17/07/2015
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
15 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Xh 11, 10 - 12, 14
"Các
ngươi hãy giết con chiên con vào chiều tối. Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua
các ngươi".
Trích
sách Xuất Hành.
Trong
những ngày ấy, Môsê và Aaron đã làm các phép lạ trước mặt Pharaon như đã chép.
Nhưng Chúa để cho Pharaon vẫn cứng lòng, không cho phép con cái Israel ra khỏi
nước mình.
Tại
Ai-cập, Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: "Tháng này đối với các ngươi là
tháng đầu, tức là tháng đầu năm. Các ngươi hãy loan truyền cho toàn thể cộng đồng
con cái Israel rằng: "Ðến mồng mười tháng này, mỗi gia đình phải lo cho có
một con chiên con. Nếu nhà ít người, liệu ăn không hết một con chiên con, thì
hãy hợp chung với những người lân cận, tuỳ theo số người. Con chiên con phải
không tì tích, là chiên đực và được một tuổi. Các ngươi cũng có thể dùng một
con dê đực theo quy luật đó. Các ngươi nuôi nó cho đến ngày mười bốn tháng này,
rồi toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó vào chiều tối. Tại mỗi nhà ăn
thịt chiên, người ta sẽ lấy máu chiên bôi lên hai khung cửa và trên thành cửa.
Ðêm đó, người ta sẽ ăn thịt chiên nướng với bánh không men và rau diếp đắng.
Các ngươi không được ăn thịt sống hay luộc, mà chỉ được ăn thịt nướng. Phải ăn
tất cả đầu, chân và lòng. Ðừng để thừa đến sáng hôm sau. Nếu ăn còn dư, thì hãy
thiêu huỷ đi.
"Các
ngươi sẽ ăn như thế này: Hãy thắt lưng, chân mang giày, tay cầm gậy và ăn hối hả,
vì đây là lễ Vượt Qua của Chúa. Ðêm đó, Ta sẽ rảo qua khắp nước Ai-cập. Ta sẽ
giết chết tất cả con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến loài vật.
Ta là Chúa. Ta sẽ ra án phạt tất cả các bụt thần Ai-cập. Máu bôi lên thành cửa
nhà các ngươi sẽ dùng làm dấu hiệu: Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi,
các ngươi sẽ không bị huỷ diệt khi Ta trừng phạt nước Ai-cập.
"Các
ngươi hãy ghi ngày đó làm ngày kỷ niệm, và cử hành ngày đó như ngày đại lễ của
Chúa, qua các thế hệ cho đến muôn đời".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Con sẽ lãnh
chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).
Xướng:
1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con?
Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2)
Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là
tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. - Ðáp.
3)
Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con
sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 12, 1-8
"Con
Người cũng là chủ ngày sabbat".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người
đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng:
"Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày
Sabbat". Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Ðavít và
những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy
Ðavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không
được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy
trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà
không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Ðấng còn trọng hơn đền
thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, "Ta muốn lòng nhân từ, chứ
không muốn hy lễ", chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội,
vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Ngày
Hưu Lễ
Chương
12 Tin Mừng Mátthêu qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo
Do thái giáo thời Chúa Giêsu về những đặc tính của nếp sống tôn giáo. Cuộc
tranh luận hôm nay liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do
thái, đó là việc giữ ngày Hưu lễ. Ðây là một thực hành quan trọng đến độ người
Biệt Phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói
với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải
là Ðấng Mêsia.
Việc
dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ
ngày Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một
hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về
việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo
đích thực của ngày Hưu lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế
nào?
Cuộc
tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất
Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của
Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên
trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại
sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra
trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn
thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không
nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu
được ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các
ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những
phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này
hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Vả
lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên
Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức
không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền
thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào
được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền
thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng
hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận
điều này.
Xin
Chúa giúp chúng ta vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin
cho chúng ta tâm hồn nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một
tốt đẹp hơn.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 15 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Exo 11:10-12:14;
Mt 12:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật làm ra là
để bảo vệ sự sống.
Con
người rất dễ bị lạc đường, lý do có thể vì không biết hay vì ngoan cố trong sự
cứng lòng của mình. Ví dụ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống; con người không
bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. Thực tế chứng minh
ngược lại, rất nhiều lần con người lạm dụng Lề Luật để đàn áp, để đối xử bất
công, và ngay cả để tiêu diệt sự sống.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người đi lạc đường vì không biết
hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Trong Bài Đọc I, mục đích của Lễ
Vượt Qua là để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô
lệ cho người Ai-cập để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải là để giữ những
luật lệ chi tiết liên quan đến việc cử hành Lễ Vượt Qua. Trong Phúc Âm, các người
Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabbath khi các ông bứt
các bông lúa miến để ăn cho đỡ đói. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách dẫn
chứng những ví dụ cụ thể các người làm việc trong ngày Sabbath mà vẫn không vi
phạm Lề Luật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Lễ Vượt Qua của người Do-thái
1.1/
Ý nghĩa của Lễ Vượt Qua:
Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến những đau khổ của dân chúng. Ngài đã nghe tiếng
kêu than của dân Israel khi họ phải sống kiếp nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã gọi ông
Moses để cứu dân của Ngài thoát khỏi bàn tay khát máu của vua Ai-cập. Ngài muốn
ông Moses và các kỳ-mục vào xin phép vua Ai-cập phóng thích cho dân ra đi để thờ
phượng Thiên Chúa. Vì nhà vua không chịu phóng thích dân, mà càng ngày càng ra
tay đàn áp dân Israel nặng nề hơn, nên Thiên Chúa phải tỏ uy quyền của Ngài.
Trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng xảy đến cho người Ai-cập trước biến
cố Vượt Qua Biển Đỏ của dân Israel. Những sự kiện và ý nghĩa quan trọng của biến
cố Vượt Qua:
+
Máu của Chiên Vượt Qua: cần thiết để phân biệt con đầu lòng của Israel khỏi con
đầu lòng của người Ai-cập. Khi thấy máu chiên trên cửa, thiên thần sẽ đi qua mà
không vào tiêu diệt.
+
Bánh không men và rau đắng: để kỷ niệm những đắng cay khổ cực của kiếp làm nô lệ
cho người Ai-cập.
+
Phải sẵn sàng và ăn nhanh chóng để thoát khỏi nơi người ta muốn tiêu diệt sự sống:
"Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các
ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.''
1.2/
Máu của người Ai-cập đổ ra để cứu dân tộc Israel: Có nhiều người
trách Thiên Chúa bất công: Tại sao Ngài lại đổ máu của người Ai-cập để cứu sống
dân tộc Israel? Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa luôn tìm cách để bảo
vệ sự sống trước khi tiêu diệt. Trình thuật Xuất Hành nói rõ lý do vua Ai-cập
muốn tiêu diệt người Do-thái, vì sợ họ sẽ nổi lên chống lại mình khi có chiến
tranh. Nếu nhà vua thực sự sợ điều ấy thì khi Moses và các kỳ mục Do-thái vâng
lệnh Thiên Chúa, vào cung điện để xin phép nhà vua phóng thích cho dân vào sa mạc
gặp Thiên Chúa, vua hãy phóng thích cho dân Do-thái đi. Khi vua Pharao không chịu
phóng thích, Thiên Chúa mới tỏ uy quyền của Ngài. Thiên Chúa không chỉ giáng xuống
một thiên tai, mà tới 7 lần, mà nhà vua vẫn không chịu đổi ý. Thiên tai xảy ra
trong trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng.
Điều
này dẫn chứng Thiên Chúa cho con người rất nhiều cơ hội để ăn năn trở lại trước
khi Ngài tiêu diệt họ. Tất cả mọi dân tộc đều là con cái của Thiên Chúa, Ngài
chẳng vui gì khi tiêu diệt họ. Ngài không thể để cho những kẻ khát máu tiêu diệt
sự sống của các dân tộc khác.
2/
Phúc Âm:
Lề Luật làm ra là để bảo vệ mạng sống con người.
2.1/
Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư về Luật ngày Sabbath: "Hôm ấy, vào
ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt
đầu bứt lúa ăn."
(1)
Phản ứng của các kinh-sư: Họ nói với Đức Giêsu: "Ông coi, các môn đệ ông
làm điều không được phép làm ngày Sabbath!" Các kinh-sư quan niệm: Phải
tuyệt đối tôn trọng Lề Luật cho dù có phải hy sinh mạng sống! Đây chỉ là điều
lý tưởng khi mạng sống phải hy sinh là của người khác, chứ không phải là của họ
hay những gì liên quan tới họ. Chúa Giêsu đã từng vạch trần lối sống hai tiêu
chuẩn của họ: "Ai trong các ông có con chiên bị té xuống giếng trong ngày
Sabbath, lại chẳng kéo nó lên sao?" Bảo vệ mạng sống con người còn quan trọng
hơn nữa!
(2)
Phản ứng của Chúa Giêsu: Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông
David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã
cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới
được ăn mà thôi." Chúa Giêsu quan niệm: Lề Luật làm ra để bảo vệ con người,
luật ngày Sabbath tốt đẹp vì nó giúp con người có thời gian nghỉ ngơi và lắng
cho phần linh hồn của mình. Tuy nhiên, khi đói, con người phải ăn, ngay cả những
thứ không được phép ăn để bảo vệ sự sống, cho dù phải vi phạm Lề Luật.
2.2/
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận: "Hay các ông
chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabbath, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật
Sabbath mà không mắc tội đó sao?"
Trước
tiên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh luật ngày Sabbath không áp dụng cho tất cả mọi
người; ví dụ, hàng tư tế; vì sự tốt lành cho dân chúng, hàng tư tế phải làm việc
trong ngày Sabbath để chu toàn nghĩa vụ tư tế của mình.
Thứ
đến, luật ngày Sabbath không áp dụng cho chính bản thân của Chúa Giêsu; đó là
lý do Chúa nói với họ: "Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ
nữa."
Sau
cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh lòng thương xót còn quan trọng hơn lễ tế và Lề
Luật: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ
đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội." Các kinh-sư và luật-sĩ
không chỉ tranh luận với Chúa Giêsu trong việc các môn đệ làm việc xác hôm nay,
họ còn rất khó chịu khi chứng kiến Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath. Như đã
nói ở trên, nếu con vật còn được cứu thoát trong ngày Sabbath, con người còn cần
được cứu hơn nữa. Vì thế, mặc cho họ chống đối, Chúa vẫn chữa lành bệnh nhân
trong ngày Sabbath, như Ngài nói với họ: ''Con Người làm chủ ngày
Sabbath."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chỉ có Thiên Chúa có quyền trên sự sống. Ngài trao cho con người sự sống để bảo
vệ.
-
Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa dạy dỗ và ngăm đe nhiều lần trước
khi tiêu diệt. Chúng ta hãy tỉnh thức và nhận ra những dấu hiệu này của Thiên
Chúa.
-
Lề Luật làm ra để bảo vệ sự sống. Chúng ta không bao giờ được phép nhân danh Lề
Luật để tiêu diệt sự sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
17/07/15 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Mt 12,1-8
Mt 12,1-8
Suy niệm: Ai
cũng biết lòng nhân trọng hơn lễ vật nhưng lắm kẻ vẫn thích dùng lễ vật để
“khuynh đảo” lòng nhân, khiến lòng nhân phải nghiêng ngửa! Hằng ngày chúng ta
nghe nói đến biết bao nhiêu vụ tham nhũng hối lộ động trời xảy ra trên mọi lĩnh
vực. Tiếp theo đó là biết bao việc làm sai trái được nhắm mắt làm ngơ. Hậu quả
là những người thấp cổ bé miệng phải gánh chịu những bất công. Ôi! Phải chi
người ta biết trọng lòng nhân hơn lễ vật thì đâu có chuyện người vô tội bị áp
bức bất công! Một khi lễ vật bị đặt sai chỗ, bị dùng để mua chuộc, lấy lòng
nhau thì lòng nhân sẽ không còn là lòng nhân nữa mà chỉ còn bất nhân.
Mời Bạn: Để
được việc bạn dễ bị cám dỗ dùng lễ vật để mua chuộc, lấy lòng: có thưởng mới
làm; có cho tiền mới đi học, đi lễ; có quà cáp mới tiến cử, tiến thân... Kết
quả là lòng nhân ái, giá trị cao quý của nhân loại vẫn tiếp tục bị xói mòn, đục
khoét. Thực ra lòng nhân tự nó là tốt, nhưng lòng nhân nơi những người không
biết sử dụng lại là điều đáng ngại. Như thế để làm người “biết thương người”
bạn hãy cho mà không mong được báo đáp và khi đó việc làm của bạn đã trở nên
chính lễ vật đẹp lòng Chúa và có sức cải thiện phong hóa thế gian.
Chia sẻ: Khi
người ta tham nhũng hối lộ, ai là người hưởng lợi, ai là người bị hại? Cái lợi
có bù đắp được cái hại không? Mời bạn chia sẻ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết xây dựng lòng nhân ái
một cách vô vị lợi như Chúa đã đối xử với chúng con.
Ta muốn lòng nhân
Suy niệm:
Đức Khổng Tử đòi người quân
tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là
lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà
bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một
bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng
theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức
Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ
Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu
cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ
hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất
quan trọng trong Do thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày
nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt
lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn
đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời
người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp
Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn
dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi
phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít
thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà
Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra
không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng
sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm
ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu
và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho
Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ
bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày
sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên
con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt,
mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho
con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu
lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa
không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối
nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ
lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là
người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên
chi li.
Không phải chi li để xét
đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những
nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ
bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả
năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi
ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì
yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những
thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu
đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy
một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con
trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tuoi phục vụ
mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa
lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn
con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm
hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17
THÁNG BẢY
Thiên
Chúa Đặt Trước Mặt Chúng Ta: Lửa Và Nước
Việc
tôn trọng sự tự do của tạo vật thì khẩn thiết đến nỗi Thiên Chúa – trong sự
quan phòng của Ngài – thậm chí cho phép xảy ra sự tội nơi con người và nơi các
thiên thần. Các tạo vật có lý trí – quả thật cao cả song cũng vẫn giới hạn và
không hoàn hảo – có thể lạm dụng tự do của mình và bất tuân phục Thiên Chúa là
Đấng Tạo Hóa. Chính khả năng ấy đã gây rắc rối cho tâm trí con người.
Sách
Huấn Ca suy tư về thực tại này rất sâu sắc: “Từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm
nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nếu con muốn, thì hãy giữ các điều
răn mà trung tín làm điều đẹp ý Ngài. Trước mặt con, Ngài đã đặt lửa và nước,
con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai
thích gì, sẽ được cái đó. Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Ngài mạnh
mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Ngài để mắt nhìn xem những ai kính sợ Ngài,
và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Ngài không truyền cho ai ăn ở thất
đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,14-20).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
17-7
Xh
11, 10-12.14; Mt 12, 1-8
LỜI
SUY NIỆM: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng
lên án kẻ vô tội.”
Trong
câu chuyện những người Pharisêu, lên án các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa
ăn ngày Sa-bát. Chúa Giêsu đã mời gọi họ đọc lại trong Sách Luật, về câu chuyện
vua Đavít và thuộc hạ vào Đền Thờ ăn bánh tiến, và Luật: ngày Sa-bát các tư tế
trong Đền thờ vi phạm luật ngày sa-bát mà không mắc tội đó sao? Rồi Chúa xác định
với họ: Người còn lớn hơn Đền Thờ nữa, để cho họ biết các môn đệ của Người cũng
được luật miễn trừ đó.
Lay
Chúa Giêsu. Chúa là Đền Thờ, là Của Lễ đền tội cho chúng con. Chúng con thật là
hạnh phúc, xin dâng lời cảm tạ Chúa. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con siêng năng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày để nhận được ơn tha tội và
được nuôi sống bằng Mình Thánh Chúa.
Mạnh
Phương
17
Tháng Bảy
Ðiều Quý Giá Nhất
Trên Ðời
Có
hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho
kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt
sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người
thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên
trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào
mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông
mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông
trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều
năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm
không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo
những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp
được Chúa.
Ngày
nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng
thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ
muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải
lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh
vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê
hương.
Vừa
gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước:
"Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đa tìm được. Tôi nghĩ đó phải là
điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa
từng thấy".
Con
người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời:
"Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng
đi tìm tôi".
Có
con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục
tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ...
Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ
lời với con người.
Thiên
Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta
qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ
diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình
người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường
chỉ lối cho con người.
Nhưng
Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi
chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh,
của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười
vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của
những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi
một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng
phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là
Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét