07/02/2015
Thứ Bảy
sau Chúa Nhật 4 Quanh Năm
Bài Ðọc I (Năm I): Dt 13, 15-17, 20-21
"Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng
nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhờ Ðức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn
luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi
ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế,
vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các
vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người
sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì
điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra
khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là
Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng
đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng,
nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng
cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn
tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sỡ dĩ vì uy
danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn,
vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. -
Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối
phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời
sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng
Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người
mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con
hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp
nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền,
chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ
các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra
khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ
như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dung mạo Chúa Giêsu
Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời
năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8
tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm
1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác
vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn
đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn
chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống
hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể
cho được". Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một
đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các
phép lạ".
Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của
Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin
Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là
một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu
thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ
như một phù thủy múa may cây đũa thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm
phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của
tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa
thân làm người và sống thiết thân với con người.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo
của Chúa Giêsu trong câu nói: "Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh
lòng thương". Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con
người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng
nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử
con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm
thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp
thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô,
chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng
Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong
ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người
bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã
đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người.
Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại.
Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được
rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được
mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
Tin mừng của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta không ngừng được mời gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống
của Ngài và sống theo lý tưởng của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố
trong niềm xác tín rằng Ngài đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng
phút từng giây cuộc sống.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy
Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
13:15-17, 20-21; Mk 6:30-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ
giữa mục-tử và đoàn chiên
Trong cuộc đời không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con
người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một
em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự
thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một
mình. Về phương diện tri thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà
trường, để giúp em thâu thập những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận,
và làm việc với mọi người. Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận
ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt
mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhấn
mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau, và đoàn chiên phải vâng lời vị
mục tử. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải biết quí trọng sự
yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên Chúa, chính Ngài đã không
thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài vất vả “như chiên không người
chăn dắt.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cùng giúp đỡ nhau để thi hành thánh ý Chúa.
1.1/ Bổn phận tương thân, tương trợ: Mục đích của tôn giáo
là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều này, con người phải thực hiện
2 điều:
(1) Thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ
Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa,
tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu
nguyện cá nhân và thờ phượng cộng đồng.
(2) Giúp cho mọi người có cơ hội đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ
quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ
như thế.” Trong cấu trúc của Giáo Hội, những người lãnh đạo tinh thần tại địa
phương như các giám-mục, linh-mục, là những người có trách nhiệm trực tiếp lo
cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả khuyên các tín hữu hãy vâng lời những
người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em
và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả
lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không
than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” Ngòai việc vâng lời, các tín
hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự biết ơn bằng cách cầu nguyện và
săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe và thời gian để phục vụ đoàn
chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.
1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên Chúa: Đây là
mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi lòai Thiên Chúa dựng
nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên Chúa cho con người?
Tác-giả Thư Do-Thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được chung hưởng hạnh phúc với
Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng là vì lợi ích cho con người;
vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con người.
(1) Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của
Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái
chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa
Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của
đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.”
(2) Chúng ta cũng phải trung thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu
Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại
để cho máu cực thánh của Ngài trở nên vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu
xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi
hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức
Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
2/ Phúc Âm: Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
2.1/ Người tông-đồ cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi
dưỡng: Các Tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm thấy mừng vui khi
nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng hoan nghênh nhiệt
liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc ăn uống, ngủ
nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Tuy
nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng
ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do cho lời khuyên
khôn ngoan này:
- Thân xác con người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc
mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải,
và làm việc sẽ không có hiệu năng.
- Họat động tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện:
Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh
tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2
cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
2.2/ Con người khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã
cùng với các Tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ
ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông
đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn
trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử
tinh thần cần chỉ cho đoàn chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của
cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút
vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế gian.
(2) Chiên không người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng:
Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức
ăn tinh thần như Lời Chúa, các Bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với
Thiên Chúa.
(3) Chiên không người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử
tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đoàn chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và
cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại
thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên đòi hai chiều: Mục-tử cần
yêu thương và lo lắng cho đoàn chiên; trong khi đoàn chiên cần vâng lời và giúp
đỡ mục tử chu tòan nhiệm vụ.
- Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa sao cho mọi
người dều đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.
- Các họat động tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu
nguyện. Một đời họat động tông đồ không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi
vào chán chường, thất vọng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
07/02/15 THỨ BẢY TUẦN 4
TN
Mc 6, 30-34
Mc 6, 30-34
Suy niệm: Cơ
thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi,
thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những
người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư
giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô
nghĩa. Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp
điệu nền tảng:ở với Chúa va được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại
cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập
truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì
trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.
Mời Bạn: Dầu
bạn là ai, đang ở trong bậc sống nào, về lại bên Chúa là nhịp điệu cần thiết để duyệt xét lại đời
sống, quy chiếu mọi hoạt động đời mình về Chúa, cả những thành công và thất
bại, để có định hướng mới tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc phụng thờ Chúa. Về lại bên Chúa cũng là lúc bạn được Chúa cho nghỉ ngơi, bồi
dưỡng tâm hồn bằng ân sủng của Ngài.
Sống Lời Chúa: Cuối
một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời
gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian
sắp đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn,
thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước
tiếp hành trình sứ mạng.
Đến một nơi thanh vắng
Không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình
khỏi công việc... Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt
đời.
Suy niệm:
Các môn đệ trở về gặp lại
Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ
đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung
quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe
tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã
có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học,
nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng
mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.
Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy
nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn
uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà
nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối
quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được
nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám
đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh
tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên
Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công
việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời
gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy
ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm
mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất
bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải
chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua
những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị
cho những khó khăn sắp đến.
Lời mời của Thầy Giêsu vẫn
đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội
vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì
đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi
hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều
dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của
những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất
chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.
Tuy nhiên, không dễ tìm được
nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến
được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng
nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ
vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn
tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những
phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công
ngàn việc,
xin cho
con quý chuộng những lúc
được an
nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị
xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho
con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe
lời Người.
Khi bị
kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên
cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con
người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
7 THÁNG HAI
Tài Năng Của Người Nghệ Sĩ
Sau khi dẫn con cái It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê
hoạch định chuyện dựng lều thánh – tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân
It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy nhiệm công việc đó cho những người đầy “thần
khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh các nghệ nhân, Đức Chúa ban cho họ ơn khôn
ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ cần để họ có khả năng vạch dự án và triển
khai công việc dựng lều thánh (Xh 35, 30 – 35; 36, 1).
Như chúng ta có thể thấy trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất
Hành, cái mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc
rất rạng rỡ thuở xưa. Tận đáy lòng tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ
sĩ rằng các bạn phải ý thức rằng tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do
Thiên Chúa ban tặng. Người nghệ sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân
trung thành theo tiếng gọi mà mình đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể
tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng
tự nhiên thành hoa trái thiêng liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình
nghệ thuật tôn giáo và phụng vụ.
Trong ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu những đường nét trác
tuyệt của các thánh đường thời Trung Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin,
chúng ta không thể cảm nhận đầy đủ cái tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ,
như các công trình của Giotto, Fra Angelico, Michelangelo, những vần thơ của
Dante, những áng văn của Manzoni, những khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina,
vv…
Đành rằng tài năng của một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác
phẩm kiệt xuất không dính dáng gì đến niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên
cạnh tài năng tự nhiên, người nghệ sĩ có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến
của mình, thì với tác phẩm của mình, họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao
cho người ta. Tác phẩm của họ sẽ chuyển tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô
giáo.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 07-02
Dt 13,15-17.20-21; Mc 6,30-34.
LỜI SUY NIỆM: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu; và kể lại cho Người
biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông:
Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Sau những thành quả của các Tông Đồ. Chúa Giêsu muốn các ông tìm
nơi thanh vắng, để nghỉ ngơi. Chính nơi thanh vắng, tâm hồn các ông sẽ lắng đọng
để nhận ra chính mình; các ông sẽ nhìn thấy được bởi đâu các ông đã được thành
quả trong lời giảng dạy cũng như trong công việc mình đã làm. Điều này giúp cho
các ông nhận ra tất cả là ơn ban bởi Chúa Cha; để sau này các ông biết gặp gỡ với
Chúa Cha trước và sau mỗi công việc của mình
Lạy Chúa Giêsu, Qua mọi thành quả trong cuộc sống của chúng con
đều do bởi ân sủng của Chúa ban cho. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con luôn biết tạ ơn, và tiếp tục bổn phận với trách nhiệm của mình.
Mạnh Phương
07 Tháng Hai
Một
Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ
và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả
báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra,
đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và
ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc
được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người,
ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không
biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ
lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức
hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn
vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà
thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của
ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư
trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải
thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất
cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ
nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là
niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh
nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống
để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người
chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới
sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những
Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ
đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để
đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm
tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy
mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã
nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có
chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ
được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc
tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí
và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc
phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường
và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không
dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của
những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được.
Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như
thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện
minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ
cho Nước Trời.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét