31/10/2015
Thứ Bảy
sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29
"Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là sự giao hoà của thế giới,
thì đâu là cái lợi, nếu không phải là sự sống lại từ cõi chết?"
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao?
Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc
chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.
Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi
sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ
ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự
thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi
nhiều hơn biết bao.
Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm
này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân
Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn
thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: "Từ Sion có Ðấng Cứu
độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi
Ta xoá bỏ tội lỗi của họ".
Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng
xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi
vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 17-18
Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo
hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian
khổ. - Ðáp.
2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp
của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ
thuận tình theo. - Ðáp.
3) Nếu như Chúa chẳng phù trợ con, trong giây phút hồn con sẽ ở
nơi yên lặng. Ðang lúc con nghĩ rằng "Chân con xiêu té", thì, lạy
Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. - Ðáp.
Alleluia: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã
sai Lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-11
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống,
sẽ được nhắc lên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để
dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ
nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ
nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc
đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho
người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng
khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói
với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được
danh dự trước mặt những người dự tiệc.
"Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống,
sẽ được nhắc lên".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Bài Học Khiêm Nhường
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt
lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó
để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình
chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại
đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học
cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa
tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức
chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi
người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được
mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng
cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ
ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn
chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ
cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường
giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc
hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào
nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài
tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu
của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là
một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có
thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước
Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm
nhường.
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ
lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường
khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt
Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 30 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 11:1-2a, 11-12, 25-29; Lk 14:1, 7-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần có thái độ khiêm nhường trên hành trình đi
tìm sự thật.
Thái độ tự mãn và kiêu ngạo gây ra rất nhiều tai hại cho con người
trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân: Với Thiên Chúa, thái độ tự
mãn làm con người không nhận ra sự thật Thiên Chúa muốn mặc khải và dạy dỗ con
người; nó cũng ngăn cản con người nhận ra tội lỗi của mình và nài xin lòng
thương xót của Thiên Chúa. Với tha nhân, thái độ kiêu ngạo làm con người không
học hỏi được những điều hay lẽ phải từ tha nhân, và làm cho con người tức tối
khó chịu khi không được những gì tha nhân có. Nó cũng ngăn cản không cho con
người tìm thấy được bình an thực sự cho tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết
khiêm nhường tự hạ trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong Bài
Đọc I, vì quá tự mãn với tước vị làm con Thiên Chúa và quá hãnh diện với Lề Luật,
nhiều con cái Israel đã mù quáng và khước từ Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa gởi tới
để cứu độ thế gian; vì thế, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả Dân Ngoại. Tuy
nhiên, khi thấy Dân Ngoại được Thiên Chúa yêu thương và thu nhập vào Dân Thánh,
người Do-thái sẽ biết khiêm nhường, ăn năn trở lại, và tin vào Đức Kitô. Sau
cùng, mọi người đều có thể hưởng ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng đề phòng các tín
hữu Dân Ngoại đừng kiêu căng lên mặt khinh thường người Do-thái; Thiên Chúa sẽ
không rút lại những gì đã giao ước với họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các
môn đệ hãy có thái độ khiêm nhường trong việc giao tiếp với tha nhân, điển hình
là hãy chọn chỗ thấp nhất mỗi khi đi họp hành hay dự tiệc; để tránh bẽ mặt khi
chỗ ngồi vào đã được dành riêng cho người khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa
1.1/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho Dân Ngoại: Thánh
Phaolô rất trăn trở và đau khổ về sự khước từ và đóng đinh Đức Kitô của dân tộc
Do-thái, Ngài muốn tìm hiểu lý do tại sao điều này xảy ra.
Nhìn lại lịch sử Do-thái, nhiều lần Thiên Chúa đã bỏ mặc con cái
Israel để ngoại bang dày xéo, vì họ cứng lòng không chịu sửa đổi cuộc sống và cứ
ngông cuồng sống trong tội lỗi của họ. Nhưng rồi Thiên Chúa lại ra tay cứu chuộc
nhóm người còn lại, cho họ hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền
Thờ; sau khi họ đã nhận ra lầm lỗi, ăn năn trở lại, và kêu cầu lòng thương xót
của Thiên Chúa. Trường hợp họ cứng lòng và từ chối không tin Đức Kitô cũng thế,
Thiên Chúa mở lòng Dân Ngoại để họ tin vào Đức Kitô và được cứu độ. Khi người
Do-thái thấy mình đã kiêu ngạo và khờ dại đánh mất đặc quyền làm con Thiên Chúa
và hưởng ơn cứu độ; họ sẽ thức tỉnh và khiêm nhường tin vào Đức Kitô để hoàn tất
chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách tốt đẹp. Như vậy, tất cả những gì xảy
ra đều nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
1.2/ Thiên Chúa dùng Dân Ngoại để thanh tẩy dân Do-thái: Trong sự
quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài đã tiên liệu để tất cả mọi sự xảy ra
là cho lợi ích của con người; ngay cả việc dùng những thói hư tật xấu của con
người để hoán cải con người thành tốt hơn. Thánh Phaolô nêu ra một lý do điển
hình: "Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để
anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Israel đã ra cứng lòng,
cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ." Thiên Chúa dùng sự cứng lòng
của nhiều người Do-thái để mở rộng ơn cứu độ đến các Dân Ngoại; và khi người
Do-thái thấy Dân Ngoại được Thiên Chúa yêu thương và thu nhập vào Dân Thánh, họ
sẽ thức tỉnh và trở lại tin vào Đức Kitô: "Như vậy, toàn thể Israel sẽ được
cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những
điều vô đạo khỏi nhà Jacob." Trong tiến trình thanh luyện này, dĩ nhiên ai
cứ kiêu ngạo mù quáng trong ý riêng mình, sẽ bị tiêu diệt; nhưng ai biết khiêm
nhường nhận ra sự thật, họ sẽ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô cũng cẩn thận đề phòng những ai có thái độ kiêu ngạo
khinh khi người Do-thái; vì họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và làm giao ước với
các tổ-phụ. Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.
2/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn
lên.
2.1/ Con người yêu thích chỗ cao, danh vọng, chức tước: Chúa
Giêsu chọn một ví dụ rất phổ thông để dạy con người bài học khiêm nhường là
dành nhau chỗ ngồi trong tiệc cưới. Khác với thời đại chúng ta hôm nay: chủ tiệc
đã phân chia chỗ ngồi trước, và có người sẵn để đón và hướng dẫn khách vào bàn
tiệc; thời của Chúa mạnh ai nấy ngồi tùy theo sự phán đóan của khách được mời.
Vì chỉ có chủ tiệc là người duy nhất biết cách sắp xếp chỗ ngồi
trong tiệc cưới, các khách được mời không biết tất cả những khách được mời là
ai và địa vị quan trọng thế nào; nên Chúa Giêsu đề nghị một cách hành xử khôn
ngoan: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân
vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật
kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải
xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ
cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế
là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.”
2.2/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường: Theo lời
Kinh Magnificat: “Thiên Chúa triệt hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và
nâng cao những người phận nhỏ.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố nhiều lần: “Phàm ai
tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Làm sao con
người có thể học khiêm nhường? Cách hiệu quả nhất là học để biết sự thật về
Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân:
(1) Biết Thiên Chúa: Tất cả là của Chúa, chẳng có gì là của con
người. Nếu là của Chúa ban, làm sao con người có thể kiêu ngạo trước mặt Ngài?
Hơn nữa, mạng sống con người nằm trong tay Chúa; khi tới giờ Chúa cất đi, con
người có thể cưỡng lại được chăng?
(2) Biết mình: Những kiến thức mình biết hay những gì mình có thật
nhỏ nhoi so với kiến thức và tài sản của nhân lọai. Những gì mình nghĩ đã làm
được chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu công trình quan trọng của người khác.
(3) Biết tha nhân: Rất nhiều những bậc vĩ nhân và thánh nhân tài
giỏi, thánh thiện đã sống một cuộc đời khiêm nhường. Đức Mẹ Maria tuy là Mẹ
Thiên Chúa đã nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn; chỉ vì Thiên Chúa đã đóai thương
nhìn tới, nên mọi đời đã khen Mẹ diễm phúc. Thánh Thomas Aquinas, tác giả của
tác phẩm nổi tiếng, Summa Theologiae, đã từ chối không viết nữa. Lý do như ngài
thú nhận: tất cả những gì tôi đã viết ra chỉ là rơm rác so với sự thật nơi
Thiên Chúa. Nếu các bậc vĩ nhân biết sống khiêm nhường như thế, chúng ta là ai
mà dám kiêu ngạo?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cách hành xử khôn ngoan trong cuộc sống là cứ khiêm nhường chọn
chỗ hèn hạ nhất. Một khi đã ngồi chỗ rốt hết, chúng ta sẽ không sợ bị mất mặt
hay tranh giành của bất cứ ai; và như thế là có sự bình an trong tâm hồn.
- Để học khiêm nhường đích thực, chúng ta cần học biết sự thật về
Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân. Một khi đã biết sự thật, chúng ta sẽ biết
chỗ đứng của chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha
nhân.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
31/10/15 THỨ BẢY TUẦN
30 TN
Lc 14,1.7-11
Lc 14,1.7-11
Suy niệm: Cuốn Đắc Nhân Tâm của D. Carnegie đã giúp cho nhiều người thành
công trong kinh doanh cũng như trong giao tế đời thường. Tỷ phú Mỹ W. Buffett
thú nhận rằng cuốn sách ấy đã thay đổi cuộc đời ông. Khi dạy ta chọn chỗ cuối
để rồi sẽ được mời lên cỗ nhất, Đức Giê-su không nhằm dạy ta bài học về đắc
nhân tâm hay xử thế trong bữa tiệc để thành công trong cuộc sống. Người đã chọn
chỗ cuối trong “bàn tiệc cuộc đời” là chính Ngài. Thật vậy, Ngài đã hạ mình từ
một vị Chúa trở thành con người, một người thợ thủ công nghèo, sinh sống ở ngôi
làng quê hẻo lánh. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, thường lân la, thân thiết
với những kẻ hèn kém, tội lỗi. Cuối cùng, đỉnh cao của “bàn tiệc” ấy là cái
chết đau thương trên thập giá.
Mời Bạn: Chọn
chỗ cuối như vậy, rốt cuộc, Đức Giê-su lại được siêu tôn trong mầu nhiệm phục
sinh vinh hiển. Bạn cũng được mời gọi sống như Ngài, chọn chỗ cuối trong “bàn
tiệc cuộc đời” qua nỗ lực chống lại cám dỗ của thèm muốn chức tước, vinh dự,
quyền lực, tranh giành ảnh hưởng. Chắc chắn, chính Chúa sẽ là chủ bàn tiệc mời
bạn ngồi vào bàn tiệc Nước Trời với Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi
tập sống hạ mình khiêm tốn, không nghĩ mình xứng đáng hơn người khác, không
tranh giành ảnh hưởng với người anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vui lòng chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc”
trần gian. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn biết chọn chỗ cuối trong
cộng đoàn để phục vụ người khác, thay cho thái độ thèm muốn chức tước, quyền
lực. Amen.
Ngồi chỗ cuối
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn. Bởi lẽ thích
tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi
phải ngồi chỉ vì vâng phục.
Suy niệm:
Khi thấy các khách dự tiệc
có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời
khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên
này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là
những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại
chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên
chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa
lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt
cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn
được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để
tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự
trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy
người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể
gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách
dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến
một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng,
hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm
nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc cho và Khốn
cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người
đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người
no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà
giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin
Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự
đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ
xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc,
thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống
trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn
mãi.
Để thực hành lời khuyên của
Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi
sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ
tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ
lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự
kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư
danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm
tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và
cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế
đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện
với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những
tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ
mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức
tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình
trước anh em tôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng 10
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng
ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp
thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của
Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH
7).
Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả
cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu
gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một
niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên
mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật
hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của
Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là
gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung
thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất
này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà
Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa,
của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn
Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại
với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly.
Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh
Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ
‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế
gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời
đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự
hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng
đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên:
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ
mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).
- suy tư 366 ngày
của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 31-10
Rm 11,1-2a.11-12.25-29 ; Lc 14,1,7-11
LỜI SUY NIỆM: “Vì
phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống thì được tôn lên.”
(Lc 14,11).
Chúa
Giêsu đang dạy cho mỗi chúng ta luôn phải biết chỗ đứng của mình. Chính vị trí
của mình đang là ở đâu và trong cương vị như thế nào, để khỏi phải đạp, dẫm
chân lên nhau. Chứ không phải giả bộ hạ mình, để rồi làm cho người khác bị lầm
lẫn. Trong mọi công việc của Giáo Hội hay của xã hội. chúng ta cần phải khiêm
nhường, đó là điều cần thiết, nhưng khiêm nhường không phải là trốn tránh công
việc và trách nhiệm, mà đáng lý ra những công việc đó chúng ta có thể làm tốt
hơn người khác vì đúng với khả năng hiểu biết và chuyên môn cũng như sở thích của
mình, nếu mình không đương đầu đảm nhiệm để cho những người yếu kém nhận lãnh
thì sẽ đưa đến thất bại chung. Điều quan trọng trong cuộc sống của con người là
biết mình và biết người và biết vị trí của mình mà chon chỗ cho mình, sẽ đem lại
niềm vui chung cho tất cả mọi người.
Mạnh Phương
31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể
Nhớ Ðến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được
người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ
các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt
nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang
màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái
dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng
xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh
hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số
các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày
Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca
hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện
hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội
lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của
ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu".
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học,
người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện
tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận
điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám
nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có
thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con
người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn
đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không
làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình
nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn
không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh
khỏi mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu
tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư
tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững
trong Ðức Tin".
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời
Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời
Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống
của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không
chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng
sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét