Trang

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

19-06-2015 : THỨ SÁU TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

19/06/2015
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 11 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 11, 18. 21b-30
"Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày và mối lo lắng đến các Giáo hội".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, vì có nhiều kẻ khoe khoang về xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng sẽ tự khoe khoang. Tôi xin nói như điên dại rằng: ai tự phụ về điều gì, thì tôi cũng tự phụ như vậy. Họ là những người Do-thái, thì tôi cũng vậy; họ là những người Israel, thì tôi cũng vậy; họ là dòng dõi Abraham, thì tôi cũng vậy; họ là tôi tớ Ðức Kitô, tôi xin nói như mê sảng rằng: tôi còn hơn họ nữa, tôi đã chịu khó nhọc hơn, năng bị tù hơn, chịu đòn vọt quá mức, liều mình chết nhiều lần, bị người Do-thái đánh đòn năm lần, mỗi lần kém một roi đầy bốn chục. Ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, và một ngày một đêm chơi vơi ngoài biển khơi. Hành trình thường xuyên, gặp nhiều nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì người dân ngoại, nguy hiểm trong thành phố, nguy hiểm trên rừng, nguy hiểm ngoài biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả; chịu lao đao vất vả, hay phải thức khuya, đói khát, hay phải nhịn ăn, chịu lạnh rét, mình trần. Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày, và mối lo lắng đến các giáo hội. Nào ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Nào ai vấp phạm mà tôi chẳng xót xa? Nếu phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe khoang những yếu đuối của tôi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Thiên Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi lo âu (x. c. 18b).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Ðáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 6, 19-23
"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hai tư tế
Trong điện Vatican, có treo một bức họa nổi tiếng của Rafaelo mang tên là "trường phái Athène", mô tả dung mạo và sứ điệp của hai triết gia Hy Lạp là Aristote và Platon. Danh họa Rafaelo mô tả Aristote đứng vững trên mặt đất, một tay cầm cuốn sách luân lý, một tay chỉ xuống mặt đất; còn Platon thì được vẽ hai chân chỉ chạm nhẹ mặt đất, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ về trời cao. Trong hai tư thế khác nhau này, Rafaelo muốn nói lên khía cạnh nổi bật của thiên tài Hy Lạp, đồng thời là hai chiều kích căn bản của ơn gọi làm người, đó là chinh phục mặt đất, đồng thời vượt qua vật chất, vượt khỏi tầm mức những gì thấy được; vừa dấn thân trong lãnh vực trần thế, vừa biết hướng về trời cao và những giá trị đời đời.
Tin mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay cũng mời gọi chúng ta đang sống trong ơn gọi trên trần gian, nhưng hãy biết hướng về trời cao, nơi tích chứa của cải đích thực. Tin Mừng nhắc đến hai tư tưởng: một mời gọi con người hướng về trời, một mời nói lên vai trò của mắt, không phải mắt thân xác, nhưng là mắt tinh thần, mắt đức tin hướng dẫn cuộc sống con người. Suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể nhận ra được liên hệ giữa hai tư tưởng này. Sự tăm tối tinh thần là điều đáng sợ hơn cả, vì không nhận thấy đâu là điều phúc thật của con người. Do mù quáng tinh thần và chỉ nhận của cải, danh vọng, quyền bính là phúc thật, con người sẽ tìm cách có được những thứ ấy càng nhiều càng tốt. "Kho tàmg của con ở đâu, thì lòng con ở đó". Ðó là định luật tâm lý tự nhiên của con người. Nếu tôi chỉ nhìn thấy lý tưởng của mình trong việc thu tích của cải, danh vọng, quyền thế, thì làm sao tôi có thể hướng nhìn trời cao và số phận đời đời của con người.
Xin Chúa thanh tẩy và soi sáng con mắt tinh thần chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra đâu là điều thiện hảo và qui hướng về đó mà tiến tới.
Veritas Asia

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 11:18, 21-30; Mt 6:19-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có mắt sáng và trí tuệ khôn ngoan để nhận ra sự thật.
Mắt dùng để nhìn hay để quan sát người hay các sự việc xảy ra chung quanh; nhưng nếu chỉ dùng mắt để quan sát rồi đưa đến kết luận ngay, con người sẽ lầm to, vì có những điều ẩn giấu bên trong con người hay sự vật mà một người không thể nhìn thấy. Để có kết luận khôn ngoan, con người cần dùng trí tuệ để suy xét cẩn thận về những điều đã nhìn thấy. Không phải ai có mắt cũng nhìn thấy; không phải ai có trí khôn cũng biết lựa chọn cách khôn ngoan. Nhiều người rất tự hào là họ khôn ngoan và sáng suốt, nhưng lại bị người khác đánh lừa để lấy đi tất cả những gì họ có. Nhiều cha mẹ tự hào là khôn ngoan, nhưng khi phải chọn vợ chồng cho con lại chọn những người chẳng mang lại hạnh phúc cho cuộc đời con của họ.
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến hai việc phải quan sát kỹ để nhìn thấy tất cả, và phải có sự khôn ngoan để lựa chọn những giá trị vĩnh cửu thay vì những giá trị hào nhoáng bên ngoài. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phải dùng đến cách ngài không muốn, đó là tự hào kể công, để giúp các tín hữu Corintô nhận ra ai là người thương yêu và lo lắng cho họ thật lòng; chứ đừng vội theo những “tông đồ giả hiệu.” Họ có thể dùng cách ăn nói khôn ngoan và ngọt ngào của họ như của con cáo già, để mê hoặc các tín hữu non nớt ra khỏi tay của Phaolô và nhất là của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ phải dùng mắt sáng và trí khôn ngoan để nhận ra đâu là những giá trị vĩnh cửu nên theo đuổi, và đâu là những giá trị hào nhoáng cần phải gạt đi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.
1.1/ Có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào: Sở dĩ có trình thuật hôm nay là vì có một số những người Do-thái, ngay cả các tín hữu Do-thái, luôn theo sau để phá đổ những công trình của Phaolô. Mỗi khi Phaolô đến một thành phố nào để rao giảng Tin Mừng, để thiết lập giáo hội địa phương, và rời bỏ nơi đó qua thành khác, là những người này theo sau để phá hoại công việc của Phaolô, bằng cách dèm pha, nói xấu đủ điều, và lạm dụng lòng tin của các tín hữu để tìm lợi nhuận cho riêng họ.
Các tín hữu Corintô còn non nớt trong đức tin, nên đã không nhận ra những thủ đoạn của hạng người này, và một số người đã rơi vào bẫy của họ. Phaolô không muốn tự hào hay kể công, nhưng vì để kéo các tín hữu Corintô về với sự thật mà ông buộc lòng phải biện minh. Ông cảm thấy khó chịu và nhục nhã khi phải làm những điều này. Chúng ta có thể tóm tắt những gì Phaolô cắt nghĩa vào 3 lãnh vực chính:
(1) Nguồn gốc dân tộc Israel: “Họ là người Do-thái ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ư? Tôi cũng vậy!” Có lẽ địch thù của Phaolô cho ông sinh ra và lớn lên tại Tarsus, Asia Minor, nên không phải là người Do-thái chính hiệu ở Israel.
(2) Gian khổ phải chịu trên đường rao giảng Tin Mừng: “Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.” (3) Mối lo lắng cho Hội Thánh mỗi ngày thêm tăng trưởng: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” Không chỉ việc giúp niềm tin cho các giáo hội địa phương, Phaolô còn lo cho Hội Thánh được bành trướng khắp nơi, đến tận Rôma và Âu-châu. Điều này đối phương của Phaolô không thể so sánh.
1.2/ Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi: Phaolô muốn cho các tín hữu biết lý do tại sao ông phải nói lên những điều này: thứ nhất là để họ nhận ra tình thương thật của ông dành cho họ; thứ hai là ông có thể vượt qua tất cả gian khổ không bằng sức mạnh của ông, nhưng bằng sức mạnh của Đức Kitô và của Thánh Thần đang hoạt động trong ông; sau cùng như một lời khích lệ tinh thần, nếu họ để cho Đức Kitô làm việc, họ cũng có sức mạnh để vượt qua những yếu đuối và giới hạn của con người.
2/ Phúc Âm: Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
2.1/ Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời: Con người có thói quen tích trữ; nhưng phải biết khôn ngoan để tích trữ những gì không hư hoại và vào nơi tích trữ an toàn không ai có thể động tới được. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh về kho tàng dưới đất với kho tàng trên trời.
(1) Kho tàng dưới đất: Nhiều người nghĩ tiền là tiện nhất và nhẹ nhàng, nên họ cẩn thận bao bọc tiền có được đem chôn dưới đất. Ít lâu sau cần tiền họ đào đất mang lên, tiền đã mục nát và trở thành vô giá trị. Người khác lại cho chẳng gì bằng của ăn như: gạo, bột mì, khoai sắn; nên họ xây những vựa to để chứa thực phẩm. Vài năm sau ra thăm, họ thấy vựa đã bị chuột cắn phá, gạo và lúa mì bị tràn đầy mối mọt. Người khác rút kinh nghiệm và kết luận: chẳng gì bằng vàng bạc, vừa không mất giá, vừa không bị mối mọt, và họ yên trí cất giấu. Nhưng cất đâu cũng chẳng khỏi “tai vách, mặt rừng.” Họ bị kẻ trộm đến khoét vách lấy đi vàng bạc, và những đồ quí giá.
(2) Kho tàng trên trời: Những gì con người có thể làm và tích trữ trong kho tàng trên trời. Trước tiên là những việc lành phúc đức được thu tóm trong 7 mối thương phần xác và 7 mối thương phần linh hồn. Thứ đến, là những hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu dành cho Ngài. Hai điều này không thể tách rời vì chúng ta không thể yêu người ta không biết. Kiến thức về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta yêu Ngài mỗi ngày một hơn. Sau cùng, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện giống như Ngài. Tiến trình nên hoàn thiện không phải chỉ dứt bỏ tội lỗi mà thôi; nhưng còn phải tập luyện các nhân đức nữa.
2.2/ Nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng: Chúa Giêsu dạy: "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Mắt sáng mới thấy đường. Mắt mù, loạn thị và loạn sắc sẽ ảnh hưởng trên tầm nhìn của con người. Người mù lòa sẽ khổ vô cùng vì cả vũ trụ đối với anh là một màu đen. Đi đâu anh cũng phải có người hướng dẫn, nếu không anh sẽ bị té ngã vì những đồ vật trước mặt.
Như mắt sáng cần cho thân thể thế nào, sự khôn ngoan cũng cần cho đời sống tinh thần như vậy. Ít người chịu để ý đến sự mù lòa của trí khôn và tâm hồn; nhưng ảnh hưởng của nó trên con người còn lớn hơn là sự mù lòa trên cơ thể. Trình thuật Chúa chữa người mù trong chương 9 của Gioan giúp chúng ta nhận ra có những người mù mà mắt vẫn sáng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết dùng con mắt để quan sát cẩn thận những việc xảy ra trong trời đất. Một sự quan sát cẩu thả sẽ dẫn tới việc không đủ chất liệu để làm một kết luận khôn ngoan.
- Chúng ta phải dùng trí tuệ, nhất là việc học hỏi Kinh Thánh, để biết phân biệt sự thật từ những sự gian tà, giá trị vĩnh cửu từ những giá trị tạm thời, người yêu mình thật từ những người chỉ biết lợi dụng để tìm kiếm lông chiên hay thịt chiên.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

19/06/15 THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Th. Rô-moan-đô, viện phụ
Mt 6,19-23

Suy niệm: Khi người ta đang chú tâm tìm kiếm hay tập trung suy nghĩ về một điều gì thì ngay cả những cái sờ sờ trước mắt có khi vẫn không nhìn thấy. Vì thế, không ít người bị hiểu lầm là sao thấy người quen mà làm lơ hoặc sao gật đầu chào mà không đáp lại. Tương tự như vậy, chúng ta thường nghĩ “những sự trên trời” là những gì quá xa vời; nhưng một khi chúng ta quá lo lắng tích trữ cho mình những kho tàng ở dưới đất thì còn tâm trí đâu mà để ý tới kho tàng thiêng liêng ấy nữa. Bởi vì kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng trí của chúng ta sẽ ở đó.
Mời Bạn: Tiền của, danh vọng, kiến thức là những điều thế gian đang tìm kiếm, là những thứ tưởng rằng đem lại sự bảo đảm vững chắc, nhưng thực ra lại rất mong manh, dễ mất. Thế nhưng chúng lại có sức hút rất mạnh, chiếm được rồi thì không muốn nhả, đã có rồi lại muốn có thêm. Chỉ khi nào bạn dám “bán tài sản của mình đi mà bố thí” thì lúc ấy tâm trí của bạn mới thanh thản để chú tâm tìm kiếm “kho tàng không thể hao hụt ở trên trời,” nơi không còn trộm cắp, mối mọt (Lc 12,33).
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn bận tâm nhất và chiếm phần lớn thời gian trong ngày sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Hoạch định lại chương trình sống cho bản thân theo tiêu chí: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (x. Lc 12,31).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, suốt cả ngày con toàn bận rộn với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Xin cho con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.

Kho tàng ở đâu, tim ở đó 
Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên. Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc, nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.


Suy nim:
Cuộc sống con người ở đời thật mong manh và bấp bênh.
Vì thế con người muốn tìm cho mình một cái gì chắc chắn.
Của cải vật chất hứa hẹn cho con người một chỗ dựa an toàn.
Càng có nhiều của cải thì càng vững :
nhiều người đã thành thật tin như vậy
nên đã suốt đời lo tích trữ một kho tàng trên trần gian.
Thầy Giêsu không tin như thế.
Đối với Thầy, kho tàng dưới đất cũng mong manh và bấp bênh.
Thời xưa mối mọt là kẻ thù đáng sợ của nhiều thứ tài sản (G 4, 19).
Nhà cửa, đồ đạc đều có thể làm mồi cho chúng.
Thật ra vật chất tự nó đã mang mầm mống hư hoại rồi.
Hơn nữa, sự đe dọa không chỉ đến từ bên trong.
Kẻ trộm là nguy hiểm có thực đối với những căn nhà thời ấy.
Hắn có thể đào ngạch, khoét vách làm bằng bùn,
để lấy đi những của cải thường được chôn dấu dưới đất (c. 19).
Kho tàng dưới đất quả là không bền.
Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn,
tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được
và kẻ trộm không sao ăn cắp được.
Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành,
những việc ta làm theo ý Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất.
Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này.
Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.
Kho tàng ở đâu thì tim anh ở đó (c. 21).
Kho tàng trên trời sẽ nâng tim anh lên trời cao.
Kho tàng dưới đất sẽ kéo tim anh xuống đất thấp.
Trái tim là nơi sâu thẳm của tâm linh con người.
Chính vì thế thi thoảng cần kiểm tra xem tim mình đang ở đâu,
kho tàng nào đang khiến mình gắn bó.
Chúng ta phải ngừng theo đuổi những kho tàng mau qua
để gắn bó với những giá trị thực sự bền vững.
Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên.
Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc,
nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.
Nhiều người đã cảm được sự phù du của vật chất và tiếng tăm.
Tiền bạc và quyền lực như nước trôi qua kẽ tay, chẳng ai nắm được.
Thầy Giêsu mời chúng ta đổi mới cái nhìn.
Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam.
Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại.
Cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân (c. 22).
Cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng (c. 23).
Con mắt là ngọn đèn cho thân thể.
Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG SÁU
Tình Yêu Hôn Nhân Và Gia Đình Kitô hữu
Nơi người Kitôhữu, vai trò làm cha làm mẹ trước hết là một thực tại luân lý và tâm linh. Người ta chỉ cần có mấy tháng để đưa một em bé vào đời, nhưng trọn cả đời người cũng không đủ để hoàn thành việc nuôi dạy đứa con. Thật vậy, có rất nhiều giá trị – cả nhân bản lẫn siêu nhiên – mà cha mẹ phải truyền đạt cho con cái mình. Bởi vậy, hành vi trao ban sự sống của cha mẹ có một chiều kích hoàn toàn nhân bản. Và điều này đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn, trí phán đoán, sự khéo léo và tình yêu thương mấy cũng không vừa. Đó là nẻo đường mà cả gia đình được mời gọi cùng nhau bước đi từ ngày này sang ngày khác. Trong đó, mọi thành viên của gia đình – cả cha mẹ lẫn con cái – sẽ trưởng thành ngày càng hơn. Quả vậy, các bậc cha mẹ sống tư cách làm cha làm mẹ một cách đầy trách nhiệm sẽ khám phá thấy rằng trong tình yêu hôn nhân của họ có những khía cạnh rất tuyệt vời mà họ vốn không ngờ.
Những khía cạnh thâm sâu ấy của tình yêu hôn nhân cho phép chúng ta nhìn thoáng thấy chân trời rộng lớn ấy. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu giữa người nam và người nữ siêu vượt trên kinh nghiệm về thời gian và nó tự mở ra tới viễn tượng sự phục sinh vinh quang của thân xác, ở đó sự sinh sản thể lý sẽ không còn, nhưng mối kết hợp tâm linh của hai tâm hồn sẽ vẫn tồn tại.
Trong ánh sáng này, hình ảnh của Giu-se được nhận thấy có một ý nghĩa phi thường. Vì trong cuộc hôn nhân trinh khiết giữa ngài với Đức Trinh Nữ Maria, một cách nào đó ngài báo trước kinh nghiệm trọn vẹn về thiên đàng. Ngài cho chúng ta thấy sự phong phú của tình yêu phu phụ được xây dựng trên những hòa điệu thâm sâu của linh hồn và được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch yêu thương không bao giờ cạn kiệt.
Đây là một bài học rất có ý nghĩa cho thời đại chúng ta – một thời đại mà gia đình thường lâm vào khủng hoảng chỉ vì tựa vào một thứ tình yêu thiếu hẳn chiều sâu và sự phong phú này. Đàng khác, gia đình hôm nay in hằn những rối rắm, những nhấn mạnh thái quá đến bản năng và những sự lôi cuốn bên ngoài. Đành rằng bản năng và những lôi cuốn bên ngoài rất quan trọng, nhưng chúng không thể là nền tảng của tình yêu hôn nhân đối với các đôi vợ chồng Kitôhữu. Chúng ta hãy học lấy gương mẫu của Thánh Giu-se.
“Này con, sao con nỡ làm thế? Kìa cha con và mẹ đã lo lắng tìm con” (Lc 2,48). “Cha con” – đó là Thánh Giu-se, chồng của Mẹ Thiên Chúa, và trước mặt người đời là cha của Giê-su Na-da-rét, Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa. Câu nói trên là một lời khiển trách rất bình dị, rất ‘người’. Nhưng, trên tất cả, câu nói ấy bày tỏ mối ưu tư. Nỗi ưu tư này chính là đặc trưng của vai trò làm cha làm mẹ, từ khoảnh khắc thụ thai đứa con trong cung lòng người mẹ, xuyên qua tuổi ấu thơ và cả cho đến tuổi trưởng thành. Mối ưu tư ấy của cha và mẹ há không phải là phản ảnh của sự quan phòng thần linh đó sao?
Và rồi, một câu nói khác nữa, lần này là của Đức Giê-su: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu nói của Giê-su, người con, nói với cha mẹ mình – là Giu-se và Maria. Câu nói ấy vén mở cho thấy rằng ở giữa mối ưu tư nói trên của cha và mẹ, vẫn có những khả năng cho đứa con lớn lên, vẫn luôn có khả năng cho tiếng gọiđến từ Thiên Chúa: “Con phải ở trong nhà Cha con…”
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19-6
Thánh Rômualđô, viện phụ
2Cr 11, 18.21b-30; Mt 6, 19-23

LỜI SUY NIỆM: “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”
Chúa Giêsu đang nhắc cho mỗi một người trong chúng ta phải nhận ra kho tàng của mình là gì? Bởi mỗi một người đều có quan niệm riêng về kho tàng riêng của mình, và luôn luôn hướng tâm đến, luôn tìm ra cách bảo vệ an toàn nhất, và còn muốn kho tàng thêm nhiều ra nữa. Và Chúa đã tỏ bày cho chúng ta biết: kho tàng chính của mỗi một người đó là: chính của cuộc đời mình. và nơi chôn giấu an toàn nhất, đó là để ở trên trời.
Lạy Chúa Giêsu. Vì nhu cầu của cuộc sống; với sự chung đụng của thế gian, nhiều khi chúng con không nhận ra được cái quý nhất của chúng con là gì nữa. Tiền bạc, địa vị, chức quyền,... đã làm lu mờ trí óc của chúng con. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con nhận ra kho tàng chính của chúng con là: Trong con có Chúa và trong Chúa có con. Để đặt hết tâm trí vào đó mà vui sống.
Mạnh Phương


19 Tháng Sáu
Thế ư?
Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét