Trang

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

19-02-2016 : THỨ SÁU - TUẦN I MÙA CHAY

19/02/2016
Thứ sáu tuần 1 Mùa Chay


Bài Ðọc I: Ed 18, 21-28
"Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?"
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm, tuân giữ mọi giới răn của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ không phải chết. Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: "Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?
Còn nếu kẻ công chính bỏ đàng công chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người gian ác quen phạm, có phải nó được sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công chính nó đã thực hiện, vì sự bất trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.
Các ngươi nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8
Ðáp: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? (c. 3)
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3) Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông. - Ðáp.
4) Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

Phúc Âm: Mt 5, 20-26
"Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Làm Hòa Với Anh Em
Khi hay tin cậu con trai yêu quí duy nhất của mình là Giacóp vừa tử trận, nữ bá tước Listry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng lao mình vào công việc phục vụ bệnh nhân trong bệnh xá do bà sáng lập. Rồi một ngày nọ, một thương binh người Ðức được chở đến bệnh viện, dù người lính Ðức này thuộc thành phần quân đội thù địch đã giết chết con trai bà trước đây, nhưng bà Listry vẫn tiếp nhận anh lính một cách vui vẻ. Khi soạn đồ đạc trong bị của anh lính, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của con trai mình trong túi áo của người lính. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, nữ bá tước Listry chỉ biết thốt lên: "Ðúng! Ðây là tên lính đã giết chết đứa con trai của mình". Nhưng kìa, một mảnh giấy ở trong bị anh rơi xuống, bà vội cúi mình nhặt lên và đọc. Một hàng chữ đập vào mắt bà: "Mẹ yêu quí của con! Con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con bị tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con". Sau một hồi xúc động, bà Listry cúi xuống tiếp tục săn sóc cho người lính Ðức cách tận tình. Những giọt nước mắt tha thứ tuôn trào từ đôi mắt bà cứ từ từ rớt xuống đất, vì sự xúc động cảm nhớ đến người con yêu quí của bà.
Anh chị em thân mến!
Trong cuộc sống hằng ngày, chắc chúng ta không có dịp to lớn để tha thứ cho những kẻ xúc phạm nặng nề với mình. Nhưng những phiền lòng nho nhỏ có thể luôn có và lúc nào chúng ta cũng được mời gọi sống tha thứ.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã ghi lại kinh nghiệm tu đức của mình như sau: "Ðừng tức tối vì người ta chỉ trích con. Hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tội lỗi khác nơi con mà họ chưa nói đến". Chúa nói: "Nếu ai trong các con làm mất lòng người khác, con hãy để của lễ về làm hòa với người ấy trước". Còn con, con làm ngược lại, là phóng thanh cho mọi người biết những khuyết điểm của họ. Phần con, con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em? Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em diễu hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế "quan tòa", không bao giờ ngồi băng ghế "bị can".
Sống tha thứ là một điều rất khó. Những tù nhân bị lưu đầy xa quê hương đã khắc trên đá những dòng chữ lưu đầy cho thế hệ mai hậu như sau: "Hãy tha thứ, nhưng đừng quên bị xúc phạm". Chính chúng ta cũng có tâm trạng giống như vậy. Tôi tha thứ, nhưng tôi không thể quên điều xúc phạm này được. Thật ra, tha thứ và bỏ qua là hai điều khác nhau. Nhiều khi ta đã tha thứ rồi, nhưng ta không thể quên được và ngược lại, ta đã quên đi những điều phiền muộn, nhưng ta đã không tha thứ thật lòng.
Chúa Giêsu biết rõ tha thứ là điều khó, nên Ngài dạy các đồ đệ hãy cầu nguyện: "Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Và trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu đã ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu như sau: "Nên Ta bảo các ngươi rõ: nếu các ngươi không ăn ở chính trực hơn những thầy thông giáo và Pharisiêu, các ngươi chẳng được vào nước trời... Hãy đi làm hòa cùng anh em đã rồi ngươi hãy đến dâng của lễ..." (Mt 5,20-26).
Sự tha thứ là điều kiện căn bản để con cái Thiên Chúa có thể tôn vinh phụng thờ Ngài một cách xứng đáng. Có những điều phiền lòng đã được tha thứ rồi, nhưng lại khó quên. Ðây là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng chúng ta hãy cố gắng luyện tập, để rồi với thời gian, sự thành thật tha thứ có thể giúp chúng ta quên đi sự phiền lòng. Chúng ta hãy tha thứ với tình yêu thương, để có thể bắt đầu lại được mối tương quan tốt đẹp với anh em.
Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt: "Tôi tha thứ cho kẻ làm phiền lòng, để từ đó về sau tôi không muốn gặp mặt trao đổi gì với người đó nữa". Không! Tha thứ như vậy chưa phải là tha thứ, nhưng phải tha thứ vì tình yêu thương như Chúa đã nêu gương. Ngài tha thứ và bắt đầu lại mãi mãi với mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp con sống yêu thương tha thứ cho anh em một cách thật lòng. Xin biến đổi con thành khí cụ bình an và yêu thương của Chúa trong môi trường con sống. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần I MC
Bài đọc: Eze 18:21-28; Mt 5:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống trung thành yêu thương suốt cả đời.
Chúng ta thường chú trọng đến những cuộc trở lại, từ xấu thành tốt; và dường như không để ý đến những cuộc đời từ tốt thành xấu như cuộc đời của Judah Iscarioth. Trong thực tế, cả hai đều có thể xảy ra; và trường hợp thứ hai có thể xảy ra thường xuyên hơn trường hợp thứ nhất, đặc biệt trong đời sống gia đình. Ví dụ, khi chưa thành vợ chồng, cả hai người dường như ít khuyết điểm và đối xử với nhau yêu thương tử tế hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết cả hai cuộc trở lại đều có thể xảy ra, nếu chúng ta không cẩn thận xét mình. Trong Bài Đọc I, tiên tri Ezekiel nhấn mạnh đến cả lòng nhân từ lẫn sự công bằng của Thiên Chúa. Vì lòng nhân từ, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống. Vì sự công bằng, Ngài phải luận phạt nếu người công chính bỏ đàng ngay thẳng để làm điều bất chính. Mỗi người có cả một cuộc đời để luyện tập trước khi Thiên Chúa xét xử con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải sống công chính hơn các kinh sư: không phải chỉ tránh giết người phần xác, nhưng phải tránh cả giận hờn, la mắng, chửi rủa; vì những hành động này làm tổn thương danh dự của họ và đưa đến những thiệt hại phần hồn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa nhân từ và công bằng.
1.1/ Đường lối xét xử của Thiên Chúa: Thiên Chúa không xét xử con người mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm; nhưng cho con người có cơ hội cả một đời, trước khi phán xét con người. Tiêu chuẩn phán xét dưới đây có lẽ áp dụng cho Ngày Phán Xét.
(1) Kẻ gian ác ăn năn trở lại sẽ được sống: Điều nổi bật trong Sách Tiên Tri Ezekiel là lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, được tóm gọn trong câu: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” Vì thế, Ngài sẽ không ngừng gởi tới cơ hội và kêu gọi kẻ gian ác trở lại để được sống. Ngài hứa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh.”
(2) Người công chính từ bỏ đường ngay sẽ bị luận phạt: Thiên Chúa nhân từ nhưng cũng công bằng. Ngài kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, và ban ơn gìn giữ người ngay lành đừng phạm tội. Tuy nhiên, Ngài cũng báo trước: “Nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.”
1.2/ Lý luận của con người: Đứng trước cách phán xét của Thiên Chúa, nhiều người sẽ nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Thiên Chúa trả lời: “Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?”
- Lý luận của con người: Chẳng lẽ chỉ vì phạm một tội cuối đời mà người công chính phải hư mất? Nếu Thiên Chúa công bằng, Ngài phải bỏ tội và phúc lên cân xem bên nào nặng hơn. Nếu bên tội nặng hơn, phải chịu hình phạt; nếu bên phúc nặng hơn, cần được thưởng.
- Trả lời: Tội và phúc không phải như đồ vật có thể cân được; nhiều khi một tội xem ra nhẹ, nhưng gây hậu quả nặng nề; và ngược lại. Hơn nữa, tội rất hay lây. Nếu một con vi trùng ung thư có thể làm thiệt hại mạng sống, tội còn gây hậu quả nặng nề hơn thế nữa. Ví dụ, trường hợp ngọai tình của Vua David: không những gây thiệt hại mạng sống cho Uriah, cho đứa con đầu lòng, cho Amnon và Absalom; mà còn để lại những vết thương lòng cho chính Vua David, Bà Bathsebah, và con gái Tamar. Đấy là chưa kể làm gương mù cho nhiều người và xáo trộn tình hình chính trị cả nước. Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh, Ngài sẽ thưởng phạt chúng ta công bằng. Chúng ta không biết được hậu quả của tội; điều hay nhất là tránh mọi tội.
2/ Phúc Âm: Môn đệ Chúa phải sống công chính hơn các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.1/ Giết người không chỉ giết về phần xác: Nhiều người khi xét tới điều răn thứ năm, thứ chín, và thứ mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ giết người, ngọai tình, và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta phải xét mình cẩn thận hơn. Có những người muốn giết người, ngọai tình trong tư tưởng, và ham muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người phạm tội. Về việc giết người, Chúa nhấn mạnh đến 3 điểm sau:
- Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Có hai động từ “giận” trong Hy-lạp: (1)qumomace,w có nghĩa “tức giận,” nhưng xong rồi thôi. Cơn giận nổi lên như lửa gần rơm, nhưng rồi cũng mau chóng nguội. (2) ovrgi,zomai chỉ sự giận âm ỉ, hờn giận. Cái giận thứ nhất có thể tha thứ vì thuộc bản năng con người; cái giận thứ hai đáng bị luận tội hay bị đưa ra tòa xét xử, vì là cái giận giai dẳng và từ chối không tha thứ, dù trí khôn đã cho biết phải bỏ qua. Cái giận mà có người nói “sống để trong lòng, chết mang theo.” Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ lột tả được cái giận này: “Giết nhau chẳng cái lư cầu. Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa.”
- Ai mắng anh em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. ~Raka, có nghĩa người không có trí khôn, không biết suy xét; nó là tiếng khinh thường tha nhân. Con người thường rất tức giận khi nghe ai mắng mình là “đồ ngu ngốc.”
- Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Mwre, có nghĩa là người hành động như người điên rồ về phương diện luân lý. Thánh Vịnh 14, câu 1 nói “Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!" Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện.” Gọi ai Mwre, có nghĩa khinh thường họ có một cuộc đời vô luân, làm đĩ làm điếm, không xứng đáng với người có đạo. Tội làm mất danh giá người khác qua việc nói xấu, nói hành là tội nặng, và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
2.2/ Phải hòa thuận trước khi rước Mình Thánh Chúa: Luật Cựu Ước đòi phải dâng lễ vật để đền tội đã phạm đến Thiên Chúa và con người. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Nếu không giao hòa và tha thứ cho anh em, làm sao con người có thể dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ tội của mình. Tương tự khi con người lên rước lễ, nếu còn đang có chuyện bất bình với tha nhân, làm sao họ có thể kết hợp và xin sự tha thứ của Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều có thể từ xấu trở nên tốt, và từ tốt trở nên xấu. Nếu Thiên Chúa nhân từ không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống; Ngài cũng công bằng xét xử, nếu người công chính bỏ đàng tốt lành để theo đàng tội lỗi.
- Để trung thành theo đàng công chính, con người cần hiểu biết và sống theo những điều Chúa dạy; nhất là phải tuyệt đối sợ và tránh xa tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

19/02/16 THỨ SÁU TUẦN 1 MC
Mt 5,20-26

Suy niệm: Cái làm cho con người phải ân hận nhất là tính dễ nổi giận của mình, bởi vì người dễ nổi giận thì rất dễ phá hoại công việc của mình cũng như kế hoạch của người khác. Khi trưng dẫn luật Mô-sê: “Chớ giết người”, Chúa Giê-su không bác bỏ, Ngài cũng đồng ý như vậy, nhưng Ngài còn muốn đưa nó đi xa hơn nữa, đi đến tận cùng ý muốn của Thiên Chúa, đó là trừ khử sự tức giận, là nguyên nhân sâu xa đi đến tội giết người, chẳng những giết thân xác mà còn giết cả phẩm giá và danh dự kẻ khác. Kinh nghiệm cho thấy chiến tranh phát sinh từ hận thù tranh chấp: trước khi loại bỏ kẻ khác bằng súng đạn, thì người ta đã loại trừ nhau ra khỏi tâm hồn mình bằng lòng hờn giận, ghen ghét, bằng tiếng cãi cọ, chửi rủa.
Mời Bạn: Tính nóng nảy thì ai cũng có. Bạn có phải là người không biết kềm chế tính nóng mà phải nhận lấy hậu quả khó lường của nó? Thiên Chúa thì rất chậm nổi giận nhưng rất mau thi ân giáng phúc cho kẻ cầu xin với Người, và nếu có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì yêu thương suốt đời từ đời nọ đến đời kia. Là con cái Thiên Chúa, bạn tập sống như Ngài.
Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để chế ngự tính nóng nảy?
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, bạn chủ động đến làm hoà với một người mà vì nóng nảy bạn đã làm mất lòng họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã rộng lượng tha thứ cho con tất cả, xin giúp con cũng biết quảng đại tha thứ cho anh chị em con. Con muốn sống yêu thương mọi người chỉ vì chính Chúa đã quảng đại yêu thương con. Amen.

Làm hoà 
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa, vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên.


Suy nim:
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo,
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên:
“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng
chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình…
Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng
chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.”
Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”
Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người:
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).
Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay.
Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác.
Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người.
Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng,
như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em.
Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.
Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ
và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ.
Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận.
Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên.
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa
với các anh em đang có điều bất bình với ta,
phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện.
Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25).
Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa.
Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa,
vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên.
Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng,
nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG HAI
Khám Phá Tận Sâu Thẳm Con Người Mình
Làm thế nào chúng ta có thể hoán cải, trở về với Thiên Chúa? Hoán cải bắt đầu bằng việc nhìn lại nội tâm mình và lắng đọng tâm hồn trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Rồi, trái tim và lương tâm bạn có thể bắt đầu sực tỉnh.
“Hãy vào phòng, đóng kín cửa lại”, Đức Giêsu đã dạy chúng ta như thế (Mt 6, 6). Hoán cải trở về với Thiên Chúa – điều đó không thể xảy ra giữa những xao động chộn rộn của lòng trí. Cần phải hồi tâm và qui hướng về Chúa. Chúng ta phải khám phá ra con người thật của mình ở mức độ cao nhất và sâu xa nhất.
Tại sao phải khám phá ra con người thật, cao nhất và sâu xa nhất? Bởi vì sự nhận hiểu này về con người có liên hệ với thế giới tạo vật. Trong tương quan với tất cả tạo vật chung quanh mình, con người là chủ. Con người được kêu gọi làm chủ mọi vật và thống trị trái đất. Đây là mệnh lệnh đầu tiên mà con người nhận được từ Đấng Tạo Hóa.
Thiên Chúa không chỉ trao cho con người địa vị thống trị tạo vật, Ngài còn định hình con người theo chính hữu thể Ngài. Vì con người cũng là tinh thần, nên con người có thể đạt đến tầm mức mà mọi tạo vật khác không thể đạt đến được. Bản tính căn bản của con người – vừa tinh thần vừa thể xác – không cho phép con người tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng duy chỉ nơi những gì là vật chất.
Khát vọng thâm sâu nhất của con người không thể được lấp đầy bởi thế giới vật chất hữu hình này. Con người cũng không thể gặp được hạnh phúc sâu xa đích thực ngay cả nơi việc chinh phục tạo vật và nơi việc tăng triển khả năng khám phá và sáng tạo của mình. Đức Giêsu đã nêu dấu hỏi: “Được cả thế gian thì ích gì?” (Mt 16, 26). Không, con người không thể lấp đầy khát vọng của mình bằng con đường ấy.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19-2
Ed 18:21-28;  Mt 5:20-26

Lời Suy Niệm: “Thầy bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chăng được vào Nước Trời.”
Đối với Chúa Giêsu, người tín hữu của Chúa, không chỉ có việc giữ luật bên ngoài: Luật cấm làm, và Luật phải làm, để thể hiện việc tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng Luật là những điều hướng dẫn con người đi vào con đường thiện, đúng với phẩm giá của mình, là hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, gìn giữ và săn sóc chúng ta, để chúng ta được Ngài Cứu Độ; để được sống đời đời với Ngài. Luật đối với người Kitô hữu cốt để thanh luyện cái tâm của con người khi sống với nhau và cả trong việc thờ phượng Ngài: “Trước khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa không muốn chúng con sống thiếu hòa thuận thương yêu đối với anh em mình; khi thờ phượng Chúa, Nhưng muốn tất cả chúng con sống với nhau bằng cái tâm, ngay thẳng và chân thật trong yêu thương và an bình. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết xót thương người để được Chúa xót thương.
Mạnh Phương


19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng
Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".
Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Mátthêu 5:20-26
Thứ Sáu, 19 Tháng 2, 2016
Thứ Sáu Sau Chúa Nhật I Mùa Chay               


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và từ bi lân tuất,
Chúa đòi hỏi chúng con phải có trách nhiệm
Với điều lành cũng như điều dữ chúng con làm
Và chúa kêu gọi chúng con phải hối cải.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy giúp chúng con đối diện với chính mình
Rằng chúng con không thể dùng lời bào chữa hời hợt
Để khỏa lấp những lỗi lầm của chúng con.
Xin Chúa hãy khiến cho chúng con thành thật với chính mình,
Và nhận thức được rằng chúng con luôn có thể trông chờ vào Chúa Giêsu Kitô
Là Đấng hướng dẫn và là sức mạnh của chúng con trên con đường hướng về Chúa,
Bây giờ và cho đến muôn đời.

2.  Phúc Âm – Mátthêu 5:20-26 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Nếu các ngươi không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các ngươi chẳng được vào Nước Trời đâu. 
Các ngươi đã nghe dạy người xưa rằng:  Không được giết người.  Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án.  Còn Ta, Ta bảo các ngươi:  Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt.  Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị.  Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. 
Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. 
Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.  Ta bảo thật cho ngươi biết:  Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

3.  Suy Niệm  

-  Văn bản bài Tin Mừng hôm nay là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn hoặc bao quát hơn:  từ câu Mt 5:20 đến 5:48.  Trong những câu Tin mừng này, thánh sử Mátthêu cho chúng ta biết Chúa Giêsu diễn giải và giải thích Lề Luật của Thiên Chúa như thế nào.  Chúa lặp lại câu này năm lần:  “Các ngươi đã nghe dạy người xưa rằng, Ta bảo thật cho các ngươi biết!”  (Mt 5:21, 27, 33 , 38, 43).  Trước đó, Người đã nói:  “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ; Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn chúng” (Mt 5:17).  Thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề Luật là phá vỡ và tiếp nối trong cùng một lúc.  Người phá vỡ đi những diễn giải sai lầm, nhưng vẫn duy trì vững chắc mục tiêu mà Lề Luật cần phải đạt được:  thực hành một nền công lý cao cả hơn, đó là Tình Yêu.
-  Mt 5:20:  Công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái.  Câu Tin Mừng đầu tiên này trình bày chìa khóa chung cho tất cả mọi việc theo sau đó của đoạn Mt 5:20-48.  Từ ngữ Công Chính không bao giờ xuất hiện trong Tin Mừng của Máccô, và nó xuất hiện bảy lần trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 3:15; 5:6, 10, 20; 6:1, 33; và 21:32).  Điều này có ít nhiều liên quan đến tình trạng của cộng đoàn mà thánh Mátthêu đã viết cho họ.  Ý thức tôn giáo của dân Do Thái thời bấy giờ là “nên công chính trước mặt Thiên Chúa”.  Người Biệt Phái đã được dạy:  “Người ta đạt được sự công chính trước mặt Thiên Chúa khi họ thành công trong việc tuân giữ tất cả các quy tắc của lề luật trong mọi chi tiết của nó!”  Giáo huấn này đã tạo ra sự đàn áp mang tính cách pháp lý và đã gây ra nỗi đau khổ lớn lao trong dân chúng, bởi vì rất khó mà có thể tuân giữ được tất cả các quy tắc (xem Rm 7:21-24).  Đây là lý do tại sao Mátthêu đã dùng lời của Chúa Giêsu về sự công chính để cho thấy rằng nó phải vượt hẳn sự công chính của người Biệt Phái (Mt 5:20).  Theo lời Chúa Giêsu, sự công chính không đến từ những việc tôi tuân thủ lề luật cho Thiên Chúa, mà là từ những gì Thiên Chúa làm cho tôi, chấp nhận tôi là con cái Người.  Lý tưởng mới mà Chúa Giêsu đưa ra là như sau:  “Vậy các con hãy nên toàn thiện như Chúa Cha các con trên trời!” (Mt 5:48).  Có nghĩa là:  Các con sẽ trở nên công chính trước Thiên Chúa khi các con cố gắng chấp nhận và tha thứ cho người ta như Thiên Chúa đã chấp nhận và tha thứ cho các con, cho dù các con có thiếu sót và tội lỗi.

-  Qua năm ví dụ rất cụ thể này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết phải làm gì để đạt được sự công chính vượt hẳn sự công chính của các kinh sư và Biệt Phái.  Như chúng ta có thể thấy, bài Tin Mừng hôm nay đưa ra ví dụ về lối giải thích mới của điều răn thứ năm:  Chớ giết người!  Chúa Giêsu đã mặc khải về việc Thiên Chúa muốn gì khi Ngài trao giới răn này cho ông Môisen.
                                       
-  Mt 5:21-22:  Lề luật dạy rằng:  “Ngươi không được giết người!” (Xh 20:13).  Để tuân giữ đầy đủ giới răn này, nếu chỉ tránh việc giết người thôi thì chưa đủ.  Người ta cần phải nhổ tận gốc rễ tất cả mọi mầm mống mà, cách này hay cách khác, có thể dẫn đến việc giết người; ví dụ, giận dữ, thù hận, mong muốn trả thù, xúc phạm, lợi dụng, v.v.
-  Mt 5:23-24:  Cách thờ phượng hoàn hảo mà Thiên Chúa muốn.  Để được Thiên Chúa chấp nhận và duy trì sự kết hợp với Người, điều cần thiết là người ta phải đi làm hòa với anh chị em mình trước.  Trước khi Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy, vào thập niên 70, lúc ấy các Kitô hữu Do Thái đã tham dự vào các cuộc hành hương ở Giêrusalem để dâng của lễ và lời thề hứa của mình tại bàn thờ, họ luôn nhớ đến lời giáo huấn này của Chúa Giêsu.  Trong thập niên 80, khi mà Mátthêu viết sách này, Đền Thờ và Bàn Thờ đã không còn nữa.  Chúng đã bị người La Mã phá hủy.  Cộng đoàn và các nghi thức cộng đoàn đã trở thành Đền Thờ và Bàn Thờ Thiên Chúa.
-  Mt 5:25-26:  Đi làm hòa.  Một trong những điểm mà Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh nhiều nhất là việc làm hòa.  Điều đó chỉ ra rằng trong các cộng đoàn thời ấy, có rất nhiều căng thẳng giữa các nhóm cực đoan với những xu hướng cách biệt và đôi khi có cả những kẻ chống đối.  Không ai muốn nhường bước trước kẻ khác. Không có đối thoại.  Thánh sử Mátthêu soi sáng cho tình trạng này với Lời của Chúa Giêsu về việc làm hòa đòi hỏi sự chấp nhận và hiểu biết.  Bởi vì tội lỗi duy nhất mà Thiên Chúa không tha thứ là việc không tha thứ cho người khác (Mt 6:14). Đó là lý do tại sao, bạn hãy cố gắng làm hòa trước khi quá muộn màng!
    
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
                     
-  Ngày nay có nhiều người lớn tiếng hô hào “Công lý!”  Đối với tôi, nền công lý của Tin Mừng có ý nghĩa gì?   
 Tôi ứng xử ra sao trước những kẻ không chấp nhận tôi?  Chúa Giêsu đã ứng xử ra sao trước những kẻ không chấp nhận Người?

5.  Lời nguyện kết

Từ vực thẳm, con kêu  lên Ngài, lạy CHÚA,
Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
Nghe lời con tha thiết nguyện cầu!
(Tv 130:11-2)
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét