Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

14-06-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

14/06/2015
Chúa Nhật Tuần XI Mùa Thường Niên Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XI Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B
(Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)
Chủ đề:
SỨC MẠNH TỰ THÂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất.
Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ

(Mc 4,31-32a)
Nước Thiên Chúa là một đề tài rất trừu tượng, là mầu nhiệm, nên Đức Giêsu phải dùng các dụ ngôn với những hình ảnh của đời sống thường nhật để giúp các môn đệ hiểu phần nào các chiều kích cao sâu của mầu nhiệm này. Các bài đọc hôm nay đã dùng cặp phạm trù nghịch đảo “lớn thành nhỏ”, “nhỏ thành lớn” để nói lên sức mạnh tự thân của Nước Thiên Chúa và tính hợp lý trong chương trình hành động của Người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Ed 17,22-24):
Lấy hình ảnh về cây hương bá, bài đọc I nhấn mạnh: Chính Đức Chúa “sẽ hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (Ed 17,24b). Trong Cựu Ước, cây hương bá được dùng để diễn tả sự to lớn và biểu tượng của uy quyền. Cây hương bá cao chót vót có thể là biểu tượng của Aicập với Pharaô ngạo nghễ và quyền thế mà Israel một thời đã dựa vào đó (Ed 31), thay vì dựa vào Đức Chúa. Trong bài đọc này, cây hương bá tượng trưng cho Israel hoặc vương triều Đavít mà Đức Chúa đã hạ thấp, rồi sau đó chính Người lại nâng lên.
Một mặt, xét theo chiều kích lịch sử, từ cây hương bá bị hạ thấp là Israel đó, chính Đức Chúa sẽ ngắt một chồi non trên ngọn và đem trồng trên đỉnh núi cao để từ chồi non đó sẽ lại xuất hiện một cây hương bá sum suê. Đó là hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien dùng để tiên báo việc Đức Chúa sẽ cho Israel được hồi hương từ miền đất lưu đày Babylon và vương quốc của họ sẽ được tái lập rồi phát triển thịnh vượng. Quả thật, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch phục hồi Dân của Người, nhưng bắt đầu từ sự khiêm tốn và nhỏ nhắn của một “số còn sót lại” được gọi là “người nghèo của Đức Chúa”.
Mặt khác, cây hương bá cao chót vót có thể là biểu tượng một thời đầy quyền thế của Vương triều Đavít-Salomon. Chính Đức Chúa sẽ “ngắt một chồi non” từ ngọn hương bá cao chót vót này và làm cho nó thành một cây hương bá huy hoàng. Điều này gợi lại hình ảnh mà ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Mêsia: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ” (Is 11,1). Nhánh nhỏ này sẽ được Đức Chúa đem “trồng trên núi cao của Israel. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,23). Chương trình của Thiên Chúa được thể hiện bắt đầu bằng những sự khiêm tốn và bình thường, nhưng sẽ trở thành điều phi thường trong ngày hoàn thành viên mãn. Hình ảnh này đưa chúng ta gặp hình ảnh của hạt cải tượng trưng cho Nước Thiên Chúa trong bài Tin Mừng.
2. Bài đọc II (2Cr 5,6-10):
Hạt giống Nước Thiên Chúa được gieo có tương quan với người gieo. Nói rõ hơn, Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo đòi hỏi những hy sinh vất vả của người tông đồ. Do đó, bài đọc 2 nhấn mạnh đến tầm mức cao cả và những thăng trầm của sứ vụ loan báo Tin Mừng của các tông đồ, với lòng tin mãnh liệt và niềm hy vọng lớn lao nơi họ về kết cục tốt đẹp của Nước Thiên Chúa. Với lòng tin tưởng và niềm hy vọng như thế, người loan báo Tin Mừng sẵn sàng tiến bước hướng về tương lai, luôn mạnh dạn, dù sống hay chết (2Cr 5,8-9a) và chăm lo thực hành các việc tốt (2Cr 5,10b) với một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Chúa (2Cr 5,9b).
3. Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34):
Trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu không sử dụng những ngôn từ cao siêu hay những tư tưởng uyên bác để mạc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng dùng những hình ảnh “bình thường” để diễn tả điều “phi thường”, sử dụng các “thực tại trần thế” để bày tỏ “mầu nhiệm cao siêu”. Bài Tin Mừng bao gồm 2 dụ ngôn về Nước Thiên Chúa và một kết luận về vai trò của các dụ ngôn trong việc diễn tả sứ điệp Tin Mừng.
Dụ ngôn 1: nói về hạt giống được gieo xuống lòng đất, nhằm diễn tả sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa khi được loan báo. Hạt giống có sức mạnh ẩn giấu bên trong. Nhờ đó, hạt giống có thể tự phát triển tiệm tiến theo quy luật nội tại của nó cho đến khi sinh hoa kết quả dồi dào trong mùa gặt. Hạt giống này là ẩn dụ về Nước Thiên Chúa. Cũng như hạt giống được gieo tự tăng trưởng thành cây và đơm hạt, Nước Thiên Chúa có sức mạnh nội tại, ẩn giấu và phát triển tiệm tiến cho đến lúc thành tựu trong mùa gặt, tức là ngày viên mãn của Nước Thiên Chúa. Hạt giống này có tương quan với người gieo, nhưng đó chỉ là mối tương quan liên hệ, chứ không phải tùy thuộc. Người gieo hạt giống chỉ là tác nhân tại một thời điểm nhất định: thời điểm gieo. Vì thế, cần rút ra những lưu ý:
- Với hạt giống: sự tăng trưởng và sinh kết hoa trái của nó không phụ thuộc vào người gieo vì nó có sức mạnh tự thân, nhưng cần người gieo tại thời điểm khởi đầu.
- Với người gieo: ông cứ gieo hạt giống và sau một thời gian ông lại xuất hiện kịp thời và đúng lúc để thu hoạch mùa gặt do hạt giống đã được gieo mang lại.
Dụ ngôn 2: nói về hạt cải, cũng được gieo xuống lòng đất. Nếu dụ ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại, thì dụ ngôn thứ hai lại nhấn mạnh đến sức mạnh ngoại tại của Nước Thiên Chúa. Hình ảnh hạt cải được gieo và phát triển này gợi nhớ lại lời ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc I: “Ta sẽ trồng nó (Israel) trên núi cao, thành một cây hương bá huy hoàng. Muôn chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng là cành” (Ed 17,23). Hạt cải được xem là hạt giống nhỏ nhất. Vì thế, khi muốn nói đến điều gì rất nhỏ, người Dothái nói: “không lớn hơn hạt cải”. Thế nhưng hạt cải rất nhỏ đó khi được gieo xuống đất, sẽ trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, và chim trời bay về làm tổ trên nó. Nước Thiên Chúa có khởi sự giống như thế: bắt đầu rất nhỏ và khiêm tốn, nhưng sau đó sẽ trở thành cây lớn để “muôn dân” bay về làm tổ và trú ẩn dưới bóng của nó. Lịch sử Giáo hội cho thấy Đức Giêsu thiết lập Nước Thiên Chúa bằng một khởi điểm rất khiêm tốn từ một nhóm nhỏ tại một miền đất cũng rất nhỏ là Palestine. Thế nhưng hạt giống nhỏ bé mà Đức Giêsu đã gieo đó đã trở thành một cây lớn là Giáo Hội để cho muôn dân quy tụ về.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Đức Giêsu dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe, thay vì những giáo huấn mang tính giáo điều lý thuyết. Đó là cũng một khía cạnh cần lưu ý trong tiến trình Tân Tin Mừng hóa. Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ĐGH Phanxicô nói rằng ngài mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Giáo Hội trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay (s. 27) hoặc cần phải có một cách truyền giáo có thể chiếu sáng những cách thức mới của sự liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với môi trường (s.74). Chúng ta có tìm kiếm hay đón nhận những cách thế mới để loan báo Tin Mừng sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?
2. Nước Thiên Chúa cũng giống như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở thành một hạt giống Nước Thiên Chúa, cho dù đó là một hạt cải nhỏ bé, để được gieo vào một môi trường cụ thể nào đó mà mình đang sống. Đó có thể là gia đình, giáo xứ, khu phố, xóm làng, trường học, đoàn thể, công sở... Với sức mạnh nội tại của đức tin, đức mến và đức cậy, và nhất là sự can thiệp của Thiên Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta sẽ tăng trưởng và đem lại hoa trái cho mọi người xung quanh, nhờ đó “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, như lời kinh chúng ta vẫn dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Chúng ta có ý thức các điều đó là cần thiết trong đời sống đạo hay không?
3. Nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Nước Thiên Chúa được khởi sự từ những điều bình thường và nhỏ bé khiêm tốn như hạt cải, nhưng thực tại của Nước ấy có sức mạnh nội tại, cứ âm thầm tăng trưởng và tự phát triển tiệm tiến theo thời gian. Phải chăng để góp phần vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa, chúng cứ bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt trong tầm tay, hay chờ lên một kết hoạch thật lớn rồi cứ hội đủ điều kiện mới ra tay thực hiện? Nên chăng chúng ta cứ thắp một que diêm, rồi sẽ có những que diêm khác được thắp tiếp nối để xua đuổi bóng đêm, còn hơn là chờ có đủ điều kiện để xây một nhà máy thủy điện rồi mới chiếu sáng?
4. Hạt cải Khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ. Hạt giống nước Thiên Chúa sẽ thành cây và tăng trưởng tiệm tiến, không nóng vội hay sinh hoa kết quả ngay, mà phải chờ đến ngày gặt. Vì thế, người gieo giống cần kiên nhẫn đợi chờ. Chúng ta có ý thức rằng người làm việc tông đồ cứ gieo, cứ vun trồng, cứ chăm sóc và cứ đợi chờ, chứ không nên nóng lòng khi thấy việc rao giảng Tin Mừng không đem lại kết quả tức thời, mà cần kiên trì trong niềm tin và hy vọng vào thành quả sẽ đến theo một cách thế và vào một thời điểm mà người ta không ngờ tới?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước Thiên Chúa với sức mạnh nội tại luôn âm thầm phát triển và đem lại những kết quả ngoại tại phi thường giữa thế giới hôm nay. Chúng ta cùng ngợi khen cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành chu toàn sứ mạng cao cả ấy bằng lời rao giảng, gương sống thánh thiện và các hoạt động bác ái.
2. Hạt giống Tin Mừng được Chúa Thánh Thần gieo vãi nơi các truyền thống và các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân trọng và bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc.
3. Xung đột tôn giáo đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu ở những nơi đó biết tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa và sức mạnh nội tại của Nước Trời, hầu luôn trung thành bền đỗ trong đức tin.
4. Kitô hữu là những người gieo giống Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết sẵn sàng trở nên khí cụ mở mang Nước Chúa, qua việc tích cực tham gia các hoạt động tông đồ, cùng với đời sống gương mẫu hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và biến đổi chúng con trở nên những tông đồ nhiệt thành, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc loan báo Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


Hạt giống, hạt cải
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.
Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.
Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.
Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.


SỢI CHỈ ĐỎ CHÚA NHỰT XI THƯỜNG NIÊN Năm B
CHỦ ĐỀ :
SỨC PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Êd 17,22-24) : Dụ ngôn về một chồi cây nhỏ lớn lên thành cây hương nam vĩ đại.
- Tin Mừng (Mc 4,26-34) : Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo vào lòng đất âm thầm phát triển thành một cây to.
I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ
Anh chị em thân mến
Chúng ta thường nghe nói chúng ta là công dân Nước Thiên Chúa và có bổn phận xây dựng Nước Thiên Chúa. Nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu bao nhiêu. Lời Chúa hôm nay sẽ dạy chúng ta những điều đó.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy và xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta chưa sống đúng theo niềm tin của mình.
- Chúng ta không làm chứng cho những giá trị tốt của Tin Mừng.
- Chúng ta không quan tâm xây dựng Nước Thiên Chúa.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Êd 17,22-24)
Ngôn sứ Êdêkien rao giảng dụ ngôn này trong thời dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon :
- Cây hương nam cao nhất ám chỉ Nabuchodonosor và đế quốc của ông. Nó sẽ bị Thiên Chúa chặt xuống.
- Một chồi non được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây hương nam vĩ đại ám chỉ dân Israel. Họ sẽ được Thiên Chúa cho hồi hương và đất nước họ sẽ thịnh vượng.
- Tất cả những cây rừng khác ám chỉ các vua và các nước khác. Họ sẽ nhận biết uy quyền của Thiên Chúa và vinh quang của Israel.
2. Đáp ca (Tv 91)
Tv này cũng so sánh người hiền đức như một cây là cây chà là : được vun trồng trong nhà Chúa, lớn lên và trổ sinh hoa trái như cây hương bá đất Liban.
3. Tin Mừng (Mc 4,26-34)
Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn giúp người ta hiểu về Nước Thiên Chúa :
- Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo xuống đất và dù người gieo thức hay ngủ, dù ngày hay đêm, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây à Sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.
- Nước Thiên Chúa giống như một hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất nhưng dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời đến núp dưới bóng của nó à Sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.
4. Bài đọc II (2 Cr 5,6-10)
Giữa những gian truân khổ sở của cuộc đời, thánh Phaolô bày tỏ niềm trông cậy vào Chúa :
- bởi vì sống ở đời này cũng như bị lưu đày xa cách Thiên Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ thoát cảnh lưu đày mà về với Chúa.
- trong khi chờ đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày đó chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. "Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất"
Cách Đức Giêsu dùng để mô tả Nước Thiên Chúa rất xa lạ với trí tưởng tượng của con người. Ngài không nói Nước Thiên Chúa giống như một đất nước đông đảo hay một đạo quân hùng mạnh, nhưng nói "Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất". Câu này có nhiều ý nghĩa.
- Nước Thiên Chúa là một hạt giống : thực chất của Nước Thiên Chúa không phải là hệ thống tổ chức quy mô hay thế lực mạnh mẽ bề ngoài, mà là những giá trị bên trong, những giá trị mà Đức Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng, như yêu thương, tha thứ, hòa thuận v.v.
- Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt : Xây dựng Nước Thiên Chúa không phải bằng cách lập hội kêu gọi càng nhiều người ghi tên vào càng tốt, hay đem quân xâm lấn để mở mang bờ cõi, mà là gieo hạt : đem những giá trị Tin Mừng vùi vào thế giới này, gieo vào lòng nhân loại này.
- Hạt giống sẽ dần dần mọc lên : Không nên nôn nóng mong chờ một sự phát triển nhanh chóng ngoạn mục mà phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng vì thế nào Nước Thiên Chúa cũng lớn lên.
* 2. Nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bĩ
Nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bĩ : đó là những đặc tính của hạt giống.
Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống để dạy môn đệ Ngài sống và xây dựng Nước Thiên Chúa :
- Chúng ta không cần làm những việc to tát vĩ đại. Chỉ cần làm cho tốt những việc nhỏ bé hằng ngày của mình.
- Chúng ta không cần ồn ào phô trương hay quảng cáo cho niềm tin của chúng ta. Chỉ cần sống một cách âm thầm nhưng kiên trì những giá trị Tin Mừng mà mình đã nhập tâm.
* 3. Tính nóng vội
Thời nay có nhiều sản phẩm "xài liền", như mì ăn liền, cà phê uống liền, chụp hình lấy liền v.v. Dù chúng ta biết phẩm chất của những thứ đó không được tốt, nhưng chúng ta vẫn thích, bởi vì đỡ tốn công và đỡ mất giờ.
Thế nhưng chúng ta quên rằng có nhiều thứ không thể hối thúc được. Phát triển thành một con người chín chắn là công việc của cả một đời người. Xây dựng một tương quan tốt đẹp với ai đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Biết và hiểu con cái mình cũng đòi cha mẹ phải tốn nhiều thời giờ. Vượt qua tội lỗi và thói xấu cũng không phải là công việc một sớm một chiều.
Thời đại chúng ta ngày này cũng được gọi là thời đại nhấn nút. Nhấn nút một cái là đèn cháy, nhấn nút một cái là máy nổ, nhấn nút một cái là cửa mở ra… Quả thật nhiều phương tiện hiện đại nhằm tiết kiệm sức người là tốt. Thế nhưng kiểu sống "nhấn nút" như thế làm cho chúng ta có khuynh hướng tìm sự dễ dãi. Đi đến thăm một người già hay một người bệnh làm chi cho mất công, sao không gọi điện thoại cho tiện ! Hơn nữa có rất nhiều chuyện không thể giải quyết bằng cách nhấn nút : không có nút nào thay thế việc nuôi dạy con cái cho nên người, cũng không có nút nào thay thế việc luyện tập thành thạo một kỹ năng…
Trong dụ ngôn hôm nay, người nông dân đã làm tất cả những gì phải làm, là dọn đất và gieo hạt giống. Sau đó là phần việc của hạt giống, phần việc này ngoài tầm của người nông dân. Người nông dân phải chờ, chờ trong kiên nhẫn và hy vọng.
Dụ ngôn này nhắc chúng ta rằng chúng ta có thể gieo hạt giống nhưng chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Chính Chúa làm việc đó. Nếu chúng ta làm xong phần bổn phận mình thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả. Nhưng liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn và đủ lòng trông cậy không ? (Viết theo Flor McCarthy)
* 4. Những sự bắt đầu nho nhỏ
Dụ ngôn thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay (hạt cải nhỏ mọc thành cây to) chứa đựng bài học này : có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ.
Có rất nhiều thí dụ : Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch ; muốn viết một quyển sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ ; muốn làm một chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước ; muốn xây dựng một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao v.v.
Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen xấu được lặp đi lặp lại.
* 5. Câu chuyện minh họa :
a/ Hạt giống :
   Bà và cháu gái đang phân loại hạt giống chuẩn bị cho vụ mùa tới. Cô bé nhận xét khi kiểm tra những hạt trong tay : "Những mong đợi nhỏ bé và mỏng manh phải không bà ? Có phải mỗi hạt là một niềm hy vọng không ?"
- Phải, mỗi hạt là một niềm hy vọng. Nhưng vì là hy vọng, cần có những điều kiện để đi tới thành đạt.
Chúa cho chúng ta niềm hy vọng được an bình mỗi khi gặp đau khổ ; được sức mạnh khi gặp thử thách ; được ánh sáng cho những ngày tối tăm. Nhưng chúng ta phải có niềm tin và can đảm tiến về phía trước.
   Hạt giống nhỏ bé phải chịu chôn vùi trong đất và phơi mình dưới mưa nắng, thì khả năng tốt đẹp của nó mới thành hiện thực.
b/ Chìa khóa vào thiên đàng
Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn. Ngày kia, ông đau nặng và chờ  chết. Ông nói với anh em : "Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng !"
Anh em nhìn nhau bối rối. Họ không biết ông muốn nói gì. Nhưng ông chỉ lập lại lời đề nghị : "Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng". Cuối cùng, họ đưa cho ông chiếc kim may. Một nụ cười mãn nguyện làm gương mặt thầy già sáng lên khi liếc nhìn chiếc kim trong tay và nói : "Tôi làm việc mỗi ngày với chiếc kim này vì vinh quang Chúa. Bây giờ nó là chìa khóa mở cửa cho tôi vào thiên đàng".
Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống của cây tre Trung Quốc. Hạt giống này nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất.
Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc : Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.
*
Hạt giống Nước Trời cũng tương tự như hạt giống cây tre Trung Quốc. Cần một thời gian dài "vùi sâu dưới lòng đất", điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Khi hạt giống nẩy mầm lớn lên thành cây, nó phải đương đầu với tính khí thất thường của thời tiết, phải đối phó với cơn giận dữ của giông tố. Đây là lúc phải sống niềm tin : tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Người đến thời viên mãn, bất chấp những cản trở của con người. Vì thế, chúng ta không ngừng gieo vãi Lời Chúa, cho dù không thấy hạt giống đang âm thầm phát triển.
Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung Quốc. "Hạt bé nhất" lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu là Đức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.
Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Người biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội thánh "âm thầm lớn lên" với bao gian nan thử và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Người dửng dưng trước bao khó khăn của Hội thánh. Dường như Người không biết đến bao tội ác đang lan tràn thế giới. Dường như Người không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Người.
Nhưng với niềm tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng : bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong Ngày Cánh Chung sẽ tới.
Có thể nói Đức Giêsu cũng đã gieo hạt giống Đức tin vào tâm hồn chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Người cũng đang chờ đợi hạt giống ấy mọc lên và tăng trưởng : qua những lời cầu nguyện âm thầm, qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích, và qua đời sống chứng nhân của mỗi người. Đây là việc đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và lòng trung tín suốt đời. Đức Giêsu nói : "Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt.10,22).
Wendell Holmes cho chúng ta một bí quyết : "Để vào Nước Trời, chúng ta luôn phải chèo lái con thuyền của mình, đôi khi thuận buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc phải lội ngược dòng. Điều quan trọng là phải luôn chèo chống, đừng neo thuyền lại".
Thánh Phaolô dạy : "Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện" (Rm.12,12). Ngài cũng đã nêu gương bền chí : "Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin" (2Tm.4,7).
*
Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian như hạt giống chôn vùi dưới lòng đất nhưng Chúa đã sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết âm thầm chết đi cho tội lỗi, để được lớn lên trong nguồn ơn Thánh Chúa. Amen (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu đã phán : "Khi nào có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì có Ta ngự giữa". Giờ đây chúng ta hãy hợp một ý một lòng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của chúng ta :
1. Hội Thánh chính là Nước Thiên Chúa hữu hình ở trần gian. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh ngày càng vững mạnh và phát triển.
2. Thế giới ngày nay đang chạy theo những giá trị vật chất và xa dần những giá trị đạo đức. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp phát huy những giá trị Tin Mừng để hoán cải thế giới này.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ đặc biệt những người đang âm thầm gieo những hạt giống Tin Mừng trong môi trường sống của họ.
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta tích cực và kiên trì xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian.
CT : Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã dùng dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc để dạy các môn đệ Chúa hãy kiên trì và lạc quan xây dựng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng ấy ngày nay được trao lại cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng Chúa trao. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
Trước kinh Lạy Cha : Trong Kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho Nước Cha được trị đến.
VII. GIẢI TÁN
Thánh lễ đã xong. Ước gì mỗi người anh chị em trở thành một hạt giống Nước Chúa giữa cuộc đời. Chúc anh chị em bình an.
 Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI.

Lectio Divina: Chúa Nhật XI Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 14 Tháng 6, 2015

Dụ Ngôn về Nước Thiên Chúa
Nước Trời như hạt giống   
Mc 4:26-34

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta hiểu bài đọc
Mc 4:26-29:  Dụ ngôn về hạt giống tự nẩy mầm
Mc 4:30-32:  Dụ ngôn về hạt cải
Mc 4:33-34:  Kết luận về các dụ ngôn
  
c)  Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".
Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được".
Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông. 
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã đánh động bạn nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu đã không giải thích các dụ ngôn.  Người kể lại những câu chuyện và đánh thức trí tưởng tượng của những người đang lắng nghe và sự phản ảnh của họ về những gì họ đã khám phá ra.  Bạn đã khám phá ra những gì trong các dụ ngôn?            
c)  Mục đích của những lời này là để làm cho cuộc sống minh bạch.  Trong những năm qua, đời sống của bạn có đã trở nên minh bạch hơn, hay là đã xảy ra ngược lại?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

a)  Để hiểu biết rõ hơn

Tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giảng dạy:  Chúa Giêsu kể lại nhiều dụ ngôn. Tất cả đều được lấy từ đời sống của dân chúng.  Bằng cách này Người đã giúp mọi người khám phá ra những việc của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật, khi cuộc sống trở nên minh bạch hơn, bởi vì những việc phi thường của Thiên Chúa được ẩn dấu trong các việc phổ biến và thông thường của đời sống hằng ngày. Người ta có thể hiểu được những điều của đời sống.  Các dụ ngôn cung cấp chìa khóa để mở ra đời sống và tìm thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa trong đó.
Qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã giúp mọi người nhìn thấy được sự hiện diện mầu nhiệm của Nước Trời trong những sự việc của đời sống.  Dụ ngôn là một sự so sánh.  Chúa Giêsu đã dùng những điều hiển nhiên và phổ quát trong cuộc sống để giúp giải thích những việc vô hình và chưa biết về Nước Thiên Chúa.  Ví dụ, người miền Galilêa đã hiểu rằng khi một ai đó nói về hạt giống, đất, mưa, nắng, muối, hoa, cá, thu hoạch, v.v., Chúa Giêsu đã dùng tất cả những thứ này mà người ta biết rất rõ, trong các dụ ngôn của Người, để giúp giải thích về mầu nhiệm Nước Trời.
Dụ ngôn người gieo giống là chân dung của đời sống nhà nông.  Vào thời ấy, mưu sinh bằng việc làm ruộng thì thật là cực khổ.  Đất thì đầy sỏi đá. Nhiều cây cỏ khó trồng, không mưa nhiều, và nắng dữ dội.  Cũng như thường xuyên người ta đi tắt băng qua cánh đồng và đạp dẵm lên cây lúa (Mc 2:23).  Cho dù tất cả những khó khăn đó, mỗi năm người nông dân vẫn trồng lúa, tin tưởng vào sức mạnh của hạt giống và sự hào phóng của thiên nhiên.
Dụ ngôn không nói hết mọi thứ, nhưng khiến cho người ta phải suy nghĩ và tìm tòi, bắt đầu với kinh nghiệm của người nghe đang có hạt giống.  Đây không phải là một học thuyết được gói ghém gọn gàng gửi đến với tất cả mọi thứ đã sẵn sàng để giảng dạy và thêm thắt.  Dụ ngôn không cung cấp nước uống đựng trong chai, mà đúng hơn dẫn người ta đến nguồn nước.  Một nhà nông, khi nghe thấy sẽ nói:  “Hạt giống ở dưới đất, thì tôi biết nó như thế nào, nhưng Chúa Giêsu nói rằng nó có điều gì đó liên hệ tới Nước Thiên Chúa!  Điều ấy có thể là điều gì?  Chẳng khó khăn gì để tưởng tượng ra được những cuộc đối thoại dài có thể có sau đó với đám đông. Dụ ngôn chuyển động với người ta và khiến họ lắng nghe thiên nhiên và suy nghĩ về đời sống.

b)  Lời chú giải về văn bản

Thật tuyệt vời khi thấy Chúa Giêsu, không biết bao nhiêu lần, nhìn vào cuộc sống và những gì đang xảy ra chung quanh mình, vì những vật thể và hình ảnh có thể giúp người ta khám phá và trải nghiệm được sự hiện diện của Vương Quốc Nước Trời.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa kể hai câu chuyện ngắn về những điều xảy ra mỗi ngày trong đời sống chúng ta:  câu chuyện hạt giống tự nó nảy mầm phát triển, và câu chuyện về hạt cải nhỏ bé mà mọc lên thành cây rau rất lớn.


Câu chuyện về hạt giống tự nó nẩy mầm phát triển

Người nông dân trồng trọt biết quá trình phát triển của hạt giống:  ban đầu là hạt giống, sau đó đọt non nảy mầm, mọc lá, đơm bông và kết hạt.  Người làm ruộng biết chờ đợi và không gặt cây lúa khi nó chưa chín, nhưng ông ta không biết năng lực của đất, mưa, nắng và hạt giống do từ đâu mà ra để khiến hạt giống trở thành hoa lợi.  Nước Thiên Chúa cũng giống như thế đó.  Đó là một quá trình.  Có các giai đoạn và điểm tăng trưởng.  Phải cần thời gian và xảy ra đúng lúc.  Hoa trái sẽ đến vào đúng thời điểm nhưng không ai có thể giải thích được năng lực bí ẩn của nó.  Không ai là chủ của nó!  Chỉ có Thiên Chúa!

Câu chuyện về hạt cải nhỏ bé mà mọc lên thành cây rau rất lớn

Hạt cải thì rất nhỏ bé, nhưng khi nó lớn lên, lớn đến độ mà chim trời có thể làm tổ trên cành của nó.  Nước Thiên Chúa cũng giống như thế.  Dụ ngôn không nói ai là chim trời.  Câu trả lời cho thắc mắc đó sẽ tìm thấy sau này trong sách Tin Mừng. Văn bản cho thấy rằng nó dùng để chỉ dân ngoại là những người sẽ không có khả năng để gia nhập vào cộng đoàn và là những người chung phần trong Nước Trời.

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cho các môn đệ

Trong nhà, khi các môn đệ ở riêng với Chúa Giêsu, các ông muốn biết ý nghĩa của các dụ ngôn.  Các ông không hiểu.  Chúa Giêsu rất đỗi ngạc nhiên vì việc không hiểu thấu của các ông (Mc 4:13) và vào lúc ấy đã trả lời một cách khó hiểu và bí ẩn.  Người nói với các môn đệ:  “Phần các con, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho các con; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để ‘họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, để họ trở lại và được ơn tha thứ’” (Mc 4:11-12).  Điều này khiến cho người ta phân vân:  Như thế thì dùng dụ ngôn có mục đích gì? Nó sẽ làm cho mọi việc rõ ràng hơn hay bí ẩn hơn?  Có lẽ Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để cho người ta sẽ không tiếp tục sống trong vô minh và không hoán cải?  Chắc chắn không!  Tin Mừng hôm nay nói rằng: “Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng Lời Chúa cho họ, tùy theo mức họ có thể hiểu được” (Mc 4:33).
Dụ ngôn mặc khải và ẩn dấu cùng một lúc!  Nó mặc khải cho những ai đã trở nên hòa hợp, những người chấp nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Tôi Tớ.  Nó ẩn dấu cho những ai khăng khăng về nhìn nhận Người là Đấng Cứu Thế, vị Vua quyền uy. Những người này trông thấy hình ảnh của dụ ngôn, nhưng họ không nắm bắt được ý nghĩa của chúng.            
6.  Cầu nguyện – Thánh Vịnh 96                                                                            
Hãy loan báo về ơn cứu độ của Chúa ngày này sang ngày khác
Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét