Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

31-01-2016 : (phần II) CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN năm C

31/01/2016
Chúa Nhật tuần 4 thường niên năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN
(Gr 1,4-5.17-19 - 1Cr 13,4-13 - Lc 4,21-30)
NGÔN SỨ, CHIẾN SĨ
LUÔN ĐƯỢC THIÊN CHÚA Ở VỚI
“Họ xô Người xuống vực thẳm.
Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi”

(Lc 4,30)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gr 1,4-5.17-19)
Bài đọc I xác định ơn gọi ngôn sứ của Giêrêmia là từ Thiên Chúa. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ để trở nên ngôn sứ cho các dân tộc. Thiên Chúa sai Giêrêmia nói với dân chúng những lời Người truyền cho ông. Sứ mệnh ngôn sứ được báo trước sẽ không dễ dàng, nhất là bản thân ngôn sứ cũng chỉ là con người, còn đối tượng được loan báo thuộc mọi tầng lớp cao thấp sang hèn, là những cá nhân hay tập thể. Lời ngôn sứ có khi được đón nhận nhưng rất nhiều khi bị từ chối và cá nhân ngôn sứ bị ngược đãi, thậm chí bị giết chết. Nhưng có một điều Thiên Chúa luôn bảo đảm với các ngôn sứ là chính Người sẽ ở cùng ông và giải thoát ông; chính Thiên Chúa sẽ làm cho ngôn sứ của người kiên vững như thành trì kiên cố khi họ can đảm và tin tưởng vào sự trợ giúp và ở cùng của Người.
2. Bài đọc II (1Cr 13,4-13)
Bài đọc II là một bài ca tuyệt vời về đức mến. Thánh Phaolô xác định trong các ân huệ, đức mến là cao trọng hơn cả. Đức mến đối với thánh Phaolô là một lối sống chứ không chỉ là tình cảm; đó là thành quả của Tin Mừng. Không có tình yêu hay lòng mến người ta không thể cảm nghiệm được Thiên Chúa cách sâu thẳm, vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Cũng thế, không có tình yêu người ta không thể hiểu biết nhau trong mối liên hệ với Thiên Chúa và vũ trụ. Bài ca đức mến là một bài kiểm nghiệm về lòng mến của mỗi người về mức độ của lòng mến cũng như bản chất của lòng mến.
3. Bài Tin Mừng (Lc 4,21-30)
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh tai quý vị vừa nghe”. Lời Thánh Kinh đó chính là niềm hi vọng được viết trong sách ngôn sứ Isaia mà chính Chúa Giêsu vừa đọc cho những người hiện diện trong hội đường Do thái vào ngày hôm ấy nghe. Hôm nay đã ứng nghiệm, nghĩa là niềm hi vọng muôn dân chờ đợi bao năm nay đã thành hiện thực với sự khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Tuyên bố như thế Chúa Giêsu muốn xác định chính Người là Đấng được xức dầu để loan Tin Mừng cho người nghèo khó mà ngôn sứ Isaia đã nói, là Đấng được tuyển chọn, Đấng bắt đầu một thời đại mới mà ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc I. Không phải chỉ đến hôm nay kỷ nguyên mới của ơn cứu độ mới được bắt đầu loan báo, nhưng nó đã được loan báo cho Mẹ Maria trong ngày truyền tin, và Mẹ đã đáp trả Tin Mừng này với bài ca Magnificat tán dương điều kỳ diệu Thiên Chúa thực  hiện giữa dân Người. Hôm nay tin vui đó được loan báo cho dân thành Nadarét, những người đồng hương với Chúa Giêsu.
Nhưng dân thành Nadarét đã đón nhận tin vui với suy nghĩ hạn hẹp; họ chỉ nhận ra Chúa Giêsu chính là con ông thợ mộc Giuse, là đồng hương của họ, và hi vọng Người sẽ làm điều gì đó cho riêng họ. Chúa Giêsu không dừng lại ở việc thỏa mãn những ước muốn của họ, nhưng Người cho họ thấy sứ vụ thần linh của Người, sứ vụ của Con Thiên Chúa là Đấng Cứu độ, là Đấng công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa. Người là Đấng cứu Thế, cứu độ muôn dân chứ không chỉ riêng những người đồng hương với Người.
Chúa Giêsu không dừng lại với sự ngưỡng mộ sai lầm mà những người đồng hương dành cho Người; Người cần cho họ biết rõ căn tính và sứ vụ của Người. Nhưng đáng buồn thay, khi họ biết rõ sự thật về Người thì họ lại từ chối và chống đối Người. Trước hết Chúa Giesu sửa sai suy nghĩ của những người đồng hương là Người sẽ làm những điều phi thường ngay tại quê hương xứ sở như đã làm ở những nơi khác, vì họ có đặc ân là “đồng hương” với Người. Nhưng Chúa Giêsu chính là Đấng được sai đến với những người bị bỏ rơi, những người không có một tí đặc quyền đặc lợi nào trong xã hội như lời ngôn sứ Isaia. Và điều quan trọng Chúa Giêsu cần nhấn mạnh về căn tính của Người là, Người chính là ngôn sứ của Thiên Chúa, và đón nhận số phận của một ngôn sứ. Ngôn sứ là người nói lời Thiên Chúa và thực hiện sứ mệnh Người trao phó. Chính Chúa Giêsu đã xác định như thế, nghĩa là Người không dừng lại ở ý muốn của con người nhưng là thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, dù cho sứ mệnh ngôn sứ có thể khiến Người phải bị từ chối và loại trừ.
II. CÂU HỎI GỢI Ý
1. Sống ơn gọi ngôn sứ là sống cho sự thật nên rất dễ bị chống đối bởi những thế lực của sự dữ. Tôi có đang nỗ lực sống ơn gọi ngôn sứ hay tôi đang thỏa hiệp với sự dữ đang hoành hành môi trường sống và làm việc của tôi hôm nay?
2. Chúa Giêsu, với tôi, Người là ai? Con bác thợ mộc thành Nadarét, hay là Đấng cứu độ Thiên Chúa sai đến? Hay nói cách khác, đối với tôi, Người có phải là Thiên Chúa mà tôi nghĩ tôi có quyền sở hữu bởi vì tôi quen Người lắm khi tôi đi lễ đọc kinh, làm việc bác ái hàng ngày, và Người phải trả nợ cho tôi, nghĩa là tôi phải được hưởng ân huệ của Người đầu tiên? Việc yêu mến Thiên Chúa của tôi có xuất phát từ sự tin yêu Thiên Chúa thật sự, tin rằng Người là Đấng cứu độ tất cả mọi người, hay chỉ dựa vào những luật lệ qua lại?
3. Xét lại lòng yêu mến của tôi theo bài ca đức mến của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay, tôi có thật sự yêu Thiên Chúa hay yêu anh em mình không? Nếu chưa, tôi phải làm gì?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Ðức Giêsu Kitô đem Tin mừng cứu độ cho mọi dân tộc trên thế giới. Tất cả chúng ta được mời gọi tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô giữa thế giới hôm nay. Trong tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1. “Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và trung thành với sứ mạng ngôn sứ giữa thế giới hôm nay bằng một đời sống lành thánh, thấm nhuần và tỏa sáng niềm vui Tin Mừng.
2. Tại nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Viêt Nam vẫn còn những người đang đau khổ vì nạn kỳ thị, bất công, bạo lực. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng công lý, khát khao hòa bình, và luôn quan tâm giải quyết những bất ổn xã hội.
3. “Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu khi phải đối diện với những gian nan thử thách trong cuộc sống chứng tá luôn mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, và kiên trì trong đức mến.
4. “Đức mến cao trọng hơn cả và không bao giờ qua đi.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhận ra Chúa Kitô nơi anh chị em mình, và biết cảm thông chia sẻ cũng như tận tâm giúp đỡ nhau bằng tình yêu thương huynh đệ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa luôn dủ thương mọi tâm hồn khiêm tốn chân thành. Xin lắng nghe những ước nguyện của dân Chúa, và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con luôn tích cực chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho muôn người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

SCĐ CN 4 TN.C
Chủ đề :
Ngôn sứ bị từ chối

"Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực"
(Lc 4,29)
Sợi chỉ đỏ :
Nhiệm vụ làm ngôn sứ thật là bạc bẽo : Thời Cựu Ước, ngôn sứ Giêrêmia đã bị dân mình bách hại (bài đọc I) ; Thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng bị những người đồng hương Nadarét muốn xô xuống vực thẳm (Bài Tin Mừng). Nhưng các ngôn sứ vẫn can đảm thi hành sứ mạng của mình vì các ngài dựa vào Thiên Chúa (đáp ca).

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Tục ngữ có câu "Lời thật mất lòng". Chúa Giêsu ưu tiên loan Tin Mừng cho những người đồng hương của Ngài ở Nadarét, thế mà họ lại xua đuổi Ngài. Thời bây giờ cũng vậy, nhiều người không muốn nghe những lời xây dựng chân thành, thậm chí còn ghét những người nói thẳng nói thật.
Hôm nay chúng ta hãy suy gẫm về thực tế chua chát ấy, và xin Chúa giúp chúng ta đừng rơi vào thói xấu ấy.

II. Gợi ý sám hối
- Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con bỏ ra ngoài tai những lời xây dựng chân thành của kẻ khác.
- Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con có phản ứng không tốt với người khác chỉ vì họ đã nói thẳng nói thật.
- Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con đối xử bất công : vui vẻ với người khen nịnh, và khó chịu với người chân thành góp ý.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Gr 1,4-5,17-19)
Giêrêmia tự thuật về việc Thiên Chúa gọi ông làm ngôn sứ : Thực ra Giêrêmia không muốn làm ngôn sứ chút nào cả vì ông biết mình không có khả năng, và ông cũng ý thức rằng ông sẽ gặp rất nhiều chống đối và đau khổ vì nhiệm vụ ấy. Nhưng vì tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa nên ông đã can đảm đáp lại lời Chúa gọi.
2. Đáp ca (Tv 70)
Thánh vịnh 70 quãng diễn tâm tình của ngôn sứ Giêrêmia. Đó là tâm tình cậy trông và phó thác : "Con ẩn náu bên Ngài lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ… Xin Ngài như núi đá cho con tru ẩn, như thành trì để cứu độ con".
3. Tin Mừng (Lc 4,21-30)
Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương Ngài :
1. Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.
2. Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng, vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không của riêng ai.
3. Thất vọng, dân Nadarét đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.
4. Bài đọc II (1 Cr 12,31--13,13) (Chủ đề phụ)
Sau khi giải thích cho tín hữu Côrintô về các đặc sủng nhằm phục vụ cộng đoàn (Chúa nhật trước), Thánh Phaolô nói đến ân sủng cao quý nhất trong mọi ân sủng, đó là Đức Mến.
- Đức Mến làm cho các ơn khác có giá trị thực ("Giả như tôi có nói được các thứ tiếng… mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng").
- Đức Mến cao trọng hơn mọi nhân đức khác ("Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến")
IV. Gợi ý giảng
* 1. Cần có ngôn sứ
Mỗi thời kỳ lịch sử đều có ngôn sứ. Mỗi thời kỳ lịch sử đều cần ngôn sứ. Bởi vì "ngôn sứ" là sứ giả của Lời Chúa, nếu không có ngôn sứ thì có thể Lời Chúa sẽ bị yếu đi.
Thời Cựu Ước có các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Êdêkiên v.v. Thời Tân Ước có Chúa Giêsu, có các tông đồ… Thế kỷ XIII có Phanxicô Assidi… Thế kỷ XVII có Vinh Sơn Phaolô… Thế kỷ XX có Têrêsa Calcutta v.v.
Thực ra con người ngôn sứ chẳng có gì khác lạ hơn người thường : dân làng Nadarét đã nhận định về Chúa Giêsu "Ông ta chẳng phải là con bác thợ mộc Giuse đó sao ?" Ở một vài phương diện nào đó, ngôn sứ còn thua kém người khác nữa : Giêrêmia đã thành thật thưa với Chúa "Lạy Chúa, con không biết nói. Con chỉ là một đứa trẻ".
Nhưng ngôn sứ hơn người là do Lời Chúa : ngôn sứ nghe được Lời Chúa, tin tưởng vào Lời Chúa, và nhiệt thành chuyển đạt Lời Chúa đến cho mọi người.
Dù "hơn người", nhưng không hẳn ngôn sứ được người quý mến, trái lại thường bị người chống đối và bách hại, bởi vì "Lời thật mất lòng".
Tuy thường bị người ta đối xử tệ, nhưng ngôn sứ chính là kẻ làm ơn cho người. Nhờ ngôn sứ nhắc người ta sống đúng lời Chúa.
Sứ mạng ngôn sứ rất khó khăn và bạc bẽo. Nhưng ngôn sứ sẽ chu toàn sứ mạng nhờ cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa.
Qua bí tích Rửa Tội, mỗi kitô hữu chúng ta đều được Chúa trao sứ mạng là ngôn sứ của Ngài.
* 2. Kiên vững – Dịu hiền
Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại cùng nhau thề thốt. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không chịu thề.
Thôi Trữ bảo Án Tử : "Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước, thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức".
Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử vẫn không biến sắc, ung dung nói rằng :
"Lấy lợi nhử người ta, bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân ; lấy binh khí hiếp người ta, làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc bất nhân của nhà ngươi đâu".
Thôi Trữ nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy, ung dung bước ra.
*
Thôi Trữ quyền hành là thế, mà chỉ một câu nói của Án Tử cũng đủ làm ông phải chùn bước. Thế mới biết sự thật có sức mạnh hơn bạo lực quyền uy.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại : "Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành : Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi" (Lc 4,29-30). Chúa Giêsu chính là Sự Thật tuyệt đối, nên từ nơi Người toát ra sức mạnh phi thường, khiến đám người bạo động phải đứng như trời trồng để Người đi qua.
Những người đồng hương với Chúa Giêsu cảm thấy khó chịu, vì họ không thể tin rằng "Thần khí Chúa" lại ngự xuống trên con ông Giuse thợ mộc.
Họ cảm thấy nghi ngờ, vì họ không thể chấp nhận một con người nghèo khổ làng Nadarét lại là tiên tri, là Đấng Thiên sai.
Họ càng căm phẫn, khi con người ấy không chịu thực hiện những phép lạ mà họ yêu cầu. Thế là bạo động nảy sinh, họ muốn tiêu diệt Người cho khuất mắt. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói :"Không một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình" (Lc 4,24).
Thế mới ứng nghiệm lời ông Simêon : "Trẻ này là dấu hiệu bị ngưới đời chống báng" (Lc 2,34). Lời tiên tri này còn theo Người suốt cả cuộc đời.
Nếu dân làng Nadarét ép Chúa Giêsu làm phép lạ để minh chứng Người là tiên tri, thì các đầu mục Do thái cũng đòi Chúa Giêsu chứng minh giáo lý của Người là chính thống.
Nếu dân làng Nadarét tố cáo Chúa Giêsu là lộng ngôn phạm thượng, thì các người Pharisêu cũng kết tội Người dựa vào thế giá cửa quỉ vương.
Nếu dân làng Nadarét cố tìm cách giết Chúa Giêsu, thì dân thành Gíêrusalem cũng quyết tâm đóng đinh Người trên thập giá.
Mỗi người tín hữu Kitô đều có thể hiểu được thế nào là bị xua đuổi, bị loại trừ, bị kỳ thị và bị bỏ rơi, vì "Nếu thế gian đãghen ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Ta trước" (Ga 15,18), nhưng ít có ai cảm nhận được tâm trạng của Chúa Giêsu vào những lúc như thế này : Người có căm thù những kẻ ruồng rẫy Người không ? Người có đầu hàng trước nghịch cảnh này chăng ? Nói như Martin Luther King : "Tôi vui mừng vì Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa có tinh thần kiên vững và con tim dịu hiền".
Vâng, nếu Thiên Chúa chỉ là Đấng có tinh thần kiên vững, thì Người sẽ là một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng, ngự trị tại một nơi nào đó trên chốn trời cao để ngắm nhìn thế sự thăng trầm. Nhưng nếu Người chỉ là Đấng có con tim dịu hiền, thì Người sẽ là một Thiên Chúa uỷ rnị nhu nhược, không thể hành động khi mọi sự đi lệch hướng.
Đứng trước cảnh bị ruồng rẫy hôm nay, con tim của Người không hề chai đá và tinh thần của Người không chút bạc nhược. Người có tinh thần đủ kiên vững để vượt trên thế giới, và có con tim đủ dịu hiền để ở giữa con người.
Nếu có một bài học nào được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay thì đó chính là : Thiên Chúa mạnh mẽ vô song, có thể "băng qua giữa họ mà đi", nhưng Người cũng là Đấng giàu lòng thương xót. Khi chúng ta ngỗ nghịch xúc phạm đến Người, khi chúng ta muốn "xô Người xuống vực thẳm", thì chúng ta cần biết rằng, chính lúc đó Người đang yêu thương chúng ta và sẵn sàng cho chúng ta một cơ hội để quay trở về.
Thiên Chúa là Đấng có tinh thần kiên vững trong phán quyết công minh, nhưng Người cũng là Đấng có tính dịu hiền trong tình thương và ân sủng.
Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ cho hết mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một số người được đặc ân.
Thiên Chúa ban ân sủng Cứu độ để chúng ta sinh ích cho mình và làm lợi cho anh em, chứ không phải để chúng ta khư khư giữ lấy cho riêng mình.
*
Lạy Chúa, Tiên Tri là ơn gọi và là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng con.
Xin cho chúng con luôn can đảm nói điều Chúa muôn nói, và nói nhân danh Chúa, cho dù có phải bị chống đối, phẫn nộ.
Xin cho chúng con luôn xác tín rằng : Chúa đầy quyền năng cả nhưng cũng rất giàu lòng xót thương, luôn dẫn dắt chúng con từ những hố sâu tăm tối đến những nẻo đường chan hoà ánh sáng, tràn đầy hy vọng, nhờ đó, cuộc đời chúng con được viên mãn. Amen (TP)
3. Ưu tiên cho ai ?
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với dân làng Nadarét ban đầu rất tốt đẹp : "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài". Nhưng sau đó là đổ vỡ hoàn toàn : "Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy lôi Ngài ra khỏi thành… Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực"
Nguyên do gây đổ vỡ là quan niệm về ưu tiên. Dân làng Nadarét nghĩ rằng Chúa Giêsu phải ưu tiên cho họ, bởi vì họ là đồng hương của Ngài. Ngài đã từng làm phép lạ ở thành Capharnaum xa lạ thì Ngài phải làm nhiều phép lạ hơn nữa ở Nadarét này mới phải, vì đây chính là quê hương của Ngài kia mà : "Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào". Phần Chúa Giêsu thì muốn dành ưu tiên cho những người nghèo khổ : "Thần khí Chúa ngự trên tôi… để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…"
Nói cách khác, dân làng Nadarét muốn ưu tiên theo tình cảm, còn Chúa Giêsu thì chủ trương ưu tiên theo sứ mạng. Tình cảm thường hẹp hòi, sứ mạng thì bao la. Tình cảm thường mù quáng, sứ mạng mới sáng ngời.
Chúng ta thường bị tình cảm làm mù quáng và lệch lạc, ngay cả khi chúng ta làm việc bác ái và làm công tác tông đồ. Gương Chúa Giêsu nhắc ta phải luôn ý thức đến sứ mạng. Nếu có ưu tiên thì hãy ưu tiên cho những người nghèo nàn, khổ sở.
* 4. Trở lại quê hương
Sau nhiều năm xa cách ngôi làng Transkei là nơi ông đã sinh ra và lớn lên, Nelson Mandela có dịp trở lại đấy. Lúc bấy giờ ông đã là một luật sư có nhà cửa ở thủ đô Johannesburg. Ông đã ghi lại cảm tưởng như sau : "Trở lại một nơi chẳng có gì thay đổi để khám phá ra rằng mình đã đổi thay. Quê hương thì vẫn như xưa, chẳng có gì khác hơn hồi mình sinh ra và lớn lên ở đấy. Nhưng tôi nhận ra rằng suy nghĩ và cách nhìn của mình đã khác xưa rất nhiều". Vì thế Nelson Mendela rất hạnh phúc khi trở về thăm lại quê cũ, nhưng ông không ở lại đó, vì nó đã trở thành quá chật hẹp đối với ông.
Có lẽ cảm nghĩ của Chúa Giêsu cũng giống như thế khi Ngài trở về Nadarét. Những người đồng hương của Ngài chẳng có gì thay đổi : họ vẫn mãi coi Ngài là con bác thợ mộc chứ không phải là Đấng Messia ; họ vẫn quen lối suy nghĩ hẹp hòi cho rằng ơn cứu độ là đặc ân của người do thái, chứ không thể chấp nhận rằng mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.
Chúa Giêsu trở về quê hương để mang cho đồng hương của Ngài một sự đổi mới. Tuy nhiên họ không chịu thay đổi. Vì thế nên Ngài không thể ở lại quê hương, Ngài đành ra đi, tiếp tục đến những nơi khác. (FM)
5. Đức Mến
Có một sự liên kết thiết yếu giữa Đức Tin và Đức Mến. Câu chuyện sau đây cho thấy rõ điều ấy :
George Herbert là một Linh mục, một thi sĩ và một nhạc sĩ nghiệp dư. Một hôm khi ông đang trên đường đến tham dự một cuộc hòa nhạc thì gặp một người nghèo bị té ngựa. Ông đã dừng lại, cởi áo dòng, xắn tay áo để đỡ người ấy lên, đỡ con ngựa lên và giúp chất hành lý người ấy lên lưng ngựa. Xong xuôi mọi chuyện, ông mới tiếp tục đến phòng hòa nhạc.
Bình thường ông ăn mặc rất sạch sẽ. Nhưng hôm nay tay chân và quần áo của ông đều dính đầy bụi bẩn. Vì thế bạn bè rất ngạc nhiên. Khi ông kể lại chuyện mình đã làm dọc đường thì một trong các người bạn tỏ ra không đồng ý vì cho rằng việc đó không cần thiết và cũng không phải là trách nhiệm của ông. George Herbert đã trả lời như sau : "Tôi thường cầu nguyện cho những người nghèo khổ. Hôm nay tôi có dịp giúp đỡ người nghèo khổ. Nếu tôi không ra tay giúp thì tức là tôi không làm đúng như lời mình cầu nguyện. Cũng giống như cây đàn chưa lên dây đúng cung vậy."
Thánh Giacôbê đã nói : "Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết". Những việc làm biểu lộ đức tin dễ thấy nhất là những việc bác ái.
Ngày nay, hai chữ được người ta nói nhiều nhất là "tình yêu". Nhưng hình như cái mà người ta gọi là tình yêu trong các phim ảnh và bài hát thường chẳng phải là tình yêu gì cả. Đó chỉ là khát vọng, chiếm hữu và chế ngự. Nó ngược hẳn với tình yêu.
Một trong những lý do là ngày nay người ta đã hiểu rõ hơn về tính phức tạp – hay phức hợp – trong bản chất con người. Từ đó người ta làm gì cũng do bị thúc đẩy bởi nhiều động cơ. Đàng sau một việc xem ra bất vụ lợi thì cũng có động cơ vụ lợi.
Bởi thế, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta coi chừng những động cơ đàng sau những việc tốt chúng ta làm. Ngài nói rằng Đức Mến đích thực thì "không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc". Ngài còn nói "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi". (FM)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu những lời Kinh thánh chúng ta vừa nghe. Nhờ Người, chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời nguyện xin tha thiết của chúng ta :
1. Hội thánh được Chúa Giêsu thiết lập để đem Tin mừng đến cho muôn dân trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho công cuộc rao giảng Tin mừng của Hội thánh / luôn đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
2. Khát vọng sâu xa nhất của con người ngày nay / là được sống trong hòa bình và thịnh vượng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Chúa / ban hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.
3. Hiện nay đức tin / đức cậy / đức mến / cả ba đều tồn tại / nhưng cao trọng hơn cả là đức mến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / luôn cố gắng sống trọn vẹn nhân đức quan trọng này.
4. Nhờ bí tích Thánh Tẩy / người Kitô hữu trở nên anh em với nhau / vì có cùng một niềm tin và một Cha chung trên trời / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết dẹp bỏ mọi kỳ thị hẹp hòi / những chia rẽ bất hòa / để tất cả chúng ta nên một trong Chúa.
Chủ tế : Lạy Chúa, Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con luôn biết vâng nghe lời Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta đang ở trong ngôi Nhà Thờ này như những anh chị em ruột thịt sum họp trong mái ấm gia đình. Đúng vậy, vì chúng ta đều là con của cùng một Cha chung trên trời. Giờ đây chúng ta hãy nghĩ đến Cha chúng ta và hãy cùng nhau thưa chuyện với Ngài qua lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Do Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được chia xẻ sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy can đảm thi hành sứ mạng vừa cao đẹp vừa khó khăn ấy. Nguyện xin ơn sủng Chúa luôn phù giúp anh chị em. Chúc anh chị em ra về bình an.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật IV Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 31 Tháng 1, 2016
Chúa Giêsu liên kết Kinh Thánh với đời sống
Dân làng Nagiarét không phục Chúa Giêsu và xua đuổi Người
Lc 4:21-30


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc  

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong Chúa Nhật Thứ Tư mùa Thường Niên, phần Phụng Vụ trình bày cho chúng ta về cuộc xung đột xảy ra giữa Chúa Giêsu và dân chúng làng Nagiarét.  Điều này xảy ra vào một ngày Thứ Bảy trong lúc cử hành Lời Chúa tại hội đường cộng đoàn, sau khi Chúa Giêsu đọc đoạn Kinh Thánh trích từ sách tiên tri Isaia.  Chúa Giêsu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia như để giới thiệu chương trình hoạt động của mình và lập tức bổ sung một lời nhận xét rất ngắn gọn.  Thoạt đầu, tất cả mọi người đều kinh ngạc và vui mừng.  Nhưng khi họ nhận ra được tầm quan trọng của chương trình của Chúa Giêsu liên quan tới đời sống của mình, họ nổi loạn và muốn giết Chúa.  Những loại mâu thuẫn này vẫn còn tồn tại cả đến ngày nay.  Chúng ta chấp nhận người khác, miễn là họ hành động phù hợp với ý tưởng của chúng ta, nhưng khi họ quyết định đón nhận vào trong cộng đoàn những người mà chúng ta loại bỏ, thì chúng ta chống đối.  Đây là những gì đã xảy ra tại làng Nagiarét.
  
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này bắt đầu với câu 21, một lời nhận xét ngắn của Chúa Giêsu.  Chúng tôi mạn phép bao gồm cả lời nhận xét trong các câu 16 đến 20 dẫn trước đó.  Điều này cho phép chúng ta có thể đọc văn bản sách Isaia được trích dẫn bởi Chúa Giêsu và để hiểu rõ hơn về cuộc xung đột, đó là kết quả của việc đọc văn bản này cùng với lời nhận xét ngắn gọn.  Khi đọc, thiết tưởng chúng ta nên lưu ý hai điều:  “Chúa Giêsu khiến cho lời của ngôn sứ Isaia trở thành hiện thực bằng cách nào?  Dân chúng nảy sinh những phản ứng gì về việc hiện thực hóa lời của ngôn sứ Isaia?”     

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 4:16:  Chúa Giêsu đến Nagiarét và tham gia vào việc hội họp cộng đồng
Lc 4:17-19:  Chúa Giêsu đọc sách của tiên tri Isaia
Lc 4:20-21:  Chúa Giêsu liên kết Kinh Thánh với đời sống trước mặt dân làng đang chăm chú lắng nghe
Lc 4:22:  Phản ứng mâu thuẫn của công chúng
Lc 4:23-24:  Chúa Giêsu chỉ trích phản ứng của dân chúng
Lc 4:25-27:  Chúa Giêsu làm sáng tỏ lời Kinh Thánh, trích dẫn lời ngôn sứ Êlia và Êlisa
Lc 4:28-30:  Phản ứng tức giận của những người muốn giết Chúa Giêsu  

c) Tin Mừng:

16 Người đến Nagiarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. 17 Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: 18 "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa".  
20 Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". 22 Mọi người đều tán thành cho Người và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.  Họ bảo nhau: "Người này không phải là con ông Giuse đó sao?" 23 Người nói với họ: "Hẳn các ông muốn nói với Tôi câu tục ngữ này: 'Thầy lang ơi, hãy chữa lấy chính mình!'  Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphárnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!"  24 Người nói tiếp: "Ta bảo thật các ông:  không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 Thật vậy, tôi nói cho các ông hay:  vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel; 26 thế mà, ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Sarépta miền Siđon. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi".
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng đã làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn nhất?  Tại sao?
b)  Vào ngày nào, tại đâu, qua những ai và bằng cách nào mà Chúa Giêsu trình bày chương trình của mình?         
c)  Nội dung chương trình của Chúa Giêsu là gì?  Ai là những người bị loại trừ mà Chúa Giêsu muốn đón chào? 
d)  Chúa Giêsu đã hiện thực hóa lời của ngôn sứ Isaia bằng cách nào? 
e)  Người ta phản ứng như thế nào?  Tại sao?
f)  Chương trình của Chúa Giêsu có thể nào cũng là chương trình của chúng ta không?  Những người đang bị loại trừ mà chúng ta nên đón nhận vào trong cộng đoàn chúng ta ngày nay là ai?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh lịch sử để định vị văn bản:  

Trong xã hội Do Thái thời xưa, một đại gia đình hoặc một dòng họ hoặc cộng đồng, là căn bản của đời sống xã hội.  Nó cung cấp sự bảo vệ cho gia đình và người thân, nó bảo đảm sự sở hữu đất đai, nó là phương tiện chủ yếu của truyền thống và sự bảo vệ danh phận của người ta.  Nó là phương cách cụ thể cho tình yêu Thiên Chúa nhập thể trong tình yêu tha nhân.  Bảo vệ gia tộc, cộng đồng, tương đương với việc bảo vệ Giao Ước với Thiên Chúa.
Vào thời Chúa Giêsu, một chế độ nô lệ đôi đã được đóng dấu trên đời sống của người dân và góp phần vào sự tan rã của gia tộc, cộng đồng:  (i) chế độ nô lệ chính trị của chính quyền vua Hêrôđê Antipa (từ năm thứ tư trước Công Nguyên đến năm 39 sau Công Nguyên) và (ii) chế độ nô lệ của các chức sắc tôn giáo.  Bởi vì sự khai thác và đàn áp của chế độ chính trị của vua Hêrôđê, được hỗ trợ bởi đế chế La Mã, nhiều người đã không có một mái nhà cố định và bị loại trừ và thất nghiệp (Lc 14:21; Mt 20:3,5-6).  Gia tộc, cộng đồng, đã bị suy yếu.  Gia đình và người thân thuộc đã không giúp đỡ, không bảo vệ.  Các chức sắc tôn giáo, được duy trì bởi các người có thẩm quyền về tôn giáo thời bấy giờ, thay vì củng cố cộng đồng để họ có thể đón chào những kẻ bị loại trừ, lại đi thêm sức cho chế độ nô lệ này.  Lề Luật Thiên Chúa đã được dùng để hợp thức hóa việc loại trừ hay gạt ra ngoài lề xã hội của nhiều người:  phụ nữ, trẻ em, người Samaritanô, khách ngoại kiều, người phong cùi, kẻ bị quỷ ám, người thu thuế, người bệnh tật, người què cụt tàn tật, kẻ bại liệt. Trái với tình huynh đệ mà Thiên Chúa mơ ước cho tất cả mọi người!  Do đó, tình trạng chính trị kinh tế lẫn hệ thống tư tưởng tôn giáo đã âm mưu với nhau làm suy yếu cộng đồng địa phương và ngăn cản sự biểu lộ của Vương Quốc Thiên Chúa.
Chúa Giêsu phản ứng với tình trạng này với dân của Người và trình bày một chương trình mà sẽ thay đổi nó.  Kinh nghiệm của Đức Giêsu về Thiên Chúa là tình yêu của Chúa Cha, ban cho Người khả năng đánh giá thực tại và nhìn thấy những gì sai trái với đời sống của dân mình.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 4:16:  Chúa Giêsu đến Nagiarét và tham gia vào việc hội họp tại hội đường
Được quyền năng Thần Khí Chúa thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilêa và bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Vương Quốc Thiên Chúa (Lc 4:14).  Người đi đến các làng mạc rao giảng trong các hội đường và cuối cùng đến làng Nagiarét.  Người trở về cộng đoàn, nơi từ thuở ấu thơ trong ba mươi năm, Người đã tham dự vào các buổi nhóm họp hằng tuần.  Vào ngày Thứ Bảy sau khi đến Nagiarét, Đức Giêsu, như thường lệ, đi vào hội đường để tham gia vào việc cử hành nghi thức và đứng lên để đọc.

Lc 4:17-19:  Chúa Giêsu đọc một đoạn Kinh Thánh trích từ sách tiên tri Isaia  
Vào thời ấy, có hai bài đọc trong buổi lễ cử hành ngày Thứ Bảy.  Bài đọc thứ nhất liên quan đến Lề Luật của Thiên Chúa, được trích từ sách Ngũ Kinh và cố định.  Bài thứ hai được trích từ những cuốn sách về lịch sử hoặc sách các tiên tri, và được chọn bởi người đọc.  Người đọc có thể lựa chọn.  Đức Giêsu đã chọn bài trích từ sách tiên tri Isaia để trình bày bản tóm tắt sứ vụ của Người Tôi Tớ Chúa, và cũng nó cũng phản ảnh tình cảnh người dân miền Galilêa vào thời bấy giờ.  Nhân danh Thiên Chúa, Đức Giêsu đảm trách nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của dân tộc Ngài, lãnh nhận sứ vụ Tôi Tớ Chúa, và dùng lời ngôn sứ Isaia, công bố trước tất cả mọi người:  “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61:1-2).  Người áp dụng truyền thống cổ xưa của các ngôn sứ và công bố “năm hồng ân của Chúa”.  Lời bày tỏ này tương đương với việc công bố năm thánh, hoặc là, Chúa Giêsu mời gọi dân chúng của làng mình bắt đầu đổi mới, viết lại lịch sử từ tận gốc rễ của nó (Đnl 15:1-11; Lv 25:8-17).   

Lc 4:20-21:  Chúa Giêsu liên kết Kinh Thánh vời đời sống trước mặt dân làng đang chăm chú lắng nghe
Khi Người đọc xong, Chúa Giêsu cuốn sách lại, trao cho người giúp việc hội đường và ngồi xuống.  Khi ấy Đức Giêsu chưa phải là người điều hợp của cộng đồng, Người là một tín hữu bình thường và nên chỉ tham dự vào việc cử hành nghi thức như tất cả những người khác.  Người đã trẩy đi xa khỏi cộng đồng trong nhiều tuần, sau đó đã tham gia hoạt động của Gioan Tiền Hô và đã nhận lãnh phép rửa bởi Gioan trong sông Giođan (Lc 3:21-22).  Hơn thế nữa, Người đã trải qua hơn bốn mươi ngày trong sa mạc, suy gẫm về sứ vụ của mình (Lc 4:1-2).  Ngày Thứ Bảy sau khi trở về với cộng đồng, Chúa Giêsu được mời đọc sách.  Tất cả mọi người đều chăm chú và tò mò:  “Ông ta sẽ nói gì?”  Lời nhận xét của Chúa Giêsu thì ngắn gọn, thực sự rất ngắn gọn.  Người hiện thực hóa văn bản, liên kết nó với đời sống dân chúng nói rằng:  “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Lc 4:22:  Phản ứng mâu thuẫn của dân chúng
Phản ứng của dân chúng thật là mâu thuẫn.  Thoạt đầu, thái độ của họ là của những người chăm chú, kinh ngạc và tán tụng.  Sau đó, ngay lập tức, lại có phản ứng tiêu cực.  Họ nói:  “Người này không phải là con ông Giuse đó sao!”  Tại sao họ lại cảm thấy chướng tai gai mắt như thế?  Bởi vì Đức Giêsu nói về việc đón tiếp người nghèo khó, kẻ mù lòa, người bị giam cầm và áp bức.  Họ không chấp nhận đề nghị của Người.  Và như thế, chỉ khi Chúa Giêsu trình bày dự án của mình để chào đón những kẻ bị loại trừ, thì chính Người lại bị loại trừ!
Nhưng cũng có một động cơ khác.  Điều quan trọng cần lưu ý đến các chi tiết về lời trích dẫn mà Chúa Giêsu trích từ Cựu Ước.  Trong lời nhận xét ở các câu Lc 3:4-6 vào ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, Luca có đưa ra một lời trích dẫn từ sách tiên tri Isaia dài hơn để cho thấy rằng việc mở cửa cho các dân ngoại đã được báo trước bởi các ngôn sứ.  Ở đây chúng ta có điều tương tự như thế.  Đức Giêsu trích dẫn lời từ sách Isaia cho đến chỗ nói rằng:  “công bố năm hồng ân của Chúa”, và bỏ ra phần còn lại của câu nói rằng “và một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta, Người sai tôi đi an ủi tất cả những kẻ khóc than” (Is 61:2b).  Dân chúng làng Nagiarét thách thức sự thật Chúa Giêsu đã bỏ bớt phần minh chứng.  Họ muốn Ngày sắp đến của Vương Quốc Nước Trời phải là ngày báo phục lại những kẻ đã áp bức người dân.  Do đó, những ai khóc than sẽ được hồi phục lại quyền của họ. Dù sao chăng nữa, sự trông đợi, Nước Thiên Chúa sắp đến sẽ không thay đổi bộ máy bất công.  Đức Giêsu bác bỏ lối suy nghĩ này, Người từ chối việc trả thù.  Kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa, Chúa Cha, đã giúp Người hiểu rõ hơn về ý nghĩa chính xác của những lời tiên tri.  Phản ứng của Người, không giống như của người dân làng Nagiarét, cho chúng ta thấy rằng hình ảnh cũ về Thiên Chúa như một vị quan tòa nghiêm khắc và hay báo thù thì mạnh mẽ hơn là hình ảnh Thiên Chúa của Tin Mừng, một Chúa Cha yêu thương luôn đón chào những kẻ bị loại trừ.

Lc 4:23-24:  Chúa Giêsu chỉ trích phản ứng của người dân
Đức Giêsu diễn giải phản ứng của người dân và xem đó như là một hình thức ganh tị:  “Thày lang ơi, hãy chữa lấy mình!  Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Cápharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”  Danh tiếng Chúa Giêsu đã lan tràn khắp cả miền Galilêa (Lc 4:14) và dân làng Nagiarét đã không được hài lòng rằng Chúa Giêsu, một người con từ miền đất của họ, đã làm những điều tốt đẹp nơi miền đất người khác mà không làm tại đất nhà mình. Nhưng có một lý do sâu xa hơn cho phản ứng này.  Ngay cả khi Chúa Giêsu đã làm tại Nagiarét những việc Người đã làm tại Cápharnaum, họ vẫn không chịu tin Người.  Họ biết Chúa Giêsu:  “Ông ta là ai mà dạy dỗ chúng ta?  Người ấy không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4:22).  “Ông này không phải là bác thợ mộc sao?” (Xem Mc 6:3-4).  Ngày nay cũng vậy, điều này xảy ra quá thường xuyên:  khi một giáo dân rao giảng trong nhà thờ, nhiều người sẽ không chấp nhận điều đó. Họ bỏ đi và nói:  “Ông đó hoặc bà đó cũng như chúng ta thôi:  họ biết gì mà nói!” Họ không thể tin rằng Thiên Chúa có thể nói qua những người bình thường nhất. Thánh Máccô thêm rằng Chúa Giêsu đau lòng vì sự cứng lòng của dân Người (Mc 6:6).

Lc 4:23-27:  Chúa Giêsu làm sáng tỏ lời Kinh Thánh, trích dẫn lời ngôn sứ Êlia và Êlisa
Để xác nhận rằng sứ vụ của Người thực sự là việc đón chào những kẻ bị loại trừ, Chúa Giêsu dùng hai đoạn Kinh Thánh nổi tiếng, câu chuyện của ngôn sứ Êlia và của Êlisa.  Cả hai cho thấy tâm lý khép kín của người dân Nagiarét, và phê bình họ.  Trong thời tiên tri Êlia, có nhiều bà góa trong Israel, nhưng tiên tri Êlia đã được sai đến với một bà góa dân ngoại vùng Sarépta (1 V 17:7-16).  Vào thời tiên tri Êlisa, cũng có nhiều người phong cùi trong Israel, thế mà tiên tri Êlisa đã được sai đến với một dân ngoại người Syria (2 V 5:14).  Một lần nữa, mối quan tâm của Luca cho thấy rằng sự cởi mở ra với dân ngoại đến từ chính Chúa Giêsu.  Đức Giêsu cũng đã phải đối mặt với những khó khăn giống như các cộng đoàn trong thời Luca đã gặp.

Lc 4:28-30:  Phản ứng tức giận của những người muốn giết Chúa Giêsu
Việc đề cập đến hai đoạn Kinh Thánh này tạo ra sự căm phẫn hơn trong dân chúng.  Cộng đồng Nagiarét thậm chí còn muốn giết Chúa Giêsu.  Người vẫn giữ bình tĩnh.  Sự giận dữ của người khác sẽ không khiến cho Chúa phân tâm khỏi mục đích của mình.  Luca cho thấy để khắc phục được trạng thái tâm lý đặc quyền và đóng cửa đối với người khác thì khó khăn như thế nào.  Điều tương tự cũng xảy ra vào ngày nay.  Nhiều người Công Giáo trong chúng ta lớn lên với một não trạng khiến chúng ta tin rằng mình thì tốt lành hơn những người khác và người khác phải trở nên giống chúng ta để được cứu rỗi.  Chúa Giêsu không bao giờ nghĩ theo cách này.

c)  Phần phụ chú:

§  Ý nghĩa của Năm Thánh:

Vào năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi người Công Giáo cử hành Năm Thánh.  Việc cử hành những ngày quan trọng là một phần của đời sống. Điều này cho phép chúng ta tái khám phá và làm sống lại nhiệt tình ban đầu của chúng ta.  Trong Kinh Thánh, “Năm Thánh” là một quy luật quan trọng.  Lúc đầu, đã có sắc lệnh là mỗi năm thứ bảy, đất bán hoặc cho thuê phải được trả về với gia tộc đầu tiên.  Mọi người có thể quay trở về với tài sản của mình.  Điều này ngăn chặn việc kinh tế bị ứ đọng và bảo đảm đời sống cho các gia đình.  Trong Năm Thánh, đất đai được bán lại, nô lệ được chuộc lại, các trái nợ được hủy bỏ (xem Đnl 15:1-18).  Việc cử hành Năm Thánh vào mỗi bảy năm không phải là dễ dàng (xem Gr 34:8-16).  Sau thời gian lưu đày, tục lệ cử hành Năm Thánh mỗi 50 năm bắt đầu, đó là, mỗi bảy lần của bảy năm (Lv 25:8-17).  Mục đích của Năm Thánh đã và vẫn còn là để khẳng định các quyền hạn của người nghèo khó, đón chào những kẻ bị loại trừ và tái hòa nhập họ vào trong xã hội.  Năm Thánh là một công cụ pháp lý để trở lại ý thức sâu sắc về Lề Luật Thiên Chúa.  Đó là dịp để cho của cải được luân lưu, để khám phá và sửa chữa các lỗi lầm và bắt đầu mọi thứ một lần nữa.  Chúa Giêsu bắt đầu việc rao giảng của Người bằng cách công bố Năm Thánh, “Năm Hồng Ân của Chúa”.

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 72 (71)

“Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó đang khóc than!”

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!

Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tácsít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Sơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.

Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Israel,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
Amen! Amen!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét