Trang

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Người đã trải qua địa ngục có thể trở thành ngôn sứ trong xã hội

Người đã trải qua địa ngục có thể trở thành ngôn sứ trong xã hội
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 17-02-2016
Tại Ciudad Juarez – Mễ Tây Cơ

Buổi gặp với các tù nhân là điều mà Đức Giáo hoàng không muốn bỏ lỡ, và là điều đặc biệt quan trọng với ngài. Trong chuyến thăm Ciudad Juarez, Đức Phanxicô đến thăm ‘Centro de Readaptacion Social estatal no. 3’ nơi giam giữ khoảng 3000 phạm nhân đang chịu án. Nhà tù này là một phần trong dự án tái thiết hệ thống nhà tù của bang Chihuahua, và đã được công nhận là tôn trọng các tiêu chuấn nhà tù theo quốc tế.
Gia đình các phạm nhân cũng đến để chào mừng Đức Giáo hoàng. Khi Đức Giáo hoàng đến gần một phụ nữ sau song sắt, bà chúc lành cho ngài, làm dấu thánh giá trên trán và tim ngài, như người ta thường làm với con trẻ vậy. Đức Phanxicô ôm bà và chúc lành cho bà.
Rồi ngài gặp các cha tuyên úy và nhân viên nhà tù, ‘Cám ơn vì công việc tốt đẹp mà anh chị em đã làm, một việc tốt thường không được để ý. Cha đem đến cho anh chị em một hình ảnh yếu đuối dễ bị tổn thương hơn hết: Là Chúa Kitô trên thập giá. Nhưng đúng là với sự yếu đuối này, Ngài cứu chúng ta và cho chúng ta hi vọng.’
700 người hiện diện trong nhà nguyện nhà tù để nghe ngài nói. Đức Giáo hoàng đã đi quanh và đích thân thăm hỏi 50 người trong số họ.
Một nữ phạm nhân chào đón Đức Giáo hoàng thay mặt các bạn tù, ‘Đức tin và sức mạnh nội tâm của chúng con đang chịu thử thách khốc liệt ở đây. Khi cùng ở trong nơi này, chúng con tất cả đều như nhau, cũng như tất cả đều như nhau trước mắt Chúa. Sự hiện diện của cha là lời nhắc nhở cho tất cả những ai đã mất hi vọng vào khả năng tái hòa nhập của chúng con, và là nhắc nhở cho những ai đã quên mất chúng con là người. Khi bị tuyên án, chúng con khóc. Chúng con cảm thấy cùng quẫn, chúng con tuyệt vọng. Và chúng con bắt đầu tự hỏi mình những câu mà chúng con không không muốn biết câu trả lời: khi nào sẽ được ra? Gia đình có còn thương mình không? Họ có quên mình không? Chúng con cảm thấy nguy hiểm, yếu đuối, và cô độc.’

Đáp lại những lời day dứt đau đớn này, Đức Phanxicô nhắc lại,
‘Người đã phải chịu đau khổ lớn nhất, có thể nói là ‘đã trải qua địa ngục’ có thể trở thành một ngôn sứ trong xã hội.
Làm như thế thì một xã hội lợi dụng và thải loại con người sẽ không còn tiếp tục tự nhận nó là nạn nhân nữa.’
‘Anh chị em hãy nhớ, không có nơi nào ngoài tầm với của lòng thương xót, không có nơi nào hay con người nào mà lòng thương xót không chạm đến được. Mừng Năm Toàn xá Lòng Thương xót cùng với anh chị em, là nhớ lại cuộc hành trình đầy áp lực mà chúng ta phải đi để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực và tội ác.
Hệ thống hiện thời đã không làm được. Chúng ta đã mất hàng chục năm nghĩ và tin rằng mọi thứ sẽ được giải quyết bằng cách tách ly, biệt lập, tống giam, tin rằng các chính sách này thực sự giải quyết được vấn đề. Chúng ta đã quên mất việc tập trung vào những gì thực sự là mối bận tâm của mình, chính là cuộc sống con người, cuộc sống của họ, của gia đình họ, và của những ai chịu đau khổ vì vòng tròn bạo lực này.
Đây là lý do vì sao nhà tù là hiện tượng của một nền văn hóa không còn nâng đỡ sự sống, của một xã hội bỏ rơi con cái mình. Sự tái hòa nhập, phải được bắt đầu từ trước kia, phải bắt đầu từ bên ngoài nhà tù, nơi các ngả đường thành phố. Tái hòa nhập, tái xã hội, bắt đầu bằng việc tạo ra một hệ thống có thể gọi là sự lành mạnh xã hội, nghĩa là một xã hội không tìm cách để gây bệnh tật, nhiễm độc cho các mối quan hệ láng giềng, trường lớp, các ngả đường, các mái nhà, cũng như toàn xã hội nói chung. Một hệ thống lành mạnh xã hội nỗ lực để thăng tiến một nền văn hóa hành động và tìm cách để ngăn chặn các tình trạng dẫn đến sự phá hoại và đổ vỡ xã hội.
Nhưng có lúc, dường như các nhà tù được dựng lên để ngăn chặn người ta khỏi phạm tội hơn là thúc đẩy tiến trình tái hòa nhập, một việc cho chúng ta xác định các vấn đề xã hội, gia đình và tâm lý đã khiến một con người hành động phạm tội như thế. Chỉ tống giam thôi thì không giải quyết được các vấn đề an ninh. Chúng ta phải can thiệp bằng cách đương đầu với các nguyên nhân mang tính văn hóa và cơ cấu của sự bất an đang tác động lên toàn xã hội này.

Tái hòa nhập xã hội, bắt đầu bằng việc bảo đảm rằng, tất cả con cái chúng ta được đến trường, và mọi gia đình có được công việc đúng phẩm giá, bằng cách lập nên các nơi vui chơi giải trí công, thúc đẩy sự chung tay của công dân, cải thiện dịch vụ y tế và các dịch vụ căn bản.
Chúng ta biết rằng, mình không thể đi ngược lại thời gian, chúng ta biết chuyện gì đã rồi là đã rồi. Đây là cách mà cha muốn mừng Năm Toàn xá Lòng Thương xót với anh chị em, bởi anh chị em không bị loại trừ khả năng làm nên một chuyện đời mới và tiến tới. Anh chị em chịu nỗi đau thất bại, anh chị em cảm thấy ăn năn hối hận vì hành động của mình, và nhiều người, tìm cách làm lại cuộc đời giữa chốn cô độc.
Anh chị em đã biết sức mạnh của đau buồn và tội lỗi, và cũng đừng quên rằng ngay tầm tay với của anh chị em là sức mạnh phục sinh, sức mạnh của lòng thương xót Chúa đổi mới mọi sự. Ngay bây giờ, lòng thương xót này có thể vươn đến anh chị em trong những nơi khó khăn và gian nan nhất. Nhưng những lúc gian nan này cũng có thể đem lại những kết quả thực sự tích cực. Từ bên trong nhà tù, anh chị em phải làm việc hết sức để thay đổi những tình trạng đang gây ra sự loại trừ nhất. Hãy nói chuyện với những người thân yêu, kể cho họ các chuyện mình đã trải qua, giúp họ chấm dứt vòng tròn bạo lực và loại trừ này. Người đã phải chịu đau khổ lớn nhất, có thể nói là ‘đã trải qua địa ngục’ có thể trở thành một ngôn sứ trong xã hội. Làm như thế thì một xã hội lợi dụng và thải loại con người sẽ không còn tiếp tục tự nhận nó là nạn nhân nữa.
Và các nhân viên nhà tù, giám đốc, cảnh vệ, tất cả những ai đang làm việc ở đây, Đừng bao giờ quên rằng tất cả anh chị em có thể trở thành dấu chỉ của trái tim Chúa Cha. Chúng ta cần nhau để tiến tới.’
Trước khi ban phép lành, Đức Giáo hoàng nói với các phạm nhân: ‘Nguyện xin lời cầu nguyện này mở lòng của anh chị em và cho anh chị em tha thứ cho xã hội, một xã hội dường như không giúp đỡ anh chị em và thường đẩy anh chị em vào sai lầm.;

Các phạm nhân tặng Đức Giáo hoàng một mục trượng bằng gỗ. Một nhóm phạm nhân đã lập ban nhạc mang tên ‘Âm nhạc cho chúng ta tự do’ và họ có bài hòa nhạc nho nhỏ tặng Đức Phanxicô.
Khoảnh khắc đặc biệt xúc động là khi Đức Giáo hoàng Phanxicô ôm hai nhạc công tù nhân rất lâu. Họ quỳ xuống, nước mắt lưng tròng, nắm chặt tay Đức Giáo hoàng khi ngài cầu nguyện.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét