19/07/2015
Chúa Nhật 16 Quanh Năm Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật XVI Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN B
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
MỤC TỬ BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG
“Đức Giêsu thấy một đám người rất
đông
thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
(Mc 6,34)
thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
(Mc 6,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Thi
hành sứ vụ ngôn sứ vào thời có khá nhiều biến động trước và sau khi Giêrusalem
bị thất thủ năm 587 SCN, Giêrêmia chứng kiến nhiều thăng trầm của đất nước và
dân Israel. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước
và dân là do sự yếu kém về tài đức của các vị lãnh đạo. Đoạn trích sách ngôn sứ
Giêrêmia hôm nay một mặt trình bày việc Thiên Chúa lên án các mục tử vì đã
không chăm lo cho đoàn chiên, mặt khác mở ra niềm hy vọng về một vị vua khôn
ngoan và tài giỏi sẽ hướng dẫn đoàn chiên trong chính trực công minh.
Trước
hết, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giêrêmia, lên án các mục tử vì họ không chăm
lo cho đàn chiên. Chiên là loài hiền lành nên dễ bị tấn công bởi sói dữ. Vai
trò của vị mục tử rất quan trọng trong việc chăm lo, chăn dắt và bảo vệ để đàn
chiên được an toàn. Sự lơ là và thiếu trách nhiệm của vị mục tử có thể làm cho
đàn chiên tan tác. Những mục tử không thực hiện tốt vai trò của mình đối với
đàn chiên được trao phó sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt (Gr 23,1-3).
Thêm
vào đó, khi chứng kiến sự tan tác của đàn chiên, Thiên Chúa đích thân ra tay
can thiệp. Ngài qui tụ đàn chiên đã bị tan tác từ khắp mọi miền và đưa chiên về
đồng cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo và đầy tình thương của Thiên Chúa, đàn
chiên lại tiếp tục sinh sôi nảy nở thật nhiều (Gr 23,4). Thiên Chúa mới thật là
mục tử nhân lành của đàn chiên. Ngài hằng dõi theo từng bước của đàn chiên và
ra tay can thiệp để đưa chiên về, để chiên được sống và sống dồi dào (Ga
10,10).
Sau
cùng, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện các mục tử khác để thay Ngài chăm sóc
đoàn chiên; đàn chiên không còn phải sợ hãi và bị bỏ rơi nữa (Gr 23,5). Lời hứa
của Thiên Chúa vẫn chưa dừng lại ở đó, vì “sẽ tới những ngày”, Ngài sẽ làm trổ
sinh “một chồi non chính trực”; đó là một vị vua “khôn ngoan tài giỏi” sẽ thi
hành điều “chính trực công minh”. Dưới sự dẫn dắt của vị vua này, dân Chúa sẽ
được cứu thoát và được sống yên hàn (Gr 23,5-6). Đây là lời hứa quan trọng dẫn
đến vua Giêsu, Đấng công minh chính trực, Đấng ban ơn cứu độ cho con người.
2. Bài đọc 2
Đoạn
trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêxô nhấn mạnh hiệu quả cái chết của Đức
Giêsu. Đó là công trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện nhờ Con của Ngài: liên kết
dân ngoại và dân Do thái; hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.
Trước
hết, máu Đức Giêsu đổ ra liên kết dân ngoại và dân Do thái. Nhờ cái chết của
Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại
và dân Do thái, phá đổ sự thù ghét lẫn nhau, để liên kết mọi người trong một
Hội Thánh duy nhất. Trong Hội Thánh của Đức Kitô, người ta không còn phân biệt
Do thái hay dân ngoại, ở xa hay ở gần, vì tất cả đều được liên kết thành một
người mới duy nhất trong chính thân thể Đức Kitô, Đấng ban bình an cho tất cả
chúng ta (Ep 2,13-15).
Sau
nữa, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.
Tác giả thư Êphêxô khẳng định rằng nhờ thập giá, cả dân ngoại và dân Do thái
đều được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, nghĩa là trong
Hội Thánh duy nhất. Như thế, không những nhân loại được giao hòa với Thiên
Chúa, mà còn được giao hòa với nhau: Nhờ Đức Giêsu, mọi người được liên kết
trong một Thần Khí mà đến cùng Chúa Cha (Ep 2,16-18). Ba Ngôi Thiên Chúa chính
là cội nguồn của sự hiệp thông và giao hòa cho nhân loại.
Nhờ
cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Ngài là cho
nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và nhờ đó mà được giao hòa với nhau, để
một khi được qui tụ quanh Đức Kitô, người ta không còn phân biệt ngôn ngữ,
chủng tộc, văn hóa… nhưng được kết hợp lại trong một thân thể duy nhất là Hội
Thánh.
3. Bài Tin Mừng
Bài
Tin Mừng làm nổi bật hai đặc tính của mục tử Giêsu: chạnh lòng thương và dưỡng
nuôi dân chúng bằng lời và bánh.
Mục tử
Giêsu là Đấng biết chạnh lòng thương. Bối cảnh bài Tin Mừng cho ta hiểu rằng
sau khi được sai đi (Mc 6,7-13), các tông đồ trở về báo cáo cho Chúa Giêsu về
những công việc các ngài làm (Mc 6,30). Dù Đức Giêsu ý thức tầm quan trọng của
sự thinh lặng và nghỉ ngơi (Mc 6,31-32), nhưng Người tỏ ra chạnh lòng thương
dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ
(Mc 6,34tt). Vì biết “chạnh lòng thương” nên dù mệt nhọc và cần được nghỉ ngơi,
nhưng mục tử Giêsu tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đàn chiên; Người biết họ
đang khao khát được gặp Người nên Người tạm gác lại nhu cầu của mình để phục vụ
cho nhu cầu cấp bách của đàn chiên. Sự “chạnh lòng thương” của mục tử Giêsu
không chỉ dừng lại ở một cảm xúc, một kiểu cảm động nhất thời thoáng qua mà là
lòng trắc ẩn sâu xa; lòng trắc ẩn thúc đẩy Người hành động.
Hành
động trước tiên của mục tử Giêsu là “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Người
không chỉ “chạnh lòng thương” mà còn biết dân chúng đang khao khát điều gì. Họ
đã bỏ nhiều giờ, dùng những phương tiện họ có để kiếm tìm Người. Khi “dạy dỗ họ
nhiều điều”, Chúa Giêsu lấp đầy nỗi khao khát lời Chúa đang cháy bỏng trong
lòng họ. Hơn nữa, khi trời xế chiều, các môn đệ muốn giải tán dân chúng để họ tự
tìm thức ăn thì Chúa Giêsu lại đưa ra một mệnh lệnh đầy bất ngờ: “các con hãy
cho họ ăn” (Mc 6,37). Chúa Giêsu chủ động và đi bước trước để đáp ứng nhu cầu
của dân. Người không những ban lương thực thiêng liêng là lời Chúa cho dân
chúng, mà Người còn ban cho họ bánh như lương thực nuôi thể xác.
Quả
vậy, theo Mc 6,34-44, Đức Giêsu cho thấy Người như vị mục tử biết chạnh lòng
thương dân chúng đang bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt; Người chăm lo
cho họ, dùng lời (6,34) và bánh (6,41-42) mà nuôi sống họ.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Qua
lời ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa lên án các mục tử không chăm lo cho đàn chiên,
để đàn chiên bị tan tác. Ngài ra tay qui tụ đàn chiên về đồng cỏ để chúng được
sinh sôi nảy nở và cho xuất hiện những mục tử khác để chăm sóc đàn chiên trong
khi chờ đợi vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi sẽ chăn dắt đàn chiên trong chính
trực công minh. Tôi có chăm lo cho đàn chiên được trao phó cho tôi với tất cả
lòng yêu thương của một mục tử đích thực? Tôi có biết học nơi Chúa là vị mục tử
đích thực, Đấng qui tụ đàn chiên tản lạc về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy
nở? Tôi có khao khát trở thành vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi để chăn dắt đàn
chiên trong chính trực công minh như Chúa hằng chờ đợi?
2/ Đức
Giêsu đã đổ máu mình ra để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, để một khi được
giao hòa với Thiên Chúa, nhân loại cũng biết giao hòa với nhau. Tôi có thật sự
được giao hòa với Thiên Chúa? Tôi có thật sự giao hòa với anh chị em? Tôi có
còn để cho những hận thù, ghen ghét như bức tường ngăn cách giữa tôi và Chúa,
giữa tôi và anh chị em?
3/ Chúa
Giêsu là mục tử biết chạnh lòng thương, biết nhận ra và đáp ứng nhu cầu của đàn
chiên. Chúa Giêsu cũng kêu mời tôi noi gương vị mục tử Giêsu. Tôi có sẵn sàng
noi gương vị mục tử Giêsu, yêu thương và chăm sóc đàn chiên được trao phó cho
tôi?
III. LỜI NGUYỆN
CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên
Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người đến thế gian như vị Mục Tử qui tụ và chăm
sóc muôn người trong một đàn chiên duy nhất. Chúng ta thành tâm cảm tạ Chúa và
tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Chúa
trao cho Hội Thánh sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Chúng ta cùng cầu
nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được hồn an
xác mạnh, đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, hầu tận tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao.
2. Chúa
đã chạnh lòng thương đám đông như đàn chiên không người chăn dắt. Chúng ta cùng
cầu xin cho những người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần trong thế giới hôm nay
được quan tâm chăm sóc, và biết khiêm tốn mở lòng trước những cơ hội đón nhận
Tin Mừng.
3. “Các
Tông đồ kể lại cho Chúa mọi điều các ông đã làm và giảng dạy.” Chúng ta cùng
cầu nguyện cho những ai đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ, luôn gắn bó
mật thiết với Chúa Kitô trong kinh nguyện và các Bí tích để được khích lệ, nâng
đỡ và hướng dẫn.
4.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ và tham dự vào sứ vụ mục tử của Người.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng
nghe, tìm kiếm và thực thi ý Chúa qua những bổn phận hằng ngày đối với gia đình
và cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng
hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban muôn ơn lành giúp chúng con luôn
hăng hái làm việc tông đồ hầu cho nhiều người được ơn cứu độ và hưởng phúc Nước
Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Chủ đề :
Thiên Chúa chăm sóc đoàn chiên Ngài
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Gr
23,1-6) : Thiên Chúa trách các lãnh tụ do thái không chăm sóc đàn chiên
Ngài giao cho họ. Ngài sẽ lấy đoàn chiên lại và đích thân chăm sóc.
- Đáp ca (Tv 22) : Ca
tụng Thiên Chúa là mục tử nhân lành.
- Tin Mừng (Mc
6,30-34) : Đức Giêsu thương dân chúng vì họ như đàn chiên không người
chăn.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Người ta thường gọi các kitô
hữu là những "con chiên" của Chúa. Nói như thế nghĩa là gì ? Lời
Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta biết được làm con chiên của Chúa thì sẽ hạnh phúc
như thế nào. Xin Chúa cho chúng ta hiểu được hạnh phúc của chúng ta và luôn vui
sống dưới sự chăm sóc của Chúa là mục tử chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta ít nghĩ đến tình
thương của Chúa đối với chúng ta.
- Chúng ta chưa gắn bó với
các tín hữu khác là những người sống trong cùng một đoàn chiên Chúa với chúng
ta.
- Chúng ta không vâng nghe
các mục tử mà Chúa đã đặt lên để hướng dẫn chúng ta.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Gr 23,1-6)
Trích đoạn này gồm 2
phần :
- Trong phần đầu, Thiên Chúa
trách "các mục tử Israel". Đó là các vua và các tư tế. Lẽ ra họ phải
chăm sóc chu đáo cho đoàn chiên của Ngài là dân do thái. Nhưng trái lại họ phan
tác và xua đuổi chúng.
- Trong phần sau, Thiên Chúa
nói Ngài sẽ lấy đoàn chiên ấy lại và đích thân chăm sóc : quy tụ những con
chiên tản lạc, dẫn chiên đến đồng cỏ, che chở chúng khỏi mọi nguy hiểm. Thiên
Chúa còn hứa sẽ cho từ nhà Đavít nổi lên một mục tử đích thực. Đây là lời hứa
ban Đấng Messia.
2. Đáp ca (Tv 22)
Tv này rất quen thuộc với
chúng ta. Đây là bài ca tụng Thiên Chúa như một mục tử nhân lành, lo cho đoàn
chiên có cỏ non, nước ngọt và bóng mát. Lại che chở chiên khỏi sói dữ và quân
trộm cướp. Tác giả Tv bày tỏ niềm tin tuyệt đối rằng được sống dưới sự chăn dắt
của Thiên Chúa thì sẽ không thiếu chi và không còn phải sợ gì nữa.
3. Tin Mừng (Mc 6,30-34)
Trong bài Tin Mừng tuần
trước, Đức Giêsu đã sai 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng. Trong bài này, các
ông trở về hân hoan báo cáo những thành công của mình.
Đức Giêsu rất nhân bản, Ngài
bảo các ông tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Thầy trò xuống thuyền chèo đến
một nơi yên tĩnh.
Nhưng vừa ra khỏi thuyền,
Đức Giêsu lại thấy dân chúng kéo đến đông đảo. Ngài chạnh lòng thương họ, thấy
họ như một đoàn chiên bơ vơ không người chăn. Thế là Ngài bỏ nghỉ ngơi, tiếp
tục dạy dỗ họ.
4. Bài đọc II (Êp 2,13-18)
Thánh Phaolô trình bày cho
những tân tòng ở Êphêxô hiểu về hai ơn trọng mà Chúa đã ban cho họ : ơn
hòa giải và ơn quy tụ.
- Ơn hòa giải : trước
đây có một bức tường ngăn cách người do thái với người ngoại. Nhưng Đức Kitô đã
phá đổ bức tường ấy để tử nay do thái và dân ngoại hòa giải với nhau.
- Quy tụ : trước đây
dân ngoại như những con chiên tản mác khắp nơi. Nhưng Đức Giêsu Kitô đã quy tụ
họ lại trong cùng một đoàn chiên với dân do thái. Từ nay mọi người đều hiệp
nhất trong Ngài.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Con tim mục tử
Hình ảnh Đức Giêsu trong
đoạn Tin Mừng này thật dịu dàng và rất đáng kính mến, vì Ngài có một trái tim
rất nhạy cảm trước những nhu cầu của người khác :
- Các môn đệ trở về sau
chuyến đi thực tập truyền giáo. Các ông vui mừng vì những thành công, hăng hái
kể chuyện cho Ngài nghe, quên hết những mệt nhọc. Nhưng con tim mục tử của Đức
Giêsu biết họ cần được nghỉ ngơi. Ngài dịu dàng bảo họ "Các con hãy lui
vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút".
- Khi đã đến chỗ có thể nghỉ
ngơi, Đức Giêsu thấy dân chúng kéo đến với mình. Con tim mục tử lại xúc động,
vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài liền hy sinh sự nghỉ ngơi để
tiếp tục giảng dạy họ.
Từ đoạn Tin Mừng này, chúng
ta rút ra được hai điều :
- Thứ nhất : chúng ta
hãy vui sướng vì được làm một con chiên đang sống dưới sự chăm sóc của một Vị
mục Tử giàu tình thương như thế. Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta
cảm thấy điều cần đó, và Ngài lo liệu đầy đủ cho chúng ta.
- Thứ hai : chúng ta
hãy xin Chúa ban cho chúng tại sao có một con tim giống như Ngài, một con tim
biết xúc động và biết mở rộng trước nhu cầu của người khác, vì quả thực rất
nhiều khi con tim của chúng ta đã chai lì, băng giá và khép kín.
2. "Các con hãy lui vào
nơi vắng vẻ..."
Số người mắc bệnh thần kinh
ngày nay càng ngày càng nhiều. Và một trong những lý do đưa đến bệnh đó là nếp
sống càng ngày càng ồn ào xô bồ. Ngoài đường thì tiếng xe, tiếng máy, tiếng
người ồn ào suốt ngày ; trong nhà thì các thứ tiếng nói, tiếng hát, tiếng
nhạc từ các máy radiô, tivi, cassette ; rồi còn những tiếng khác từ các
rạp hát, các loa phóng thanh v.v. Ở giữa bao nhiêu là tiếng động ồ ào đó, con
người ngày nay như bị quay cuồng, bị li tâm, bị trống rỗng, thần kinh thì căng
thẳng, và nội tâm thì nghèo nàn.
Để thoát ra khỏi bầu khí ồn
ào cẳng thẳng đó hầu tìm lại phần nào yên tỉnh, trầm lặng, nội tâm... người ta
đã tìm đến với Yoga, với Thiền, với những phương pháp dưỡng sinh... Những hình
thức này càng ngày càng lôi kéo được nhiều người tham gia. (Đó cũng là một phản
ứng tất nhiên để đánh quân bình lại với những hoạt động quá náo nhiệt ồn ào đã
nói ở đầu). Ở những nước công nghiệp phát triển, vào mùa hè, người ta tạm nghỉ
việc, rời bỏ nếp sống đô thị náo nhiệt và tìm đến nghỉ ngơi ở vùng yên tĩnh hơn
như miền quê miền biển, miền núi... Và ngay ở Liên hợp quốc cũng có một căn
phòng đặc biệt, phòng này không trang trí gì cả, rất trống trải nhưng rất yên
tĩnh, dành cho các nhà ngoại giao, các nhà chính trị nếu cần tìm một chút bầu
khí trầm tĩnh thì đến đấy trong một thời gian nào đó... Tất cả những cố gắng và
những sáng kiến vừa kể trên cũng là một phản ứng tất nhiên của con người để
đánh quân bình lại với cuộc sống đã quá ồn ào như đã nói ở trên.
Như thế, chúng ta thấy được
rằng một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lặng là điều rất cần thiết cho
con người. Nó cần thiết vừa để cho thân xác nghỉ ngơi, vừa để cho tinh thần con
người thư giãn, vừa để cho trí óc con người sáng suốt nhìn lại cuộc sống mình,
kiểm điểm và rút ưu khuyết điểm để định hướng cho cuộc sống trong giai đoạn
tới. Sau khi các tông đồ đi hoạt động truyền giáo một thời gian trở về, Đức
Giêsu đã bảo các ông chèo thuyền qua phía bên kia hồ, yên tỉnh hơn để tỉnh
dưỡng xác hồn "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ..."
Lời khuyên này của Chúa ngày
nay vẫn được những người tu hành, các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, đặc biệt coi
trọng. Hằng năm, hàng tháng các vị đó vẫn có những cuộc tĩnh tâm, có khi kéo
dài một tháng, có khi một tuần, có khi một ngày, hay ít ra cũng một buổi. Trong
thời gian đó, họ sẽ kiểm điểm đời sống, cầu nguyện, định hướng cho hoạt động
sắp tới...
Còn đối với giáo dân, cuộc
sống chạy đua với miếng cơm manh áo khiến chúng ta không có nhiều thời giờ rãnh
rỗi để làm những cuộc tĩnh tâm như vậy. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng yên
tĩnh là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, cuộc sống càng ồn ào chừng nào thì
nhu cầu yên tĩnh càng cần thiết chứng ấy. Cho nên dù bận rộn, thỉnh thoảng
chúng ta cũng hãy cố gắng đi tìm một chút yên tĩnh cho tâm hồn mình. Nhưng có
nhiều thứ yên tĩnh :
. Không phải thứ yên tĩnh
chỉ vì vắng tiếng động bên ngoài. Có những người vì quá quen với ồn ào nên khi
phải ở một nơi im lặng thì chịu không nổi, muốn phát điên lên. Chúng ta không
đi tìm thứ yên tĩnh đó.
. Chúng ta cũng không đi tìm
thứ yên tĩnh trống rỗng, nghĩa là bên ngoài đã hoang vắng mà trong tâm hồn cũng
hoang sơ, cằn cỗi.
. Thứ yên tĩnh mà chúng ta
cần đi tìm là thứ yên tĩnh tràn đầy hương vị ngọt ngào... Yên tĩnh bên ngoài để
cho bên trong tâm hồn có được những ý hướng cao thượng, những nhận định sáng
suốt, những sức mạnh an ủi khích lệ... Có một nhạc sĩ đã viết lên những câu
nhạc như thế này : "Ta hãy làm thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy
nước hồ reo, để nghe tơ liễu rung trong giá, và để xem trời giải nghĩa
yêu..." Đó là thứ yên tĩnh ngọt ngào, phong phú, là chính thứ yên tĩnh ta
cần đi tìm.
Nhưng tìm ở đâu bây
giờ ? Thưa thứ yên tĩnh đó ta có thể tìm thấy trong bầu khí trầm mặc ở nhà
thờ, trong những giây phút cầu nguyện, và ngay trong chính tâm hồn mình. Nghe
nói đến đây chắc chắn nhiều bạn trẻ thấy ngán ! Đúng thế, chắc hẳn có
nhiều lần chúng ta cũng đã đến nhà thờ, cũng đã cầu nguyện... nhưng thấy nó
buồn tẻ làm sao, chỉ muốn ngủ gục thôi. Tại vì chúng ta như bị bó buộc phải đi
vào cảnh yên tỉnh đó một cách miễn cưỡng, cho nên chúng ta chỉ gặp được cái thứ
yên tĩnh chỉ vì vắng tiếng động bên ngoài, hay chỉ gặp thứ yên tĩnh trống rỗng
như đã phân loại ở trên. Muốn tìm thấy yên tĩnh đích thực, nghĩa là thứ yên
tĩnh ngọt ngào, phong phú thì chúng ta phải tự nguyện tìm yên tĩnh và để trọn
tâm hồn của mình lắng đọng trong cõi yên tĩnh đó.
Augustinô sau một thời gian
tuổi trẻ chạy theo danh vọng, tiền tài, khoái lạc đã bắt đầu thấy chán chường.
Một hôm chàng cầm theo một quyển sách vào ngồi trầm tư trong khu vườn vắng vẻ.
Đột nhiên, chàng nghe vang lên một tiếng trẻ con "Hãy cầm lấy mà
đọc". Augustinô ngó xuống thì thấy tay mình đang cầm quyển Thánh Kinh.
Chàng mở ra và đọc, đọc được câu "Anh em đừng chạy theo xác thịt nữa nhưng
hãy sống theo Thánh Thần Chúa". Câu nói ấy của Thánh Phaolô trong thư Ngài
gửi cho giáo dân Rôma đã là khởi đầu cho một cuộc sống mới của Thánh Augustinô.
Tất cả khởi đầu từ một giây phút yên tĩnh của tâm hồn.
Tóm lại, điều chúng ta cần
ghi nhớ trong bài Tin mừng hôm nay là Lời Chúa khuyên : "Chúng con
hãy lui vào nơi vắng vẻ..." Để thực hiện Lời Chúa, thỉnh thoảng chúng ta
hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng lại, hãy tạm quên đi bỏ đi những ồn ào bên
ngoài để đi sâu vào tâm hồn mình, thỉnh thoảng chúng ta hãy cầu nguyện thật sự,
thỉnh thoảng chúng ta hãy vào nhà thờ với ước muốn thật sự tìm gặp ở đấy sự yên
tĩnh cho tâm hồn.
Và cầu mong chúng ta sẽ gặp
được điều mà chúng ta tìm kiếm.
3. Sức quyến rũ của Lời Chúa
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật
lại một giai đoạn thành công của việc rao giảng Lời Chúa : dân chúng đã
quá ngán trước những lời giảng dạy của các tư tế và luật sĩ quá khô khan và
nặng nề hình thức, lễ nghi, luật lệ - nay gặp thấy giáo huấn của Đức Giêsu vừa
đơn sơ dễ hiểu, vừa gần gũi thực tế, vừa chan chứa tình yêu thương nên họ say
sưa đón nhận.
. Đến nỗi một mình Đức Giêsu
rao giảng không đủ, Chúa phải sai các tông đồ chia nhau đi các thành phố làng
mạc để rao giảng. Các ông đi giảng ở đâu cũng gặt hái được những thành công. Vì
thế các ông làm việc mà không thấy mệt, nói đúng hơn cũng có mệt nhưng không
muốn nghỉ ngơi, thành công gặt hái được khiến các ông hăng hái muốn tiếp tục
làm nữa. Đức Giêsu phải dùng quyền mà bắt các ông phải nghỉ ngơi đôi chút.
. Nhưng muốn nghỉ mà cũng
không được yên để nghỉ, vì dân chúng cứ tấp nập tuôn đến, các tông đồ không có
cả thời giờ để ăn uống. Đức Giêsu mới nghĩ ra một cách giải quyết là bảo các
tông đồ xuống thuyền chèo đến một nơi thanh vắng. Nhưng dân chúng đã đoán được
chỗ đó, cho nên họ chạy bộ dọc theo bờ sông và đến nơi trước các ngài.
. Nhìn thấy đám đông khao
khát nghe Lời Chúa như thế, Đức Giêsu chạnh lòng thương. Ngài ví họ như một
đoàn chiên đang đói khát không người chăn dẫn. Và vì thương họ nên Đức Giêsu hy
sinh không nghỉ ngơi nữa, đích thân Ngài tiếp tục giảng cho họ nghe.
Thật là một cảnh tượng đáng
mơ ước : người giảng thì hăng hái, mệt mà không muốn nghỉ ; còn người
nghe thì say sưa nghe mãi mà không chán. Nghĩa là cả người giảng lẫn kẻ nghe
đều hăng hái say sưa. Do đâu mà mọi người đều say sưa hăng hái như vậy ?
do sức quyến rũ của Lời Chúa.
Khi người ta khám phá được
một điều gì rất hay, rất hữu ích thì người ta hăng hái muốn nói lại cho người
khác nghe biết. Thí dụ như nhà bác học Archimède : ông đang thắc mắc tìm
hiểu tại sao những vật thể có tỉ trọng nặng hơn nước mà lại nổi trên mặt nước.
Một ngày kia, ông đang nằm tắm trong bồn nước thì ông cảm thấy như có một sức
đẩy dưới nước làm cho thân thể ông nổi lên, nghĩa là trong nước có một sức đẩy.
Thế là ông đã tìm ra được lý do. Mừng quá, ông la lên "Eureka" (nghĩa
là : "Tôi đã khám phá ra rồi") và chạy vội ra ngoài để kể cho
người khác nghe, mặc dù ông quên chưa mặc quần áo, ông còn trần truồng !
Đó là tâm lý của người khám phá. Còn về phần người nghe, thì khi thấy được một
nội dung hấp dẫn, người ta cũng say sưa tìm nghe mãi. Một giáo viên đã kể lại
cái thời còn là học sinh : "Anh em lớp chúng tôi rất mê một ông thầy
dạy văn, và đặc biệt mê những bài thơ mới. Mỗi lần ông thầy đọc cho chúng tôi
nghe một bài thơ mới là chúng tôi say sưa chép, những bài thơ của Xuân Diệu,
Thế Lữ, Huy Cận v.v... tụi học trò chúng tôi mê làm sao ấy. Nhưng mà ông thầy
này cũng hà tiện, chỉ khi nào chúng tôi thuộc bài giỏi, giữ trật tự tốt thì ổng
mới thưởng cho một bài, và mỗi lần như vậy là chúng tôi lại say mê chép."
Lời Chúa cũng có sức quyến
rũ như vậy. Chiara Lubich là một người sống bình thường như mọi người. Đến thế
chiến thứ II, nước Ý bị lôi cuốn vào vòng chiến. Hằng ngày bom đạn cứ trút
xuống các thành phố, nhà cửa tài sản tan hoang, sinh mạng con người bị đe doạ
từng giây từng phút. Trong những hầm tránh bom, Bà Chiara Lubich này cảm thấy
chẳng còn có thể nương dựa vào bất cứ cái gì ở trần gian, nên bà chỉ đặt trọn
niềm hy vọng vào quyển sách Tin Mừng mà bà mang theo. Nào ngờ những lời trong
Tin Mừng đã khiến bà tìm thấy được lẽ sống. Và khi khám phá rồi, bà hăng hái kể
lại khám phá ấy cho nhiều người khác nghe. Họ thành lập những nhóm chia sẻ Tin
mừng với nhau. Những nhóm ấy càng ngày càng sinh thêm những nhóm khác, làm
thành cả một phong trào, gọi là phong trào Focolare (nghĩa là Tổ ấm). Họ hăng
hái thực hiện Tin mừng. Bà Chiara Lubich có để lại một câu nói đã trở thành
danh ngôn : "Chúng ta hãy sống Tin mừng như thế nào để cho dù mọi
quyển sách Tin mừng có bị đốt hết, người ta vẫn có thể nhìn vào đời sống của
chúng ta mà viết lại trọn vẹn Tin mừng, từng câu, từng chữ".
Có những người chỉ cần khám
phá một câu Tin mừng thôi là thấy được hấp dẫn cả một cuộc đời. Chẳng hạn như
Thánh Phanxicô Thành Assisiô, câu "Phúc cho những người nghèo" đã
khiến ông bỏ hết gia tài cha mẹ để dấn thân vào một cuộc sống nghèo nàn, nghèo
nhưng vô cùng hạnh phúc ; Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu thì vạch ra đường
lối tu đức riêng của mình từ câu "Nước Trời thuộc về những trẻ
nhỏ" ; Cha Charles de Foucauld đã lập ra một Dòng chuyên sống lao
động, vì cha rất say mê cuộc đời lao động của Đức Giêsu ở Nagiarét...
Lời Chúa quý giá như một
viên ngọc. Nhưng ít ai biết quý chuộng Lời Chúa. Đọc Tin Mừng thì lười biếng,
đi lễ nghe giảng thì ngủ gục, lo ra hay bỏ ra ngoài nhà thờ. Tại vì đó là một
viên ngọc được chôn dấu dưới đất, ít ai khám phá ra. Nhưng người nào mà khám
phá ra thì sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được
viên ngọc quý ấy.
Bởi vậy, bổn phận của các
Linh mục là phải trình bày Lời Chúa như thế nào để giáo dân thấy được giá trị
hấp dẫn Lời Chúa. Còn bổn phận của giáo dân là phải biết chăm chú lắng nghe để
chính mình cũng khám phá ra được giá trị tuyệt vời của Lời Chúa. Và bổn phận
của tất cả mọi tín hữu, Linh mục cũng như giáo dân, là phải trân trọng Lời
Chúa : không phải chỉ đọc phớt qua, nghe phớt qua, mà phải chăm chú, tìm
hiểu, cầu nguyện và cố gắng thực hành.
Xét về một khía cạnh nào đó,
thì Lời Chúa còn quan trọng hơn cả các Bí tích nữa. Thí dụ như những người ở
vào một hoàn cảnh không thể đến nhà thờ để dự lễ, xưng tội và chịu các bí tích
được. Chẳng hạn như những người bệnh nặng, hay dời nhà về một vùng không có
Linh mục không có nhà thờ, những thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, những bà con ở
vùng kinh tế mới v.v. Nếu chúng ta chỉ biết có các Bí tích thì trong những hoàn
cảnh ấy, chúng ta sẽ không còn cái gì gọi là sống đạo nữa. Nhưng nếu biết đọc
Lời Chúa và sống Lời Chúa, thì chỉ cần một quyển Tin Mừng thôi, hay chỉ một
quyển lịch công giáo thôi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục có lương thực nuôi
dưỡng linh hồn mình, có lẽ sống hướng dẫn cuộc đời mình.
Ở cuối đoạn Tin Mừng hôm
nay ; thánh Marcô ghi nhận rằng : Đức Giêsu nhìn thấy dân chúng thì
chạnh lòng thương, vì họ như đoàn chiên không người chăn dẫn. Giáo dân là những
con chiên của Chúa. Trong số đó có nhiều giáo dân phải sống ở những nơi không
có Linh mục, họ đúng là đoàn chiên không người chăn dẫn. Nhưng giáo dân ở các
họ đạo có Linh mục thì có khi cũng phải đói khát về lương thực tinh thần vì họ
chỉ biết có đọc kinh và giữ các lễ nghi hình thức bề ngoài. Chúa thương hết mọi
con chiên, Chúa thương cả đoàn chiên, nên Chúa đã cho đoàn chiên một nguồn
lương thực hết sức quý giá, đó là Lời Chúa, chứa đựng trong Tin Mừng. Ước gì
chúng ta khám phá được giá trị hấp dẫn của Lời Chúa, dù chỉ là một Lời, một câu
trong Tin Mừng thôi, để cuộc đời chúng ta từ đó được biến đổi, có ý nghĩa, có
giá trị.
4. Bị quấy rầy
Một người kia đến thăm người
bạn của mình làm giáo sư tại một trường đại học lớn. Trong lúc hai người đang
trò chuyện với nhau trong văn phòng của vị giáo sư thì những sinh viên thường
tới gõ cửa để xin ý kiến về vấn đề này vấn đề nọ. Mỗi lần như thế thì câu
chuyện bị gián đoạn vì vị giáo sư phải rời chỗ ngồi đi ra trả lời cho sinh
viên. Cuối cùng người bạn hỏi : "Làm sao anh có thể làm việc được nếu
công việc cứ bị gián đoạn mãi như thế ?" Vị giáo sư đáp :
"Ban đầu tôi cũng rất bực bội. Nhưng về sau, tôi chợt ý thức rằng công
việc chính của tôi chính là những lúc bị gián đoạn như thế".
Vị giáo sư có thể đóng cửa,
không tiếp ai hết, để miệt mài với công việc. Làm thế thì ông có thể được yên
tĩnh. Nhưng vì là một con người quảng đại hay giúp đỡ, ông không thể làm thế.
Thay vào đó ông coi việc tiếp xúc và giúp đỡ sinh viên là việc chính của mình.
Bởi đó, không lạ gì ông được sinh viên quý mến, và ông là người hạnh phúc nhất
và hoàn thành trách nhiệm giáo sư tốt nhất trong trường Đại học.
Vị tha vừa dễ mà cũng vừa
khó. Dễ là khi việc phục vụ người khác là do ta tự ý chọn, nhờ đó ta chẳng
những không cảm thấy bực bội mà còn thoải mái. Còn khó là khi ta phục vụ mà
miễn cưỡng, thành ra bực bội và khó chịu.
Một hành vi được xét là tốt
không do tầm quan trọng của nó, mà do tấm lòng của người làm hành vi đó :
sẵn sàng chấp nhận nếp sống bị xáo trộn để giúp đỡ người khác, sẵn sàng tạm gác
qua một bên những dự định của mình để phục vụ người khác.
Như ta thấy trong bài Tin
Mừng hôm nay, Đức Giêsu rất bận rộn với biết bao công việc, đến nỗi không có
giờ để ăn uống. Ngài vừa định cùng các môn đệ đi tới một nơi yên tĩnh để nghỉ
ngơi thì dân chúng lại kéo đến. Thấy vậy, "Ngài chạnh lòng thương và bắt
đầu dạy dỗ họ nhiều điều".
Mặc dù biết phục vụ người
khác là tốt, nhưng nhiều người chỉ muốn phục vụ một chút thôi, miễn là việc
phục vụ đó đừng quá quấy rầy, đừng xáo trộn nếp sống quen thuộc của họ. Nhưng
như thế không phải là phục vụ. Đức Giêsu đã phục vụ khi sẵn sàng cho người khác
quấy rầy, làm xáo trộn chương trình của Ngài. Cha mẹ chúng ta cũng thế :
biết bao lần các ngài đang ngủ giữa đêm phải thức dậy để chăm sóc con
cái ?
Một thanh niên lực lưỡng xin
đốn cây để phụ giúp gia đình. Thấy anh vạm vỡ, chủ liền trao cho anh một chiếc
rìu, dẫn anh vào rừng và bảo :
- Anh thử đốn cây này cho
tôi xem.
Vì đã từng lao động, nên anh
đốn rất nhanh. Ông chủ nhận anh vào làm việc, đưa ra mức lương và cho nơi cư
ngụ.
Dù mệt nhọc nhưng anh cảm
thấy rất vui, vì nghĩ rằng cuối tuần sẽ có một số tiền kha khá đem về gia đình.
Thứ Hai, Thứ Ba, rồi Thứ Tư vùn vụt trôi qua. Đến ngày Thứ Năm, chủ gọi anh vào
cám ơn và trao cho anh tiền công cả một tuần.
Anh vui sướng cầm những tờ
giấy bạc thấm đẫm mồ hôi, đôi mắt rạng ngời niềm vui. Bỗng chợt nhận ra có điều
gì bất thường, anh thắc mắc hỏi chủ :
- Tôi xin cám ơn chủ đã trả
lương cho tôi suốt tuần. Nhưng sao không để đến thứ bảy mà lại trả lương vào
hôm nay.
- Đáng tiếc là tôi không thể
mướn anh được nữa, vì theo sổ sách thì anh đốn được nhiều cây nhất vào ngày thứ
Hai, nhưng qua ngày thứ Ba cây đã giảm xuống, và ngày thứ Tư anh là người đốn
được ít cây nhất trong các công nhân ở đây.
- Nhưng thưa ông chủ, tôi đã
làm hết sức mình. Tôi đi làm sớm về trễ. Tôi chỉ nghỉ để ăn trưa có nửa tiếng
thay vì một tiếng. Tôi làm việc không ngừng. Tôi làm việc cả giờ giải lao. Vậy
ông chủ còn muốn gì nữa ?
- Những gì anh vừa nói không
sai chút nào, tôi hoan nghênh sự nhiệt tình của anh. Nhưng tôi chỉ xin hỏi anh
một câu : anh có mài rìu không ?
*
"Các con hãy lui vào
nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút" (Mc.6,31). Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các tông
đồ phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình.
Nhưng Người lại quan tâm đến con người hơn công việc. Người muốn các ông hãy
dành một chút nghỉ ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, để tách
mình ra khỏi đám đông, để sống tình thầy trò, tương giao mật thiết với Thầy và
với nhau.
Lắm khi chúng ta quên
mất "mài rìu", vì cho rằng khối lượng công việc
chồng chất, vì thời buổi kinh tế cạnh tranh, nên không dễ tìm được một chút
tĩnh lặng : để thẩm định lại những biến cố, và soát lại công việc đã làm
và lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi.
Nếu muốn đốn nhiều cây càng
phải năng "mài rìu" cho sắc.
Nếu muốn đi thật xa càng
phải luôn dừng lại để nghỉ ngơi, lấy sức.
Nếu muốn hoạt động tông đồ
hiệu quả, càng phải năng tĩnh dưỡng tâm hồn.
Khi được hỏi bí quyết nào
khiến George Washigton Carver thành công trong thành tựu khoa học của mình với
trên 300 sản phẩm hữu dụng, ông đã trả lời : "Tôi thức dậy
lúc 4 giờ sáng, và trong sự yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi lắng nghe tiếng Chúa
và chương trình của Người xếp đặt cho tôi".
P.Doncocur đã quả
quyết : "Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm
mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện". Vâng, trong cuộc
hành trình về quê Trời, người ta không thể đi hết con đường vừa dài vừa dốc,
nếu không dừng lại nghỉ ngơi, lấy sức và định hướng.
*
Lạy Đức Giêsu, Chúa đã
"lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện". Xin cho chúng con cũng biết
gác bỏ những sôi nổi của thành công, những ê chề của thất bại, để một mình tĩnh
lặng bên Chúa ; lắng đọng và bình an.
Xin cho chúng con biết dừng
lại, lắng nghe và kín múc nơi Chúa nguồn sức mạnh, để chúng con lại tiếp tục
lên đường. Amen. (Thiên
Phúc, "Như Thầy đã yêu")
6. Thánh Giám mục Tử đạo
Cuénot Thể
Cuộc đời của Thánh
Giám Mục tử đạo Cuénot Thể (1802-1861) với 31 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam và
26 năm trong chức vụ giám mục, gắn liền với công cuộc khuếch trương truyền giáo
không những giữa người Việt Nam nhưng cả với những dân tộc ít người tại vùng
Cao Nguyên Kontum. Khi bị bắt Đức Cha Thể đã bị điều tra xét hỏi :
- Tại sao ông sang
nước tôi ?
+ Thưa, để giảng đạo Thiên
Chúa.
- Ông ở đây bao lâu
rồi ?
+ Ba mươi bốn năm.
- Ông đã ở đâu ?
+ Thưa trước hết ở Bình Định
rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Định.
Có một điều không được
đề cập tới trong cuộc tra vấn là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc ít người
tại vùng Cao Nguyên Kontum. Về công trình này, cha Đỗ Đình Bộ (P. Dourisboure)
là người trong cuộc có bình luận về Đức Cha Thể như sau : Đức Cha có bẩm
tính cương quyết và kiên trì, và một khi ngài đã nghiền ngẫm dự tính gì đó thì
những trở ngại, thay vì làm ngài nản lòng, lại càng kích thích sự hăng say của
ngài. Đã bốn năm lần, ngài thấy dự tính rao giảng Phúc Âm cho các dân tộc
Thượng bị chặn đứng và trở nên không thể thực hiện được, nhưng chưa bao giờ vì
vậy mà ngài có ý bỏ cuộc. Con đường bị đóng ư ? Ngài cho mở đường khác.
Con đường mới này xem ra không thể lưu hành được, ngài lại tìm tòi hướng khác
cho đến khi thành tựu mới thôi." (Dân Làng Hồ, Sàigòn 1972, trang 5).
Vậy năm 1842 Đức Cha
Thể phái hai vị thừa sai (là hai linh mục thừa sai Paris Miche và Duclos) cho
cuộc mạo hiểm đầu tiên. Hai vị đã bị thương gia người kinh bắt và áp giải về
Huế. Các ngài đã bị lên án tử hình nhưng được giải thoát do chiếc tàu Pháo
Héroine đến can thiệp kịp thời.
Vài ba cuộc mưu toan
vượt biên khác qua lối Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng bị thất bại.
Gương Thầy Sáu Do và
các vị Thừa Sai
Đến năm 1848, Đức Cha
Thể lại thử một cuộc vượt biên khác, lần này qua biên giới tỉnh Bình Định nơi
ngài đang trú ẩn giữa cơn cấm đạo gắt gao, và với một chủng sinh người Việt mà
ngài mới truyền chức phó tế. Đó là thầy sáu Do. Khởi sự thầy Do đóng vai giúp
việc rồi nấu bếp cho một thương gia người kinh. Thầy học tiếng dân tộc và phong
tục của họ. Thầy cũng khám phá ra đường đưa các vị thừa sai vượt ngoài sự dòm
ngó của những thương gia người kinh. Sau sáu tháng phiêu bạt trở về, thầy Do
được Đức Cha tín nhiệm cho lên đường như một nhà buôn có môn bài. Thầy sẽ có
thể đi sâu vào những buôn làng bên kia An Sơn trước kia là Tây Sơn nơi 3 anh em
cùng một gia đình đã nổi dậy chống chúa Nguyễn. Thầy và bốn chủng sinh phụ tá,
làm nên đoàn thương gia giả hiệu, an toàn đến được với bộ lạc Hà Drông. Không
ngờ nơi đoàn thương gia tới trọ lại là nơi có âm mưu cướp của và bắt người bán
làm nô lệ cho dân Lào. May mà thầy sáu Do và anh em kịp thời chạy trốn, bỏ lại
hành lý và đồ đạc cho bọn cướp.
Đức Cha Thể khâm phục
lòng can đảm của thầy sáu Do và anh em, và chỉ thị cho cha Cung (tức là linh
mục thừa sai Paris Combes) cùng với thầy sáu Do lên đường. Vì di chuyển ban
đêm, đoàn không kịp thời trông thấy để lẩn tránh một đàn voi đang chận đường
họ. Một con trong đàn dẫm gãy sườn một thanh niên trong đoàn. Thôi thì mạnh ai
nấy chạy. Riêng cha Cung bị một con voi rượt theo, cha liền ném chiếc nón đang
đội lại phía sau. Voi ngừng đuổi, chà đạp chiếc nón và để cha chạy thoát thân.
Lần này Đức Cha Thể tỏ
ra lạnh nhạt với phái đoàn đã sớm bỏ cuộc. Đức Cha nói : "Vì thời
tiết xấu còn kéo dài, tôi cho các vị 15 ngày để nghỉ ngơi. Sau thời gian này
các vị sẽ lại lên đường. Và lần này cũng đừng có vô phúc mà quay về như vậy
nữa." Để bảo đảm hơn cho thành quả của chuyến viễn du mới, Đức Cha ra lệnh
cho cha Phạm Tân (Fontaine) sửa soạn để tháp tùng cha Cung.
Cứ như vậy Đức Cha Thể
phái các thừa sai đi loan Tin Mừng cho các dân tộc ít người ở vùng Cao Nguyên.
Ban đầu phải đi ban đêm để các vị thừa sai ngoại quốc không bị phát hiện. Sau
vì muốn tránh thú dữ nên phải đi ban ngày, thì các vị ấy phải được sơn phết cho
đỡ trắng trẻo, phải đội nón và ăn vận như người bình dân.
Nơi dừng chân đầu tiên
là làng của một tên cướp khét tiếng cả vùng, gọi là làng của Ba Ham (cha của
Ham). Cũng may gã Ba Ham lần đầu tiên đối diện với bộ mặt dị dạng và râu ria
rậm rạp của hai vị thừa sai người Pháp, tự nhiên hắn cảm thấy phần nào kính nể.
Dẫu vậy hắn cũng giữ hai cha lại trong nhà gần một tháng mới chịu để cho hai
cha ra đi.
Sau làng Ba Ham đến
làng Bơ Lu dễ thương hơn nhiều. Rồi đến Kon Phar cách Bơ Lu hai ngày đường. Và
còn nhiều làng khác nữa mà các thừa sai phải kinh qua trước khi các vị ấy được
ơn làm phép rửa cho ba người dân tộc đầu tiên vào năm 1853, tức 11 năm sau khi
Đức Cha Thể phái hai vị thừa sai đầu tiên lên vùng cao nguyên.
Gương sống động của
chính Đức Giêsu và các môn đệ.
Cuộc phái thừa sai lên
vùng cao nguyên Việt Nam cũng là để tiếp nối cuộc sai phái các môn đệ do chính
Đức Giêsu. Tin Mừng Máccô lần lượt cho thấy Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên
(1,16-20), thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để chính Người sai
các ông đi rao giảng (3,14). Một khi các môn đệ được sai đi từng hai người để
rao giảng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối (6,7-12), các ông trở về báo cáo
cho biết mọi điều các ông đã làm và đã dậy (6,30).
Nhưng điều quan trọng
là thực chất của Nước Thiên Chúa mà các môn đệ cần nhắm tới. Các ông trừ được
nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (6,13), nhưng
Đức Giêsu khẳng định rằng : "Không phải bất cứ ai thưa với
Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu !
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa,
nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ
quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên
bố với họ : Ta không hề biết các ngươi." (Mt 7,21-23).
Bài Tin Mừng hôm nay
(6,30-34) cùng với phần còn lại của đoạn văn (6,35-52) minh họa cách cụ thể ý
muốn của Thiên Chúa là ý muốn mà Đức Giêsu triệt để vâng theo, cũng là ý muốn
mà Đức Giêsu sốt sắng huấn luyện các môn đệ, để các ông vâng theo. Sau đây là
một loạt những biến cố cho thấy rõ điều đó.
+ Thiên Chúa an bài để
sự việc xảy ra là các môn đệ đi sứ vụ về báo cáo với Đức Giêsu ngay vào lúc Đức
Giêsu đang bị dân chúng tràn ngập đến nỗi các môn đệ chẳng còn thì giờ ăn uống
(c.3).
+ Đức Giêsu ra lệnh
cho các môn đệ lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút (c.31)
+ Thiên Chúa cũng an
bài để nhiều người hiểu ý nên từ khắp các thành họ cùng nhau theo đường bộ chạy
đến nơi trước các ngài (c.33)
+ Ra khỏi thuyền, Đức
Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên
không người chăn dắt (c.34). Tức là Đức Giêsu đọc được ý của Thiên Chúa Cha
muốn Đức Giêsu tỏ ra Người chính là vị Mục Tử tốt lành từng được Cựu Ước loan
báo (Tv 76,21 ; Ed 34,23 ; 37,24). Vậy Đức Giêsu đã bỏ dự định cũ,
Người không tìm đến nơi hẻo lánh nữa nhưng ở lại với dân chúng để dạy họ nhiều
điều (c.34).
+ Sự việc lại xảy ra
là : vì giờ đã muộn nên các môn đệ đề nghị Đức Giêsu giải tán dân chúng về
để họ vào các thôn xóm mà mua của ăn (c.38). Nhưng Đức Giêsu đã không theo ý
các môn đệ vì Người đọc được ý Thiên Chúa muốn Người phải trở nên như Môsê từng
cung cấp lương thực là Manna cho dân nơi sa mạc (Xh 16,1-36). Do đó Đức Giêsu
đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân ăn no (cc.37-44).
+ Điều được hiểu ngầm
sau phép lạ hoá bánh ra nhiều là một tình trạng lệch lạc nào đó xảy ra giữa dân
chúng và các môn đệ cho nên Đức Giêsu phải bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ
bên kia trong khi chính Người giải tán dân chúng (c.45).
+ Trong Tin Mừng
Gioan, Đức Giêsu biết họ sắp bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh
mặt, đi lên núi một mình" (Ga 6,15). Còn trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu
lên núi cầu nguyện (Mc 6,46). Đức Giêsu như Môsê xưa ở trên núi chuyển cầu cho
dân (Xh 33,11-17). Chính ở thế kết hợp với Thiên Chúa, Đức Giêsu thấy rõ hoàn
cảnh các môn đệ đang bị thử thách trên biển hồ Galilê. Người đã đi trên mặt
nước để đến mang lại bình an cho các ông.
+ Vậy tác nhân quan
trọng nhất trong công cuộc huấn luyện các môn đệ là chính bản thân Đức Giêsu
như tấm gương sống động về tinh thần khắng khít với Thiên Chúa trong cầu nguyện
cũng như trong mọi hành động. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, Đức Giêsu muốn có những giây phút nghỉ ngơi với các tông đồ, nhưng
thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Người lo chăn dắt họ,
Người thật là mục tử nhân hậu điển hình. Chúng ta hãy cầu nguyện :
1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội thánh biết
tìm thời giờ để nghỉ ngơi và bồi dưỡng / để rồi lại hăng say chăn dắt đàn
chiên tốt đẹp hơn.
2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền biết từ bỏ thói
quan liêu tham nhũng và tư lợi / để tận tâm phục vụ công ích và hạnh phúc
của người dân.
3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bơ vơ không nhà cửa,
không việc làm, bị xã hội bỏ rơi / được có người biết quan tâm giúp đỡ.
4. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo
chúng ta / năng cầu nguyện và tận tâm giúp đỡ các vị chủ chăn trong Hội
thánh.
Chủ tế : Lạy Đức
Giêsu là vị chủ chăn điển hình, xin sai đến với chúng con những vị chủ chăn
xứng đáng với Chúa, và xin cho chúng con trở thành đoàn chiên ngoan ngoãn của
Chúa, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha :
Trong tinh thần hiệp nhất của đoàn chiên quanh chủ chiên nhân lành là Đức
Giêsu, chúng ta hãy sốt sắng cùng Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh chính Đức
Giêsu đã dạy.
- Sau kinh Lạy Cha :
"Lạy Đức Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng… Xin đoái
thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất như ý Chúa muốn. Chúa
hằng sống và hiển trị muôn đời".
VII. Giải tán
Thánh lễ đã xong. Anh chị em
hãy ra về và sống an bình, đừng lo lắng gì cả, vì có Chúa là mục tử luôn chăm
sóc mỗi người chúng ta. Chúc anh chị em được bình an.
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật XVI Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 19 Tháng 7, 2015
Chúa Giêsu chạnh lòng thương với dân chúng
Bữa Tiệc Hằng Sống – Chúa Giêsu mời gọi để
chia sẻ
Mc 6:30-34
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin
hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà
Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời
Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự
hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể
lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện
của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người
nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống
như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của
Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng
con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu
xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về
Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn
bản mà chúng ta sẽ suy gẫm trong ngày Chúa Nhật thứ mười sáu Thường Niên tuần
này thật ngắn gọn. Chỉ có năm câu. Cái nhìn thoạt tiên,
một ít dòng chữ dường như chỉ là một lời giới thiệu ngắn gọn về phép lạ bánh
hóa ra nhiều trong hoang địa (Mc 6:34-44). Nhưng nếu trong phần
Phụng Vụ của Chúa Nhật tuần này đã tách riêng khỏi phần còn lại và chỉ nhấn
mạnh vào năm câu này, nó có nghĩa là chúng chứa đựng điều gì đó rất quan trọng
mà có lẽ chúng ta sẽ không nhận ra được nếu chúng chỉ được sử dụng như một lời
giới thiệu về phép lạ bánh hóa ra nhiều.
Trong
thực tế, năm câu Tin Mừng này mặc khải một cá tính của Chúa Giêsu đã luôn luôn
đánh động và tiếp tục đánh động chúng ta: mối quan tâm của Người về
sức khỏe và việc huấn luyện của các môn đệ, sự tiếp nhận và lòng nhân đạo chào
đón của Chúa đối với người nghèo khó ở miền Galilêa, sự ân cần của Chúa đối với
người ta. Nếu Giáo Hội, qua phương tiện của phần Phụng Vụ Chúa Nhật,
mời gọi chúng ta phản ánh về các khía cạnh hoạt động của Chúa Giêsu là để
khuyến khích chúng ta tiếp nối thái độ này của Chúa Giêsu trong mối quan hệ mà
chúng ta có với tha nhân. Trong khi đọc bài này, chúng ta sẽ chú ý
rất kỹ đến các chi tiết nhỏ về thái độ của Chúa Giêsu đối với những người
khác.
b) Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài
đọc:
Mc 6:30: Cải thiện lại mục vụ tông
đồ
Mc 6:31-32: Mối quan tâm của Chúa
Giêsu về việc nghỉ ngơi của các môn đệ
Mc 6:33: Dân chúng có các tiêu
chuẩn khác và họ đi theo Chúa Giêsu
Mc 6:34: Chạnh lòng thương, Chúa
Giêsu thay đổi kế hoạch của Người, tiếp nhận và chào đón dân chúng
c) Phúc Âm:
30 Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với
Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. 31 Người
liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một
chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ
không có thì giờ ăn uống. 32 Vậy các ngài xuống thuyền,
chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. 33 Thấy các ngài đi,
nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới
nơi trước các ngài. 34 Lúc ra khỏi thuyền, Chúa
Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không
người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Khía cạnh nào của thái độ của Chúa Giêsu đã làm bạn
hài lòng nhất và nảy sinh sự ngưỡng mộ nhất trong số những người vào thời Chúa
Giêsu?
b) Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với các môn đệ và
mối quan tâm của Người để tiếp nhận và đón chào dân chúng cách tận
tình: cả hai đều quan trọng. Điều nào đã lưu truyền thái
độ của Chúa
Giêsu?
c) Hãy so sánh thái độ của Chúa Giêsu với thái độ của
Đấng Mục Tử Tốt Lành trong Thánh Vịnh 23. Điều gì đánh động bạn
nhất?
d) Thái độ của cộng đoàn chúng ta có giống như thái độ
của Chúa Giêsu không?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Bối cảnh soi sáng văn bản:
i) Chương sáu của Tin Mừng Máccô cho thấy một sự tương
phản lớn lao! Một mặt Máccô nói về bữa tiệc tử thần, được thết đãi
bởi vua Hêrôđê tại miền Galilêa tráng lệ, trong hoàng cung của Kinh Đô, trong
đó Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị giết (Mc 6:17-29). Một mặt khác, bữa
tiệc của sự sống, được thết đãi bởi Chúa Giêsu cho dân chúng miền Galilêa, đói
khát trong hoang địa, để họ khỏi bị chết đói dọc đường (Mc
6:35-44). Năm câu Tin Mừng của bài đọc Chúa Nhật tuần này (Mc
6:30-34) được đặt chính xác giữa hai bữa tiệc này.
ii) Năm câu Phúc Âm nhấn mạnh hai điều:
- Chúng đưa ra hình ảnh của Chúa Giêsu, Người Đào Tạo
các Môn Đệ;
- Chúng chỉ ra rằng việc công bố Tin Mừng của Chúa
Giêsu không chỉ là một vấn đề về tín lý, mà hơn hết cả là về sự chấp nhận, lòng
tốt lành, về sự dịu dàng, ân cần sẵn lòng, về sự mặc khải của tình yêu Thiên
Chúa.
b) Lời bình luận về văn bản:
Mc 6:30-32: Việc nhận lãnh tiếp
đón được trao cho các môn đệ
Những câu Tin Mừng này chỉ ra rằng Chúa Giêsu
đã đào tạo các nhà lãnh đạo mới. Chúa đã cho các môn đệ tham gia vào
sứ vụ và Người thường lập tức đem các ông đến một nơi yên tĩnh hơn để các ông
có thể nghỉ ngơi và cải tiến sứ vụ của các ông (xem Lc
10:17-20). Người lo lắng cho việc dinh dưỡng và nghỉ ngơi của các
ông, bởi vì công việc mục vụ đòi hỏi đến nỗi mà đã không có thì giờ để ăn uống
(xem Ga 21:9-13).
Mc 6:33-34: Chạnh lòng thương,
Chúa Giêsu thay đổi kế hoạch của Người và đón nhận dân chúng
Dân chúng nhận thức được rằng Chúa Giêsu đã đi
sang bờ hồ phía bên kia, và họ đi theo Người. Lúc Chúa Giêsu bước ra
khỏi thuyền thì đã trông thấy đám đông, Người bãi bỏ dự định nghỉ ngơi và bắt
đầu giảng dạy họ. Ở đây chúng ta có thể thấy sự việc mà trong đó là
người dân bỏ bê. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, “bởi vì họ như đàn
chiên không người chăn”. Người ta khi đọc dụ ngôn này nhớ lại bài
Thánh Vịnh về Vị Mục Tử Nhân Lành (Tv 23). Khi Chúa Giêsu nhận thức
được rằng dân chúng không có người chăn dắt, thì Người bắt đầu là vị mục tử của
họ. Chúa bắt đầu giảng dạy. Người hướng dẫn đám đông trong
hoang địa của cuộc sống, và khi ấy đám đông đã hát khen rằng: “Chúa
là mục tử của tôi. Tôi không còn ao ước chi nữa!”
c) Phần phụ chú:
· Hình ảnh của Chúa Giêsu, nhà Đào Tạo
“Đi theo” là từ ngữ đã tạo nên một phần của hệ
thống giáo dục của thời bấy giờ. Nó được dùng để chỉ cho mối quan hệ giữa
người Môn Đệ và vị Thầy Dạy. Mối liên hệ giữa Sư Phụ-Đồ Đệ thì khác
hơn là mối liên hệ thầy-trò. Các học trò tham dự lớp học của vị giáo
sư về một chủ đề nhất định. Các môn đệ “đi theo” và sống với Thầy
mình. Chính là trong quá trình “sống chung” với Chúa Giêsu trong ba
năm này thì các môn đệ đã nhận được sự huấn luyện.
Đức Giêsu, người Thầy là trục chính, là trung
tâm điểm và là mẫu mực cho sự hình thành. Trong thái độ của Chúa, đó
là bằng chứng của Nước Trời, Người là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và
Người mặc khải điều đó (Mc 6:31; Mt 10:30-31; Lc 15:11-32). Nhiều cử
chỉ nhỏ phản ảnh lời chứng này về đời sống với Chúa Giêsu đã cho thấy sự hiện
diện của Người trong đời sống của các môn đệ, chuẩn bị cho các ông về cuộc sống
và về sứ vụ. Đây là phương cách của Chúa ban cho nhân loại kinh
nghiệm mà chính bản thân Người đã có với Chúa Cha:
- kéo theo các ông trong sứ vụ (Mc 6:7; Lc 9:1-2;
10:1),
- có lần, Người duyệt xét sứ vụ này với các ông (Lc
10:17-20),
- Người chỉnh sửa các ông khi các ông sai lầm hoặc khi
các ông muốn là kẻ trên trước (Mc 10:13-15; Lc 9:46-48),
- Người chờ đợi đúng thời điểm để chỉnh sửa các ông
(Mc 9:33-35),
- Người giúp các ông nhận thức và thấy rõ (Mc
9:28-29),
- Người thách thức các ông khi các ông trì độn (Mc
4:13; 8:14-21),
- Người chuẩn bị các ông cho thời điểm xung đột (Ga
16:33; Mt 10:17-25),
- Người sai các ông ra đi để quan sát và phân tích
thực tế (Mc 8:27-29; Ga 4:35; Mt 6:1-3),
- Người phản ảnh cùng với các ông về những vấn nạn
đương thời (Lc 13:1-5),
- Người đặt các ông trước nhu cầu của đám đông dân
chúng (Ga 6:5),
- Người chỉnh sửa tâm lý trả thù (Lc 9:54-55),
- Người dạy rằng nhu cầu của đám đông dân chúng thì
trọng hơn các nghi lễ quy định (Mt 12:7,12),
- Người chống lại não trạng nghĩ rằng bệnh tật là một
sự trừng phạt bởi Thiên Chúa (Ga 9:2-3),
- Người dành thời giờ riêng với các ông để có thể
hướng dẫn các ông (Mc 4:34; 7:17; 9:30-31; 10:10; 13:3),
- Người biết cách lắng nghe, ngay cả khi việc đối
thoại gặp khó khăn (Ga 4:7-42),
- Người giúp các ông chấp nhận chính mình (Lc 22:32),
- Người đòi hỏi và yêu cầu các ông lìa bỏ tất cả mọi
sự để theo Người (Mc 10:17-31),
- Người gay gắt với thói đạo đức giả (Lc 11:37-53),
- Người đặt nhiều câu hỏi hơn là đưa ra các câu trả
lời (Mc 8:17-21),
- Người quyết tâm và không để cho mình bị đi trệch
đường (Mc 8:33; Lc 9:54-55).
Đây là hình ảnh của Chúa Giêsu, nhà Đào
Tạo. Cuộc hình thành trong việc “đi theo Chúa Giêsu” không phải là
nơi đầu tiên truyền tải sự thật để được học nằm lòng, mà là lời thông tri một
kinh nghiệm mới về Thiên Chúa và về sự sống phát ra từ Chúa Giêsu cho các môn
đệ. Cộng đoàn được thành hình chung quanh Chúa Giêsu là sự biểu hiện
của kinh nghiệm mới mẻ này. Sự hình thành đã dẫn người ta nhìn thấy
với con mắt khác, có thái độ khác. Nó phát sinh trong họ một nhận
thức mới liên quan đến sứ vụ và chính bản thân các ông. Vâng, nó đã
khiến các ông chung bước bên những người bị gạt ra ngoài xã
hội. Trong một số trường hợp, nó tạo nên “sự hoán cải” bởi vì họ
chấp nhận Tin Mừng (Mc 1:15).
· Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng đến đám đông dân
chúng bằng cách nào
Tin ông Gioan đã bị bắt thúc đẩy Chúa Giêsu
trở lại và bắt đầu công bố Tin Mừng. Đó là một khởi đầu sáng tạo và bùng
nổ! Chúa Giêsu đi chung quanh và khắp miền Galilêa: các thôn làng,
xã thị, thành phố (Mc 1:39). Người thăm viếng các cộng
đoàn. Cuối cùng Người đã thay đổi nơi trú ngụ và đến sống tại thành
Cápharnaum (Mc 1:21; 2:1), một thành phố giữa đường và là giao điểm một số con
đường, và điều này tạo thuận lợi cho sứ điệp được lan tỏa. Hầu như
Người đã không dừng chân, Người luôn luôn di chuyển. Các môn đệ đi
theo Người khắp mọi nơi. Trong các cánh đồng, dọc theo đường phố,
trên núi, trong hoang địa, trên thuyền, trong các Hội Đường, trong các gia
cư. Và họ ra đi với lòng nhiệt thành tuyệt
vời!
Chúa Giêsu giúp người ta, phục vụ họ bằng
nhiều cách: Người xua trừ ma quỷ (Mc 1:39), chữa lành những người bị
ốm đau bệnh tật và bị quỷ ám (Mc 1:34), thanh tẩy những ai bị loại trừ bởi vì
bị ô uế (Mc 1:40-45), đón nhận những người bị rẻ rúng, thân thiện và ăn uống
cùng với họ (Mc 2:15). Người công bố, kêu gọi và triệu
tập. Người lôi cuốn, an ủi và nâng đỡ. Đây là cuộc thương khó
được mặc khải. Cuộc thương khó vì Chúa Cha và cho những người nghèo
khó và bị bỏ rơi ngay trên quê hương mình. Ở đó, Người tìm thấy
những kẻ lắng nghe lời Người, Người nói và rao truyền Tin Mừng. Ở
khắp mọi nơi.
Trong Chúa Giêsu, mọi việc là sự mặc khải mê
hoặc và quyến rũ Người từ bên trong! Chính bản thân Người là bằng
chứng, nhân chứng sống của Nước Trời. Trong Người, xuất hiện
những gì xảy ra khi một người để cho Thiên Chúa ngự trị, để cho
Thiên Chúa hướng dẫn hoặc chỉ đạo cuộc sống mình. Trong cách sống và
hoạt động của Người cùng với những người khác, Chúa Giêsu đã biến đổi nỗi luyến
tiếc trở thành niềm hy vọng! Bất ngờ người ta đã
hiểu: “Đây là những gì Thiên Chúa muốn cho dân của Người!”
Và điều này là sự khởi đầu của việc công bố
Tin Mừng Nước Trời đã nhanh chóng được loan truyền trong các làng xóm của miền
Galilêa. Trong một cách đơn giản, cũng như một hạt cải, sau khi gieo
xuống đất thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê đến nỗi người
ta có thể nghỉ ngơi dưới bóng (Mc 4:31-32). Và người ta lo việc loan
truyền Tin Mừng.
Người dân miền Galilêa vẫn còn cảm kích với
phương cách giảng dạy của Chúa Giêsu. “Một giáo lý mới
mẻ! Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền! Khác với các
Kinh Sư!” (Mc 1:22,27). Điều Chúa Giêsu làm nhiều nhất là giảng dạy
(Mc 2:13; 4:1-2; 6:34). Và đây là những gì Người đã thường làm (Mc
10:1). Có hơn mười lăm lần Tin Mừng Máccô nói rằng Chúa Giêsu đã
giảng dạy. Nhưng Máccô hầu như không bao giờ nói Người đã giảng
dạy những gì. Có lẽ, ông không quan tâm đến nội dung
chăng? Nó tùy thuộc vào người ta hiểu nội dung là những
gì! Giảng dạy không có nghĩa là chỉ dạy về những chân lý mới mẻ và vì thế
người ta phải thuộc nằm lòng. Nội dung mà Chúa Giêsu đã ban ra không
chỉ xuất hiện trong những lời nói, mà cũng ở trong các cử chỉ của Người và
trong cách Người tham gia vào mối quan hệ với người ta. Nội dung
không bao giờ bị tách rời khỏi con người thông tri nó. Đức Giêsu là
Đấng nhân ái (Mc 6:34). Người yêu thương loài người. Lòng nhân
hậu và tình yêu có thể nhìn thấy trong lời nói của Người tạo thành một phần của
nội dung. Chúng tạo nên tính khí của Người. Một nội dung
tốt mà không có lòng tốt thì thật đáng tiếc. Máccô định nghĩa nội
dung lời giảng dạy của Chúa Giêsu như “Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc
1:14). Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố đến từ Thiên Chúa và
mặc khải điều gì đó về Thiên Chúa. Trong tất cả mọi việc
mà Thiên Chúa phán và làm, những đặc điểm của khuôn mặt Thiên Chúa thì rõ
ràng. Kinh nghiệm mà chính Người có về Thiên Chúa, kinh nghiệm về
Chúa Cha thì rõ rệt. Mặc khải Thiên Chúa như Chúa Cha chính là nguồn
cội, nội dung và mục đích hoặc kết quả của Tin Mừng của Chúa Giêsu.
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 23 (22)
Chúa là mục tử của tôi
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu
thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho
chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ
lắng nghe mà cũng còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn
thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét