Trang

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Ngày hội học dành cho ký giả để chuẩn bị cho chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Phanxicô

Ngày hội học dành cho ký giả để chuẩn bị cho chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Phanxicô


Theo tin Zenit ngày 31 tháng 8 vừa qua, các viên chức của Tòa Thánh cùng nhiều giám mục, giáo sĩ và nhiều nhà học thuật khắp thế giới đã tụ về Philadelphia vào đầu tuần này để mở ngày hội học về Đức Phanxicô và chuyến đi Hoa Kỳ sắp đến của ngài, cho hơn 200 ký giả chuyên viết về tôn giáo. 

Ngày hội học có tên “Giáo Hội Nhìn Gần” này do Trường Truyền Thông của Đại Học Santa Croce ở Rôma tổ chức, với sự bảo trợ của tạp chí Columbia. Ngày hội học này là một phần trong hội nghị thường niên của Hiệp Hội Những Người Viết Tin Tức Tôn Giáo.

Trong số các diễn giả có Đức TGM Joseph Kurtz của Louisville và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; Đức TGM Bernardito C. Auza, Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc; Đức TGM José H. Gomez của Los Angeles; Đức TGM Charles J. Chaput của Philadelphia; Giáo Sư Guzman Carriquiry, Thư Ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Mỹ Châu La Tinh, và Đức Cha Jean Laffitte, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Ngày hội học cũng có sự tham dự của nhiều chuyên gia đại học, các tác giả viết về Đức Phanxicô, và các viên chức truyền thông của hội đồng giám mục và của tổng giáo phận Philadelphia. 

Đây là dịch bản ngắn của một chương trình dài 1 tuần lễ tựa là “Giáo Hội Nhìn Gần: Tường Thuật Đạo Công Giáo Thời Đức Phanxicô” được tổ chức tại Rôma mỗi hai năm một lần, dành cho các ký giả viết về Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tuần lễ hội học tới sẽ diễn ra tại Rôma trong các ngày 5-11 tháng Chín, 2016. 

Sau đây là bản tóm lược chương trình ngày hội học do Cha Thomas Rosica, phụ tá nói tiếng Anh của Phòng Báo Chí Tòa Thánh:

Ban Hội Học 1: Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới và Cuộc Thăm Viếng của Đức Giáo Hoàng 

Ban này tập chú vào các vấn đề hậu cần. Các diễn giả bao gồm Helen Osman, Thư Ký Truyền Thông, Hội Đồng GM Hoa Kỳ; Donna Farrell, Giám Đốc Chấp Hành Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, Philadelphia 2015; Kenneth Gavin, Giám Đốc Phòng Truyền Thông, Tổng Giáo Phận Philadelphia; Meg Kane, Phó Chủ Tịch của Brian Communications và là chiến lược gia truyền thông của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Helen Osman thảo luận về mức độ lưu ý cao đối với chuyến đi lần này của Đức Phanxicô: hơn 8,000 ký giả đã xin đăng ký.

Donna Farrell nói tới sự quan trọng của biến cố này đối với Philadelphia. Chuyến viếng thăm thành phố này của một vị giáo hoàng trước đây chính là chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II, cách nay 36 năm, vào năm 1979. Lần này có khác. Vì Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia sẽ “lớn nhất trong lịch sử” với các tham dự viên đến từ hơn 100 quốc gia. 

Ban Hội Học 2: Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Các Huyền Thoại và Thực Tại

Ban này được sự phối trí của Greg Erlandson, Chủ Tịch & Nhà Xuất Bản Tờ Our Sunday Visitor. Các diễn giả bao gồm Cha John Paul Wauck, Giáo Sư Đại Học Santa Croce; Maryann Cusimano Love, Phó Giáo Sư tại ĐH Công Giáo America; Alejandro Bermúdez, Giám Đốc Chấp Hành của hãng tin Catholic News Agency; và Austen Ivereigh, Phối Trí Viên của Catholic Voices.

Theo Cha John Wauck, các hành động và lời nói của Đức GH Phanxicô đã chứng tỏ rằng “lòng thương xót không bất tương hợp với sự phán xét” và nó cũng không bất tương hợp với các đòi hỏi nghiêm túc. Theo Cha, nó bao gồm các việc thương người về cả phần xác lẫn phần hồn. Cha cũng nhấn mạnh: Đức Phanxicô chính là mẫu mực của một lòng thương xót đầy “thách thức đối với mỗi người chúng ta”. 

Mary Ann Cusimano tiên đoán 4 chủ đề Đức Phanxicô sẽ đề cập tới trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: 1) nghèo khó; 2) hành tinh và sinh thái; 3) con người (tác động của sinh thái đối với con người); và 4) hòa bình. Theo Cusimano, “chúng không phải là những vấn đề riêng rẽ hay có tính kỹ thuật, nhưng là các triệu chứng của một thế giới đã đánh mất bản sắc mình… Khi mối liên hệ của ta với Thiên Chúa đã tan vỡ, thì các mối liên hệ của ta với người khác và với môi trường cũng bị ảnh hưởng”. Cusimano nhấn mạnh rằng “Đức Giáo Hoàng không ý thức hệ” nên ta không thể xếp ngài vào các phạm trù tả hữu cổ truyền. 

Alejandro Bermudez thăm dò sự quan trọng của hiện tượng Đức GH Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Mỹ Châu La Tinh. “Điều chủ yếu là phải cung cấp ngữ cảnh để hiểu ngài”. Ông cũng mô tả Đức Giáo Hoàng Phanxicô như “người không thể tiên đoán được”, nên trong cuộc viếng thăm này, người ta tin có nhiều bất ngờ sẽ xẩy ra. 

Austen Ivereigh mô tả Đức GH Phanxicô như “tác nhân của thay đổi”, nhưng theo ông, lời lẽ và việc làm của ngài thường bị đọc sai vì chúng được giải thích qua những lăng kính “phát sinh từ óc hoang tưởng cấp tiến và óc lo lắng bảo thủ, những thứ vốn nuôi sống lẫn nhau”. Trong các cải tổ chủ yếu trong nội bộ Giáo Hội, ông nhấn mạnh tới “việc phục hồi lòng thương xót” và chú tâm đổi mới vào truyền giáo và phúc âm hóa. Nhưng “trọng điểm là cuộc cải tổ này không nhằm thay đổi giáo huấn Giáo Hội mà đúng hơn nhằm làm cho nó trở thành dễ dàng hơn để người ta dễ nắm được nó”. 

Ban Hội Học 3: Chờ Mong Gì Nơi Đức Phanxicô: Cái Nhìn Của Người Trong Cuộc

Ban này được sự phối trí của Daniel Arasa, Giáo Sư tại ĐH Giáo Hoàng Santa Croce. Các diễn giả bao gồm: Guzmán Miguel Carriquiry Lecour, Thư Ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Mỹ Châu La Tinh; và Cha Thomas Rosica, Phụ Tá Nói Tiếng Anh của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Giáo Sư Carriquiry thảo luận bản chất mục vụ của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này của Đức Phanxicô. Ông quả quyết rằng “Đức Giáo Hoàng là nhân chứng của lòng cảm thương và dịu dàng âu yếm của Thiên Chúa, Đấng rất giầu lòng thương xót”. Carriquiry cho hay: nếu ta quên mất điểm chủ yếu này mà hiểu sứ điệp của ngài theo hướng chính trị, thì “ta liều mình nhấn mạnh đến những điểm rời rạc cách bất cân xứng đến nỗi không khám phá được tính toàn diện và thống nhất của chúng”. Carriquiry cũng cho hay: Đức Giáo Hoàng đích thân nói với ông rằng chuyến viếng thăm Cuba của ngài có đặc điểm mục vụ chứ không có ý định đề cập tới mối liên hệ chính trị giữa Cuba và Hoa Kỳ. 

Cha Rosica trình bầy các gợi ý khác đối với việc theo dõi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng. Ngài nhấn mạnh tới chiều kích thiêng liêng của nó, vì Đức Giáo Hoàng sẽ “ban bố sứ điệp Tin Mừng”. Cha tiên đoán rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập tới các chủ đề tự do tôn giáo và sinh thái. Cha khuyến khích các ký giả hiện diện làm quen với các quan niệm và ý niệm chủ yếu của Đức Giáo Hoàng như đã được trình bầy trong Evangelii Gaudium  Laudato Si’. Trong tư cách đứng đầu cơ sở truyền thông Salt and Light Catholic Television Network (www.saltandlighttv.org), Cha mạnh dạn khuyên các ký giả nên xem các cuốn video hay các bản văn như một chuẩn bị kiến thức cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, trong đó có cuốn phim tài liệu dài 75 phút nói về Đức GH Phanxicô tựa là “Hiệu Quả Phanxicô” và một cuốn đặc biệt về Laudato Si’. 

Ban Hội Học 4: Về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Ý Nghĩa Gia Đình

Ban này được sự phối trí của Mary Hasson, Chuyên Viên và Giám Đốc Nghị Hội Phụ Nữ Công Giáo thuộc Trung Tâm Đạo Đức & Chính Sách Công Cộng. Các diễn giả gồm: Carl Anderson, Hiệp Sĩ Tối Cao của Hội Hiệp Sĩ Colombus; Đức Cha Jean Laffitte, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình; và Helen Alvaré, Giáo Sư Đại học Luật Khoa George Mason.

Carl Anderson nói về “liên tục tính giữa các giáo huấn của hai Đức Phaolô VI và Đức Phanxicô” và ông trưng dẫn câu nói của Đức Phanxicô rằng “gia đình cung cấp nơi chốn chính để ta có thể vươn tới sự cao cả”. Vốn là tác giả cuốn “Our Lady of Guadalupe: Mother of the Civilization of Love”, Anderson nhấn mạnh tới vai trò của Đức Mẹ Guadalupe trong tư tưởng Đức Phanxicô.

Đức Cha Laffitte nói rằng Đức GH Phanxicô “muốn giúp mọi người ý thức được rằng ta không thể ngưng việc phục vụ của ta với việc chỉ khẳng định các chân lý tín lý và các giới răn đạo đức, mà ta còn phải quan tâm tới cách người ta có thể tiếp nhận tin vui của Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh sống của họ hiện nay”.

Giáo sư Alvaré nhấn mạnh hai chiều kích chủ yếu trong giáo huấn của Đức Phanxicô về gia đình: 1) “Gia đình là một nơi chốn không thể thay thế được nếu muốn tiến tới chỗ biết Thiên Chúa”; theo bà đây là một ý tưởng có sự liên tục với các giáo huấn của hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI; và 2) “Sự thực này: Giáo Hội nên vươn tay ra với những người đang chịu nhiều vấn nạn gia đình”. Nói về các thách đố liên quan tới thuyết phái tính, bà kêu gọi phải nghiên cứu nhiều thêm mà không bị vướng vào các trói buộc ý thức hệ.

Ban Hội Học 5: Sắc tộc, Gia Đình và Bộ Mặt Đang Thay Đổi của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ

Ban này được sự phối trí của Jonathan Reyes, Giám Đốc Chấp Hành Văn Phòng Công Lý, Hòa Bình và Phát Triển Nhân Bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Các diễn giả gồm Đức Cha José H. Gomez, TGM Los Angeles; Mark Gray, Giám Đốc Văn Phòng Thăm Dò Công Giáo CARA của ĐH Georgeton; và W. Bradford Wilcox, Phó Giáo Sư, ĐH Virginia.

Đức TGM Gomez nói rằng Tổng Giáo Phận Los Angeles rửa tội “nhiều trẻ em hơn New York, Chicago, Philadelphia, và D.C. gộp lại, và phần lớn các trẻ em này là con cái di dân, mà đa số là người nói tiếng Tây Ban Nha”. Ngài cũng cho hay “trọng tâm Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ đã chuyển từ Tây qua Đông và từ Bắc xuống Nam”. 

Đức TGM Gomez nói tới “các nỗi đau tâm lý và thiêng liêng của người di dân bất hợp pháp với nhiều căng thẳng và thách thức họ phải chịu đối với cuộc hôn nhân và gia đình của họ”. Một trong năm người di dân bị tống xuất đã bị lấy khỏi một gia đình, tạo ra nhiều khó khăn lớn lao. Ngài kêu gọi Giáo Hội phải nhân nhượng nhiều hơn trong phương thức mục vụ của mình, biết lưu ý tới các dị biệt văn hóa. 

Đức TGM Gomez cũng đề cập tới ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đối với cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “vị giáo hoàng đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha, vị giáo hoàng đầu tiên phát xuất từ Mỹ Châu La Tinh, và ngài lại là con của những người di dân.Vị giáo hoàng đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha này sắp tới Mỹ Châu để ban cho ta vị thánh đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha”, đó là Thánh Junipero Serra. Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Đây không phải chỉ là một biến cố sắc tộc và tôn giáo. Nó còn là một biến cố giúp ta suy nghĩ tới lịch sử và di sản của ta, và tìm lại được lịch sử và bản sắc của ta” vì “người nói tiếng Tây Ban Nha là những cha ông đầu tiên lập ra quốc gia này”. 

Trả lời những lời chỉ trích việc phong thánh cho Chân Phúc Junipero Serra, Đức TGM Gomez nhận định rằng Chân Phúc Junipero Serra đã hiến đời mình cho việc giảng dạy Tin Mừng và ngài chăm sóc các người Thổ Dân Mỹ Châu; ngài là người đầu tiên bênh vực người Thổ Dân Mỹ Châu chống lại các lạm dụng của binh lính Tây Ban Nha.

Wilcox và Gray trình bầy các dữ kiện thống kê liên quan tới các thực hành và bản sắc tôn giáo của người nói tiếng Tây Ban Nha. Theo Wilcox, 61% người nói tiếng Tây Ban Nha nhận mình có tôn giáo, so với 50% người da trắng. Wilcox cho biết: cuộc nghiên cứu của ông chứng tỏ người nói tiếng Tây Ban Nha coi trọng gia đình hơn người da trắng, và họ ít ly dị hơn người da trắng. Tuy nhiên, ông bảo: oái oăm thay, người nói tiếng Tây Ban Nha lại thường hay có con ngoại hôn hơn. Gray đề cập tới việc lớn mạnh của người Nói Tiếng Tây Ban Nha trong Giáo Hội Công Giáo, cho rằng 28% người Công Giáo Hoa Kỳ sinh tại ngoại quốc.

Ban Hội Học của Các Giám Mục về Đức Phanxicô và Chuyến Tông Du của Ngài

Ban này được phối trí bởi Cha John Paul Wauck, Giáo Sư ĐH Santa Croce. Các diễn giả gồm Đức Cha Joseph Kurtz, Tổng Giám Mục Louisville và đương kim Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ; Đức TGM Bernardito C. Auza, Sứ Thần Tòa Thánh và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc; và Đức TGM của Philadelphia, Charles J. Chaput.

Đức TGM Kurtz đề cập tới chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng từ vọng nhìn quốc gia. Ngài nói: Đức Giáo Hoàng “sẽ tới như một mục tử và như một tiên tri tốt lành” để kêu gọi người ta trở về. Đức TGM Kurtz tiên đoán rằng Đức Phanxicô sẽ “nói về quyền tự do được phục vụ và có thể phục vụ trong khu vực công cộng”. 

Đức TGM Auza kêu gọi một “khoa giải thích đúng đắn” để giải thích chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô: “Ngài nói như một mục tử, một người cha, chứ không phải một nhà lãnh đạo chính trị”. Đức Tổng Giám Mục cho rằng việc Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc là một điều thích hợp vì “các lo âu của Liên Hiệp Quốc cũng là các lo âu của Giáo Hội”. Đối với Đức TGM Auza, cuộc viếng thăm Liên Hiệp Quốc là “một khẳng nhận Liên Hiệp Quốc và sự ngưỡng mộ của Tòa Thánh đối với định chế này” nhưng Đức TGM Auza cũng tiên đoán rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không tránh việc thảo luận các điểm bất đồng giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Quốc. 

Đức TGM Chaput đưa ra một vài con số liên quan tới Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Ngài cho biết 17,000 người sẽ tham gia Hội Nghị, và tiên đoán chừng 700,000 sẽ tham dự các lễ hội với Đức Giáo Hoàng vào Thứ Bẩy, 26 tháng Chín, và chừng 1 triệu người sẽ tham dự Thánh Lễ Bế Mạc (Chúa Nhật, 27 tháng Chín). Gần 45 triệu dollars đã quyên góp được cho các chi phí của đại hội. 

Đối với Đức TGM Chaput, “Thành phố Philadelphia và Giáo Hội địa phương xứng đáng được hưởng nhiều hơn là các vấn nạn của thập niên trước. Họ xứng đáng được hân hoan”. Và niềm hân hoan này là điều chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ đem tới.
Vũ Van An9/3/2015(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét