16/02/2016
Thứ ba tuần 1 Mùa Chay
BÀI ĐỌC
I: Is 55, 10-11
"Lời Ta
thực hiện điều Ta mong muốn".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa phán: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống
và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu,
cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn,
cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả,
nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác". Đó là lời
Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 33, 4-5. 6-7. 16-17. 18-19
Đáp:
Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo (c. 18b).
1) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta
hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi
khỏi mọi điều lo sợ. - Đáp.
2) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn
khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu
họ khỏi mọi điều tai nạn. - Đáp.
3) Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng
nghe tiếng họ cầu. Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi
trần ai. - Đáp.
4) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người
cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những
tâm hồn đau thương dập nát. - Đáp.
CÂU XƯỚNG
TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,17
Chúa
phán: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến".
PHÚC
ÂM: Mt 6, 7-15
"Vậy các
ngươi hãy cầu nguyện như thế này".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói
nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con
cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
" 'Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con
nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng
con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước
cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen'.
"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm
lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu
các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm
cho các con". Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)
Suy niệm
: Cầu nguyện
Có một
nông dân xứ Ars mỗi ngày trước khi ra đồng cũng như khi đi làm về đều ghé vào
nhà thờ giây lát. Trong xứ, nhiều người để ý và kính phục. Một hôm có người hỏi:
“Ngày này ông ghé vào nhà thờ làm gì thế”. Người nông dân trả lời: “Tôi bàn
chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
Câu
trả lời của người nông dân trên đây diễn ta được cái cốt lõi của đời sống Kitô
hữu, đó là việc cầu nguyện. Tác giả tập sách Đường Hy vọng chia sẻ kinh nghiệm:
“Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa, máy móc tự động
có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện
con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy
phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là phải cầu nguyện.”
Trong
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha,
qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn
sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng.
Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của
con tim, chứ không phải là của khối óc. Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ
cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người
là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời
nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.
Thật
ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải,
nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn ta. Nhờ
Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng
ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống
cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần I MC
Bài đọc: Isa 55:10-11; Mt 6:5-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành ý Thiên Chúa.
Con
người thời nay quá chú trọng đến “cái tôi” của mình, nên rất khó khăn cho con
người thời nay khi phải làm theo những gì người khác muốn. Nhưng nếu con người
chịu khó suy luận, họ sẽ nhìn ra cái vô lý của việc bắt người khác làm theo ý của
mình, vì: (1) Trăm người trăm ý; làm sao một người có thể làm hài lòng tất cả mọi
người được? Vì thế, phải làm theo ý kiến chung. (2) Khi có sự xung đột ý kiến,
phải làm theo ý kiến nào khôn ngoan nhất. Nếu so sánh ý kiến của con người với
ý của Thiên Chúa, làm sao ý con người có thể khôn ngoan bằng Thiên Chúa? Vì thế,
phải tìm ra và làm theo ý Thiên Chúa là chuyện hiển nhiên.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải làm theo thánh ý Chúa. Trong Bài
Đọc I, Thiên Chúa tuyên bố sự hiệu quả của Lời Ngài: “một khi xuất phát từ miệng
Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu
nguyện theo Kinh Lạy Cha, sau khi khuyến cáo các môn đệ cần tránh thái độ ích kỷ
trong khi cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Lời Chúa phải sinh
hoa kết quả cho con người.
1.1/ Lời
Chúa được so sánh như mưa tuyết: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.”
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.”
Tuy
trong hạt giống đã có tiềm năng của sự sống, nhưng cần mưa và tuyết để giúp cho
sự sống của hạt giống được tăng trưởng, sinh hoa kết trái, và sinh lương thực
cho con người.
1.2/ Lời
Chúa phải được thực hiện và sinh lợi ích cho con người: “thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát
từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn
của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”
Trong
Lời Chúa đã có tiềm năng của sự sống, và sinh lương thực phần hồn cho con người.
Nhưng
Lời ám chỉ những gì và những ai?
(1)
Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô: Vì Ngài mà muôn vật được tạo thành; và
không có Ngài, chẳng chi được tạo thành. Tất cả những gì Thiên Chúa phán được
thực hiện nơi Người. Như mưa tuyết rơi xuống từ trời, Ngôi Lời cũng từ trời xuống
nhập thể trong thân xác con người, để mặc khải cho dân biết các ý định của
Thiên Chúa, và chu tòan sứ mạng Thiên Chúa trao phó cho Ngài trong Kế Họach Cứu
Độ. Khi hòan tất ý định của Thiên Chúa, Ngài lại trở về Trời như mưa tuyết.
(2) Lời
được viết ra trong Kinh Thánh: Không như tất cả những lời khác của nhân lọai,
những Lời này tiềm ẩn sức sống; và mỗi khi những Lời này được loan báo, Lời
Chúa lại bắt đầu một chu kỳ mới. Chúng đi vào lòng người nghe và bắt đầu tiến
trình thôi thúc con người thực hiện những gì Thiên Chúa muốn con người làm. Mỗi
khi Mùa Chay về, Lời Chúa lại bắt đầu một chu kỳ mới nơi mỗi người. Chúng ta
nghe lại Lời Chúa phán, nghe các nhà rao giảng Tin Mừng cắt nghĩa, rồi suy đi gẫm
lại trong lòng. Tiến trình này giúp chúng ta nhận ra những gì chúng ta còn thiếu
sót trong cuộc sống, và quyết tâm thực hiện Lời Chúa để lấp đầy những thiếu sót
đó.
2/
Phúc Âm: Cầu nguyện đúng
cách.
2.1/
Thái độ phải có khi cầu nguyện: Cầu nguyện là hướng lòng lên Thiên Chúa; vì thế, phải gạt bỏ tất
cả những gì làm con người bị phân tâm. Một vài điều làm phân tâm con người khi
cầu nguyện mà Chúa Giêsu lưu ý hôm nay:
(1) Cầu
nguyện cho mọi người thấy: “Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng
cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy.
Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Như thế, cầu nguyện trong nhà thờ có phải là đạo đức giả không? Chúng ta phải
phân biệt hai lọai cầu nguyện: chung và riêng. Điều Chúa Giêsu có ý nói ở đây
là cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu cũng đã từng cầu nguyện lớn tiếng cho các môn đệ
của Ngài (x/c Jn 17).
(2) Cầu
nguyện chỉ để xin ơn: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói
nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần
gì, trước khi anh em cầu xin.” Xin ơn chỉ là một phần nhỏ trong khi cầu nguyện.
Chúng ta nghĩ sao nếu một người khi nào gặp chúng ta cũng mở miệng xin ơn?
2.2/
Cách cầu nguyện tốt nhất: Kinh Lạy Cha
(1)
Quan tâm đến những gì của Chúa: Là con là phải quan tâm đến những lo lắng của
cha, chứ không ích kỷ bắt cha quan tâm đến những nhu cầu của mình. Ba điều đầu
tiên của Kinh Lạy Cha biểu tỏ những quan tâm đến Thiên Chúa: “xin làm cho danh
thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Làm cho mọi người nhận biết
và tin vào danh thánh Cha là bổn phận của mọi người tín hữu. Cầu xin cho triều
đại Cha mau đến là cầu xin cho Tin Mừng được lan rộng tới mọi người. Cầu xin
cho ý Cha được mọi người làm theo, chứ không ích kỷ làm theo ý muốn của mỗi người.
(2)
Quan tâm đến cuộc sống của mình: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng
ngày.” Con người cần của ăn hằng ngày để sinh sống, nhưng không cầu xin cho có
nhiều của ăn để tích trữ. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho
những người có lỗi với chúng con.” Con người không chỉ cần sống mối liên hệ chiều
dọc với Thiên Chúa, mà còn sống mối liên hệ hàng ngang với tha nhân, vì như
Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng
sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh
em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Lời xin sau cùng: “Xin đừng để chúng con
sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Con người bị bao vây bởi
ba thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt; nếu không có ơn Chúa, con người không thể
chống chọi với các kẻ thù này, vì nó mạnh sức hơn con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Như
mưa tuyết cần cho cây cối để có thể sinh hoa kết trái mang cơm bánh cho người
ăn, Lời Chúa cũng cần phải thấm nhập vào tâm hồn để mang sức sống cho linh hồn
chúng ta.
- Cầu
nguyện không phải để được người khác khen hay để lải nhải xin ơn; nhưng là để kết
hợp với Thiên Chúa và tìm ra ý Ngài trước khi có thể thi hành trong cuộc sống.
- Mùa
Chay thuận tiện để chúng ta nhìn lại những thiếu xót trong cuộc đời, và nghiền
gẫm Lời Chúa để tìm ra cách thức sửa chữa những thiếu sót đó.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
16/02/16 THỨ BA TUẦN 1
MC
Mt 6,7-15
Mt 6,7-15
Suy niệm: Cầu
nguyện là hơi thở, là lẽ sống của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, phải sau một
thời gian dài đi theo Chúa, các môn đệ mới được Ngài dạy cho biết cách cầu
nguyện. Phải chăng là hơi muộn? Song Ngài làm thế là để các môn đệ không theo
lối cầu nguyện rập khuôn, hình thức sáo rỗng, lải nhải nhiều lời, mà trái lại Ngài muốn họ ở lại với Ngài, sống
với Ngài, để họ cảm nghiệm được mối tương quan thân tình giữa Ngài với Chúa
Cha, hiểu được lương thực của Thầy là làm theo ý Cha và sứ mạng của Thầy là làm
vinh danh Cha. Bởi thế, Chúa Giê-su nói thật rõ ràng: cầu nguyện là như Ngài
thưa chuyện cùng Cha, là làm cho danh Cha được vinh hiển, là tôn vinh Cha, là
vui lòng trở nên dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay quan phòng của Ngài.
Mời Bạn: Mùa
Chay là thời gian đặc biệt nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện phải đi đôi với việc
ăn chay và bố thí, để sống thật đậm đà lòng khao khát được yêu mến Chúa, nỗi
thao thức ước mong Chúa được tôn vinh. Bạn đã đi vào tâm tình ấy chưa? Như thế,
bạn đâu cần phải xin Chúa có của ăn của để, vì Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín ẩn, Ngài biết rõ bạn cần gì trước khi bạn cầu xin.
Vậy bạn hãy cầu nguyện đi, như Chúa Ki-tô đã dạy chúng ta.
Chia sẻ: Bạn
nghĩ gì khi nghe Chúa Giêsu nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt
những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6)?
Sống Lời Chúa: Mỗi
khi bắt đầu ngày sống và trước khi đi ngủ, bạn hướng lòng về Chúa và dâng lên
Ngài một tâm tình cầu nguyện
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
Biết rõ anh em cần
gì
Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài
biết về tình trạng của ta, sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết. Thật
ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi.
Suy niệm:
Mùa
Chay là thời gian tăng cường việc cầu nguyện.
Nhưng
vấn đề là cầu nguyện như thế nào theo đúng ý của Đức Giêsu.
Ngài
đã cảnh báo về một thứ cầu nguyện có tính phô trương, tìm mình.
Ngài
mời ta cầu nguyện một cách kín đáo (Mt 6, 6).
Cầu
nguyện là gặp Cha, Đấng ở nơi kín ẩn và Đấng thấy ở nơi kín ẩn.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng
cầu
nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật,
để
lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình.
Cầu
nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa.
Sức
mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời,
vì
không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7).
Cầu
nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta,
sợ
rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8).
Thật
ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi.
Tuy
nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa,
thổ
lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha.
Qua
kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện.
Ngài
dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha, Abba.
Họ
được phép gọi như Ngài đã gọi và chia sẻ chức vị làm Con của Ngài.
Một
lời cầu nguyện có tính tập thể: “Lạy Cha chúng con.”
Chính
vì Cha là Cha của chúng con nên chúng con là anh chị em với nhau.
“Cha
ở trên trời”, vì thế Cha lại thấy hết mọi người và ở bên từng người.
Cha
thật siêu việt vì Cha ở trên trời cao thẳm;
nhưng
Cha lại thật gần gũi,
vì
Cha lo cho từng con chim sẻ, từng bông hoa ngoài đồng,
Cha
cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên mặt đất.
Ba
lời xin đầu tiên của kinh Lạy Cha hướng đến Thiên Chúa Cha.
Hẳn
chúng diễn tả tâm tình chủ yếu của Đức Giêsu trong suốt đời.
Bốn
lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ.
Xin
bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ.
Có
khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi,
với
những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất.
Hãy
xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian,
còn
mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta.
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,
mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương
thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi
tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
sự
lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự
rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và
nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa
biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ
nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết
chung sống với thiên nhiên này
như
một người bạn, một quà tặng Cha ban,
biết
giữ gìn ngôi nhà trái đất
để
nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
và
biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước
gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và
muôn loài Cha đã dựng nên
được
cùng với cả nhân loại chúng con
vui
hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16
THÁNG HAI
Bảo
Trọng Những Hoa Quả Khôn Ngoan
Tuổi
đời càng chồng chất, sức lực càng suy kiệt, hay đau ốm, vv… người già thường cảm
thấy con người mình mỏng mảnh, và nhất là cảm thấy gánh nặng của cuộc sống. Đó
là những vấn đề của tuổi già – và những vấn đề ấy không thể tìm ra ý nghĩa gì nếu
chúng không được cảm nghiệm và được sống như một thực tại của cuộc nhân sinh.
Chúng ta được mời gọi trân trọng người cao tuổi bởi vì phẩm giá của các ngài
trong tư cách là con người và bởi vì ý nghĩa của chính sự sống: sự sống bao giờ
cũng là một hồng ân.
Thánh
Kinh thường đề cập đến người cao tuổi. Thánh Kinh coi tuổi già như một hồng ân
– và hồng ân này phải được sống hằng ngày trong tấm lòng rộng mở ra với Thiên
Chúa và với tha nhân.
Trên
tất cả, Cựu ước coi người già như thầy dạy sống: “Sự khôn ngoan của các vị bô
lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! Giàu kinh
nghiệm là triều thiên cho hàng bô lão; lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện
của các ngài” (Hc 25, 5 – 6). Tuy nhiên, người cao tuổi còn có một vai trò quan
trọng khác nữa. Các ngài chuyển trao lời Thiên Chúa cho các thế hệ hậu sinh:
“Lạy
Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe
truyện
cha ông vẫn thường kể lại
về
công trình Chúa đã làm nên
thời
các cụ thuở xa xưa ấy” (Tv 44, 2).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
16-2
Thứ
Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Is
55:10-11; Mt 6:7-15
Lời
Suy Niệm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta,
thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha
thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Mùa
Chay, là cao điểm của sự sám hối và cầu nguyện, để canh tân đời sống của mỗi
người tín hữu. Nên Giáo Hội luôn kêu mời con cái của mình hướng về lòng thương
xót Thiên Chúa; để được Thiên Chúa thứ tha và ban ơn cứu độ. Đặc biệt
trong “Năm Thánh Lòng Thương Xót” mà Giáo Hội đang mở ra để đem lại lợi ích cho
phần rỗi của mọi thành phần trong Giáo Hội cũng như cho toàn thể trong nhân loại.
Mỗi người cần thể hiện bằng tình yêu thương và lòng thương xót với nhau và cùng
nhắc nhở nhau nhớ đến Lời Chúa hôm nay: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người
ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không
tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Lạy
Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều là những kẻ bất xứng, và đầy tội lỗi, luôn cần
được Chúa thương thứ tha. Xin ban mọi thành viên trong gia đình chúng con nhận
ra sự cần thiết của ơn tha thứ của Chúa đối với bản thân mình, để chúng con
cũng biết sống tha thứ cho nhau.
Mạnh
Phương
16
Tháng Hai
Ngọn Nến Cháy Sáng
Nữ
sĩ người Thụy Ðiển được giải Nobel văn chương là bà Selma Lagerloeff có kể một
câu chuyện như sau: Có một kỵ mã nọ, sau khi đã tham dự một trận thánh chiến
thành công tại Thánh Ðịa, đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một ngọn nến
ngay từ trên mộ của Chúa Giêsu và mang ánh sáng ấy về quê hương của anhlà thành
phố Fireheze bên Italia.
Quyết
định ấy đa biến anh thành một con người mới hoàn toàn. Từ một quân nhân hung
hãn chuyên cầm gươm giết người, nay người kỵ mã đã trở thành một con người hiền
hòa, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ thiệt thòi.
Trên
đường trở về quê hương, cầm ngọn nến cháy sáng trong tay, người kỵ mã gặp không
biết bao nhiêu kẻ cướp bóc, nhưng anh không hề động đến chiếc gươm đang mang
trong người. Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để cho anh được
phép giữ lại ngọn nến đang cháy sáng trong tay. Quân cướp lột hết tất cả những
gì anh có, kể cả chiến bào và con ngựa quý của anh. Họ cho anh một con ngựa già
để đi từng bước cầm chừng. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu thử thách, giờ
này, người kỵ mã cảm thấy thảnh thơi hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy thơ thới vì
đã trút được bỏ những của cải không cần thiết, nhưng anh vui mừng hơn cả vì vẫn
còn giữ được ngọn nến cháy sáng đã được thắp lên từ trên mồ của Chúa. Khi anh về
đến giữa phố, nhiều người nhìn anh như kẻ khờ dại. Họ chế nhạo và tìm đủ cách để
dập tắt ngọn nến trên tay anh. Nhưng người kỵ mã thà chết còn hơn là để cho ngọn
nến tắt ngụm trên tay mình. Và cuối cùng, anh đã mang được ngọn nến cháy sáng về
đến nhà thờ chính tòa của quê hương anh. Anh dúng ánh sáng từ ngọn nến ấy đốt
lên tất cả những ngọn nến trên bàn thờ.
Trước
anh, nhiều người cũng đã cố gắng làm một lời thề như thế. Nhưng dọc đường, vì
nhiều lý do khác nhau, ngọn nến đã tắt ngụm. Ðược hỏi: Ðâu là bía quyết giúp
anh thành công như thế. Người kỵ mã trả lời như sau: "Tôi đặt tất cả chú
tâm vào ngọn nến. Tôi sẵn xàng bỏ hết tất cả mọi sự để bảo vệ ngọn nến ấy".
Cuộc
đời của người tín hữu Kitô chúng ta vẫn thường được định nghĩa như một cuộc
hành trình, một cuộc hành trình trong đó mỗi người chúng ta cầm cháy sáng trong
ngọn nến của Ðức Tin. Bao lâu ngọn nến còn cháy sáng, bấy lâu chúng ta còn tiến
bước. Sóng gió, tăm tối trong cuộc hành trình là chuyện không thể tránh được.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục giữcho ngọn nến cháy sáng, chúng ta vẫn có thể tiến
bước.
Chúa
Giêsu nói với chúng ta: "Chúng con là ánh sáng thế gian". Ước mơ duy
nhất của người kỵ mã trong câu chuyện trên đây là được dùng ngọn nến đốt lên từ
mồ Chúa để thắp sáng lên ngọn đèn trong nhà thờ. Ðó cũng phải là ước mơ của mỗi
người chúng ta. Ánháng được trao ban cho chúng ta là để được truyền sang cho những
ngọn đèn khác. Có biết bao nhiêu ngọn đèn đang chờ đợi một chút ánh sáng từ ngọn
nến của chúng ta để được cháy lên?
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Mátthêu 6:7-15
Thứ Ba, 16 Tháng 2,
2016
Thứ Ba sau Chúa Nhật I
Mùa
Chay
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa là Thiên
Chúa,
Chúa phán lời oai hùng
của Chúa với chúng con,
Nhưng chúng con không
thể nghe được
Trừ phi lời ấy khuấy
động đời sống chúng con
Và được nói bằng ngôn
ngữ loài người.
Lạy Chúa, xin Người
hãy tiếp tục nói lời của Chúa với chúng con,
Và xin mở lòng chúng
con ra với lời ấy,
Để cho nó có thể đơm
bông kết trái trong chúng con
Khi chúng con làm theo
thánh ý Chúa
Và thực hiện những
điều chúng con được sai đi để làm.
Chúng con cầu xin điều
này nhờ Ngôi Lời Hằng Sống của Chúa,
Là Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Mátthêu 6:7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ
rằng: “Khi cầu nguyện, các ngươi đừng nhiều lời như dân
ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng
làm như họ, vì Cha các ngươi biết rõ điều các ngươi cần, ngay cả trước khi các
ngươi xin.
Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế
này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả
sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin
Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng
cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen. Vì nếu các ngươi có
tha thứ cho người ta những lỗi lầm của họ, thì Cha các ngươi, Đấng ngự trên
trời, mới tha thứ cho các ngươi. Nếu các ngươi không tha thứ cho
người ta, thì Cha các ngươi cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các ngươi.”
3. Suy Niệm
- Có hai
phiên bản của Kinh Lạy Cha: Trong sách Tin Mừng Luca (Lc 11:1-4) và
Tin Mừng Mátthêu (Mt 6:7-13). Trong Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha thì
ngắn hơn. Thánh Luca viết cho các cộng đoàn đến từ Dân
Ngoại. Trong Tin Mừng Mátthêu, Kinh Lạy Cha được tìm thấy trong Bài
Giảng Trên Núi, trong phần mà Chúa Giêsu giới thiệu cho các môn đệ trong việc
thực hành ba việc lành phúc đức: bố thí (Mt 6:1-4), cầu nguyện (Mt
6:5-15), và ăn chay (Mt 6:16-18). Kinh Lạy Cha tạo nên một phần của
nền giáo huấn cho những người Do Thái cải đạo. Họ đã quen thuộc với
việc cầu nguyện, nhưng đã có một số thiếu sót mà thánh Mátthêu cố gắng cải sửa.
- Mt 6:7-8: Các lỗi
lầm sẽ được sửa chữa. Chúa Giêsu chỉ trích những người mà đối với họ
cầu nguyện là một việc lặp lại của hình thức ma thuật, của các lời lẽ cứng rắn,
được nói với Thiên Chúa để buộc Người phải cung ứng cho nhu cầu của chúng
ta. Việc Thiên Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không tùy thuộc
vào những lời lặp đi lặp lại, mà tùy thuộc vào lòng nhân lành của Thiên Chúa,
tùy thuộc vào Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu và đầy Lòng Thương Xót. Người
muốn lòng thành của chúng ta và Người biết rõ các nhu cầu của chúng ta ngay cả
trước khi chúng ta cầu nguyện với Người.
- Mt 6:9a: Những ngôn
từ đầu tiên: “Lạy Cha” (Abba, Cha ơi), là tên mà Chúa Giêsu đã dùng
để nói với Thiên Chúa. Nó mặc khải mối quan hệ mới với Thiên Chúa
phải là đặc trưng cho đời sống cộng đoàn (Gl 4:6; Rm 8:15). Chúng ta
nói “Lạy Cha chúng con” mà không là “Lạy Cha của con”. Tĩnh từ
“chúng con” nhấn mạnh vào ý thức hay việc hiểu biết rằng tất cả chúng ta thuộc
về đại gia đình nhân loại của mọi chủng tộc và tín ngưỡng. Cầu
nguyện với Chúa Cha là bước vào sự mật thiết với Người, nó cũng có nghĩa là
phải cảm thông với tiếng kêu cầu của tất cả các anh chị em đang cầu xin cho
lương thực hằng ngày của họ. Nó có nghĩa là đi tìm kiếm chỗ trọng
nhất trong Vương Quốc Thiên Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa là Cha
của chúng ta là nền tảng cho tình huynh đệ trên thế giới.
- Mt
6:9b-10: Ba điều cầu nguyện vì Thiên Chúa: Danh Thiên Chúa,
Nước Trời, Ý Thiên Chúa. Trong phần đầu, chúng ta cầu xin rằng mối
quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được tái lập. Thánh hóa Danh
Thiên Chúa: Danh xưng Đức GIAVÊ có nghĩa là Ta sẽ ở với các
ngươi! Chúa biết. Trong DANH XƯNG này của Thiên Chúa,
Người mặc khải chính mình (Xh 3:13-15). Danh xưng của Thiên Chúa
được thánh hóa khi nó được xử dụng với đức tin và không phải với sự mê tín; khi
nó được xử dụng theo mục đích thật sự của nó, có nghĩa là không phải vì bị đàn
áp mà là vì sự tự do của loài người và vì xây dựng Nước Trời. Nước
Cha trị đến: Thiên Chúa duy nhất là Chúa và là Vua của đời sống (Is 45:21;
46:9). Nước Trời trị đến là sự viên mãn của tất cả mọi niềm hy vọng
và lời hẹn ước. Đó là đời sống sung mãn, khắc phục được nỗi thất
vọng phải chịu đựng với vua chúa và chính quyền thế gian. Nước Trời
này sẽ đến khi Thánh Ý của Thiên Chúa được hoàn thành mỹ mãn. Làm
theo Ý Thiên Chúa: Ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Lề Luật
của Ngài. Ý muốn của Thiên Chúa sẽ được thực hiện dưới đất cũng như
trên Trời. Trên Trời, mặt trời và tinh tú tuân theo quy luật quỹ đạo
của chúng và tạo ra quy luật vũ trụ (Is 48:12-13). Việc tuân giữ lề
luật Thiên Chúa sẽ là nguồn gốc của sự trật tự và hạnh phúc cho đời sống nhân
loại.
- Mt
6:11-13: Bốn điều cầu khẩn vì anh em: Lương Thực, sự Tha Thứ,
Vinh Quang, sự Tự Do. Trong phần thứ hai của Kinh Lạy Cha, chúng ta
xin rằng mối quan hệ giữa loài người có thể được phục hồi. Bốn lời
cầu xin cho thấy sự cần thiết cải đổi hoặc thay đổi cấu trúc của cộng đoàn lẫn
của xã hội như thế nào để tất cả con cái Thiên Chúa có thể có cùng một phẩm
giá. Lương thực hằng ngày. Trong cuộc Xuất Hành khỏi đất Ai
Cập, người ta nhận được bánh manna trong sa mạc mỗi ngày (Xh
16:35). Sự Quan Phòng của Thiên Chúa được chuyển qua các đoàn thể
anh em, việc san sẻ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống cuộc sống Xuất
Hành mới, một cách sống chung mới trong tình huynh đệ bảo đảm sẽ có lương thực
hằng ngày cho mọi người (Mt 6:34-44; Ga 6:48-51). Tha nợ chúng
con: Mỗi 50 năm là Năm Thánh buộc người ta phải xóa nợ của họ. Đó
là một sự khởi đầu mới (Lv 25:8-25). Chúa Giêsu loan báo một Năm
Thánh mới, “một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:19). Tin Mừng muốn mọi
thứ bắt đầu mới lại! Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, xin đừng
để cho chúng con bị thử thách: Trong thời kỳ Xuất Hành, người ta đã
bị cám dỗ và đã sa cám dỗ (Đnl 9:6-12). Dân chúng đã phàn nàn và
muốn quay trở lại (Xh 16:3; 17:3). Trong cuộc Xuất Hành mới, mọi cám
dỗ sẽ được khắc phục bởi sức mạnh người ta nhận được từ Thiên Chúa (1Co
10:12-13). Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ: Sự dữ là
Satan, là kẻ đã rời xa khỏi Thiên Chúa và là nguyên do của tội
lỗi. Hắn ta đã thành công trong việc thâm nhập vào người ông Phêrô
(Mt 16:23) và cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã
vượt thắng hắn (Mt 4:1-11). Người nói với chúng ta: “Hãy
can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
- Mt
6:14-15: Bất cứ ai không tha thứ thì sẽ không được tha
thứ. Khi cầu nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta nói lên câu mà sẽ tha thứ
cho chúng ta hay là sẽ kết án chúng ta. Chúng ta
nói: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con” (Mt 6:12). Chúng ta dâng lên Thiên Chúa đo lường của sự
tha thứ mà chúng ta muốn. Nếu chúng ta tha thứ rất nhiều, thì Người
sẽ tha thứ cho chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta tha thứ ít, thì Người
sẽ tha thứ cho chúng ta ít. Nếu chúng ta không tha thứ, thì Người sẽ không
tha thứ cho chúng ta.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Chúa Giêsu
cầu nguyện rằng “xin tha nợ chúng con”. Ở một số quốc gia, câu này
được phiên dịch là “xin tha thứ cho các việc phiền lòng do chúng con đã
phạm”. Điều nào thì dễ dàng tha thứ hơn, các việc làm phiền lòng hay
là các món nợ?
- Các quốc gia
Kitô giáo của Bắc Bán Cầu (Âu Châu và Hoa Kỳ) cầu nguyện hằng
ngày: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con!” Nhưng họ không xóa các khoản nợ cho các nước nghèo khó thuộc
thế giới thứ ba. Chúng ta có thể giải thích mâu thuẫn lớn lao này, nguồn
gốc sự túng nghèo của hàng triệu người, như thế nào đây?
5. Lời nguyện
kết
Hãy cùng tôi ngợi khen
ĐỨC CHÚA,
Ta đồng thanh tán tụng
danh Người.
Tôi đã tìm kiếm CHÚA,
và Người đáp lại,
Giải thoát cho khỏi
mọi nỗi kinh hoàng.
(Tv 34:3-4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét