07/02/2015
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 4 thường niên
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Lễ nhớ
* Ngày 05 tháng 02 năm 1597, hai mươi sáu
Kitô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Nagasaki (Nhật Bản). Trong số đó có những
nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô, nhưng
còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phaolô Miki (sinh khoảng năm 1564/1566)
và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ,
và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết
để làm chứng cho Chúa Kitô.
Bài Ðọc
I: (Năm II): 1 V 3, 4-13
"Xin
ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa".
Trích sách Các
Vua quyển thứ nhất.
Trong những
ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon
dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện
ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: "Ngươi muốn gì thì hãy xin,
Ta sẽ ban cho ngươi". Salomon thưa: "Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối
với cha con là Ðavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong
chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một
lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi
báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai
trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi
nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể
đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để
đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của
Chúa đông đảo thế này".
Ðiều Salomon
kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng:
"Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng
sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta
ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn,
đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng
ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước
đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118,
9. 10. 11. 12. 13. 14.
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy con các thánh chỉ
của Chúa (c. 12b).
Xướng: 1) Tuổi
trẻ lấy chi giữ cho thanh khiết đường đời? Bằng cách noi theo lời vàng của
Chúa. - Ðáp.
2) Với tất cả
tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.
3) Con chôn cất
trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. - Ðáp.
4) Thân lạy
Chúa, Ngài muôn phước đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
5) Con kể được
ra nơi đầu môi, tất cả những huấn dụ bởi miệng Ngài. - Ðáp.
6) Con vui vì
đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10,
27
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và
chúng biết Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6,
30-34
"Họ như
đàn chiên không người chăn".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, các
tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm
và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ
mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ
không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo
lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ
kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân
chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và
Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dung mạo
Chúa Giêsu
Manio Flajano,
văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang
nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng
óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau
xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một
trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa
con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ
xin Chúa yêu thương nó mà thôi". Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói:
"Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được". Nói
xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục
bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ".
Những dòng trên
đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng
không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một
Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng
thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Ðọc lại các sách Tin Mừng,
chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa may cây đũa
thần của mình, Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ.
Phép lạ là dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với
con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ hóa thân làm người và sống thiết
thân với con người.
Trong Tin Mừng
hôm nay, thánh Marcô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói:
"Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương". Ðây là tất
cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở
trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho
chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một
em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi
với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một
Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một
chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui
mừng và Hy vọng" đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý
về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta
nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết
sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải
đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến
chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của
con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.
Tin mừng của
chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời
gọi để sống kết hiệp với Ngài, để đón nhận sức sống của Ngài và sống theo lý tưởng
của Ngài. Ước gì chúng ta luôn được củng cố trong niềm xác tín rằng Ngài đang
hiện diện và đồng hành với chúng ta trong từng phút từng giây cuộc sống.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 4
TN
Bài đọc: I Kgs 3:4-13; Mk 6:30-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên
Trong cuộc đời
không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha
nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự
mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của
cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri
thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập
những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người.
Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống
mối tương quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm
nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và
đoàn chiên. Trong Bài đọc I, năm chẵn, vua Solomon chỉ xin Thiên Chúa ban cho
có được khôn ngoan để chăn dắt dân chúng trong chính trực và thương yêu, vì Vua
biết có khôn ngoan là có tất cả. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ
phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên
Chúa, nhưng chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài
vất vả “như chiên không người chăn dắt.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I
(năm chẵn): Xin ban cho tôi
tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải
trái.
2.1/ Lời cầu xin
cho được khôn ngoan của vua Solomon: Người khôn ngoan là người biết Thiên Chúa, biết mình, và biết
người. Vua Solomon chứng minh ông là người khôn ngoan ngay cả trước khi ông cầu
xin cho được khôn ngoan.
(1) Solomon biết
học hỏi kinh nghiệm của người đi trước: Sống dưới sự giáo dục của vua cha
David, Solomon chắc chắn đã học hỏi rất nhiều tính tốt nơi cha của mình như:
lòng tin tưởng tuyệt đối và kính sợ Thiên Chúa, tâm hồn công chính ngay thẳng,
luôn thương yêu và lo lắng cho những người dưới quyền mình. Tuy nhiên, Solomon
cũng đã được biết tội lỗi của cha và những hậu quả tai hại đã xảy đến cho gia
đình và đất nước; hậu quả của việc không biết xét xử công minh. Thực ra, lời
Thiên Chúa hỏi Solomon: " Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho!" là một lời
thử thách nguy hiểm; vì nếu không biết điều mình xin, những gì Thiên Chúa ban
cho sẽ gây thiệt hại cho Solomon nhiều hơn là làm lợi. Ví dụ: xin cho được sống
trường thọ trong khi cơ thể già yếu và bệnh tật; hay xin cho được giàu có mà
không biết sự giàu có sẽ làm cho gia đình tan nát hay làm con người xa Thiên
Chúa.
(2) Solomon nhận
ra khả năng giới hạn của mình trong việc điều khiển đất nước: Người lãnh đạo phải
là người khôn ngoan sáng suốt, thì mới có thể chỉ đường cho dân chúng đi; ngược
lại, nếu người lãnh đạo mù quáng, làm sao ông có thể chỉ đường cho dân chúng?
Đúng như lời Chúa Giêsu chỉ trích các biệt phái và kinh sư: "Mù dẫn mù, cả
hai cùng lăn xuống hố!" Nhận ra sự quan trọng của khôn ngoan trong việc
lãnh đạo quốc gia và giới hạn của bản thân, Solomon cầu xin với Thiên Chúa:
"Con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở
giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm
nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân
Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một
dân quan trọng như thế?"
2.2/ Thiên Chúa
hài lòng và hứa ban điều vua Solomon xin.
(1) Thiên Chúa
hài lòng và ban cho Solomon điều vua ước nguyện: Lời xin của Solomon đẹp lòng Thiên
Chúa, vì vua không chỉ quan tâm đến bản thân, nhưng biết để ý đến việc chăn dắt
Dân Chúa. Ngài phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không
xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải
chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời
ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi,
chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp."
(2) Có khôn
ngoan là có tất cả: Solomon có thể nhìn thấy trước những gì khôn ngoan sẽ mang
lại. Khi biết cách lãnh đạo, đời sống dân chúng sẽ phát triển, đất nước sẽ thái
bình thịnh trị; người lãnh đạo khôn ngoan sẽ được vinh quang và hưởng mọi nguồn
phú túc giàu sang từ dân chúng. Ngược lại, với một người không biết lãnh đạo, đời
sống dân chúng sẽ lầm than khổ sở, đất nước sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói,
nhà lãnh chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hậu quả và bị khai trừ để người khác thay
thế. Vì vậy, biết cách xin đúng đắn như Solomon là biết cách giải quyết mọi vấn
đề. Lịch sử chứng minh triều đại của Solomon là triều đại huy hoàng và thịnh vượng
nhất trong số tất cả các vua của Israel.
3/ Phúc Âm: Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng
mà nghỉ ngơi đôi chút.
3.1/ Người tông-đồ
cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm
thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng
hoan ngênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc
ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của
dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em
hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do
cho lời khuyên khôn ngoan này:
- Thân xác con
người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi
dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không đạt hiệu
năng.
- Hoạt động
tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho
việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi
của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng
ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
3.2/ Con người
khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân
chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức
Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ
như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như
nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không
người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đoàn
chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích
điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất
chính của quỉ thần và thế gian.
(2) Chiên không
người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần
chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa,
các bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
(3) Chiên không
người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ
cho đoàn chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống
ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự
do quá trớn …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mối liên hệ
giữa mục-tử và đoàn chiên đòi hai chiều: mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho
đoàn chiên; trong khi đoàn chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu toàn nhiệm
vụ. Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa, làm sao cho mọi người đạt
được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.
- Mục tử cần cầu
xin cho có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để biết cách dẫn dắt đoàn chiên sống
theo lề luật của Thiên Chúa và tránh khỏi mọi nguy hiểm của ba thù.
- Các hoạt động
tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời hoạt động tông đồ
không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
06/07/16 THỨ BẢY ĐẦU
THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,30-34
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,30-34
Suy
niệm: “Ai cũng chọn việc
nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng
nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu…” Lời ca khúc ấy nghe nao lòng. hôm nay
lòng nhiệt tình vì sứ mạng của Đức Giê-su cũng làm ta nao lòng như vậy. Ngài
là nhà thừa sai cần mẫn hay lam hay làm, quên mình và chỉ quan tâm lo lắng
cho người khác. Dầu không có một thời biểu chặt chẽ, Người vẫn chú ý ‘lên
lịch’ cho các môn đệ: sau một đợt làm việc căng thẳng thì cần “nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ‘lịch’
ấy thường xuyên bị xáo trộn. Thầy trò tránh đám đông để tìm chút nghỉ ngơi,
nhưng đám đông nhanh chân hơn, đã ‘đón lõng’ thầy trò! Thế là lại phải mau
mắn đáp ứng, bởi vì Đức Giê-su vẫn chạnh lòng thương!
Mời Bạn: Hãy chiêm ngắm một
Giê-su như bị vắt kiệt bởi nhiệt tình sứ mạng. Chúng ta được khuyến khích có
lịch làm việc; nhưng lịch ấy có cứng quá đến nỗi nhiều khi biến ta thành những
kẻ vô tâm và bất nhẫn không?
Chia sẻ: Làm sao để học bài
học “chạnh
lòng thương” của
Đức Giêsu để đón nhận những người tìm đến với mình – thay vì là quạu quọ bực
bội?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần cảm thấy bị
quấy rầy và muốn nổi cáu với ai đó, ta nhớ đến Đức-Giêsu-chạnh-lòng-thương!
Cầu
nguyện: Lạy Chúa xin dạy con
tìm an ủi người hơn được người ủi an. Xin cho con biết quên mình, để phục vụ
vì yêu thương tha nhân. Amen.
|
Đến
một nơi thanh vắng
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Suy
niệm:
Các
môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau
cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ
cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và
thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy
Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những
ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở
thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.
Nhưng
Thầy Giêsu cũng thấy nét mêt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các
tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh
em hãy lánh riêng ra,
đến
một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời
mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những
người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ
cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để
đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh
tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không
bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh
tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc
lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn
lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả
những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng
tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các
tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ
cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.
Lời
mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những
con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những
con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh
riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó
không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó
là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi
đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.
Tuy
nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi
Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì
chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng
ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.
Cầu
nguyện:
Khi
bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin
cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi
bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin
cho con thoát được lên cao
nhờ
mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy
Chúa,
ước
gì tinh thần cầu nguyện
thấm
nhuần vào cả đời con.
Nhờ
cầu nguyện,
xin
cho con gặp được con người thật của con
và
khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hạnh Các Thánh
6 Tháng Hai
Thánh Phaolô Miki và Các Bạn
(c. 1597)
Thành phố
Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử
thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ
rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống
Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh
ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm
1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào
ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công
Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong
khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười
chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi
tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên;
Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro,
được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas
Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được
các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư,
và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến
xem cuộc hành quyết: "Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi
Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý
do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã
rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi
tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một
lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh
phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã
hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng
ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy
một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn
người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh
năm 1862.
Lời Bàn
Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo
không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát
triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử
đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.
Lời Trích
"Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách
hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã
hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai,
một số Kitô Hữu đã được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm
chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại.
Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả
nhất của tình yêu.
"Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn
bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập
giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế
Tín Lý về Giáo Hội, 42).
Trích từ NguoiTinHuu.com
6 Tháng Hai
Hướng Về Nagasaki
Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với
hàng trăm ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm
1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về
thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những
người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ
thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người
giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một
đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm
thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được
vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống
quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo
đã anh dũng tuyên xưng.
Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển
thánh vào năm 1862.
"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã
đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật
chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng
như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao
truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các
bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh
phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử
tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn
và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp
phát sinh nhiều hoa trái".
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô
Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị
tử đạo tại Nhật.
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số
khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được
hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki
đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp
tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta
Trích sách Lẽ Sống
SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Bảy, 6 tháng 2 – Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
1 Vua 3,4-13 · Thánh Vịnh 118,9-10.11-12.13-14 · Mác-cô 6,30-34
Ân Huệ Cao Vời
[Chúa phán với vua Salômôn:]
“Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi
suốt đời ngươi, không có ai trong các vua được như ngươi.” 1 Vua 3,13
Tất cả những gì vua Salômôn mong muốn là có được một con
tim biết lắng nghe. Chính bởi sự khôn ngoan và khiêm nhường đó, Thiên Chúa đã
ban tặng cho nhà vua những điều vượt xa những mong muốn điên cuồng nhất mà vị
vua trẻ có thể có trong tâm hồn.
Còn chúng ta thường cầu xin với Chúa điều gì? Hòa giải với
người thân yêu? Tìm được một công việc mới? Sở hữu một ngôi nhà đẹp hơn? Hay sức
khỏe của mình, của người thân và của bạn bè được bình phục? Chẳng có gì sai
trái khi chúng ta cầu xin với Chúa những điều cụ thể như thế. Nhưng khi chúng
ta chỉ chú trọng đến những thứ thuộc về trần thế, chúng ta có thể không nhận ra
những hồng ân mà dù không cầu xin, Chúa vẫn ban tặng cho ta. Xin Chúa cho chúng
ta biết mở tấm lòng để đón nhận những món quà đầy bất ngờ của Chúa.
Melanie Rigney
HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung Nhan Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Hỏi 101 : Giáo Hội ý thức thế nào về nhiệm vụ loan báo lòng thương
xót của Thiên Chúa?
Đáp 101
: Giáo Hội ý thức rằng
loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa là nhiệm vụ hang đầu của mình, đặc biệt
trong bối cảnh của một thế giới đầy hy vọng và cũng đầy mâu thuẫn. Giáo Hội
cũng ý thức rằng đời sống của con người chỉ trở nên đích thực và khả tín khi mỗi
người trở thành chứng nhân của lòng thương xót qua việc tuyên xưng và sống lòng
thương xót ấy như là trọng tâm Mặc khải của Chúa Giêsu Kitô.
Hỏi 102 : Tông chiếu kết
thúc với những ý nguyện nào?
Đáp 102
: Tông chiếu kết thúc với
những ý nguyện này: Một là Giáo Hội trở thành tiếng vọng của Lời Chúa, của sự
tha thứ, đỡ nâng, trợ giúp và yêu thương; hai là Giáo Hội tỏ lòng thương xót
không biết mỏi mệt và luôn nhẫn nại để khích lệ và tha thứ; ba là Giáo Hội biến
mình thành tiếng nói của mọi người đồng thời tin tưởng và không ngừng lặp lại rằng:
“Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở
muôn đời” (25,6).
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa, như vua Salômôn, xin ban cho con một trái tim biết lắng nghe Lời Ngài.
Quyết
tâm : Sử dụng ân huệ Chúa ban cho xứng đáng.
(nguồn trích: Sống Lời Chúa số 2 –
Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét