03/02/2016
Thứ Tư tuần 4 thường niên.
Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm
24, 2. 9-17
"Chính con đã phạm tội,
nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu?"
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, vua Ðavít
nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: "Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc
Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số".
Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng
cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía
Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.
Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi
hộp và thưa cùng Chúa rằng: "Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã
làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại
dột". Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị
tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: "Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa
phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi
hành". Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: "Hoặc ngài phải chịu bảy năm
đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt
bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài
hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai
tôi". Ðavít trả lời cho Gad rằng: "Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay
Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ".
Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống
Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy
mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để
tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần
đang giết phạt dân chúng rằng: "Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại".
Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy
thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: "Chính con là kẻ
đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con
chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha
con".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).
Xướng: 1) Phúc thay người được
tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa
không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm
của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: "Con thú thực
cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Bởi thế nên mọi người tín hữu
sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào
ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. - Ðáp.
4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa
giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8,12
Alleluia, Alleluia. - Chúa phán:
"Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6,1-6
"Không một tiên tri nào mà
không bị khinh bỉ ở quê hương".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh
Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê
nhà và các môn đệ cùng theo Người.
Ðến ngày Sabát, Người vào giảng
trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng:
"Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu
tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà
Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với
chúng ta đây sao?"
Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ:
"Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng
mình".
Ở đó Người không làm phép lạ nào
được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng
tin.
Người đi rảo qua các làng chung
quanh mà giảng dạy.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Cuộc sống âm thầm
Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục
giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như
sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và
nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em
ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé
lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những con
chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà
hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm
được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan
Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ
của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế
giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc
giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của
Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo
và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời
căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh
nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến
thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ
nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại
Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong
giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn
lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống
kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật
âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong
cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn
cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ
những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ:
"Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng
hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng
Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài
đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị
trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị
những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị
và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con
Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của
những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của
chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống
mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở
thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 4 TN
Bài đọc: Heb 12:4-7, 11-15; II Sam 24:2,
9-17; Mk 6:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có tình yêu với những người thân cận của mình.
Con người thường bị chi phối bởi
ba tật xấu: tính ngoan cố, tính kiêu ngạo, và tính ghen tị.
Tính ngoan cố làm con người từ
chối nhận ra sự thật và sự sửa dạy. Tính kiêu ngạo làm mối liên hệ giữa con người
với Thiên Chúa và với tha nhân bị thiệt hại. Tính ghen tị làm con người không
còn sáng suốt để nhận ra những điều hay lẽ phải của người khác.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung
trong những mối tương quan của con người và nêu bật sự quan trọng của tình yêu.
Trong Bài đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa phải sửa phạt vua David vì tính kiêu ngạo
của nhà vua, Vua đã cho kiểm kê dân số để xem tài năng của mình đã làm cho đất
nước được hùng mạnh thế nào; vua quên đi người làm cho vương quốc được hùng mạnh
chính là Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường
và ghen tị của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được
những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền
của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường:
gia đình, họ hàng, và quê hương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Lạy Đức Chúa, con đã hành động rất ngu xuẩn!
2.1/ Vua David hối hận vì đã cho kiểm
tra dân số: Việc kiểm tra dân số tự nó
không có gì là xấu; nhưng ý hướng của David là nguyên do làm cho việc kiểm tra
thành xấu trước nhan Thiên Chúa. Vua David nghĩ ông là nguyên do của sự phát
triển phồn thịnh của Israel. Chính vua David đã cảm thấy áy náy trong lòng sau
khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua David thưa cùng Đức Chúa: "Con đã phạm
tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ
Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn."
Đã phạm tội, cần phải được sửa
phạt. Thiên Chúa cho David chọn hình phạt: "hoặc bảy năm đói trong toàn nước
ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn
dịch." Vua David không biết chọn điều nào, nên nói với ông Gath, người của
Thiên Chúa: "Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức
Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào
tay người phàm!"
2.2/ Vua David xin Đức Chúa phạt
mình thay vì toàn dân: Đức Chúa giáng ôn dịch xuống
Israel từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Dan tới Beer Sheba, có bảy
mươi ngàn người trong dân đã chết. Khi thấy sự việc xảy ra, vua David thưa với
Đức Chúa: "Chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã
làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!"
Nhiều người sẽ đồng ý với David,
vì tội ai làm người ấy chịu; chứ tại sao Thiên Chúa bắt người vô tội cũng phải
chịu hình phạt. Điều con người dễ quên là cả tội và phúc đều mang tính cộng
đoàn. Nếu mọi người đều phải chịu hình phạt do tội nguyên tổ, mọi người cùng được
hưởng phúc do công nghiệp của Đức Kitô. Tội kiêu ngạo không chỉ gây thiệt hại
cho đương sự, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của gia đình, cộng đoàn, và
xã hội. Thiên Chúa muốn cho vua David và mọi người chúng ta nhận thức rõ điều
này; để biết nghĩ đến sự thiệt hại cho tha nhân khi chúng ta cố tình trong tính
kiêu ngạo của mình.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.
3.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy
quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy
của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách
quan họ đã phải thốt lên: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn
ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa
là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến
ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa
hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa
vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hoàn cảnh xã hội.
3.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì
2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu
là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các tông-đồ, nghề thợ mộc được coi
như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ
những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-nam, “con vua thì lại làm
vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta
không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon
sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Có lẽ
Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc
tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là
các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc
tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã
làm.
3.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ
không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường
của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và
giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của
họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một
vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để
lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1)
chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình
mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có thể thành công trong cuộc
đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của
chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt
những khi chúng ta lầm lỗi.
- Kiêu ngạo là tội được liệt kê
đầu tiên trong "Bảy Mối Tội Đầu." Chúng ta phải khiêm nhường nhận ra
và tận diệt mọi mầm mống kiêu ngạo nếu có trong bản thân. Kiêu ngạo không chỉ
hành hạ cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, cộng đoàn, và xã hội.
- Ghen tị làm chúng ta mù quáng
và đối xử bất công với người khác. Để bảo toàn sự công bằng, chúng ta cần loại
bỏ ghen tị và vui mừng với những gì người khác đã làm hay đạt được. Chúng ta cần
có thái độ này nhất là với những người trong gia đình và cộng đoàn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
03/02/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo
Mc 6,1-6
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo
Mc 6,1-6
Suy niệm: Vậy là cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người
đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành
kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần
chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”.
Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn
hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn
(các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng
Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến
quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng,
người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che
khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ
may.
Mời Bạn: Nhớ
đến câu ngạn ngữ Anh: “Sự quen thuộc sinh ra lòng khinh thường”.
Các bí tích, nghi thức trong đời sống đạo, vợ chồng, bạn hữu, họ hàng, hội viên
đoàn thể… trong đời thường, có thể quá quen thuộc với bạn, khiến bạn coi
thường, và vì thế, nhiều khi bạn không nhận ra đúng giá trị của những điều,
những con người quen thuộc ấy.
Sống Lời Chúa: Tập
nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức tính nổi bật của những người sống quanh
mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con
không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.
(Rabbouni)
Quê
quán của Người
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình
thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi
ngày
Suy niệm:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng
Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng
vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có
môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách
thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c.
2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc
làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng
với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những
chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên
Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng
của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông
Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác
thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh
chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà
con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của
ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về
một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không
thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao
trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người,
ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói
trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới
biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét
xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình
thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen
gặp mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng
có lúc chúng con không tin Chúa
hiện
diện dưới hình bánh mong manh,
nơi
một linh mục yếu đuối,
trong
một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường
như Chúa thích ẩn mình
nơi
những gì thế gian chê bỏ,
để
chúng con tập nhận ra Ngài
bằng
con mắt đức tin.
Xin
thêm đức tin cho chúng con
để
khiêm tốn thấy Ngài
tỏ
mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG HAI
Trong Lãnh Vực Y Tế …
Trong các chuyến viếng thăm mục
vụ của tôi, nhất là tại những nước đang phát triển, tôi nhận thấy rằng lãnh vực
y tế là một lãnh vực đang khẩn thiết đòi ta phải đấu tranh cho con người. Chẳng
hạn, người ta ngày càng chú ý đến kỹ thuật, nhưng lại không phải bao giờ cũng
quan tâm bảo vệ quyền của con người.
Đau khổ, bệnh tật và chết chóc
là những thực tại rất căn bản của cuộc nhân sinh. Tất cả chúng ta phải cộng tác
với nhau để giải quyết – một cách đầy nhân tính – những vấn đề hệ lụy của các
thực tại ấy. Giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn bệnh của họ một cách bảo đảm phẩm
giá – đó chắc chắn là điều mà nhân loại kỳ vọng từ khoa học, từ kỹ thuật và từ
việc sử dụng thuốc men. Nhưng để được như thế, không thể không có một nhãn quan
sáng tỏ về bổn phận phải tuyệt đối tôn trọng con người. Con người là tạo vật
duy nhất siêu vượt trên thực tại vật chất – bởi vì con người không chỉ là vật
chất mà còn là tinh thần. Đó phải là điểm qui chiếu thường xuyên của chúng ta
trong lãnh vực y khoa, nếu chúng ta thực sự muốn tránh những hậu quả khôn lường
gây ra cho xã hội. Tôn trọng phẩm giá của nhân vị – đó là bổn phận của tất cả
chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03-2
Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa
Quanh Năm
2 Sm 24:2,9-17; Mc 6:1-6
Lời Suy Niệm: “Người đã không thể
làm được phép lạ tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành
họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.”
Chúa Giêsu đến đâu, tình thương
của Người đều được tỏ bày ở đó, Người ban đủ mọi ơn phúc và chữa lành các bệnh
tật cho tất cả những ai có lòng tin vào Người. Nhưng khi Người trở về quê quán
của Người thì người ta chỉ nhìn Người đơn thuần với con người Giêsu tầm thường,
con của bác thợ mộc, một người hàng xóm của họ, và họ chỉ ngạc nhiên về sự khôn
ngoan của Người. Chứ họ đã không tìm hiểu thấu đáo về Người, họ hời hợt với sự
có mặt của Người. Nên họ đã đánh mất những ơn lành đáng ra họ được nhận lãnh.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn yêu
thương và tôn trọng tự do của chúng con. Chúa luôn chờ đợi chúng con mở lòng
mình ra đón lấy Chúa vào cuộc sống của chúng con, Chúa muốn được đồng hành và
nâng đỡ chúng con trên mọi bước đi về Nhà Cha. Xin ban cho mọi thành viên trong
gia đình chúng con đặt hết niềm tin vào Chúa trong cầu nguyện cũng như những việc
làm của chúng con. Luôn biết phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự khôn
ngoan của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-02
Thánh ANSGARIÔ
Giám mục tông đồ các xứ Bắc Âu
(801-865)
Ansgariô (hay là Anskar theo Anh
ngữ) đã trở thành biệt danh Oscar ngày nay, có nghĩa là "cây lao của Thiên
Chúa". Ansgario gốc người Đức, sinh tại Picardia. Cha Ngài là một viên chức
trong triều đình vua Charlemagne, đã gởi Ngài theo học tại tu viện thánh Phêrô ở
Corbia. Cậu thiếu niên đã gặp được ở đó những bậc thầy có thế giá. Các môn học
trần tục làm Ngài say mê đến độ nơi tâm trí Ngài ý nghĩa tôn giáo ngày một lạc
phai. Nhưng một biến cố đã đánh động Ngài mạnh mẽ, nhà vua mà Ngài biết được là
rất nổi danh nơi triều đình đã chết.
Cái chết đó cho Ngài thấy được
tính cách hư không của mọi cái gọi là nhân bản và trần tục, Ngài cũng nhớ lại rằng:
hồi nhỏ khi mất mẹ, trong một giấc mơ, Ngài thấy Đức Trinh Nữ Maria hứa sẻ bảo
vệ Ngài luôn mãi, nếu biết giữ gìn đức tin và lòng mến. Sau cùng Ngài cảm thấy
rằng: Chúa muốn mình làm tông đồ. Từ đó Ngài không ngừng tiến tới trong việc học
hành cả về đạo lý lẫn việc đời, Ngài nhiệt thành làm tất cả những gì là tốt đẹp.
Những tiến bộ và nhiệt tâm ấy lớn lao đến nỗi chẳng mấy chốc tới phiên Ngài phải
dạy lại cho các tu sĩ trẻ và trẻ em. Vào tuổi hai mươi mốt, Ngài trở thành một
trong những thủ lãnh tu viện Corvey. Ở Saxe hay là Corbia-Nova, được thiết lập
ngay giữa trung tâm trí thức. Là giáo sư thần học, Ngài cũng đảm nhận việc giảng
dậy cho dân chúng nữa.
Vào thời này, Harold là vua miền
Nam Đan mạch, khi bọn phản loạn săn đuổi, đã xin trú ngụ tại triều đình vua
Lu-y đặt tại Mayence. Ong đã trở lại đạo và lãnh nhận phép rửa. Khi trở về quê
hương, ông đã xin các nhà truyền giáo tới rao giảng Phúc âm cho xứ sở mình.
Ebbon, giám mục Reims đã dấn thân trước hết, rồi một khi gần trở lại nước Pháp,
Ngài đã chỉ định Ansgario. Ansgario lên đường với một tu sĩ khác nữa. Họ làm liều
đi vào miền còn hoàn toàn ngoại giáo. Những người trẻ bị bắt làm nô lệ đã trở
thành các Kitô hữu đầu tiên của xứ sở. Công việc tông đồ thật vất vả nhọc mệt.
Các Ngài bị trục xuất. Các tu sĩ trở lại lãnh trách nhiệm.
Một tòa đại sứ Thụy Điển xin các
thừa sai. Lần này Ansgariora đi với một tu sĩ người Corbia. Vì người bạn đường
cũ đã chết. Khi đi nagng qua biển Baltique, họ bị bọn cướp tấn công bóc lột hết
và bị người Nang lấy trọn quà tặng họ mang dâng nhà vua ở Upsala. Các nhà truyền
giáo tới biệt thự của Birca, hoàn toàn trơ trụi. Tại đây các Ngài đã thiết lập
một cộng đoàn Kitô hữu. Sau một năm rưỡi mệt nhọc làm việc tông đồ, các Ngài trở
về Pháp. Nhà vua đã đặt Ansgario làm tổng giám mục Hambourg bao gồm miền
Scandinavia (Bắc Âu) Ansgario đi Roma để được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và Đức
Gregôriô IV đã đặt Ngài làm đại diện tại cả Na-uy và Thụy Điển. Ngài xây cất một
nhà thờ chính tòa ở Hambourg, thiết lập một tu viện cho các tu sĩ Corbia.
Người ta thấy Ngài quỳ lạy dưới
chân người nghèo và khiêm tốn phục vụ họ. Ngài cũng rao giảng trong các miền
lân cận bất kể những thủ địch hung ác. Khi ấy như một đám mây người Normandie đặt
Hambourg vào vòng máu lửa, Ansgario chỉ còn là một kẻ lang thang sống vất vưởng.
Vharles de Chauve đã chiếm một tu viện miền Flandre là nơi Ngài đã thiết lập một
trường truyền giáo. Giữa cao điểm của cuộc sống khốn cực âu lo, Ngài đã không hề
đánh mất lòng trông cậy vào Chúa. Cuối cùng những kẻ bách hại bị xua đuổi. Xứ
truyền giáo Thụy Điển lại vùng lên.
Một cộng đồng ở Constane đã đặt
Ansgario làm giám mục Brême. Ngài trở lại truyền giáo ở Đan mạch, thiết lập một
trung tâm tôn gíao mới, cải hóa nhà vua.
Ansgario muốn hiến trọn đời mình
cho Thiên Chúa bằng việc tử đạo nhưng Ngài đã qua đời êm ái tại Brême năm 865.
Cuộc tử đạo của Ngài chính là cuộc chiến kiên trì suốt đời với nhiều những thất
bại, lại ít có những thành công rực rỡ. Nhưng sự nhẫn nại của vị anh hùng giám
mục lang thang này đã chuẩn bị cho cuộc trở lại các xứ vùng Bắc Âu.
********************
Ngày 03-02
Ngày 03-02
Thánh BLASIÔ
Giám mục Tử đạo (.... - 316)
Có nhiều câu chuyện vây quanh
thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho
dân chúng... nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa
bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn
nói rằng: "Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ".
Ngài rao giảng, day dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời
Ngài.
Năm 315, một cuộc bách hại bùng
ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn
thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ
cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những
con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với với Ngài. Nếu thấy Ngài
đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện
xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật
mãn nguyện trở lại sa mạc.
Agricôla, quan cai trị
Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu.
Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang
vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này
đã truyền bắt vị tu rừng này.
Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô
bình thản nói:- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài
ưng nhận lễ hy sinh của tôi.
Trên đường Ngài đi qua, dân
chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc
lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà
la: - Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại
sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.
Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối,
cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con
tràn đầy sức sống.
Khi đức Giám mục xuất hiện,
Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh
nhân nói: - Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay
Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.
Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và
bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ.
Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này
và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được
kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.
Những tường thuật về các phép lạ
đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa
thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc
trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu
tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các
thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết
án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời
các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người
nhận lời bị chết chìm ngay.
Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh
quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình,
Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước
khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà
xin cứu giúp.
(daminhvn.net)
03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu
Có lẽ cái tên của Helen Keller,
một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với
chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này
trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh
cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến
thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn
bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng
duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô
gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp
xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt
nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa và câm điếc chạm
vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo
Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con
chó xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu
được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan
đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy
cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu
tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu
được thế nào là Yêu Thương.
Ngôn ngữ của Tình Yêu là những
hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến, những âu yếm
vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển
sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng
ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời
dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu
nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời
nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ
tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà
bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được chứng tỏ
bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của
Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng
những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu,
một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện
bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
(Lẽ Sống)
SỐNG LỜI
CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Tư,
3 tháng 2 – Tuần IV Mùa Thường Niên
2 Sa-mu-en 24,2.9-17 ·
Thánh Vịnh 31,1-2.5.6.7 · Mác-cô
6,1-6
Tìm Kiếm Sự Tha Thứ và Chữa Lành
Con tự nhủ :
« Nào ta đi thú tội với Chúa, »
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con. Thánh Vịnh 32,5
Trong nhiều Thánh Vịnh của mình, vua Đavít đã nhiều lần tỏ
lòng hối hận vì những tội lỗi mà ngài đã phạm, và ngài đã phải mang gánh nặng của
sự hổ thẹn vì chính những lỗi lầm đó. Trong lời cầu nguyện liên lỉ cùng với tấm
lòng ăn năn, ngài tuyên xưng tình thương thẳm sâu của Thiên Chúa để rồi ngài nhận
thấy mình được tha thứ và tâm hồn ngài được chữa lành.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường gặp phải những cảm
giác tương tự khi tìm kiếm cho mình sự bình an và thanh thản trước Chúa. Ngày
nay, Hội Thánh nhấn mạnh rằng Bí Tích hòa giải không chỉ đơn thuần là việc xưng
thú tội lỗi. Chúng ta không chỉ xưng thú những tội mình đã phạm, mà còn phải hối
hận và lấy làm buồn phiền vì đã phạm tội, để từ đó đưa ra quyết tâm sẽ sống tốt
hơn. Nhiều câu chuyện về lòng nhân từ của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh cho thấy
rằng chúng ta có thể được giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Vì chỉ với tấm lòng hối cải và thái độ khiêm hạ, chúng ta mới có thể tin
tưởng vào ơn tha thứ của Thiên Chúa và tìm được sự giải thoát nhờ vào sự bình
an được tìm thấy nơi Bí Tích Hòa Giải.
Lm. James McKarns
HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung Nhan
Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Hỏi 95 : Đức Maria đã trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa
thế nào ?
Đáp 95 :
Đức Maria đã trải nghiệm
sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người,
chịu nạn, chịu chết và sống lại.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin
thanh tẩy con sạch mọi lỗi lầm và giải thoát con khỏi mặc cảm tội lỗi ;
xin ban bình an cùng sức mạnh giúp con vững bước trên đường nên thánh.
Quyết tâm : Thường xuyên hồi tâm xét mình để hoàn thiện
bản thân.
(nguồn trích : Sống Lời Chúa số 2 – Mùa Thường
Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét