25/11/2015
Thứ Tư sau
Chúa Nhật 34 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 5, 1-6, 13-14, 16-17, 23-28
"Có những ngón tay hiện ra như bàn tay một người".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, vua Baltassar dọn tiệc linh đình đãi một
ngàn triều thần: ai nấy cứ theo tuổi mình mà uống rượu. Khi vua đã say rượu, liền
truyền đem các bình, chén, bát bằng vàng bạc mà Nabukôđônôsor, phụ vương ông,
đã lấy trong đền thờ Giêrusalem đem về, để cho vua, các triều thần, hoàng hậu
và cung phi dùng uống rượu. Bấy giờ, người ta mang ra các bình, chén, bát bằng
vàng bạc đã lấy trong đền thờ Giêrusalem đem về. Vua, các triều thần, hoàng hậu
và cung phi dùng đồ đó mà uống rượu. Họ vừa uống rượu vừa ca tụng các thần minh
bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, đá của họ.
Chính lúc ấy, có những ngón tay hiện ra như bàn tay một người viết
chữ trên vách tường cung điện, đối diện ánh bạch lạp; vua nhìn thấy ngón tay viết
chữ. Bấy giờ mặt vua đổi sắc, tư tưởng rối loạn, xương sống yếu sức, đầu gối va
chạm lẫn nhau.
Lúc đó người ta dẫn Ðaniel đến trước mặt vua. Vua hỏi người rằng:
"Nhà ngươi có phải là Ðaniel, con cái Giuđa, phải lưu đày mà phụ vương trẫm
đã điệu từ Giuđa về đây chăng? Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi được thần linh các vị
thần phù giúp: ngươi được thông minh, trí tuệ và khôn ngoan phi thường. Trẫm đã
nghe rằng nhà ngươi có thể cắt nghĩa những huyền bí và giải thích được những
chuyện khúc mắc. Vậy nếu nhà ngươi đọc được hàng chữ này và cắt nghĩa cho trẫm,
thì nhà ngươi sẽ được mặc áo đỏ, cổ đeo vòng vàng và trở nên vị tướng thứ ba
trong vương quốc trẫm".
Ðaniel tâu lại trước mặt vua rằng: "Lễ vật của vua xin để lại
cho vua, và ân huệ nhà vua, xin vua ban cho kẻ khác. Thần xin đọc hàng chữ này
và cắt nghĩa cho đức vua. Ðức vua đã tự phụ chống đối Ðấng cai trị trên trời:
đã đem bày trước mặt vua các bình, chén, bát lấy trong đền Chúa, rồi vua, triều
thần, hoàng hậu và cung phi dùng những đồ ấy mà uống rượu; vua còn ca tụng các
thần vàng bạc, đồng, sắt, gỗ, đá, toàn là những thứ không thấy, không nghe và
không cảm giác: vua không tôn vinh Thiên Chúa, Ðấng cầm trong tay vận mệnh và
đường lối của đức vua. Bởi đó, Chúa khiến ngón tay hiện ra viết hàng chữ đó.
"Ðây những chữ đã viết như sau: Manê, Thêqel, Phares. Xin
giải nghĩa những chữ đó như sau: Manê: là Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại nhà
vua rồi. Thêqel: là đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân. Phares: là
vương quốc của vua đã bị phân chia và trao cho dân Mêđia và Batư".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 62. 63. 64. 65. 66. 67
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc tụng Chúa đi, mặt trời cùng với mặt trăng. - Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi, trên trời cao, muôn tinh tú. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi, mưa móc với sương sa. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi, muôn ngàn ngọn gió. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi, lửa đỏ với than hồng. - Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa đi, rét mướt và lạnh lẽo. - Ðáp.
Alleluia: Mt 24, 41a và 44
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc
các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 12-19
"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một
sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ
tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các
con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng.
Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải
thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan,
mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.
"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ
trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy.
Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ,
các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cơ Hội Làm Chứng
Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận
thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ:
"Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến
trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy".
Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất
bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và
Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không
buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa
Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về
Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế
Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ,
bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh
Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu
Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu
mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung
sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất
tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi
thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có
thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi
được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ
gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi
cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn
vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những
đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp
lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu
trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể
coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Xin cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn
sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả cảnh huống nào của cuộc đời.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Tư Tuần 34
TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Dan 5:1-6,
13-14, 16-17, 23-28; Lk 21:12-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người
phải tùng phục uy quyền của Thiên Chúa.
Nhiều người nghĩ khi nắm quyền trong tay, họ có thể làm bất cứ
điều gì họ muốn, ngay cả quyền luận tội và sát sinh người khác; nhưng thực tế
chứng minh uy quyền của họ không tuyệt đối. Mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa:
Ngài ban cho và Ngài có quyền lấy đi bất cứ lúc nào. Con người phải trả giá cho
sự lạm dụng quyền hành. Hơn nữa, hạnh phúc và bình an chỉ dành cho những ai biết
kính sợ và phục tùng Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật một sự thật: mọi quyền lực
trong vũ trụ đều thuộc về Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Belshazzar nghĩ đã
là vua là có quyền làm mọi sự mình muốn. Daniel giải thích cho vua hiểu rõ mọi
quyền lực đến từ Thiên Chúa. Ngài có quyền trao và có quyền lấy đi bất cứ lúc
nào. Sự kiện nhà vua nhìn thấy ngón tay viết hàng chữ chứng minh đã đến lúc
Thiên Chúa tiêu diệt quyền lực của nhà vua, để trao cho một vua khác biết xử dụng
quyền bính. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước những gian khổ sẽ xảy đến cho
những môn đệ của Ngài và khuyến khích họ kiên trì vượt qua; vì đó là cơ hội để
họ chứng tỏ niềm tin yêu vào Thiên Chúa. Nếu họ kiên trì chịu đau khổ và làm chứng
cho Thiên Chúa, Ngài sẽ trao ban sự sống đời đời và thưởng công xứng đáng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là Đấng nắm trong tay sinh khí của
ngài, ngài lại chẳng tôn vinh!
1.1/ Vua Belshazzar phạm sự thánh: Khi vua cha là
Nebuchadnezzar chinh phục Jerusalem, ông đã vào Đền Thờ và lấy tất cả các ly
chén bằng vàng bạc đem về tích trữ trong nhà kho của mình. Sau khi vua cha băng
hà, vua con là Belshazzar tiếp tục nối ngôi. Nhà Vua cho mở tiệc lớn khoản đãi
một ngàn đại thần. Khi đã thấm hơi men, vua truyền mang ly mang chén bằng vàng
bằng bạc mà vua cha là Nebuchadnezzar đã lấy ở đền thờ Jerusalem. Người ta mang
ly chén bằng vàng đã lấy từ cung thánh Đền Thờ Thiên Chúa ở Jerusalem; vua và
các đại thần, cung phi và cung nữ đều dùng mà uống. Họ vừa uống rượu vừa ca ngợi
các thần bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ và đá. Đang khi say sưa thì một hiện tượng
lạ xuất hiện trên tường: Nhà Vua nhìn thấy những ngón tay người xuất hiện, viết
lên vách tường quét vôi của hoàng cung ở phía sau trụ đèn. Vua nhìn thấy phần
bàn tay đang viết. Bấy giờ mặt vua biến sắc, tâm trí bàng hoàng, ruột gan rối
loạn, đầu gối run cầm cập.
1.2/ Vua Belshazzar kiếm người giải thích ý nghĩa của các chữ viết
trên tường: Giống như vua cha, vua Belshazzar cho vời tất cả những nhà chiêm
tinh và bói toán trong nước đến để giúp Nhà Vua giải thích thị kiến ngón tay
người và câu mà ngón tay đã viết trên tường; nhưng không ai giải thích nổi, cho
đến khi họ mang Daniel vào để yết kiến Nhà Vua.
(1) Daniel không màng đến phần thưởng Nhà Vua hứa: Khi Daniel được
dẫn vào chầu vua, Nhà Vua ngỏ lời với ông rằng: "Nếu ngươi đọc và giải
thích được hàng chữ đó cho ta, thì ngươi sẽ được mặc cẩm bào đỏ thẫm, đeo vòng
vàng vào cổ, và sẽ là nhân vật thứ ba trong vương quốc." Daniel lên tiếng
nói trước mặt vua: "Tâu đức vua, lộc vua ban, xin giữ lại cho ngài; quà
vua tặng, xin dành cho người khác.''
(2) Daniel giải thích ý nghĩa của điềm lạ: Những hàng chữ kia,
thần xin đọc và giải thích hầu đức vua. Quyền lực của nhà vua đến từ Thiên
Chúa: Ngài ban quyền lực cho Nhà Vua; nhưng "ngài đã tự cao tự đại, đã chống
lại Chúa Tể trời cao: ly chén trong Đền Thờ của Chúa, người ta đã mang đến trước
mặt ngài; ngài đã dùng các ly chén ấy mà uống cùng với các đại thần, cung phi
và cung nữ. Ngài đã ngợi khen các thần bằng bạc, vàng, đồng, sắt, gỗ và đá là
những vật không thấy, không nghe, không biết. Còn Thiên Chúa là Đấng nắm trong
tay sinh khí của ngài và điều khiển mọi đường đi nước bước của ngài, ngài lại
chẳng tôn vinh!"
Triều đại của Nhà Vua nay đã đến lúc bị tận diệt: "Vì thế,
Thiên Chúa đã cho phần bàn tay ấy đến viết hàng chữ kia. Đây là những chữ đã được
viết ra: MENE, MENE, TEKEL, and PARSIN; và đây là lời giải thích:
- MENE có nghĩa là đếm, Thiên Chúa đã đếm và chấm dứt những ngày
của triều đại ngài; - TEKEL có nghĩa là cân, ngài đã bị đặt trên bàn cân và thấy
là không đủ;
- PERES có nghĩa là phân chia, vương quốc của ngài đã bị phân
chia và trao cho các dân Medes và Ba-tư." PARSIN đến từ động từ PERES.
2/ Phúc Âm: Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2.1/ Chịu đựng gian khổ để làm chứng cho Chúa: Chúa Giêsu
báo trước cho các môn đệ về những gian khổ sắp xảy đến cho họ: "Nhưng trước
khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp
anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền
vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” Ngài nói rõ ràng:
Gian khổ xảy ra là cơ hội ngàn vàng để các môn đệ có cơ hội làm chứng cho Ngài;
nhường bước trước gian khổ là mất cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa.
2.2/ Đừng lo lắng phải đối phó thế nào: Các môn đệ
phải hiểu các ông không chiến đấu một mình, nhưng Chúa Giêsu sẽ cùng các ông
chiến đấu. Chúa Giêsu hứa: “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em
đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật
khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại
được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ
giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”
Khi các ông biết có một quyền lực mạnh hơn quyền lực của địch thù thế gian trợ
giúp, các ông sẽ không còn sợ hãi và tự tin hơn trong việc chống cự lại. Thánh
Phaolô có kinh nghiệm này khi ngài tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi,
mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
2.3/ Chúa bảo đảm các ông sẽ chiến thắng: Không có một
quyền lực nào trên thế gian có thể thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Quyền lực
thế gian chỉ có hiệu quả tạm thời vì Thiên Chúa cho phép xảy ra; nhưng một khi
Thiên Chúa quyết định rút lại, không một quyền lực nào có thể chống lại được.
Chúa Giêsu bảo đảm điều này với các môn đệ, mặc dù các ông sẽ phải chiến đấu,
“nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh
em mới giữ được mạng sống mình.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Chủ Tể của mọi quyền hành và thế lực trong thế
gian này. Ngài ban cho con người và có quyền lấy đi bất cứ lúc nào. Bổn phận của
con người là phải biết dùng quyền hành để điều khiển và sinh lợi ích cho Thiên
Chúa và cho tha nhân.
- Gian khổ phải có trong cuộc đời để tinh luyện con người, để
phân biệt người anh hùng với kẻ tiểu nhân; và nhất là để chúng ta chứng tỏ đức
tin và tình yêu vào Thiên Chúa. Khi phải đương đầu với gian khổ, chúng ta không
chiến đấu một mình. Chính Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ cùng chúng ta chiến đấu. Sự
khôn ngoan và sức mạnh để chiến đấu đến từ Đức Kitô.
- Chúa Giêsu bảo đảm sự chiến thắng sẽ về tay chúng ta vì một sợi
tóc trên đầu chúng ta cũng đã được Thiên Chúa đếm. Hiểu biết tòan bộ trận chiến
như thế, chúng ta còn chờ đợi gì mà không xông vào cuộc chiến để làm chứng cho
Thiên Chúa?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
25/11/15 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,12-19
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,12-19
Suy niệm: Thời
bao cấp, có những Ki-tô hữu, ngày Chúa Nhật vác cuốc đi như thể ra đồng làm
việc, nhưng khi đến gần nhà thờ mới lấy quần áo đẹp trong giỏ ra mặc chỉnh tề
vào tham dự thánh lễ. Trong thời hội nhập hiện nay, lại có những người buôn
bán, ngày Chúa Nhật khách mua đông dày, nhưng lại đóng hàng, đóng quán để đi dự
lễ trước đã. Có lẽ những Ki-tô hữu đơn sơ ấy không biết phải nói về Chúa, về
đạo thế nào, nhưng họ đã biết tận dụng mọi cơ hội dù là “thuận tiện hay không thuận tiện” (x. 2Tm 4,2) để làm chứng cho Đức Ki-tô và cho
Tin Mừng. Là một Ki-tô hữu chính danh, là phải làm chứng cho Đức Ki-tô và cho
Tin Mừng của Ngài mọi lúc mọi nơi, làm chứng bằng một cuộc sống đầy “chất
Ki-tô”, là “tôi sống, nhưng không phải là
tôi sống, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn: Tốc
độ quay cuồng của cuộc sống hôm nay có làm bạn quên đi bản chất của Hội Thánh
và của mỗi người chúng ta là làm chứng không? Dành ưu tiên ngày Chúa Nhật cho
việc thờ phượng Chúa, giữ lòng trọn vẹn thuỷ chung trong đời sống vợ chồng, tôn
trọng và nỗ lực bảo vệ sự sống, sống trung thực và kiên quyết loại trừ mọi hình
thức gian tham, v.v… sống trung tín với Đức Ki-tô như thế, tự nó là làm chứng cho
Ngài rồi.
Sống Lời Chúa: Làm
một việc thờ phượng hoặc bác ái với ý chỉ làm chứng cho Chúa Ki-tô và cho Tin
Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Đức Ki-tô, Vua vũ trụ, xin ban thêm đức
tin cho chúng con, để chúng con ý thức hơn ơn gọi Ki-tô hữu và can đảm làm
chứng Chúa.
Một sợi tóc
Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất,
nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau. Chúng ta cầu
cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.
Suy niệm:
Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El
Salvador,
một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.
Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong
xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời
(c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).
Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc.
12. 17).
Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô
giáo,
như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương
tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị
đó,
chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,
dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv
6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại
mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa
chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa
chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa
sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi
hai con người, một nam một nữ, tiến tới trước bàn thờ trong tư cách là thừa tác
viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa.
Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con người sắp trở thành vợ và chồng và sắp
bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa cùng chung sống dưới một mái nhà và
cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng chung sống, là dấu hiệu bên ngoài của
cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ
trong lòng. Con người ta không chỉ sống trong một mái ấm, họ còn xây dựng một
mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ
trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ trong con cái. Và mái nhà của Cha
chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của trái tim con người. Như vậy,
chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong
Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người
ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy” (Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho chúng ta hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng
hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã được mô tả trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp
thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô khi Thánh Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ
chồng trong hôn nhân Kitô giáo: “Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi đang nói về
Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Tình yêu của vợ và chồng có mẫu thức của nó nơi tình yêu của Đức
Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình yêu ấy cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức
Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình yêu này. Người hy sinh chính sự sống của
Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của người là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng
mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức,
giúp cho những người vợ và chồng có thể yêu nhau với cùng tình yêu hiến thân
đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ,
như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, … thánh hóa
và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu của Đức Kitô là một tình yêu bất
diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống và đơm bông kết trái. Cũng vậy,
các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau trong một sự kết hợp có sức sáng
tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 25-11
Thánh Catarina Alexanđria, trinh nữ, tử đạo
Đn 5, 1-6.13-14.16-17.23-28; Lc 21, 12-19.
LỜI SUY NIỆM: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Như dù một sợi tóc trên
đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống
mình.”
Khi Chúa Giêsu bị bắt và ra trước Thượng Hội Đồng bị đủ mọi lời
vu cáo; nhưng Người vẫn giữ sự im lặng; họ đã không thể lấy lý do gì để kết
án Chúa Giêsu, cho đến khi Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng
sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô
Con Thiên Chúa không? Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa,
tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng
Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,63-64). Với Danh xưng “Đấng KiTô
Con Thiên Chúa” Chúa Giêsu đã lãnh nhận án tử hình treo trên thập giá Điều này
Chúa Giêsu biết mỗi người khi mang danh của Người thì cũng sẽ bị người đời đối
xử như vậy. “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”
(Ga 15,18). Điều này giúp cho mỗi người tín hữu thấy được sự tương quan của
mình với Người, nhưng phải kiên trì với lòng tin, chúng ta mới giữ được mạng sống
của minh.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang mang trên mình Danh xưng KiTô hữu.
Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con quyết giữ mình sống chết với
danh xưng này, để mãi mãi sống trong tình thương của Chúa và ngày sau được vui
hưởng với Chúa trong Nước Trời.
Mạnh Phương
25 Tháng Mười Một
Không Qúa
Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được
tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc,
Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem
người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy
chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện.
Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua
ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại
những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù
cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình
vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực
của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm
cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người
con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích
của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước
mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước,
Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được
hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết
tôi".
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho
cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt
tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người
thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh
lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu
đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có
thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên
để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói
trong tiếng khóc:
"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ
Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người,
nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất
nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết
tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là
hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là:
tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám
phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã
quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ,
sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét