Ngày 26
tháng 1
Thánh
Timôthêu và Thánh Titô, Giám Mục
Lễ Nhớ
* Cùng với thánh Luca, thánh Timôthê và
thánh Titô là những cộng tác viên trung thành của thánh Phaolô. Mẹ thánh
Timôthê là người Do thái, còn chính ông thì đã được thánh Phaolô thanh tẩy. Ông
đã theo thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo, rồi sau được đặt làm thủ
lãnh giáo đoàn Êphêxô. Còn thánh Titô đã được thánh Phaolô nhận ở Antiôkhia
ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê và thư gửi cho ông Titô được gọi là các
thư mục vụ, vì trong đó có nhiều lời khuyên dành cho cả những người lãnh đạo
cũng như cho hết mọi thành phần trong giáo đoàn.
(Các bài đọc lấy ở lễ chung các Thánh mục tử)
Bài Ðọc I: 2 Tm 1, 1-8
"Nhớ lại đức tin trung thành của con".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa,
theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người
con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và
Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Cha cảm tạ ơn Chúa, Ðấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn
trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước
mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại
đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi
đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc
nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận
qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một
thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ
thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người;
nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Tt 1, 1-5
"Gởi lời thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức
tin".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Phaolô, đầy tớ của Thiên Chúa, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, theo
đức tin của những người được Chúa chọn, và sự hiểu biết chân lý theo lòng đạo đức,
trong hy vọng được sống đời đời mà Thiên Chúa là Ðấng không lừa dối, đã hứa từ
muôn đời; và khi đến giờ đã định, Người bày tỏ lời Người qua việc rao giảng mà
Người đã giao phó cho cha theo lệnh của Thiên Chúa Ðấng Cứu độ chúng ta: gởi lời
thăm Titô, người con chân thật trong cùng một đức tin. Nguyện chúc cho con được
ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ chúng
ta. Ðây là lý do cha để con ở lại Crêta, là để con tổ chức cho xong xuôi tất cả,
và thiết lập hàng niên trưởng trong mỗi thành phố, như cha đã truyền dạy cho
con.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân (c. 3).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi,
toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật
vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.
3) Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng
Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người.
Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. - Ðáp.
4) Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay, Người cai quản chư
dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
Alleluia: Mt 23, 9a. 10b
Alleluia, alleluia! - "Các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự
trên trời. Các ngươi chỉ có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô". -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 1-9
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ
từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.
Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con
hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người. Các con hãy đi. Này Thầy sai
các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị,
giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy
nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự
bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với
các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được
trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp
các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân
trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các
ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Diễn Văn Truyền Giáo
Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm những câu đầu tiên của
chương 10 Phúc Âm theo thánh Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn
văn truyền giáo số 1 là chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền
giáo số 2, Chúa Giêsu ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng
nhóm hai người một để làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không
phải một cách riêng rẽ. Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ
Israel; con số bảy mươi hai môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế:
"Khi tất cả các dân nước trên mặt đất".
Như thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn văn truyền giáo số 2
của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay chúng ta suy niệm là những
lời căn dặn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần Giáo Hội Dân Chúa đến từ
khắp mọi nơi không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói. Tất cả mọi người đồ
đệ của Chúa đều phải là những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Chúa và phải
tuân giữ những gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.
Những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với
những chi tiết hết sức thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những
việc làm trên là điều quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang
sống khác với thời của Chúa Giêsu. Những hành động cụ thể của một thời đã thay
đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện
giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa
Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi
suy niệm này chúng ta không thể nào suy niệm tất cả mọi khía cạnh của tinh thần
truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.
Ước chi mỗi người chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày,
trong tuần để trở lại suy niệm thêm về những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10
Phúc Âm thánh Luca.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn
Phúc Âm hôm nay: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin
chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi". Qua câu đầu
tiên này của đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi
hoạt động truyền giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung
quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ
ba là sẵn sàng để được sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng.
Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những
quan tâm truyền giáo làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu
nguyện của chính mình chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?
Lạy Chúa,
Này con đây đã sẵn sàng, Chúa
muốn con làm gì xin hãy phán và con xin lắng nghe. Xin ban ơn biến đổi mỗi người
chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Thứ Hai
sau Chúa Nhật 3 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 15. 24-28
"Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi,
Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự
chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được
kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Ðức Giêsu không tiến
vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật,
nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa
vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế
vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo
thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người
chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định,
người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng tế hiến
một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ
hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.
Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những
điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên
những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với
cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người
tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái
nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên
Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn
ca. - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc
du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên
nhan Chúa là vua. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy,
và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 22-30
"Satan phải diệt vong".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy
bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy
trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng:
"Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước
đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự
phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể
vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi
sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm
thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa
Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó
là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tội ngoan cố
Hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một
tiếng vang đến Yêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa
Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến
chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự
ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu
dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe
cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê,
quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của
Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các
luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ
diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa
Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể
còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ
quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài
có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã
vâng phục.
Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ
chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ
vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa
mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự
xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền
năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người
cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu
thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng
ơn cứu độ của Chúa.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai
Tuần 3 TN, Năm lẻ
Bài đọc:
Heb 9:15, 24-28; Mk 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa
Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng
mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi
sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin
hay tố cáo người khác những gì ngược lại với sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay tập trung trong những gì Chúa Giêsu làm để
tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ
của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao
Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể cất đi các tội của con người vì máu chiên
bò không đủ mạnh để làm chuyện đó. Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người
vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một lần; và làm cho con người được giao hòa với
Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul
ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời
tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế
chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại
sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã
nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của
mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho
những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa
đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì
cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính
cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến tế một lần là đủ: Theo
Giao Ước cũ, vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung
thánh để đền tội cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không
phải dâng chính mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ
hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời
gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế
chính mình.
Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.
Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người
sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu
độ những ai trông đợi Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị
thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý
do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy
dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư
trong trình thuật hôm nay đến từ kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo
từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và
Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:
(1) Người bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch
của chữ Do-Thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng
quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng
Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam ở đây: một vật không thể vừa
có vừa không một lúc. Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào
tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy
Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận
số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi
chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do
chúng gây ra.
(2) Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có
quyền hành nhất là Vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt
nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu
cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của
được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”
Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu
Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực
mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các
thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của các Kinh-sư không có lý do vững chắc.
2.2/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh
em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng
nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa
Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ
sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn
ngoan cố không nhận ra sự thật, hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người
đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với
các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra
khỏi con người. Sau khi đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa
Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố
cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện
để được tha tội là con người phải nhận ra những tội của mình, ăn năn xám hối,
và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra
mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn xám hối và thú tội. Với một thái độ như
thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người thời nay là thái độ tự cho mình là công
chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu
những người này cứ giữ thái độ ngoan cố như thế cho tới chết, họ đã phạm đến
Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để
tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải
với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để
tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét
vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.
- Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất
là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/01/15 THỨ HAI TUẦN 3
TN
Th. Ti-mô-thê và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9
Th. Ti-mô-thê và Ti-tô, giám mục
Lc 10,1-9
Suy niệm: Đối
với Chúa Giê-su, công việc truyền giáo không phải là việc riêng lẻ của cá nhân,
mà là việc của toàn thể Giáo Hội, của cộng đoàn. Vì thế, Chúa chọn bảy mươi hai
môn đệ, sai họ đi từng hai người một. Chọn bảy mươi hai môn đệ để những người
truyền giáo không phải là những cá nhân rời rạc, nhưng là một cộng đoàn cùng
chung một sứ mạng; sai đi từng hai người một để giúp đỡ lẫn nhau trên con đường
truyền giáo; không cần chuẩn bị thức ăn riêng, nhưng cứ dự phần với cộng đoàn.
Người Pha-ri-sêu mỗi khi đi đường, họ thường chuẩn bị thức ăn riêng cho mình,
vì họ sợ những thức ăn khác không “thanh sạch”, không phù hợp với luật Do Thái,
hoặc mang theo tiền để có thể tìm kiếm thức ăn thanh sạch. Người truyền giáo
không như thế, họ được mời gọi chia sẻ với cộng đoàn mình được sai đến, “cứ ăn những gì người ta dọn cho,”cứ
ngồi chung bàn với cộng đoàn và không sống tách biệt. Điều duy nhất nhà truyền
giáo phải mang theo là bình an; và sự bình an cũng là điều trước tiên mà Chúa
Giê-su muốn các môn đệ đem đến cho thế giới.
Mời Bạn: Trong
năm Tân Phúc Âm hóa giáo xứ, bạn quyết định tham gia vào một sinh hoạt hay một
hội đoàn nào trong giáo xứ của bạn để nâng đỡ nhau sống đức tin, sống cộng đoàn
và sống sứ mạng truyền giáo? Chúa đang kêu mời bạn đấy!
Sống Lời Chúa: Tham
gia hội đoàn hoặc công tác tông đồ trong giáo xứ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với mọi người trong giáo xứ
của con, để sống ơn gọi Ki-tô hữu.
Vào nhà, vào thành phố
Càng học, ta càng dễ giới
thiệu Ðức Giêsu, và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác.
Suy niệm:
Dân số Châu Á chiếm gần hai
phần ba thế giới
nhưng số người nhận biết
Chúa chưa tới 3%.
Cánh đồng lúa chín mênh mông
đang cần thợ gặt.
Ðức Giêsu hôm nay vẫn có
nhiều nơi Ngài muốn đến,
nhiều căn nhà, nhiều thành
phố Ngài muốn đặt chân.
Ngài cần những người đi
trước để chuẩn bị cuộc gặp gỡ
giữa
Ngài với con người.
Khoa
học càng tiến bộ, cuộc sống càng văn minh
thì
càng có nhiều lãnh vực mới Ðức Giêsu cần vào.
Ðưa
Ngài vào thật là một thách đố cho chúng ta.
Ngài
phải vào cả những nơi tưởng như bị cấm.
Nhưng
nếu chúng ta được Ngài sai vào trước,
thì thế
nào cuối cùng Ngài cũng vào được.
Nếp
sống cao ở thành thị vừa gây cản trở,
vừa
cung ứng cho ta nhiều phương tiện để đưa Ngài vào.
Hãy
chuẩn bị cho Ngài vào thành phố của bạn,
vào
trường học, sân vận động, vào xí nghiệp, công ty...
Hãy
chuẩn bị để Ngài vào từng nhà, gặp từng người.
Mọi
Kitô hữu đều được mời gọi để làm việc đó.
Ðâu là
khuôn mặt của người được sai hôm xưa?
Hiền
lành như chiên giữa bầy sói.
Khó
nghèo thanh bạch, không túi tiền, giầy dép, bao bị.
Khiêm
tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn.
Tôn
trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối.
Người
Châu Á hôm nay dễ đón nhận người tông đồ
sống
khổ hạnh, thoát tục, sống thư thái, trầm tư,
sống
nhân từ, phục vụ.
Cuộc
sống của họ phải tỏa hương thơm của thế giới mai sau,
phải có
khả năng nâng con người lên Ðấng Tuyệt Ðối.
Ðâu là
đóng góp của người được sai hôm xưa?
Vừa
chữa người đau yếu và trừ quỷ,
vừa
loan báo về triều đại Thiên Chúa gần đến.
Việc
làm chứng thực lời giảng, lời giảng soi sáng việc làm.
Cả hai
đều đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Thế giới
hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật,
một thế
giới thèm khát tự do, thèm được là mình.
Chúng
ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á
mà phần
đông đã tin vào một Ðấng Cứu Ðộ?
Ðức
Giêsu đem đến cho nhân loại quà tặng đặc biệt nào?
Chúng
ta phải tập trình bày sứ điệp Kitô giáo,
nên
cũng phải học nhiều nơi các tôn giáo Á Châu.
Các
giám mục Malaysia, Singapore và Brunei
đã liệt
kê những gì có thể học được nơi họ.
Học cầu
nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo.
Học suy
niệm và chiêm niệm nơi người Ấn giáo.
Học từ
bỏ của cải và trọng sự sống nơi người Phật tử.
Học
thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng.
Học sự
đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.
Càng
học, ta càng dễ giới thiệu Ðức Giêsu,
và càng
thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu,
xin sai
chúng con lên đường
nhẹ
nhàng và thanh thoát,
không
chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào
những phương tiện trần thế.
Xin cho
chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm
đau.
Xin cho chúng con biết nói
Tin Mừng với niềm vui,
như người tìm được viên ngọc
quý,
biết nói về Ngài như nói về
một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả
năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ,
bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô
những giọt lệ
của bao người đau khổ thể
xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá
nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm
lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
26 THÁNG GIÊNG
Nạn Thất nghiệp - Một Tai Ương Xã Hội
Con người luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi quá
trình lao động, từ khởi sự cho đến hoàn thành. Vì thế, trình độ văn minh của một
dân tộc phản ảnh nơi chính thái độ của họ đối với những người yếu kém trong xã
hội, những người gặp khó khăn trong vấn đề việc làm, những người phải đương đầu
với tình trạng thiếu hay không có việc làm. Thật vậy, một trong những bi kịch của
thời đại chúng ta là tình trạng có quá nhiều người thất nghiệp, nhất là những
người trẻ. Chúng ta phải làm gì đây trước tình hình này?
Cần phải nhận ra rằng tình trạng ì do bắt buộc (nghĩa là muốn hoạt
động nhưng không được hoạt động) là một sự dữ . Nó tạo ra một sự ngưng trệ có
chiều hướng làm tê liệt chính niềm hy vọng của người ta. Những ước mơ và lý tưởng
của người ta bị đe dọa, người ta trở thành quờ quạng, lóng ngóng. Người trẻ,
trong trường hợp này, nhận thấy mình bị tước mất cơ hội xây dựng gia đình. Rồi,
hậu quả xảy ra là những suy bại khôn lường về đạo đức và tâm lý. Quả là một
tình trạng đòi chúng ta phải dành quan tâm một cách khẩn trương.
Tôi muốn nhắc đi nhắc lại rằng “tình trạng thất nghiệp – trong bất
luận trường hợp nào – cũng đều là một sự dữ, và đến một mức nào đó, nó có thể
trở thành một tai họa thực sự cho xã hội” (Laborem exercens 8). Thất nghiệp là
một ‘nạn dịch”. Dịch bệnh này phát triển trong những cơ thể ốm yếu, suy nhược.
Khi một xã hội cảm thấy mình đứng trước sự đe dọa của nạn dịch này, xã hội ấy cần
phải nghiêm túc xem lại ‘sức khỏe’ của mình.
Chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện để khảo sát và nghiên cứu vấn
đề hệ trọng này – sao cho có thể tìm ra một giải pháp. Chẳng hạn, khoa xã hội học
và kinh tế học chắc chắn có thể giúp ta hiểu rất nhiều về tình trạng thất nghiệp
trong ánh sáng của những sự thay đổi lớn lao về công nghệ – là điều đang dẫn tới
những thay đổi về điều kiện làm việc trong thời hiện đại của chúng ta.
Trong công cuộc tìm kiếm những giải pháp, chúng ta phải luôn
luôn nhớ rằng con người là yếu tố thứ nhất mà chúng ta phải quan tâm. Sự đóng
góp của con người là – và mãi mãi vẫn là – yếu tố cốt lõi cho sự tiến bộ đích
thực. Không có một máy móc nào – dù tinh vi tới đâu đi nữa – có thể thay thế
cho trí tuệ của con người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 26-01
Thánh Timôthêô và Titô Giám mục
2Tm 1,1-8; Lc 10,1-9.
LỜI SUY NIỆM: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa
gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên
con đi vào giữa bầy sói.”
Đối với Chúa Giêsu lúc nào lúa cũng chin đầy đồng, lúc nào cũng
thiếu thợ gặt, và Người đang mời gọi tất cả chúng ta phải cầu xin Chúa Cha, để
Ngài sai thợ ra gặt lúa về. Đồng thời Người cũng mời gọi tất cả mỗi người trong
chúng ta phải luôn sẵn sàng, học hỏi và trau dồi đạo đức thánh thiện để lên đường.
“Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc giáo lý và đời sống, lý tưởng
và thực tế phải thực sự đi đôi với nhau. (Truyền Giáo Học 1 của Felipe Gómez
SJ, cuối trang 41).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa biết hết mọi sự, Chúa đã lo
liệu hết mọi sự cho chúng con với quyền năng yêu thương của Chúa, và Chúa luôn
hiện diện và đồng hành với chúng con trên mọi nẽo đường truyền giáo, để đem Tin
Mừng đến cho mọi người. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con được đạo đức,
thánh thiện, hiểu biết và khiêm nhường với nhiệt tình, để đáp lại lời mời gọi của
Chúa.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 26-01: Thánh TIMÔTÊÔ Và TITÔ GIÁM MỤC
Thánh TIMÔTÊÔ (thế kỷ I)
Là con của người cha Hilạp và người mẹ Do thái, thánh TIMÔTÊÔ đã
được theo đạo vào năm 47 khi thánh Phaolô giảng đạo tại Lystra miền tiểu Á
trong cuộc bách hại dữ dội khiến thánh Phaolô bị mém đá đến gần chết (Cv
14,6-19) Trong cuộc viếng thăm lần thứ hai vào năm 50 thánh Phaolô đã chọn Ngài
như người bạn đồng hành thay thế cho Marcô (Cv 13,13.15,38) và cùng với Silas
lo việc truyền giáo tại Trung Á (Cv 16,1).
Như thế, Timotêô đã chứng kiến việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên
cho Âu châu. Từ đó Ngài thường được sách Công vụ các sứ đồ và các thánh thư nhắc
đến như một trong các "tông đồ" hay thừa phái thánh Phaolô giữ lại hoặc
sai đi quan sát các cộng đoàn Kitô hữu đã được thiết lập. Khoảng năm 51 Ngài
cũng ký tên với thánh Phaolô trong các thư gửi tín hữu Thessalonica và chính
Ngài đã từ Côrintô mang thư đến cho cộng đoàn mới trở lại đạo.
Năm 57 Ngài trở lại để mang thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô
và năm sau, Ngài lại cùng với thánh Phaolô gửi thư chào Giáo hội Rôma. Cuối
cùng khi Phaolô bị điệu về Roma, Timoteo vẫn còn ở bên cạnh Ngài, ký tên vào
các thư gửi đi vào khoảng năm 62 cho dân Philêmon, dân Côlosê và Philippe (Ph
2,20)
Năm 65 hình như Phaolô được thả và có dịp thi hành dự định rao
giảng Tin Mừng ở thế giới tây phương. Vắng mặt ở miền Đông. Thánh Phaolô vãn
liên kết với các cộng đoàn Kitô hữu, dầu không lên kết với một cộng đoàn nào với
tư cách giám mục cả. Timotêô thì ước hẹn với Á Châu và đặt địa điểm ở Ephesô. Ở
đây Ngài nhận được hai lá thư của Phaolô, một lá thư từ Macêdonia khoảng năm 65
và lá thứ khác khoảng hai nămsau gửi từ Roma, là nơi Phaolô bị giam lần thứ
hai.
Chính nhờ những lá thư này mà chúng ta biết được nhiều về
Timotêô. Chúng thường đề cập đến nguy hiểm mà các Giáo hội ở Á châu phải đương
đầu, nhưng chúng cũng đưa ra ánh sáng tính khí mà con người Phaolô đã để lại chống
đỡ với nguy hiểm. Rõ ràng là có tính nhút nhát, e dè, nhưng Ngài cũng đủ nhiệt
tâm trong công việc, đến nỗi cần được nhắc nhở phải quan tâm tới sức khỏe của
mình. Ngài cũng biết rõ những đau khổ phải chịu để bảo vệ đức tin (2Tm 3,12) và
những lời khuyên thánh Phaolô lặp lại không được gợi lên, bởi rằng Timotêô yếu
đuối, nhưng đúng hơn vì biết rằng ngày cùng của mình đã gần, và rồi những người
trợ giúp mình sẽ phải kề vai vác lấy gánh nặng một mình. Cuối cùng Phaolô chỉ
còn biết nhắc đến ước nguyện của mình là Timotêô hãy giữ "đạo lý", đức
hạnh, dự định, lòng tin, đại lượng, mến yêu, kiên nhẫn" (Tm 3,10) như Ngài
đã học được. Phaolô gọi Timotêô đến an ủi mình trong những giờ phút cuối cùng,
lời gọi chứng tỏ hùng hồn rằng Timotêô là con rất thân yêu của thánh Phaolô.
Tân ước còn có một ghi chú nữa về Timotêô trong thư Philip.13,23
trong đó có ghi nhận rằng: Phaolô được thả ra khỏi cảnh tù tội lần 2 khoảng năm
67 và tác giả muốn có Timotêô tháp tùng về Giêrusalem.
Một truyền thống cho rằng thánh Timotêô đã ở lại Ephêsô cho tới
hết đời. Sách "Công vụ thánh Timotêô" thế kỷ IV mô tả cái chết của
Ngài như là bị ném đá và bị đánh đập cho đến chết, nhưng tài liệu quá ít nên
không rõ được rằng điều đó có đúng nguồn hay không.
Constantinople cho rằng: mình giữ được các di tích của thánh
nhân và lễ kinh nhớ Ngài được cử hành này 26 tháng giêng, tiếp liền ngày kính
nhớ thầy mình.
************
Thánh TITÔ (thế kỷ I)
Sinh ra là lương dân, thánh Titô đã được thánh Phaolô cải hóa và
được gọi là "người con chân thành của tôi trong sự thông hiệp với đức
tin". Titô nhận được những sứ mệnh khó khăn. Ngài được thánh tông đồ gửi tới
dân Côrintô để tổ chức giáo đoàn và thu tiền quyên cúng ủng hộ Giáo hội ở
Gierusalem.
Thánh Phaolô trong một bức thư đã bộc lộ lòng yêu quý sâu xa đối
với người bạn đời của mình: "Tâm trí tôi không thảnh thơi chút nào vì xa
cách bạn Titô đi Côrintô một lần nữa để sửa chữa những bất hoà và thánh Titô đã
mang lại cho Ngài những tin tức tốt đẹp hơn.
Thánh Titô lãnh trách nhiệm tổ chức giáo đoàn ở đảo Crêta. Ơ đó
Ngài nhận thư mang danh mình, thánh tông đồ truyền: "Hãy nói với các vị
cao niên phải tiết độ đàng hoàng điềm đạm, lành mạnh về đức tin, đức mến và
kiên nhẫn... hạng thiếu niên cũng vậy, hãy truyền dạy họ phải biết ở điềm đạm.
Trong mọi sự anh em hãy tỏ ra là gương mẫu về đức hạnh, tinh toàn và đoan trang
trong giáo huấn (Tt 2,2-10).
Thánh Titô qua đời khoảng năm 105.
(daminhvn.net)
26 Tháng Giêng
Quốc
Khánh Của Australia
Hôm nay 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên
lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù
nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.
Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua
một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà
tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này,
thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia
chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được
lhai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi
mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù
tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập quốc của nước Australiacó thể giúp chúng ta hiểu
được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh
Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi
đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta
thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu
của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một
khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người
con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm
biến cố trở lại ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtêmang hai dòng máu Hy Lạp và
Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng
rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những
dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục
vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và
bác ái cao độ.
Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân
ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo
vật.
Oân lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này,
chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu,
cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có
thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không
được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện
qua cuộc sống của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét