18/03/2015
Thứ Tư Tuần IV Mùa
Chay Năm lẻ
BÀI
ĐỌC I: Is 49, 8-15
"Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Đây
Chúa phán: "Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ,
Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân,
để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với
tù nhân rằng: 'Các ngươi hãy ra', và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng:
'Các ngươi hãy ra ngoài sáng'. Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi
trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời
không làm khổ họ, vì Đấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến
uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường đi, và các lối
đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa những kẻ từ hướng
bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.
Trời
hãy ca ngợi, đất hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi
dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.
Nhưng
Sion nói: 'Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi'. Nào người mẹ có thể quên con
mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó
có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu". Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 144, 8-9. 13cd-14. 17-18
Đáp: Chúa
là Đấng nhân ái và từ bi (c. 8a).
1)
Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi
loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.
2) Chúa
trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm.
Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.
- Đáp.
3) Chúa
công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi
mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Đáp.
CÂU
XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2
Đây
là lúc thuận tiện. Đây là ngày cứu độ.
PHÚC
ÂM: Ga 5, 17-30
"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì
Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng
làm việc như vậy". Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì
không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha
mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Quả
thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu
không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy.
Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm,
và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán
phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế
nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa,
Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi
người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa
Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Quả
thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được
sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật,
quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con
Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi
chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và
Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc
nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và
ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ
thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử
vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã
sai Ta". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM : Công Việc Của Cha.
Một
họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm
được nhiều khách hàng. Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu.
Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân
dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say
rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc. So với những khách hàng
khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ.
Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc
nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong vức chân dung một nụ
cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình
được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy. Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc
đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi”. Nhà nghệ sĩ trả lời một cách
khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông,
đây là con người mà ông phải đạt đến”.
Mùa
chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở
về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên
Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như
cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái. Giáo Hội muốn chúng ta tìm lại
được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể
nhận ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.
Tin
Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn sống
cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng
đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con
đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa
Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Người Do Thái kết án Ngài không những vì
Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa
Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Cái chết của Chúa
Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng
và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.
Mùa
chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo Hội, đó là
hãm dẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những
hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang Phục Sinh của Ngài, nghĩa
là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm mức
viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi
ngày họ cố gắng họa lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã
nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút
cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV MC
Bài đọc: Isa 49:8-15; Jn
5:17-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu
thương chăm sóc dân Người.
Tình
yêu Thiên Chúa được các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình
yêu, nhưng không có hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ:
Thân mật như tình yêu vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn
có sự phản bội. Bao la như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ
và đang tâm giết hại con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây
nho và cành, nhưng không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu
thương.
Các
Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I,
tiên-tri Isaiah muốn nói với dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn
hằng quan tâm săn sóc họ. Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi
lưu đày và đưa họ về quê hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục
Tử để chăn dắt dân và lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu
thương nhân lọai, Thiên Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu
thương, chăm sóc, và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.
1.1/
Viễn tượng về ngày Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật hôm
nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu Đày.
Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa đã có
kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan báo:
“Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ.
Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở,
để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: "Hãy đi
ra," với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài."”
Thiên
Chúa là Mục Tử, chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên,
chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi
hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ,
vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn
trào.” Đây là hình ảnh báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố
Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn
10:10-11).
1.2/
Thiên Chúa không bao giờ lãng quên dân Người.
(1)
Thiên Chúa vẫn nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh
cực khổ của nơi lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi,
nhiều người đã từng thốt lên: "Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên
tôi rồi!"
Thực
ra, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng
minh tình thương Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi,
khuyến khích, và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân
biết nhận ra tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn
lưu đày. Dân mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó
sẽ là ngày mừng vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật
tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ
nghèo khổ của Người.”
(2)
Tình của Thiên Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la
hơn tình mẫu tử; nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình
ngay khi còn là bào thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho
con người, khi Ngài nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng
thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta
cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
2/
Phúc Âm:
Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.
2.1/
Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu
vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong
ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc,
thì tôi cũng làm việc."
Thiên
Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu
điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc
tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên
Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy;
các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như
các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo
dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu
thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói
với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta
cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái
lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại
còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với
Thiên Chúa.
2.2/
Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.
(1)
Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế
nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua
những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương
11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban
sự sống của Ngài.
Sự
sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống
thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi
mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con
người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống
thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống
lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.
(2)
Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người
Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ
nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người
Con.”
Chúa
Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình
khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà
Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như
Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống
đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên
Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng
ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ,
chữa lành, và chết cho chúng ta.
-
Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có
thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu
thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta
cho Ngài?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Suy niệm: Sự
sống phải tăng trưởng và tăng trưởng đến viên mãn, đó là qui luật tất yếu của
mọi sinh vật; nếu không tăng trưởng, cơ thể sẽ bị hoại tử, và sự sống đó sẽ tàn
lụi. Trong bình diện thiêng liêng, sự sống đời đời cần phải được tăng trưởng
nơi linh hồn ta theo ngày tháng, nhờ các bí tích (đặc biệt bí tích Thánh Thể)
và nhờ Lời Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: “Ai ăn Ta sẽ sống nhờ Ta”
(Ga 6,57), “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời”
(Ga 6, 54) và “Ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5, 25). “Lời Ta là thần khí và là sự
sống” (Ga 6, 63b).
Mời Bạn: Trong
những năm Tân Phúc-Âm-hoá này, chúng ta được mời gọi chuyên cần đọc và
nghe, suy và sống Lời Chúa. Lời Chúa đã được trao vào tay ta, đặt trên môi
miệng ta, rót vào tai ta. Và mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống Lời Chúa. Bạn có
thật sự khao khát được sống và sống dồi dào không? Sự sống đời đời có thể lớn
lên trong bạn không? Điều ấy hoàn toàn có thể được nhờ việc bạn năng lãnh nhận
lương thực thần linh là Mình Máu Thánh Chúa và Lời Ngài nhiều hết sức có thể,
tức là hằng ngày.
Chia sẻ: “Ta đến để cho chiên được sống
và sống dồi dào” (Ga 10,10). Chúa thiết tha đến sự sống đời đời của chúng ta lắm,
vậy bạn hãy mạnh dạn chia sẻ điều này với mọi người thân quen, và cùng nhau đến
với Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để được sống mạnh mẽ.
Sống Lời Chúa: Năng
nguyện tắt bằng những lời tâm tình với Chúa.
Cầu nguyện: Năng tâm sự với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng
con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”
(Ga 6,68b).
Không thể làm gì tự mình
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu,
người được Cha sai. Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn
như Giêsu.
Suy niệm:
Văn Cao chẳng những là một
nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một
văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông
làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua
mình, dám vượt qua cái tôi của mình,
người ấy mới có gì để lại
cho hậu thế.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm
vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình,
nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo
coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng
vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi
vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao
giờ phạm thượng đến Cha.
Ngài không hề tự coi mình là
Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng
phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được
Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.
Sống tùy thuộc trọn vẹn vào
Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con
người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói
bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy
Cha làm (c. 19).
Con chỉ nói điều mình nghe
Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong
thân,
nhưng chính khi lệ thuộc vào
Cha mà Con được tự do trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống
đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao
cho Con tất cả những gì Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình
những gì có thể trao được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c.
20).
Cha cho Con được quyền tùy ý
ban sự sống như Cha (c. 21).
Cha cho Con được như Cha,
nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền
xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra
khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn
kính Con như tôn kính Cha (c. 23).
Con được quyền năng như Cha
là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu
sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là
nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với
Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên
Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?
Ta sẽ để lại được nhiều điều
cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính
chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của trái
tim,
tự do trước những thành kiến
của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi
tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé
nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do
như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng
buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người
tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế
lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói
sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau,
nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân
loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18
THÁNG BA
Hệ
Tại Ở Tấm Lòng
Giáo
Hội kêu gọi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa. Tin Mừng nhắc chúng ta rằng việc
hòa giải hệ tại ở tấm lòng. Cốt lõi của đời sống đức tin chính là một thái độ
đúng đắn đối với chính mình và đối với Thiên Chúa. Nếu chúng ta là những môn đệ
đích thực và những chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta không thể sống mà không
tìm kiếm sự hòa giải bên trong tâm hồn mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không
thể ở lại trong tội lỗi, cũng không thể tiến bước trên đường về nhà Cha bằng …
nửa tấm lòng – trong khi Cha đang nóng ruột quay quắt chờ mong trông thấy bóng
ta trở về!
Qua
dụ ngôn Người Con Đi Hoang, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy sức mạnh và cái đẹp
của sự giao hòa bằng cách đánh động không chỉ trí năng của ta mà cả óc tưởng tượng,
trái tim và lương tâm ta nữa. Biết bao con người trong các thời đại đã qua, và
biết bao con người thời nay đã gặp đi gặp lại nơi dụ ngôn này câu chuyện riêng
tư của chính mình!
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
18-3
Thánh
Cyrillô Giêrusalem, tiến sĩ Hội Thánh
LỜI
SUY NIỆM: “Chúa Cha làm cho kẻ
chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho
ai tùy ý. Quả thật Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi
quyền xét xử.”
Trong
diễn từ về công việc của Chúa con. Chúa Giêsu đã cho người Do-thái biết, Người
đang làm những công việc mà Chúa Cha đang làm, và còn cho họ biết Thiên Chúa
chính là Cha của Người. Chính Người đang được Chúa Cha cho thấy những công việc
của Ngài đang làm; như Chúa Cha đã làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban cho họ sự sống
thế nào thì Người cũng làm như vậy; cũng như Chúa Cha không xét xử bất cứ ai
nhưng lại trao cho Người có quyền xét xử. Nên những ai tin vào Người là tin vào
Thiên Chúa và sẽ được sự sống đời đồ, và khỏi bị xét xử, nhưng từ cõi chết bước
vào cõi sống.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa mang thân xác của con người mà đến với chúng con. Xin ban cho
mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn nhận ra Chúa là Thiên Chúa của con
là Đấng Cứu Độ chúng con, để cuộc đời của chúng con luôn được đổi mới, được sống
và sống đời đời.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
18-03: Thánh CYRILÔ Thành GIÊRUSALEM
Xi-ri-lô
nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong
linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem.
Một
phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy
trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi
sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải
dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà
chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành
hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều
lương dân và người Do thái trở lại, Xi-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết
hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục
đích đầu tiên của Xi-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì
không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của
Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ
thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các
giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu,
người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : - "Hãy in dấu
thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn.
Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu
thánh giá trong mọi hành động".
Là
mục tử gương mẫu, thánh Xi-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những
kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bệ đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại
tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng
nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà
vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn
phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và
không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định
xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ
về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết.
Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh
miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân
lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
iữa
những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết
rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người
Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người
Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.
Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất,
thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được.
Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Xi-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông.
Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang
khi lo lắng cho địa phận mình, Xi-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời
Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới
thời vua Gratianô.
Ngài
đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức
Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Xi-ri-lô. Đây là chứng
tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.
(daminhvn.net)
18
Tháng Ba
Ðất Thánh
Một
giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà
thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh
nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với
sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời
kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế
nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ.
Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người
bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là
hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng
cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa
lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn
hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ
đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn
thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải
chịu cảnh đói khát.
Sống
bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi
nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và
tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn
bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc
thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ
người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh
cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng
chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở
làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng
một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi,
hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp
gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy
đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều
thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà
thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà
thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người
anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ
phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận...
Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ
trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến
nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải
chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của
san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có
ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà
người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét