21/01/2015
Thứ Tư
sau Chúa Nhật 2 Quanh Năm
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo.
* Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế
Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305). Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết
tình yêu mến.
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 1-3. 15-17
"Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên
Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi đánh bại các
vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến
lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính,
rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ,
không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con
Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập
theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng
chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng:
"Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c.
4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con
hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con".
- Ðáp.
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của
Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.
3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh
trong thánh thiện huy hoàng: "Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh
hạ ra Con". - Ðáp.
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng
tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự
sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 1-6
"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại
một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không,
để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa
đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ?
Ðược cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh
nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng:
"Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức,
những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối
Người và tìm cách hại Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Phản ứng của Chúa Giêsu
Trong diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh nhân
dịp Năm Mới 1996, Ðức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tố giác các đàn áp Kitô hữu;
Ngài nhận định như sau: "Người ta không thể đàn áp mãi hàng triệu tín hữu,
nghi ngờ hoặc chia rẽ họ, mà những hành động đó lại không đưa đến những hậu quả
tiêu cực, chẳng những đối với uy tín của các quốc gia trên trường quốc tế, mà cả
trong nội bộ các xã hội liên hệ; trái lại, những mối quan hệ tốt giữa các Giáo
Hội và nhà nước góp phần vào sự hòa hợp mọi thành phần trong xã hội".
Vừa đàn áp, vừa kêu gọi tin tưởng, chỉ có người mù quáng mới
không thấy được sự mâu thuẫn trong hành động của mình. Người mù lòa ít ra còn
biết mình không thấy, nhưng kẻ mù quáng vốn có mắt, nhưng lại không nhìn thấy.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù
quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn
quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại
đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng
của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: "Chúa Giêsu giận dữ rảo
mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ". Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền
lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối
với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra
bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con
người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là
thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường,
nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân
danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa
Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được. Thật thế,
khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con
người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị
cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những
người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men
Biệt phái.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men
giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra
thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán
cải không ngừng của Chúa. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung
động trước nỗi đau khổ của đồng loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa
trị và san sẻ trao ban cho mọi người.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư
Tuần II TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
7:1-3, 15-17; Mk 3:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức
Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek.
Tôn giáo hiện hữu là để đưa con người tới Thiên Chúa. Để làm việc
này, con người cần giữ luật. Bao lâu con người tuân giữ những luật Thiên Chúa
truyền, con người giữ mối liên hệ tốt lành với Thiên Chúa. Nhưng con người đã
không thể giữ mãi mối liên hệ với Thiên Chúa vì họ phạm tội; và như thế, con
người cần dâng lễ vật để đền tội và nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa. Đó là
lý do chức tư tế và luật dâng lễ vật hiện hữu. Theo từ ngữ Latin, từ ngữ dùng để
chỉ tư tế là pontifex, có nghĩa người xây cầu để nối giữa 2 điểm. Tư tế là người
xây cầu để nối giữa Thiên Chúa và con người bằng dâng các lễ vật hy sinh. Theo
truyền thống Do-Thái, lễ vật hy sinh chỉ có thể đền những tội vô tình xúc phạm
đến Luật mà thôi; những tội cố ý, không lễ vật hy sinh nào có thể đền được. Tác
giả Thư Do-Thái nhìn thấy sự bất tòan của chức tư tế và các lễ vật hy sinh
trong Đạo Do-Thái; ông nhận ra con người cần một phẩm trật tư tế cao trọng hơn
phẩm trật tư tế theo Aaron, và một lễ vật hy sinh cao trọng hơn máu chiên bò, để
có thể tha thứ các tội cho con người, và cung cấp cho con người cách thức an
tòan để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa sau khi phạm tội.
Trong Bài Đọc I, Tác giả dùng Thánh Vịnh 110:4 và Sách Sáng Thế
14:18-20, để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek; phẩm
trật này cao trọng hơn phẩm trật Aaron, vì “Melkizedek không có cha, không có mẹ,
không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế
là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.” Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu tức giận vì Nhóm Pharisees lòng chai dạ đá: trong khi Ngài muốn chữa lành
con người khỏi mọi tội lỗi và bệnh họan, tật nguyền, nhưng họ luôn tìm cách để
tố cáo và luận tội Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là Thượng-tế theo phẩm trật
Melkizedek.
1.1/ Thượng Tế Melkizedek: Khi truy tầm tên Melkizedek mà
Thánh Vịnh 110 đề cập tới, Tác-giả Thư Do-Thái tìm thấy trong Sách Sáng Thế nói
về Ông như sau: “Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là
tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Abraham và nói: "Xin
Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abraham! Chúc tụng
Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!" Rồi
ông Abraham biếu ông Melkizedek một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (Gen
14:18-20).
Tác-giả dựa vào những gì Sách Sáng Thế trình bày, và suy diễn
thêm về những gì tuy Kinh Thánh không nói tới, nhưng quan trọng về vị Thượng Tế
này như sau: “Trước hết, ông tên là Melkizedek, nghĩa là "Vua công
chính;" rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là "Vua bình an." Ông
không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng
không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.”
1.2/ Sự khác biệt giữa 2 phẩm trật tư tế: Tác giả
so sánh những gì ông tìm ra về Thượng Tế Melkizedek và so sánh với những gì ghi
chép trong Luật về phẩm trật tư tế Aaron, ông tìm ra những khác biệt trong
Chương 7, chúng tôi chỉ tóm tắt như sau:
(1) Phẩm trật Aaron: Theo Luật Do-Thái, một người trở
thành tư tế vì thuộc giòng dõi Aaron; mà không tùy thuộc vào đặc tính và khả
năng của vị tư tế. Chức tư tế của những người theo phẩm trật Aaron chấm dứt
cùng với cái chết của người ấy. Thiên Chúa không bao giờ thề hứa với phẩm trật
theo Aaron. Sau cùng, các tư tế theo phẩm trật này phải luôn dâng hy lễ đền tội
cho mình, trước khi có thể dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Phẩm trật Melkizedek: Chức tư tế của Melkizedek không
tùy thuộc vào giòng dõi con người, nhưng tùy thuộc vào đặc tính và khả năng của
Ông. Hơn nữa, Melkizedek không có gia phả con người, và Kinh Thánh không thấy
nói tới sự chết của ông; vì thế, chức tư tế của ông tồn tại đến muôn đời. Chức
tư tế theo phẩm trật Melkizedek được Thiên Chúa thề hứa và không bao giờ thay đổi
(x/c Psa 110:4). Đức Kitô không bao giờ phạm tội, và Ngài không cần dâng lễ đền
tội cho mình, chỉ dâng hy lễ một lần để đền tội cho con người là đủ.
1.3/ Đức Kitô là Thượng-tế theo phẩm trật Melkizedek: Tác giả
Thư Do-Thái kết luận: “Điều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế
khác tương tự như ông Melkizedek xuất hiện; vị này đã trở nên tư tế không phải
do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống
bất diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng-tế theo
phẩm trật Melkizedek”” (Psa 110:4).
2/ Phúc Âm: Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.
2.1/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Pharisees: Chỉ
trong hai câu mô tả ngắn ngủi, Marcô cho chúng ta nhìn thấy sự xung đột giữa
hai bên: “Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình
xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabbath không, để tố cáo Người.” Trong khi
Chúa Giêsu chính thức rao giảng và chữa lành dân chúng trong các hội đường,
Nhóm Pharisees cũng có mặt. Mục đích của họ không phải để nghe giảng, nhưng để
“rình xem” Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.2/ Hai phản ứng khác nhau:
(1) Phản ứng của của Chúa Giêsu: Khi nhìn thấy người bại
tay, Chúa Giêsu động lòng thương anh, và Ngài muốn chữa lành, nên bảo anh:
"Anh trỗi dậy, ra giữa đây!" Ngài có thể bảo anh ngày mai trở lại,
hay bảo anh đi đến một nơi nào đó cho khuất mắt những người đang rình; nhưng để
dạy cho họ có cơ hội hiểu biết đúng đắn về ngày Sabbath, Chúa Giêsu mời gọi họ
đối thọai với Ngài: "Ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu
mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt
nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay
ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(2) Phản ứng của Nhóm Pharisees: Làm thinh không nói có
thể vì không biết câu trả lời; nhưng họ đã biết câu trả lời: phải luôn làm việc
lành trong cả ngày Sabbath, và phải luôn cứu mạng người; nhưng vì họ sợ nếu phải
công nhận những gì Chúa Giêsu dạy trước mặt mọi người, họ phải tin theo và làm
những gì Ngài đòi hỏi nên họ làm thinh. Không phải chỉ có thế, nhưng sau khi ra
khỏi đó, Nhóm Pharisee lập tức bàn tính với phe Herode, để tìm cách giết Đức
Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa; nhưng qua Đức Kitô là
Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, chúng ta đã có con đường an tòan để nối lại
tình nghĩa với Ngài.
- Chúng ta hãy vâng lời làm theo những gì Đức Kitô dạy. Nếu
không hiểu, hãy chịu khó bỏ thời giờ để nghiên cứu học hỏi; đừng ngoan cố như
những người Biệt-phái để cố tình sống trong tội lỗi của mình.
- Tôn giáo không phải chỉ là tuân theo những luật lệ cứng nhắc,
nhưng trước hết là tâm tình đồng cảm với những khổ đau của nhân lọai, và tìm
cách để làm vơi đi những khổ đau này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
21/01/15 THỨ TƯ TUẦN 2
TN
Th. Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 3,1-6
Th. Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 3,1-6
Suy niệm: Các
kinh sư, luật sĩ, và nhóm Pha-ri-sêu đã nhiều lần xúc phạm đến cá nhân Chúa
Giê-su, nhưng có vẻ như Ngài không quan tâm. Tuy nhiên, khi họ xúc phạm đến
quyền tối thượng của Thiên Chúa và thiện ích của những kẻ bé mọn, thì Ngài
thẳng thắn, mạnh mẽ lên án. Thánh sử Mác-cô không chỉ thuật lại những lời Chúa
Giê-su quở trách họ, mà còn diễn tả cả nét mặt của Ngài: một bộ mặt giận dữ pha
lẫn nỗi u buồn, thất vọng, vì họ cứ khư khư nại vào luật Mô-sê để từ chối việc
bác ái lẽ ra cần phải được làm ngay. Một Thiên Chúa làm người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” lắm khi phải bày tỏ sự giận dữ, buồn bực trước
sự cứng lòng của con người, cho thấy Ngài đã phải chịu đựng họ như thế nào,
cũng như cái giá mà sự tự do phải trả vì Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy của con
người.
Mời Bạn: Có
khi nào bạn nghĩ Chúa buồn bực bạn vì bạn cưng cỏi và ương ngạnh không? Việc
nào khien Ngài có thái độ như thế?
Chia sẻ: Đức
công bằng, bác ái không cho phép hễ thương ai thì đánh giá tốt còn không ưa ai
thì trù dập cả những giá trị tích cực của người mình không ưa. Trái lại, bao
giờ cũng phải biết trân trọng chân lý.
Sống Lời Chúa: Vui
với người vui, khóc với người khóc. Có như thế, ta mới thực sự là con một Cha
trên trời, Đấng cho “mưa trên người lành lẫn kẻ
dữ."
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã giận dữ, buồn bực khi thấy con người đối
xử xấu với những kẻ bé mọn. Xin cho con sớm nhận thấy đâu là điều làm Chúa buồn
bực với con, để sửa lại hầu làm vui lòng Chúa, nhất là trong tương quan với
người khác. Amen.
Anh giơ tay ra!
Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng
bao giờ bình thường vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để
buông.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là cao
điểm của năm cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu với các kinh
sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
Đó là các cuộc tranh luận về
quyền tha tội của Đức Giêsu,
về chuyện Ngài ăn uống với
người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
chuyện môn đệ bứt lúa ngày
sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.
Trong hội đường, vào một
ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
Các người Pharisêu rình xem
Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
để có cớ tố cáo Ngài.
Đức Giêsu chủ động đưa âm
mưu của họ ra ánh sáng.
Ngài muốn công khai hóa và
chính thức hóa việc làm của mình,
bởi vậy Ngài mới nói với
người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
Như thế mọi người trong hội
đường đều thấy được anh.
Rồi Ngài đặt câu hỏi với các
người đang rình rập Ngài
về điều được phép làm trong
ngày sabát:
được làm điều tốt hay điều
xấu, cứu sống hay giết chết?
Câu trả lời tưởng như quá rõ
ràng,
nhưng ta nên nhớ rằng chữa
bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
Chỉ được chữa bệnh ngày sabát
khi đó là một bệnh nguy tử.
Anh bại tay không phải là
người lâm cơn bệnh nguy tử.
Nếu hoãn lại đến ngày mai
mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
Nhưng Đức Giêsu đã không
chấp nhận sự trì hoãn này.
Đối với Ngài, làm điều tốt
là chữa ngay cho anh.
Ngài không đợi anh ấy gần
chết mới cứu sống.
Cứu sống là cho con người
được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
Một bàn tay héo khô, teo
tóp, bại liệt,
một bàn tay đàn ông chẳng
còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
một bàn tay đã chịu tật
nguyền như thế từ bao giờ,
theo Đức Giêsu, bàn tay ấy
phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!”
Người ấy đã giơ tay ra và
tay anh trở lại bình thường.
Giơ tay ra là điều trước kia
anh mong muốn mà không làm được.
Bây giờ anh có thể giơ tay
để nắm lấy một bàn tay khác,
và cảm được sự ấm áp chân
thành của tình bạn.
Có bao nhiêu bàn tay, dù
không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
vì chẳng bao giờ dám đưa ra
để trao và để nhận, để nắm và để buông.
Trước sự thinh lặng chai đá
của các kẻ chống đối,
Đức Giêsu vừa giận vừa buồn
(c.5).
Ngài chấp nhận trả giá cho
quyết định của mình.
Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng
một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
Thế nên theo Luật Môsê, Ngài
vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn
cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn
khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng
đến vô cùng
và trái tim được lớn lên
mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và
lục địa.
vòng tay người nối với
người,
vòng tay con người nối với
Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng
chung một vòng tròn
với tất
cả loài người chúng con,
nắm lấy
tay chúng con
và đưa
chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp
chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận
nhau là anh em.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
21 THÁNG GIÊNG
Những Người Thất Nghiệp - Mối Ưu Tư Nặng Trĩu Lòng Tôi
Tôi đặc biệt cảm thông tận đáy lòng mình hoàn cảnh của vô số anh
chị em thất nghiệp. Họ muốn làm việc, nhưng không thể kiếm được một chỗ làm.
Nhiều trường hợp, đó bởi vì nạn kỳ thị tôn giáo, giai cấp, chủng tộc, hay ngôn
ngữ. Không có việc làm hay thiếu việc làm – tình trạng ấy gây ra nỗi chán chường
và dễ làm cho người ta tự cảm thấy mình thừa thãi. Đó là nguyên nhân của nhiều
xung đột trong các gia đình và thường dẫn đến bao phiền não lắm khi không thể tả
xiết. Tình trạng ấy vừa làm suy yếu cấu trúc xã hội, vừa đe dọa chính phẩm giá
của người ta, nam cũng như nữ, trong các gia đình.
Chúng ta cần có những sáng kiến mới mẻ để giải quyết vấn đề rất
hệ trọng này. Những sáng kiến ấy sẽ đòi hỏi sự cộng tác trên bình diện quốc gia
và quốc tế. Điều cực kỳ quan trọng, đó là những chương trình được phác họa để giải
quyết vấn đề thất nghiệp phải thúc đẩy lòng tôn trọng và cảm thông giữa những
người chủ việc và những người lao động đang tìm kiếm một chỗ làm.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 21-01
Thánh Anê, trinh nữ tử đạo
Dt 7,1-3.15-17; Mc 3,1-6.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có
môt người bị bại tay. Họ nhìn xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sa-bát không,
để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: Anh trổi dậy, ra giữa đây! Rồi
Người nói với họ: Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người
hay giết đi?”
Đối với người Do-thái họ có đến 613 điều luật trong đó có 365 điều
cấm làm và 248 điều phải làm, và họ giữ Luật một cách nghiêm nhặt từng chi thiết
một. Với tinh thần giữ luật đó đã dẫn đưa họ sống và làm việc, nô lệ Luật, chứ
không có lòng yêu thích khi giữ Luật. Mác-cô đang trình bày một khung cảnh
trong Hội đường cho thấy Chúa Giêsu đang đặt câu hỏi để đánh động lương tâm của
họ trước lề luật và lòng bác ái khi phục vụ con người.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang dạy chúng con thực hành đức ái là trên
hết. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sẵn sàng hy sinh để
phục vụ người anh em khi họ đang cần đến chúng con; với khả năng Chúa đã ban.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 21-01: Thánh ANÊ
Đồng trinh Tử đạo (khoảng + 304)
Một cuộc đời được gặt bởi gươm đao. Đó là tất cả. Không có nhiều
việc, không có nhiều chuyện, nhưng danh tiếng đã nên lẫy lừng.
Một sử gia đã chân nhận như thế theo những lời truyền khẩu. Người
ta biết rằng: Anê qua đời khoảng năm 12 tuổi. Cuộc khảo sát xương sọ cho biết
như vậy. Người ta còn biết được rằng, theo thánh Ambrosiô, vào năm 375 đã cử
hành các lễ kính thánh nữ và vị thánh trẻ trung này được trình bày như vị thánh
tử đạo sau khi đã chiến đấu để giữ mình đồng trinh.
Người ta yêu cái tên của Ngài, Anê theo tiếng la-tinh có nghĩa
là con chiên, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là trong trắng. Người ta muốn rằng Ngài
có nét đẹp duyên dáng quyến rũ và thuộc gia đình quý phái. Các cô gái lập gia
đình sớm. Trong số những chàng trai ngưỡng mộ Ngài, có con trai một vị tổng trấn,
nhưng Anê tự cởi lòng đã chọn lựa vị hôn phu của mình.
Ngài đã nghe về Chúa Giêsu, đã trở thành Kitô hữu và đã tận hiến
vĩnh viễn cho Chúa Kitô. Các trẻ em thời này hay có tư tưởng anh hùng vì đã được
thấy dòng máu của những vị tử đạo tuôn đổ. Anê từ khước lời cầu hôn của người
thanh niên lương dân và bị tố giác trước quan tổng trấn.
Theo một trong các cuộc đối chất tuyệt vời mà cả trăm nghìn Kitô
hữu cho là chính xác, các lời hứa hẹn với những đe dọa chẳng có nghĩa lý gì đối
với đức tin và lòng can đảm của thánh nữ. Người thiếu nữ từ chối không thờ lạy
thần Minerva. Một ý tưởng quỷ quái nảy ra trong đầu óc quan tổng trấn. Ông truyền
dẫn thiếu nữ đến xóm bất lương mặc cho bọn say mê nàng xâm phạm. Ngài bị lột hết
y phục. Nhưng tóc dài phủ kín người Ngài. Hơn nữa nguồn sáng bởi trời bao quanh
Ngài làm thành một chiếc áo trắng diệu kỳ. Con của vị tổng trấn định cả gan xâm
phạm tới Ngài nhưng bị ngã chết như bị sét đánh. Anê đầy thương cảm đã xin
thiên thần cứu sống anh và anh sẽ trở lại đạo.
Điều kỳ diệu không có giới hạn và mọi sự đều có thể cả. Bị đưa
vào lò lửa, nhưng người thiếu nữ bất khuất không bị thiêu sống. Thánh Ambrôsiô
nói: - Ngài đi chịu khổ hình một cách vui vẻ còn hơn một người đi vào loan
phòng của mình, vì Ngài không đi đến cái chết nhưng đi vào bất tử, Ngài được
trang điểm không phải bằng những trân châu ngọc báu, nhưng bằng ánh sáng siêu
nhiên.
Các ngọn lửa vây kín mà không thiêu đốt Anê. Vậy Ngài phải bị
chém đầu mới được. Và người ta thấy một thiếu nữ yếu ớt khuyến khích người lý
hình tay chân run rẩy: - Chặt đi đừng sợ gì, để tôi sớm đến được với Đấng lòng
tôi yêu mến.
Tường thuật đã được tiểu thuyết hoá và làm say mê lòng đạo đức của
các tín hữu, nhưng sẽ không đủ để tên Ngài được quí trọng như vậy, nếu không chắc
chắn rằng Anê là thánh trẻ tử đạo mà đức tin, đức mến và lòng ái mộ đức khiết
trinh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết.
Lịch sử thánh Anê còn được phép thêm bằng qua lời truyền khẩu về
Emêrentiana, người chị em cùng một vú nuôi với Ngài. Vài ngày sau khi Anê tử đạo,
dân ngoại bắt gặp Emêrentiana với các tín hữu khác cầu nguyện bên mộ Ngài.
Các Kitô hữu chạy trốn nhưng Emêrentina ở lại và bị ném đá. Cha
mẹ Anê chôn cất nàng bên mộ con gái mình. đêm sau họ thức cầu nguyện và thấy
Anê ở giữa các thánh nữ đồng trinh, với con chiên trắng hơn tuyết bên phải.
Thánh Anê nói với cha mẹ: - Đùng khóc vì con phải chết, trái lại
cha mẹ hãy vui mừng vì con được hiệp nhất ở trên trời với Đấng con đã yêu mến hết
lòng khi ở dưới đất.
Để nhớ đoạn lịch sử này, ngày 21 tháng giêng, sau thánh lễ cử
hành trên mộ xác thánh Anê, người ta dẫn tới hai con chiên, lông kết sao vàng
và đeo nải trắng một con, đỏ một con. Hai con chiên được đặt trên bàn thờ trong
một giỏ mây, được chúc lành và dâng cho Đức Thánh Cha, sau đó được gởi về tu viện
thánh Cêcilia.
Nơi đây các nữ tu nuôi chúng lớn lên, lông chúng dùng để dệt các
"Pallium", phẩm phục dệt bằng len trắng, có thêu thánh giá đen, mà Đức
giáo hoàng gửi cho các Đức Tổng giám mục mặc trên áo choàng ngoài, như dấu hiệu
tỏ sự kính trọng.
(daminhvn.net)
21 Tháng Giêng
Chiếc
Khăn Tay Vấy Mực
Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người
Anh sống vào cuối thế kỷ 19.
Một hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một
chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay
đã hoàn toàn mất giá trị của nó.
Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay
trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà
cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết
sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã
biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một
tác phẩm nghệ thuật để đời.
Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước
những thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành
công vĩ đại hơn.
Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi
ro, đau khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.
Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người
Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao
gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân
khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong
một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như sau: "Họ đã lấy mất đôi tay
của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có
đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng
tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và
mạnh mẽ hơn".
Người ta vẫn thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu
đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới
nhận ra giá trị của những mất mát ấy.
Qua cái chết trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa
Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã
chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ
Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức
tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ
Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn
khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của
người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức
Kitô.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét