Trang

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

05-11-2015 ; THỨ NĂM TUẦN XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN

05/11/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 14, 7-12
"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.
Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Còn ngươi, việc gì mà đoán xét anh em ngươi? Và ngươi, tại sao ngươi khinh miệt anh em ngươi? Vì tất cả chúng ta đều sẽ phải ra trước toà án của Ðức Kitô, bởi có lời chép: "Chúa phán rằng: Ta thề trên sự sống Ta, mọi đầu gối sẽ phải quỳ lạy Ta, và mọi miệng lưỡi sẽ ngợi khen Thiên Chúa".
Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.

Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Con Chiên Lạc
Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau: Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 31 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 14:7-12; Lk 15:1-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không ai là một hòn đảo riêng lẻ
Nhiều người nghĩ họ có thể tự lập và tự sống một mình, mà không cần nhờ vả đến ai; nhưng nếu họ chịu khó suy xét, họ sẽ thấy họ không bao giờ có thể làm điều đó. Họ không thể sống mà không có tha nhân, và càng không thể sống nếu không có Thiên Chúa. Trong sự quan phòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người đều có trách nhiệm chung để giúp đỡ lẫn nhau và lo sao cho mình và mọi người được ơn cứu độ.
Các Bài Đọc hôm nay hướng lòng con người về việc giúp đỡ và xây dựng cho nhau, thay vì xét đoán, phê bình, và luận tội nhau. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy ý thức về vai trò và sứ vụ của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Trong Phúc Âm, một số các kinh-sư và biệt-phái phê bình Chúa Giêsu khi Ngài để cho những người thu thuế và tội lỗi đến gần nghe giảng và ăn uống với họ. Chúa thẳng thắn nói ra ý định của mình: Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi và triều thần Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.
1.1/ Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa: Lý do thánh Phaolô có thể nói lên được điều này, là vì quan niệm về thần học thân thể của Ngài. Mỗi tín hữu khi chịu bí-tích Rửa Tội đã trở nên chi thể của một thân thể là Hội Thánh, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chi thể không thể tách rời thân thể, người tín hữu cũng không thể tách rời khỏi thân thể của Đức Kitô. Một tín hữu có thể nói mình không muốn ở trong thân thể; nhưng không phải vì vậy mà anh không thuộc về thân thể. Nếu anh ý thức được sự hiện diện của anh trong thân thể của Đức Kitô, anh sẽ cố gắng xây dựng Nhiệm Thể của Ngài bằng cách làm cho mình và cho các chi thể khác ngày càng lành mạnh hơn, để toàn thân xác được khỏe mạnh. Vì Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Ngài không bao giờ chết nữa; nên người tín hữu cũng vậy. Tuy anh sẽ chết về phần xác, nhưng thân xác anh sẽ sống lại vinh hiển trong Ngày Phán Xét. Vì thế, Phaolô có thể nói với các tín hữu: "Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết."
1.2/ Không được xét đoán tha nhân, nhưng hãy xét mình: Cùng trong hình ảnh các chi thể của một thân thể trên, một chi thể không thể tự cho mình quan trọng hơn hết để rồi phê bình và xét đoán các chi thể khác. Mọi chi thể đều tùy thuộc vào nhau để có thể sống chung hòa hợp và làm cho thân thể lành mạnh và tăng trưởng. Vì thế, thật là điều vô ích khi một tín hữu phê bình và xét đoán người khác; nhưng lợi ích hơn nếu một người dành thời gian phê bình người khác để tự kiểm chính mình, xem coi mình có thể làm gì để đóng góp cho việc mở rộng Nước Chúa, và làm cho các tín hữu khác ngày càng tốt đẹp để cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Hơn nữa, người có trách nhiệm phán xét là Đức Kitô, Ngài sẽ phán xét và trả cho mỗi người xứng đáng với việc họ làm trong Ngày Phán Xét.
2/ Phúc Âm: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người biệt-phái và các kinh-sư xét đóan:
- tha nhân: Họ nghĩ các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi công khai; và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu: Họ nói: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Theo họ, giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi. Họ có lý do để nghĩ như thế, vì cha ông ta cũng quan niệm: "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Tuy nhiên, quan niệm này chỉ đúng với người dân thường, yếu đuối; nhưng không đúng cho bậc thánh nhân và Chúa Giêsu. Các Ngài đến để hoán cải những người yếu đuối và tội lỗi.
Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.
2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa.
(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng! Đức Kitô cũng thế, Ngài đến là để tìm kiếm các chiên lạc và đem về cùng một đàn; để chỉ có một đàn chiên theo một Chủ Chiên. Người tội lỗi cũng là con của Thiên Chúa; linh hồn của họ quí giá trước mặt Thiên Chúa, vì Người đã dựng nên họ và máu của Con Ngài đã đổ ra để cứu chuộc họ.
(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền kiếm thấy!
Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa; để rồi đừng xét đoán, phê bình, và kết án tha nhân.
- Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất. Chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ tha nhân, nhất là những tội nhân để giúp họ quay trở về với Thiên Chúa.
- Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các kinh-sư và biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


05/11/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10

Suy niệm: Trò chơi “ú tim” còn gọi là trò “năm mười” là một trò chơi dân gian rất được ưa chuộng của giới thiếu nhi; trong khi đó, người lớn lại thích chơi trò này với Thiên Chúa. Thật vậy, từ thuở tạo dựng, con người không ngừng lánh mặt Thiên Chúa trong khi Ngài vẫn mải miết đi tìm con người. Tấm lòng của Thiên Chúa có thể được hình dung qua bốn động từ: mất, tìm, vui mừng, và chung vui. Con chiên đi lạc, người mục tử tất tả tìm kiếm; đồng tiền bị mất, người phụ nữ thắp đèn kiếm tìm; con người đánh mất tình thân với Thiên Chúa, Ngài thân hành sinh xuống thế làm người để dẫn đưa về. Như người mục tử mời cả làng cùng chung vui với mình, như người phụ nữ được thêm vui khi bạn bè, hàng xóm đến chia vui với bà; cả triều thần thiên quốc cùng hoan hỉ với Thiên Chúa khi một người tội lỗi sám hối trở lại.
Mời Bạn: Bạn nhận ra mình đang đi lạc hướng ư? Hãy dừng lại, lắng nghe tiếng Chúa đang tìm kiếm bạn: bạn hãy đáp lại và trở về với Ngài. Bạn đang vui sống trong tình thân của Chúa ư? Hãy cùng với Chúa tìm kiếm người anh em đi xa lạc, và cùng với Chúa vui mừng vì người anh em “đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay sống lại” (x. Lc 15,32).
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng hồi tâm cuối ngày để lắng nghe tiếng Chúa gọi bạn sám hối trở về.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được gọi Thiên Chúa nhân hậu là Cha chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa là người Con Chí Ái của Chúa Cha để chúng con sống trong tình thân với Chúa và với Chúa Cha. Amen.

Xin chung vui với tôi
 Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời, trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.


Suy nim:

Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,
nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,
vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,
đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.
Trước khi con người hướng về Thiên Chúa
thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.
“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”
Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,
nhưng cũng sống vì con người và cho con người.

Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.
Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.
Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:
có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.
Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.
Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ
có một trăm con chiên hay mười đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.
Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.
Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).
Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.
Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,
người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.
Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.
Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.
Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.
Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.
“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).

Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.
Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.
Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.
Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.
Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.
Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.
Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.

Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.
Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,
trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.
Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.
Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia Đình Ấm Tình Huynh Đệ
Con người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.
Nhưng bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33; AA 2-3)
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05-11
Rm 14, 7-12; Lc 15, 1-10.

LỜI SUY NIỆM: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”
Dưới con mắt của những người tự đắc cho mình là người đạo đức, thường có cái nhìn phê phán và kết án những người chung quanh mình là những kẻ thấp hèn, yếu kém và tội lỗi và muốn nhận chìm họ thật sâu trong những điều xấu xa; đồng thời muốn xa lánh, tránh mọi hình thức gần gũi tiếp xúc, tự tách mình ra, để đứng ở một vị trí cao hơn, mà tưởng mình được đẹp lòng Thiên Chúa và sự ca khen của người đời. Chúa Giêsu biết những người Pharisêu và các kinh sư đang xầm xì về chuyện Người tiếp đón và ăn uống với những người tội lỗi. Nên Chúa đã kể cho họ nghe dụ ngôn “Con chiên bị mất” và Người đã kết luận: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa và người đời, luôn có tình liên đới với nhau trong cuôc sống, để biết cầu nguyện cho nhau, đặc biệt mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ.
Mạnh Phương


05 Tháng Mười Một
Chiếc Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét