội. Nhưng dân chúng không thể chịu
đựng nổi, dù chỉ một phần uy quyền của Thiên Chúa, nên họ nói với Moses:
"Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa,
chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết."
Vì lý do này, con người có lời hứa của Thiên Chúa: “Từ giữa anh
em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất
hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.” Nói cách khác,
ngôn sứ là người được chọn giữa con người, để trở thành trung gian giữa Thiên
Chúa và con người. Lời hứa này ám chỉ tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước Thiên
Chúa gởi đến cho con người. Tuy nhiên, đó cũng là lời hứa về Đức Kitô, vị Ngôn
Sứ tòan hảo của Thiên Chúa. Ngài cũng là người giữa con người, nhưng có uy quyền
và sự không ngoan của Thiên Chúa. Ngài là người trung gian hòan hảo giữa Thiên
Chúa và con người.
1.2/ Mối liên hệ bộ ba giữa Thiên Chúa, ngôn sứ, và con người: Một sự
hiểu biết về mối liên hệ này sẽ giúp chúng ta nhận ra bổn phận và trách nhiệm của
từng người:
(1) Thiên Chúa và ngôn sứ: Thiên Chúa chọn ngôn sứ và gởi ông đến
với dân để giúp họ, ông không tự chọn mình để làm ngôn sứ. Bổn phận của ngôn sứ
là nói những gì Thiên Chúa muốn nói với dân như lời Thiên Chúa phán: "Ta sẽ
đặt những Lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả
những gì Ta truyền cho người ấy.”
(2) Ngôn sứ và con người: Con người phải vâng nghe những gì ngôn
sứ nói với họ; vì “kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói
nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.” Lời của Thiên Chúa là lời của ngôn
sứ; bất tuân lời ngôn sứ là bất tuân Thiên Chúa, và con người sẽ phải chịu
trách nhiệm trước Thiên Chúa. Con người dễ khinh thường các ngôn sứ, lý do vì
ngôn sứ cũng là người yếu đuối như họ; chẳng lạ gì mà con người hay có thái độ,
“gần chùa gọi bụt bằng anh!” Con người không được quên họ là ngôn sứ của Thiên
Chúa.
(3) Ngôn sứ và Thiên Chúa: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa
nói; vì “ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói,
hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” Ngôn sứ phải
chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa, vì ông có trách nhiệm nói Lời của Thiên
Chúa. Các ngôn sứ dễ có khuynh hướng không nói Lời của Thiên Chúa, vì những lý
do sau:
- Con người không muốn nghe sự thật vì sự thật mất lòng. Họ
thích nghe những gì vui vẻ, tếu táo, không đòi suy nghĩ, và nhất là không khơi
dậy mặc cảm tội lỗi nơi những việc họ đang làm. Khán giả cũng không thích ngôn
sứ nói đến tội lỗi, chết chóc, chiến tranh, hy sinh, từ bỏ, chịu đau khổ, vác
Thánh Giá; vì thế, vị ngôn sứ dễ tránh né những chủ đề này.
- Sợ những hậu quả xảy ra: không trở nên nổi danh, bị khán giả
ghét bỏ, và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu động chạm đến nhà cầm quyền và
các thế lực mạnh.
- Dùng danh Thiên Chúa để mưu cầu lợi lộc: nói khôi hài để được
khán giả ưa thích, nói vuốt đuôi để được thăng quan tiến chức, và nói văn
chương để tỏ cho khán giả tài năng của mình.
2/ Bài đọc II: Làm đẹp lòng Thiên Chúa hay đẹp lòng người đời?
2.1/ Ngôn sứ có bổn phận làm đẹp lòng Thiên Chúa: Truyền
thống Do-Thái rất chú trọng đến đời sống gia đình, và coi đó như một bổn phận
thánh. Chỉ có một trường hợp miễn trừ cho một người không phải kết hôn là để có
nhiều thời giờ nghiên cứu Lề Luật của Chúa. Trong cộng đòan tín hữu Côrintô, có
lẽ cũng có sự so sánh giữa 2 ơn gọi: độc thân để làm việc cho Chúa và ơn gọi
gia đình; ơn gọi nào tốt hơn? Thánh Phaolô cho các tín hữu một cái nhìn thiết
thực qua hai ví dụ:
(1) Các nam tu: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ
tìm cách làm đẹp lòng Người; còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách
làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi.”
(2) Các nữ tu: “Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ
thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng
thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.”
Lý luận căn bản của Thánh Phaolô: Vì người độc thân không phải
lo nghĩ đến người phối ngẫu nên họ có thời giờ và dành mọi tập trung lo việc của
Thiên Chúa. Người có gia đình phải dành thời giờ và lo lắng cho người phối ngẫu,
nên họ sẽ có ít giờ hơn để lo việc của Thiên Chúa, và tâm trí họ bị chia đôi. Đấy
là chưa kể thời giờ phải lo cho các con nữa.
2.2/ Hãy chu tòan bổn phận trong ơn gọi của mình: Điều quan trọng
không ở chỗ là tranh luận xem ơn gọi nào quan trọng hơn ơn gọi nào; nhưng ở chỗ
mọi người hãy chu tòan ơn gọi của mình. Nếu ở bậc độc thân mà không chịu lo việc
của Thiên Chúa, cũng chẳng làm lợi gì cho Ngài. Bậc nào cũng phải cộng tác với
nhau và góp phần vào việc làm vinh quang Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là ngôn sứ kiểu mẫu của Thiên Chúa.
3.1/ Uy quyền giảng dạy: “Đức Giêsu và các môn đệ đi vào
thành Capernaum. Vào ngày Sabbath, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng
sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư.” Trình thuật không nói rõ sự khác biệt giữa Chúa
Giêsu và các Kinh-sư, nhưng chúng ta có thể dựa vào những trình thuật khác, nhất
là xung đột ý kiến giữa Ngài và họ, để liệt kê một số điều như sau:
(1) Chúa Giêsu chú trọng đến tâm hồn bên trong như: kính sợ
Thiên Chúa, lòng thương xót, thực thi ý Thiên Chúa, và bảo vệ sự sống; trong
khi các Kinh-sư chú trọng đến việc giữ các lễ nghi và Lề Luật hời hợt bên
ngòai: giữ ngày Sabbath và các luật thanh tẩy (Mk 2:23-24).
(2) Chúa Giêsu không sợ nói và đối diện sự thật (Mk 3:23-27);
trong khi các Biệt-phái và Kinh-sư luôn tìm cách che đậy những toan tính gian
ác trong tâm hồn (Mk 3:2-6).
3.2/ Uy quyền trên các thần ô uế: Truyền thống Do-Thái tin
có nhiều quỉ thần trong thế giới, và chúng thường sống trong những nơi nhơ bẩn,
hoang dã, và huyệt mả. Chúng thường đe dọa những khách độc hành, đàn bà có
thai, cô dâu chú rể, và trẻ em ra ngòai ban đêm. Chúng thường họat động nhiều
vào giữa trưa và khỏang thời gian giữa mặt trời lặn và mặt trời mọc. Có nhiều
thứ quỉ thần khác nhau, và chúng thường chuyển những tính xấu của chúng tới những
người chúng sở hữu như quỉ mù, phong cùi, dâm dục … Chúa Giêsu nhiều lần khai
trừ quỉ thần ra khỏi con người như trình thuật hôm nay, và ngày xưa, “chức trừ
quỉ” là một trong 7 chức thánh được ban cho các linh mục.
(1) Chúa Giêsu không sợ áp lực của khán giả: Trình thuật kể ngay
sau khi Chúa Giêsu giảng dạy xong; lập tức, trong hội đường của họ, có một người
bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can
gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng
Thánh của Thiên Chúa!" Chúng ta không ngạc nhiên về điều này, vì sứ vụ của
Chúa Giêsu và sứ vụ của quỉ thần hòan tòan đối nghịch nhau: Ngài đến để giải
thóat con người khỏi mọi quyền lực của tội; trong khi các quỉ thần cố gắng giữ
con người làm nô lệ cho tội.
(2) Chúa Giêsu trục xuất quyền lực ô uế đang ở trong khán giả:
Ngài quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh
người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Điều khác biệt giữa Chúa
Giêsu và các nhà trừ quỉ khác, Ngài dùng uy quyền của chính Ngài biểu tỏ qua mệnh
lệnh ngắn và đơn giản; chứ không nhân danh một thứ quyền lực khác, và phải xử dụng
một công thức cố định.
(3) Khán giả được chữa lành: Khi chứng kiến những gì Chúa Giêsu
làm, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là
gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần
ô uế và chúng phải tuân lệnh!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đều là những ngôn sứ của Thiên Chúa. Bổn phận của
chúng ta là phải tìm hiểu, nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyền lực chống lại sự thật
của thế gian và ma quỉ. Hậu quả có thể là không được chấp nhận, phỉ báng, tù
đày, và ngay cả nguy hiểm tính mạng.
- Chúng ta không được sợ hãi, để rồi thay vì nói sự thật của
Thiên Chúa, chúng ta nói những gì khán giả muốn nghe. Hãy nhớ chúng ta phải chịu
trách nhiệm trước mắt Thiên Chúa; Ngài sẽ đòi nợ máu chúng ta về sự hư đi của
những người chúng ta đã không có can đảm nói sự thật cho họ.
- Chúng ta phải tôn trọng những người có bổn phận rao giảng Tin
Mừng, cho dẫu họ nói những gì chúng ta không muốn nghe, nhưng là sự thật của
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
01/02/15 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – B
Mc 1,21-28
Mc 1,21-28
Suy niệm: Từ
gần hai năm nay, Đức Giáo hoàng đương kim đã tạo ra “hiện tượng Phan-xi-cô”
trong Giáo Hội cũng như thế giới. Tờ báo Time nhận định: “Điều quan trọng ở Giáo hoàng Phan-xi-cô là ngài đã nhanh chóng
thu hút nhiều triệu người trước đây không còn hy vọng nào nơi Giáo Hội.” Đức Thánh cha đã gây xúc động và truyền đi
nhiệt huyết, đặc biệt đối với những người đã xa rời niềm tin. Trong thông báo
bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cả chủ tịch nước Cuba là Raul Castro lẫn
tổng thống Mỹ Obama đều cám ơn Đức giáo hoàng vì vai trò trung gian hòa giải
của ngài. Khi khởi đầu sứ vụ công khai, Đức Giê-su cũng tạo ra “hiện tượng
Giê-su”. Người ta ngạc nhiên về giáo lý mới mẻ, lời giảng dạy đầy uy quyền, vì
không dựa vào truyền thống xưa, mà còn vì lời ấy mạnh mẽ, đủ uy quyền ra lệnh cho
các thần ô uế, và chúng phải tuân lệnh.
Mời Bạn: Ngày
hôm nay “hiện tượng Giê-su” vẫn còn tiếp diễn qua Lời Ngài, Lời đem lại sự sống
đời đời, Lời sáng soi cho bạn bước đi trong cuộc đời, Lời đầy quyền năng có thể
xua trừ các thứ ô uế đang ám ảnh tâm hồn bạn. Bạn cũng hãy là “hiện tượng” cho
người lân cận nhờ sức mạnh cải hóa của Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi
sẽ dành thời gian đọc, suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và nỗ lực áp dụng Lời ấy
trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tuyên xưng Chúa có Lời ban sự sống đời
đời, là Lời uy lực giải phóng chúng con khỏi các loại thần ô uế của thời đại
đang ra sức mê hoặc chúng con. Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào sức mạnh
của Lời Chúa, để chúng con kiên trì sống Lời ấy mỗi ngày. Amen.
HÃY XUẤT KHỎI NGƯỜI NÀY
Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám. Nhưng thế
giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác: tham vọng và dục vọng, sợ hãi và
oán thù, ích kỷ và hưởng thụ...
Suy niệm:
Một ông thợ ở Nadarét được
mời giảng trong hội đường.
Máccô không cho ta biết Ðức
Giêsu đã giảng gì.
Chỉ biết nội dung của lời
giảng thì mới mẻ,
và cách giảng thì khác hẳn
với các kinh sư.
Kinh sư thì giải thích Kinh
Thánh với thẩm quyền.
Còn Ðức Giêsu giải thích
Kinh Thánh với uy quyền.
Ngài chẳng phải dựa vào sách
vở, vào truyền thống có sẵn.
Một cách mới mẻ và đầy uy
quyền,
Ðức Giêsu loan báo Triều đại
Thiên Chúa đã đến,
triều đại của Xatan phải bị
đẩy lui.
Quả vậy, sự hiện diện của
Ngài trong hội đường ngày hôm ấy
đã khiến cho thần ô uế phải
chường mặt ra và khiếp sợ.
Ðức Giêsu ra lệnh: “Hãy
câm đi và xuất khỏi người này”.
Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ
căn nhà nó đã ở.
Nó chỉ ra sau khi đã vật vã
người ấy và thét lên.
Ðức Giêsu đã chiến thắng và
giải phóng ta khỏi nô lệ.
Ngài khai mở Nước Thiên Chúa
trên mặt đất.
Nhưng cuộc chiến với Xatan
còn kéo dài đến tận thế.
Chúng ta phải cộng tác để
Nước Chúa mau thành tựu.
Quỷ thường được vẽ như một
con vật xấu xí đáng sợ.
Nếu thế thì ta rất dễ nhận
ra nó,
và nó cũng khó lòng cám dỗ
được ta.
Trong thực tế, quỷ mang dáng
dấp xinh đẹp và hấp dẫn.
Nó tấn công ta bằng những
thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào.
Nó nắm rõ điểm yếu nhất của
từng cá nhân, tập thể.
Xưa nay, người bị quỷ nhập
thực sự chắc không nhiều.
Nhưng hẳn nhiều người bị quỷ
lèo lái mà không biết.
Kitô giáo không bịa ra quỷ
để hù dọa tín đồ.
Quỷ là những mãnh lực xấu
xa, cố kéo ta xa Chúa.
Chúng chống lại Thiên Chúa
và hạnh phúc đích thực của con người.
Quỷ phỉnh phờ con người bằng
thứ hạnh phúc giả tạo.
“Nếu ông sấp mình thờ lạy
tôi, tôi sẽ cho tất cả”.
Làm gì có hạnh phúc vững bền
khi ta quay lưng với Thiên Chúa!
Chúng ta tự hào mình không
bị quỷ ám.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn
bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác:
tham vọng và dục vọng, sợ
hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ...
Có những điều vốn không xấu
cũng trở thành ngẫu tượng:
tiền bạc, tiện nghi, thời
trang, công việc làm ăn, phim ảnh...
Cái ám nào cũng làm ta bớt
tự do, bớt là mình.
Cái ám từ ngoài vào, ở lại
trong ta và không chịu ra.
Cái ám khi trở thành tuyệt
đối thì làm ta trở nên ô uế.
Nó bắt ta phải nghĩ, phải
sống như theo một lập trình.
Ta không thể làm khác, không
thắng được bản năng và thói quen.
Ta thấy mình bất lực, nên
cần Ðấng Thánh của Thiên Chúa.
“Hãy xuất ra khỏi người này”:
Hôm nay Chúa muốn nói với tà
thần ở trong tôi như vậy.
Tôi cầu xin Ngài trục xuất
khỏi tôi điều gì?
“Hãy xuất ra khỏi thế giới
này”:
Nhờ ơn Chúa, tôi cũng phải
ra lệnh cho ma quỷ như vậy.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như
hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc
hướng
vì không tìm được một người
để tin;
vẫn có những người đã chết
từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh
bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình
dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ
thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn,
lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống
bên lề xã hội,
dù không phải là người
phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương
như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
1 THÁNG HAI
Sức Mạnh Giấu Ẩn Trong Sự Bất Lực
Thiên Chúa hiện diện ở giữa mọi nền văn hóa của con người, bởi
vì Ngài hiện diện nơi chính con người – là tạo vật mà Ngài đã dựng nên theo
hình ảnh Ngài. Thiên Chúa không ngừng hiện diện nơi những ai – bằng kinh nghiệm
và bằng cảm hứng của mình – đóng góp vào việc hình thành những giá trị, những tập
tục và những cơ chế làm nên di sản văn hóa của toàn thế giới này.
Nhưng vị Vua Vinh Hiển còn muốn đi vào trong những nền văn hóa
này bằng một cách thế trọn vẹn hơn nữa. Ngài muốn đi vào trong cung lòng của bất
cứ ai sẵn sàng mở rộng để đón nhận Ngài: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên! Cao lên
nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào!” Trong biến cố dâng Đức
Giêsu vào đền thờ, Thiên Chúa đã vào đền thánh của Ngài trong tư cách là “Vua
Vinh Hiển”.
Nhưng – “Đức Vua vinh hiển đó là ai?” (Tv 24, 7 – 8). Lễ Dâng
Chúa Giê-su Vào Đền Thờ trao cho chúng ta câu trả lời. Chúng ta nhìn ngắm Maria
và Giu-se ẵm một hài nhi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy là bốn mươi ngày sau
biến cố hài nhi chào đời.
Và hai người đã trình diện hài nhi cho các tư tế trong đền thờ để
chu toàn lề luật. Nhưng, với thái độ tuân phục ấy, hai người đang chu toàn một
cái gì đó còn hơn cả lề luật. Mọi sấm ngôn thuở xưa giờ đây đang được hiện thực
trọn vẹn, vì Maria và Giu-se đang mang vào đền thờ “ánh sáng của mọi dân tộc.”
Thiên Chúa đi vào đền thánh không phải trong tư cách của một đấng
quyền lực mạnh mẽ, nhưng là trong dáng dấp của một em bé trên đôi cánh tay mẹ
mình. Vua Vinh Hiển không đến trong uy phong lẫm liệt của nhân loại, không rình
rang đình đám ồn ào. Ngài không gây giật gân, khiếp hãi. Ngài vào đền thờ vẫn với
cung cách như khi Ngài vào thế giới: là một bé thơ. Ngài vào đền thờ trong lặng
lẽ, nghèo hèn, và hiện diện với Ngài là những kẻ nghèo hèn và những người khôn
ngoan.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 01 - 02
Chúa Nhật IV Thường Niên
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu và các môn đệ vào thành
Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt
về lời dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không
như các kinh sư.”
Hội đường là một nhà trường để dạy đạo; trong hội đường cũng là
nơi dân Thiên Chúa đến cầu nguyện, đọc Lời Chúa, Sách Luật và được một vị Kinh
sư giảng dạy những lời ấy. Khi Chúa Giêsu đến trong hội đường Người giảng dạy,
không như các Kinh sư đã từng giảng dạy, vì những lời của những Kinh sư họ thường
phải dẫn chứng những lời giảng dạy ấy có nguồn gốc từ một ai đó có thể giá hay
là dựa vào một Sách nào đó đã có sự tín nhiệm. Còn Chúa Giêsu, khi Người giảng
dạy thì đó là những mạc khải mới lạ, với đầy uy quyền và có tính cách khẳng định,
tác động mạnh trên mọi kẻ nghe Người.
Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là Lời Hằng Sống, luôn là mới lạ để làm
thăng tiến đời sống con người; giúp gặp được Chúa Cha. Xin cho mọi thành viên
trong gia đình chúng con luôn biết dành thời giờ trong ngày đọc và suy niệm Lời
Chúa, cũng như tích cực tham gia mọi sinh hoạt phụng vụ để được các thừa tác
viên của Giáo Hội hướng dẫn, soi sáng tăng thêm sự hiểu biết về Lời Chúa.
Mạnh Phương
01 Tháng Hai
Rừng Mắm
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Rừng Mắm", cố văn
sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau
đây giữa hai ông cháu:
- Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?
- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết,
cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.
- Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra
hằng hà sa số như là cỏ vậy?
Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy
ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng
nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp,
giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới
mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp:
"Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm,
chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ
là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con".
Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi:
"Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?". Ý nghĩ về
sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng
cay, thất vọng.
Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện
trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó
cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên.
Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát
và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở
thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên.
Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về
quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi
người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc
cho những thiếu sót của người khác.
Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này
cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng
nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho
chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét