Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

15-03-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm B

15/03/2015
Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm B
(phần I)

BÀI ĐỌC I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23
"Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc".
Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.
Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.
Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: "Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Đáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: "Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!".
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.
BÀI ĐỌC II: Ep 2, 4-10
"Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Đức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 3, 16
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

PHÚC ÂM: Ga 3, 14-21
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tội Lỗi Và Tình Thương

Lịch sử Dân Chúa là một lịch sử của ân sủng và tội lỗi, trung thành và bất tín, đón nhận và từ chối, ánh sáng và bóng đen. Ðó là lịch sử một tình thương hải hà, nhưng vô cùng mầu nhiệm.
Sách Khởi nguyên cho biết con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và sống trong tình thương yêu thân thiện của Người. Nhưng ngay từ những bước đầu, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Con người đã phản bội Chúa. Do hành vi phản bội nguyên thủy này, tội lỗi bắt đầu thống trị. Tội phân lìa con người ra khỏi Chúa, đẩy con người xa quỹ đạo sự sống và tình thương, biến cuộc sống con người thành một xung khắc triền miên với bản thân, với anh em và với thế giới. Lịch sử con người trở nên một lịch sử hận thù đầy chém giết, tham lam và tranh chấp.
Bị dục vọng đè nén, con người không làm nổi điều thiện mình muốn, trái lại cứ lao đầu vào hố sâu của tội ác.
Tội lỗi mãnh liệt như một quyền lực cứ luôn đè bẹp và cầm tù con người.
Lịch sử con cháu Ađam cho thấy tội lỗi như một vết dầu loang bao trùm cả thế giới và vũ trụ, khiến mỗi người sinh ra trong tội (Tv 51,7).
Tội lỗi gieo rắc mầm mống sự chết khắp nơi và biến đổi thế giới sự sống thành thế giới u sầu tang tóc.
Nếu chỉ dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bi quan và thất vọng. Cuộc đời sẽ hoàn toàn vô nghĩa và con người thà đừng sinh ra thì hơn (Yb 3,1-26).
Quả thật tội lỗi đã khiến hình ảnh Thiên Chúa trong con người bị hoen ố. Con người đánh mất hết những vẻ diễm lệ yêu kiều, trở nên một tạo vật xấu xí trần trụi; thân thể đầm đìa máu me và vết tích.
Không ai trong chúng ta có thể tự hào là đáng yêu, vì mỗi người đều đắm chìm trong tội.
Nhưng, tình thương của Thiên Chúa thật nhiệm mầu. Người đã yêu thương ta, khi ta còn là những kẻ có tội. Người khiến ta là những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ðức Kitô (Ep 2,5).
Tiên tri Êzêkiel ví Thiên Chúa như một người qua đường thấy dân mình quằn quại trong vũng máu, quyết đưa về tắm rửa và trang điểm, biến thành như một thiếu nữ mỹ miều xinh đẹp (Ez 16,6-14).
Thiên Chúa chăm sóc và nuôi dưỡng dân Người. Người để ý từng đường đi nước bước của họ. Người trìu mến như người cha, dỗ dành như người mẹ, âu yếm như người chồng. Nhưng dân Người lại là những kẻ tình nghĩa nhạt như nước ốc, lòng dạ bạc như vôi.
Tiên tri Hôsê ví dân Chúa như một người vợ được chiều chuộng đủ điều, nhưng vẫn quen thói thất trung, thích chạy theo khách mới. Thiên Chúa phải làm mọi cách cho người vợ ấy trở về (Hs 2).
Sách Ký sự cho thấy mọi thành phần dân Chúa đều bất tín, từ đầu mục tư tế cho đến thứ dân đã chạy theo những ngẫu tượng của ngoại bang. Họ làm hoen ố đền thờ Chúa và xúc phạm Danh Thánh Người.
Thiên Chúa giàu lòng yêu thương đã sai nhiều sứ giả đến với họ, nhưng họ vẫn giả điếc làm ngơ, và hơn thế nữa, họ còn nhạo báng, hành hạ và giết chết các tiên tri.
Thiên Chúa, dù là Ðấng nhân ái từ bi, đã buộc lòng phải trừng phạt vì chạm trán với lòng con người chai đá. Người cho dân đi lưu đày, mất quê hương, mất đền thờ, mất tất cả, để từ đó họ khám phá lại những hồng ân lớn lao của Thiên Chúa.
Và đến ngày đã định, Thiên Chúa lại đưa dân về sau khi thanh luyện họ bằng những biến cố xảy ra trong đời họ.
Thánh Phaolô ý thức sâu xa về thực trạng tội lỗi. Người đã kinh nghiệm về hoạt động của tội trong chính bản thân, trong môi trường người sống và những nơi người đến rao giảng.
Về bản thân, người đã thốt lên những lời chua xót:
Tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội (Rm 7,14).
Không phải tôi hành động, nhưng chính là tội lỗi cư ngụ trong tôi (Rm 7,17).
Mọi thứ luật khác chi phối chi thể tôi, giam cầm tôi trong tội (Rm 7,23).
Về nhân loại nói chung, người đưa ra một ý tưởng còn táo bạo hơn nữa.
Thiên Chúa đã đón mọi người vào đàng bất tuân, ngõ hầu dủ lòng thương hết mọi người (Rm 11,32).
Thánh Phaolô thấy rõ tội lỗi của riêng mình và của toàn thể nhân loại, nhưng người cũng nhận thức được tình yêu và thượng trí của Thiên Chúa. Oi thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa (Rm 11,33).
Thiên Chúa là Chúa của hồng ân, và "tội lỗi phát sinh càng nhiều, ân sủng càng dồi dào gấp bội" (Rm 5,30).
Chính Ðức Yêsu Kitô là hồng ân trọn vẹn của Thiên Chúa. Người là dấu hiệu của tình thương. Người là chính tình thương sâu thẳm bao la của Thiên Chúa.
Tình thương của Chúa Cha đã nhiều lần trở nên hữu hình trong lịch sử nhân loại. Tình thương đã được tỏ bày nhờ nhiều sứ giả và qua nhiều biến cố. Và cuối cùng, tình thương đã hoàn toàn biểu lộ trong một người, một gương mặt. Ðó là Yêsu Kitô.
"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình... để thế gian nhờ Người mà được cứu độ..." (Yn 3,16).
"Thiên Chúa đã không dung tha chính Con mình, nhưng lại trao phó Người cho tất cả chúng ta" (Rm 8,32).
Chúa Cha đã biểu lộ tình thương đối với loài người đến mức tối đa trong Ðức Yêsu Kitô, Con của Người. Và chính Ðức Yêsu Kitô cũng đã yêu thương chúng ta đến cùng độ:
"Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người chịu chết vì kẻ mình yêu thương" (Yn 15,13).
Ðức Yêsu chấp nhận chịu treo trên Thập giá để sức mạnh tình yêu có thể kéo mọi người lên với mình, nhưng với điều kiện là con người phải nhìn lên Thập giá và tin vào Người.
Tình thương không bao giờ cưỡng bách, nhưng đòi hỏi một thái độ rõ rệt đón nhận hay khước từ.
Ðức Yêsu Kitô đến, không để luận phạt thế gian, nhưng để cho thế gian được cứu rỗi.
Ai tin, nghĩa là đón nhận tình thương, thì được sống; ai không tin thì tự hủy diệt mình vì đã từ chối sự thật và ánh sáng.
Ðức Yêsu Kitô là dấu chỉ trọn vẹn tình thương của Chúa Cha, nên chỉ một mình Người có quyền đòi hỏi thái độ dứt khoát:
"Ai không theo Ta là chống lại Ta".
Ai không chọn yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa, nhưng sa lầy trong tội.
Ðối với Người, chúng ta không có con đường thứ ba.

Giảng Lễ
"Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống thế, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu rỗi".
Ðó là nội dung Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay. Tin Mừng đó đã được chuẩn bị từ thời Cựu Ước, nhưng chỉ được thực hiện từ thời Ðức Kitô.
Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng nhiều người, nhiều cách để loan báo ơn cứu độ mà Người sẽ thực hiện ở nơi Con Một là Ðức Yêsu Kitô. Người đã tỏ rõ ý chí của Người thương yêu nhân loại, không muốn thấy nhân loại chết đi như trong vụ đại hồng thủy nữa, nên đã ký kết một giao ước tình thương với gia tộc Noe, như ta đã nghe đọc trong Chúa nhật thứ nhất mùa Chay. Nhưng con cháu Noe đã không trung thành sống theo giao ước. Thiên Chúa không vì vậy mà bỏ kế hoạch tình thương. Người chọn một ngành trong gia tộc Noe để thực thi ý định. Abraham đã được chọn như Chúa nhật II mùa Chay còn nhắc lại. Và đến khi con cái Abraham đã trở nên đông đúc, Thiên Chúa quy tụ họ lại thành dân tộc, gọi là Dân riêng của Chúa. Và Chúa nhật III mùa Chay cho ta thấy Người ban hiến pháp giao ước cho dân tộc ấy. Tình thương của Người cứ bị họ lạm dụng. Ngay cả hàng tư tế trong dân cũng làm đủ điều ghê tởm, khiến chính đền thờ Yêrusalem đã trở nên ô uế. Nếp sống đồi trụy ấy dĩ nhiên đã mở đường cho địch quân xông vào tàn phá vườn nho của Chúa. Nhưng Chúa vẫn không quên lời giao ước. Bài đọc I hôm nay cho ta thấy Người dùng Cyrus khôi phục lại thánh đường Yêrusalem và dựng lại nước Israel. Cyrus, Môsê, Abraham, Noe chẳng qua chỉ là những hình ảnh báo trước việc chính Con Một Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc nhân loại. Và lần này phải dứt khoát và vĩnh viễn. Thế nên trong bữa tiệc ly chúng ta cử hành bây giờ qua thánh lễ, Ðức Kitô Cứu thế đã tuyên bố: Chén Máu Ngài cầm trong tay là chén Tân Ước vĩnh cửu, là Giao ước mới mẻ và vĩnh viễn. Chúng ta cử hành thánh lễ, là kỷ niệm và đúc kết lại tất cả con đường lịch sử cứu chuộc mà Thiên Chúa đã đi để cứu vớt loài người, hầu đưa họ vào tình thân mật thánh thiện, làm nên hạnh phúc cho chính họ. Ý thức nội dung của thánh lễ như vậy, chúng ta phải cố gắng để cử hành cho thật trang trọng và sâu xa. Và chỉ có một cách cử hành tốt, là đón nhận Ðức Kitô và kết hợp hoàn toàn với Người trong mầu nhiệm cứu thế.
Thế mà như lời Phúc Âm hôm nay viết: có nhiều người không đón nhận Ðức Kitô là Cứu thế, vì họ sợ ánh sáng, sợ công việc tối tăm của họ bị lộ tẩy khi tiếp xúc với ánh sáng. Họ muốn trốn ánh sáng, nhưng không thể trốn nổi, vì ánh sáng đã đến trong thế gian. Chúa đã đem lời Phúc Âm từ trời xuống; và lời Phúc Âm đã được rao giảng đến tai họ. Họ càng nhắm mắt lại, ánh sáng của Lời Chúa càng chiếu soi trong lòng họ, khiến họ phải nhận ra mình đang còn nhiều nết xấu, còn nhiều điều lệch lạc và phải canh tân sửa mình. Nhiều người sợ ánh sáng của Chúa chiếu soi lương tâm, nên tìm cách lo nghĩ những công việc thế tục hầu để lương tâm mình nằm yên trong tối tăm. Những người ấy không đón nhận ánh sáng, không đón nhận Chúa Yêsu. Họ dự lễ, rước lễ như để Chúa ở bên ngoài tâm hồn và đời sống. Ra khỏi nhà thờ, họ quên ngay những lời Thánh Kinh đã nghe và không còn nhớ Chúa ở trong tâm hồn mình nữa. Họ sẽ chạy theo hết mọi tiêu chuẩn của thế gian, khiến họ có đạo cũng dường như không có. Nhưng ai đón nhận ánh sáng thì khác hẳn. Họ sẽ đưa lời Kinh Thánh vừa nghe đọc vào trong mình; họ sẽ nhờ Chúa Thánh Thể đã ngự vào lòng họ. Sự hiện diện của Lời Chúa và của Thánh Thể sẽ soi sáng lương tâm. Tối tăm sẽ dần dần dẹp đi và tâm hồn sẽ trong sáng, đời sống họ sẽ trong sạch. Ðàng rằng ánh sáng của Chúa luôn cho ta thấy mình còn tội lỗi và khuyết điểm. Nhưng đó là thứ ánh sáng chữa lành mọi vết thương, giống như những người Dothái ngày trước nhìn vào con rắn đồng, đều được cứu sống. Bởi vì khi ánh sáng của Chúa soi cho lương tâm biết tội lỗi của mình, thì đồng thời nó cũng cho ta thấy những tội lỗi ấy có thể được đóng đinh trên thập giá Chúa Kitô. Và như vậy tự nhiên ta sẽ cầu xin Ðức Kitô ở trên thập giá tiêu diệt giúp tội lỗi cho ta và ta sẽ cảm thấy được lành mạnh.
Mùa Chay đang đi dần vào tuần Thương khó. Phụng vụ muốn ta chiêm ngưỡng thập giá Chúa Kitô. Như Môsê đã treo con rắn đồng lên để người Dothái nhìn vào hầu được cứu sống; thánh giá ngày này là nguồn ơn cứu độ mọi người, miễn là người ta thấy cần và muốn được cứu rỗi. Chúng ta không thể hưởng nhờ mọi ân phúc của mùa Chay, nếu không nhìn lên thánh giá như những người đang đau đớn vì tội lỗi. Việc xưng tội trong mùa Chay cần là vì thế. Việc kiểm điểm đời sống để chừa bỏ nết xấu là cùng chết với Ðức Kitô trong mầu nhiệm thương khó, hầu được sống lại với Người. Chúng ta đừng làm công việc thống hối, ăn năn với sức lực của mình. Bài thơ Phaolô đã nói rõ. Ơn cứu độ không đến với chúng ta qua sự nghiệp của ta đâu, nhưng qua niềm tin, tin vào lòng lân tuất của Chúa đã cứu ta qua mầu nhiệm tử nạn của Con Ngài. Chính đường lối cứu chuộc này khiến việc xét tội, ăn năn của ta không còn phải chỉ là một công việc nặng nề và tiêu cực. Nhưng khi xét tội ăn năn mà nhớ tới lòng Chúa đã rộng rãi với ta qua sự chết của Con Ngài, sẽ khiến công việc diệt tội của ta đã được nâng đỡ bằng mầu nhiệm Phục sinh rồi. Nói như vậy không phải để chúng ta làm công việc xét tội, ăn năn, dốc lòng một cách hời hợt. Ngược lại, nhìn vào thánh giá Ðức Kitô như nơi phải đóng đinh tội lỗi, chúng ta biết phải ăn năn thống hối thế nào mới được kết quả. Người muốn được ơn tha thứ và trở nên thánh thiện, phải đặt tất cả niềm tin vào thập giá Ðức Kitô và như vậy phải muốn tiêu diệt tội lỗi như Người. Người chấp nhận đóng đinh trong tình yêu mến Chúa Cha và thương xót loài người. Chúng ta cũng phải tiêu diệt tội lỗi với ý hướng mến Chúa và thương yêu đồng loại hơn. Nỗ lực canh tân đời sống, có nằm trong chiều hướng cứu thế, mới đóng góp, tham dự vào mầu nhiệm thánh giá và mới đưa tới việc tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh.
Thế nên ta phải gia tăng lòng mến để đi vào các tuần thương khó. Ta phải chia sẻ lòng Chúa Cha thương yêu muốn cho loài người được hạnh phúc, để bằng lòng kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chết cho tội lỗi.
Mầu nhiệm này ta sắp cử hành nơi bàn thờ. Thánh lễ hôm nay cũng như mọi thánh lễ, kêu gọi ta nhìn vào mầu nhiệm thánh giá như bằng chứng Chúa thương yêu loài người nên chịu chết cho loài người, để ta tham dự vào tình yêu ấy mà muốn canh tân đời sống để thế giới được hạnh phúc và thánh thiện hơn.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: II Chro 36:14-17, 19-23; Eph 2:4-10; Jn 3:14-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương Thiên Chúa cứu chuộc con người.
Con người thường đặt câu hỏi khi phải đối diện những tai ương tàn khốc: “Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại để con người phải chịu những hậu quả thảm khốc như thế?” Nếu không tìm được câu trả lời thích đáng, họ sẽ từ chối tin vào Thiên Chúa vì hai lý do: hoặc không có Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa không có lòng thương xót.
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta câu trả lời thích đáng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sử Biên Niên II tường trình cách vắn gọn tiến trình giáo dục con người của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách cuối cùng để con người nhận ra lầm lỗi của mình và để ngăn ngừa con người khỏi hư mất đời đời. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với con người qua biến cố Đức Kitô. Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để chúng ta có thể đạt được Ơn Cứu Độ là sự sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ: Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình. Mục đích của Ngài không là để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người Con mà được Ơn Cứu Độ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiến trình giáo dục của Thiên Chúa.
1.1/ Ngài dạy dỗ và cảnh cáo con người:
- Con người phạm nhiều tội và nhiều lần. Sách Sử Biên Niên chỉ nói cách tổng quát các tội: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Jerusalem ra ô uế.”
- Sai nhiều ngôn sứ đến cảnh cáo: Con người đã được Thiên Chúa dạy dỗ qua Lề Luật, họ đã biết những gì họ phải làm và hậu quả họ phải chịu nếu không giữ cẩn thận các Lề Luật. Tuy nhiên, vì tình thương, “Thiên Chúa vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người.”
1.2/ Ngài sửa phạt dân như lời Ngài đã cảnh cáo:
- Sau khi Thiên Chúa kiên nhẫn dạy dỗ dân qua Lề Luật và các Ngôn-sứ, và họ cố chấp không chịu nghe lời, Thiên Chúa dùng Vua Canđê như chiếc roi để sửa phạt dân: “Đức Chúa để cho vua Canđê tiến lên đánh họ; vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc. Đức Chúa trao tất cả họ vào tay vua Canđê. Quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Jerusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị.”
- Mục đích của việc sửa phạt là để cho dân nhận ra tội lỗi và hậu quả của nó, chứ không phải để thỏa mãn tính nóng giận mà để cho chết. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, dân chúng sẽ chết hết trong tội của họ. Khi Thiên Chúa sửa phạt, một số sẽ nhận ra tội lỗi, và bắt đầu cuộc hành trình trở lại với Ngài, để được Ngài xót thương. Như vậy, hình phạt cần thiết để tạo nên sự thống hối ăn năn, và để ngăn ngừa dân khỏi các hình phạt nặng nề hơn, nhất là cái chết.
1.3/ Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương:
- Thiên Chúa xót thương vì Ngài là Cha: Khi dân biết nhận ra tội của họ và thực lòng ăn năn thống hối, Thiên Chúa tha thứ và cứu dân khỏi hình phạt họ đang chịu. Ngài xót thương vì Ngài là Cha, và không một người cha nào muốn con mình phải hư mất. Ngài hòan lại tất cả những gì con cái Israel đã mất: quê hương, Đền Thờ, và Lời Hứa với các Tổ-phụ.
- Thiên Chúa có tòan quyền trên tất cả quyền lực của thế gian: Điều này chứng tỏ qua các sự kiện: Ngài dùng Vua Babylon như chiếc roi để sửa phạt dân; khi dùng xong, Ngài bẻ gãy chiếc roi bằng việc trao đế quốc Babylon vào tay Cyrus, Vua Ba-tư. Chính Vua này lại trở thành khí cụ Chúa dùng để phóng thích dân Do-thái, cho về để tái thiết lại quốc gia và Đền Thờ. Điều này đã được Thiên Chúa báo trước qua lời ngôn sứ Jeremiah; để khi xảy ra, dân chúng biết đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt trước bởi Thiên Chúa, để họ tin vào Ngài.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu.
2.1/ Thiên Chúa tỏ tình yêu cho con người qua Đức Kitô:
- Đức Kitô đến để lấp đầy khỏang cách xa lạ giữa con người và Thiên Chúa: Tội lỗi làm con người mặc cảm và xa lánh Thiên Chúa; Đức Kitô đến để mời gọi con người quay về với tình yêu Thiên Chúa.
- Ngài nâng cao địa vị và phẩm giá con người: “Họ là con Thiên Chúa và Ngài yêu thương họ.” Tội lỗi làm mất đi các đặc quyền con người được hưởng như một người con của Thiên Chúa. Đức Kitô đến để phục hồi cho con người quyền làm con. Dụ ngôn Người Cha nhân hậu dẫn chứng rõ ràng điều này.
- Ngài hướng lòng con người lên những điều tốt lành thánh thiện và giải thóat con người khỏi xiềng xích của tội, Ngài cho con người cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa.
- Ngài cứu con người khỏi chết và cho con người được cùng sống lại với Đức Kitô. Chính do Đức Kitô mà con người đạt được đích điểm Thiên Chúa đã phác họa cho con người.
2.2/ Chúng ta được cứu độ là do bởi ân sủng của Thiên Chúa:
- Hòan tòan là do bởi ân sủng của Thiên Chúa: Con người không thể làm gì để đạt Ơn Cứu Độ, vì tất cả đều phạm tội, và như một hậu quả, tất cả đều đáng phải chết. Nhưng tại sao con người không phải chết là hòan tòan do lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài cho Người Con Một của mình để chết thay cho nhân lọai. Điều Thiên Chúa mong muốn là con người hãy tin vào Người Con; và qua niềm tin này, con người sẽ nhận được Ơn Cứu Độ: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.”
- Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa: “Chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” Như nguyện ước của các cha mẹ khi sinh con ra đời, họ muốn con nên người và đạt được mọi kỳ vọng họ đặt nơi con. Để giúp con đạt được những kỳ vọng này, họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Thiên Chúa cũng thế, Ngài cho con người ra đời là muốn tất cả đạt tới Ơn Cứu Độ. Để giúp con người đạt đích, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả việc cho đi chính Ngài qua Mầu Nhiệm Thập Giá.
3/ Phúc Âm: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người.
3.1/ Nhờ Đức Kitô chịu khổ hình, con người được hưởng ơn Cứu Độ: Chúa Giêsu dùng biến cố “rắn lửa cắn dân chết” trong Sách Dân Số, để loan báo trước về Cuộc Khổ Nạn của Người:
- Như nọc độc của rắn làm dân phải chết, nọc độc của tội cũng làm dân phải chết (Num 21:4-9). Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Chúa Kitô cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để cứu chuộc con người.
- Điều kiện để được chữa khỏi nọc độc của rắn là phải nhìn lên con rắn đồng trong sa mạc; điều kiện để được sống muôn đời là nhìn lên Cây Thập Giá và phải tin vào Đức Kitô. Khi nhìn lên Thập Giá, con người phải hiểu được tình thương Thiên Chúa dành cho con người; khi Ngài cho Người Con Một là Ngài cho chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
3.2/ Thiên Chúa không kết án thế gian, con người lên án chính mình:
- Tình thương không có chỗ cho buộc tội, kết án: Mục đích của việc Chúa Cha sai Người Con tới là để gánh tội và chết cho con người: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
- Con người kết án chính mình khi từ chối tình yêu Thiên Chúa, và không tin vào Đức Kitô: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”
3.3/ Bản án của con người: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.”
- Ánh sáng và bóng tối: Ánh sáng là chính Đức Kitô, là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Khi Đức Kitô đến, Ngài buộc con người phải làm quyết định: tin hay không tin vào Ngài. Bóng tối là tội lỗi, là những cám dỗ bất chính của Satan.
- Con người có tự do lựa chọn: Họ có thể chọn ra ngòai ánh sáng hay ở trong bóng tối, chọn Thiên Chúa hay chọn ma quỉ. Khi con người chọn đàng nào, con người phải chấp nhận hậu quả của nó. Chọn ánh sáng sẽ dẫn con người tới Ơn Cứu Độ; chọn bóng tối sẽ làm cho con người phải chết muôn đời. Con người lên án chính mình bằng ngoan cố ở trong bóng tối.
- Theo Gioan, Thiên Chúa chẳng cần phán xét con người, họ phán xét chính mình. Con người cũng chẳng cần phải đợi Ngày Phán Xét; chính lúc con người lựa chọn ở trong bóng tối là con người tuyên án cho chính mình (Realized eschatology, “phán xét ngay hiện tại” là thế). Phán xét tương lại hòan tòan tùy thuộc vào phán xét hiện tại.
- Kẻ làm điều gian ác thích ở trong bóng tối, vì sợ nếu ra ngòai ánh sáng, các tội lỗi của mình sẽ bị lật tẩy. Điều này chúng ta dễ nhận ra vì đa số các tội ác xảy ra ban đêm và những chỗ vắng vẻ không người, như lời Tin Mừng hôm nay: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”
- Ngược lại, người làm điều chân thật lại thích ở trong ánh sáng để tránh mọi nguy hiểm do bóng tối mang lại: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tiến trình giáo dục của con người giúp chúng ta nhận ra tiến trình giáo dục của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách thế sau cùng Thiên Chúa dùng trong tiến trình giáo dục.
- Ngay cả khi xử dụng hình phạt, tình thương của Thiên Chúa vẫn chiếu sáng. Nếu không có hình phạt, con người sẽ không nhận ra lỗi lầm của mình.
- Cần nhìn tòan thể Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trước khi con người có thể phê bình cách thức của Ngài dùng. Nếu chỉ nhìn vào một biến cố, con người dễ mất niềm tin nơi Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

15/03/15 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – B 
Ga 3,14-21

Suy niệm: Cuộc chuyện trò giữa Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô không đơn thuần là một cuộc trò chuyện xã giao, mà còn là lúc Chúa Giê-su tự mặc khải Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian. Nơi Chúa Giê-su và nhờ Chúa Giê-su, chúng ta mới được biết rõ về mầu nhiệm của Thiên Chúa và đường lối của Người. Ngài là hiện thân của tình yêu thương của Thiên Chúa – nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su tỏ rõ cho con người biết lòng Chúa Cha yêu thương con người cách trọn vẹn.
Mời Bạn: Hạnh phúc của con người là yêu và được yêu. Khi cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương, một cách tự nhiên, chúng ta chỉ có một cách đáp đền đó là yêu mến Ngài bằng cách sống theo Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương với anh chị em đồng loại. Cách sống yêu thương đó là lời chứng cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa Là Tình Yêu. Mời bạn nhìn ngắm Chúa Giê-su trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài để nhận ra “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” và cũng để nhận ra nơi Đức Giê-su mẫu gương tuyệt hảo của việc đáp đền tình yêu Chúa, đó là:“Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy vui sướng và bình an khi cảm nghiệm rằng bạn đang được Chúa yêu thương không?
Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái cho người thân cận để đáp lại tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hòa Bình.

CHUỘNG TỐI HƠN SÁNG

Suy nim:
Cúp điện bất ngờ là điều gây khó chịu.
Trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng
để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu.
Nói chung chẳng ai thích bóng tối,
vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.
Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối.
Bóng tối của quán bia ôm, của karaokê, của sàn nhảy...
Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối.
Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ.
Bóng tối trong tâm hồn cần có bóng tối ở ngoài.
Nó sợ ánh sáng làm lộ chân tướng.
“Ánh sáng đã đến thế gian,
nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,
vì các việc họ làm đều xấu xa”.
Ghét ánh sáng, chuộng bóng tối:
đó là thảm kịch nơi lòng con người,
bởi lẽ con người được sinh ra để sống cho ánh sáng.
Lắm khi người ta từ chối tin vào Ðức Kitô,
từ chối đến với ánh sáng và sự thật,
chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá.
Những lý do biện minh cho sự từ chối này
thường đến sau khi đã chọn lựa.
Cần thay đổi cuộc sống để tin hơn vào Thiên Chúa,
nhưng cũng cần can đảm đến với ánh sáng
dù biết mình đang chìm trong bóng tối;
hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối
mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.
Ðừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà.
Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình,
bắt ta đối diện với sự thật trần trụi về mình,
để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui.
Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối
đó là trở lại với ánh sáng,
bằng cách ngước nhìn lên...
Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành
nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ.
Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời
nhờ tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu bị treo trên thập giá.
Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau,
nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.
Kitô hữu không phải là người tôn thờ đau khổ,
nhưng là người say mê tình yêu:
tình yêu của Cha khi trao ban người Con yêu dấu,
tình yêu của Con khi hiến tặng mạng sống mình.
Nhiều nơi đã đặt tượng Chúa phục sinh trên thập giá,
nhờ đó bầu khí nhà thờ tươi vui hơn.
Nhưng ta vẫn không được quên nhìn lên
thân xác bầm tím nát tan của Ðức Giêsu trên Núi Sọ.
Ước gì tôi biết nhìn lên tình yêu bị treo
và trở lại với ánh sáng
để ánh sáng đưa tôi vào sâu hơn trong tình yêu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.

Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG BA
Những Chuẩn Mực Rõ Ràng Để Sống
Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ…
Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng…,
Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh…,
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…,
Ngươi không được giết người.
Nguơi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, vợ người ta … hay bất cứ gì khác của người ta.
Xh 20,2.7-8.12-17
Giáo Hội rao giảng Thập Giới được trao cho con cái It-ra-en tại Núi Si-nai. Đây là Luật của Thiên Chúa, thể hiện những gì Thiên Chúa dạy bảo để con người sống một cách ngay chính. Những chuẩn mực sống này mở cho ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa về điều thiện và điều dữ luân lý. Những chuẩn mực này chính là luật luân lý.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15-3
Chúa Nhật IV Mùa Chay
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21.

LỜI SUY NIỆM: “Thật, tôi bảo thật ông; không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”
Trong câu chuyện giữa Chúa Giêsu với ông Ni-cô-đê-mô cho chúng ta thấy được mọi sự hiểu biết của con người không thể khám phá ra hết ơn của Thiên Chúa đã ban cho. Chỉ khi con người được sinh bởi ơn trên. Để trở thành những Ki-tô hữu, con người cần phải tái sinh trong Bí Tích Rửa Tội, đồng thời luôn phải nhận lãnh ơn đức tin: “Tin để học và học để tin”.
Trong triều đại Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nhiều lần, ngài gặp gỡ khách hành hương, như đầu năm mới 2015 này; ngài nhắc mọi người nhớ đến ngày Rửa tội của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Ơn đức tin của tất cả chúng con đều do bởi tình thương của Thiên Chúa ban cho để được ơn cứu độ. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn học biết về Chúa để có một đức tin chính chắn và bền vững luôn.
Mạnh Phương


15 Tháng Ba
Ðời Là Một Chuyến Ði
Một tác giả nọ đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau:
Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ nhà thờ có thói quen mà không ai có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến cho người tổng đài trong vùng và hỏi giờ. Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã đặt câu hỏi: "Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin cho ông biết lý do hỏi giờ như thế mỗi ngày?". Ông từ nhà thờ mới giải thích: "Ồ, có gì đâu. Tôi là người phải kéo gác chuông mỗi ngày vào giờ ngọ. Tôi cần biết giờ chính xác".
Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra. Ông nói với ông từ nhà thờ như sau: "Thật là buồn cười. Trong khi ông hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi lại điều chỉnh đồng hồ theo tiếng chuông của ông".
Tác giả của câu chuyện trên đây kết luận rằng: cuộc sống quả là một bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời. Chúng ta cần một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, Chủ tế của sự sống.
Kinh thánh, Lời của Chúa, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Noe xuống tàu, qua Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Ðức Maria và cả cuộc đời không ngừng di động của Ðức Kitô: tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình Ðức Tin của người Kitô chúng ta.
Ðời là một cuộc hành trình... Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng những năng động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi; vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm... Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ...
Ðời là một cuộc hành trình. Ðức Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tị nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình... Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình.
Qua cuộc hành trình không nghỉ ngơi ấy, Ðức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: "Ta là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống".
Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta... Ngài là Con Ðường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng Con Ðường của Ngài chính là Con Ðường của yêu thương và phục vụ... Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên Con Ðường của Ngài.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét