18/01/2015
Chúa Nhật II Thường Niên
Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật II Mùa Thường Niên năm B
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN – B
1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20;
Ga 1,35-42
1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20;
Ga 1,35-42
“Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga
1,36)
và “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39)
và “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: 1Sm
3,3b-10.19
Trình
thuật nói đến ơn gọi của Samuel, thuộc thể loại ơn gọi ngôn sứ (Is 6; Gr
1,4-10; Ed 1,1-3,16). Trình thuật ơn gọi này được đặt trong bối cảnh có sự
tương phản ngày càng rõ nét giữa nhà Êli và Samuel. Hai con ông Êli làm nhiều
điều xấu trước nhan Đức Chúa: đối xử bất minh với toàn dân Israel, khinh thường
những lễ phẩm dâng lên Đức Chúa (x. 1Sm 2,12-17); ăn nằm với những phụ nữ phục
vụ ở cửa Lều Hội Ngộ (x. 2,22); chẳng chịu nghe lời khuyên răn của cha họ là tư
tế Êli mà hối lỗi sửa mình (x. 2,25). Còn cậu Samuel thì “càng lớn lên và đẹp
lòng cả Đức Chúa lẫn người ta” (2,26).
Đức
Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế nhà Êli, vốn đã ra hư hỏng. Samuel
nghe tiếng Đức Chúa gọi vào thời “lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không
hay xảy ra” (3,1). Hơn nữa, vì “Samuel chưa biết Đức Chúa và lời Đức Chúa chưa
được mặc khải cho cậu” (3,7), nên cậu không dễ dàng nhận ra Đấng đang gọi mình
là ai. Ba lần Đức Chúa gọi cậu, nhưng cậu lầm tưởng là tư tế Êli gọi mình. Sau lần
gọi thứ ba này, cậu Samuel đã nhận được lời hướng dẫn cụ thể của tư tế Êli, chỉ
cho cậu biết cách phải trả lời ra sao trước tiếng gọi mầu nhiệm ấy (x. 3,9).
Đức
Chúa lại gọi Samuel lần thứ tư một cách thân tình và dịu dàng như ba lần trước
đó: “Samuel! Samuel!” (3,10). Lần này, Samuel đã thưa như lời tư tế Êli dạy:
“Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3,10). Không biết có phải vì
bối rối không, mà trong lời đáp của mình Samuel đã bỏ xót tiếng thưa “Lạy Đức
Chúa” như trong lời chỉ dẫn của vị tư tế già (x. 3,9). Tuy nhiên, sau sự kiện
này, Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Người đóng vai trò hết sức quan trọng
trong cuộc đời Samuel, trở thành kim chỉ nam để ông sống và hướng dẫn dân Chúa,
như lời Kinh Thánh nói: “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào
của Người ra vô hiệu” (3,19).
2. Bài đọc 2: 1Cr
6,13c-15a.17-20
Trong
thư thứ nhất của thánh Phao lô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, đoạn trích mà chúng
ta vừa nghe xuất hiện trong đơn vị văn chương bàn về chuyện tính dục và những
vấn đề liên quan (1Cr 5,1-7,40). Với 1Cr 6,13c-15a.17-20, vị tông đồ dân ngoại
bàn đến ý nghĩa cao quí của thân xác chúng ta, và qua đó, Ngài kêu gọi tín hữu
Côrintô sống sao cho xứng hợp với thân xác của mình.
Thánh
Phao lô nêu một loạt các xác tín của Ngài về ý nghĩa của thân xác chúng ta:
1)
Thân xác của chúng ta có Thiên Chúa làm chủ (x. c14); thân xác sẽ được Người
làm cho sống lại như chính Người đã cho Đức Kitô sống lại (x. c14)
2)
Thân xác chúng ta là phần thân thể của Đức Ki-tô (x. c15); một khi được kết hợp
với Chúa thì nên một tinh thần với Người (x. c17)
3)
Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. c19)
Vì
thân xác chúng ta cao quí như vậy trước mắt Thiên Chúa, nên chúng ta phải sống
sao cho xứng hợp với nó: thân xác không phải để gian dâm (x. c14.18), không
phải để nên một thân xác với kỹ nữ (x. c16), nhưng để phụng sự Chúa (x. c14),
để tôn vinh Thiên Chúa (x. c20).
3. Bài Tin Mừng: Ga
1,35-42
Đoạn
Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Thường Niên năm B xuất hiện ngay sau Lời chứng
của Gioan Tầy Giả về Chúa Giêsu (Ga 1,19-34) và trước Tiệc Cưới Cana (Ga
2,1-12). Lời chứng của Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta nhận ra sự trổi vượt của
Chúa Giêsu so với Gioan về phẩm tính, sứ mạng và cách thức thực hiện sứ mạng:
1) Gioan
tuyên bố về mình: Ngài không phải là Đức Kitô
(1,20), nhưng là “tiếng người hô trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để
Đức Chúa đi” (1,23); Ngài làm phép rửa bằng nước (1,26); Ngài “không đáng cởi
quai dép” cho Đấng trổi vượt hơn Ngài (x. 1,27).
2) Gioan
tuyên bố về Chúa Giêsu: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng
xóa tội trần gian (1,29); Người là Đấng đến sau Gioan nhưng trổi vượt hơn Ngài
vì có trước Ngài (1,30); Người là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và là Đấng
Thiên Chúa tuyển chọn (1,34).
Nếu
như ở Ga 1,29-34, Gioan đã làm chứng về Chúa Giêsu chính yếu cho đám đông dân
chúng, thì ở đoạn Tin Mừng 1,35-42 hôm nay, lời chứng của Ngài trực tiếp nhắm
đến hai người môn đệ của mình. Ngài lập lại lời chứng về Chúa Giêsu, nhưng có
phần ngắn gọn hơn, xoáy sâu vào phẩm tính của Người: “Đây là Chiên Thiên Chúa”
(1,36; ss. 1,29). Nghe lời chứng ấy, hai môn đệ liền đi theo Chúa Giêsu.
Khi
được hỏi “Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” Chúa Giê su đã mời gọi hai môn đệ này: “Hãy
đến mà xem” (e;rcesqe kai. o;yesqe). Lời mời gọi rất ngắn gọn, độc nhất vô nhị
này trong toàn bộ Kinh Thánh (trong tiếng Hilạp chỉ có từ và xuất hiện chỉ có
một lần) chất chứa nhiều ý nghĩa. Chúa Giêsu muốn để hai môn đệ này tận mắt
chứng kiến chỗ Người ở, và khi ở lại với Người họ sẽ cảm nhận được Người là ai.
Hai người môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã can đảm thực thi lời mời gọi ấy. Sách Tin
Mừng thứ tư đã ghi lại kỷ niệm đặc biệt này, bằng cách xác định một cách cụ thể
thời điểm họ đã đến với Chúa Giêsu: “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (1,39).
Sau
kinh nghiệm ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm ấy, hai môn đệ của Gioan giờ đây trở
thành hai môn đệ của Chúa Giêsu. Anrê, một trong hai người môn đệ này, đã
nghiệm thấy Đức Giêsu chính là Đấng Kitô. Niềm vui gặp gỡ và niềm xác tín ấy,
Anrê không muốn chỉ giữ lại cho mình, nhưng mau mắn chia sẻ cho người em của
mình là Simon.
Khi
giới thiệu về Chúa Giêsu cho Simon, Anrê đã cho thấy lời ngài nói không chỉ là
xác tín cá nhân, nhưng là xác tín của cả hai người môn đệ: “Chúng tôi đã gặp
Đấng Messiah” (eu`rh,kamen to.n Messi,an). Động từ “tìm thấy” hay “gặp được” ở
đây được dùng ở thể hoàn thành, như thể hàm ý tác động của lần gặp gỡ này vẫn
đang in đậm trong tâm hồn của hai người môn đệ vào lúc này. Họ không thể không
chia sẻ tác động đặc biệt này cho người khác.
Anrê
không chỉ cung cấp thông tin “chúng tôi đã gặp Đấng Messiah” cho Simon biết.
Điều Ngài thực sự muốn thực hiện là dẫn dắt Simon đi từ thông tin đó đến việc
gặp gỡ chính Chúa Giêsu (x. 3,42). Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Simon cũng
rất đặc biệt. Khi thấy Simon, Chúa Giêsu gọi đích danh ông, và đồng thời đổi
tên cho ông: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (3,42).
Theo
Tin Mừng Mátthêu, tại vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Simon được đổi tên
sau biến cố Ngài tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
(x. Mt 16,16-18). Việc đổi tên ấy gắn liền đặc biệt với sứ mạng của Phêrô đối
với Giáo Hội: “Anh là Phê rô, nghĩa là Tảng Đá, và trên tảng đá này, Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao
cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ
cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi
như vậy” (Mt 16,18-19). Còn theo Tin Mừng Gioan, Simon đã được đổi tên ngay từ
lần gặp gỡ được kể là đầu tiên này với Chúa Giêsu, gần như ngay sau lời tuyên
xưng của anh mình là Anrê: “chúng tôi đã gặp Đấng Messiah”. Trong cả hai trường
hợp, tên mới của Simon (Kêpha hay Phêrô) đều gắn liền với niềm tuyên xưng Đức
Giêsu là Đấng Messiah (Đấng Kitô), và không ai khác hơn chính Chúa Giêsu đã đặt
tên mới cho Simon.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tư tế
Ê li có thể “mắt đã mờ”, hay những lời ông răn dạy hai con mình có thể đã bị họ
bỏ ngoài tai (x. 1Sm 2,25), nhưng những chỉ dẫn của ông cho Samuel trước tiếng
Chúa gọi lại rất thiết thực và có ý nghĩa đối với Samuel. Bạn có nghĩ rằng
chúng ta luôn cần mở lòng ra để lắng nghe tiếng Chúa qua sự chỉ dẫn và gợi ý
của nhiều người, đôi khi đó là sự chỉ dẫn của những người xem chừng đang mất
dần ảnh hưởng hay không quan trọng lắm? Bạn đã có một trải nghiệm tương tự?
2. Nơi
cuộc đời của Samuel, Thiên Chúa không để cho Lời nào của Người ra vô hiệu. Còn
nơi cuộc đời tôi thì sao, Lời Chúa được gieo vào lòng tôi có tìm được mảnh đất
mầu mỡ để lớn lên, để sinh hoa kết trái? Làm sao để Lời Chúa cũng không trở nên
vô hiệu nơi cuộc đời tôi?
3. Ơn gọi
của người Kitô hữu là sống thiết thân với Chúa mỗi ngày. Ơn gọi ấy mời gọi và
đòi buộc chúng ta sống chiều kích thánh thiêng ngay cả ở nơi thân xác. Tôi đã
sống được những điều thánh Phaolô xác tín về thân xác chưa? Làm thế nào để nên
thánh trong môi trường hiện nay, vốn có không ít những cám dỗ có thể khiến cho
thân xác tôi dễ dàng ra ô uế?
4. Gioan
Tẩy Giả sẵn sàng để hai môn đệ của mình theo Chúa Giêsu. Ngài giới thiệu về
Chúa Giêsu cho họ và để họ được tự do chọn lựa bước đi theo vị Thầy mới. Tôi đã
có được tinh thần “quảng đại dám cho đi” của Gioan Tẩy Giả chưa? Hay tôi cứ khư
khư giữ lấy những người hay những gì thuộc về mình, thay vì đem họ hay trả họ
về cho Thiên Chúa để họ tìm được Đấng Cứu Độ đích thực?
5. “Đến
mà xem” cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho từng người chúng ta hôm nay. Tôi
có được thái độ sẵn sàng như hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả không? Tôi có đủ cam
đảm làm chứng về Chúa Giêsu hay giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân trong môi
trường sống hiện nay?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh
chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi con người cộng tác vào công
cuộc xây dựng vương quốc Thiên Chúa nơi trần gian. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và
chân thành dâng lời cầu nguyện cho chúng ta cùng cho mọi người:
1. Hội
Thánh có sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho thế giới hôm nay. Chúng ta cùng cầu
xin cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn trung thành
với ơn gọi căn bản của mình là loan báo và làm chứng về Đức Kitô cho
con người thời đại.
2. Trong ngày
khai mạc tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất, chúng ta cùng cầu xin
cho mọi người đang và sẽ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chiên Thiên Chúa và là Đấng
xóa tội trần gian, luôn hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một nguồn
sống.
3. Đến và
ở lại với Chúa là đòi hỏi cần thiết cho hành trình ơn gọi kitô hữu. Chúng ta
cùng cầu nguyện cho những ai thành tâm thiện chí, cách riêng các bạn trẻ, biết
dành thời gian đến với Chúa và thực sự gặp được Ngài qua các cử hành phụng vụ,
nhất là hy tế Thánh Thể.
4. Người
môn đệ đích thực phải biết chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những người chung
quanh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng
ta luôn hăng hái nhiệt tình trong các hoạt động tông đồ bác ái nhằm đem
nhiều người đến với Đức Kitô.
Chủ tế: Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con vào hàng ngũ những người được
vinh dự gọi Chúa là Cha. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và ban
những ơn cần thiết giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi kitô hữu
của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức
Kitô, Chúa chúng con.
Sợi chỉ đỏ CN 2 TN.B
CHÚA NHỰT II THƯỜNG NIÊN NĂM B
CHỦ ĐỀ : CHÚA KÊU GỌI CON NGƯỜI HỢP TÁC
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (1 Sm 3,3b-10.19) : Chúa gọi Samuel
- Đáp ca (Tv 39) : Lời đáp của kẻ được Chúa gọi : "Này con
xin đến, để thực thi ý Chúa"
- Tin Mừng (Ga 1,35-42) : Đức Giêsu gọi Anrê, Gioan và Simon.
- Bài đọc II (1 Cr 6,13c-15a.17-20) (chủ đề phụ) : Giáo huấn về
thân xác.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta bước vào mùa Thường niên. Các bài đọc trong
Thánh lễ sẽ dần dần dẫn bước chúng ta đi theo Chúa. Bước đầu tiên là Chúa đến gặp
gỡ chúng ta và kêu mời chúng ta đi theo Ngài.
Xin Chúa giúp chúng ta nghe được tiếng kêu gọi của Ngài và mau mắn
đáp lại.
. GỢI Ý SÁM HỐI
- Nhiều lần Chúa đã kêu gọi chúng ta, nhưng chúng ta không nghe
thấy vì chúng ta mãi mê theo đuổi những chuyện vật chất, thế gian.
- Chúa mời 2 môn đệ đầu tiên "Hãy đến mà xem". Chúa
cũng kêu mời chúng ta như thế. Nhưng rất ít khi chúng ta chịu khó đến với Chúa
và chiêm ngắm Chúa.
- Chúa đã tạo dựng cho chúng ta một thân xác để chúng ta xử dụng
mà tôn vinh Chúa. Nhưng rất nhiều lần chúng ta lại dùng thân xác mình để làm
chuyện tội lỗi.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (1 Sm 3,3b-10.19)
Chuyện xảy ra vào cuối thời kỳ các Thủ lãnh (hay còn gọi là Quan
án). Thủ lãnh lúc đó là thầy cả Hêli. Ông này có hai đứa con trai. Vì không được
Hêli giáo dục kỹ, cho nên hai tên này rất vô đạo. Chúng lợi dụng chức vụ của cha
chúng để làm nhiều điều xấu xa tội lỗi. Vì thế Thiên Chúa quyết định chọn người
khác thay thế Hêli. Người đó là Samuel, khi ấy còn là một cậu bé được trao phó
cho Hêli dạy dỗ trong đền thờ Silô.
Một đêm câu bé Samuel đang ngủ trong đền thờ thì Thiên Chúa gọi
cậu 3 lần. Ban đầu cậu chưa biết đó là tiếng Chúa. Nhưng sau đó, được Hêli cho
biết đó là tiếng Chúa thì Samuel đã mau mắn đáp lại : "Lạy Chúa, xin hãy
nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe". Thế là Chúa gọi Samuel làm thủ lãnh
dân do thái thay cho thầy cả Hêli.
2. Đáp ca (Tv 39)
Đây là lời đáp ngoan ngoãn và quảng đại của kẻ được Chúa gọi :
"Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa".
3. Tin Mừng (Ga 1,35-42)
Gioan và Anrê là môn đệ của Gioan Tẩy giả. Một hôm, Gioan tẩy giả
đang đứng với họ thì thấy Đức Giêsu đi ngang qua. Gioan tẩy giả chỉ Ngài cho
môn đệ thấy và giới thiệu "Đây là con chiên Thiên Chúa", kiểu nói có
nghĩa Đức Giêsu là Đấng Messia. Nghe thế Gioan và Anrê liền đi theo Đức Giêsu.
Sau đó Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho anh mình là Simon. Đức Giêsu lại kêu gọi
Simon và còn đổi tên ông thành Phêrô.
4. Bài đọc II (1 Cr 6,13c-15a.17-20) (chủ đề phụ)
Những giáo huấn của Thánh Phaolô trong đoạn thư này vẫn còn là
căn bản cho giáo lý ngày nay về giá trị thân xác con người :
- Thân xác chúng ta là chi thể của Đức Kitô,
- là đền thờ của Chúa Thánh Thần,
- đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Kitô.
- Vì thế chúng ta không được dùng thân xác để phạm tội dâm ô,
nhưng phải dùng nó để tôn vinh Thiên Chúa.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Cảm nghiệm nhớ đời
a/ Cảm nghiệm của thánh Gioan tông đồ : Trong bài Tin mừng
này, Thánh Gioan ghi lại một cảm nghiệm rất sâu sắc mà Ngài được trải qua và nhớ
mãi suốt đời, đến nỗi khi Ngài ngồi lại để viết đoạn Tin mừng này (khoảng năm
90), việc đó đã trôi qua khoảng 60, 70 năm mà Ngài vẫn nhớ rất rõ "lúc đó
là khoảng giờ thứ 10". Cảm nghiệm gì mà sâu sắc như vậy ? Thưa là cảm nghiệm
được gặp Chúa và từ đó gắn bó với Chúa. Chính Thánh Gioan kể lại như sau :
Khi ấy Ngài đang là môn đệ của Gioan tẩy giả. Một hôm Đức Giêsu
đi ngang qua, Gioan Tẩy giả liền chỉ cho các môn đệ mình và nói : "Đấy là
Con Chiên Thiên Chúa". Nghe vậy, Gioan và một môn đệ nữa liền đi theo Đức
Giêsu. Đức Giêsu thấy họ đi theo sau lưng nên quay lại hỏi "Các anh tìm gì
?" Họ không trả lời nhưng hỏi lại "Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?" Đức
Giêsu cũng không trả lời nhưng mời họ "Hãy đến mà xem", rồi dẫn họ tới
chỗ Ngài đang trọ. Họ đã đến và ở lại với Ngài suốt ngày hôm ấy. Hẳn là một
ngày rất ấm cúng, cho nên sau đó họ đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu luôn và
60, 70 năm sau Thánh Gioan còn nhớ kỹ lúc bắt đầu việc đó là "khoảng giờ
thứ 10". Thật đúng như lời của một thi sĩ rằng :
"Cái phút ban đầu lưu luyến ấy,
Nghìn năm hồ dễ đã mau quên".
Thánh Gioan muốn chia xẻ cho chúng ta một kinh nghiệm quý giá,
đó là : nếu có lần nào chúng ta được thực sự gặp Đức Giêsu và lưu lại trong
tình thân mật với Ngài thì chúng ta sẽ không thể nào quên được Ngài, chúng ta sẽ
mãi mãi gắn bó với Ngài.
b/ Cảm nghiệm của một số người khác :
- Văn hào Pháp Paul Claudel : một buổi chiều kia rảnh rỗi Paul
Claudel rảo bước dạo chơi và tình cờ đi ngang một nhà thờ. Từ trong nhà thờ
vang ra tiếng hát thánh ca thanh thoát, siêu phàm. Tiếng Thánh ca ấy đã thu hút
ông buớc vào. Ông cảm xúc và ở lại cho đến hết buổi lễ. Và từ chiều hôm đó trở
đi, Paul Claudel đã trở thành một tín hữu sốt sắng kiên trì trong Đức Tin. Ông
viết nhiều quyển sách truyền bá Đức tin và ca tụng Thiên Chúa, ca tụng Đức Mẹ.
Mọi sự bắt đầu vào một buổi chiều đáng nhớ.
- Thomas Merton : Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi, năm
20 tuổi ông trở thành đảng viên cộng sản, ông hoàn toàn không tin gì về những sự
siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, nhục lạc. Một đêm kia khi
đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng
và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm
gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện : "Lạy Chúa, từ trước tới
nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay
không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy
nhụa của đời tôi hiện tại". Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện.
Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng
Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.
* 2. Chúa vẫn còn kêu gọi
Mặc dù Thiên Chúa là Đấng quyền phép vô cùng, muốn làm gì cũng
được, nhưng Ngài không thích làm một mình, mà luôn kêu mời con người chúng ta
cùng làm với Ngài.
- Bắt đầu lịch sử cứu độ, Ngài đã kêu gọi Abraham.
- Khởi sự cuộc giải phóng dân do thái, Ngài kêu gọi Môsê.
- Mở màn thời Tân Ước, Ngài đã kêu gọi Maria.
- Khai mạc sứ vụ rao giảng Nước Trời, Ngài kêu gọi các môn đệ
v.v.
Tóm lại, thời Cựu Ước vẫn thế, thời Tân Ước vẫn thế, và thời
Giáo Hội cũng vẫn thế : Thiên Chúa luôn muốn kêu gọi con người hợp tác với Ngài
trong công trình cứu độ.
Thánh Augustinô đã suy gẫm rất nhiều về điều này, và Ngài đã viết
: "Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hóa con,
Chúa cần sự hợp tác của con".
* 3. Chúa gọi, con người đứng lên
Tháng 3 năm 1998, Đức Cha Gioan Bta Phạm Minh Mẫn, Giám mục phó
giáo phận Mỹ Tho, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục tổng giáo phận
Saigon. Từ Lyon nước Pháp, nữ tu Marie Claude Faure, cựu Tổng quyền Dòng Chúa
Quan Phòng Portieux, đã gởi đến ĐC Gioan Bta những lời khích lệ như sau :
Chúa cần một người cha cho dân Ngài
Ngài đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên…
Ngài cần một người phát ngôn.
Ngài đã chọn một kẻ nhút nhát nói năng ngọng nghệu. Thế là Môsê
đứng lên…
Ngài cần một lãnh tụ dẫn dắt dân Ngài.
Ngài đã chọn kẻ nhỏ nhất, yếu nhất. Thế là Đavít đứng lên…
Ngài cần một tảng đá để đặt nền cho tòa nhà.
Ngài đã chọn một người chối thầy. Thế là Phêrô đứng lên…
Ngài cần một gương mặt để nói cho người ta biết tình thương của
Ngài.
Ngài đã chọn một cô điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Ngài cần một nhân chứng để hô to sứ điệp của Ngài.
Ngài đã chọn một kẻ bách hại đạo. Đó là Phaolô thành Tarsô…
Ngài cần ai đó để tập họp dân Ngài và để Ngài đến với những kẻ
khác.
Ngài đã chọn Đức Cha : dù Đức Cha run sợ, Đức Cha sẽ có thể
không đứng lên sao ?
* 4. "Hãy đến mà xem"
Đức Giêsu nói với Anrê và Gioan "Hãy đến mà xem".
Ý của Đức Giêsu là muốn gọi họ làm môn đệ. Nhưng Ngài chưa nói
rõ ý đó ra, Ngài chỉ mời họ đến và xem.
- Phải đến, đến gần Đức Giêsu thì mới hiểu Ngài rồi mới có thể
làm môn đệ Ngài. Không thể tưởng tượng nổi kiểu môn đệ gì mà ở xa Thầy, không
thường xuyên đến gần Thầy.
- Rồi phải xem nữa. Môn đệ không chỉ nghe Thầy dạy, mà còn phải
xem cách Thầy sống để sống theo. Không thể chấp nhận kiểu môn đệ mà không sống
theo gương Thầy.
Câu Tin Mừng này nhắc tôi phải thường xuyên đến gần Đức Giêsu bằng
những lúc cầu nguyện, và phải chăm chỉ xem Đức Giêsu bằng việc nguyện gẫm.
5. Giới thiệu Chúa cho anh em
Nhiều nhóm binh sĩ có vũ trang từ Syrie xâm chiếm đất Israel.
Sau khi bắt dân Israel làm tù binh, chúng tàn phá thành phố và làng mạc. Chúng
bắt những tù binh này làm việc như những đầy tớ trên đất Syrie. Trong số những
người bị bắt, có một cô gái. Người ta không nói tên của cô ta.
Cô trở thành đầy tớ của viên sĩ quan nổi tiếng người Syrie, tên
là Naaman. Vua Syrie rất hài lòng về Naaman, vì ông là một sĩ quan rất gan dạ.
Rủi thay ông vừa mắc bệnh phong.
Một ngày kia, cô tớ gái nói với bà chủ : "Giá mà ông chủ
Naaman được gặp tiên tri Elisa, đang sống ở Samaria, thì ngài sẽ chữa cho ông
chủ tôi khỏi bệnh" Nghe vậy, Naaman xin vua Syrie viết thư giới thiệu cho
vua Israel. Ông cũng mang theo vải vóc, vàng bạc làm quà tặng.
Khi vua Israel đọc thư, ông rất lo, vì ông nghĩ vua Syrie muốn
gây chiến. Nhưng Elisa nghe biết, ông xin nhà vua để mình chữa bệnh cho Naaman.
Elisa không gặp Naaman, nhưng chỉ gởi một lá thư : "Hãy đi tắm trong dòng
sông Giodan 7 lần và ông sẽ được khỏi".
Naaman rất tự ái, ông không chịu tắm, nhưng đầy tớ khuyên ông cứ
làm như lời nhà Tiên tri. Và quả nhiên, Naaman đã được chữa khỏi, da của ông trở
nên mịn màng như da đứa trẻ. Naaman dâng cho Elisa quà tặng, nhưng người của
Thiên Chúa không nhận, chỉ chúc cho ông "Hãy về bình an".
*
Chúng ta đừng bao giờ quên đứa tớ gái nhỏ bé ở đầu câu chuyện,
em đã mau mắn giới thiệu tiên tri Elisa cho Naaman. Nếu cô bé giữ im lặng, thì
Naaman sẽ không bao giờ được chữa lành.
Hôm nay, Anrê cũng giới thiệu Phêrô em mình cho Đức Giêsu :
"Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (Ga.1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Đức
Giêsu.
Dường như mỗi lần Tin mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó
Anrê lại dẫn một ai đó đến với Đức Giêsu. Anrê đã trở nên nổi tiếng vì ông đã dẫn
cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" giới thiệu với Đức Giêsu. Để
rồi sau khi cầu nguyện tạ ơn, Người đã biến bữa ăn trưa của cậu bé trở nên bữa
ăn tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.
Lần thứ ba, chúng ta gặp lại Anrê lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần
cuối. Có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Người. Cũng chính Anrê là người đã giới
thiệu họ với Đức Giêsu. Và chắc hẳn đó là điều làm người hài lòng, vì sau đó
Người phán : "Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ
kéo mọi người lên với tôi" (Ga.12,32).
Nếu Anrê không giới thiệu Phêrô với Đức Giêsu thì có lẽ chẳng
bao giờ có tông đồ Phêrô đá tảng của Hội thánh.
Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có "năm chiếc bánh và hai
con cá", thì có lẽ chẳng có phép lạ đầy ngoạn mục hứng khởi trong Thánh
kinh.
Vậy bài học của Anrê là hãy giới thiệu cho mọi người đến với Đức
Giêsu. Đó là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một. Đức
Giêsu rất cần những người giàu tình bạn chân thành, những bước chân mang dấu vết
của thân thiện, những lời nói luôn chứa đầy nhiệt huyết, những chứng nhân ra đi
kể câu chuyện : "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia".
*
Lạy Chúa, trên trái đất này, chúng con là đôi tay, là tiếng nói,
là trái tim của Chúa. Xin cho chúng con trở nên những người nhiệt thành giới
thiệu Đức Giêsu cho thế giới. Amen.(Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
6. Một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa
Trong đời của chúng ta có rất nhiều cuộc gặp gỡ.
Có những cuộc gặp gỡ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu và sớm rơi vào
quên lãng. Đó là gặp gỡ hời hợt bề ngoài. Ta có thể nói chuyện với một người
nào đó hàng giờ, có khi hàng năm nhưng vẫn thấy chưa thể cởi mở hết tấm lòng.
Ta có thể sống chung một tập thể với một người nào đó nhiều năm trời nhưng
không bao giờ hiểu được người đó.
Có những cuộc gặp gỡ mà sau khi chia tay, chúng ta cảm thấy mình
còn nghèo nàn hơn trước.
Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ rất nhiều ý nghĩa, làm cho chúng
ta giàu hơn, và có khi làm thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta. Bạn có thể gặp một
người nào đó chỉ một lần liền cảm thấy gắn bó với người đó. Với người đó, bạn
có thể cởi mở hết tấm lòng.
Khi tình bạn nẩy sinh giữa ta với một người nào đó, ta không cảm
thấy rõ ràng đời mình đã đổi thay, nhưng ta nhận thức được rằng đời mình đã có
một cái gì đó khác trước, ta có thể yêu thương và chăm sóc người đó một cách dễ
dàng không cần cố gắng.
Đừng nghĩ rằng hễ cứ sống với nhau lâu dài và kiên trì chiều chuộng
nhau thì sẽ có tình yêu. Theo Kahlil Gibran, "Tình yêu là con đẻ của một sự
thu hút vô hình. Nếu sự thu hút này không nẩy sinh trong một giây phút thì nó sẽ
chẳng bao giờ nảy sinh cho dù trải qua nhiều năm và thậm chí nhiều thế hệ".
Có những cuộc gặp gỡ rất tình cờ nhưng lại khiến người ta gắn bó
với nhau suốt đời. Nhiều cặp vợ chồng đã kể về lần đầu tiên họ gặp nhau với những
chi tiết mà suốt đời họ không thể nào quên.
Những điều nói trên giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của
cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và 3 môn đệ sau này sẽ trở thành tông đồ của
Ngài : Anrê, Gioan và Phêrô. Rõ ràng đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, bởi vì rất
nhiều năm sau, khi Gioan viết Tin Mừng, ông vẫn còn nhớ chính xác thời giờ lúc
đó : "Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười" (nghĩa là khoảng 4 giờ chiều).
Vừa khi gặp Đức Giêsu, họ đã bị Ngài thu hút. Tuy nhiên Ngài
không hối thúc, Ngài để họ thong thả muốn tìm hiểu Ngài bao lâu tuỳ ý :
"Hãy đến mà xem". Họ đã đến và đã xem. Họ thấy Ngài thân thiện, niềm
nở, nồng ấm. Họ biết mình đã gặp được một con người tuyệt vời, và thế là một
tình nghĩa gắn bó được phát sinh.
Khi ở với Ngài, họ cảm thấy hoàn toàn bình an thoải mái. Qua tiếp
xúc với Ngài, họ còn khám phá chính bản thân họ. Thấy cung cách của Ngài, họ cảm
mến và thấy rằng mình cũng phải cố gắng sống theo cung cách ấy.
Có một khác biệt vô cùng to lớn giữa uy quyền và ảnh hưởng. Những
người hành quyền trên chúng ta thì muốn chế ngự chúng ta, biến chúng ta thành
nô lệ họ hoặc một bản sao của họ. Trái lại, những người có ảnh hưởng trên chúng
ta thực ra không có ý gò ép chúng ta, thay đổi chúng ta hay khuôn đúc chúng ta
thành người giống như họ. Họ ban cho chúng ta một không gian mà trong đó chúng
ta có thể tìm gặp chính mình và sống theo cách thức của mình. Đức Giêsu không
hành quyền trên các môn đệ. Nhưng Ngài có ảnh hưởng sâu đậm trên họ. Cuộc gặp gỡ
hôm ấy đã biến đổi hẳn cuộc đời của Gioan, Anrê và Phêrô.
Chúng ta không thể gặp gỡ Đức Giêsu trong xác thể, nhưng chúng
ta có thể gặp gỡ Ngài một cách thiêng liêng trong đức tin như gặp một người Bạn,
một người Anh và một Đấng cứu tinh.
Ngày nay Đức Giêsu vẫn còn đi qua và luôn sẵn sàng đón tiếp những
ai tìm gặp Ngài. Tuy nhiên Ngài không bao giờ ép buộc ai phải sống như Ngài. Đối
với những ai có thiện chí muốn biết Ngài nhiều hơn, Ngài nói như đã nói với
Gioan và Anrê "Hãy đến mà xem". (Viết theo Flor McCarthy)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu mời gọi những người muốn
theo Người "Hãy đến mà xem", để hiểu biết Người hơn mà chọn lựa thái
độ đối với Người. Chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Chúa những ý nguyện sau đây :
1. Xin cho mọi người trong Hội thánh biết năng tìm dịp gặp gỡ Đức
Giêsu / để mỗi người càng hiểu biết và yêu mến Người hơn.
2. Xin cho mọi người trên thế giới chưa biết gì về Chúa Kitô /
được có dịp gặp gỡ và hiểu biết Người là Đấng Cứu độ.
3. Xin cho mọi người đang gặp đau khổ và thử thách / biết tìm đến
với Đức Giêsu Kitô để Người giải khổ và bồi dưỡng cho.
4. Xin cho anh chị em trong cộng đồng họ đạo chúng ta biết dùng
lời nói và việc làm của mình như dấu chỉ và dụng cụ để giới thiệu Đức Giêsu
Kitô cho mọi người.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu Kitô, Chúa đã mời gọi chúng con
"Hãy đến mà xem", xin cho mọi người chúng con biết lắng nghe và đáp lại
tiếng Chúa mời gọi. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Trong tâm tình sẵn sàng của những kẻ được
Chúa gọi "Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa", chúng ta
hãy sốt sắng dâng lên Chúa lời kinh Lạy Cha.
- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự
dữ, xin giúp chúng con lắng nghe những tiếng gọi của Cha, xin đoái thương cho
những ngày chúng con đang sống được bình an…"
VII. GIẢI TÁN
Ngày xưa Chúa đã kêu gọi Ông Samuel, Chúa đã kêu gọi các môn đệ
đầu tiên là Gioan, Anrê và Simon… Ngày nay Chúa cũng kêu gọi chúng ta làm môn đệ
Ngài để đem Tin Mừng của Ngài rao giảng cho thế giới. Chúng ta hãy đáp lại lời
Ngài, suốt tuần lễ này nhiệt tình làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường chúng
ta sống và làm việc.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
Gặp gỡ Tin Mừng
Tin Mừng là để được loan
báo, và chia sẻ cho người khác.
Thực vậy, trong đêm giáng
sinh, các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng: Này tôi báo cho anh em một
Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh
ra cho anh em trong thành của vua Đavít. Còn đối với các đạo sĩ Phương Đông,
con đường dẫn đến Tin Mừng lại là một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.
Thực vậy, có muôn ngàn cách
thế và nẻo đường khác nhau để Thiên Chúa hướng dẫn con người nhận ra Tin Mừng,
Lời Chúa hôm nay cũng muốn gợi lên cho chúng ta ý tưởng đó.
Gioan Tiền Hô đã gặp Chúa
Giêsu và giới thiệu Ngài cho các môn đệ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội
trần gian. Và các môn đệ đã từ giã Gioan là thầy mình, để đi theo Chúa Giêsu và
ở lại với Ngài suốt ngày hôm đó. Rồi đến lượt Andrê đã trở về và dẫn anh mình
là Simon đến gặp Chúa Giêsu và đã được Ngài đổi tiên cho ông là Kêpha.
Những cuộc gặp gỡ trong Tin
Mừng luôn có những diễn tiến như vậy. Một người nào đó gặp Chúa, họ trở về và
loan báo cho người khác. Như các mục đồng chăn chiên, như ba nhà đạo sĩ phương
Đông, như Andrê với Simon, như Philipphê với Nathanael...
Hoặc nếu không qua trung
gian, thì chính Chúa Giêsu lại gặp gỡ con người trong chính cuộc sống của họ:
Người thì đang giặt lưới dưới thuyền, kẻ thì đang trầm tư suy nghĩ dưới gốc cây
vả, kẻ khác thì đang ngồi ở bàn thu thuế hay đang ở trên cây cao như ông
Giakêu...
Thiên Chúa luôn đến với
chúng ta qua một trung gian: Trung gian của một người đã gặp Chúa, trung gian
của một cuộc sống hay của một biến cố nào đó. Có thể nói: Bao nhiêu cuộc gặp gỡ
và biến cố trong cuộc sống là bấy nhiêu dịp để nhận ra Tin Mừng, là bấy nhiêu
dấu chỉ mời gọi để gặp gỡ Chúa.
Thánh Phanxicô Xaviê đã
nhận ra con đường Chúa muốn ngài đi qua lời nhắc bảo của thánh Ignatio: Được
lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi. Thi sĩ Paul Claudel đã
nhận ra tiếng Chúa trong tiếng hát của lời kinh Magnificat vào buổi chiều ngày
lễ Giáng sinh. Văn sĩ Andrê Frossard cảm nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa
qua ánh nến lung linh trên bàn thờ. Đức Hồng Y Lustiger vào năm 14 tuổi, đã
nhận ra Đấng Cứu Thế trong một buổi chiều thứ sáu Tuần Thánh. Còn chúng ta thì
sao?
Chúng ta có nhận ra tiếng
Chúa mời gọi qua những biến cố, qua những sự việc của đời thường hay không? Và
hơn thế nữa, liệu bản thân và cuộc đời chúng ta có trở nên là một dấu chỉ cho
sự hiện diện và tình thương của Chúa hay không?
Lectio Divina: Chúa
Nhật II Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 18 Tháng 1, 2015
Hãy đến và bạn sẽ thấy
Lời mời gọi các Môn Đệ đầu tiên
Ga 1:35-42
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Đấng Mục Tử Nhân Lành, lạy Cha của con, hôm nay Cha cũng xuống
từ miền núi bất diệt, mang theo đàn chiên của Cha và dẫn dắt chúng về phía đồng
cỏ xanh rì, có cỏ non suối mát. Hôm nay, Cha sai con chiên yêu quý và thân
yêu nhất của Cha đi trước, Con Chiên mà Cha yêu mến với tình yêu khôn ví; Cha
đã ban cho chúng con Đức Giêsu Con Cha, Đấng Mêssia. Này đây, Ngài
đang ở đây! Con nài xin Cha, xin giúp con nhận ra được Người, để con
dõi mắt về Người, lòng ước ao của con, sự mong đợi của con được hướng về Người. Xin
hãy khiến con đi theo Người, xin đừng để con rời xa Người, để cho con tiến vào
nhà Người và ở lại đó luôn mãi. Nhà của Người, ôi lạy Cha, là chính
Cha. Con muốn được vào trong Cha, con muốn sống trong ấy. Nguyện
xin thần khí của Chúa Thánh Thần thu hút con, hỗ trợ con và hợp nhất con trong
tình yêu với Cha và với Con Cha, là Chúa của con, hôm nay và đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
2. Tin Mừng
a) Đặt đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó:
Đoạn Tin Mừng này giới thiệu với chúng ta vào chương khởi đầu của
sách Phúc Âm theo Gioan, cho thấy rõ ràng sự nối tiếp ngày nọ qua ngày kia của
cả một tuần lễ. Ở đây chúng ta đã ở vào ngày thứ ba kể từ khi Gioan
Tẩy Giả bắt đầu làm chứng cho Chúa Giêsu, đã đến lúc viên mãn, với lời mời đến
các môn đệ đi theo Chúa, cũng là Chiên Thiên Chúa. Sứ vụ của Đức
Giêsu bắt đầu trong những ngày này, Ngôi Lời của Chúa Cha, Đấng đã xuống ở giữa
loài người để gặp gỡ họ, nói với họ và sống cùng với họ.
Nơi này là Bêtania, xa khỏi bờ sông Giođan, nơi ông Gioan làm
phép rửa: ở đây cuộc gặp gỡ với Lời của Thiên Chúa xảy ra và một đời
sống mới bắt đầu.
b) Để giúp cho việc đọc đoạn Tin Mừng:
Các câu 35-36: Gioan Tẩy Giả trải qua một kinh nghiệm sống rất mạnh
mẽ của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Thật ra, chính ngay lúc này đây,
vào ngày thứ ba, ông hoàn toàn nhận ra Người, ông tuyên xưng Người với toàn sức
lực của ông và cho biết Người là con đường thật để đi theo, như cuộc sống để được
sống. Tại đây ông Gioan tự rút lui đến gần như biến mất và trở thành chứng tá
cho ánh sáng.
Các câu 37-39: Sau khi chấp nhận việc làm chứng tá của thày mình,
các môn đệ của Gioan bắt đầu đi theo Chúa Giêsu; sau khi lắng nghe lời Người, họ
gặp được Ngôi Lời và họ chấp nhận được thử thách. Đức Giêsu nhìn họ,
Người biết họ và bắt đầu cuộc đối thoại với họ. Chúa đem họ đi với
Người, đem họ đến nơi ở của Chúa và giữ họ lại với Người. Tác giả
Phúc Âm cho biết chính xác giờ khắc của cuộc gặp gỡ mặt đối mặt này, cuộc trao
đổi đời sống giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên.
Các câu 40-42: Ngay lập tức, sự chứng tá lóe lên và lan
ra; Anrê không thể giữ im lặng những gì ông đã thấy và đã nghe, những gì ông đã
trải nghiệm và sống qua và lập tức trở thành một người truyền giáo, đi gọi anh
mình là ông Phêrô đến để gặp Chúa Giêsu. Chúa nhìn ông, gọi ông và
biến đổi cuộc đời ông: ông tên là Simon, bây giờ ông sẽ trở thành
Phêrô.
c) Phúc Âm:
35 Hôm sau, khi Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn
đệ của ông. 36Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền
nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai
môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu. 38 Chúa
Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các
ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi” – nghĩa là thưa
Thầy – “Thầy ở đâu?” 39 Người đáp: “Hãy đến
mà xem.” Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy,
lúc đó độ chừng giờ thứ mười. 40 Một trong hai người
đã nghe ông Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu là Anrê, em ông Simon
Phêrô. 41 Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với
anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia” – nghĩa là Đấng Kitô – 42 Và
ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và
nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha” --
nghĩa là Đá.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi vẫn còn trong thinh lặng và để cho những lời đơn sơ nhưng đầy
quyền năng này vây phủ lấy tôi, chiếm hữu cuộc đời tôi. Tôi để cho
Chúa Giêsu, Đấng sắp đến, nhìn tôi, và rồi tôi để cho Chúa hỏi tôi, giống như
Người đã hỏi họ: “Ngươi tìm gì?” và tôi để cho Người dẫn tôi đi, về
nhà Người. Vâng, bởi vì tôi muốn ở bên Người…
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Bây giờ, tôi số gắng lắng nghe chăm chú hơn đoạn Tin Mừng này,
tiếp nhận mỗi lời, mỗi chữ, chăm chú theo dõi đến từng động tác, đến ánh mắt
nhìn. Tôi thực sự cố gắng để gặp gỡ Chúa trong trang Phúc Âm này,
cho phép chính mình được kiếm tìm và nhận biết bởi Người.
a) “Hôm sau, khi Gioan đang đứng đó”:
Trong những lời này, tôi cảm thấy sự khăng khăng của việc tìm kiếm,
của chờ đợi; tôi cảm thấy đức tin của Gioan Tẩy Giả đã phát triển. Những
ngày tháng trôi qua, kinh nghiệm của việc gặp gỡ Đức Kitô thì càng mãnh liệt;
Gioan không muốn bỏ cuộc, không cảm thấy mệt mỏi, thay vào đó, ông càng trở nên
được xác thực hơn, tin chắc hơn, được soi sáng hơn. Ông ở đó, ông vẫn
đứng đó. Tôi đặt mình trong cuộc đối đầu với con người của Gioan Tẩy
Giả: Tôi có sẽ là người ở đó không, ai sẽ là người đứng chờ? Hay
là tôi sẽ rút lui, tôi cảm thấy mỏi mệt, trở nên yếu đuối và để cho đức tin của
mình bị xóa nhòa đi? Tôi đứng đó hay là tôi sẽ ngồi xuống, tôi sẽ chờ
đợi hay là tôi không còn chờ đợi được nữa?
b) “Dõi mắt nhìn về Chúa Giêsu”.
Đây là một động từ hoàn mỹ có nghĩa là “nhìn chăm chú”, “nhìn
xoáy vào” và chữ này được lặp lại trong câu 42, đề cập đến Đức Giêsu, Chúa nhìn
ông để thay đổi cuộc đời ông. Nhiều lần, trong các sách Tin Mừng, đã
viết rằng Đức Giêsu nhìn thẳng vào các môn đệ mình (Mt 19:26), hoặc đưa mắt
nhìn một người nào đó (Mc 10:21); đúng vậy, Người dùng ánh mắt của Người để yêu
thương, để mời gọi, để soi sáng. Tia mắt nhìn của Chúa không bao giờ
rời khỏi chúng ta, rời khỏi tôi. Tôi biết rằng tôi chỉ có thể tìm thấy
bình an trong việc trao đổi mắt nhìn này. Làm sao mà tôi có thể giả
vờ như không trông thấy? Tại sao tôi cứ tiếp tục đảo mắt nhìn của
mình sang nơi này nơi nọ, trốn chạy khỏi tình yêu của Chúa đã được trao ban cho
tôi và đã chọn tôi?
c) “Họ đã đi theo Chúa Giêsu”.
Câu diễn tả này, nói về các môn đệ, không những chỉ có nghĩa là
họ đã bắt đầu đi cùng một hướng với Đức Kitô, mà còn nhiều hơn thế nữa: họ
đã thánh hiến chính họ cho Chúa, họ đã dâng cuộc đời họ với Người và vì Người. Chúa
là người chủ động, tôi biết thế và Người nói với tôi: “Hãy theo Ta”
giống như với người thanh niên giàu có (Mt 19:21), như với Phêrô (Ga 21:22); thế
thì thật sự tôi đã trả lời với Chúa ra sao? Liệu tôi có đủ can đảm,
yêu thương, nhiệt huyết, để thưa với Người: “Lạy Thầy, Thầy đi đến bất cứ
nơi nào, con cũng sẽ đi theo Thầy!” (Mt 8:19), xác quyết những lời này với các
việc làm không? Hay là tôi cũng nói giống như người kia ở trong Phúc
Âm: “Thưa Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng trước hết xin cho phép tôi
được…” (Lc 9:61)?
d) “Các ngươi tìm gì?”
Này đây, Chúa Giêsu loan báo những lời đầu tiên trong Tin Mừng của
Gioan và, đó là một câu hỏi rất cụ thể, nói với các môn đệ là những người đang
đi theo Chúa, nói với chúng ta, nói cho riêng tôi. Chúa đang nhìn
chăm chú vào tôi và hỏi: “Con đang tìm gì?” Đây không phải
là một câu hỏi có thể trả lời được một cách dễ dàng; tôi phải xét lòng mình thật
kỹ và lắng nghe chính mình, tự đo lường, thẩm định. Tôi đang thật sự
tìm kiếm điều gì? Sức lực của tôi, các mong ước, hoài bão của tôi,
các việc đầu tư của tôi, chúng được dùng vào mục đích gì?
e) “Họ ở lại với Người”
Các môn đệ ở lại với Chúa Giêsu, họ bắt đầu sống với Người, ở
cùng chung nhà với Người. Vì thế, có lẽ họ đã bắt đầu cảm nghiệm được
rằng chính Chúa là ngôi nhà mới của họ. Động từ mà Gioan sử dụng ở
đây, có thể chỉ đơn giản nghĩa là trú ngụ, ở lại, nhưng cũng có nghĩa ở trong,
theo ý nghĩa mãnh liệt của một người ở trong một người khác. Chúa
Giêsu ngự trị trong cung lòng của Chúa Cha và cũng ban cho chúng ta cơ hội ở
trong Người và trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày nay, Người ban chính
thân Người, tại đây, với tôi, sống chung với nhau kinh nghiệm tình yêu tuyệt vời
và không thể diễn tả này. Vì thế, tôi quyết định ra sao
đây? Tôi có sẽ dừng chân và ở lại với Người, trong Người, như các
môn đệ đã làm không? Hay là tôi sẽ ra đi, từ chối tình yêu và chạy
đi kiếm tìm một cái gì khác?
f) Và dẫn họ tới Chúa Giêsu”.
Anrê chạy đi gọi anh mình là Simon, bởi vì ông muốn chia sẻ với
anh món quà vô giá mà ông đã nhận được. Ông công bố, loan báo Đấng
Thiên Sai, Đấng Cứu Độ và có sức mạnh để lôi kéo anh mình đi với
ông. Ông trở thành một người dẫn đường, trở thành ánh sáng, đường đi
chắc chắn. Đây là đoạn rất quan trọng: Tôi không biết chắc
tôi có đủ cởi mở và thông suốt để làm chứng tá cho Người, Đấng đã mặc khải
chính Người cho tôi rất rõ ràng. Có lẽ là vì tôi lo sợ, tôi xấu hổ,
tôi không có sức khỏe, tôi lười biếng, hay là tôi thờ ơ lãnh đạm
chăng?
5. Chìa khóa cho bài đọc
a) Chiên Thiên Chúa:
Trong câu 36, Gioan Tẩy Giả công bố Đức Giêsu là Chiên Thiên
Chúa, lặp lại tiếng kêu mà ông đã làm trước đây, ngày hôm trước: “Đây
Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Việc đồng hóa Đức Giêsu với Con Chiên thì được đề cập tràn ngập
trong Kinh Thánh, gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Con Chiên đã được nhắc đến trong Sách Sáng Thế, chương 22, tại
thời điểm hiến tế ông Isaac; Thiên Chúa đã ban cho một chiên con, để dùng làm lễ
sát tế thay vì người con. Con chiên xuống từ trời và chết thay cho
con người; con chiên bị hy sinh, để cho người con có thể sống.
Trong Sách Xuất Hành, chương 12, Chiên Con của lễ Vượt Qua được
hiến tế, một con chiên không tì vết, toàn vẹn, máu của nó sẽ được đổ ra để cứu
các người con trai khỏi tay của Thần Tru Diệt, người đi từ nhà này sang nhà
khác, trong ban đêm. Từ giây khắc ấy, tất cả các người con của Thiên Chúa
sẽ vẫn được ký kết, đóng ấn, bởi máu cứu rỗi đó. Vì thế, con đường
đã được mở đi đến sự tự do, con đường của di cư, để đi đến Thiên Chúa, để đi
vào trong miền đất hứa của Người. Ở đây bắt đầu những việc sau đây để
dẫn đưa đến Sách Khải Huyền, với thực tế của thiên đàng.
Yếu tố của sự hy sinh, của sát tế, của lễ vật toàn vẹn luôn luôn
đi kèm với hình ảnhcon chiên; các sách Lêvi và Dân Số liên tục giới
thiệu với chúng ta sự hiện diện thiêng liêng của con
chiên: Người hiến thân trong hy tế mỗi ngày, Người hy sinh cho tất cả
những hy sinh chuộc tội, cho đền tạ, cho thánh hóa.
Các ngôn sứ cũng nói về một con chiên được chuẩn bị để đem đi
làm vật hy sinh: một con cừu câm nín, bị xén lông mà chẳng mở miệng kêu
ca, như một con cừu ngoan ngoãn và hiền lành bị dẫn đến lò sát sinh (Is 53:7; Gr
11:19). Chiên Con đã hy sinh trên bàn thờ mỗi ngày.
Trong Tin Mừng, chính Gioan Tiền Hô là người loan báo và biểu lộ
Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh nhận lấy và xóa bỏ tội lỗi của
nhân loại bằng đổ chính máu quý giá và tinh khiết của mình. Thật ra,
Người là Con Chiên được hiến tế thay cho Isaac; Người là Con Chiên được toàn
thiêu trên lửa trong đêm Lễ Vượt Qua. Con Chiên của sự giải thoát;
Người là người đầy tớ chịu nhiều đau khổ, không phản kháng, không chống trả
nhưng lại tự nộp mình, một cách câm nín, vì yêu thương chúng ta.
Thánh Phêrô đã nói điều này cách công khai: “Anh em
đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên toàn vẹn, không tì vết”. (1 Pr
1:19)
Sách Khải Huyền công khai mặc khải tất cả những việc liên quan đến
Con Chiên: Người là Đấng có thể mở ra các dấu ấn của lịch sử, cuộc đời của
mỗi người, của tâm hồn ẩn dấu, của chân lý (Kh 7:1,3,5,7,9,12;
8:1); Người là Đấng đã đem lại sự chiến thắng vinh quang, ngự trên
ngai (Kh 5:6); Người là vua, xứng đáng được danh dự, chúc tụng, vinh
quang, tôn thờ (Kh 5:12); Người là Chàng Rể, Đấng đã đạt lời mời đến
dự Tiệc Cưới của mình (Kh 19:7); Người là ngọn đèn chiếu soi (Kh
21:23), là Đền Thờ (Kh 21:22), nơi để cho chúng ta cư ngụ muôn đời; Người
là vị Mục Tử (Kh 7:17), Đấng mà chúng ta sẽ đi theo đến bất cứ nơi nào Người đi
(Kh 14:4).
b) Trông thấy:
Trong đoạn Tin Mừng này được lặp lại năm lần sự diễn đạt về sự
trông thấy, cuộc gặp gỡ trong những cái nhìn. Người đầu tiên là
Gioan Tẩy Giả, người đã có con mắt quen với việc nhìn thấy sâu xa và nhận ra
Chúa đi đến và đi ngang qua; ông đã phải làm chứng cho ánh sáng và vì lý do này
có đôi mắt được sáng tỏ từ bên trong. Thật ra, gần dòng sông Giođan, ông
đã thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu (Mt 3:16); ông đã nhận ra rằng
Người là Chiên Thiên Chúa (Ga 1:29) và đã tiếp tục hướng mắt dõi theo Người
(câu 36) và nói cho các môn đệ của ông về Chúa. Và nếu Gioan Tiền Hô
trông thấy theo cách này, nếu ông có khả năng nhìn thấu vào sự
xuất hiện, thì ắt có nghĩa là trước đây ông đã
được liên kết bởi cái nhìn yêu thương của Đức Giêsu, trước
đây ông đã được mở mắt. Trong cùng một cách
như chúng đang được như vậy. Ngay sau khi chứng nhân của
cái nhìn mất đi, thì ánh sáng đôi mắt của Chúa Giêsu được hoàn
thành. Trong câu 38, sách Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu trông thấy các
môn đệ của Gioan đang đi theo mình và Tác Giả Phúc Âm sử dụng một động từ rất
tuyệt mỹ, có nghĩa là “nhìn chăm chú một ai đó, nhìn cách xuyên thấu và mãnh liệt”. Chúa
thực sự đang làm điều này với chúng ta: Người hướng về phía
chúng ta, đến gần chúng ta, ghi lòng tạc dạ sự hiện diện của chúng ta, cuộc sống của chúng
ta, con đường đi theo Người của chúng ta, và Người nhìn chúng
ta một lúc lâu, hơn hết cả, với tình yêu thương, nhưng cũng thật mãnh liệt,
liên quan đến chính Người, với lòng quan tâm sâu
xa. Ánh mắt nhìn của Người không bao giờ rời xa chúng
ta. Đôi mắt Người dán chặt vào chúng ta, chúng được thiết kế trong
chúng ta, như Thánh Gioan Thánh Giá đã hát trong bài Thánh Thi Thiêng
Liêng của ông.
Và rồi sau đó đến lượt Chúa mời gọi chúng ta, hãy mở mắt ra, để
bắt đầu trông thấy trong một cách thực sự; Người nói: “Hãy đến và
xem”. Mỗi ngày Người lặp lại điều này với chúng ta, không mệt
mỏi với lời mời gọi dịu dàng và mạnh mẽ này, tràn ngập với những lời hứa và quà
tặng. “Họ đã xem thấy chỗ Người ở”, Gioan bằng vào cách sử dụng một
động từ khác lạ, rất mạnh mẽ, để cho thấy một cách sâu sắc, vượt quá khỏi sự hời
hợt và xã giao, mà đi vào trong sự hiểu biết, trong kiến thức và đức tin của những
gì mà người ta trông thấy. Các môn đệ -- và cả chúng ta qua các ông
– đã trông thấy, buổi chiều hôm ấy, nơi Chúa Giêsu đang ở, đó là, họ đã hiểu và
biết rằng đó chính là nơi Chúa ở, chứ không chỉ là một nơi chốn hay là một
không gian…
Sau cùng, một lần nữa chúng có cùng một động từ như lúc bắt đầu. Chúa
Giêsu nhìn ông Simon (câu 42) và với ánh mắt ấy, với cuộc gặp gỡ qua đôi mắt
đó, của linh hồn, Người gọi ông bằng tên và thay đổi cuộc đời ông, khiến ông trở
thành một con người mới. Đôi mắt của Chúa cũng đang mở nhìn chúng ta
trong cùng một cách và chúng gột sạch chúng ta khỏi sự xấu xa của bóng tối, soi
sáng chúng ta với tình yêu; với đôi mắt như thế Người đang gọi chúng ta, đang
làm một sự tác tạo mới cho chúng ta, đang nói: “Hãy có ánh sáng”, và
tức thì có ánh sáng.
c) Ở lại – Cư ngụ
Đây là một động từ rất quan trọng khác, rất mạnh mẽ, một hạt
minh châu quý giá khác của Tin Mừng Gioan. Trong đoạn Phúc Âm của
chúng ta, nó được lặp lại ba lần, với hai ý nghĩa khác nhau; cư ngụ và
ở lại. Các môn đệ lập tức hỏi Chúa Giêsu xem Người ở đâu, nhà của
Chúa ở đâu và Người đã mời các ông đi đến, vào xem, và ở lại: “Họ ở
lại với Người ngày hôm ấy” (câu 39). Đó không phải là một việc ở lại
bằng thể chất, tạm bợ; các môn đệ không phải chỉ là khách qua đường, dừng chân
trong chốc lát. Không, Chúa đã dọn chỗ sẵn cho chúng ta trong nhà của
Người; trong mối quan hệ của Người với Chúa Cha và ở đó Chúa đón nhận chúng ta
mãi mãi; Thực ra, Chúa đã nói: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong
Cha, để họ cũng ở trong chúng ta … Con ở trong họ và Cha ở trong Con…” (Ga
17:21-23). Chúa cho phép chúng ta đi vào và Người cũng đi vào; Chúa
cho phép gõ cửa và chính Người cũng gõ cửa; Chúa làm cho chúng ta ở lại trong
Người và Người chọn nơi trú ngụ cùng với Chúa Cha trong chúng ta (Ga 14:23). Ơn
gọi của chúng ta để được làm môn đệ của Chúa Kitô và loan báo cho anh chị em
chúng ta về Người, có nguồn gốc của nó, nền tảng của nó, sức sống của nó ngay tại
chính nơi đây, trong thực tại của việc định cư đối ứng của Chúa trong chúng ta
và chúng ta trong Người. Niềm hạnh phúc đích thực và bền vững của
chúng ta bắt nguồn từ nhận biết việc ở lại trong Chúa của chúng
ta. Chúng ta đã trông thấy nơi Chúa ngự, chúng ta đã biết nơi Người
hiện diện và chúng ta đã quyết định ở lại với Người, hôm nay và mãi mãi.
“Hãy ở lại trong Thầy và như Thầy ở lại trong anh
em… Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy
sinh nhiều hoa trái… Nếu anh em ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở
lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý… Anh
em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15:4,5,7,9).
Thân lạy Chúa, không, con sẽ không đi với bất kỳ một ai khác,
con sẽ không đi đến bất cứ một nơi nào khác, con chỉ đi với Chúa mà thôi; Chúa
là nơi con trú ngụ, chốn cứu rỗi của con! Xin hãy cho phép con mong
ước rằng con có thể được ở lại nơi này, gần Chúa, và mãi mãi. Amen.
6. Giây phút cầu nguyện: Thánh Vịnh 34
Đáp ca: Lạy Chúa, con đã tìm kiếm thiên nhan Người,
xin Chúa đừng giấu mặt với con
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.
CHÚA để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
7. Lời nguyện kết
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.
CHÚA để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
7. Lời nguyện kết
Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha vì Cha đã ban cho con sự hiện diện của
Chúa Giêsu, Con Cha, trong những lời tỏa sáng của Tin Mừng này; con xin cảm tạ
Cha vì đã cho con được cơ hội lắng nghe tiếng Chúa, vì đã mở mắt con để nhận biết
Người; con xin cảm tạ Cha vì đã đặt để con trên con đường đi theo Người và tiến
vào nhà Chúa. Con xin cảm tạ Cha bởi vì con có thể ở lại với Người
và trong Người và bởi vì Người ở trong Cha, và Cha ở trong con. Con
xin cảm tạ Cha vì một lần nữa Cha đã gọi con, làm cho cuộc sống con đổi mới. Lạy
Cha, xin Cha hãy khiến con trở nên một khí cụ tình yêu của Cha; để con có thể
loan báo không ngừng nghỉ về Đức Kitô đang đến; để con không cảm thấy hổ ngươi,
để con không sống khép kín với chính mình, không buông xuôi, nhưng luôn luôn trở
nên hạnh phúc hơn, để hướng về Người, hướng về Cha, hướng về các anh chị em mà
Cha đã cho con gặp gỡ mỗi ngày. Amen.
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét