Trang

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Laudato Si sẽ không tả không hữu

Laudato Si sẽ không tả không hữu

Như để nhấn mạnh tới nền sinh thái nhân bản, Tòa Thánh vừa công bố: Chủ Tịch và Giám Đốc Điều Hành của Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo Carolyn Woo sẽ là một trong các trình bầy viên của thông điệp Laudato Si. Ba vị kia sẽ là Đức HY Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình; Đức TGM Chính Thống Giáo John Zizioulas của Pergamon, đại diện Thượng Phụ Đại Kết Constantinople; và Hans Joachim Schellnhuber, Giám Đốc Viện Potsdam Nghiên Cứu Tác Động Của Khí Hậu và là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Đức về Thay Đổi Hoàn Cầu. 

Càng gần tới ngày công bố, Laudato Si càng thu hút chú ý của thế giới mà hiện nay đang phân thành hai phe tả hữu rất rõ rệt. Inés San Martin của Crux, trong bài ngày hôm qua, đã nói tới sự chú ý của cả hai phe này rồi, nhưng hôm nay cô cho biết nhiều hơn các bình luận, đôi lúc hết sức nẩy lửa và vì thế một chiều của họ. 

Theo Martin, Đức HY Oscar Rodríguez Maradiaga của Honduras, chủ tịch hội đồng 9 Hồng Y cố vấn tối cao cho Đức Phanxicô cho biết ngài đã đọc bản văn của Laudato Si và thấy nó là một “bản văn thú vị” sẽ bắt mạch được các vấn đề như “trách nhiệm của các đại công ty trong việc trừng phạt họ đang giáng xuống hành tinh”. 

Ngài quả quyết rằng Laudato Si sẽ là cơn sốc vĩ đại khiến ai cũng phải suy nghĩ. Các ký giả thuật lại: ngài “cười” nhạo tất cả những ai đả kích bản văn trước khi đọc nó. Tuy nhiên, theo ngài, chắc chắn bản văn sẽ tạo nên nhiều chỉ trích. Nhất là tại Hoa Kỳ và Trung Hoa, “những nước gây hại nhiều nhất cho môi sinh”. 

Tháng trước, lên tiếng tại Rôma, Đức HY Maradiaga đả kích “các phong trào ở Hoa Kỳ” khi tỏ ra thù nghịch đối với chủ trương của Đức Phanxicô về môi sinh. Ngài bảo: “Ý thức hệ bao quanh các vấn đề môi sinh quá liên kết với chủ nghĩa tư bản đến nỗi không muốn ngưng việc phá hoại môi sinh vì chúng không muốn từ bỏ lợi nhuận của chúng”. 

Bill Patenaude, một giảng viên thần học tại Trường Cao Đẳng Providence và là một viên chức kỳ cựu của Bộ Quản Trị Môi Sinh thuộc Rhode Island, tiên đoán rằng phe tả duy tục cũng sẽ bồn chồn như phe hữu kinh doanh khi các người ủng hộ chúng lo đọc văn kiện. 

Ông nói với tạp chí Crux: “phong trào môi sinh vốn đang được phe tả hướng dẫn, thường là phe tả cực cấp tiến, cả hàng mấy thập niên qua” thành thử không ngạc nhiên gì khi nhiều người bảo thủ nghĩ rằng thông điệp của Đức Phanxicô chỉ có thể là một thông điệp của phe này. 

Nhưng theo Patenaude, “nhất định không phải thế, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và nay Đức Phanxicô đang cho ta thấy”. Ông cho rằng Laudato Si sẽ thách thức các ấn tượng của chủ nghĩa duy môi sinh coi chúng như chính nghĩa của phe tả cổ điển. 

Đến một mức độ nào đó, thì cuộc tranh luận chính trị về Laudato Si là điều dễ hiểu, vì chính Đức Phanxicô từng cho hay ngài muốn nó có những hệ luận đời thực về chính sách. 

Đầu năm nay, ngài nói ngài muốn thấy nó được công bố trước thỏa hiệp được LHQ bảo trợ về Các Mục Tiêu Phát Triển Lâu Dài và trước hội nghị thượng đỉnh của LHQ về thay đổi khí hậu tại Paris vào cuối năm nay. 

Theo nguồn tin quen thuộc với văn kiện này trong Giáo Hội, điều mới mẻ vĩ đại là “nó phát xuất từ một vị mục tử luôn nghĩ tới tất cả những ai thuộc về ngài”. 

Nguồn vô danh đó cho biết Đức Phanxicô đi tìm “một sinh thái có tính toàn bộ hơn, một sinh thái bao gồm mọi người và toàn diện”.

Trọng điểm là mọi người, từ người hăng say với cây cỏ hay nước uống, tới người bình thường sống tại các khu phố, người làm việc cho các vấn đề thuộc chính sách môi sinh tại New York hay Washington, đều cảm thấy như được “mời gọi hành động”. 

Không ai cảm thấy được miễn trừ khỏi phán kết của Đức Giáo Hoàng. “Không ai có thể nói: ‘lương tâm tôi an ổn vì thông điệp có đề cập gì tới tôi đâu’”.

Đối với Patenaude, kết quả chính trị chính yếu của thông điệp có thể là phá nát các kỳ vọng của những ai vốn cho là mình nhờ nó mà chiến thắng. Ông bảo: “nhiều bằng hữu bảo thủ của chúng tôi biết rằng họ bị Laudato Si thách thức. Tôi không nghĩ rằng nhiều người thuộc phía bên kia cho rằng họ bị thách thức, nhưng họ sẽ bị”. 

Một trong những người ấy có thể là Thượng Nghị Sĩ Edward J. Markey, Dân Chủ, Tiểu Bang Massachusetts và là đồng chủ tịch tiểu ban Climate Clearinghouse của Thượng Nghị Viện. Hôm thứ hai vừa qua, khi các tường trình về việc bản thảo thông điệp bị rì rỏ xuất hiện trên báo chí, Markey ra một tuyên bố nói rằng các tường trình này phản ảnh điều Đức Phanxicô từng nói trong quá khứ: “rằng chính nhân loại tạo ra việc thay đổi khí hậu, và chúng ta phải hành động để giải quyết việc này”. 

Ông viết thêm “tôi mong được đọc trọn bức thông điệp của Đức GH Phanxicô khi nó được chính thức công bố, và hoan nghênh lời kêu gọi hành động này để giải quyết thách thức có tính thế hệ về việc thay đổi khí hậu”. 

Ấy thế nhưng với thành tích phò phá thai của Markey, chắc chắn ông ta sẽ không vui bao nhiêu với đoạn 120 của thông điệp, mà nếu đúng như đã được rò rỉ, thì quả quyết rằng việc bảo vệ thiên nhiên không hề biện minh cho việc phá thai. 

Như Patenaude nghĩ, văn kiện này chắc chắn “sẽ gây sốc, sẽ gây vui và thách thức” đối với hầu hết mọi người. 

Đức Phanxicô chủ trương nền sinh thái nhân bản

Tiến sĩ Thomas D. Williams, chuyên viên nghiên cứu tại Trung Tâm Đạo Đức Học và Văn Hóa của Trường ĐH Notre Dame, nhắc lại câu nói bất hủ của Đức Phanxicô khi quả quyết rằng “bóc lột trái đất” là một trọng tội và nay thông điệp sắp công bố của ngài đang gây ra một thứ “hâm nóng hoàn cầu” cho giới báo chí quốc tế. 

Thực thế, người duy môi sinh hoan nghinh văn kiện, hy vọng rằng nó sẽ tạo ra “một sự thay đổi về khuôn thước” trong phương thức của Giáo Hội đối với các vấn đề môi sinh. Hầu như mọi người xem ra đều đánh cuộc rằng Đức Phanxicô sẽ nói một điều gây chấn động địa cầu mà chưa một vị giáo hoàng dám nói trước đây…

Tuy nhiên, giữa những đồ đoán lan tràn như thế, một sự kiện chủ yếu dám bị che đậy: dù Đức Phanxicô là một nhà tranh đấu cho môi sinh, ngài sẽ không bao giờ là người duy môi sinh triệt để cả. 

Lý do đơn giản là các giả thiết khởi điểm của ngài liên quan tới nguồn gốc và mục đích của môi sinh hoàn toàn khác với phong trào ấy. 

Trong khi người duy môi sinh triệt để bác bỏ quan điểm qui nhân (anthropocentric view) về thế giới, nghĩa là họ không coi con người là yếu tố quan trọng nhất của vũ trụ vật chất, thì người Kitô Giáo nhất thiết phải ủng hộ quan điểm này. 

Nói cho cùng, Đức Phanxicô chủ trương một sinh thái được Thánh Kinh soi sáng. Trong buổi yết chung năm 2013, ngài nói: “Khi nói tới môi trường, ý nghĩ của tôi hướng tôi về các trang đầu tiên của Thánh Kinh, Sách Sáng Thế”. 

Quan điểm thần học của Đức Phanxicô về môi sinh, hay nền thần học môi sinh (theo-ecology), không phải là chủ nghĩa duy môi sinh đầy tính ý thức hệ kiểu Greenpeace. Nó là sự khai triển tự nhiên của cái hiểu Kitô Giáo về mối tương quan của con người với các thành phần khác của sáng thế.

Sách Sáng Thế dành cho các hữu thể nhân bản một chỗ đứng độc đáo và một vai trò độc đáo trong sáng thế. Hai đoạn đặc biệt mô tả trách vụ mà Thiên Chúa muốn trao cho nhân loại, cả hai đoạn đều có tính chủ yếu trong suy nghĩ của Đức Phanxicô. Đoạn đầu nói tới việc con người thống trị trái đất như sau: 

“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’” (St 1:28).

Trong cuộc tông du Phi Luật Tân hồi tháng Giêng năm nay, nhắc tới sự thống trị này, Đức Phanxicô nói với giới trẻ: “Con người nam nữ đã được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa và được trao cho quyền thống trị sáng thế. Như những người quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi biến thế giới này thành thửa vườn tươi đẹp cho gia đình nhân loại”. 

Đoạn hai của Sách Sáng Thế viết như sau:

“Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). 

Về đoạn trên, Đức Phanxicô lên tiếng hỏi “Cày cấy và canh giữ trái đất nghĩa là gì? Chúng ta có đang cày cấy và canh giữ sáng thế không? Hay chúng ta đang bóc lột và bỏ rơi nó? Động từ ‘cày cấy’ nhắc cha nhớ tới việc canh giữ mà nông gia vốn làm để bảo đảm rằng đất đai của ông sẽ có năng xuất và các sản phẩm của ông được chia sẻ”. 

Chủ nghĩa môi sinh Kitô Giáo nhất thiết phải có tính qui nhân, vì nó vốn qui thiên (theocentric). Con người không chỉ là một phần của thế giới tạo dựng, mà còn “giống như Thiên Chúa” và được ủy thác tiếp tục công việc của Thiên Chúa trong việc đồng sáng tạo và canh giữ môi sinh. Hoặc như Đức Gioan Phaolô II từng nói, Thiên Chúa kêu gọi con người “như hình ảnh của chính Người để chia sẻ quyền chúa tể thế giới của chính Người”.

Đức Phanxicô liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của môi sinh, coi nó như môi trường sống của con người. Ngày Thế Giới Môi Sinh tháng Sáu vừa qua, ngài nhấn mạnh tới việc phải “cày cấy và canh giữ” môi trường, cho hay: một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa là con người “nuôi dưỡng thế giới một cách có trách nhiệm” biến nó thành một “thửa vườn, một nơi có thể ở được cho mọi người”. 

Đối với Đức Phanxicô, môi sinh không quan hệ vì chính nó; nó quan trọng vì nó là nhà của ta, là nhà của con cái ta và con cháu chúng nữa. Nó là tổ ấm của chúng ta. 

Với ngài, chủ nghĩa môi sinh nói lên cả việc kính trọng Đấng Hóa Công lẫn tình liên đới nhân bản, giống như việc đặt quá tải lên môi sinh là dấu chỉ sự tự cao tự đại và vị kỷ. Đối với ngài, sinh thái môi trường (environmental ecology) nối kết chặt chẽ với sinh thái nhân bản. 

Ngài nhiều lần thách thức mọi người tái suy nghĩ về nền văn hóa vứt bỏ đang thống trị hiện nay và chống lại việc thiếu đạo đức trong kinh tế và tài chánh.

Ngài nói: “tôi muốn mọi người chúng ta nghiêm chỉnh cam kết tôn trọng và che chở sáng thế, chú ý tới mọi người, phản lại nền văn hóa vứt bỏ và (não trạng) sài rồi bỏ, để cổ vũ nền văn hóa liên đới”. 

Đức Giáo Hoàng là người mạnh mẽ tin vào chủ nghĩa ngoại thường nhân bản (human exceptionalism), một biểu thức triết lý có nghĩa: sự dị biệt giữa con người với các phần khác trong sáng thế là một dị biệt về chủng loại chứ không phải về mức độ. Nó nói lên sự khác biệt phân rẽ con người thực sự với mọi phần khác của sáng thế, đến nỗi họ không phải chỉ là điểm cao nhất của một thảm liên tục, mà đúng hơn là một bước nhẩy vọt về phẩm. 

Chủ nghĩa duy môi sinh triệt để, trái lại, dựa trên giả định rằng chủng người không có chỗ đứng đặc biệt gì trong vũ trụ cả, và không có bất cứ sự trổi vượt nào về yếu tính đối với các chủng loại khác. Ta có chỗ đứng chung với con voi con sên, chung với cây sồi cây gáo như những đồng cư dân trên mặt địa cầu, bình đẳng cả về luân lý lẫn siêu hình. Thậm chí còn hạ đẳng là đàng khác, vì ta vốn nguy hiểm hơn. 

Những người tự nhận mình là duy môi sinh triệt để chính thức loại bỏ thế giới quan qui nhân dựa trên Thánh Kinh, và chính thức chủ trương một trong ba phương thức khác: qui sinh (biocentrism), qui môi (eco-centrism) hay sinh thái sâu xa (deep ecology). Tất cả đều không coi con người là trọng tâm của sáng thế, thay thế con người bằng các sinh vật, các hệ thống môi sinh hay các tầng sinh thái (ecosphere). 

Cương lĩnh Sinh Thái Sâu Xa, chẳng hạn, cho rằng phúc lợi và sự triển nở của sự sống nhân bản và phi nhân bản trên Mặt Đất có “giá trị ngay trong chính chúng”. Các giá trị này “độc lập trước sự hữu dụng của thế giới phi nhân bản đối với các mục đích nhân bản”.

Cương lĩnh này liên hệ tới việc kiểm soát sinh đẻ, mà gần đây, bị Đức Phanxicô vạch trần là “thuyết Tân Malthus”, vì nó cho rằng việc triển nở của sự sống phi nhân bản đòi phải có việc “giảm thiểu đáng kể dân số nhân bản”.

Tiến sĩ Warren M. Hern thậm chí còn so sánh giống người như một thứ ung thư trên mặt đất, ví việc gia tăng dân số như việc vi trùng ung thư gia tăng khủng khiếp trong thân thể con người, gọi dân số nhân bản là “diễn trình bệnh lý môi sinh độc hại” (malignant ecopathologic process). 

Làm sao có thể đặt Đức Phanxicô trong hàng ngũ những người như thế! Với quan điểm dựa vào Thánh Kinh về sáng thế, ngài không thể là người duy môi sinh triệt để. Thành thử, có đủ lý do để quả quyết rằng thông điệp của ngài sẽ không tạo ra bất cứ sự thay đổi nào về khuôn thước, mà chỉ nói lên một liên tục tính, không nói lên bất cứ cuộc cách mạng nào mà chỉ là một khai triển liên tục. Khuôn thước đã có sẵn đó rồi, ở ngay các chương đầu của Sáng Thế Ký.

Vũ Van An6/17/2015(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét