26/04/2015
Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và
tu sĩ
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật IV Phục Sinh - năm B
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga
10,11-18
TÌNH YÊU HIẾN DÂNG CỦA MỤC TỬ NHÂN
LÀNH
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình
cho đoàn chiên”
(Ga 10,11)
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình
cho đoàn chiên”
(Ga 10,11)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Lời
chứng hùng hồn của Phêrô trước các vị thủ lãnh Do Thái cho thấy niềm xác tín
của Giáo Hội sơ khai về Đức Kitô Phục Sinh và tác động của biến cố đó trên đời
sống các tín hữu.
Trước
hết, lời chứng của Phêrô, đại diện cho các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, về
Đức Kitô Phục Sinh nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần. Phêrô được “đầy Thánh
Thần” mạnh dạn lên tiếng làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh (Cv 4,8). Từ khi lãnh
nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4), các tín hữu luôn xác
tín về sức mạnh của Thánh Thần trong lời chứng của họ: họ nhận được đầy Thánh
Thần nên mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (Cv 4,31); lời chứng của họ là lời chứng
cùng với Thánh Thần (Cv 5,32); Têphanô, một người đầy Thánh Thần (Cv 6,5), và
cũng nhờ được đầy tràn Thánh Thần mà sẵn sàng dùng chính mạng sống của mình để
làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh (Cv 7,1-60).
Sau
nữa, Phêrô xác tín rằng việc ngài chữa lành cho một người què không hề do quyền
năng riêng hay lòng đạo đức của mình, mà do lòng tin vào danh của Đức Kitô Phục
Sinh (x. Cv 3,11-16). Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng đã
chịu đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết,
chính nhờ Đấng ấy mà người què được lành mạnh (x. Cv 4,9-10). Đức Kitô Phục
Sinh không chỉ là một xác tín suông, mà niềm xác tín đó mang lại ơn chữa lành
cho những ai có lòng tin. Chính Đức Kitô Phục Sinh hành động qua những người
đặt niềm tin nơi Người.
Cuối
cùng, Phêrô tuyên xưng mạnh mẽ rằng Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã bị loại bỏ và
giết chết như tảng đá bị thợ xây loại ra ngoài, lại trở nên tảng đá góc tường
vì dưới gầm trời này, ngoài Người ra, không có danh nào khác đã được ban để nhờ
đó mà nhân loại được cứu độ (x. Cv 4,11-12). Niềm xác tín căn bản này của Giáo
Hội sơ khai, qua lời chứng hùng hồn của Phêrô, vẫn là con đường cứu độ duy nhất
cho nhân loại, con đường đi qua khổ đau của khổ giá để đến vinh quang phục
sinh.
Nhờ ơn
Thánh Thần mà Giáo Hội sơ khai mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh, Đấng
là sức mạnh chữa lành cho những ai có lòng tin, và là Đấng Cứu Độ duy nhất cho
nhân loại dưới gầm trời này.
2. Bài đọc 2
Đoạn
thư thứ nhất Gioan trình bày những chân lý cao sâu về tình yêu Thiên Chúa. Tình
yêu Thiên Chúa có sức biến đổi kỳ diệu, làm thay đổi thân phận của người được
yêu thương.
Tình
yêu Thiên Chúa làm cho những người được yêu thương ra như không còn thuộc về
thế gian. Tình yêu diệu kỳ đó làm cho người được yêu không chỉ được gọi là con
Thiên Chúa mà thực sự là con Thiên Chúa. Tình yêu đó biến đổi họ, thay đổi thân
phận của họ, ban cho họ những quyền lợi thật sự của kẻ làm con đến nỗi thế gian
không còn nhận ra họ nữa, vì thế gian không biết Thiên Chúa.
Tình
yêu Thiên Chúa không chỉ làm thay đổi thân phận của người được yêu, mang họ ra
khỏi những ô nhơ, tội lụy của thế gian và ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa,
mà còn hướng họ đến một chân trời mới, cao xa hơn, huyền nhiệm hơn phía trước.
Chân trời mới đó hiện nay vẫn chưa được tỏ hiện cách rõ ràng và trọn vẹn, nhưng
sẽ được mạc khải cách tròn đầy khi Đức Kitô xuất hiện. Đức Kitô sẽ xuất hiện
thế nào, hiện nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, nhưng có điều chắc chắn là những
người được Thiên Chúa yêu thương sẽ được nên giống như Người.
Tình
yêu Thiên Chúa quả diệu kỳ: Tình yêu ban cho người được yêu thân phận làm con
Thiên Chúa và được trở nên giống Chúa Kitô khi người lại đến.
3. Bài Tin Mừng
Trong
Cựu Ước, Thiên Chúa được xem là mục tử của dân Israel (St 48,15; Is 40,11; Tv
80,2), nhưng các vị mục tử được Thiên Chúa trao trách nhiệm chăn dắt chiên của
Ngài không phải lúc nào cũng là những mục tử tốt (x. Gr 23,1-2; Ed 34,1-6), nên
Thiên Chúa hứa ban vị mục tử đẹp lòng Ngài để dẫn dắt dân (x. Gr 3,1; Ed
34,23). Đoạn trích Tin Mừng thứ tư trình bày Chúa Giêsu như là mục tử tốt lành
có thể được xem như hiện thực hóa điều Thiên Chúa hứa xa xưa. Tác giả nhấn mạnh
tính “tốt lành” của vị mục tử bằng cách làm nổi bật những phẩm chất cao quý, lý
tưởng cho mọi mục tử.
Trước
hết, phẩm chất đầu tiên của mục tử Giêsu là sự hy sinh đến tận cùng. Theo lẽ
thường thì mục tử phải ra sức bảo vệ đàn chiên vì sự an toàn, khỏe mạnh của đàn
chiên cũng chính là lợi ích của mục tử. Xét cho cùng, mục tử bảo vệ đàn chiên
là bảo vệ lợi ích của mình. Còn kẻ làm thuê chỉ tính toán cho lợi lộc riêng nên
khi gặp khó khăn sẽ bỏ đàn chiên mà chạy. Trái lại, mục tử Giêsu không chỉ bảo
vệ, mà còn hy sinh cả mạng sống cho đàn chiên. Dù hình ảnh mục tử - đàn chiên
rất phổ biến trong Cựu Ước, nhưng không có nơi nào trong Cựu Ước trình bày bất
kỳ mục tử nào dám chết cho đàn chiên. Như thế, sự chăm sóc, bảo vệ và hy sinh
bằng cả tính mạng mà mục tử Giêsu dành cho đoàn chiên là vì chính lợi ích của
đoàn chiên chứ không vì lợi ích riêng của mình.
Hơn nữa, phẩm chất thứ hai của vị mục tử Giêsu là “biết chiên”
và “chiên biết”. Theo lẽ thường, các mục tử tiếp xúc hàng ngày với đàn chiên
nên mối tương quan giữa mục tử và chiên là mối tương quan hai chiều: mục tử
biết chiên và chiên biết mục tử. Ở đây, cái “biết” của mục tử Giêsu đối với đàn
chiên, một đàng, cũng không nằm ngoài qui luật bình thường đó, đàng khác, được
làm nổi bật qua phép so sánh: “Tôi
biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi
biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga
10,14-15). Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha gần gũi, thân thiết, sâu
sắc đến nỗi hai mà như một: “Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), đến độ “Ai
thấy thầy là thấy Chúa Cha” (Ga
14,9). Sự “biết” giữa Đức Giêsu và đàn chiên cũng gần gũi, thiết thân đến nỗi
sự sống của đàn chiên cũng chính là sự sống của mục tử Giêsu, Đấng sẵn sàng hy
sinh mạng sống cho đàn chiên.
Sau
cùng, phẩm chất thứ ba của mục tử Giêsu là sự tập hợp những đàn chiên khác nữa
để chỉ có một đàn chiên và một mục tử. Mục tử Giêsu không chỉ quan tâm, chăm
sóc, lo lắng cho đàn chiên của mình, những người đã đón nhận đức tin, mà còn mở
rộng sự lưu tâm đến những đàn chiên khác, những người chưa tin. Sự hy sinh tính
mạng của mục tử Giêsu có giá trị cho cả những đàn chiên khác lúc này chưa nhận
ra tiếng Người. Mục đích tối hậu của mục tử Giêsu là đưa những con chiên đó về
với Người, để “chỉ có một đàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16).
Đức
Giêsu thực là mục tử tốt lành, Đấng biết rõ đàn chiên, gần gũi với từng con
chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Người không chỉ chăm lo cho
đàn chiên của mình, cho những người tin, mà còn mở rộng lòng kêu mời những con
chiên thuộc đàn khác, những con còn đi lạc, những người chưa tin để chúng cũng
trở về hợp thành một đàn chiên duy nhất, dưới sự chăn dắt của mục tử tốt lành,
mục tử Giêsu.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Phêrô,
đại diện cho các tín hữu sơ khai, tuyên tín về Đức Kitô Phục Sinh. Tôi có thật
sự xác tín về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô? Đức Kitô Phục Sinh có ảnh hưởng
gì trên cuộc đời tôi? Tôi có sẵn sàng làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh bằng
những phương tiện và trong khả năng mà tôi có?
2/ Thư
thứ nhất Gioan xác tín về sức biến đổi diệu kỳ của tình yêu Thiên Chúa. Tôi có
tin rằng Thiên Chúa yêu thương tôi? Tôi có dám để cho tình yêu Thiên Chúa biến
đổi cuộc đời tôi? Tôi có sẵn sàng sống địa vị làm con Thiên Chúa? Tôi có muốn
trở nên giống Đức Kitô, Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa?
3/ Đức
Giêsu chính là vị mục tử tốt lành, Đấng biết rõ mỗi người chúng ta, sẵn sàng
chết cho chúng ta, để quy tụ chúng ta về một đoàn chiên duy nhất dưới sự dẫn
dắt của Người. Tôi có tìm kiếm để biết Chúa Giêsu như Chúa Giêsu vẫn hằng biết
tôi? Tôi có để cho Chúa Giêsu mục tử chăn dắt và hướng dẫn cuộc đời tôi? Tôi có
sống tinh thần hiệp nhất mà mục tử Giêsu khởi xướng và mời gọi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến!
Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta
cùng hướng lòng lên Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành, để chân thành dâng lời cảm
tạ và tha thiết nguyện xin:
1. Đức
Kitô đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin cho
các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn biết noi gương Chúa: tận tình quan tâm
chăm sóc mọi nhu cầu của đoàn chiên, sẵn sàng trở nên như tấm bánh bẻ ra vì sự
sống của mọi người.
2. “Ta
còn những chiên khác không thuộc đàn này.” Chúng ta cùng cầu xin cho những
người ở khắp nơi trên thế giới chưa đón nhận đức tin chân thật, biết khát khao
tìm kiếm chân lý và mở lòng cho tin mừng cứu độ, để họ cũng được thuộc về một
đoàn chiên duy nhất.
3. Chúa
Giêsu nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều
người trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hiến thân trong đời
sống tu trì và tích cực trở nên những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền
giáo hôm nay.
4. Cỗ võ
và khích lệ ơn gọi là trách nhiệm chung của các tín hữu. Xin Chúa cho mọi người
trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo
linh mục - tu sĩ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày cùng với những nâng đỡ tinh
thần lẫn vật chất.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vị mục tử nhân
lành, Chúa hằng yêu thương chăm sóc tất cả mọi người. Xin nhận lời chúng con
cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng thuộc về
đàn chiên của Chúa hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
CHỦ
ĐỀ
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐỐI VỚI CHÚNG TA
"Ta là mục tử nhân lành"
(Ga 10,11)
(Ga 10,11)
Sợi chỉ đỏ
- Bài đọc I (Cv
4,8-12) : Phêrô và Gioan làm chứng trước Thượng Hội Đồng về việc chữa một
người què à người ấy được chữa
lành nhờ Danh Đức Giêsu.
- Bài Tin Mừng (Ga
10,11-18) : Mục tử thật và kẻ chăn thuê à Mục tử nhân lành yêu thương đàn chiên, biết
từng con chiên.
- Bài đọc II (1 Ga
3,1-2) : Tình yêu của Chúa Cha đã cho chúng ta thành con Thiên Chúa.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Mỗi năm, Giáo Hội dành ngày
Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh để nhắc cho chúng ta biết Đức Giêsu là mục tử
nhân lành rất yêu thương chúng ta là những con chiên của Ngài. Ngài chăm sóc
chúng ta và dẫn chúng ta đến cuộc sống hạnh phúc muôn đời.
Ngày hôm nay cũng là ngày
Giáo Hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp
chúng ta hiểu biết hơn về tình yêu của Ngài ; đồng thời chúng ta cũng cầu
nguyện cho có nhiều người trẻ hiến thân làm Linh mục để tiếp nối sứ mạng Đức
Giêsu là làm mục tử chăm sóc đoàn chiên Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta là những con
chiên được Đức Giêsu là mục tử nhân lành dẫn dắt. Nhưng nhiều khi chúng ta
không ý thức tình thương Chúa luôn bao bọc cuộc sống chúng ta.
- Đôi khi chúng ta còn tỏ ra
là những con chiên bướng bỉnh không đi theo sự dẫn dắt của Chúa.
- Chúng ta ít quan tâm đến
việc khuyến khích và nuôi dưỡng các ơn thiên triệu.
III. LỚI CHÚA
1. Bài đọc I : Cv
4,8-12
Sau khi Phêrô chữa cho một
người què được khỏi, ông bị bắt dẫn ra trước Thượng Hội Đồng Do thái giáo cùng
với bạn đồng hành là Gioan.
Trước Thượng Hội Đồng, Phêrô
xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà
chỉ nhờ danh thánh Đức Giêsu.
Nhân dịp đó, Phêrô giảng về
Đức Giêsu : Ngài đã bị các thủ lãnh do thái giết chết, nhưng Thiên Chúa đã
cho Ngài sống lại và tôn vinh Ngài lên đến tuyệt định vinh quang. Nhờ danh Ngài
mà mọi người được ơn cứu độ.
2. Đáp ca : Tv 117
(như Chúa nhật I Ps)
Thánh vịnh này là tâm tình
của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền
năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc.
Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
3. Tin Mừng : Ga
10,11-18
Đức Giêsu xưng mình là mục
tử tốt lành. Ngài cũng phân biệt mục tử tốt lành và người chăn chiên
thuê :
- Những đặc tính của Người
mục tử tốt lành : a/ thí mạng sống vì chiên ; b/ biết các con chiên
và được các con chiên biết ; c/ muốn quy tụ những con chiên khác ở ngoài
vào đàn chiên mình, để rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.
- Kẻ chăn chiên thuê chẳng
tha thiết gì đến đàn chiên. Hắn ưu tiên lo cho bản thân nên khi gặp nguy hiểm
thì bỏ mặc đàn chiên để chạy trốn.
4. Bài đọc II : 1 Ga
3,1-2
Thánh Gioan nói đến mức độ
to lớn vô cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu :
- Hiện nay Thiên Chúa cho
chúng ta làm con của Ngài.
- Sau này Ngài còn cho chúng
ta được giống như Ngài.
IV. GỢI Ý GIẢNG
Dưới thời bạo Chúa Nêrô bắt
đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao tín hữu đã chết dưới tay ông vua điên
loạn, bạo tàn.
Giáo hội non trẻ do Đức
Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột
của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục dẫn
dắt đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên
đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin ? Thầy
đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang
thành khác sao ? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Đụng Thầy ở cổng thành, Phêrô
hỏi :
- Quo vadis, Domine ?
Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?
- Nếu con bỏ các Kitô hữu
của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.
Phêrô hiểu ngay lời Thầy,
quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên, và để chịu đóng đinh thập giá
như Thầy.
"Ta là mục tử tốt lành.
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên" (Ga.10,11). Đức Giêsu ví mình như một mục
tử tốt lành khác với người chăn thuê, vì người đã dám hy sinh mạng sống cho
đoàn chiên. Cái chết của Người không bất ngờ, cũng không đầu hàng bạo lực,
nhưng là một cái chết tự hiến. Đức Giêsu chết để nói nên lời yêu thương. Một
tình yêu tột đỉnh, yêu cho đến cùng. Thánh Gioan viết : "Không
có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu
mình" (Ga.15,13).
Chính tình yêu đã tạo nên
mối dây gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên, khiến Người nói : "Ta
biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta" (Ga.10,14-15). Đó là
sự hiểu biết nhau sâu xa, sự trân quí giữa mục tử và đoàn chiên.
Đức Giêsu là mục tử duy
nhất, tối cao và gương mẫu. Các mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn
chiên của Người. Mọi mục tử phải noi gương Người, dám chết cho đoàn chiên được
sống. Phêrô là người mục tử đầu tiên. Phêrô có thể trốn bắt bớ, tù tội, chết
chóc. Nhưng chính khi đổ máu, Phêrô đã giữ vững đoàn chiên. Cái chết của Phêrô
đã có sức thuyết phục hơn bất cứ lời rao giảng nào : "Thầy làm
vững đức tin của con. Rồi đến lượt con, con sẽ làm vững đức tin của anh em
con". Các mục tử tiếp bước Phêrô vui lòng nằm xuống để nên nhân
chứng, và củng cố niềm tin cho các anh em.
Dụ ngôn người "Mục
tử tốt lành" cho thấy tình yêu sâu sắc của Thiên Chúa.
- Người yêu thương mỗi người
một cách cá biệt, không yêu cách chung chung.
- Người yêu thương vô điều
kiện, ngay cả khi chúng ta lầm đường lạc lối.
- Người yêu thương bằng tình
yêu vui mừng, chứ không la rầy khiển trách khi tìm thấy chiên lạc.
Ngày nay, Đức Giêsu vẫn cần
những vị mục tử tốt lành lo cho đoàn chiên trên thế giới. Người rất cần các bạn
trẻ hiến thân cho sứ mạng mục tử này. Người mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng trái
tim yêu thương, để thấy những cơn đói Lời Chúa, đói tình thương, đói của ăn, đói
ý nghĩa cuộc sống. Người kêu gọi chúng ta hãy tha thiết xin Cha cho nhiều mục
tử tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn, và thánh đức hơn. Những mục tử
sẵn lòng âm thầm chết từng ngày cho đoàn chiên.
*
Lạy Chúa, xin gởi đến cho
chúng con những mục tử có trái tim của Chúa : luôn say mê Thiên Chúa và
yêu thương con người, có tình bạn thân thiết với Chúa, dám hy sinh cho đoàn
chiên, dẫn đưa chúng con về với Cha là nguồn hạnh phúc thật của chúng con.
Amen. (Thiên Phúc, "Như
Thầy đã yêu")
* 2. Ngày cầu nguyện cho ơn
gọi Linh mục và Tu sĩ
a/ Đối với người Việt chúng
ta thì hình ảnh "chiên và người chăn chiên" không phải là một hình
ảnh gần gũi, vì xứ sở chúng ta không thuộc vùng Cận Đông với nghề chăn nuôi
chiên cừu như Pa-lét-tin xưa. Hơn nữa trong khi cả đất nước đang nói đến công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn
chiên với mục tử", thì e rằng chúng ta bị coi là những người lạc
hậu ! Nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa và biểu tượng tôn giáo của hình ảnh
"chiên và mục tử" thì chúng ta lại chẳng thấy lạc hậu tí nào. Vì
chưng những người tin ở Thiên Chúa đều xác tín rằng họ luôn được Thiên Chúa và
Chúa Ki-tô quan tâm và tận tình chăm sóc, không chỉ về phương diện tâm linh mà
về mọi phương diện con người, không chỉ ở đời sau mà ở cả đời này lẫn đời sau.
Mối tương quan gắn bó giữa người chăn và con chiên là hình ảnh sống động, cụ
thể của mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu.
b/ Những nét đặc trưng của
Vị Mục Tử nhân lành
Đức Giêsu
đã công bố Người là Vị Mục Tử nhân lành, với những nét đặc trưng sau đây :
*
Vị Mục tử nhân lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu
thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì
càng biết tường tận : biết họ muốn gì ? họ cần gì ? họ có thể
gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào ?
* Vị Mục tử nhân lành luôn đi đầu, đi trước tức hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên,
tức đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Vị ấy sẽ
đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát và cỏ xanh, để chiên được ăn uống
no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số
lượng. Thậm chí vị Mục tử sẽ hy sinh mạng sống vì chiên.
c/ Lý do Hội Thánh lấy ngày
chủ nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ :
Bản tin
Hiệp Thông (tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam) số 11, ra ngày 15 tháng
02 năm 2002 (trang 8-9) cung cấp cho chúng ta những con số cụ thể và đáng chúng
ta suy nghĩ trong ngày hôm nay :
(1) : Tổng dân số của Việt
Nam hiện là : 80.489.857 người (76.683.203 dân tộc kinh + 3.806.654 dân
tộc thiểu số). (2) : Tổng số công giáo của 25 giáo phận :
5.324.492 người (5.065.105 dân tộc kinh + 259.387 dân tộc thiểu số). (3) :
Tổng số linh mục của 25 giáo phận : 2.526 Lm (2.133 triều + 393 dòng).
(4) : Tổng số tu sĩ trong 25 giáo phận : 11.282 Ts (1.524 nam + 9.758
nữ). (5) : Tổng số chủng sinh của 25 giáo phận : 1.765 Cs (1.044 đang
học + 318 học xong + 403 dự bị). (6) : Tổng số giáo lý viên của 25 giáo
phận : 45.858 Glv (671 giáo phu + 219 có lương + 44.968 không có lương).
Nếu chia bình quân số giáo
dân cho số linh mục (triều dòng, khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 2.107
giáo dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số linh mục (triều dòng,
khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 31.865 người. Nếu chia bình quân số
giáo dân cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu) thì một tu sĩ phải phục vụ 472 giáo
dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu)
thì một tu sĩ phải phục vụ 7.134 người. Nếu chia bình quân tổng số người
VN không công giáo cho tổng số người VN công giáo thì một người VN công giáo
phải giúp cho 14 người VN không công giáo biết Chúa và gia nhập Giáo hội.
Nguyên nhìn vào những con số
trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo hội Việt
Nam trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà
Giáo hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Đã đành rằng ngày nay trách nhiệm
sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các linh mục, tu sĩ mà
của mọi Ki-tô hữu. Nhưng các linh mục, tu sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất,
là lực lượng nòng cốt và đầu tầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi linh mục,
tu sĩ càng ngày càng giảm sút trong các Giáo hội địa phương, thậm chí
giảm trầm trọng trong một số Giáo hội. Riêng tại Việt Nam, thì tình hình có mấy
nét riêng sau đây : (1) Việc thanh niên nam nữ muốn vào chủng viện, dòng
tu còn gặp nhiều cản trở từ những qui định của Nhà Nước. (2) Việc các Giám mục,
Dòng tu gửi các linh mục, tu sĩ đến nơi cần gửi, đặc biệt đến vùng sâu vùng xa,
cũng chẳng dễ dàng gì. (3) Ơn gọi tu trì đã có dấu hiệu sút giảm ở thành thị,
nhất là ở các quận nội thành.
Vì thế cho nên chúng ta
không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội -nhất là Giáo hội Việt Nam- nhiều
linh mục, tu sĩ tài đức thánh thiện, nhiệt thành mà chúng ta còn phải nài xin
Thiên Chúa tạo thuận lợi cho các ứng sinh linh mục tu sĩ được đào tạo đến nơi
đến chốn và cho các linh mục tu sĩ có điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ của
mình. (Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội).
3. "Tình yêu, con đường
duy nhất để đến với thế giới bất tín".
"… Thánh nữ Têrêxa đã
mở ra cho chúng ta con đường duy nhất để đến với thế giới những người không
tin : đó là tình yêu. Không ai có thể sống thiếu tình yêu. Trước tấm thảm
kịch của thuyết nhân bản vô thần, thảm kịch, vì do nhân danh một tư tưởng cao
cả của nhân loại mà con người đã khước từ Thiên Chúa, mọi Kitô hữu, mọi Linh
mục, mọi tu sĩ đều bồn chồn lo âu (…) thánh Phanxicô đệ Salê đã nói :
"Tất cả đều dành cho tình yêu, đều ở trong tình yêu, đều vì tình yêu và
đều phát xuất từ tình yêu trong Giáo hội". Nhưng cái chân lý cao cả ấy hầu
như đã bị lãng quên, đã bị thuyết Jansénisme khô cằn ngăn chận. Chỉ có người nữ
tu dòng kín trẻ trung thành Lisieux đã nhắc ta nhớ lại chân lý ấy trong nét
tươi tắn của thái độ Ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Hôn thê của Đấng
chịu đóng đinh và đã vì yêu mà tự nộp mình cho ta, chính thị cũng dâng hiến cho
Người tình yêu vì tình yêu, như vị hôn thê dâng hiến cho hôn phụ. "Trong
trái tim giáo hội tôi sẽ là tình yêu" thế là đã rõ, một xác quyết như thế
đụng chạm tới tất cả mọi người ở thế kỷ XX của chúng ta vì chúng ta không biết
yêu và được yêu trong chân lý (…)
Thánh Nữ Têrêxa luôn luôn
là, tôi dám nói, một âm vang đích thực của Trái tim Thiên Chúa cho thời đại
chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Dù ta là ai, ta đã được tạo thành để sống
tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đã trao ban sự sống cho ta. Ta đến từ Thiên Chúa
và ta lại trở về với Người, Người là Đường là Sự Thật và là sự sống. Công
đồng Vatican II đã mạnh mẽ nhắc lại điều này. Sử gia mai ngày có thể thắc
mắc "Giáo hội thời Công đồng đã làm gì ?" Đức Phaolô VI đã
trả lời họ ngay từ ngày 14.9.1965 : "Giáo hội yêu, giáo hội yêu, yêu
bằng trái tim mục tử, yêu bằng trái tim đại kết, yêu bằng trái tim rộng mở đón
nhận mọi người kể cả những người bắt bớ giáo hội". Ta nên tìm lại cái trực
cảm quan trọng ấy của Đức Phaolô VI. Đó cũng là trực cảm của thánh nữ Têrêxa
thành Lisieux : "Giáo hội là Đức Kitô và Đức Kitô là tình yêu".
Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.
Thánh nữ Têrêxa đã khơi gợi
hàng ngàn, hàng ngàn ơn gọi làm Linh mục trên khắp thế giới. Những Linh mục ấy
đã tìm thấy nơi thánh nữ một tình yêu tuyệt đối dành cho Đức Giêsu và tình yêu
Giáo hội, một ý nghĩa sâu xa trong kinh nguyện và trong sứ mệnh truyền giáo
trên khắp hoàn cầu, một sự kết hợp bằng chiêm niệm và hoạt động, một mẫu gương
dùng con đường tình yêu bé nhỏ và phó thác, đường nên thánh trong cuộc sống
hằng ngày. Ngày nay, thánh nữ Têrêxa vẫn tiếp tục làm phong phú tác vụ của các
Linh mục, đặc biệt là những Linh mục trẻ bị cuốn hút bởi sứ điệp tình yêu giữa
lòng Giáo hội (…)
Tất cả hành trình đức tin
thâu tóm trong đức cậy và đức ái. Niềm tin là niềm hy vọng của tình yêu, tin là
hy vọng vào tình yêu. Phải chăng vai trò đã được quan phòng của sứ điệp của
thánh nữ Têrêxa, ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 3, chính là trả lại cho ta tình
yêu và niềm hy vọng ? Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
Tình yêu là để yêu thương. Trong lãnh vực tình yêu, thánh nữ Têrêxa là bậc thầy
linh đạo trong tình yêu, không có dè dặt, không có tính toán, không có trung
dung, không có quân bình vì con người chẳng bao giờ có thể yêu Thiên Chúa
cho xứng với tình Người yêu ta (…).
Một nữ tu hỏi thánh nữ
Têrêxa : "Chị nói gì với Đức Giêsu ?" Chị thánh trả
lời : "Em không nói gì hết, em yêu Người", Chỉ tình yêu là quan
trọng. (Đức Hồng Y P.Poupard, tài liệu cho ngày ơn thiên triệu. Trích dẫn bởi
Fiches dominicales, năm B)).
4. "Trong trái tim Giáo
hội, tôi sẽ là Tình yêu"
(Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng,
bản văn được trích dẫn trong tài liệu của Ủy ban quốc gia về ơn thiên triệu).
"… Sau cùng con đã tìm
thấy an nghỉ… tìm trong thân thể mầu nhiệm của Giáo hội, con chẳng thấy mình
trong bất cứ chi thể nào đã được thánh Phaolô miêu tả, đúng hơn con muốn có mặt
trong tất cả những chi thể ấy… Đức Ái đã cho con chìa khóa ơn gọi của con. Con
hiểu rằng nếu giáo hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, chi thể
quan yếu nhất, cao cả nhất không thể thiếu được, con hiểu đó là Trái Tim và
Trái Tim đó cháy đỏ Tình yêu. Con hiểu rằng chỉ có Tình yêu mới làm cho các chi
thể của Giáo hội hoạt động và nếu tình yêu vụt tắt, các Tông đồ sẽ thôi không
loan báo Tin mừng, các thánh tử đạo sẽ từ chối đổ máu… Con hiểu rằng Tình yêu
phủ trùm lên mọi ơn gọi và tình yêu là tất cả, bao gồm mọi không gian và mọi
thời gian. Tắt một lời, Tình yêu là vĩnh cửu !
Thế là, trong niềm vui tột
đỉnh, con kêu lên : "Ôi Giêsu, Tình yêu của con… ơn gọi của con, cuối
cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là Tình yêu !…
Phải rồi, con đã tìm được vị
trí của con trong Giáo hội. Chỗ ấy, ôi Lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con…
Trong Trái Tim Giáo hội, thưa Mẹ, con sẽ là Tình yêu… như thế con sẽ là
tất cả… như thể giấc mơ của con đã thành hiện thực !!!..."
V. LỜI NGUYỆN CHO
MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân
mến, hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và tu sĩ, chúng ta cầu xin
Chúa sai đến đoàn chiên Chúa những chủ chăn tốt lành như lòng Chúa mong muốn.
1. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh /
đều tích cực quan tâm đến việc nâng đỡ, đào tạo và chọn lựa những người xứng
đáng với ơn gọi làm Linh mục và tu sĩ.
2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang thi hành
trách nhiệm làm Mục tử trong Hội thánh / biết noi gương Đức Giêsu là mục
tử tốt lành / sẵn sàng hiến thân chăm lo cho đoàn chiên Chúa đã trao phó
cho mình.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người trẻ biết lắng nghe
tiếng gọi của Chúa / và quảng đại đáp trả tiếng gọi ấy / để dấn thân
vào đời sống giáo sĩ và tu sĩ
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm cha mẹ trong họ
đạo chúng ta / biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần Tin
mừng / để cống hiến cho Hội thánh những mầm giống ơn gọi tốt lành.
Chủ tế : Lạy
Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, xin cho chúng con biết rộng rãi góp
phần vào việc đào tạo Linh mục và tu sĩ, bằng lời cầu nguyện, và bằng sự giúp
đỡ nhiệt tình. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
VI. TRONG THÁNH
LỄ
- Kinh Tiền Tụng : Nên
dùng Kinh Tiền Tụng Phục sinh V, trình bày Đức Giêsu là Linh mục và của lễ.
- Trước kinh Lạy Cha :
Ngày xưa Đức Giêsu đã bảo "Chúng con hãy xin chủ ruộng đến gặt lúa của
Ngài". Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa Cha ban cho Giáo Hội có nhiều
ơn gọi Linh mục để làm việc trên cánh đồng truyền giáo, để cho "Nước Cha"
mau trị đến.
VII. GIẢI TÁN
Rời Nhà thờ để trở lại với
cuộc sống, chúng ta sẽ thấy còn biết bao người lương chưa biết Chúa, chưa yêu
mến tôn thờ Ngài. Vậy anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho có thêm ơn gọi
Linh mục làm việc trên cánh đồng truyền giáo.
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật IV Phục Sinh (B)
Chúa Nhật, 26 Tháng 4, 2015
Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành
“Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi
dào!”
Ga 10:11-18
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với
cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong
ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám
phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết
của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy
vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng
để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng
con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự
phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện
hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng
con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh cho chúng ta thấy dụ
ngôn của người Mục Tử Nhân Lành. Đây là lý do tại sao thỉnh thoảng
nó được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Trong một số giáo xứ, ngày
lễ mừng các linh mục Triều được cử hành vào ngày này, vị mục tử của đàn
chiên. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận mình là Mục Tử
Nhân Lành, Đấng đã đến “để cho chúng được sống và được sống dồi dào” (Ga
10:10). Vào thời gian ấy, người mục tử là hình ảnh của nhà lãnh
đạo. Chúa Giêsu nói rằng nhiều kẻ tự nhận mình là kẻ chăn chiên
nhưng thực ra chúng chỉ là “những kẻ trộm cướp”. Điều tương tự cũng
xảy ra ngày nay. Có những người tự xưng là nhà lãnh đạo, nhưng trong thực
tế, thay vì phục vụ, họ chỉ mưu tìm lợi ích riêng cho họ. Có một số
kẻ trong bọn họ miệng thì nói lời hiền lành, và tuyên truyền khôn khéo rằng họ
thành công trong việc lừa gạt người khác. Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm bị
lừa gạt chưa? Đâu là những tiêu chuẩn để đánh giá khả năng lãnh đạo
dù ở cấp cộng đoàn hay tại lãnh vực quốc gia? Thế nào là người mục
tử nhân lành và người mục tử nhân lành phải như thế nào? Hãy giữ
trong trí những câu hỏi này, chúng ta hãy cố gắng suy niệm về đoạn Tin Mừng hôm
nay. Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng chú ý đến hình ảnh mà Chúa Giêsu đã
dùng để tự giới thiệu mình với dân chúng như là một vị Mục Tử tốt lành và chân
thật.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 10:11: Chúa Giêsu tự nhận mình
là vị Mục Tử Nhân Lành Đấng thí mạng sống vì chiên của mình
Ga 10:12-13: Chúa Giêsu xác định
thái độ của kẻ chăn thuê
Ga 10:14-15: Chúa Giêsu tự giới
thiệu mình là Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình
Ga 10:16: Chúa Giêsu xác định mục
tiêu cần đạt đến: chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên
Ga 10:17-18: Chúa Giêsu và Chúa Cha
c) Phúc Âm:
11 “Ta là mục tử tốt lành: Mục tử tốt lành thí
mạng sống vì chiên. 12 Kẻ làm thuê không phải là chủ
chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ
chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. 13 Kẻ
chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn
chiên. 14 Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên
Ta, và các chiên Ta biết Ta. 15 Cũng như Cha biết Ta
và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. 16 Ta
còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang
về đàn. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ có một đàn chiên và
một chủ chiên. 17 Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta
thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. 18 Không ai cất
mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí
mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi
Cha Ta.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy niệm cá nhân.
a) Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn
nhất? Tại sao?
b) Chúa Giêsu dùng hình ảnh gì để ứng dụng cho chính
Người? Chúa đã làm điều ấy như thế nào và ý nghĩa của chúng là gì?
c) Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng chữ mạng
sống bao nhiêu lần và Người đã xác định điều gì về mạng sống?
d) Đoạn Tin Mừng đã nói gì về đàn chiên là chúng
ta? Đâu là những phẩm chất và nhiệm vụ của đàn chiên?
e) Mục Tử (Chủ Chiên) – Mục Vụ. Các công
việc mục vụ của chúng ta có tiếp tục sứ vụ của
Chúa Giêsu-Mục Tử không?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Bối cảnh Tin Mừng:
i) Bài giảng của Chúa Giêsu về vị Mục Tử Nhân Lành (Ga
10:1-18) giống như một viên gạch được lát vào trong một bức tường đã
có. Với viên gạch này, bức tường sẽ mạnh mẽ hơn và đẹp đẽ
hơn. Ngay trước đoạn này, trong Ga 9:40-41, Tin Mừng đã nói về việc
chữa lành một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9:1-38) và cuộc thảo luận của Chúa Giêsu
với người Biệt Phái về sự mù lòa (Ga 9:39-41). Ngay sau đó, trong
đoạn Ga 10:19-21, Gioan đưa ra lời kết cho cuộc thảo luận của Chúa Giêsu với
các người Biệt Phái về sự mù lòa. Người Biệt Phái tự nhận mình trước
dân chúng là những nhà lãnh đạo và tin rằng họ có thể nhận
thức và giảng dạy những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong thực tế, họ là
những kẻ mù lòa (Ga 9:40-41) và họ xem thường ý kiến dân chúng được đại diện
bởi người mù bẩm sinh đã được Chúa Giêsu chữa lành (Ga 9:34). Bài
giảng về người Mục Tử Nhân Lành đã được lồng vào đây với mục đích cung cấp một
số tiêu chuẩn để biết làm cách nào phân biệt ai là người lãnh đạo,
vị mục tử đáng được tin cậy. Bài dụ ngôn làm tròn lời mà Chúa Giêsu
đã vừa nói với người Biệt Phái: “Ta đến thế gian này chính là để xét
xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga
9:39).
ii) Bài giảng của Chúa Giêsu về “Người Mục Tử Nhân Lành” trình
bày ba sự so sánh, liên kết với nhau bằng hình ảnh của đàn chiên, đưa ra những
tiêu chuẩn để phân biệt ai là người mục tử đích thật:
So sánh thứ nhất (Ga 10:1-5): “Qua cửa mà
vào”. Chúa Giêsu phân biệt giữa người chăn chiên và kẻ trèo vào
lối khác để trộm cướp chúng. Điều đó cho thấy ai là kẻ qua cửa mà
vào thì là kẻ chăn chiên. Kẻ trộm cướp thì trèo vào lối khác.
So sánh thứ hai (Ga 10:6-10): “Ta là cửa”. Vào
bằng cửa có nghĩa là hành động như Chúa Giêsu, mối quan tâm lớn nhất là cuộc
sống đầy đủ của đàn chiên. Điều mà người mục tử cho thấy là bảo vệ
mạng sống của đàn chiên.
So sánh thứ ba (Ga 10:11-18): “Ta là mục
tử tốt lành”. Chúa Giêsu không những chỉ là người mục tử, mà
Người là vị Mục Tử Tốt Lành. Điều đó cho thấy người Mục
Tử Tốt Lành là (1) sự nhận biết lẫn nhau giữa đàn chiên và người chăn chiên và
(2) thí mạng sống mình vì đàn chiên.
iii) Bài dụ ngôn về người Mục Tử Tốt Lành có thể cất đi
sự mù lòa và mở mắt người ta trong cách nào? Vào thời ấy, hình ảnh
người mục tử là biểu tượng củangười lãnh đạo. Nhưng không
phải vì thực tế đơn giản là bất cứ ai chăm sóc đàn chiên là có thể được định
nghĩa là người mục tử. Những kẻ chăn thuê cũng được kể đến và các
người Biệt Phái cũng là những người lãnh đạo. Thế nhưng
họ có phải là những người mục tử không? Như chúng ta sẽ thấy, theo
lời dụ ngôn, để phân biệt ai là người mục tử và ai là kẻ chăn thuê, thật là cần
thiết phải chú ý đến hai điều: (a) Thái độ của đàn chiên trước người
mục tử chăn dắt chúng, để thấy xem chúng có nhận ra tiếng nói của người ấy
không; (b) Thái độ của người chăn chiên trước đàn chiên để thấy xem
anh ta có tha thiết gì đến đời sống của đàn chiên và anh ta có khả năng thí
mạng mình cho chúng không (Ga 10:11-18).
iv) Văn bản của Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư sau lễ Phục
Sinh (Ga 10:11-18) là phần cuối của bài giảng về người Mục Tử Tốt Lành (Ga
10:1-18). Đây là lý do tại sao chúng ta muốn nhận xét về toàn bộ văn
bản. Chúng ta quan sát chặt chẽ các hình ảnh đa dạng mà Chúa Giêsu
đã dùng để tự giới thiệu với chúng ta Người là Đấng Mục Tử Tốt Lành và đích
thực.
b) Lời chú giải về văn bản:
i) Ga 10:1-5: Hình ảnh đầu tiên: người
mục tử “qua cửa mà vào”
Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng với sự so sánh về
cái cửa: “Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối
khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp! Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ
chăn chiên!” Để hiểu được sự so sánh này, chúng ta nên nhớ những
điều sau đây. Vào thời ấy, những người mục tử chăm sóc đàn chiên ban
ngày. Đêm đến, họ đem đàn chiên vào trong một cái chuồng lớn hay một
khu vực chung, được bảo vệ cẩn mật khỏi kẻ trộm và chó sói. Tất cả
những người chăn chiên trong vùng đem đàn chiên của họ đến đó. Có
người canh gác chăm sóc đàn chiên qua đêm. Vào sáng sớm hôm sau,
người chăn chiên đến, gõ vào cửa và người gác sẽ mở. Khi đó người
chăn chiên sẽ gọi đích danh từng con chiên của mình. Đàn chiên nhận
ra tiếng người chăn chiên của chúng và chúng sẽ đứng dậy và theo người chăn
chiên ra đồng. Các con chiên của những người chăn chiên khác sẽ nghe
tiếng, nhưng chúng sẽ ở tại chỗ, bởi vì đó là tiếng kêu xa lạ đối với
chúng. Đàn chiên nhận ra tiếng của người chăn của chúng. Thỉnh
thoảng có những nguy cơ bị trộm cướp. Để bắt trộm các con chiên, kẻ
trộm cướp đi vào chuồng chiên qua lỗ hổng bằng cách lăn đi các tảng đá từ các
bức tường vây quanh hoặc phá hủy bức tường chắn làm bằng các cục đá chồng chất
lên nhau. Các kẻ trộm không qua cửa mà vào, vì có người canh gác đang
trông chừng ở đó.
ii) Ga 10:6-10: Hình ảnh thứ
hai: Người giải thích ý nghĩa “qua cửa mà vào”: Chúa
Giêsu là cửa chuồng chiên
Những người Biệt Phái đang lắng nghe Chúa Giêsu, (xem Ga
9:40-41), đã không thể hiểu được sự so sánh này. Sau đó, Chúa Giêsu
giải thích: “Ta là cửa chuồng chiên! Tất cả những kẻ đã
đến trước đều là trộm cướp.” Những lời gay gắt này Chúa Giêsu muốn
dùng để nói đến những người nào? Có lẽ Người đang muốn nói về những kẻ
lãnh đạo tôn giáo đã lôi kéo dân chúng đi theo họ, nhưng không thực
hiện đầy đủ những mong đợi của người dân. Họ đã lừa dối người dân,
để cho dân sống khổ sở hơn trước. Họ đã không quan tâm đến phúc lợi
của dân chúng, mà họ chỉ chú ý đến bổng lộc và lợi ích cho riêng họ. Chúa
Giêsu giải thích rằng tiêu chuẩn căn bản để phân biệt rõ ràng giữa người mục tử
và kẻ trộm cướp là lòng quan tâm đến mạng sống của đàn chiên. Người
đòi hỏi mọi người không nên đi theo những kẻ tự xưng là mục tử, mà lại không
tha thiết gì đến cuộc sống của người dân. Chính tại đây Chúa Giêsu
đã công bố một câu mà chúng ta còn cao rao cho đến ngày nay: “Ta đến
để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!” Đây là tiêu chuẩn thứ
nhất.
iii) Ga 10:11-16: Hình ảnh thứ ba: Người
giải thích ý nghĩa câu “Ta đến để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!” (Văn
bản Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh bắt đầu ở đây.)
* Ga 10:11: Chúa Giêsu giới thiệu mình
là người Mục Tử Tốt Lành đã thí mạng sống mình vì đàn chiên.
Chúa Giêsu thay đổi sự so sánh. Đầu tiên, Người ví
mình là cửa chuồng chiên, bây giờ Người là mục
tử của đàn chiên. Và không chỉ là một mục tử thông
thường, mà: “Ta là người Mục Tử Tốt Lành!” Hình
ảnh người chăn chiên tốt lành phát xuất từ Cựu Ước. Mọi người đều
biết kẻ chăn chiên ra sao, anh ta sống và làm việc như thế nào. Khi
Chúa Giêsu nói rằng Người là vị Mục Tử Tốt Lành, Chúa đang giới thiệu mình là
Đấng đến để làm viên mãn những lời hứa của các tiên tri và niềm hy vọng của dân
chúng. Chúa nhấn mạnh về hai điểm: (a) Trong việc bảo vệ
mạng sống các con chiên của mình, người mục tử tốt lành thí
mạng sống mình (Ga 10:11,15,17,18); (b) Trong sự hiểu biết lẫn nhau giữa người
mục tử và đàn chiên, người Mục Tử biết chiên của mình và các chiên biết
người mục tử của chúng(Ga 10:4,14,16).
* Ga 10:12-13: Chúa Giêsu xác định thái
độ của kẻ chăn thuê không phải là người mục tử.
“Kẻ chăn thuê không phải là người mục
tử”. Nhìn từ bên ngoài, những khác biệt giữa kẻ chăn thuê và người
mục tử không được nhận thấy. Cả hai đều bận rộn với đàn
chiên. Ngày nay có nhiều người chăm sóc các người khác trong bệnh
viện, trong cộng đồng, trong các nhà hưu dưỡng, trong trường học, trong các
dịch vụ công cộng, trong giáo xứ. Có người làm điều này vì tình yêu
thương, có những kẻ khác, hầu như chỉ vì đồng
lương, để mưu sinh. Những người này không quan tâm đến các kẻ
khác. Thái độ của họ là vì công việc, thái độ của một người làm công
ăn lương, của một kẻ chăn thuê. Trong lúc nguy nan, họ không quan
tâm đến, bởi vì “đàn chiên không phải là của họ”, các trẻ nhỏ không phải là của
họ, các học sinh không phải là của họ, khu xóm không phải là của họ, những tín
hữu không phải là của họ, các bệnh nhân không phải là của họ, các thành viên
của cộng đoàn không phải là của họ.
Bây giờ, thay vì phê phán hành vi của người
khác, chúng ta hãy đặt mình trước lương tâm của chúng ta và chúng ta hãy tự
hỏi: “Trong mối tương quan của tôi với những người khác, tôi là kẻ
chăn thuê hay là người mục tử?” Kìa xem, Chúa Giêsu không lên án bạn
bởi vì người làm công thì đáng được trả công (Lc 10:7), nhưng Người đòi hỏi bạn
hãy tiến thêm một bước và trở thành một mục tử.
* Ga
10:14-15: Chúa Giêsu giới thiệu mình là Mục Tử Tốt Lành, Đấng
biết chiên của mình.
Hai điều đặc trưng vị Mục Tử Tốt Lành:
a) Người biết các chiên của Người và các chiên Người biết Người. Trong
ngôn ngữ của Chúa Giêsu, “biết” không phải là một vấn đề về biết tên hay
biết mặt của một người, mà là trong mối tương quan với người ấy như một người
bạn, và với niềm thương mến; b) thí mạng sống vì đàn chiên. Điều
đó có nghĩa là sẵn sàng hy sinh thân mình vì tình yêu thương. Đàn
chiên cảm thấy và nhận thức được khi một người bảo vệ và che chở cho chúng.
Điều này có giá trị cho tất cả chúng ta: đối với các linh mục trông
coi giáo xứ và cho những ai có một số trách nhiệm đối với người
khác. Để biết xem một linh mục trông coi giáo xứ có là một vị mục
tử tốt lành hay không, mà chỉ dựa vào việc được gọi là linh mục trông
coi giáo xứ và tuân theo các lề luật Giáo Hội thì chưa đủ. Người ấy còn
cần được công nhận như một người mục tử tốt lành bởi đàn chiên. Đôi khi
điều này bị lãng quên trong các mối quan hệ bè phái ngày nay trong Giáo
Hội. Chúa Giêsu phán rằng không những chỉ người mục tử biết đàn
chiên, nhưng mà đàn chiên cũng biết người mục tử của chúng. Đàn chiên
có nguyên tắc cho việc này. Bởi vì nếu chúng không nhận ra người mục
tử, dù rằng khi người ấy có danh phận theo Giáo Luật, người ấy chẳng phải là
người mục tử xét theo tinh thần Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không những
chỉ các chiên phải vâng lời người hướng dẫn chúng, mà người hướng dẫn cũng phải
rất quan tâm chú ý tới phản ứng của đàn chiên để biết người ấy đang hành động
có giống như người mục tử không hay là giống như kẻ chăn thuê.
* Ga 10:16: Mục đích của Chúa Giêsu: một
đàn chiên và một chủ chiên
Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn và nói rằng Người những con chiên
khác không thuộc đàn này. Chúng chưa nghe thấy tiếng Chúa Giêsu,
nhưng khi chúng nghe thấy tiếng Người, thì chúng sẽ nhận ra rằng Người là vị
Mục Tử và sẽ đi theo Người. Ai sẽ làm việc này, và khi nào thì nó sẽ
xảy ra? Chúng ta là những người ấy, bắt chước tất cả mọi cách cư xử
của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành!
* Ga 10:17-18: Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Trong hai câu cuối cùng này, Chúa Giêsu tỏ
mình ra và khiến cho chúng ta hiểu được có điều gì đó trong nơi sâu thẳm nhất
của trái tim Người: mối tương quan của Người với Chúa
Cha. Ở đây, sự thật tất cả những gì Người đã nói trong những lúc
khác được nhận biết: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì
tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì
tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga
15:15). Chúa Giêsu đối với chúng ta là một cuốn sách mở.
c) Tài liệu mở rộng:
Hình ảnh người Mục Tử trong Cựu Ước được thấy
rõ trong Chúa Giêsu:
i) Tại xứ Palestine, phần lớn người ta dựa vào việc
chăn nuôi chiên cừu và dê để mưu sinh. Hình ảnh người mục tử dắt đàn
chiên đến đồng cỏ là hình ảnh thông thường cho tất cả mọi người, cũng giống như
ngày hôm nay tất cả chúng ta đều biết hình ảnh người tài xế xe
bus. Người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để minh họa nhiệm vụ
của một người cai trị và hướng dẫn dân chúng. Các ngôn sứ đã chỉ
trích các vị vua vì họ là những kẻ chăn chiên đã không chăm sóc đến đàn chiên
và đã không dẫn các chiên đến đồng cỏ (Gr 2:8; 10:21; 23:1-2). Lời
chỉ trích về các kẻ chăn chiên xấu xa như vậy đã tăng lên và đạt đến đỉnh của
nó khi dân chúng bị lưu đày vì tội lỗi của các vua chúa (Ed 34:1-10; Dcr
11:4-17).
ii) Trong khi đối diện với sự thất vọng mà họ đã phải
chịu đau khổ vì lối hành động của những kẻ chăn chiên xấu, một ước muốn có
Thiên Chúa như một vị mục tử đã phát sinh. Một điều mong ước đã được
bày tỏ rõ ràng trong Thánh Vịnh: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi
sẽ không thiếu thốn chi! (Tv 23:1-6; St 48:15). Các ngôn sứ hy vọng
rằng, trong tương lai, chính Thiên Chúa sẽ đến để dẫn dắt đàn chiên của Người,
giống như một mục tử (Is 40:11; Ed 34:11-16). Họ cũng hy vọng rằng
vào lúc ấy, người ta sẽ biết cách nhận ra tiếng người chăn chiên của họ: “Ước
chi hôm nay anh em nghe tiếng Người!” (Tv 95:7). Họ hy vọng rằng
Thiên Chúa sẽ đến như một Đấng Phán Xét để xét xử các con chiên trong đàn (Ed
34:17). Họ ước mong và hy vọng rằng có một ngày Thiên Chúa sẽ ngợi
khen những mục tử tốt lành và Đấng Cứu Thế sẽ là vị mục tử tốt lành cho Dân của
Thiên Chúa (Gr 3:15; 23:4).
iii) Chúa Giêsu làm viên mãn niềm hy vọng này và Người tỏ
ra là một Mục Tử Tốt Lành, khác hẳn với những kẻ trộm cướp trước đó đã bóc lột
người dân. Chúa cũng giới thiệu mình như một vị Quan Tòa của các dân,
vào ngày tận thế, sẽ phán xét như một mục tử tách biệt chiên với dê (Mt
25:31-46). Trong Chúa Giêsu, lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria được
viên mãn; ông nói rằng người mục tử tốt lành sẽ bị bách hại bởi những kẻ chăn
chiên gian ác, là những kẻ khó chịu bởi lời sấm ngôn của ông: “Ta sẽ
đánh mục tử để đàn chiên bị tan tác!” (Dcr 13:7).
iv) Tại đoạn kết của Tin Mừng Gioan, hình ảnh được trải
rộng và Chúa Giêsu cuối cùng nắm giữ mọi vai trò cùng một lúc: cửa
chuồng chiên (Ga 10:7), mục tử (Ga 10:11), Chiên Thiên Chúa và là con chiên (Ga
1:36)!
Chìa khóa cho Tin Mừng của Gioan
Mọi người đều cảm nhận sự khác biệt hiện diện giữa Tin Mừng
Gioan và ba Tin Mừng kia của Mátthêu, Máccô và Luca. Có người định
nghĩa nó như sau: Ba quyển Tin Mừng kia tạo nên một bức ảnh chụp,
trong khi ấy Tin Mừng Gioan tạo nên một bức hình quang tuyến X. Đó
là, Gioan đã giúp độc giả của mình khám phá ra chiều kích sâu xa nhất hiện diện
trong những gì Chúa Giêsu nói và làm. Ông cho thấy những điều ẩn dấu
mà chỉ có tia quang tuyến X của đức tin mới có thể khám phá và tỏ
lộ. Gioan chỉ dạy cách đọc các quyển Tin Mừng khác với cái nhìn của
đức tin và khám phá ra ý nghĩa sâu sắc nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói
rằng Người sẽ gửi ân sủng của Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể hiểu tất cả sự
viên mãn của Lời Chúa (Ga 14:24-25; 16:12-13). Các Giáo Phụ xa xưa
của Giáo Hội đã nói: Tin Mừng của Gioan thì thuộc về “tâm linh” và
“thần học”.
Một số ví dụ: (a) Chúa Giêsu mở mắt cho người mù bẩm sinh (Ga
9:6-7). Đối với Gioan, phép lạ này có một ý nghĩa sâu sắc
hơn. Nó mặc khải rằng Chúa Giêsu là ánh sáng của Thế Gian, Đấng đã
làm cho chúng ta hiểu được và suy ngắm tốt hơn về những gì thuộc về Thiên Chúa
trong cuộc sống (Ga 9:39). (b) Chúa Giêsu cho Lagiarô sống lại từ
cõi chết (Ga 11:43-44) không những chỉ giúp Lagiarô và an ủi hai người chị của
ông, các bà Máctha và Maria, mà còn mặc khải rằng Người là sự Sống Lại và là sự
Sống (Ga 11:25-26). (c) Chúa Giêsu hóa 600 lít nước lã thành rượu
tại tiệc cưới Cana (Ga 2:1-13). Và Người làm điều này không chỉ để
giữ trọn niềm vui của tiệc cưới, mà hơn hết cả, để mặc khải rằng Lề Luật mới
của Tin Mừng giống như rượu so với nước lã của Lề Luật cũ. Và Người
thực hiện điều này với sự phong phú tuyệt hảo (600 lít), một cách chính xác để biểu
thị rằng không để cho ai bị thiếu, cho đến cả ngày nay! (d) Chúa
Giêsu hóa bánh ra nhiều và nuôi những người đang đói (Ga 6:11) không những chỉ
để làm no dạ cho cơn đói của những người nghèo khó đã theo Người vào hoang địa,
mà cũng để mặc khải rằng chính Người là bánh hằng sống nuôi dưỡng tất cả mọi
người cả đời (Ga 6:34-58). (e) Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ
nữ Samaria về nước (Ga 4:7-10), nhưng Người muốn chị ta sau đó có thể khám phá
ra rằng nước của món quà Thiên Chúa mà chị đã có trong người (Ga 4:11-14). Một
cách tóm gọn, chính Thần Khí Chúa Giêsu ban sự sống (Ga 6:63). Xương
thịt hoặc chỉ chữ viết thì không đủ và thậm chí có thể giết chết ý nghĩa và
cuộc sống (2Cr 3:6).
6. Cầu nguyện Thánh Vịnh 23
(22)
Chúa là Đấng chăn nuôi tôi
Chúa chăn nuôi tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn
tôi,
Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính,
Sở dĩ vì uy danh Người.
Dù bước đi trong thung lũng tối,
Tôi không lo mắc nạn,
Vì Chúa ở cùng tôi.
Cây roi và cây trượng của Người là điều an ủi
lòng tôi.
Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ,
Ngay trước mặt những kẻ đối phương;
Đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm;
Chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi,
Hết mọi ngày trong đời sống;
Và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư
Cho tới thời gian rất ư lâu dài.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho
chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ
lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng
với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét