Trang

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

02-04-2015 : THỨ NĂM TUẦN THÁNH

02/04/2015
Thứ Năm Tuần Thánh

LỄ LÀM PHÉP DẦU
BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-3a. 6a. 8b-9
"Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, và cho họ dầu hoan lạc".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta; an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn.
Còn các ngươi, các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa, là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta. Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 21-22. 25 và 27
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
1) Ta đã gặp Đavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người. - Đáp.

2) Thành tín và ân sủng của Ta, hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và là Đá Tảng cứu độ của con". - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8
"Người đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của người".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kià, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: "Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh". Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Is 61, 1
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó.

PHÚC ÂM: Lc 4, 16-21
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Đó là lời Chúa.


THÁNH LỄ
TƯỞNG NIỆM BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA
BÀI ĐỌC I: Xh 12, 1-8. 11-14
"Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: "Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Đáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).
1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Đáp.

2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. - Đáp.

3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
"Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến". Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 13, 34
Chúa phán: "Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Bữa Tiệc Giao Ước
Phụng vụ chiều thứ Năm Tuần Thánh vẽ lại trước mắt chúng ta quang cảnh bữa tiệc ly, lúc mà Chúa Yêsu thết đãi các môn đệ bữa tiệc Giao ước mới trong khuôn khổ bữa tiệc Vượt qua của truyền thống Dothái. Bầu khí Phụng vụ hôm nay, cũng như cả Tuần Thánh này, mang một vẻ trang trọng, bi thống, phản ảnh phần nào bầu khí bi thống, trầm trọng vào những ngày cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Chúa Yêsu. Lúc ấy cả thành Yêrusalem xôn xao, náo nhiệt, đón mừng ngày lễ lớn nhất của niên lịch Phụng vụ. Từng đoàn người hành hương, gốc Dothái cũng như Hylạp, tuôn về thành Thánh (Yn 11,55-57; 12,20). Giới lãnh đạo tìm kế ám hại Chúa Yêsu (Yn 11,57) trong lúc phần đông dân chúng lại ngưỡng mộ Người và đã dành cho Người một cuộc tiếp đón hết sức nồng nhiệt (Yn 12,12-19). Bầu khí căng thẳng kịch liệt... chắc chắn sẽ xảy ra một biến cố quan trọng gì đây.
Phía Ðức Yêsu: Người biết rõ giờ Người đã điểm (Yn 12,23; 13,1) và Người đi vào giờ định mệnh ấy với tất cả ý thức sáng suốt và quả cảm. Người biết: Người sẽ chết. Nhưng là một cái chết vô cùng hệ trọng: một cái chết tự nguyện để tuân hành thánh ý Chúa Cha; một cái chết vô tội để chuộc tội cho cả loài người. Những hành động Người sắp làm sẽ đánh dấu khúc quẹo định đoạt của lịch sử cứu độ: Người hoàn tất những gì Thiên Chúa đã bắt đầu với dân Dothái trong quá khứ và khai mạc một kỷ nguyên cho tương lai nhân loại: kỷ nguyên Giao ước mới và vĩnh viễn. Ta phải suy niệm về ý nghĩa bữa tiệc Giao ước trong bối cảnh ấy.

I. Bữa Tiệc Vượt Qua Của Người Do Thái
Chúa Yêsu là một người Dothái. Ðã bao lần Người cử hành lễ Vượt qua với gia đình và đồng bào của Người. Nay là lần cuối cùng (Lc 22,15-16). Người ăn bữa tiệc cổ truyền tưởng niệm cuộc giải phóng dân tộc Người khỏi ách nô lệ Aicập. Biến cố chính trị xã hội ấy đã xảy ra 13 thế kỷ trước đó và hàm chứa những ý nghĩa tôn giáo, mà truyền thống tiên tri và tư tế đã dần dà khai triển thành một nền thần học linh động, bén rễ sâu xa trong đời sống phụng vụ và xã hội của mọi tầng lớp quần chúng. Cuộc giải phóng ấy là cơ hội cho dân Dothái cảm nghiệm hồng ân của vị thần linh toàn năng duy nhất đã thương cứu vớt, quy tụ, hướng dẫn và thanh luyện họ để lập giao ước ân tình với họ. Người là Thiên Chúa sống động đã chứng tỏ sự hiện diện của mình qua những hành vi lịch sử.
Ý Nghĩa Nguyên Thủy Của Lễ Vượt Qua: (Xh 12,1-8.11-14). Từ ban đầu việc cử hành lễ Vượt qua hằng năm vào mùa Xuân gồm nghi thức sát tế chiên con, lấy máu bôi lên cửa làm dấu hiệu cho Thiên Chúa thấy mà bỏ qua, không giết hại các trưởng nam Dothái, khi Người đi qua đất Aicập để trừng phạt những kẻ áp bức Dân Người. Bởi đó dân Dothái đáng được gọi là "Trưởng tử của Yavê" vì đã được Người để cho sống và đánh đổi với các trưởng tử Aicập. Nhưng phần trọng tâm của cuộc lễ chính là bữa tiệc hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa. Hành động cứu thoát của Thiên Chúa đã khai sinh ra một dân tộc tự do, thì bữa tiệc hằng năm tưởng niệm cuộc Vượt qua ấy nhằm tạo lại và củng cố ý thức cộng đoàn dân tộc. Trong bữa tiệc, tất cả mọi người Dothái biểu dương tình đoàn kết liên đới với nhau và sự hiệp thông với vị Thiên Chúa cứu độ họ. Số người dự tiệc phải đạt tới một mức tối thiểu nào đó - thường là một nhóm từ 10 đến 12 người -, không phải chỉ để ăn cho hết một con chiên nướng, nhưng còn để nói lên tính cách tập thể của ơn cứu độ. Khung cảnh bình thường là gia đình, và chính gia trưởng chủ tọa bữa tiệc. Ðể cho đủ túc số, gia trưởng phải mời những người đồng đạo trong thôn xóm tới để chia sẻ bữa tiệc tưởng niệm hồng ân nhưng không ấy của Thiên Chúa.
Cuộc giải phóng ra khỏi Aicập xảy ra một cách vội vã trong một bầu khí căng thẳng: Dân phải cảnh giác, phải hành động nhanh chóng và ở trong tư thế sẵn sàng lên đường để được cứu thoát. Chính Thiên Chúa cũng đã canh thức để kịp thời đến tiếp cứu Dân mình. Là những du mục và lữ khác, họ phải dùng bánh không men, ăn lễ Vượt qua, vì họ không có đủ giờ để cho men dậy, và nhất là vì thứ bánh ấy tượng trưng cho tâm hồn trong sạch, thanh thoát, không dính bén, không sa lầy trong kiếp sống nô lệ. Rau diếp đắng nhắc lại khía cạnh chua xót của kiếp vong nô của người Dothái ghi nhớ hồng ân cứu độ, và tăng cường cho ý nghĩa thanh luyện tâm hồn để họ xứng đáng đón nhận những hồng ân khác của Người.
Thật vậy, bữa tiệc Vượt qua của truyền thống Dothái hiện đại hóa hành động cứu độ của Thiên Chúa đã khai sáng ra họ thành một dân tộc tự do và bữa tiệc ấy cũng mở ra một viễn tượng tương lai cho họ: họ hy vọng, chờ đợi những hành động lớn lao của Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn họ, như sau khi họ đã lên đường xuất hành, Người còn ra tay giúp họ vượt qua Biển Ðỏ, thoát khỏi tầm tay kẻ thù.
Ý Nghĩa Nới Rộng Của Lễ Vượt Qua: Qua các thời đại, Bữa tiệc Vượt qua vẫn là một nghi lễ tưởng niệm: máu chiên sát tế bôi lên cửa nhà tư nhân - hoặc sau này rưới lên bàn thờ trong Ðền thánh - là dấu hiệu nhắc Thiên Chúa nhớ lại lòng thương của Người, để Người tiếp tục cứu độ Dân, cũng như cầu vồng là dấu hiệu nhắc Người nhớ lại giao ước đã ban cho Noe (Kn 9,16-17), nghi thức cắt bì là dấu hiệu nhắc lại Giao ước với Abraham (Kn 17,11) và ngày hưu lễ Sabbat là dấu hiệu của Giao ước Sinai (Ez 20,12). Các dấu hiệu ấy cũng nhắc nhở dân nhớ lại các hồng ân họ đã nhận được, để cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa và để tuân giữ các điều lệ của giao ước một cách trung thành.
Các suy tư thần học qua các thế hệ, nhất là các thế hệ hậu lưu vong từ thế kỷ thứ 6, đã ghép thêm vào lễ Vượt qua những ý nghĩa khác nữa. Ngay ý nghĩa giải phóng cũng đặt thêm chiều rộng và chiều sâu; một tiên tri Ezêkiel đã không ngần ngại đồng hóa Aicập với đất tội lỗi, và như thế giải thoát khỏi Aicập có nghĩa là giải thoát khỏi ách nô lệ (Ez 20,7-9). Cuộc giải phóng khỏi Aicập cũng được xem như là một cuộc tạo dựng, vì Thiên Chúa đã khai sáng ra một dân tộc tự do. Lễ Vượt qua mà người Dothái cử hành hàng năm nhằm hiện-đại-hóa cuộc sáng tạo ấy đối với tập thể dân Chúa và đối với từng cá nhân, khi họ xác tín rằng Thiên Chúa sẽ tái tạo tim cho họ (Tv 51,12; Ez 36,26-27).
Chính cái kinh nghiệm thiết thân ấy về hành động "cứu độ-sáng tạo" của Thiên Chúa đã giúp dân Dothái đón nhận và hiểu được những ý tưởng về việc tạo thiên lập địa. Thật vậy, xét về thứ tự thời gian, họ đã được cảm nghiệm khía cạnh cứu thế trước khi ý thức về khía cạnh tạo hóa của mầu nhiệm Ðức Yavê. Và khi suy niệm về hoạt động sáng tạo của Người, họ có một cái nhìn rộng lớn bao trùm cả nguồn gốc lẫn cánh chung, cả quá khứ lẫn tương lai, vì theo họ, Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa từ nguyên thủy cho đến chung tận, và Người không ngừng hoạt động để thiết lập vương quyền của Người khắp hoàn vũ và trên mọi tâm hồn. Còn máu chiên sát tế của lễ Vượt qua thì làm cho họ liên tưởng tới ý định của tổ phụ Abraham tế con một yêu dấu của mình (Kn 22). Hình ảnh Isaac cam lòng chịu chết có một cái gì giống như con chiên hy sinh của lễ Vượt qua. Và khuôn mặt của Abraham trong thời khai nguyên lịch sử cứu độ cũng như khuôn mặt của Môsê trong cuộc xuất hành hướng về Ðất Hứa luôn gợi lại Giao Ước của Yavê ban cho Dân Người.
Tóm lại: Bữa tiệc Vượt qua của người Dothái mà Chúa Yêsu ăn lần cuối cùng với các môn đệ tại Yêrusalem năm 30 mang tất cả các ý nghĩa ấy, đó là: tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Aicập và ách nô lệ tội lỗi; tưởng niệm và hiện-đại-hóa hành động cứu độ, sáng tạo ra Dân Chúa và sáng tạo ra tâm hồn mới cho mọi người; tưởng niệm và hiện-đại-hóa Giao Ước tình yêu Thiên Chúa ban cho dân Người đã tuyển chọn. Bữa tiệc Vượt qua còn mang thêm một nguyện ước; cho Nước Trời trị đến. Chính Chúa Yêsu đã làm chứng cho điều ấy lúc Người nói với các môn đệ:
"Ta sẽ không còn ăn lễ Vượt qua này nữa, cho đến khi nó sẽ hoàn tất trong Nước Trời" (Lc 22,16).
Chặng đầu của tiến trình hoàn thành ấy là cái chết của Chúa Yêsu, mà bữa tiệc Thánh Thể là nghi lễ tưởng niệm; còn chặng cuối cùng sẽ là bữa tiệc Thiên quốc mà các thánh sẽ cùng ăn với Chúa Yêsu Phục sinh nơi Trời mới và Ðất mới.

II. Bữa Tiệc Giao Ước Mới Và Vĩnh Viễn
Lần cuối cùng, Chúa Yêsu ăn Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Dothái với các môn đệ. Nhưng trước và sau bữa tiệc ấy, Người thết đãi họ thêm một món ăn và một món uống làm thành Bữa Tiệc Thánh Thể ám chỉ cuộc Vượt qua của Người. Chính Người không ăn bữa tiệc phụ trội ấy, vì Người vừa là chủ đãi tiệc vừa là của ăn đem ra thết đãi thực khách; Người vừa là tư tế vừa là của lễ. Trong bữa tiệc Vượt qua truyền thống Dothái, người gia trưởng chủ tọa cuộc lễ, nhưng ông không phải là của lễ. Cả cộng đoàn cùng làm hành động tế tự ấy, vì tất cả đều tham dự vào chức vụ tư tế phổ quát của dân được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến. Trái lại khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Yêsu hành động với tư cách tư tế thượng phẩm, một tư tế thượng phẩm độc đáo, vì Người tự hiến tế mình như của lễ để làm lương thực cho các môn đệ trong bữa tiệc hiệp thông của Giao ước mới. Người là tư tế, nhưng là tư tế của Giao ước mới.
Tấm bánh miến được Người đồng hóa với Thân Thể Người - Thân Thể sắp bị phó nộp chịu chết cho mọi người (1C 11,24; Lc 22,19).
Chén rượu nho được Người đồng hóa với Máu Người - Máu sắp đổ ra để xóa tội trần gian (Mt 26,28).
Tấm bánh Thánh Thể ấy quả thật là của ăn thiêng liêng nuôi sống tâm hồn, vì Chúa Yêsu chính là "Sự Thật và Sự Sống" (Yn 14,6); Người là hiện thân của Mạc khải (Hr 1,2), của Lề luật; Người là Lời của Thiên Chúa (Yn 1,1), Lời mang sự sống (Yn 1,2), đúng như trong truyền thống Dothái tấm bánh tượng trưng cho Sách Thánh, chứa đựng Lời Chúa và Lề luật. Tấm bánh ấy là do hạt lúa miến đã chết đi dưới lòng đất để làm xuất hiện những hạt lúa miến chắc nịch khác (Yn 14,24), cũng bị nghiền nát đi mà kết tinh thành. Tấm bánh ấy lại bị bẻ ra trước khi được trao ban cho các môn đệ ăn. Thân Mình Chúa Yêsu cũng chỉ trở nên của ăn thiêng liêng khi đã bị đập nát và bẻ gãy trên Thập giá, bị chôn vùi dưới lòng đất để phục sinh với sức sống mới của Thần Khí. Ăn Bánh Thánh Thể là đón nhận lấy Thần Khí tác sinh của Ðức Kitô Phục sinh.
Chén rượu nho đồng hóa với Máu Chúa Yêsu được gọi là "Máu Giao Ước" (Mc 14,24; Mt 26,28), "Chén Giao Ước Mới được ký kết trong Máu Người" (1C 11,25; Lc 22,20). Khi chia sẻ Chén Thánh ấy, các môn đệ được kéo vào trong Giao Ước Mới, nghĩa là được giao hòa với Chúa Cha qua sự môi giới của Chúa Yêsu, giống như dân Dothái ngày xưa, khi được Môsê rảy máu chiên sát tế, đã được giao hòa với Ðức Yavê qua sự môi giới của Môsê trong Giao ước Sinai (Xh 24,8). Trong cả hai cuộc ký kết Giao ước, máu là máu của một tế vật bị giết chết để niêm ấn các điều lệ chứa trong Giao ước. Máu chiên xưa đã đóng ấn chính thức vào bảng Thập giới của Giao ước Sinai. Nay Máu Chúa Yêsu đóng ấn vĩnh viễn vào Giới răn mới Người trối lại cho các môn đệ: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con". (Yn 13,34). Máu Giao ước mới là Máu Con Thiên Chúa, nên có giá trị cứu độ muôn đời, vì thế lá thư gửi các tín hữu Dothái đã gọi đó là "Giao ước vĩnh viễn" (Hr 13,20).
Khi ra lệnh cho các môn đệ "hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (1C 11,24-25; Lc 22,19), Chúa Yêsu muốn rằng cộng đoàn Kitô hữu phải cử hành bữa tiệc Giao ước mới và vĩnh viễn ấy để tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người: Người vượt qua cái chết để Phục sinh và về với Chúa Cha (Yn 13,1). Qua cái chết tự nguyện và vô tội để đền tội và chết thay cho ta, Người tháo gỡ khỏi ta dây tròng ràng buộc của tội và giải thoát ta khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả của tội. Khi ta tin vào Người và để cho Người giải hòa ta với Chúa Cha, thì ta được dẫn vào cõi trường sinh bằng cách tham dự vào cuộc Phục sinh của Người. Bữa tiệc Thánh Thể nhằm mục đích tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc Vượt qua của Chúa Yêsu. Bởi thế dự tiệc Thánh Thể là thông phần vào mầu nhiệm Vượt qua của Người.
Tấm Bánh - Mình Người và Chén Rượu - Máu Người, quả thật chứa sự sống thần linh. Người phải là Con Thiên Chúa và Chúa Tể mới nói được những lời hiệu nghiệm đầy sức sáng tạo, như khi "Thiên Chúa phán, mọi loài liền có; lệnh Người truyền ra, mọi sự được dựng nên" (Tv 33,9). Lời Chúa Yêsu là những lời sáng tạo, có khả năng làm cho Bánh thành Thịt và Rượu thành Máu Thánh Người. Và lời mời gọi các tông đồ uống Máu Người cũng chứng tỏ uy quyền thần linh của Người. Chính Thánh Kinh đã cấm người ta uống máu, vì máu mang sự sống, và như thế máu thuộc phạm vi độc quyền của Thiên Chúa. Nay Chúa Yêsu muốn ban cho các môn đệ chính sự sống thần linh chứa đựng trong Máu Người đổ ra trên Thập giá, khi vượt qua cái chết để phục sinh, về với Chúa Cha.
Mệnh lệnh cử hành nghi lễ tưởng niệm còn hàm chứa ý định của Chúa Yêsu muốn tấn phong chức tư tế thừa tác của chế độ Tân Ước cho các Tông đồ, và ban cho các ngài năng quyền công bố những lời nói hiệu nghiệm làm nên bí tích Thánh Thể cũng như tẩy xóa được tội khiên (Mt 18,18; Yn 20,23). Chúa Kitô là tư tế thượng phẩm theo kiểu Melkisêđê (Kn 14,18; Tv 110,4). Truyền thống Dothái như Thánh vịnh 110 phản ảnh lại, đã liên kết khuôn mặt Ðấng Thiên Sai với phẩm hàm tư tế của Melkisêđê. Chính Chúa Yêsu đã áp dụng Thánh vịnh đó cho mình (Mt 22,44; 26,64) và thư gửu các tín hữu Dothái đã hiểu đúng ý hướng ấy khi khai triển chủ đề thần học về chức tư tế tối cao và vĩnh cửu của Chúa Cứu thế (Hr 5;7;8;9). Khi lấy bánh miến và rượu nho lập phép Thánh Thể, Người ý thức rằng mình đang làm một hành vi tư tế, như Melkisêđê ngày xưa đã đem bánh miến và rượu nho tặng cho Abraham, kèm với những lời chúc lành do một tư tế của Ðấng Tối Cao (Kn 14,18-19). Hành vi dâng hiến cũng như tặng phẩm của Chúa Yêsu mang một ý nghĩa và hiệu năng vượt xa hành vi và tặng vật của Melkisêđê vì Người là tư tế tối cao của Giao ước mới và vĩnh viễn, và bánh miến rượu nho Người ban tặng đã được quyền năng thần linh của Người biến thành Thịt và Máu Người. Khác với Melkisêđê, Người vừa là tư tế vừa là của lễ tế hiến để "xóa tội trần gian" (Mt 26,28; Yn 1,29) và để làm lương thực đem sự sống vĩnh cửu cho loài người (Yn 6,54).

III. Bữa Tiệc Thánh Thể Của Ta Hôm Nay
Bữa tiệc Giao ước mới do Chúa Yêsu thết đãi các môn đệ, gắn liền với bữa tiệc vượt qua của truyền thống Dothái. Do đó bữa tiệc Thánh Thể của ta hôm nay cũng mang tất cả mọi ý nghĩa của bữa tiệc Giao ước cũ. Lễ Vượt qua của truyền thống Dothái nhận được sự viên mãn trong cuộc Vượt qua của Chúa Kitô. Chính Người, trong hành động chết và sống lại, là hiện thân của Giao ước mới và vĩnh viễn. Mầu nhiệm Vượt qua biểu lộ bản chất và định hướng đời sống của Người: Người hiện hữu cho Chúa Cha và cho loài người. Người sinh ra, hoạt động, rồi chết và sống lại, trở về cùng Chúa Cha: trong tất cả moị sự, Người tuân hành thánh ý Chúa Cha và tìm vinh danh cho Cha, và Người đến để phục vụ mọi người bằng cách chết thay và chuộc tội cho ta, giải hòa ta lại với Chúa Cha và lấy Thịt Máu mình nuôi sống ta. Ðến cả khi phục sinh, Người cũng đã sống lại vì ta. Ðời sống của Người được dệt thành bởi những quan hệ phục vụ, hướng về kẻ khác. Người có đó, là để cho kẻ khác "ăn" Người đi. Bí tích Thánh Thể, cũng như cử chỉ rửa chân cho các môn đệ (Yn 13,1-15) chứng minh chân lý ấy.
Do đó, mỗi lúc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta tưởng niệm và hiện-đại-hóa cái chết và cuộc Phục sinh của Ðức Kitô cho ta, để chuyển ơn cứu độ chảy theo dòng Máu và Nước từ trái tim bị đâm thủng của Người vào lòng ta. Ơn Thánh chảy vào lòng ta, thì Nước Trời cũng đang đến với ta, và qua ta, đến với thế giới. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng cái chết cứu độ và cuộc Phục sinh đầy sức sáng tạo của Chúa Kitô trong năng lực Chúa Thánh Thần, cho tới khi Người lại đến để hoàn thành Nước Trời bằng cách siêu thăng và biến dạng thế giới này và dâng tất cả lịch sử loài người cho Chúa Cha.
Bí tích Thánh Thể, vì thế, là bí tích của những người hành hương đang xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới. Sự đóng góp của người Kitô hữu cho lịch sử loài người luôn mang ấn tín của mầu nhiệm Vượt qua: hành động của họ được đánh dấu bởi sự thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy; nghị lực của họ được củng cố bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức; đời sống của họ được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể. Họ xây dựng thế giới, nhưng là một thế giới như con đường đi, chứ không phải cái gì như một thành trì cố định. Trong ý nhắm "Vượt qua" và tinh thần hành hương ấy, họ lãnh nhận Thánh Thể như của ăn đàng. Ý nghĩa đó được tượng trưng bởi cử chỉ của người tín hữu tiến lên bàn thờ, đứng rước lễ trong tư thế sẵn sàng ra đi, như người Dothái ngày xưa đứng ăn lễ Vượt qua, với bị gậy sắp sẵn, để lên đường Xuất hành (Xh 12,11).
Bí tích Thánh Thể, muốn lôi kéo đời sống nhân loại vào trong chuyển động của cuộc hành hương vĩ đại về Trời mới Ðất mới, và không hề hàm ý khước từ một giá trị trần thế nào, trái lại đón nhận và thánh hiến tất cả mọi thực tại, kể cả vật chất mà bánh miến, rượu nho là những mẫu tượng trưng. Bí tích Thánh Thể kết tụ mọi lao nhọc, mọi thất bại, mọi thành công của loài người để sát nhập chúng vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Kitô, và biến chúng thành lời kinh tạ ơn vô tận dâng lên Chúa Cha. Mọi người dự tiệc Thánh Thể đều đi vào cuộc Vượt qua của mình, không phải một cách đơn độc, nhưng với cộng đoàn Giáo hội là Dân Thiên Chúa đang trên đường hành hương; bởi vì chính Thánh Thể làm ra Giáo hội, khi Giáo hội họp mừng cử hành Thánh Thể.

Giảng Lễ
Buổi chiều hôm nay, chúng ta họp nhau lại đây, không phải để cử hành một Thánh lễ như mọi khi. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Chúa trong hai hành vi: rửa chân cho môn đệ và cử hành bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử loài người.
Chúa muốn chúng ta bắt chước Người rửa chân cho nhau, như lời Phúc Âm chúng ta vừa nghe đọc. Nhưng không tiện làm công việc đó hằng ngày, Giáo hội muốn chúng ta hằng năm phải làm hành vi này theo ý Chúa và trong tinh thần của Chúa. Phúc Âm cho ta biết: hôm nay, Chúa đi vào giờ của Người. Nghĩa là đã đến giờ Người ra tay hành động để cứu thế. Do đó mọi việc Người làm trong giờ này và kể từ giờ này sẽ có giá trị vô song, sẽ quyết định dứt khoát vận mệnh của tất cả thế giới. Ta chỉ cần đọc lại mấy lời mở đầu bài Phúc Âm hôm nay là thấy rõ Chúa đã chuẩn bị giờ phút này thế nào và Người đánh giá rất cao những công việc mình sắp làm. Người biết đã đến giờ bỏ thế gian về cùng Chúa Cha nên Người muốn tỏ lòng yêu thương các môn đệ cho đến cùng. Ðồng thời Người cũng ý thức rõ Chúa Cha đã ban cho Người mọi sự trong tay, nên Người có thể làm được mọi sự mình muốn. Như vậy những việc mà Người sắp làm đây là những việc có khả năng yêu thương các môn đệ hơn hết. Và chúng ta phải hiểu các việc này dưới khía cạnh của tình yêu, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể cũng là bàn tiệc yêu thương, và buổi chiều hôm nay là thời gian để biểu thị đức bác ái tột độ.
Chính trong bầu khí yêu thương, mà Ðức Kitô đã đứng lên cầm nước đi rửa chân cho môn đệ. Mọi người đều sửng sốt. Sao Thầy lại làm như vậy? Vì sao để tỏ dấu yêu thương, lại phải bắt đầu bằng việc rửa chân người mình muốn thương? Phêrô không hiểu gì cả, nên đã hỏi. Chúa đã trả lời nhưng Người nói rõ: bây giờ chưa hiểu được đâu; nhưng sau này sẽ hiểu. Người muốn cho chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa công việc Người làm, và phải tìm hiểu ơn Thánh Thần sẽ đến sau ngày Phục sinh. Chính Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết: Chúa làm mọi việc vì yêu thương ta. Và vì yêu thương ta, nên Người đã cứu độ ta. Buổi chiều hôm nay, Chúa ra tay cứu thế. Người nhìn môn đệ đang ngồi ở bàn tiệc. Lễ Vượt qua sắp bắt đầu. Nhưng họ đã có tâm hồn để làm lễ Vượt qua với Người chưa? Người thấy cần phải thanh tẩy cho họ, nên Người cầm chậu nước đi rửa chân cho môn đệ. Người có thể bảo họ đi rửa chân lấy, tự làm lấy việc sám hối ăn năn. Nhưng chẳng ai rửa được tâm hồn mình sạch tội, trừ được chính ơn của Chúa cứu chuộc rửa cho.
Hôm nay Chúa rửa chân cho môn đệ trước khi cử hành Thánh Thể, để việc thống hối ăn năn của ta trước Thánh lễ luôn luôn nhận được ơn tha thứ. Không thanh tẩy tâm hồn, không có khả năng dâng lễ. Và chính Chúa đã bảo ta phải thống hối những tội nào đặc biệt trước khi dâng lễ vật; nếu chúng con sực nhớ mình còn bất hòa với ai, hãy đặt của lễ đó, đi làm hòa với anh em đã, rồi trở lại dâng lễ sau.
Chính vì vậy mà lễ nghi rửa chân hôm nay vừa có ý nghĩa thanh tẩy vừa muốn diễn tả tình bác ái huynh đệ. Người ta không thể dâng lễ xứng đáng, khi không muốn cùng với mọi người khác làm thành một cộng đoàn trong sạch và bác ái. Thánh Thể sẽ biến mọi người tham dự thành các chi thể của một Thân Mình Chúa, thì lễ nghi rửa chân, nghi thức thống hối trước Thánh lễ phải làm cho người ta có tâm tình anh em với nhau trong sự thánh thiện. Thế nên Phụng vụ Giáo hội hôm nay muốn rằng người đứng đầu các cộng đoàn phải tự mình làm nghi lễ rửa chân. Họ phải nhớ và thực hành Lời Chúa: ai lớn nhất trong anh em, phải phục vụ như người rốt bét. Xin anh em hãy cầu nguyện cho tôi trong giờ phút trang trọng này, để khi cử hành nghi lễ rửa chân, tôi ý thức địa vị của tôi ở trong Giáo hội là để phục vụ. Xin Chúa và anh em tha thứ cho tôi, vì nhiều lần ở cương vị mình, tôi không có tâm tình phục vụ đủ. Và xin mọi người chia sẻ trách nhiệm Giáo hội, xã hội, gia đình với tôi, hãy đi vào tâm tình của Chúa Cứu thế trong hành vi rửa chân cho môn đệ, để chúng ta ăn năn về thái độ quan cách trong quá khứ, và nhận thức từ nay phải phục vụ khiêm tốn và yêu thương hơn. Và như vậy, chúng ta mới xứng đáng đi vào mầu nhiệm Thánh Thể.
Chắc chắn chúng ta không thể diễn tả nhiều về mầu nhiệm này. Chính Giáo hội biết như vậy, nên mặc dầu cho ta nhiều giờ chầu sau lễ để ta suy niệm thêm về ơn Thánh Thể mà Chúa ban cho ta hôm nay; sau các tuần lễ Phục sinh, Giáo hội sẽ cử hành lễ Thánh Thể một cách long trọng đặc biệt, để bù đắp cho sự thiếu sót hôm nay. Nhưng như câu kết của bài đọc II mà ta đã nghe đọc, phụng vụ chiều nay muốn chúng ta nhìn vào Thánh Thể như nhìn vào lễ Vượt qua của Chúa Kitô. Người đã chọn khung cảnh lễ Vượt qua của người Dothái để thiết lập bí tích Thánh Thể. Người làm tăng giá trị của lễ ấy khi biến nó nên hình ảnh báo trước cuộc Vượt qua của mình.
Hôm nay Người làm lễ Vượt qua thực sự, khi chấp nhận từ bỏ đời này, từ bỏ mạng sống, từ bỏ thân thể hữu hình để vượt qua mọi biên giới trần gian về cùng Cha mình ở trên trời. Bàn tiệc Thánh Thể vì thế đượm mầu tiệc ly. Người uống chén rượu nho lần chót ở đời này để về trời trước, chờ đợi môn đệ mình đến sau. Người Dothái xưa ăn lễ Vượt qua trong tin tưởng sâu xa vào Lời Chúa, nhưng không biết rõ sự việc sẽ xảy ra. Còn Ðức Kitô, Người biết rõ con đường thánh giá đang chờ đợi mình. Người cầm chén rượu, nhưng đã nhìn thấy đó là chén máu. Nên cuộc Vượt qua, lễ Thánh Thể của Người là một cuộc đau thương, một lễ tử hình. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh với cây Thập giá đã hiện diện đầy đủ trong bàn tiệc Thánh Thể hôm nay. Giá trị của ngày thứ Sáu nằm sẵn trong hành vi Thánh Thể hôm nay rồi, vì ngày mai Chúa đã ở trong tay kẻ dữ, và một phần nào Người không còn tự do, tự nguyện. Nhưng chính vì hôm nay Người tự do, tự nguyện chấp nhận ra đi chịu chết, nên án tử hình của Người trong ngày mai vẫn là lễ dâng tự ý hoàn toàn. Ngày thứ Sáu chỉ diễn tả ra bên ngoài những gì đã xảy ra trong tâm hồn của Chúa Kitô chiều hôm thứ Năm. Thánh Thể vì vậy không phải chỉ là bàn tiệc ly, nhưng đã là lễ tế trên Thánh giá. Và vì Thánh giá ở đâu thì mầu nhiệm Phục sinh cũng đã tàng ẩn ở đó, nên khi tuyên bố: đây là chén Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Cứu thế đã cho ta nhìn thấy hiệu quả của Thánh Thể, là đổi mới tất cả chúng ta trong một tương quan mới về Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành tạo vật mới trong lễ Vượt qua của Ðức Kitô, vì Ðức Kitô không chỉ ra đi chịu chết, nhưng để về cùng Thiên Chúa Cha, Ðấng sẽ phục sinh Ngài trong Thánh Thần. Như vậy, mầu nhiệm Phục sinh đã tiềm ẩn trong bàn tiệc ly, đó là mục đích của lễ Vượt qua mà Ðức Kitô đã cử hành; đó là tột đỉnh của lòng Người thương yêu môn đệ. Người cúi xuống rửa chân cho họ, đưa họ vào mầu nhiệm Thánh Thể hy sinh của Người, là để cuối cùng họ được cùng Người phục sinh trong Giao ước mới, tức là trong mối tình thắm thiết mới giữa Thiên Chúa và loài người.
Giờ đây chúng ta sắp cử hành tất cả những công việc trọng đại ấy. Chúng ta hãy cầu xin cho nhau được từ bỏ con người cũ trong nghi thức rửa chân này, để tiến sang việc kết hợp mật thiết mới với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể, hầu sau đó chúng ta sống cuộc đời mới yêu thương anh em trong nỗ lực phục vụ khiêm cung và mỗi ngày mỗi tiến lên trong ý thức thánh thiện kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Vượt qua mà chúng ta cùng nhau sốt sắng cử hành bây giờ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần Thánh
Bài đọc: Exo 12:1-8, 11-14; I Cor 11:23-26; Jn 13:1-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa: khiêm nhường phục vụ và yêu thương đến cùng.
Con người thường quan niệm: người có tài năng hay địa vị quan trọng không thể hạ mình làm các việc hèn kém; vì nếu làm như thế, người khác nhìn thấy sẽ khinh thường, và địa vị của họ sẽ bị giảm đi. Vì thế, nếu không được người khác nhận ra và trọng dụng tài năng, người có tài sẽ bất mãn và từ chối không tham gia; ví dụ, thành viên của HĐMV không được ăn nói trước công chúng, thành viên của ca đòan khi không được hát solo.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy thế nào là tình yêu và phục vụ của Thiên Chúa. Ngài là Đấng uy quyền dựng nên và điều khiển muôn lòai, thế mà luôn hạ mình để phục vụ và yêu thương mọi người, cho dẫu con người vô ơn và không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, vì quá yêu thương và muốn giải thóat người Do-thái khỏi cảnh nhục nhằn và tủi hổ của kiếp nô lệ, Thiên Chúa đã “cõng dân Do-thái như đại bàng cõng con trên cánh” ra khỏi đất Ai-cập và đưa dân vào Đất Hứa. Ngài truyền cho dân phải cử hành Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ đến tình yêu và những việc Ngài làm. Trong Bài Đọc II, Chúa Giêsu sẵn sàng chịu bẻ nhỏ tấm bánh là thân thể của Ngài, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho các môn đệ để tỏ tình yêu và nuôi sống các ông. Ngài cũng truyền cho các ông năng cử hành Thánh Lễ để dừng quên tình yêu của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ bài học khiêm nhường và yêu thương đến cùng bằng cách rửa chân cho các ông và Ngài cũng dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất trong ba lễ trọng của người Do-thái; vì là lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa đã dùng uy quyền của Ngài để đánh phạt vua Pharao, đưa dân Do-thái thóat khỏi làm nô lệ cho Ai-cập, và dẫn đưa dân vào Đất Hứa: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” Có nhiều điều tương xứng với Lễ Vượt Qua mơi của Đức Kitô; nên cần một sự hiểu biết chi tiết về Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
1.1/ Con Chiên Vượt Qua: Ngày mừng Lễ Vượt Qua là 14 tháng Nissan (tháng tư): “Đức Chúa phán với ông Moses và ông Aaron trên đất Ai-cập: Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm.”
- Mỗi gia đình phải có một con chiên để ăn mừng Lễ Vượt Qua, và phải có sẵn vào ngày 10 tháng này: “Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.”
- Phẩm chất của con chiên đó: “phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.
1.2/ Cách ăn Lễ Vượt Qua: Vì dân Do-thái phải ra đi vội vã và trong đêm tối, nên họ phải chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Vì vua Pharao từ chối không để cho dân Do-thái ra đi, nên Thiên Chúa sẽ sát hại tất cả các con đầu lòng trên đất Ai-cập: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa.” Nhà dân Do-thái nào có máu chiên bôi trên cửa, thiên thần sẽ đi qua, và không vào tàn sát các con đầu lòng của họ.
Cuộc đời con người là một hành trình vượt qua, từ đời này đến đời sau. Giống như người Do-thái, chúng ta dễ bị cám dỗ làm nô lệ cho vật chất để bằng lòng với cuộc sống đời này, mà quên đi cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Để tránh nguy hiểm này, chúng ta hãy noi gương họ làm hai việc quan trọng:
(1) Luôn chuẩn bị sẵn sàng để lên đường về Nhà Cha bằng cách: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Đừng sở hữu quá nhiều của cải, chúng ta sẽ ngại ngùng không dám lên đường.
(2) Có máu chiên bôi sẵn trên cửa: Máu Chiên chúng ta cần là Máu cực thánh của Đức Kitô đã đổ ra. Tham dự Thánh Lễ và rước lễ thường xuyên bảo đảm chúng ta khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Bài đọc II: Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình ảnh Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô: Khi biết giờ Ngài sắp sửa vượt qua cuộc đời này để về cùng Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương con người và yêu thương họ đến cùng; Chúa Giêsu làm cho con người hai việc chính:
2.1/ Hiến mình làm Chiên Vượt Qua để cứu độ con người: Máu chiên bôi trên cửa của nhà người Do-thái có sức mạnh để cứu các con đầu lòng và súc vật của họ; thịt chiên có sức mạnh để giúp họ vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Cũng vậy, Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra có sức mạnh để cứu nhân lọai khỏi mọi tội; Mình Thánh giúp con người vượt qua mọi trở ngại của biển đời để vào đất Thiên Chúa hứa là thiên đàng.
2.2/ Lập Bí-tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại với con người: Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. Chúa Giêsu đã lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.
(2) Bánh không men chính là Mình Chúa: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
(3) Máu của Chiên Vượt Qua chính là Máu Chúa: Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Giống như Thiên Chúa truyền cho người Do-thái phải tái diễn Lễ Vượt Qua mỗi năm, Chúa Giêsu cũng truyền các tín hữu phải cử hành Bữa Tiệc Ly thường xuyên để loan truyền và hưởng lợi ích từ cuộc tử nạn của Ngài: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” vì yêu thương con người.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiêm nhường và yêu thương rửa chân cho các môn đệ.
3.1/ Chúa biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra và Ngài sửa sọan tất cả: Thánh sử Gioan tường thuật ba điều quan trọng Chúa Giêsu biết rõ trước Cuộc Thương Khó của Ngài:
(1) Biết giờ của Ngài sắp về với Thiên Chúa: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
(2) Biết giờ phải từ biệt các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”
(3) Biết giờ cứu độ cho con người sắp xảy ra: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người.”
3.2/ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: Ba điều biết quan trọng trên thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn sàng tỏ tình yêu cho các môn đệ qua những việc mà các tông đồ không bao giờ dám nghĩ tới: Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
- Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và Phêrô: Ông thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!"
Phêrô, cũng giống như bao nhiêu con người, ông nghĩ Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa, không thể hạ mình làm công việc hèn hạ như vậy. Khi Chúa Giêsu làm như thế, Ngài tự hạ mình xuống như một người đầy tớ.
- Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Phêrô: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
Các nhà chú giải đều nhìn hành động rửa chân như là biểu tượng của Bí-tích Rửa Tội: phải được rửa sạch trước khi tội được tha để chung hưởng hạnh phúc với Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu cắt nghĩa bài học rửa chân: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Rửa chân là công việc của đầy tớ. Chúa Giêsu làm công việc của đầy tớ để phục vụ các môn đệ. Ngài dạy các ông không có công việc hèn, nếu các ông muốn chứng tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân, hãy làm những công việc đó. Có một sự tương phản giữa cách thức suy nghĩ của Thiên Chúa và của con người: khi con người muốn làm lớn, họ tránh làm việc nhỏ. Chúa Giêsu dạy làm những việc nhỏ để trở thành lớn. Đây phải là bí quyết thành công Thiên Chúa muốn dạy con người: làm gương sáng trong những việc nhỏ là cách dạy tốt nhất, vì lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Nếu các nhà lãnh đạo và cha mẹ muốn thành công trong việc dạy dỗ, hãy làm gương sáng cho những người dưới quyền mình. Cha mẹ sẽ hiếm có cơ hội để chết cho con, nhưng những việc nhỏ như: nhịn ăn cho con, săn sóc con khi bệnh tật, đau khổ khi con buồn tủi, có hiệu quả tương tự như những việc lớn vậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi yêu ai, chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa yêu người đó đến cùng; đừng yêu nửa chừng rồi bỏ, vì nếu làm như thế, chúng ta đã không trung thành, và hoang phí những gì mình đã cố gắng từ đầu. Làm như thế chúng ta sẽ mất thời giờ và có thể sẽ phải làm lại từ đầu lần nữa.
- Lãnh đạo bằng yêu thương và phục vụ, không bằng truyền lệnh và đòi được phục vụ, là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Khi con người cảm thấy mình được yêu thương và chăm sóc, họ sẽ theo nhà lãnh đạo đến cùng.
- Không có công việc hèn, chỉ có người hèn. Nếu muốn người khác làm việc đó, mình hãy làm gương thi hành trước. Chúng ta hãy cử hành Lễ Vượt Qua và “rửa chân cho anh chị em” thường xuyên để đừng bao giờ quên thế nào là yêu thương và phục vụ chân thành.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

02/04/15 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15

Suy niệm: “Yêu đến cùng”, một mặt muốn diễn tả sự chung thủy của tình yêu – yêu cho đến chết; mặt khác, “yêu đến cùng” còn muốn nói lên tính vượt trội, nghĩa là vượt trên tất cả những gì con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Đức Ki-tô đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế. Để biểu lộ tình yêu cao độ này: Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; Ngài lập Bí tích Thánh Thể để trao ban chính Thịt và Máu của Ngài; và Ngài lập Bí tích Truyền Chức Thánh để tiếp tục công cuộc trao ban cho đến cùng. Khi trao ban những gì cao quí nhất cho những kẻ thuộc về mình, Đức Ki-tô muốn biến họ thành một cầu nối để tình yêu của Ngài được lan tỏa cho đến cùng, Ngài mời gọi họ: “Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Mời Bạn: Làm như Thầy đã làm không chỉ lập lại các nghi thức mà phải yêu như Ngài đã yêu, là dám hiến thân phục vụ tha nhân để diễn tả một tình yêu cho đến cùng.
Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ và kết hiệp với Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể để thực sự được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Ngài và có thể yêu thương như Ngài đã yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, chúng con đang sống trong năm Phúc Âm Hóa cộng đoàn, Mẹ Hội Thánh muốn chúng con quay về với tình yêu của Chúa để trước hết được thánh hóa, hầu có thể yêu tha nhân như Chúa đã hiến thân mình để yêu thương chúng con.

Phải rửa chân cho nhau 
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất. Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Suy nim:
Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.
Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.
Trong cả hai biến cố Rửa chân và bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
 Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TƯ
Sự Thật Sẽ Giải Phóng Các Ngươi
Đấng đã chết trên Thập Giá từng tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Chính đó là lý do thúc đẩy Đức Giêsu tiến tới với thập giá. Nơi Thập Giá, sự thật về tội lỗi con người, về tội lỗi của thế gian được kết đọng lại. Và dù con người có cố gắng phủ nhận sự thật đó mấy đi nữa, dù con người ngày nay có cố gắng xóa bỏ cảm thức tội lỗi khỏi lương tâm mình mấy đi nữa, Thập Giá vẫn luôn luôn làm chứng cho sự thật đó.
“Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những ai tin vào Người thì không phải hư mất, song được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Ngôi Lời bị đóng đanh! Chúa Con đã đến thế gian không phải để xét xử thế gian nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 12,47).
Hỡi con người của buổi bình minh thiên niên kỷ mới! Xin đừng lẩn tránh sự phán xét của Thập Giá Chúa Kitô. Thập Giá là sự phán xét cứu độ. Thập Giá là lời trao ban sự sống đời đời. Lời cứu độ này được thốt lên – một lần cho tất cả – giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không rút lại lời này. Lời này không tan biến.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02- 4
Thứ năm Tuần Thánh
Xh 12, 1-8.11-14; 1Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15.

LỜI SUY NIỆM: “Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Thánh Lễ trong đó có nghi thức “ Rửa Chân”. Nhắc lại cử chỉ của Chúa Giêsu trước khi Lập Bí Tích Thánh Thể, để đi vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Chúa Giêsu, đã tự cởi áo mình ra, lấy giây thắt lưng mình rồi tự lấy nước, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và sau khi đã rửa chân cho các môn đệ xong, Người đứng lên và mặc áo của Người lại. Và Người mời gọi tất cả chúng ta phải làm cho nhau như Người đã làm.
Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi công việc phục vụ cho nhau. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cởi bỏ cái tôi của mình, khiêm tốn cúi mình xuống trong khi phục vụ, và sau khi đã phục vụ xong, thì biết đứng lên với tư cách là người Ki-tô hữu của mình.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-04
Thánh PHANXICÔ PAOLA
Ẩn tu - (1416 - 1507)

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cần bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn.
Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: - Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ?
Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì : "Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?"
Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: "Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy".
Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt. Các thày dòng cảmkích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.
Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.
Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.
Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:
- Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.
- Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.
- Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi. Bà nói: - Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.
Thánh nhân trả lời em mình: - Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?
- Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.
Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy.
Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.
Ngài nói: - Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều.
Vua Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời : - Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành.
Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.
Phanxicô vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.
Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thư năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng. Cầm than nóng trong tay Ngài nói: - Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu.
Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở. Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.
(daminhvn.net)


2 Tháng Tư
Ve Sầu Kêu Ve Ve
"Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột voe, biến thành con ve với hai cánh dài để bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất làđẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét