Trang

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

04-02-2015 : THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

04/02/2015
Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 12, 4-7, 11-15
"Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu, và anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: "Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con".
Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Đường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.
Anh em hãy sống hoà thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không được nhìn thấy Thiên Chúa. Anh em hãy coi chừng, đừng để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc.  Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 102, 1-2. 13-14. 17-18a
Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người  (c. 17).
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.
2) Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng tôi, Người nhớ rằng tro bụi là tụi chúng tôi! - Đáp.
3) Nhưng lòng yêu thương của  Chúa vẫn còn tồn tại, từ thuở này đến thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người. - Đáp.
ALLELUIA:  Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6
"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM : Cuộc sống âm thầm
Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 12:4-7, 11-15; Mk 6:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải coi trọng những người trong gia tộc.
Con người hay bị chi phối bởi thành kiến: chủng tộc, giai cấp, nghề nghiệp, xóm làng, gia đình … Những thành kiến này ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của một người với người khác. Để có thái độ khách quan, con người cần phải vượt qua những bức tường thành kiến này mới có thể nhìn thấy những cái hay của những người trong gia đình, cộng đoàn, hay cùng quê hương xứ sở.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ, nhưng để giúp đức tin của con người ngày càng vững mạnh hơn, để họ có thể đương đầu với những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và quê hương.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dạy dỗ và sửa phạt vì lo lắng cho tương lai của con.
1.1/ Hai kiểu mẫu giáo dục: Người tị nạn Việt-Nam chắc chắn đã nhiều lần bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu giáo dục con:
(1) Kiểu giáo dục Âu-Mỹ: Không được dùng bạo lực với con nít như: mắng chửi, đe dọa, và đánh đòn. Phải dùng những cách để trẻ con nhận ra lỗi lầm của nó như đứng ra một nơi riêng và tạm thời không cho tham gia vào những sinh họat chung. Phải chăng những cách thức này hiệu quả cho tất cả mọi trẻ?
(2) Kiểu giáo dục Kinh Thánh và Việt-Nam: Tác-giả Thư Do-Thái khuyên: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Động từ Hy-Lạp dùng ở đọan này là “mastigo,w =đánh đòn; kỷ luật; trừng phạt.” Một người có thể cho cả 3 nghĩa đều thích hợp ở đây. Nhưng trong các Sách Khôn Ngoan và Sách Tiên Tri, các hình phạt của Thiên Chúa dành cho những người không tuân theo lệnh của Ngài, không phải chỉ đơn thuần là các cách thức giúp con người nhận ra lầm lỗi; nhiều lần các tác giả đã nói đến cây roi (Pro 10:13, 13:24, Isa 9:4), đổ máu, và ngay cả cái chết. Truyền thống Việt-Nam cũng theo truyền thống Kinh-Thánh khi nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.”
Người cha vô trách nhiệm là người cha không huấn luyện và sửa dạy con mình, và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Một đứa trẻ vô kỷ luật sẽ không thể thành công trên đường đời. Tương tự, cái đau khổ nhất của con người là khi Thiên Chúa để mặc họ muốn làm gì thì làm. Một khi Thiên Chúa để mặc, ma quỉ sẽ vào và thao túng người đó; họ sẽ trở thành nô lệ cho ma quỉ.
1.2/ Tâm lý của người bị sửa dạy: Đa số con người đều không muốn cho ai nói động đến, sửa dạy, và sửa phạt mình. Tác giả Thư Do-Thái cũng nói lên điều này: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” Mục đích của việc sửa dạy là nhắm tới lợi ích tương lai của đương sự. Chẳng hạn, khẩu hiệu huấn luyện các binh lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tương tự trong việc huấn luyện đức tin: “Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Để con người có thể vượt qua mọi đau khổ của cuộc đời, đức tin con người cần được thử luyện như vàng thử lửa.
Hơn nữa, việc sửa dạy không phải chỉ nhắm tới cá nhân đương sự mà thôi, nhưng còn nhắm tới lợi ích của cộng đoàn, và những người đương sự sẽ có trách nhiệm nữa: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.
2.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách quan họ đã phải thốt lên: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hòan cảnh xã hội.
2.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các Tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-Nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã làm.
2.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.
- Thành kiến làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo tòan sự công bằng, chúng ta cần lọai bỏ thành kiến và chú trọng tới những gì người khác làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này với những người trong gia đình và cộng đoàn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

04/02/15 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,1-6

Suy niệm: Vậy là cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”. Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn (các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng, người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ may.
Mời Bạn: Nhớ đến câu ngạn ngữ Anh: “Sự quen thuộc sinh ra lòng khinh thường”. Các bí tích, nghi thức trong đời sống đạo, vợ chồng, bạn hữu, họ hàng, hội viên đoàn thể… trong đời thường, có thể quá quen thuộc với bạn, khiến bạn coi thường, và vì thế, nhiều khi bạn không nhận ra đúng giá trị của những điều, những con người quen thuộc ấy.
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức tính nổi bật của những người sống quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.      
(Rabbouni)

Quê quán của Người 
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống...



Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG HAI
Đứng Về Phía Sự Sống
Trong cái nhìn Kitô giáo, con người – hình ảnh của Thiên Chúa – là sự diễn tả tột đỉnh của sự sống trong vũ trụ. Đích điểm của con người là Thiên Chúa; và đích điểm của vũ trụ là con người. Đấng Tạo Hóa đã thiết lập các định luật vận hành vũ trụ tự nhiên; cũng vậy, Ngài đã ghi tạc vào trong bản tính con người những chuẩn mực phổ quát của hành vi ứng xử. Những chuẩn mực này không lụy thuộc vào sự tùy tiện giải thích chủ quan. Chúng không phải là con phỗng để ai muốn kéo sao thì kéo.
Vâng, có những giá trị và những quyền rất căn bản gắn kết không rời với phẩm giá con người và với định mệnh vĩnh cửu của mỗi cá nhân. Trên tất cả chính là quyền sống – một quyền phải được bảo vệ trong suốt cuộc hiện sinh của mỗi con người. Thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, quyền sống của con người đang bị đe dọa từ khi mới còn trong trứng nước cho đến tận giây phút cuối cùng. Bằng cách tôn trọng những chuẩn mực phổ quát liên quan đến phẩm giá con người, chúng ta chứng tỏ mình đang cộng tác với sự sống. Nếu chẳng vậy, chúng ta sẽ trở thành những tác nhân của sự chết.
Hãy đứng về phía sự sống!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04-02
Dt 12,4-7.11-15; Mc 6,1-6.

LỜI SUY NIỆMĐức Giêsu ra khỏi đó và đến quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong các hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”
Chúa Giêsu đã không câu nệ địa vị Thiên Chúa, khi xuống thế làm người, làm con của bác thợ mộc ở làng Na-da-rét, Người ẩn giấu Bản Tính Thiên Chúa, để sống với dân làng. Nên khi Người công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời, mọi người không thể hiểu thấu nên đã lấy làm lạ. Lạ vì Người quá khôn ngoan, lạ vì Người quá quyền phép.
Lạy Chúa Giêsu, trên trần gian này không một ai tự mình có thể biết Chúa, nếu không được Chúa thương ban cho. Chúng con đã được Chúa ban cho ơn đức tin. Tin Chúa là Thiên Chúa là Đấng cứu Độ chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con ham học hỏi về Chúa để Đức tin càng ngày càng thêm vững mạnh.
Mạnh Phương


04 Tháng Hai
Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời
Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào.
Nhưng bà tâm sự tiếp: mộ ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.
Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel. Lạy Cha chúng con ở trên trời...".
Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả lòng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi:
- Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất?
- Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa:
- Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong.
- Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:
- Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con... Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:
- À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị.
Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét