Trang

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

25-02-2016 : THỨ NĂM - TUẦN II MÙA CHAY

25/02/2016
Thứ năm tuần 2 Mùa Chay


BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-10
 "Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng  vào Thiên Chúa".
 
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán: "Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn. Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được? Còn Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Đáp.

 2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Đáp.

 3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

PHÚC ÂM: Lc 16, 19-31
"Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

"Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: "Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được".

Người đó lại nói: "Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này". Abraham đáp rằng: "Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài". Người đó thưa: "Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải". Nhưng Abraham bảo người ấy: "Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu". Đó là lời Chúa.



SUY NIỆM : Người giầu có và Ladarô.
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại rằng một lần nọ đặt chân đến Ethiopi, Mẹ đã ngỏ ý với một vị Bộ trưởng để xin một khu đất xây bệnh viện cho những người cùng khốn nhất. Ông Bộ trưởng trả lời: “Thưa bà, việc săn sóc bệnh nhân và người nghèo là trách nhiệm của chính phủ, không một cá nhân hay đoàn thể nào có thể gánh được công việc này”. Mẹ liền nói: “Nhưng tôi thấy chính phủ các ông đã không chu toàn được trách nhiệm ấy; vả, việc săn sóc người nghèo khổ là trách nhiệm của mỗi người”. Và ông Bộ trưởng đã phải chấp nhận đề nghị của Mẹ.
Câu trả lời và việc làm của Mẹ Têrêxa là một minh hoạ cho giáo huấn của Chúa Giêsu về người giầu có và Ladarô nghèo khổ. Quan tâm đến người anh em, nhất là những người cùng khổ là một bổn phận, một bổn phận mà Chúa Giêsu cũng khẳng định trong diễn từ về ngày chung thẩm. Nhiều người ngỡ ngàng khi nhận ra rằng số phận mai hậu của họ gắn liền với một bát nước lã, một chén cơm họ chia sẻ cho một kẻ vô danh.
Dửng dưng trước khổ đau của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giầu có trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến nguồn gốc của sự giầu có mà người phú hộ đang hưởng. Ngài cũng không nói đến một hành động gian ác nào của ông. Thế nhưng, sự dửng dưng đến độ mù loà của ông trước một người hành khất lê lết trước cửa nhà ông, một thái độ như thế cũng là một tội ác rồi. Mỗi người đều có trách nhiệm về người anh em, nhất là người nghèo khổ trong xã hội. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay có lẽ cũng gợi lại câu hỏi Thiên Chúa đặt ra cho Cain sau khi Cain giết Abel em mình: “Cain, em ngươi đâu?”. Cain trả lời: “Tôi có phải là người giữ em tôi đâu”. Câu trả lời ấy có lẽ cũng là thái độ của chúng ta khi đứng trước nỗi khổ đau của người khác. Thiên Chúa đã tạo dựng nhân loại như một gia đình, trong đó tất cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau.
Mùa Chay, mùa trở về với Chúa và cũng là mùa trở về với anh em. Nhận ra mỗi người, nhất là người cùng khổ như người anh em con cùng một cha, đó là lời mời gọi mà Cha trên trời luôn ngỏ với chúng ta, và đó cũng là thông hành để chúng ta về gặp gỡ Cha trên trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần II MC
Bài đọc: Jer 17:5-10; Lk 16:19-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin Thiên Chúa hơn tin người đời.
Nếu một người tin ai hay tin điều gì thì họ sẽ cậy dựa vào điều đó. Ví dụ, nếu một người tin có tiền mua tiên cũng được, họ sẽ ra sức làm sao cho có nhiều tiền; hay nếu một người tin có uy quyền sẽ có tất cả, họ sẽ lo làm sao cho được một địa vị cao trong xã hội. Nhưng nếu một người tin hạnh phúc không lệ thuộc vào những lợi lộc vật chất, họ sẽ đi tìm những giá trị tinh thần qua những lời khôn ngoan của bậc thánh hiền.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc phải tin và cậy dựa vào Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah đưa ra hai mẫu người với hai niềm tin khác nhau. Tiên tri nói: Phúc thay cho những ai cậy dựa vào Thiên Chúa. Họ như cây trồng bên suối nước, sẽ luôn sinh hoa kết quả và không bao giờ bị khô héo. Nhưng khốn thay cho kẻ tin vào sức phàm nhân, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, và lúc nào cũng như đang sống trong đồng khô cỏ cháy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu gương để dạy cho dân một bài học: một người giàu có và Lazarus, người nghèo khó. Người giàu có dùng tiền bạc của mình để sống phung phí trên sự nghèo khó của Lazarus. Khi cả hai chết đi, cuộc sống hai người bị đảo ngược: Lazarus được ngồi trong lòng tổ-phụ Abraham trên trời; trong khi người giàu có phải chịu cực hình trong lửa đời đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải đặt niềm tin nơi nào cho đúng.
1.1/ Hai niềm tin: Tục ngữ Việt Nam có câu: “chọn mặt gởi vàng, chọn người để tin.” Để lập gia đình cũng thế, nếu một người biết lựa chọn kỹ lưỡng người để kết hôn theo những giá trị tinh thần, cuộc sống gia đình tương lai sẽ bền vững; nhưng nếu chỉ “vơ bèo vạt tép,” làm sao có thể ở với nhau suốt đời được? Tương tự như thế trong khi chọn người để ký thác cả phần hồn lẫn phần xác, con người phải lựa chọn giữa Thiên Chúa, phàm nhân, hay của cải vật chất. Khi con người chọn tin vào ai, họ sẽ làm quyết định theo niềm tin của họ. Tiên tri Jeremiah đưa ra hai lựa chọn căn bản và những hậu quả của chúng.
(1) Tin ở người đời: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.”
Tiên tri Jeremiah sống trong thời gian lịch sử mà đa số dân tộc Israel, vua cũng như dân, quay lưng lại với Thiên Chúa. Hezekiah, Vua Judah đã chọn tin tưởng nơi Vua Ai-cập hơn là tin tưởng nơi Thiên Chúa. Hậu quả là vương quốc bị rơi vào tay Vua Babylon và tòan dân bị lưu đày. Điều khờ dại nhất của con người là chọn những tạo vật của Thiên Chúa làm ra thay vì chọn chính Đấng đã tạo dựng nên mọi sự. Điều ma quỉ dùng để cám dỗ con người là làm cho con người chỉ chú trọng đến hậu quả hiện tại tạm thời, mà quên đi quá khứ và không cần nhìn đến tương lai.
(2) Tin ở Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”
Khi một người khôn ngoan sống theo niềm tin của mình, chọn Thiên Chúa là điều quá hiển nhiên, vì Ngài là nguồn gốc mọi sự. Làm sao một người có uy quyền để bảo vệ một người như Thiên Chúa? Thánh Polycarp, khi được quyến dũ để bỏ Thiên Chúa, đã khẳng khái trả lời: “Trong 86 năm tôi đã phục vụ Ngài, Ngài đã không bao giờ gây ra bất kỳ thiệt hại gì cho tôi: Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Vua và Đấng Cứu Chuộc của tôi?”
1.2/ Thiên Chúa thấu suốt lòng con người: Tin thế nào sẽ sống như vậy; cuộc sống con người biểu tỏ những gì con người tin. Họ sẽ phải ra trước tòa phán xét để trả lời với Thiên Chúa về cuộc sống của họ. Khi đó, họ không thể nói họ đã tin Thiên Chúa trong lòng hay tuyên xưng Ngài bằng miệng lưỡi được, vì đời sống của họ sẽ là bằng chứng tố cáo họ. Lời tiên tri Jeremiah cũng cảnh cáo những con người hai lòng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.”
2/ Phúc Âm: Lazarus tin nơi Thiên Chúa.
2.1/ Ông nhà giàu tin nơi sự giàu có của mình: Chỉ trong ít lời ngắn ngủi, Thánh sử Lucas đã lột tả được sự bất công giữa lòai người: một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người, vừa nghèo khó lại vừa bệnh tật, tên là Lazarus, nằm trước cổng ông nhà giàu. Lazarus thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Cuộc đời sau đảo lộn thứ tự của cuộc đời này. Người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarus trong lòng tổ phụ. Ông kêu cứu: "Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarus nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
2.2/ Lazarus tin nơi tình yêu Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong trời đất cho mọi người hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân, mà chỉ là những người quản lý của cải của Thiên Chúa. Vì thế, con người không được quyền phung phí của cải trong khi những người nghèo không có của ăn. Nếu họ không san sẻ của cải cho người nghèo, họ sẽ phải nghe những lời như Abraham nói với người giàu có: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarus suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarus được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”
2.3/ Bài học cho người còn sống: Sống thế nào sẽ phải lãnh nhận hậu quả như vậy. Nếu chưa biết cách sống, con người phải tìm tòi học hỏi để biết sống, nhất là qua Kinh Thánh. Việc hóan cải đòi nhiều nỗ lực và thời gian, chứ không phải khi muốn là được. Người giàu có xin Abraham sai Lazarus đến nhà để cảnh cáo cho năm người anh em của ông cũng đang sống bất công như vậy, nhưng Abraham đáp: "Nếu Moses và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai điều: tin nơi Thiên Chúa hay nơi phàm nhân. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ: “cả Thiên Chúa lẫn tiền tài.”
- Tin thế nào sẽ sống thế ấy; cuộc sống là biểu tỏ những gì con người tin. Chúng ta không thể chỉ tin trong lòng hay nơi “chót lưỡi đầu môi.”
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

25/02/16 THỨ NĂM TUẦN 2 MC
Lc 16,19-31

Suy niệm: Có hai điều đặc biệt trong dụ ngôn này: 1/ Người nghèo có tên La-da-rô (nghĩa là "Thiên Chúa giúp"), lần đầu tiên một nhân vật trong dụ ngôn có tên rõ ràng; 2/ Số phận hạnh phúc hay trầm luân của con người sau khi chết. Tuy không giải thích tại sao anh La-da-rô được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng dụ ngôn cho ta hiểu rằng việc hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn người nhà giàu tới chỗ dửng dưng, vô cảm với người nghèo, cản trở lòng tin vào Thiên Chúa. Ông nhà giàu không bị phạt vì giàu có, mà vì ông đã làm ngơ trước tình cảnh khốn cùng của La-da-rô. Tình trạng giàu nghèo đời này không quyết định số phận ta ở đời sau, nhưng hệ tại ở thái độ và cách thế đón nhận, sẻ chia.
Mời bạn: Đức tin của bạn được củng cố, phát huy ngày qua ngày nhờ một trí óc và con tim biết vâng nghe theo Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và gương các thánh. Nhờ đó, bạn dễ dàng thanh thoát "những thú vui thế gian," sức hấp dẫn của tiện nghi, hưởng thụ, mà quan tâm hơn đến tình yêu đối với tha nhân, nhất là với ai đang cần sự trợ giúp cụ thể, vật chất cũng như tinh thần.
Sống Lời Chúa: Bên cạnh bạn có “anh La-da-rô” nghèo khổ nào không? Bạn hãy có một nghĩa cử chia sẻ bằng vật chất, tinh thần trong tình liên đới  của kinh “Thương người có mười bốn mối.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con, ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác… Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.
(Rabbouni)

Có một vực thẳm 
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác... Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình. Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.


Suy nim:
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc chút nào
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm...
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.
Cầu nguyn:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

25 Tháng Hai

    Chân Phước Sebastian ở Aparicio
    (1502 - 1600)


    Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

    Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.

    Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.

    Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

    Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.


    Lời Bàn

    Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.


    Lời Trích

    Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com
 
25 Tháng Hai
Dân Thành Athènes

Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: "Dân thành Athènes như thế nào?".
Triết gia bèn trả lời: "Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?". Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".
Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".
Ngày hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: "Dân thành Athènes như thế nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...
Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: "Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế".
Câu chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...
Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất, tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".


Lẽ Sống

Lectio Divina: Luca 16:19-31
Thứ Năm, 25 Tháng 2, 2016
Thứ Năm Tuần II Mùa Chay                              


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Nhiều người trong chúng con, cuộc đời chưa bao giờ được khá giả như thế
Vì vậy chúng con đã trở nên tự mãn và hài lòng, hạnh phúc trong thế giới nhỏ bé của chúng con.
Lạy Chúa, nguyện xin cho tai chúng con vẫn mở ra để lắng nghe Lời Chúa
Xin cho lòng chúng con vẫn hướng về Chúa
Và hướng về anh chị em chúng con.
Xin Chúa đừng để cho chúng con quên Chúa,
Hoặc đặt để niềm tin của chúng con vào chính mình.
Xin hãy làm cho chúng con thao thức vì Chúa,
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Luca 16:19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người Biệt Phái rằng:  “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người hành khất tên là Lagiarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.  Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. 
Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham.  Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn.  Trong hỏa ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Lagiarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:  “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.”  Abraham nói lại:  “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lagiarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lagiarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.  Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được.”  Người đó lại nói:  “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lagiarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”.  Abraham đáp rằng:  “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”.  Người đó thưa:  “Không đâu, lạy Cha Abraham!  Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”.  Nhưng Abraham bảo người ấy:  “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

3.  Suy Niệm

-  Mỗi khi mà Chúa Giêsu có điều gì quan trọng cần phải thông tri, Người tạo ra một câu chuyện và kể dụ ngôn.  Bằng cách này, qua việc suy gẫm về một thực tại vô hình, Người dẫn dắt những ai đang lắng nghe Người khám phá ra lời mời gọi vô hình của Thiên Chúa, Đấng hiện hữu trong đời sống.  Dụ ngôn được tạo nên để chúng ta nghĩ và suy gẫm.  Vì lý do này, điều quan trọng là phải chú ý, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất.  Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay có ba nhân vật.  Người hành khất tên Lagiarô, nhà phú hộ vô danh và Tổ Phụ Abraham.  Trong bài dụ ngôn, ông Abraham đại diện cho tư tưởng của Thiên Chúa.  Nhà phú hộ vô danh đại diện cho hệ thống tư tưởng thống trị thời đó. Lagiarô đại diện cho tiếng khóc thầm lặng của những người nghèo khó vào thời của Chúa Giêsu và của tất cả mọi thời đại.  
-  Lc 16:19-21:  Tình cảnh của nhà phú hộ và người hành khất.  Hai thái cực của xã hội.  Một mặt, sự giàu có thừa thãi; còn mặt khác, một người nghèo khó không cơm ăn, không quyền lực, mình đầy ghẻ chốc, không ai đoái hoài, ngó ngàng tới anh ta, ngoại trừ những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.  Vật ngăn cách giữa họ là cánh cổng đóng kín của nhà phú hộ.  Về phần nhà phú hộ, không có sự chấp nhận cũng chẳng có lòng thương xót đến tình cảnh của người hành khất ngoài cửa nhà ông ta.  Nhưng người hành khất thì có tên và nhà phú hộ thì không có.  Có nghĩa là, người hành khất có tên mình được viết vào trong sách hằng sống, mà nhà phú hộ thì không.  Tên của người hành khất là Lagiarô.  Nó có nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp.  Và qua người hành khất, Thiên Chúa giúp cho nhà phú hộ có thể có tên trong sách hằng sống.  Nhưng nhà phú hộ không chấp nhận việc được giúp đỡ bởi người hành khất, bởi vì cánh cổng nhà ông ta đóng kín.  Khởi đầu của bài dụ ngôn này mô tả tình trạng, là một tấm gương trung thực của những gì đã xảy ra trong thời của Chúa Giêsu và thời ông Luca.  Nó cũng là tấm gương của mọi việc đang xảy ra hiện nay trên thế giới!    
-  Lc 16:22:  Việc thay đổi mặc khải sự thật ẩn dấu.  Người hành khất chết đi và được các thiên thần đem lên nơi lòng tổ phụ Abraham.  Nhà phú hộ cũng chết và được đem chôn.  Trong bài dụ ngôn, người hành khất chết trước nhà phú hộ.  Đây là một lời báo trước cho nhà phú hộ.  Cho đến khi người hành khất vẫn còn sống và nằm bên cổng, thì vẫn còn cơ hội cứu rỗi cho nhà phú hộ.  Nhưng sau khi người hành khất chết đi, công cụ duy nhất của ơn cứu rỗi cho nhà phú hộ cũng chết theo. Giờ đây, người hành khất được ở trong lòng ông Abraham.  Lòng ông Abraham là nguồn mạch của sự sống, từ nơi đó Dân Thiên Chúa được sinh ra.  Lagiarô, người hành khất, là một phần tử của Dân Tộc Abraham, từ nơi ấy anh ta bị loại trừ trước đó, khi anh ta nằm bên cổng nhà phú hộ.  Nhà phú hộ tin tưởng rằng ông ta là dòng dõi của Abraham thì lại không được tiến về phía vòng tay ôm của ông Abraham! Lời giới thiệu về bài dụ ngôn kết thúc ở đây.  Bây giờ ý nghĩa của nó bắt đầu được mặc khải, qua ba lời đối thoại giữa nhà phú hộ và Tổ Phụ Abraham.
-  Lc 16:23-26:  Lời đối thoại thứ nhất.  Trong bài dụ ngôn, Chúa Giêsu mở ra một cánh cửa ở phía bên kia của đời sống, phía bên Thiên Chúa.  Đó không phải là một thắc mắc về Thiên Đàng.  Đó là một thắc mắc về sự sống mà chỉ có đức tin mới tạo ra được và nhà phú hộ lại không có đức tin nên không thể cảm nhận được.  Chỉ dưới ánh sáng của cái chết mà ý thức về sự khống chế bị tan rã và xuất hiện cho ông ta giá trị đích thực của cuộc sống là gì.  Về phần Thiên Chúa, không hề có tuyên truyền lừa dối về tư duy, mọi thứ thay đổi.  Nhà phú hộ trông thấy người hành khất Lagiarô ở trong lòng Tổ Phụ Abraham và yêu cầu được giúp đỡ trong sự đau khổ của mình.  Nhà phú hộ khám phá ra rằng chỉ có Lagiarô mới có thể là ân nhân của mình.  Nhưng, bây giờ thì đã quá muộn!  Nhà phú hộ vô danh trở nên lễ độ, vì ông ta nhận ra ông Abraham và gọi ông, Tổ Phụ Abraham đáp lại và gọi ông ta là con.  Trong thực tế ngôn từ này của ông Abraham được gửi đến tất cả những người giàu có còn đang sống.  Khi mà họ còn đang sống, họ có thể là con cái của ông Abraham, nếu họ biết mở cửa cho Lagiarô, người hành khất, người duy nhất có thể nhân danh Thiên Chúa mà giúp họ.  Ơn cứu rỗi cho người giàu có không ở trong việc Lagiarô có cho ông ta một giọt nước để làm mát lưỡi ông ta hay không, mà đúng hơn là, ông ta, nhà phú hộ, phải mở cửa nhà mình cho người nghèo khó để lấp đầy hố sâu to lớn đang hiện hữu.
-  Lc 16:27-29:  Lời đối thoại thứ hai.  Nhà phú hộ nài nỉ:  ““Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lagiarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”.  Nhà phú hộ không muốn anh em mình sẽ phải đến cùng một chỗ đau khổ.  Lagiarô, người hành khất, là người trung gian thực sự duy nhất giữa Thiên Chúa và người giàu có.  Ông ta là người duy nhất bởi chỉ vì người nghèo mà người giàu phải trả lại những gì họ có, và do đó, tái thiết lập nền công lý đã bị tổn hại!  Nhà phú hộ lo lắng cho các anh em của mình, nhưng không bao giờ quan tâm đến người nghèo!  Câu trả lời của ông Abraham thì rõ ràng: “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài!”  Họ có Kinh Thánh!  Nhà phú hộ có Kinh Thánh.  Ông ta thuộc nằm lòng nó.  Nhưng ông ta không bao giờ nhận thức được sự thật rằng Kinh Thánh có điều gì đó liên quan đến người nghèo.  Chìa khóa mà nhà phú hộ có để có thể hiểu được Kinh Thánh là người hành khất đang ngồi bên cổng nhà mình!
-  Lc 16:30-31:   Lời đối thoại thứ ba.  “Không đâu, lạy Cha Abraham!  Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải!”  Nhà phú hộ nhận ra rằng ông ta đã sai lầm, ông ta đã phạm một lỗi, bởi vì ông ta nói đến ăn năn, một điều gì đó mà ông chưa bao giờ nghe đến trong đời.  Ông ta muốn có một phép lạ, một sự sống lại!  Nhưng kiểu sống lại này không hề có.  Sự sống lại duy nhất là Chúa Giêsu. Đức Giêsu, sống lại từ cõi chết đến với chúng ta trong con người của những người nghèo khó, những kẻ không có quyền làm người, những kẻ không có đất đai, những kẻ không có thức ăn, những kẻ không có nhà ở, những kẻ không có sức khỏe.  Trong câu trả lời cuối cùng, ông Abraham đã minh bạch và quả quyết, mạnh mẽ:  “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu!”  Cuộc đối thoại kết thúc theo cách này! Đến đây chấm dứt bài dụ ngôn!
-  Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của Kinh Thánh là người nghèo khó Lagiarô, đang ngồi trước cổng nhà!  Thiên Chúa tự giới thiệu mình trong con người của kẻ nghèo khó, ngồi tại cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta lấp đầy hố sâu to lớn mà người giàu có đã tạo ra.  Lagiarô cũng là Chúa Giêsu, kẻ nghèo khó và là Đấng Cứu Thế tôi tớ, Đấng đã không được chấp nhận, nhưng Đấng mà cái chết đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ từ gốc rễ.  Và mọi việc thay đổi trong ánh sáng của cái chết của người nghèo khó.  Thậm chí nếu nhà phú hộ nghĩ rằng ông ta có tôn giáo và đức tin, trong thực tế, thì ông ta đã không ở cùng với Thiên Chúa, vì ông đã không mở cửa cho người nghèo khó, như ông Giakêu đã làm (Lc 19:1-10).         
                                           
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
                     
-  Tôi cư xử với người nghèo khó ra sao?  Họ có tên gọi cho chúng ta không? Trong thái độ mà tôi có trước mặt họ, tôi đã cư xử giống như Lagiarô hay giống như là nhà phú hộ?     
 Khi người nghèo khó tiếp cận với chúng ta, họ có cảm nhận được có cái gì đó khác thường không?  Họ có cảm nhận được Tin Mừng không?  Và tôi, tôi có xu hướng thiên về bên nào, hướng về phép lạ hay hướng về Lời Chúa?

5.  Lời nguyện kết

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
Chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
Không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
Nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
Nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
(Tv 1:1-2)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét