Trang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

01-04-2015 : THỨ TƯ TUẦN THÁNH

01/04/2015
Thứ Tư Tuần Thánh


Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a
"Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng".
(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 21bcd-22. 31 và 33-34
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương (c. 14c-b).
Xướng: 1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. - Ðáp.
2) Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống dấm chua. - Ðáp.
3) Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài bị bắt cầm tù. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:
Kính lạy Vua chúng con, chỉ có Ngài là Ðấng thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.

Phúc Âm: Mt 26, 14-25
"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"
Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Tiệc Ly Lời Tâm Huyết
Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hóa của thời Mao Trạch Ðông. Lúc được trả tự do, ông viết một bài báo với nhan đề: "Thiên Chúa Giáng Sinh" của linh mục Char. Câu chuyện được kể lại như sau:
Tôi bị giam ở trong một trại giam bên Trung Quốc. Trong trại có một linh mục cùng bị giam tên là Char, 40 tuổi, người Trung Quốc và là linh mục dòng Sitô. Ở trong tù, tôi phải ăn uống cực khổ, chịu kỷ luật khắt khe và công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Linh mục Char luôn nêu gương bác ái. Ngài không phải là con người có sức lực lưỡng, nhưng ai mệt thì được ngài gánh giúp, ai nặng gánh không nổi thì được ngài đổi gánh cho nhẹ hơn của mình. Ngài luôn vui vẻ khích lệ anh em, trong trại ai ai cũng mến phục.
Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Và điều làm cho tôi thắc mắc là tại sao cha Char lại biết tôi là người Công giáo? Vì một hôm giữa trời đông rét, vào giờ giải lao, ngài cầm tay kéo tôi đi theo và hỏi: "Anh là người Công giáo phải không?" Tôi trả lời: "Thưa cha phải!" Linh mục hỏi tiếp: "Hôm nay là ngày lễ gì anh có biết không?" Tôi trả lời: "Thưa cha, tôi không biết". Linh mục nói tiếp: "Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh".
Vị linh mục trầm lặng và hỏi nhỏ tôi một câu: "Chắc anh nhớ gia đình lắm phải không? Thôi đi theo tôi, chúng ta cùng nhau xuống hố đất kia, tôi cùng anh dâng Thánh Lễ". Tôi cảm thấy có một sức mạnh nào đó nơi cha thu hút tôi, khiến chân tôi phải bước đi và cả hai chúng tôi xuống hố sâu. Chung quanh miệng hố, đất đào nhô lên được đắp thành hai cái mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao ngài lại có một ve rượu nhỏ, và đựng trong một cái bát nhỏ là một mẩu bánh lễ. Ngài để cả hai trên một mô đất nhỏ trước mặt, rồi giang tay cầu nguyện. Lúc đưa Mình Thánh lên, mặt ngài sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối quì xuống. Tôi ăn năn sám hối, và ngài cho rước lễ, mắt tôi nhòa lệ và lòng tôi cũng như lòng ngài ấm áp hẳn lên.
Sau đó, chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ. Một tên lính gác nhìn chúng tôi liền chạy lại ngay, tóm cổ linh mục và hỏi: "Mày đi đâu đàng kia?" Ngài thẳng thắn đáp lời: "Hôm nay là ngày lễ trọng của chúng tôi. Giờ giải lao, tôi đi cầu nguyện". Tên lính nổi giận đánh cho ngài một trận nhừ tử, ngài thinh lặng chịu đựng. Hắn dẫn ngài đi từ đó, tôi không còn gặp ngài được nữa. Nhưng suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm tiệc ly thánh thiện đó. Chưa bao giờ trong đời tôi đã tham dự và dâng lễ Giáng Sinh một cách sốt sắng như hôm ấy. Lễ Giáng Sinh hôm đó đã biến đổi cả cuộc đời của tôi và đức tin đãsống lại nơi tôi.
Anh chị em thân mến!
Bí tích Thánh Thể là đích điểm của con đường đức tin. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng và lời kêu gọi: "Thời giờ đã đến, Nước Trời đang gần bên. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng". Rồi cuối cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể với các môn đệ. Ngài căn dặn: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Những chặng đường canh tân đã trải qua, và như vậy thì Mùa Chay này phải hướng dẫn chúng ta đến với việc cử hành bí tích Tình Yêu một cách tốt đẹp nhất, để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và sống lại với Ngài trong ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" căn dặn: cả gia đình Chúa Giêsu hướng về núi Calvariô, cả gia đình con hướng về Thánh Lễ. Con muốn nhân danh Chúa ư? hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cảm tạ Chúa ư? Hãy tham dự Thánh Lễ. Con muốn cứu nhân loại ư? Hãy tham dự Thánh Lễ. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Ðèn không sáng, nếu hết dầu. Xe không chạy, nếu hết xăng. Hồn tông đồ sẽ suy mạt, nếu không đến với Thánh Lễ: "Ai không ăn Thịt và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống đời đời".
Mọi người tin nhận Chúa đều được mời gọi đến tham dự và cùng dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, người đồ đệ phản Thầy là Giuđa đã bỏ phòng tiệc ra đi trước khi Chúa Giêsu thiết lập bí thích Thánh Thể.
"Chúng con đã sửa soạn cho Thầy ăn mừng lễ Vượt Qua ở đâu?". Là những kẻ yêu mến Chúa Giêsu thật lòng, thì không thể nào mà không bắt chước gương của các tông đồ hăng say góp phần của mình để Chúa được có chỗ mừng lễ Vượt Qua. Việc cử hành hy lễ Thánh Thể là thực hiện trọn vẹn công cuộc cứu rỗi nhân loại. Giuđa kẻ phản bội cũng ngồi vào bàn dự tiệc rồi ra đi phản bội Thầy mình, mặc dù đã có lời cảnh tỉnh của Chúa.
Lạy Chúa, mặc dù đã nhiều lần con được hiệp dâng Thánh Lễ, được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi dưỡng đời sống đức tin, nhưng con luôn ý thức về thân phận mỏng dòn của mình là có thể phản bội Chúa bất cứ lúc nào. Vậy xin Chúa thương gìn giữ con trong tình yêu thương hải hà của Chúa. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần Thánh
Bài đọc: Isa 50:4-9; Mt 26:14-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đương đầu với phản bội!
Con người phải đương đầu với phản bội và rất đau khổ khi bị phản bội, nhất là từ các người thân tín nghĩa thiết như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, anh chị em, bạn hữu. Chúng ta phải làm gì khi phải đương đầu với phản bội? Một điều lợi ích: phản bội giúp chúng ta tìm ra đâu là tình yêu đích thực để trông cậy vào. Tiên tri Isaiah giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng: cho dù cha mẹ có bỏ chúng ta đi nữa, Thiên Chúa không bao giờ bỏ con cái của Ngài. Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa để lấy sức mạnh và tình yêu mỗi khi đương đầu với phản bội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta biết khôn ngoan đương đầu với phản bội. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah cho chúng ta thấy đâu là nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung của Thiên Chúa: một khi có Thiên Chúa nâng đỡ và bảo vệ, Người Tôi Trung có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào, và tin chắc sẽ thắng vượt tất cả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phải đương đầu với sự phản bội vì sự ham tiền của Judah; nhưng Ngài bình tĩnh loan báo tin buồn cho tất cả các tông đồ, ngay cả Judah; và can đảm tiến tới để lãnh nhận các đau khổ từ sự phản bội này. Ngài biết Thiên Chúa sẽ cho Ngài toàn thắng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
1.1/ Sống làm chứng cho Thiên Chúa: Trước khi có thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, Người Tôi Trung phải biết dành thời giờ để cầu nguyện và lắng tai nghe như một người môn đệ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” Một khi đã hiểu biết kế họach khôn ngoan của Thiên Chúa, Người Tôi Trung sẽ không lùi bước trước những khó khăn trước mặt: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”
Người Tôi Trung sẵn sàng chịu mọi cực hình để làm chứng cho Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Khi phải chịu cực hình, Người Tôi Trung chịu đựng với một niềm tin: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Tất cả những điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
1.2/ Ai có thể thắng nổi Thiên Chúa? Nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung là ở nơi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, quan phòng, xét xử, và yêu thương con cái Ngài. Ông hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa và thách thức mọi kẻ thù: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.” Sức mạnh và uy quyền của thế gian, nếu so sánh với quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ như lấy trứng chọi vào đá.
2/ Phúc Âm: Judah Iscariot phản bội và bán Chúa.
2.1/ Lòng tham tiền thúc đẩy Judah Iscariot bán Chúa: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Judah Iscariot, đi gặp các thượng tế mà nói: "Nếu tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.” Judah biết rõ các thượng tế muốn giết Chúa Giêsu, và muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Qua trình thuật này, chúng ta phải học được bài học về sức mạnh của đồng tiền: Nó có thể làm cho Judah bán Chúa, bán Thầy, và bán chính mình (Judah tự kết liễu đời mình). Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp con người sinh sống, con người phải điều khiển nó, chứ không để nó điều khiển con người. Nếu con người để tiền bạc điều khiển mình, con người đã trở thành nô lệ cho tiền bạc, và sẽ phải lãnh mọi hậu quả như Judah. Con người cần sống đơn giản.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên báo sự phản bội của Judah Iscariot.
(1) Ăn Lễ Vượt Qua: Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Lễ Vượt Qua là một trong 3 Lễ vô cùng quan trọng của người Do-thái, vì họ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa dẫn đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, và tiến vào Đất Hứa. Chúa Giêsu đã sắp đặt mọi sự sẵn sàng. Ngài chuẩn bị sẵn phòng ăn và tất cả những gì cần trối trăn cho các môn đệ trong Lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài với các ông.
(2) Tuyên báo sự phản bội: Đang bữa ăn, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Đây là một hung tin, thường thì người ta sẽ tránh loan tin buồn trong khi ăn, vì “trời đánh còn tránh miếng ăn;” nhưng đây là cơ hội cuối cùng của Chúa Giêsu với các đầy đủ các môn đệ, Chúa phải cho các ông biết trước khi sự việc xảy ra.
- Phản ứng của các tông đồ: Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" Tuy các ông không nộp Chúa như Judah; nhưng đã bỏ Chúa chạy hết, để Ngài phải đương đầu với Cuộc Thương Khó một mình.
- Phản bội bởi thân hữu gây đau khổ hơn của người dưng nước lã: Chúa Giêsu đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" Câu tuyên bố của Chúa đầu tiên không chỉ đích danh ai phản bội, vì cả Nhóm Mười Hai đều chấm chung một đĩa với Chúa. Dĩ nhiên, phải có Judah thì Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa mới thành tựu; tuy nhiên, không phải Thiên Chúa tiền định cho Judah Iscariot phải phản bội Chúa, vì không khó để kiếm một Judah khác trong thế giới này.
- Phản ứng của Judah, kẻ nộp Người: Hắn cũng hỏi: "Rabbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh nói đó!" Đã phản bội còn có can đảm để đóng kịch, Chúa Giêsu không muốn tố cáo Judah, nhưng Ngài phải nói cho Judah biết sự thật. Điều ngạc nhiên ở đây là không thấy các tông đồ khác phản ứng. Có lẽ Chúa nói nhỏ đủ để cho mình Judah nghe mà thôi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phản bội xảy ra thường xuyên trong cuộc đời con người. Chúng ta cần bình tĩnh cầu nguyện để đối phó. Sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn khủng hoảng này.
- Chúng ta có thể đương đầu với mọi phản bội bao lâu chúng ta còn Chúa. Judah Iscariot không thể đương đầu vì ông không còn sức mạnh và niềm tin nơi Thiên Chúa.
- Cần tập luyện để có một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa. Khi phải đối diện với phản bội, chúng ta đã có sẵn khí cụ để dùng. Không thể chờ đến lúc đó mới đi tìm niềm tin và sức mạnh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

01/04/15 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

Suy niệm: Đối với nhiều người, điều còn tồi tệ hơn cả cái chết là sự phản bội. Họ có thể hình dung ra cái chết, nhưng không thể hình dung nổi sự phản bội, nhất là sự bội phản của người thân yêu. Đức Giê-su thì khác, Ngài biết rõ sự phản bội của Giu-đa dù ông đã khôn khéo che dấu hành vi tội ác của mình. Ông có thể qua mặt các bạn đồng môn, nhưng không qua được mắt Thầy mình. Thầy của ông có thể dùng nhiều biện pháp để loại trừ ông, hoặc đích thân trừng trị, hoặc báo tin cho các môn đệ khác và chắc chắn họ sẽ không để ông yên thân. Thế nhưng, thứ “vũ khí” duy nhất mà Ngài dành cho ông là lời mời gọi của tình thương, tiếng gọi của tình nghĩa thầy trò.
Mời Bạn: Năm này qua năm khác, bạn có thể che dấu tội lỗi mình với người chung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình hay cộng đoàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể nào che dấu trước mặt Thiên Chúa. Ngài biết rõ mọi tội lỗi kín đáo của bạn và đang âm thầm mời gọi bạn hoán cải, nhất là trong Tuần Thánh này.
Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh năm nay tôi sẽ nhìn thẳng vào một tội lỗi kín đáo lâu nay của mình, xác tín Chúa biết, đang mời tôi chừa bỏ tội ấy. Tôi sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đau đớn trước sự bội phản của ông Giu-đa, nhưng không từ bỏ ông, trái lại luôn dùng tình yêu thương để mời gọi ông trở lại. Chúng con cảm phục sự khoan dung, nhân hậu của Chúa. Xin cho chúng con thật sự hoán cải, từ bỏ một tội lỗi đang kéo ghì mình xuống, để được thật sự sống lại với Chúa. Amen.

Chẳng lẽ con sao?
Có phải con là người đang phản bội Thầy không? Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.


Suy nim:
Các thượng tế muốn giết Đức Giêsu, nhưng không tìm được cơ hội.
Nay cơ hội đã đến với sự tiếp tay của chính người môn đệ Đức Giêsu.
Anh Giuđa đã đến gặp các thượng tế và đề nghị nộp Ngài cho họ.
Chúng ta mãi mãi không biết hết và biết rõ những động cơ nào
đã thúc đẩy Giuđa làm chuyện kinh khủng ấy.
Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa,
sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12).
Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo.
Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại…
Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế.
Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6).
Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận,
Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất,
được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu.
Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó.
Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa?
Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn?
Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền.
Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột
khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng,
chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma?
Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế,
anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình?
Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được.
Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu.
Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa
vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ.
Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói:
“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24).
Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ.
Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành.
“Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23).
Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội.
Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?”
Có phải con là người đang phản bội Thầy không?
Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.
Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ,
chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TƯ
Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn
Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?
Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.
Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.
Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01- 4
Thứ tư Tuần Thánh
Is 50, 4-9a; Mt 26, 14-25.

LỜI SUY NIỆM:“Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?
Trong ngày Thứ Tư Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta nghe câu chuyện Giu-đa nộp Chúa Giêsu và câu chuyện các môn đệ của Chúa Giêsu chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, và trong buổi ăn Lễ Vượt Qua đó, Chúa Giêsu tiên báo việc Giu-đa sẽ nộp Người. Điều này gợi nhớ cho mỗi một người trong chúng ta cũng phải tự xét mình, mình đã sống xứng đáng, có trung thành với danh hiệu là người môn đệ của Chúa Giêsu hay chưa?
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống của chúng con, có rất nhiều sự thử thách trong việc chọn lựa. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết hy sinh tất cả để chọn Chúa, và lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng con và những người chung quanh.
Mạnh Phương


01 Tháng Tư
Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con
Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét