Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

22-02-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA CHAY năm B

22/02/2015
Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
Chủ đề:
SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
ĐỂ ĐƯỢC CỨU
Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
(Mc 1,15)
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để các Kitô hữu chú tâm kiểm điểm đời sống và sám hối, thể hiện qua việc cầu nguyện, ăn chay, và bố thí. Đó là ba tập tục đạo đức truyền thống tạo nên thế “chân kiềng” vững chắc giúp cho người tín hữu sống các chiều kích của đời sống Kitô giáo trong sinh hoạt thường nhật, nhưng đặc biệt được nhấn mạnh trong Mùa Chay Thánh này.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (St 9,8-15)
Bài đọc I hôm nay nằm ở phần kết thúc của trình thuật về Hồng Thủy trong St 6,9‒9,17. Trình thuật này làm nổi bật các chiều kích về nguồn gốc và hậu quả của tội, sự thanh luyện và cứu thoát của Thiên Chúa đối với những ai sống công chính và tuân giữ lời Người, nhưng đặc biệt nhấn mạnh hai khía cạnh sau:
- Hồng Thủy thay đổi hoàn toàn công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là một cuộc “phá bỏ tạo dựng” hay “kháng tạo”.
- Từ Hồng Thủy nảy sinh một thế giới mới, một “tân-tạo dựng”.
Trình thuật này đã quy chiếu về trình thuật tạo dựng trong St 1, theo đó thế giới được tạo dựng từ hỗn mang trống rỗng (St 1,2). Ngược lại, Hồng Thủy là một cuộc quay trở lại với tình trạng hỗn mang của nước lúc ban đầu. Tuy nhiên, khi Hồng Thủy kết thúc lại mở ra khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới: sau Hồng Thủy, Thiên Chúa tái lập trật tự vũ hoàn vào đúng quỹ đạo của chương trình tạo dựng ban đầu.
Bài đọc hôm nay loan báo một khởi đầu mới sau Hồng Thủy, một kỷ nguyên mới cho nhân loại qua giao ước của Thiên Chúa với ông Nôê và các con của ông, với lời chúc lành đã được nêu ở đoạn trước bằng công thức: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều”, “cho đầy mặt đất”, và “chúng được trao vào tay các ngươi” (St 9,1-7; x. 1,28). Điều này bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ che chở mọi xác phàm và sinh vật còn sống sót trên đất (St 9,11) và ban cho nhân loại mới có đủ năng lực để sinh sôi nảy nở và phát triển và giao cho con người quyền quản trị muôn loài thụ tạo khác, tương tự như trong cuộc tạo dựng lần thứ nhất.
Giao ước trong St 9,8-15 bảo đảm cho sự vững bền của thế giới trong tương lai. Thiên Chúa hứa “Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước Hồng Thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có Hồng Thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,11). Giao ước này vô điều kiện, và được Thiên Chúa thiết lập với ông Nôê cùng con cái ông và mở ra với toàn trái đất. Nói đúng hơn, đó là giao ước củaThiên Chúa với nhân loại.
Trên phương diện thần học, Hồng Thủy cho thấy một mặt, Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ và muốn cứu thoát những ai sống công chính và tuân theo lệnh Người; mặt khác hành động của ông Nôê đáp trả cách cụ thể ý muốn của Thiên Chúa cũng có vai trò quyết định. Bản văn cho biết Thiên Chúa truyền lệnh và ông Nôê thi hành tất cả. Điều này làm cho ông Nôê trở thành một mẫu gương nổi bật về sự tin tưởng và tuân phục Thiên Chúa. Nhờ đó, ông được cứu, và qua ông, nhân loại cũng được cứu. Sự tuân phục của ông dẫn đến cuộc tái tạo, thay thế cho sự đổ vỡ do bất tuân của con người trước đây. Sự bất tuân của Ađam đã dẫn tới sự hủy diệt hoàn toàn. Ngược lại, nhờ sự tuân phục của ông Nôê và lời chúc lành với giao ước của Thiên Chúa, vũ trụ được tái tạo và một nhân loại mới được sinh ra.
Nếu Ađam đã là ông tổ của nhân loại cũ, nay ông Nôê trở thành ông tổ của nhân loại mới. Khi trình thuật như thế, tác giả mặc nhiên mời gọi nhân loại mới sống được nghĩa với Thiên Chúa bằng cách sống công chính và vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa, giống như ông Nôê.
2. Bài đọc II (1Pr 3,18-22)
Trong Bài đọc II, thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta hai điều cơ bản:
- Chúng ta được cứu thoát nhờ Phép Rửa cũng giống như ông Nôê đã được cứu thoát qua Hồng Thủy. Nếu nhờ Hồng Thủy, nhân loại bước vào một cuộc sáng tạo mới thì qua Phép Rửa, người tín hữu được ban cho một lương tâm ngay thẳng khi được tẩy rửa mọi tội lỗi để bước vào đời sống mới, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã phục sinh về trời và được tôn vinh ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.
- Trong sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, Phép Rửa cũng ám chỉ đến cuộc khổ nạn và chịu chết của Người (x. Mc 10,38-39). Tuy nhiên, qua Phép Rửa này, Đức Giêsu được sống lại và tôn vinh. Là người tín hữu, một khi đã chịu Phép Rửa, cách nào đó chúng ta đã muốn cam kết trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, tức là từ bỏ bản thân mình để phục vụ Chúa và người khác cách vô vị lợi như Đức Giêsu đã làm. Nếu được như thế, Phép Rửa sẽ tẩy rửa chúng ta để làm cho chúng ta trở nên thụ tạo mới, được công chính hóa và làm một với Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, chúng ta sẽ được sống lại và tôn vinh giữa các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh trên Thiên Quốc cùng với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
3. Bài Tin Mừng (Mc 1,12-15)
Trong biến cố chịu Phép Rửa ở Mc 1,9-11, Đức Giêsu đã lãnh nhận Thần Khí từ trời và được xác nhận tư cách Con Thiên Chúa. Chính Thần Khí đó đã “đẩy” Người vào hoang địa. Tại đó, Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ để rồi bắt đầu đi công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa như được trình thuật trong bài Tin Mừng Mc 1,12-15 hôm nay. Xét theo bối cảnh và nội dung, đoạn văn này được chia làm hai phần:
1/ Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (1,12-13)
Trong khi Lc và Mt lại trình thuật chi tiết về việc Đức Giêsu vào hoang địa chịu cám dỗ để làm nổi bật Đức Giêsu là hình ảnh đối trưng của ông Môsê và dân Israel trong cuộc xuất hành, thì Tin Mừng Mc trình thuật rất ngắn sự kiện này và làm nổi bật các điểm sau:
- Đức Giêsu là hình ảnh đối trưng của Ađam. Ngày xưa Ađam đã không chiến thắng được cám dỗ, hậu quả là đánh mất sự hài hòa giữa con người với nhau, gây ra sự đối địch với các loài thụ tạo, phải lao nhọc trong cuộc sống và nhất là đánh mất mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Ngày nay Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ, phục hồi tình trạng hài hòa giữa con người với nhau, và với muôn loài kể cả các loài dã thú, đồng thời sống trong sự chở che của Thiên Chúa khi có các thiên sứ đến phục vụ Người. Tất cả các điều đó cho thấy Đức Giêsu là Ađam mới, Đấng biết vâng phục Chúa Cha và làm đẹp lòng Cha mọi đàng.
- Sa mạc một nơi chốn mang tính biểu tượng đã được đề cập ngay trong những câu đầu tiên của Tin Mừng (Mc 1,2-3). Khi nói đến sa mạc, cùng với con số 40 ngày, độc giả liên tưởng ngay đến những kinh nghiệm của Môsê và các ngôn sứ hoặc của chính dân Israel liên quan đến việc chịu thử thách và thanh luyện hay kết hợp với Thiên Chúa trong sa mạc. Đó là nơi dân Israel được thử thách và thanh luyện nhưng cũng là nơi để tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa.
Như thế, bài Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay vừa đề cao sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng đặc biệt làm nổi bật hình ảnh mang tính Kitô học: Đức Giêsu là Đấng làm trọn lời loan báo của Ngôn sứ Isaia về Đấng sẽ đến cứu độ nhân loại vào thời cánh chung. Đấng ấy sẽ khởi đầu sứ vụ công khai của mình dưới tác động của Thần Khí (Mc 1,12) bắt đầu từ sa mạc (Mc 1,12-13a), tại đó Người phải đối đầu với thế lực cản trở là Satan (Mc 1,13a), nhưng cũng là nơi Người sống hài hòa giữa các loài dã thú và có các thiên sứ phục vụ Người (Mc 1,13b). Đó là khung cảnh Địa Đàng. Đó là dấu chỉ của một thời kỳ mới: thời cứu độ của Triều đại Thiên Chúa.
2/ Đức Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng (1,14-15)
Mc 1,14-15 được xem là lời công bố sứ điệp tóm lược và cũng là tuyên ngôn khai mạc sứ vụ công khai của của Đức Giêsu. Sứ điệp tóm lược này bao gồm hai tuyên bố và hai mệnh lệnh song song với nhau.
Trong hai lời tuyên bố, vế thứ nhất “thời kỳ đã mãn” song song với vế thứ hai “Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”. Nói cách khác, “thời kỳ đã mãn” đồng nghĩa với “Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”. Khi công bố “thời kỳ đã mãn” (καιρός), Đức Giêsu khẳng định đây là “thời điểm đã được ấn định” và “mang tính quyết định” để “thực hiện” chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà các ngôn sứ, nhất là Ngôn sứ Isaia, đã loan báo. Đây là thời của “Triều Ðại Thiên Chúa”.
Như thế, Triều đại Thiên Chúa vừa mang chiều kích hiện tại, vừa có chiều kích tương lai. Triều đại Thiên Chúa đã “đi vào trong lịch sử” với “thời điểm quyết định” hiện tại, khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai, nhưng chưa hoàn thành, chưa kết thúc. Triều đại này sẽ hoàn thành cách viên mãn trong ngày quang lâm của Con Người.
Cũng trong sứ điệp tóm lược ở Mc 1,15, có hai mệnh lệnh song song với nhau: “hãy sám hối” và “hãy tin vào Tin Mừng”. Mệnh lệnh “hãy sám hối” khiến người ta “suy nghĩ lại”; “thay đổi nếp nghĩ”, “hối hận”, “hoán cải” hay “quay về” với Thiên Chúa để được ơn tha thứ. Mệnh lệnh “hãy tin vào Tin Mừng” thúc đẩy người ta phải có hành động tín thác và có một cam kết mang tính cá vị, định hướng cuộc sống của người đó hướng về tương lai, đặt cuộc sống của mình vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Hai mệnh lệnh trên không thể tách rời nhau, và được hiểu “Hãy sám hối nghĩa làhãy tin vào Tin Mừng”. Như thế, người “sám hối” chính là người “tin vào Tin Mừng”. Nói cách khác “sám hối” và “tin vào Tin Mừng” là hai mặt của một hành vi duy nhất.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa. Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa hướng chúng ta đến sự sống chứ không phải sự hủy diệt; sự sống ấy được ban tặng cho chúng ta cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô và chúng ta được đón nhận sự sống đó khi chịu Phép Rửa hay không? Chúng ta có ý thức rằng một trong những chủ đích chính của Mùa Chay Thánh là thúc đẩy người ta thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi, thanh luyện bản thân khỏi mọi ích kỷ qua sự từ bỏ mình và tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền ban, để trở nên thụ tạo mới và được chúc lành để không còn bị “tiêu diệt” nữa?
2. Hiện giờ Phép Rửa cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được cứu thoát giống như ông Nôê đã được cứu thoát qua Hồng Thủy. Chúng ta có nhận ra rằng nếu nhờ Hồng Thủy, nhân loại bước vào một cuộc sáng tạo mới thì qua Phép Rửa, người tín hữu trở nên một thụ tạo mới khi được tẩy rửa mọi tội lỗi để bước vào đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô hay không?
3. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nước Thiên Chúa đã khai mở, và có được tham dự vào Nước ấy hay không là tùy thuộc thái độ đáp trả của mỗi người chúng ta qua việc sám hối. Chúng ta có ý thức rằng hành vi sám hối cụ thể nhất đó là canh tân đời sống, quay trở về với Thiên Chúa, nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta và thể hiện niềm tin đó qua một lối sống dựa theo những đòi hỏi của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên Dân Mới của Thiên Chúa cùng với lời mời gọi hoán cải: “sám hối và tin vào Tin Mừng.” Trong niềm tin tưởng vào Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng ma quỉ và sự chết, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:
1. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày và chịu nhiều cám dỗ. Chúng ta cùng cầu xin cho hàng Giáo Phẩm và các vị chủ chăn luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô để được gia tăng sức mạnh, hầu vượt qua những khó khăn thử thách trong khi thi hành sứ vụ.
2. “Thời giờ đã mãn, và Nước Chúa đã gần đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết tích cực sống tinh thần Mùa Chay qua đời sống cầu nguyện, hãm mình, và làm việc bác ái, hầu loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho con người thời đại hôm nay.
3. Thánh Phaolô khẳng định: “Hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em.” Chúng ta cùng cầu xin cho tất cả anh chị em dự tòng sẽ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy trong Đêm Vọng Phục Sinh, được thêm niềm xác tín và hân hoan chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy.
4. “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn tỉnh thức trước cơn cám dỗ theo lối sống dửng dưng của thời đại và không ngừng canh tân đời sống với tinh thần yêu thương phục vụ của Tin Mừng.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Một Chúa đã nêu gương và mời gọi chúng con tiến bước trên con đường hoàn thiện. Xin thương nhận lời chúng con cầu khẩn, cùng giúp chúng con biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể chiến thắng bản thân, vượt qua mọi cám dỗ, hầu giữ trọn lời cam kết của Bí tích Rửa tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY. B
CHỦ ĐỀ :
CHỈ VÌ THƯƠNG NÊN THIÊN CHÚA
ĐƠN PHƯƠNG BAN ƠN CHO LOÀI NGƯỜI
Sợi chỉ đỏ
- Bài đọc I (St 9,8-15) : Thời Nôê, loài người sa đọa đến nỗi phải bị nạn hồng thuỷ huỷ diệt. Nhưng vì thương nên Thiên Chúa đã cứu sống gia đình Nôê và sau đó còn đơn phương ký giao ước với loài người là họ sẽ không bao giờ gặp tai họa tương tự như thế nữa.
- Bài đọc II (1 Pr 3,18-22) : Cơn hồng thuỷ là hình ảnh của Phép Rửa.
- Bài Tin Mừng (Mc 1,12-15) : Trước ơn Chúa, con người hãy "sám hối và tin vào Tin Mừng" để có thể đón nhận.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Mùa Chay là "lúc thuận tiện" để lãnh nhận ơn Chúa, là "thời cứu độ". Nhưng để có thể lãnh nhận ơn Chúa, chúng ta phải "sám hối và tin vào Tin Mừng".
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và xin Ngài giúp chúng ta thực hiện lời Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta cứ sa đi ngã lại mãi trong tội. Phải chăng vì chúng ta chưa thực lòng sám hối ?
- Chúng ta có biết rằng phạm tội là để mình bị trói buộc trong xiềng xích của Satan không ?
- Chúng ta có ý thức rằng phạm tội là phụ bạc với tình yêu của Đức Giêsu, Đấng đã chịu chết vì tội chúng ta không ?
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : St 9,8-15
Sau cơn hồng thuỷ (theo St 7,12 thì kéo dài 40 ngày), Thiên Chúa lập giao ước với Nôê.
- Nội dung giao ước : sẽ không còn xảy ra một tai họa nào tương tự như thế nữa cho loài người.
- Kẻ được hưởng giao ước : "mọi xác phàm", tức tất cả các sinh vật.
- Điều kiện : đây là một giao ước đơn phương. Chỉ một mình Thiên Chúa cam kết với loài người ; loài người không bị buộc điều gì cả.
- Dấu chỉ giao ước này : cầu vòng trên trời.
2. Đáp ca : Tv 24
Tv 24 là lời cầu nguyện của một người công chính : ông bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa ; ông xin Chúa cho biết đường lối của Ngài.
Tv này áp dụng rất đúng cho Nôê : Ông là người công chính được Chúa cứu khỏi nạn hồng thuỷ và dẫn đưa ông tới một thế giới mới.
Tv này cũng có thể dùng làm lời cầu nguyện cho các tín hữu bước vào Mùa Chay : cũng như Nôê, họ bước vào thời gian thử thách 40 ngày ; nếu họ theo đường lối Chúa thì họ sẽ tới được một thế giới mới và lập giao ước mới với Chúa.
3. Tin Mừng : Mc 1,12-15
Đoạn Tin Mừng này có 2 ý lớn :
a/ Đức Giêsu ăn chay : Ngài ăn chay 40 ngày (như thời gian xảy ra cơn lụt). Trong thời gian đó Ngài tìm hiểu đường lối Thiên Chúa (như Tv 24), và sau đó Ngài bắt đầu sứ vụ công khai.
b/ Đức Giêsu loan báo Tin Mừng : "Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng".
4. Bài đọc II : 1 Pr 3,18-22
Thánh Phêrô nhắc lại chuyện Hồng thuỷ xưa và coi đó là hình bóng của phép rửa tội : Ngày xưa Thiên Chúa nhân từ đã cứu sống Nôê và gia đình ; ngày nay phép rửa cũng cứu thoát con người như vậy nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Quà và ơn
Sứ điệp thứ nhất mà Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay gởi đến chúng ta là : Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta.
Người ta thường tặng quà vào những dịp nào ? Những dịp tặng quà là Tết, đám cưới, sinh nhật v.v. Thường thì ai tặng quà cho ai ? Người tặng quà thường là người có liên hệ tình nghĩa thế nào đó với người được tặng, chẳng hạn cấp dưới đối với cấp trên, học trò đối với thầy cô, người chịu ơn đền đáp cho người thi ơn. Vì thế có thể nói "quà" thường là thứ "có qua có lại".
Khi "có qua" mà không "có lại" thì gọi là "ơn" (Tiếng hy lạp Charis luôn bao hàm tính cách miễn phí). Các bài đọc hôm nay kể đến 2 ơn mà Thiên Chúa ban cho loài người :
- Ơn ban sự sống (xem phần giải thích bài đọc I) : vì loài người tội lỗi nên bị phạt phải chịu nạn hồng thuỷ. Nhưng Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Nôe. Sau khi cơn hồng thuỷ kết thúc, Thiên Chúa lập giao ước rằng từ nay sẽ không bao giờ Ngài cho xảy ra một đại họa như thế nữa. Đây là một giao ước đơn phương : Thiên Chúa không buộc loài người làm gì cả, chỉ một mình Ngài hứa và cam kết giữ lời hứa ấy. Sau này loài người lại tiếp tục phạm tội nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với lới cam kết đơn phương ấy.
- Ơn ban sự sống mới qua bí tích Rửa tội (Xem phần giải thích Bài đọc 2) : chúng ta đâu có công gì để được ơn này, nhưng Thiên Chúa đã ban chỉ vì yêu thương chúng ta.
Khi nhận quà thì ta mừng, khi nhận ơn thì ta cảm động. Vậy, Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, chúng ta có mừng không ? Và còn hơn quà nữa, Thiên Chúa luôn ban ơn cho chúng ta, chúng ta có cảm động không ?
* 2. Ý nghĩa Mùa Chay
a/ Một thời gian cầu nguyện : Ngày xưa, Môsê đã ở trên núi Sinai 40 ngày, ngôn sứ Êlia cũng ở trên núi Horép 40 ngày. Trong thời gian đó, các ngài đã cầu nguyện và đã gặp được Thiên Chúa. Trong thời gian 40 ngày Mùa Chay, việc đầu tiên chúng ta phải để ý làm là cầu nguyện như các ngài.
b/ Một thời gian chiến đấu : Ngày xưa ông Nôê ở trong tàu 40 ngày chiến đấu với phong ba bão táp của cơn hồng thuỷ ; Đức Giêsu sống trong sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan. Noi gương các Ngài, chúng ta cũng hãy chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ trong Mùa Chay này.
c/ Một thời gian sám hối và đón nhận Tin Mừng : Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mời gọi "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Sám hối là từ bỏ con đường sai lạc cũ để quay về con đường chính. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng quan tâm hơn đến việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.
* 3. Chiếc cầu vồng
Hình ảnh chiếc cầu vồng của bài đọc I vừa đẹp vừa gợi rất nhiều ý cho chúng ta suy gẫm trong Mùa Chay :
- Chiếc cầu vồng là một đường cong bắt đầu từ đất, vươn lên trời cao, rồi lại trở xuống mặt đất. Chính vì thế mà Thiên Chúa dùng nó làm dấu chỉ giao ước giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa với loài người.
- Sau cơn mưa, trời lại sáng và chiếc cầu vồng xuất hiện rực rỡ. Như thế, chiếc cầu vồng còn là dấu chỉ giao ước được tái lập, trở lại tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu.
- Cầu vồng mang 7 sắc rất đẹp. Nó còn là dấu chỉ tương giao tốt đẹp giữa Thiên Chúa với con người.
Phải chăng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng rất tốt đẹp hồi thuở ban đầu, nhưng rồi do tội lỗi, chúng ta như rơi vào cơn bão lụt. Nhưng Thiên Chúa muốn cứu thoát chúng ta. Ngài kêu mời chúng ta tái lập liên hệ thân thương với Ngài trong Mùa Chay này, để rồi tình nghĩa giữa chúng ta với Ngài lại tươi đẹp như trước ?
* 4. Thiên đàng đánh mất và thiên đàng gặp lại
Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào sa mạc.
Trong phòng triển lãm tưởng tượng của chúng ta hôm nay, có bày bức tranh tứ bình, gồm hai cặp tranh đôi một đối xứng. Hai bức đầu, một bên vẽ cảnh sa mạc hoang vắng, Chúa đang bị Satan thử thách. Một bên vẽ cảnh bình yên thanh thản. Chúa đang ngồi giữa bầy dã thú đã trở nên hiền như chiên cừu. Hai bức sau, bên phải vẽ cảnh vườn địa đàng tươi đẹp. Ađam Eva trẻ trung đầy sức sống vui hưởng những ngày hạnh phúc giữa một thiên nhiên hài hòa hoa thơm quả ngọt. Bên trái, vẫn là Ađam, Eva, nhưng khuôn mặt hốc hác, trán nhăn nheo ướt đẫm mồ hôi, dáng hao gầy mòn mỏi vì mệt nhọc và già yếu, giữa một thiên nhiên khô cằn gai góc.
Đó là thân phận con người sau khi sa ngã. Con người không còn thể sống hài hòa với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình.
Nhưng Đức Giêsu đã đến để đảo ngược tình thế. Ngài sống giữa sa mạc, một thiên nhiên thù nghịch. Ngài bị thử thách gay go. Nhưng rồi Ngài đã thắng nghịch cảnh và quỉ dữ : Ngài sống yên bình hài hòa giữa một vũ tụ đã được cảm hóa.
Chỉ bằng một câu ngắn, Marcô đã vẽ nên bức tranh tứ bình đó : "Ngài ở trong hoang địa bốn mươi này, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và các Thiên sứ hầu hạ Ngài".
Công trình tạo dựng thứ nhất của Thiên Chúa đã bị loài người phá hỏng. Chúa đến để tái tạo lại, làm công trình tạo dựng thứ hai. "Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng".
Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, bắt đầu sứ vụ, Thần Khí Chúa đã ngự trên Ngài. Thần Khí ấy, cũng như trong ngày đầu cuộc tạo dựng, đang bay là là trên những vùng đất khô cằn khắc nghiệt, và hoang mạc đang dần dần trở nên xanh tươi, trổ hoa thơm quả ngọt.
Vậy ra thiên đàng mà Ađam và Eva đã đánh mất vẫn còn đó, phía trước mỗi người. Nếu chúng ta biết "sám hối" và tin vào Tin mừng Đức Kitô" chúng ta sẽ gặp lại thiên đường đã mất.
Mùa Chay 40 ngày thinh lặng sa mạc, hãy để lòng chúng ta lắng xuống để bị cám dỗ, bị lôi cuốn bởi lòng cậy trông hy vọng tìm lại thiên đường đã mất, nhờ Đức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng ta.
5. Dã thú và thiên thần
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay là một hình ảnh rất lạ : "Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người"
Câu này gồm 2 phần mang hai sắc thái khác hẳn nhau nhưng có liên hệ nhân quả với nhau :
- Phần đầu là một cảnh khó khăn "Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ" : Đức Giêsu bị Satan cám dỗ, như ngày xưa hai nguyên tổ Ađam Evà trong vườn Địa Đàng, và như dân do thái trong sa mạc. Nhưng Ngài chiến đấu với những cám dỗ đó và đã chiến thắng.
- Phần sau là một cảnh thoải mái "sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người" : (1) Trước khi hai nguyên tổ phạm tội, các ngài đã sống an hòa giữa các dã thú (xem St 2,19-20) ; Sau này khi mơ tới ngày tìm lại địa đàng đã mất, ngôn sứ Isaia cũng tưởng tượng cảnh con người và dã thú sống chung hòa thuận với nhau (xem Is 11,6-8 : "Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng… Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang…" ; (2) Còn về hình ảnh các thiên sứ hầu hạ, Tv 91,9-12 hiểu rằng đó là ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho người nào biết nương tựa nơi Ngài ("Vì ngươi đã chọn Giavê làm nơi ẩn náu, Đấng Tối cao làm chốn dung thân… nên Người ra lệnh cho các thiên thần gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi…"
Vì Đức Giêsu đã chịu cám dỗ và chiến thắng chúng nên Ngài được hưởng sự an vui như đang sống trong vườn địa đàng và được Thiên Chúa đặc biệt che chở giữ gìn. Phần thưởng của Đức Giêsu khuyến khích chúng ta can đảm chiến đấu với các cám dỗ.
6. Cạm bẫy
Người Eskimo bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ lông làm áo da thú.
Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.
Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình.
Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.
*
Mùa chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa chay cũng là lúc dừng lại, để nhận những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang bủa vây. Con cáo vì ham liếm máu tươi, mất cảnh giác nên đã không nhận ra được cạm bẫy chết người. Nếu cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.
Xã hội càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ. Cám dỗ của thân xác đòi hỏi, hưởng thụ và chiếm đoạt. Cám dỗ của con tim mù quáng, đam mê và phóng túng. Cám dỗ của đầu óc cao ngạo, hám danh và trục lợi. Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu với những cám dỗ khêu gợi, mời mọc, kích thích giác quan. Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy.
Sự bất ổn của nền văn minh hiện đại, và ảo ảnh của tương lai vẫy gọi, khiến chúng ta cứ trượt dài trên con dốc tội lỗi. Người tín hữu khôn ngoan luôn cảnh giác những cạm bẫy như thủy lôi trên giòng đời.
Chính Đức Kitô đã phải liên tục đối phó với các cơn cám dỗ : "Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ" (Mc.1,13). Đây không phải là cám dỗ một lần thay cho một đời, nhưng là cuộc cám dỗ triền miên trọn cả kiếp người. Wendell Philips viết : "Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ".
Nếu đời người như cây sậy trước gió, dễ ngả nghiêng trước bao cuốn hút, chúng ta càng phải biết nương tựa vào một mình Chúa.
Nếu người đời tôn thờ khoái lạc, xa hoa hưởng thụ, chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng.
Nếu thế giới đầy hình ảnh vẫn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ gìn con mắt.
Có biết bao người mơ ước hy sinh cuộc đời nhưng lại không biết hy sinh những tật xấu của mình. Leon Tolstoi viết : "Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình". Vì chưng có một sự thật nhức nhối này, là canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.
*
Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, xin giúp chúng con can đảm lướt thắng những cạm bẫy trong cuộc đời.
Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có Chúa mới là niềm vui và là hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
7. Đổi mới
Một hôm nhà vua đang đi dạo trên đường phố thì gặp một người ăn mày ngửa tay xin tiền. Nhà vua không cho tiền nhưng mời anh đến thăm hoàng cung. Khi vào tới hoàng cung rồi, người ăn mày vô cùng bối rối vì thấy quần áo rách rưới của mình quá tương phản với những y phục lộng lẫy của những người trong triều. Biết thế, nhà vua tặng cho anh một bộ quần áo mới.
Ít lâu sau nhà vua lại dạo phố, lại gặp người ăn mày này và ngạc nhiên khi thấy anh lại mặc bộ quần áo rách rưới trước kia. Tìm hiểu lý do thì nhà vua biết được rằng sở dĩ anh không mặc quần áo mới vì nếu như thế thì anh không thể tiếp tục sống bằng nghề cũ là ăn xin được nữa. Anh đã quá quen sinh sống bằng nghề ăn xin rồi, đến nỗi nay không biết phải làm gì nếu không tiếp tục ăn xin.
Câu chuyện trên muốn nói rằng thay đổi áo quần thì dễ nhưng thay đổi cách sống rất khó ; thay đổi bên ngoài thì nhanh nhưng thay đổi bên trong rất chậm ; và nhất là rất khó thay đổi thói quen.
Mùa Chay kêu mời chúng ta đổi mới, không chỉ đổi mới bên ngoài mà phải đổi mới tận bên trong con người mình, đặc biệt là thay đổi những thói quen xấu đã ăn rễ rất sâu trong con người chúng ta.
8. Mùa Chay và Mùa Xuân
Mùa Xuân là mùa đổi mới : cỏ cây hoa lá đâm chồi, nẩy lộc và ra hoa. Nhưng muốn có thế thì trước đó chúng phải chịu đựng một mùa thu ảm đạm, lá rụng, cành xơ xác… rồi một mùa đông trơ trụi, lạnh giá.
Mùa Chay đến đúng vào Mùa Xuân và cũng chính là Mùa Xuân của tâm hồn, có thể biến chúng ta thành những con người mới.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng sợ hãi chấp nhận để cho những chiếc lá thói quen cũ phải rụng đi
Xin giúp con đừng sợ hãi phải đối diện với cảnh nghèo nàn trơ trụi của tâm hồn
Bởi vì có như thế thì Chúa mới có thể đổi mới con thành con người mới, xứng đáng là môn đệ tốt của Chúa.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, trong suốt mùa chay, Hội thánh mời gọi chúng ta cùng với Đức Giêsu trải qua hai kinh nghiệm là : gặp gỡ Thiên Chúa và đấu tranh với sự dữ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta :
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / nhờ Mùa Chay này biết sám hối thành thật / mạnh dạn đổi mới suy nghĩ và hành động / để việc truyền giáo cho thế giới được kết quả tốt đẹp hơn.
2. Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới / biết thành thật sám hối và sửa sai những lỗi lầm / để có thể sớm đem lại cho người dân ám no, tự do, và hạnh phúc thật.
3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang ngụp lặn trong những đam mê tiền của, xác thịt, danh vọng / được nghe lời kêu gọi sám hối để quay về với đời sống công chính và lương thiện.
4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta, nhất là những người còn đang rối rắm, bỏ mùa Phục Sinh / biết mau mắn trở về để sống xứng đáng với công ơn cứu chuộc của Chúa.
Chủ tế  : Lạy Chúa xin giúp chúng con trong Mùa Chay này, biết cố gắng siêng năng cầu nguyện và đi dự lễ, để được nhiều ơn Chúa mà vượt qua mọi cơn cám dỗ. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Chay (B)
Chúa Nhật, 22 Tháng 2, 2015
Vượt qua sự cám dỗ với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời
Mc 1:12-15

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Nội dung phần Phụng Vụ của Chúa Nhật tuần này giới thiệu với chúng ta về thời gian khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu:  bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, những cám dỗ của Satan, vụ bắt giữ Gioan Tẩy Giả, bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng của Chúa và bản tóm tắt ngắn gọn bốn điểm liên quan đến những điều mà Chúa Giêsu công bố với dân chúng trong quê hương của Người.  Trong khi đọc, chúng ta hãy chú ý đến hai điểm sau đây:  Chúa Giêsu công bố điều gì với dân chúng?  Và Người đòi hỏi ở chúng ta điều gì?

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 1:12-13:  Tin Mừng bị thử thách và được đem ra thử thách trong hoang địa.
Mc 1:14:  Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa.
Mc 1:15:  Bản tóm tắt Tin Mừng Thiên Chúa.

c)  Phúc Âm:  
12 Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú, và các thiên thần hầu hạ Người.
14 Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa. 15 Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng mà bạn thích nhất và phần nào đã gây sự chú ý cho bạn?  Tại sao?    
b)  Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, và sau đó, là những cám dỗ.  Chi tiết này có ý nghĩa gì cho cộng đoàn vào thời Máccô?  Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?    
c)  Chính vì việc bắt giữ Gioan Tẩy Giả đã khiến Chúa Giêsu trở lại xứ Galilêa và bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa.  Chi tiết này có ý nghĩa gì cho cộng đoàn vào thời Máccô?  Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
d)  Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố có bốn điểm.  Đó là những điểm gì?  Mỗi điểm có ý nghĩa gì?
e)  Ngày nay, tất cả những điểm này gửi đến cho chúng ta sứ điệp gì?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a.  Bối cảnh văn bản trong Tin Mừng Máccô:

*  Tin Mừng của Thiên Chúa, được chuẩn bị qua suốt dòng lịch sử (Mc 1:1-8), đã được Chúa Cha long trọng công bố lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1:9-11).  Giờ đây, trong bài Tin Mừng của chúng ta, lời công bố này được đem ra thử thách trong hoang địa (Mc 1:12-13) và ngay lập tức, kết quả của thời gian chuẩn bị lâu dài trở nên rõ ràng.  Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng công khai giữa dân chúng (Mc 1:14-15).

*  Trong thời gian thập niên 70, lúc mà thánh Máccô đang viết sách này, khi các Kitô hữu đọc lời mô tả về sự khởi đầu Tin Mừng này, họ cũng nhìn vào gương của đời sống chính họ.  Hoang địa, cám dỗ, ngục tù, đây là những điều mà họ đã quá quen thuộc.  Tuy nhiên, giống như Đức Giêsu, họ đã cố gắng để công bố Tin Mừng của Thiên Chúa.

b.    Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 


*  Mc 1:12-13:  Tin Mừng bị thử thách và được đem ra thử thách trong hoang địa.
Sau khi chịu phép rửa, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu và dẫn Người vào hoang địa, ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, Chúa chuẩn bị cho sứ vụ của Người (Mc 1:12).  Máccô kể rằng Chúa Giêsu ở lại trong hoang địa suốt bốn mươi đêm ngày và bị Satan cám dỗ.  Trong đoạn Mt 4:1-11, những sự cám dỗ được mô tả chi tiết hơn, sự cám dỗ của cơm bánh, cám dỗ của thanh thế và cám dỗ của quyền lực.  Đây là ba sự cám dỗ mà dân Do Thái đã trải qua trong sa mạc sau khi rời khỏi đất Ai-cập (Đnl 8:3; 6:13-16).  Cám dỗ là bất cứ điều gì lôi kéo người ta lìa xa con đường hướng về Thiên Chúa.  Trong thư gửi tín hữu Do Thái đã viết:  “Đức Giêsu đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15).  Chọn đường hướng của mình từ Lời Chúa, Đức Giêsu đã đối diện với những cám dỗ (Mt 4:4,7,10).  Được đặt ở giữa những người nghèo khó và hiệp thông với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu vẫn trung tín với cả hai, chống lại và tiếp tục trên con đường của Đấng Mêssia Tôi Tớ, con đường phục vụ Thiên Chúa và phục vụ muôn người (Mt 20:28).

*  Mc 1:14:  Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng.
Trong khi Chúa Giêsu đang chuẩn bị trong hoang địa, ông Gioan Tẩy Giả đã bị Hêrôđê bắt giữ.  Sách Tin Mừng viết:  Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa.  Việc Gioan Tẩy Giả bị bắt đã không làm Chúa Giêsu ngạc nhiên, mà còn trái lại.  Kinh nghiệm của phép rửa đã mở mắt Người.  Trong việc bắt giữ của Gioan Tẩy Giả, Người đã trông thấy dấu hiệu của Nước Thiên Chúa sắp đến.  Vụ bắt giữ Gioan Tẩy Giả đã được nối kết với các sự kiện chính trị trong nước. Ngày nay cũng vậy, các chuyện chính trị ảnh hưởng đến việc công bố Tin Mừng của chúng ta đến mọi người.  Máccô nói rằng Chúa Giêsu đã công bố Tin Mừng Thiên Chúa. Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Tin Mừng cho tất cả muôn dân.  Thánh Augustinô nói:  "Ngài đã tạo dựng chúng con hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa".  Lời rao giảng của Chúa Giêsu đáp ứng lại sự tìm kiếm sâu xa nhất của tâm hồn con người.

*  Mc 1:15:  Tóm tắt Tin Mừng của Thiên Chúa.
Việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa bao gồm bốn điều:  i) Thời gian chờ đợi đã mãn.  ii) Nước Thiên Chúa đã gần đến.  iii) Ăn năn sám hối thay đổi đời sống.  iv) Tin Vào Tin Mừng.
i)  Thời gian chờ đợi đã mãn!  Đối với những người Do Thái khác, thời gian chờ đợi Nước Trời chưa kết thúc.  Lấy ví dụ, đối với các người Biệt Phái, Nước Trời sẽ chỉ đến khi mà việc tuân giữ lề luật được hoàn hảo.  Đối với những người thuộc giáo phái Essenes (Tu khổ hạnh), Nước Trời sẽ đến khi toàn thể đất nước được thanh tẩy.  Đối với những người thuộc phe Hêrôđê, Nước Trời sẽ đến là khi họ nắm quyền thống trị toàn thế giới.  Cách suy nghĩ của Chúa Giêsu thì lại khác.  Người nhìn các sự việc theo một cách khác.  Người nói rằng thời gian chờ đợi đã mãn.
ii)  Nước Thiên Chúa đã gần đến!  Đối với các người Biệt Phái và phái Essene, việc xuất hiện của Nước Trời tùy thuộc vào các nỗ lực của họ.  Nước Trời sẽ chỉ đến khi mà họ hoàn tất việc của họ, đó là việc tuân giữ toàn thể Lề Luật, thanh tẩy toàn đất nước.  Chúa Giêsu thì nói ngược lại:  “Nước Trời đã gần kề”.  Nước Trời đã hiện diện ở đó, ở giữa họ, không phụ thuộc vào bất kỳ nỗ lực nào.  Khi Chúa Giêsu nói:  “Nước Trời đã đến”, Người đã không có ý nói rằng Nước Trời đang trên đường đến vào thời điểm ấy, nhưng mà nó đã ở đó rồi.  Điều mà tất cả mọi người hy vọng đã hiện diện ở giữa người ta, và họ đã không biết, mà cũng chẳng thấy (xem Lc 17:21).  Đức Giêsu đã nhìn thấy nó bởi vì Người có thể nhìn thấy thực tại với một nhãn quan khác biệt.  Đó là sự hiện diện ẩn dấu này của Vương Quốc Nước Trời ở giữa dân tộc mà Chúa Giêsu mặc khải và công bố cho những người nghèo khó của quê hương Người.  Chính hạt giống Nước Trời này sẽ nhận lãnh được cơn mưa của Lời Chúa và sự ấm áp tình yêu của Người.
iii)  Thay đổi đời sống!  Có người diễn giải điều này là hãy làm việc đền tội, người khác thì hiểu là “hoán cải” hay “ăn năn sám hối”.  Ý nghĩa chính xác là thay đổi cách suy nghĩ và lối sống.  Để có thể nhận thức được sự hiện diện của Nước Trời, người ta phải bắt đầu suy nghĩ, sống và hành động khác đi.  Người ấy phải thay đổi cách sống và tìm một phong thái mới của cuộc sống.  Chúng ta phải gạt bỏ việc tuân theo lề luật được giảng dạy bởi các người Biệt Phái và để cho trải nghiệm mới về Thiên Chúa được thấm nhập vào đời sống chúng ta và để cho cái nhìn mới có thể đọc và hiểu được những gì đang xảy ra.
iv) Tin vào Tin Mừng!  Sứ điệp này không phải dễ dàng mà chấp nhận được.  Không dễ dàng gì mà có thể bắt đầu suy nghĩ theo cách hoàn toàn khác hẳn với cách đã được thụ giáo từ lúc còn bé.  Điều này chỉ có thể thực hiện được bởi hành động của đức tin.  Khi một người nào đó xuất hiện với một mẩu tin bất ngờ, khó mà chấp nhận, người ta chỉ chấp nhận nó nếu người đưa tin là người đáng tin tưởng.  Rồi chúng ta cũng sẽ đi nói với những người khác:  “Bạn có thể tin được điều này vì tôi biết người ấy và người đó không hề lừa dối.  Người này có thể tin tưởng được vì họ nói sự thật”.  Chúa Giêsu thật xứng đáng cho lòng tin tưởng của chúng ta!

c.  Lời chú giải thêm:

Việc bắt đầu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa của Đức Giêsu tại xứ Galilêa

Việc bắt giữ Gioan đã khiến cho Chúa Giêsu trở về từ hoang địa và bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng của Người.  Đó là một sự khởi đầu bùng nổ!  Chúa Giêsu đi khắp xứ Galilêa, qua các làng mạc, phố phường và thành thị (Mc 1:39).  Người thăm viếng các cộng đoàn.  Thậm chí Người còn thay đổi nơi trú ngụ của mình và đi đến sống ở Caphácnaum (Mc 1:21; 2:1), một thị trấn dọc đường, nơi giúp cho việc truyền bá sứ điệp của Người dễ dàng.  Hầu như Người không bao giờ dừng lại hẳn một chỗ nào, Người luôn luôn di chuyển.  Các môn đệ đi cùng với Người khắp mọi nơi, trên bờ biển, trên đường phố, trên núi non, trong hoang địa, trên thuyền, trong hội đường, trong nhà.  Họ có tràn đầy nhiệt huyết.
Chúa Giêsu giúp đỡ người ta qua sự phục vụ trong nhiều phương cách:  Người trừ quỷ (Mc 1:39), Người chữa lành những kẻ ốm đau và bị quỷ ám (Mk 1:34), Người làm lành sạch những kẻ bị thiệt thòi vì luật lệ liên quan đến sự lành sạch (Mc 1:40-45), tiếp đón những kẻ thiệt thòi và đối xử với họ trong tình thân thiện (Mc 2:15).  Người công bố, kêu gọi, triệu tập, lôi cuốn, yên ủi, trợ giúp.  Người mặc khải về cuộc thương khó của mình, cuộc thương khó vì Chúa Cha và cho những người nghèo khó và bị bỏ rơi trong xứ sở của Người.  Bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe, thì Người rao giảng và truyền đạt Tin Mừng Thiên Chúa.  Ở khắp mọi nơi!
Chúa Giêsu mặc khải tất cả mọi thứ làm sinh động từ trong tâm hồn Ngài.  Không những chỉ công bố Tin Mừng Nước Trời, mà chính Chúa Giêsu là một hình ảnh và chứng nhân sống của Nước Trời.  Trong Người, chúng ta thấy được những gì sẽ xảy ra khi người nào đó để cho Thiên Chúa cai quản, làm chủ cuộc đời của người ấy.  Qua cuộc đời và cách cư xử của Người, Chúa Giêsu cho thấy những gì Thiên Chúa đã dự tính khi Ngài đã gọi người ta từ thời các ông Abraham và Môisen.  Chúa Giêsu đã chấm dứt nỗi hoài niệm về quá khứ và chuyển đổi nó thành niềm hy vọng.  Bỗng nhiên sự việc trở nên rõ ràng đối với người ta:  “Đây là những gì Thiên Chúa đòi hỏi khi Người gọi chúng ta là dân của Người!”  Người ta thích thú lắng nghe Chúa Giêsu. 
Thật là một khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, nó được truyền bá nhanh chóng qua các làng mạc của miền Galilêa.  Nó bắt đầu như một hạt giống nhỏ, nhưng lớn lên để trở thành cây cổ thụ, nơi người ta có thể tìm thấy chỗ trú ẩn (Mc 4:31-32).  Sau đó, chính người ta đã bắt đầu loan truyền Tin Mừng.
Dân chúng miền Galilêa đã khâm phục cách Chúa Giêsu giảng dạy.  “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:22-27).  Giảng dạy là việc mà Chúa Giêsu làm nhiều nhất (Mk 2:13; 4:1-2; 6:34).  Đó là thói quen của Người (Mk 10:1).  Trong mười lăm lần, Tin Mừng của Máccô nói rằng Chúa Giêsu giảng dạy. Nhưng Máccô hầu như không bao giờ nói Người đã giảng dạy những gì.  Có lẽ ông không quan tâm đến phần nội dung chăng?  Nó còn tùy thuộc vào việc chúng ta định nghĩa nội dung như thế nào.  Giảng dạy không phải chỉ là việc truyền bá những chân lý mới cho người ta.  Nội dung mà Chúa Giêsu rao giảng tự nó không những chỉ thể hiện qua lời của Người, mà cũng qua các hành động và phong thái của Người khi tiếp xúc với dân chúng.  Phần nội dung không bao giờ tách rời khỏi con người đang truyền đạt nó.  Nội dung tốt lành mà không có tư chất tốt lành thì cũng thật đáng tiếc.
Thánh sử Máccô xác định nội dung sự giảng dạy của Chúa Giêsu là “Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1:14).  Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã công bố xuất phát từ Thiên Chúa và mặc khải điều gì đó về Thiên Chúa.  Chúa Giêsu chỉ nói và làm, bày tỏ những đặc điểm của dung nhan Thiên Chúa.  Chúng biểu lộ kinh nghiệm mà Chúa Giêsu có về Thiên Chúa là Chúa Cha.  Mặc khải Thiên Chúa là Chúa Cha là nguồn mạch, trong khi nội dung là đối tượng của Tin Mừng của Đức Giêsu.           
6.  Thánh Vịnh 25 (24)
Thiên Chúa của Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hoán cải

Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.

Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.

CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.

Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.

Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét