Trang

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

26-05-2015 : THỨ BA TUẦN VIII MÙA THƯỜNG NIÊN

26/05/2015
Thứ Ba sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 35, 1-15
"Chuyên giữ các điều răn là dâng của lễ hy tế cứu độ".
Trích sách Huấn Ca.
Ai tuân giữ lề luật, là dâng nhiều lễ vật. Chuyên giữ các điều răn và xa lánh mọi điều gian ác, là dâng lễ hy tế cứu độ.
Hãy dâng của lễ xin ơn tha thứ cho những bất công, hãy cầu nguyện xin ơn tha tội, và hãy xa lánh những điều gian tà.
Ai thực thi bác ái, là hiến dâng của lễ hoàn hảo; ai làm phúc bố thí, là dâng của lễ hy tế.
Ðiều làm đẹp lòng Chúa là xa lánh gian ác. Lánh xa bất công là dâng của lễ đền tội.
Ngươi đừng đến trước mặt Chúa với bàn tay không; vì tất cả những điều đó là do mệnh lệnh của Thiên Chúa. Của lễ người công chính làm cho bàn thờ nên phong phú, và hương thơm êm dịu của nó bay lên trước dung nhan Ðấng Tối Cao. Lễ vật hiến tế của người công chính đã được chấp nhận, và Chúa sẽ không quên kẻ ấy. Ngươi hãy tôn vinh Thiên Chúa với tâm hồn quảng đại, và đừng rút bớt lại của lễ đầu mùa do công lao tay ngươi làm ra.
Mỗi lần ngươi dâng của lễ, nét mặt ngươi hãy vui tươi, và hãy hân hoan thánh hiến một phần mười của ngươi dâng. Ngươi hãy dâng lên Ðấng Tối Cao tuỳ theo như Người đã ban cho ngươi, và hãy dâng với tâm hồn quảng đại theo sự ngươi đang có trong tay, vì Chúa là Ðấng thưởng công và sẽ trả lại cho ngươi gấp bảy lần. Ngươi chớ dâng những lễ vật hèn kém, vì Người sẽ không nhận của lễ như vậy đâu, ngươi cũng đừng trông gì nơi những của lễ bất chính, vì Chúa là Ðấng xét xử, Người không thiên vị ai đâu.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 28-31
"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Phần thưởng gấp trăm
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 8 TN1, Năm Lẻ
Bài đọc: Sir 35:1-12; Mk 10:28-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa thưởng công xứng đáng những người rộng lượng cho đi.
Con người thường rất tính toán trong việc đối xử với nhau, họ nghĩ: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại;” có nghĩa mọi người phải công bằng trong cách xử thế: Nếu tôi mừng cho con anh 100 đồng trong lễ cưới thì anh cũng phải mừng cho con tôi 100 đồng khi nó thành hôn. Nếu con tôi không nhận được đồng nào hay chỉ nhận 50 đồng, mối liên hệ hai bên sẽ có vấn đề.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong cách cư xử của con người với Thiên Chúa. Con người cần nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã đổ xuống trên cuộc đời mình, để biết cách đáp trả làm sao cho xứng đáng. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca mô tả những cách thức khác nhau con người có thể làm để trả ơn Thiên Chúa, và thái độ rộng lượng và chân thành con người cần có khi dâng lễ vật. Trong Phúc Âm, thánh Phêrô hỏi thẳng Chúa Giêsu những gì ông sẽ nhận được, sau khi ông đã bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần.
1.1/ Có nhiều cách để dâng lễ vật làm đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả sách Huấn Ca chỉ ra bốn việc con người có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải chỉ việc dâng lễ phẩm:
(1) Nghe và giữ lệnh truyền của Thiên Chúa: “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an.” Thiên Chúa chắc chắn sẽ không nhận lễ vật của những người xúc phạm đến Lề Luật, và Ngài hài lòng vì người biết bước đi trong đường lối Thiên Chúa hơn người dâng nhiều lễ vật mà sống ngoài vòng pháp luật.
(2) Biết cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho trong cuộc đời: Nhiều người tuy nghèo, nhưng biết nhận ra và cám ơn những hồng ân Thiên Chúa làm, được kể như “dâng bột tinh hảo.”
(3) Giúp đỡ người nghèo: Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Thiên Chúa. Ngài kể “làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen.”
(4) Từ bỏ gian tà, bất công: Khi dâng lễ vật, Thiên Chúa đòi người dâng phải “tay sạch, lòng thanh.” Không có điều kiện này, lễ vật của người dâng sẽ không bao giờ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa kể những người “từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa,” và những người “chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội.”
1.2/ Thái độ phải có khi dâng lễ vật: Tuy nhiên, cách thông thường nhất người Do-thái hay làm là dâng lễ vật để cám ơn và đền tội. Tác giả sách Huấn Ca mô tả bổn phận và thái độ cần có của người dâng lễ vật.
(1) Bổn phận: “Đừng đến trước nhan Đức Chúa tay không, vì tất cả những gì phải dâng đều do lệnh truyền. Lễ phẩm của người công chính như mỡ đổ trên bàn thờ xông mùi thơm ngào ngạt trước Đấng Tối Cao. Hy lễ của người công chính được chấp nhận, và phần kỷ vật sẽ không bị lãng quên.” Lề Luật mô tả rõ bổn phận của mỗi người phải làm đối với Thiên Chúa: Họ phải dâng toàn bộ của đầu mùa để được Thiên Chúa chúc lành. Tác giả khuyên: “đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra.” Luật cũng buộc dân phải dâng thuế thập phân, tức là 1/10 các hoa lợi thâu nhập được.
(2) Thái độ: Khi con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa, họ phải có thái độ vui vẻ và quảng đại: “Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười... Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối Cao tuỳ theo những gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có.” Trong lịch sử, Thiên Chúa đoái nhận của lễ của Abel hơn của lễ của Cain, vì Abel dâng cho Thiên Chúa với lòng quảng đại và vui vẻ, vì ông biết Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn con người.
1.3/ Phần thưởng cho người dâng lễ vật: Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài “sẽ trả cho con gấp bảy lần.” Nếu mỗi lần dâng lễ vật, người dâng nhận lại nơi Thiên Chúa gấp bảy lần, tại sao không dâng cho Thiên Chúa mà lại keo kiệt giữ lại cho mình? Điều quan trọng khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa là phải có tấm lòng chân thành. Dâng lễ vật là để cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, chứ không phải dâng như dâng quà hối lộ để được Thiên Chúa nhận lời. Cũng không phải dâng lễ vật để cầu xin Thiên Chúa cho trúng số hay cho thành công trong những thương vụ bất chính.
2/ Phúc Âm: Những ai rộng lượng dâng hiến cho Thiên Chúa sẽ nhận lại gấp trăm.
2.1/ Phần thưởng cho những người từ bỏ mọi sự để theo Chúa: Phêrô là con người rất chân thật, có lẽ Chúa thương chọn ông vì đức tính rất thành thật của ông. Phêrô không e dè khi hỏi Chúa Giêsu, dù mới bị Thầy mắng là Satan: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”
Câu trả lời của Chúa Giêsu cần được phân tích cẩn thận:
(1) Nhận được gấp trăm ở đời này: Chúng ta chỉ cần lấy cuộc đời của Phaolô làm ví dụ. Sự trở lại của Phaolô làm gia đình và bạn bè công khai khước từ ông; nhưng ông đã được Thiên Chúa cho nhận lại cả hàng ngàn anh/chị/em tín hữu từ các cộng đoàn ở khắp nơi, trong đó có những môn đệ thân tín mà ông coi như con của mình, có những cộng sự viên đắc lực sẵn sàng đóng góp mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng.
(2) Cùng với sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu Phêrô những ngược đãi mà ông sẽ phải trả giá cho việc làm môn đệ của Ngài. Ông và Phaolô cũng phải chịu biết bao gian khổ, tù đày, roi đòn, và sau cùng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô. Những sự ngược đãi được coi như phần thưởng, vì nó cung cấp cho các ông cơ hội nhận phúc lành của Thiên Chúa.
(3) Sự sống vĩnh cửu đời sau: Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phần thưởng ở đời này cho dù lớn đến đâu chăng nữa, cũng không thể so sánh với sự sống vĩnh cửu mà Ngài sẽ ban cho các môn đệ trung thành ở đời sau.
2.2/ Trong Nước Thiên Chúa, mọi giá trị của thế gian bị đảo ngược. Chúa Giêsu tiếp tục nói với Phêrô: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." Ngài có ý muốn nói với ông: đừng phán xét mình theo tiêu chuẩn của thế gian, cũng đừng phán xét theo những gì mình nghĩ. Phêrô có thể hãnh diện vì sự từ bỏ của ông, và ông có thể nghĩ ông xứng đáng được hưởng những ân thưởng của Chúa. Cách hay nhất của người môn đệ là hãy cố gắng hết sức chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao, việc ân thưởng sẽ tới và hoàn toàn tùy thuộc nơi Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải khôn ngoan nhận ra mọi sự Thiên Chúa đã làm cho chúng ta để biết cách đền đáp cho xứng đáng.
- Chúng ta đừng bao giờ so đo và tính toán với Thiên Chúa, vì Ngài là Cha rất nhân lành. Ngài sẽ ban cho chúng ta gấp trăm lần những gì chúng ta dâng cho Ngài hay giúp đỡ tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

26/05/15 THỨ BA TUẦN 8 TN
Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
Mc 10,28-31

Suy niệm: Bỏ mọi sự là điều kiện phải có để đi theo Chúa, chứ không phải công trạng của người môn đệ để có quyền đòi hỏi Chúa phải đáp đền. Như nhựa cây chỉ dâng cao một khi các cành cây đã được cắt tỉa bớt và cây chỉ sống được nếu các dây leo ký sinh không làm nó tắc nghẽn, thì đối với người môn đệ cũng thế, những hy sinh và từ bỏ phải được thực hiện liên lỉ, không phải một lần là đủ, nhưng từng giây từng phút để lòng mến Chúa và các linh hồn được dâng cao và đời tông đồ được rõ nghĩa. Việc hy sinh và từ bỏ mọi sự nơi người môn đệ chỉ trọn vẹn ý nghĩa một khi chúng làm cho người môn đệ trở nên giống Chúa Giê-su trên thập giá. Bởi, khi bị tước lột hết mọi sự, ngay cả hơi thở sau cùng, Chúa Giê-su mới thốt lên được lời mà cuộc đời Ngài muốn diễn tả: “Mọi sự đã hoàn tất.” Thực vậy, thánh ý của Chúa Cha được Chúa Giê-su hoàn thành trong hy tế thánh giá của Ngài.
Mời Bạn: Bạn có thường tự hào về những đóng góp của bạn cho Giáo Hội không? Bạn có thường kể lể công trạng của bạn không? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở bạn có tâm tình gì khi hy sinh và từ bỏ để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Trước mỗi ngày mới, bạn dâng lên Chúa một việc hy sinh và cuối ngày sống, bạn kiểm điểm về việc thực hành lời hứa bạn đã có với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tận tụy trong mọi công việc phục vụ Chúa và biết dâng lên Chúa những cố gắng của con. Nhưng xin Chúa cho con biết quảng đại, để không đòi lại hay nhắc lại những gì đã hiến dâng, vì tình yêu là hiến dâng.

Bỏ mọi sự vì Thầy 
 Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài. Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.


Suy nim:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG NĂM
Tin Mừng Cho Mọi Người
Bạn là tín hữu? Bạn hãy sống đức tin của mình và hãy chuyển trao đức tin cho con em mình. Hãy nêu chứng tá đức tin bằng chính cuộc sống. Bạn hãy yêu mến Giáo Hội như một hiền mẫu. Hãy sống trong Giáo Hội và vì Giáo Hội. Hãy dành chỗ cho mọi người trong trái tim bạn. Hãy thứ tha nhau và hãy gieo rắc hòa bình bất cứ nơi nào bạn có mặt.
Bạn không phải là tín hữu? Hãy tìm kiếm Thiên Chúa, vì Ngài đang kiếm tìm bạn đó!
Bạn đang gặp đau khổ? Hãy vững lòng. Vì Đức Kitô đã từng nếm cảm niềm đau; Người sẽ ban cho bạn sức mạnh để đương đầu với nỗi ê chề của bạn.
Bạn là người trẻ? Hãy làm một cuộc đầu tư tốt nhất cho cuộc đời mình, vì cuộc đời bạn là một kho tàng hết sức quí giá.
Và với tất cả mọi người, tôi sẽ nguyện chúc: Xin ân sủng Thiên Chúa đồng hành với các bạn trong mỗi phút giây của cuộc sống thường ngày.
Và xin đừng quên: Hãy ân cần đón nhận các trẻ thơ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của các em. Ước gì lời chào tốt lành từ ban sơ dành cho các em sẽ mở ra cho các em một cuộc sống tràn đầy ân phúc – đó là niềm mong mỏi của bạn, của tôi, và là niềm mong mỏi của toàn thể Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26 - 5
Thánh Philipphê Nêri, linh mục
Hc 35, 1-12; Mc 10, 28-31.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”
Người thanh niên giàu có, sau khi nghe lời đề nghị của Chúa Giêsu đã bỏ đi, và Người than thở “những người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”. Với tính bộc trực của Phê-rô, Phê-rô đã hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Phêrô muốn được nghe về phần thưởng mà các Tông Đồ sẽ lãnh nhận. Và Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng: sẽ được gấp trăm ngay ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết chọn Chúa, và sẵn sàng hy sinh đời mình phục vụ vì phần rỗi của các linh hồn. Để được Chúa ân thưởng trong Nước Trời.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 26-05: THÁNH PHILIPPHÊ NÊRÔ
Linh Mục (1515 - 1595)

Thánh Philipphê Nêrô sinh năm 1515 tạo Florence. Bị mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, nhưng Philipphê có một bà Dì nhất mực yêu thương. Ngược lại Philipphê cũng rất vui tươi và ngoan ngùy đang cho mọi người yêu thích. Ngài hấp thụ được đức tin sâu xa nôi cha mẹ và các cha dòng Daminh ở tu viện thánh Marcô.
Năm 1533 Ngài đến sống với người cậu ở gần Naples để tập nghề kinh doanh. Ong cậu không có con thừa tự nên muốn dành gia tài cho Philipphê, nhưng thánh nhân thấy mình không có ơn gọi để sống cuộc đời như vậy. Và Ngài đi bộ về Roma, không tính toán cũng không có đồ dùng chi, Philipphê sẽ sống và chết tại Roma.
Một người đồng hương ở Roma cho Philipphê một căn phòng với điều kiện là dành ít thời gian dạy dỗ cho con cái họ. Thánh nhân đã sống đời cầu nguyện và học hành trong cô tịch, ngày ăn một bữa với bánh mì, nước và trái ôliu, ngủ trên sàn nhà. Trong khi theo môn triết học và thần học, Ngài vẫn tìm cách lôi kéo bạn bè vào nếp sống đạo đức, lo cải hoá người khác. Như vậy chính thánh nhân cũng bị cám dỗ và phải cố gắng để tự chủ, Ngài tăng thêm lời cầu nguyện và các việc hy sinh hãm mình.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1544, trong khi cầu nguyện, Ngài thấy một vật gì như trái banh bằng lửa xoáy vào trong tim gây nên một cơn bệnh và một vết thương xưng lên dầu không đau đớn gì. Trong cuộc khám nghịệm sau khi chết người ta thấy hai xương sườn phía trên bị gãy và tạo ra một khoảng rộng lớn hơn.
Sau nhiều năm, Ngài bán hết sách vở và bắt đầu lo cho linh hồn người khác hơn là cho mình. Ngài hòa mình với các bạn trẻ ở các ngã tư , các cửa tiệm và các bờ sông, dùng đến sức thu hút tự nhiên lẫn siêu nhiên để dẫn họ về đường ngay.
Hòa mình vào nhóm các nhà giảng thuyết, Philipphê đã gây được nhiều ảnh hưởng nơi các giáo dân lẫn lương dân. Người ta cho rằng: Ngài làm nhiều phép lạ. Tuy nhiên, thánh nhân rất khiêm tốn và không dám nhận chức linh mục. Cuối cùng theo lời khuyên của cha giải tội, Ngài thụ phong linh mục năm 1551. Nhiệt tâm của Ngài thật mãnh liệt khi Ngài cử hành thánh lễ đầu tiên đến nỗi như có một luồng ánh sáng từ Ngài phát ra. Phần lớn thời gian trong ngày và cả ban đêm Ngài dành vào việc ngồi tòa giải tội. Nhận thấy có nhiều thanh niên và trẻ em biếng nhác, Ngài mở cửa không cho chúng vui tươi trò chuyện ca hát. Căn phòng ấy được mệnh danh là "Ngôi nhà của nịềm vui Kitô giáo". Mỗi chiều Ngài tổ chức buổi cầu nguyện chung cho các tín hữu. Muốn cho lời cầu nguyện khởi sắc, Ngài nhờ người bạn danh tiếng là nhạc sĩ Palestrina phổ nhạc các thánh thi. Nhà nghệ sĩ này coi Ngài như một người cha và đã qua đời trong cánh tay Ngài. các linh mục muốn dấn thân phù giúp Ngài đã họp thành một hội ái hữu và đó là tiền thân của dòng giảng thuyết.
Thánh Philipphê làm việc với một tính khí vui tươi đặc biệt. Ngày kia cộng đoàn một bạn trẻ đến báo tin cho Ngài biết hạnh phúc của mình đã được thân phụ cho theo học luật. Sau khi phác họa niềm vui hạnh phúc của mình như thế nào rồi, anh nghe hỏi:
- Học xong anh sẽ làm gì ?
- Con sẽ đậu bằng tiến sĩ luật .
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ cãi những vụ kiện quan trọng, khó khăn để thành danh tiếng.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ nên danh giá và giàu có thỏa lòng mong ước .
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ sống sung sướng và hạnh phúc.
- Rồi sao nữa ?
- Rồi sao nữa ? sao nữa ? rồi con chết.
- Thánh nhân cao giọng hỏi tiếp: Rồi sao nữa ?
Và bạn trẻ không biết trả lời ra sao nữa, nhưng câu hỏi đã lọt vào trong tâm hồn cho đến khi hiến mình trong tu viện và chết lành thánh.
Cũng với tính khôi hài này. Thánh Philipphê đã sửa dạy được nhiều nết xấu của người ta. Chẳng hạn một phụ nữ quen tật nói xấu người khác được nghe thánh nhân dạy hãy mua một con gà giết chết, rồi vừa đi vừa nhổ lông trên đường tới gặp Ngài. Chị ta ngạc nhiên làm và như vậy. Tới nơi thánh nhân dạy : - Chị hãy trở về đường cũ và lượm hết các lông đó lại.
Người phụ nữ la lối không thể được vì gió thổi bay khắp chốn rồi. Thánh nhân mới nói: - Những lời nói xấu vu oan cho người ta một khi ra khỏi miệng sẽ truyền từ tai này qua tai nọ. Chị có thể lấy lại được không ?
Và thánh Nhân khuyên nhủ : - Khi muốn nói về một người nào làm khổ mình, hãy nói với Chúa mà thôi để cầu nguyện và giúp họ sửa sai.
Với những bức thư của thánh Phanxicô Xavier từ phương Đông gởi về, thánh Philipphê đã tìm cách theo Ngài để gieo vãi chính máu mình cho Chúa Kitô. Nhưng một thày dòng khổ tu đã nói với thánh nhân : - Dân An độ của Ngài ở tại Roma này.
Thế là thánh nhân ở lại Rôma trở thành "Tông đồ thành Rôma".
Năm 1622 khi được phong thánh, thì Phanxicô Xavie vị "Tông đồ của dân An độ" cũng được tuyên phong với Ngài.
Năm 1575, Đức giáo hoàng Gregoriô XIII đã cho Ngài và anh em linh mục thuộc nhóm Ngài một nhà thờ. Họ tái thiết thành một nhà thờ mới và ngày nay cũng chính là nhà mẹ ở Roma của dòng giảng thuyết. Philipphê được đặt làm bề trên của hội dòng mới, dòng giảng thuyết. Ngài hướng dẫn anh em trong dòng sống như như các linh mục triều, không có lời khấn nào đặc biệt, nhưng liên kết với nhau trong tình yêu thương nhau, trong một mục đích là phục vụ các linh hồn bằng việc cầu nguyện, giảng dạy và ban các phép bí tích. Ngài không đặt ra nhiều lề luật và ngày nay có tới 40 nhà dòng giảng thuyết gồm các phần tử sống theo đường lối của thánh Philipphê Nêrô.
Năm 1595, thánh Philipphê ngã bệnh. Ngày 25 tháng 5 Ngài dâng lễ và ngồi tòa như thường lệ. Nhưng sáng hôm sau Ngài bị thổ huyết, trong khi giơ tay chúc lành cho cộng đoàn và miệng lẩm bẩm : - Đây là tình yêu của con, hạnh phúc của lòng con và thánh nhân đã phó mình cho tình yêu.
(daminhvn.net)


26 Tháng Năm
Sức Mạnh Lời Chúa
Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.
Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: "Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".
Ông Chrgwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo" đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.
Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét