04/04/2015
Lễ Phục Sinh
Thứ Bảy Tuần Thánh (Lễ
Ðêm)
Ðêm Thánh Vọng Chúa Phục
Sinh-Năm B
(phần II)
04/04/15 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Mc 16,1-8
Mc 16,1-8
Suy niệm: Để cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh, chúng hãy
dừng lại thật lâu bên mộ Chúa để cùng với ba người phụ nữ trong Tin Mừng sau
một đêm thấp thỏm không ngủ được, ngay khi trời vừa tảng sáng, đã vội vã chạy
ra mộ, với dầu thơm để ướp xác Thầy. Nhưng khi đến nơi, các bà không thấy một
cái xác để ướp dầu thơm, mà các bà đã gặp chính Đức Giê-su, Đấng Phục Sinh. Quả
thế, Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự
chết không còn làm gì được Ngài. Từ đây, sự phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên
nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta.
Mời Bạn: Thánh
Phao-lô xác tín: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin
của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr
15,17). Đã có bao nhiêu lễ Phục Sinh qua đi, nhưng thử hỏi, điều đó có giúp ích
gì cho cuộc sống của bạn hôm nay? Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh, mời bạn hãy
“giết chết” những gì là tính mê nết xấu trong con người cũ; đó là lòng ghen
ghét, đố kỵ… để sống lại trong Chúa Ki-tô là con người mới của tình yêu thương,
bao dung và tha thứ. Chỉ có như vậy, việc bạn mừng lễ Phục Sinh mới thực sự có
ý nghĩa và mang lại cho bạn niềm hy vọng được Phục Sinh với Chúa mai ngày.
Sống Lời Chúa: Sống
hiền lành và bác ái là dấu chỉ tôi đã sống lại trong con người mới với Chúa
Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống, xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con sống tràn ngập yêu thương, bao dung và tha thứ. Amen.
SUY
NIỆM : Niềm Hy Vọng Phục Sinh
Bài Giảng của ÐTC
Gioan Phaolô II
trong Ðêm Vọng Phục
Sinh năm 2002
1.
"Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng"; và có ánh sáng" (St
1,3).
Một
sự bùng nổ của ánh sáng, mà Lời Chúa mang đến từ hư vô, xé toạc màn đêm đầu
tiên, đêm của Tạo Dựng.
Thánh
Tông Ðồ Gioan viết: "Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Ngài, chẳng hề có tối
tăm" (1Ga 1,5). Thiên Chúa đã không tạo nên bóng tối nhưng là ánh sáng! Và
sách Khôn Ngoan, tiết lộ rõ ràng rằng công việc Thiên Chúa luôn có mục đích
tích cực, thế nên: "Ngài tạo ra muôn vật để chúng hiện hữu, và các loài
trên thế giới loài nào cũng lành mạnh. Và giữa chúng, không thấy loại nào mang
nọc độc phá hoại, và dương thế thì tương khắc với cõi âm" (Khôn ngoan
1,14).
Trong
đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng, đâm rễ Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm mà theo
sau thảm kịch của tội lỗi, tiêu biểu cho sự phục hồi và đăng quang của sự bắt đầu
tiên khởi ấy. Ngôi Lời chí thánh tạo ra muôn vật và, trong Chúa Giêsu, đã hóa
thành nhục thể cho sự cứu độ chúng ta. Và nếu thân phận của Ađam đầu tiên là trở
lại với đất từ nơi đã được tạo thành (x. St 3,19), Ađam cuối cùng đã đến từ trời
cao để quay lại đó trong vinh quang, hoa quả đầu mùa của nhân loại mới (x. Ga
3,13; 1Cor 15,47).
2.
Một đêm khác nữa thiết lập biến cố nền tảng trong lịch sử Israel: đó là cuộc Xuất
Hành kỳ diệu từ Ai Cập, câu chuyện được đọc mỗi năm trong đêm Vọng Phục Sinh
long trọng.
"Chúa
khiến gió đông thổi lên thật mạnh càn quét mặt biển suốt đêm, làm cho biển cạn
hết. Nước rẽ đôi như vậy đã giúp con dân Israel đi thẳng vào lòng biển như đi
trên đất khô, với nước dựng như bờ tường hai bên tả hữu họ" (Xuất hành
14,21-22). Dân Chúa được sinh ra trong "phép rửa tội này" nơi Biển Ðỏ,
khi họ chứng kiến cánh tay quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng cứu họ khỏi nô lệ để
dẫn đưa họ đến miền đất hứa của tự do, công lý và hòa bình.
Ðây
là đêm thứ hai, đêm của Xuất Hành.
Lời
tiên tri của Sách Xuất Hành ngày hôm nay, cũng được thực hiện cho chúng ta, những
người là Dân Israel theo Thần Khí, hậu duệ của Abraham do bởi đức tin (x. Rm
4,16). Trong cuộc Vượt Qua của Ngài, như Môisen mới, Ðức Kitô đã cho chúng ta
vượt qua sự nô lệ của tội lỗi để đến với sự tự do của con cái Thiên Chúa. Nếu
chúng ta cùng chết với Ðức Giêsu, chúng ta sẽ vươn tới cuộc sống mới, nhờ vào
quyền năng của Thánh Thần của Ngài. Phép Rửa của Ngài đã trở nên phép rửa của
chúng ta.
3.
Cả anh chị em cũng sẽ nhận được phép Rửa này, phép Rửa đưa chúng ta vào trong
cuộc sống mới, những tân tòng thân mến từ nhiều quốc gia: từ Albania, Trung Quốc,
Nhật Bản, Ý, Ba Lan, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Hai người trong số anh chị em,
một bà mẹ Nhật Bản và một bà mẹ Trung Quốc, mỗi người mang theo với mình một
cháu bé, như thế, trong cùng một nghi thức này, cả mẹ lẫn con đều cùng được rửa
tội.
"Trong
đêm cực thánh này", khi Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết, anh chị em cũng sẽ cảm
nhận một cuộc "xuất hành" thiêng liêng: hãy bỏ lại phía sau cuộc đời
trước đây của anh chị em và tiến vào "miền đất của sự sống". Ðây là
đêm thứ ba, đêm của sự Phục Sinh. 4. "Ðêm diễm phúc của tất cả các
đêm, được Thiên Chúa chọn để thấy Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết!" Chúng ta
hát lên những lời này trong lời Công Bố Phục Sinh vào đầu buổi Canh Thức long
trọng, Mẹ của mọi đêm Canh Thức.
Sau
đêm thảm kịch của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi "quyền lực của tối
tăm" (Lc 22,53) dường như thắng thế trên Ðấng là "ánh sáng thế
gian" (Ga 8,12), sau cái yên lặng bao trùm của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh,
trong đó Ðức Kitô, sau khi hoàn tất công việc của Ngài trên trần gian, nghỉ
ngơi trong mầu nhiệm của Chúa Cha và mang sứ điệp của sự sống vào trong cõi âm,
cuối cùng chiêm ngắm đêm trước "ngày thứ ba", mà theo Thánh Kinh, Ðấng
Mêsia sẽ trỗi dậy, như chính Ngài thường báo trước cho các môn đệ của Ngài.
"Ðêm
thật hồng phúc, khi thiên đàng giao duyên cùng thế gian và con người được hòa
giải với Thiên Chúa!" (Công Bố Phục Sinh).
5.
Ðây là đêm của các đêm, đêm của đức tin và hy vọng. Trong khi tất cả đang chìm
trong bóng đêm, Thiên Chúa - Ánh Sáng - vẫn chiêm ngắm. Cùng với Ngài, những
người hy vọng và tín thác nơi Ngài cũng chiêm ngắm.
Lạy
Ðức Mẹ, đây thật là đêm của Mẹ! Khi những ánh sánf cuối cùng của ngày Sabát tắt
dần, và hoa quả của lòng Mẹ nằm trong lòng đất, trái tim của Mẹ cũng chiêm ngắm!
Ðức tin của Mẹ và hy vọng của Mẹ nhìn tới trước. Ðàng sau tảng đá nặng nề, đức
tin và hy vọng của Mẹ đã thấy trước ngôi mộ trống không; đàng sau màn đêm dày đặc,
đức tin và hy vọng của Mẹ đã le lói buổi ban mai của sự Phục Sinh.
Lạy
Mẹ, xin cho chúng con cũng chiêm ngắm trong sự yên lặng của đêm nay, tin tưởng
và hy vọng vào Lời Thiên Chúa. Như thế chúng con sẽ gặp, trong sự viên mãn của
ánh sáng và cuộc sống, Ðức Kitô, hoa quả đầu mùa của sự sống lại, đấng hiển trị
cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho đến muôn đời. Allêluia!
+
Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng
(Bản
dịch Việt Ngữ của J.B. Ðặng Minh An)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4
THÁNG TƯ
Được
Mai Táng Với Đức Kitô -
Được
Phục Sinh Với Người
Giáo
Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người đã chịu nạn, chịu chết, và chịu táng
xác. Nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.”
Trước
khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô – với cái chết cứu độ của Người – đã chạm đến
tội lỗi của con người qua mọi thế hệ. Người đã ghé thăm các linh hồn trong cõi
âm ty với quyền năng cứu chuộc do cái chết của Người, với quyền năng trao ban sự
sống do cái chết của Người. Hỡi sự chết, Ta sẽ là chính sự chết của ngươi!
Cũng
vậy, chúng ta – những người còn đang sống – đã được dìm trong cái chết của Người
(cf. Rm 6,3). Cái chết của Đức Kitô, cái chết cứu chuộc, cái chết trao ban sự sống,
đã tiêu diệt di lụy của tội lỗi vốn có mặt nơi mỗi người chúng ta. Thật vậy,
“chúng ta … được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,3). Và
Thánh Phao-lô nói tiếp: “Qua phép Rửa, chúng ta thật sự được mai táng với Người,
để – cũng như Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha –
chúng ta cũng sẽ sống trong sự sống mới” (Rm 6,4).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
04-4
Thứ
bảy Tuần Thánh.
Canh
thức Vượt Qua: Mc 16,1-8
LỜI
SUY NIỆM: “Các bà bảo nhau: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi
cửa mộ giùm ta đây? Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăng ra một
bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm”
Thứ
Bảy Tuần Thánh, sau một ngày ăn chay và kiên thịt, để chuẩn bị tâm hồn và thân
xác đón mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Trong nghi thức “Canh Thức” Giáo Hội dẫn
đưa chúng ta đến ngôi mộ trống, và việc thiên thần báo Tin Mừng Phục Sinh cho
các bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê và bà Sa-lô-mê. Các bà là những
phụ nữ nhiệt thành, các bà đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết cho cuộc ra mồ
Chúa Giêsu, để phục vụ cho chu đáo hơn bởi vì khi chôn Chúa không được chu đáo
bởi vội vả vì ngày hưu lễ. Sự lo lắng lớn nhất đối với các bà là: “tảng đá đậy
lấp cửa ngôi mộ.”
Lạy
Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con cũng có những tảng đá lớn ngăn cản
trên đường thánh thiện của chúng con. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con nhận ra những tảng đá, đó để cầu nguyện, đồng thời đặt trọn niềm
tin ngước mặt lên, để thấy những tảng đá đó đã được lăn ra khỏi con đường chúng
con đi.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
04-04
Thánh
ISIDORO
Giám
Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+636)
Thánh
Isidorô được coi như vị thánh tiến sĩ lừng danh nhất của Giáo hội Tây Ban Nha.
Ngài chào đời tại Carthagena trong một gia đình thật đặc sắc, có cha mẹ đạo đức
và và cả bốn anh em đều được tôn phong lên hàng hiển thánh . Các anh Ngài là
hai thánh giám mục Leanger và Fulgentio. Chị Ngài là thánh nữ Florentina. Như vậy
thánh Isidôrô thật có phúc vì được sinh ra sống giữa các vị thánh.
Cha
mẹ mất sớm, người anh cả lãnh nhiệm vụ hướng dẫn đứa em út Isidorô. Một bức thư
của thánh Leander viết cho em gái là thánh Florentina làm chứng điều đó: -
"Anh xin em hãy nhớ đến anh trong kinh nguyện và đừng quên chú út Isidorô.
Cha mẹ đã ký thác em cho chúng ta và đã trở về với Chúa mà không phải e sợ gì,
bởi vì các Ngài đã trao cho em một người chị và hai người anh săn sóc".
Dù
rất thương em. Nhưng Leander đã phải dùng biện pháp mạnh là cây roi để sửa trị
tính nhu nhược của đứa em biếng nhác. Một lần kia vì sợ đòn và chán học,
Isidorô đã bỏ nhà trốn đi. Cậu chạy nước rút mau hết sức cho tới khi ngã quỵ
bên một bờ giếng. Mơ màng trong lúc lấy hơi, cậu nhìn thấy vách đá bên thành giếng
có một đường rãnh. Một phụ nữ đến kín nước giải thích cho cậu biết rằng, đá cứng
đến đâu đi nữa nhưng sợ giây thừng cọ sát liên tục cũng soi mòn được. Hiện tượng
này khiến cậu phải suy nghĩ: "Với thời gian sợi giây thừng và những giọt
nước đẽo được cả đá, còn tôi lại không thể học hành để gọt giũa tâm hơn sao
?"
Thật
là một bài học lạ lùng đối với Isidorô. Ngài lấy lại can đảm bắt tay và làm việc
không còn biết mệt mỏi. Nỗ lực không ngừng đã biến Ngài thành nhà thông thái nhất
thời đó. Còn thanh xuân, Ngài đã thông hiểu triết học, đã nghiên cứu các tác phẩm
về luật. Nhà chép sử Arevalo đã phải thán phục ghi nhận nói Ngài một sự cao
siêu như Platon, sự thông hiểu của Aristote, tài hùng biện của Cicéron, sự uyên
bác của Origenê, sự thận trọng của thánh Hiêronimô, giáo thuyết của thánh
Augustinô và sự thánh thiện của thánh Gregoriô. Người ta còn nói rằng khi đọc một
bức thư của Isidorô, thánh Grêgoriô đã thốt lên lời đầy tính chất tiên tri: -
"Đây là một tiên tri Daniel, một người còn trổi vượt hơn cả Salomon".
Isidorô
thụ phong linh mục và theo anh là Leander đang làm giám mục Seville, tham dự
các công đồng. Dầu có cuộc bách hại của nhà vua theo phái Ariô và đã trục xuất
hai anh của Ngài, thánh nhân vẫn công khai chống lại lạc giáo. Ngài đã thay anh
cai quản giáo phận lúc người anh bị lưu đày. Năm 600, khi Đức Cha Leander từ trần,
Ngài đã được cử lên kế vị. Đức giáo hoàng Grêgoriô cả còn đặt Ngài làm vị tổng
đại diện cho mình ở Tây Ban Nha.
Dầu
không bao giờ là tu sĩ, thánh Isidorô đã viết một bộ luật dòng tu. Ngài giải
thích, khai triển và hệ thống hoá phung vụ Mozarabic. Ngài nỗ lực tiêu diệt tàn
tích của phái Ariô, và đánh bại lạc thuyết của Acephali, một ngành của lạc giáo
Nhất tính thuyết ở Tây Ban Nha. Hơn nữa thánh nhân còn lập nhiều trường học để
giáo dục con dân của Ngài. Có ảnh hưởng lớn tại triều đình, Ngài cũng giữ phần
sáng chói trong cộng đồng Toleđô năm 610, chủ tọa công đồng Seville II năm 618
hay 619 và công đồng Tôleđo IV năm 633.
Nhưng
trách vụ của Đức giám mục không ngăn cản công việc trước tác phong phú của
thánh Isidorô. Ngài đã viết một từ điển các tiếng đồng âm, một khảo luận về
thiên văn địa lý, tiểu sử của các vĩ nhân và các nhân vật trong thánh kinh, một
cuốn lịch sử xứ Goth. Tác phẩm ảnh hưởng nhất của Ngài là Bộ bách Khoa từ điển
ETYMOLOGIES tóm lược những hiểu biết của thời đại Ngài.
Sau
36 năm nhọc mệt trong chức giám mục, thánh Isidorô phải chịu đựng mọi yếu đau của
tuổi già. Bệnh tật có thể nghiền nát thân xác, nhưng lại không thể làm giảm thiểu
được nhiệt tâm của Ngài. Trong sáu tháng cuối đời, Ngài tăng thêm việc bác ái đến
nỗi một đoàn dân nghèo đến với Ngài tấp nập từ sáng đến chiều và cuối cùng
chính Ngài cũng lâm cảnh nghèo túng. Biết rằng sắp kết thúc được đời Ngài mời
hai giám mục phụ tá đến thăm, Ngài theo họ tới nhà thờ. Ơ đó một vị giám mục mặc
áo nhặm cho Ngài, một vị giám mục bỏ tro lên đầu Ngài. Giơ tay lên trời Ngài lớn
tiếng xin Chúa thứ tha tội lỗi, rước lễ. Xin mọi người cầu nguyện cho, khuyên
nhủ dân chúng sống bác ái, phân phát hết tiền của còn lại. Trở về nhà, Ngài qua
đời trong an bình của Chúa ngày 04 tháng 04 năm 636.
Theo
lời yêu cầu của thánh nhân, thi hài Ngài được mai táng với thánh Leander và
Florentina. Nhưng về sau Vua Ferdinand di chuyển hài cốt về Leon. Đức Giáo
hoàng Benedictô XV tôn phong thánh Isidorô lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
04
Tháng Tư
Ðánh Nhau Bằng Gậy
Gộc
Họa
sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức
tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực
hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề:
"Ðánh nhau bằng gậy gộc".
Trong
bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một
chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền
trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông
bão hay sắp sáng rỡ.
Thoạt
nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh
khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai
người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn
cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya
muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết
vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi
họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào
thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của
danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải
qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại
giành giật chém giết lẫn nhau.
Bức
tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống
của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của
chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người
khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.
Bức
tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta.
Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ
nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.
Một
nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một
trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ
thù ấy trở thành một người bạn.
Chúa
Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của
ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng
giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin
Chúa Cha tha thứ cho họ.
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Thứ Bảy
Tuần Thánh
Thứ Bảy, 4 Tháng 4, 2015
Ánh sáng của Tân Lang, chiếu sáng khắp đêm đen
Lc 23:50-56
1. Cầu nguyện
Lạy Chúa, vào ngày này, chỉ có sự trống rỗng
và cô đơn, thiếu vắng và yên lặng: một ngôi mộ, một thi thể bất động, và
bóng đêm. Chúa không còn được trông thấy nữa, không lời nói, không
hơi thở. Chúa đang giữ ngày Sabbát, hoàn toàn nghỉ ngơi. Con
biết đi tìm Chúa ở đâu, giờ đây con đã mất Chúa phải không?
Con sẽ theo chân những người phụ nữ, con cũng
sẽ ngồi xuống cùng với họ, trong im lặng, để chuẩn bị các loại dầu thơm của
tình yêu. Lạy Chúa, từ trái tim con, con sẽ lấy những dầu thơm hảo
hạng nhất, quý giá nhất, giống như người phụ nữ kia đã làm, khi bà đập vỡ bình
ngọc trắng đựng dầu thơm và hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi.
Và con sẽ kêu cầu Chúa Thánh Thần, với những
lời của tân nương, con sẽ lại nói: “Gió bấc hãy thổi lên đi, gió nam hãy
lùa tới, thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan tỏa!” (Dc 4:16)
2. Bài Đọc
Trích Tin Mừng theo thánh Luca (23:50-56)
50 Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng
Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã
không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là
người thành Arimathê, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong
chờ Nước Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Philatô để
xin thi hài Đức Giêsu. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm
vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào trong ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa
chôn cất ai bao giờ. 54Hôm ấy là ngày áp lễ, và ngày Sabbát bắt
đầu ló dạng. 55 Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ
nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilêa. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác
Người được đặt như thế nào. 56 Rồi các bà về nhà, chuẩn bị
dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabbát, các bà nghỉ lễ như Luật
truyền.
3. Suy gẫm Lời Chúa
“Bây giờ”, một câu nói rất đơn giản, đầy sức sống và sự
thật, đánh dấu sự hiện hữu của tiếng kêu phá vỡ sự thờ ơ, đem chúng ta ra khỏi
sự bại liệt của mình, và làm rách mạng che mặt. Nó đứng đối diện và
như là một lối thoát từ rất xa bởi các môn đệ của Chúa Giêsu qua cuộc Khổ Nạn
của Người. Phêrô đi theo Chúa ở đàng xa (Lc 22:54); tất cả những
người quen biết Chúa và những người phụ nữ đã đi theo Người, chứng kiến từ đàng
xa (Lc 23:49), nhưng ông Giuse thành Arimathê, tiến tới phía trước, đến gặp
tổng trấn Philatô và xin thi hài Chúa Giêsu. Ông Giuse đã ở đó,
không được kể trong số những người vắng mặt, ông ở gần, không đứng ở đàng xa,
và ông sẽ không bao giờ bỏ đi.
“Đó là ngày Chuẩn Bị, và ngày Sabbát đã bắt
đầu”. Tin Mừng này được đặt
trong thời điểm phân chia bóng tối của đêm đen với ánh sáng của ngày mới. Động
từ chữ Hy Lạp được dùng bởi thánh Luca dường như mô tả rõ ràng hoạt động của
Thứ Bảy Tuần Thánh này, rằng từ từ hiện lên từ tối tăm và dần dần xuất hiện và
vượt hẳn sánh sáng. Trong sự chuyển động sống lại này, chúng ta cũng
theo sát, khi chúng ta tiếp cận với phần Kinh Thánh này trong đức tin. Thế
nhưng, chúng ta phải chọn lựa, hoặc là ở lại trong cái chết, trong sự chuẩn bị,
đó chỉ là chuẩn bị chứ không phải là thực hiện, hoặc là chấp nhận bước vào sự
chuyển động để được sống lại trong ánh sáng. Như Chúa đã xử dụng
cùng một động từ và nói: “Tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ! Từ
chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Êp
5:14)
“Những người đến từ Galilêa với Người, đã đi
theo Người ”, những lời rất
tuyệt đẹp này, đề cập đến việc di chuyển của những người phụ nữ, bởi vì họ giúp
chúng ta nắm bắt được tất cả mức độ tham gia của họ trong những gì đang xảy ra
với Chúa Giêsu. Thật vậy, thánh Luca xử dụng những sắc thái nhất
định, ví dụ, dùng một thể của động từ “đi theo” cho thấy cường độ mãnh liệt
hơn. Việc nhắc đến chữ “với Người” cũng có tác dụng tương tự. Một
cách dứt khoát, họ đi cùng với nhau, thúc đẩy bởi tình yêu của họ. Cuộc
hành trình của họ, bắt đầu từ miền Galilêa, tiếp tục, thậm chí qua cái chết, và
sự vắng mặt. Có lẽ họ cảm thấy rằng họ không đơn độc và họ bắt đầu
công bố rằng Chúa đang hiện hữu.
“Và họ đã thấy ngôi mộ”, thật
tuyệt vời khi lưu ý rằng trong mắt của những người phụ nữ này có một sự sáng
mạnh mẽ hơn đêm tối! Các bà có thể nhìn thấy xa hơn, họ quan sát, họ
lưu ý, họ nhìn chăm chú và với lòng quan tâm thực sự: nói tóm lại,
họ chiêm ngắm. Con mắt của trái tim mở ra với thực tế về những gì
đang xảy ra. Như ánh mắt của Đức Giêsu nhìn về phía họ, họ mang
trong mình hình ảnh của Người, khuôn mặt của tình yêu đã đến
thăm và soi sáng toàn thể sự hiện hữu của họ. Thậm chí ngay cả cái
chết thê lương và việc chia cách thể lý cũng không có thể dập tắt được Vầng
Thái Dương không bao giờ lặn, mặc dù đó là ban đêm.
“Sau đó, họ trở về”, cũng như thế, họ vẫn còn đủ sức lực
trong người để quyết định, để làm điều gì đó, để ra đi lần nữa. Họ
quay lưng lại với cái chết, với sự thiếu vắng, và họ trở về nhà, giống như các
chiến sĩ ca khúc khải hoàn. Họ không có những chiến tích, nhưng
trong con tim của họ, họ có một sự quả quyết, lòng can đảm của một tình yêu
mãnh liệt.
“chuẩn bị thuốc thơm và mộc dược”. Đây là nhiệm vụ của các thày tư
tế, như Kinh Thánh đã viết (1Sb 9:30); đó là nghĩa vụ thiêng liêng, gần như là
phụng vụ, cũng gần giống như lời kinh nguyện. Trên thực tế, những
người phụ nữ trong Tin Mừng cầu nguyện và thành công trong việc biến đêm đen
của cái chết trở nên nơi đầy ân sủng, hy vọng, yêu thương và ân cần chăm
sóc. Không một ánh mắt, không một động tác hay cử chỉ nào là vô
nghĩa đối với họ. Họ chuẩn bị, hay nói chính xác hơn, như chúng ta
thấy từ ý nghĩa của động từ tương ứng trong tiếng Do Thái, họ tận dụng mọi kiến
thức hiểu biết để pha trộn các nguyên liệu cần thiết để chế biến dầu thơm,
trong việc cân đo đúng liều lượng: một nghệ thuật hoàn toàn nữ tính,
hoàn toàn thuộc tình mẫu tử, từ thuở sinh ra, từ trong lòng mẹ, nơi chốn dành
cho tình yêu thương. Thật thế, thứ Bảy Tuần Thánh cũng giống như một
cung lòng đang cưu mang sự sống: cái ôm ấp để bảo vệ và nuôi dưỡng
một tạo vật sắp sửa được sinh ra.
“Vào ngày Sabbát, họ nghỉ ngơi”, chúng ta đang thực sự nói về việc nghỉ
ngơi gì? Điều gì chấm dứt, những gì sắp xảy đến trong cuộc sống của
những người phụ nữ này, trong sâu thẳm của trái tim họ? Động từ mà thánh
Luca dùng cho thấy gợi ra cách rõ ràng “sự im lặng”, một sự im lặng biến thành
diễn viên chính trong ngày Sabbát này, Thứ Bảy Tuần Thánh của sự chờ đợi, như
cơn gió của Chúa Thánh Thần thổi đến ( xem G 38:17) và hương thơm tỏa
lan. Một bản thánh ca chợt hiện về trong tâm trí, trong đêm khuya
(Tv 77:7): đó là bài thánh vịnh về tình yêu, được lặp lại bởi những
người phụ nữ, và cùng với họ, ông Giuse, và tất cả mọi người, giống như ông ấy,
không bị ràng buộc bởi các quyết định và hành động của những người khác (câu 5)
ở thế gian này. Những lời là văn từ mà Tân Nương trong sách Diễm Ca
lặp lại, những chữ cuối, được dành riêng cho Người Môn Đệ Chúa Yêu, khi tại
đoạn cuối của cuốn sách, cô ta nói rằng: “Chạy trốn mau, người yêu
hỡi, hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát
ngát” (Dc 8:14). Đây là tiếng kêu của sự sống lại, bài hát chiến
thắng trên sự chết.
4. Một vài câu hỏi cho việc suy niệm
· Hôm nay tôi đang ở đâu? Có phải tôi
đang đứng, ở xa xa, không muốn đến gần hơn với Chúa Giêsu, không muốn tìm kiếm
Người, không muốn chờ đợi Người không?
· Điều gì đang xảy ra bên trong con người tôi,
trong thái độ của con tim tôi? Tôi sẽ có thể nào đi theo những người
phụ nữ, và bước đi vào trong đêm tối, vào trong cái chết, vào trong sự vắng
mặt, vào trong sự trống vắng không?
· Tôi có mở mắt để nhìn thấy nơi an táng, tảng
đá che giấu Chúa Giêsu không? Tôi có thể trải nghiệm được sự chiêm niệm
không, đó là, tôi có thể nhìn thấy những điều trong chiều sâu, vượt khỏi cái
lớp bề ngoài không? Tôi có tin vào sự hiện diện của Chúa, thì mạnh
mẽ hơn ngôi mộ và tảng đá không?
· Tôi có sẵn sàng để quay trở lại, đi cùng với
những người phụ nữ không? Có nghĩa là, phải đi qua một hành trình
hoán cải, thay đổi không?
· Có một không gian nào trong tôi dành cho sự im
lặng, cho sự chú ý đến tâm hồn, để có thể chọn lựa thuốc thơm xứng hợp, những
hương liệu tốt nhất cho đời sống, cho món quà của chính thân mình, cho sự rộng
mở với Thiên Chúa không?
· Tôi có cảm thấy nảy sinh trong tôi lòng ước ao
đi công bố sự phục sinh, sự sống mới trong Đức Kitô với tất cả những người
chung quanh tôi không? Hay phần nào tối thiểu, tôi cũng có giống như
những người phụ nữ trong sách Tin Mừng, những người lặp lại lời mời của Tân
Lang: “Hãy chỗi dậy!” không?
5. Lời Nguyện kết
Lạy Chúa, đối với Chúa thì ban đêm cũng chiếu
sáng như ban ngày!
Bài ca vịnh của Lòng Tín Thác và Cậy Trông vào Thiên Chúa
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?"
Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
(Trích Thánh Vịnh 16)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét