Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia
VATICAN. ĐTC kêu gọi các
doanh nhân và chủ xí nghiệp đặt con người ở trọng tâm các hoạt động của mình và
cổ võ sự can dự của nhiều người vào công trình chung, kể cả những người yếu thế.
Ngài đưa ra lời kêu gọi
trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-2-2016, tại Đại thính đường Phaolô 6 dành
cho 7 ngàn doanh nhân và chủ xí nghiệp Italia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử
từ khi thành lập Liên hiệp các công nghệ Italia (Confindustria), một vị Giáo
Hoàng tiếp kiến các thành viên tổ chức này.
Chiều thứ sáu 26-2 trước
đó, cách doanh nhân đã tham dự một hội nghị tại Học viện Augustinianum cạnh
Vatican về chủ đề ”cùng nhau hành động”, do Liên hiệp các công nghệ Italia tổ
chức, bàn về tương quan giữa luân lý đạo đức và lao công.
Đi từ chủ đề đó, ĐTC
nói: ”cùng nhau hành động”, có nghĩa là đầu tư vào những dự án biết làm cho cả
những người nhiều khi bị lãng quên hoặc lơ là được tham gia. Trong số những người
ấy có các gia đình, và những thành phần yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề, như
những người già vẫn còn có thể diễn tả tài năng và nghị lực để cộng tác tích cực,
nhưng nhiều khi họ bị gạt bỏ như những người vô ích và không sản xuất được...
Và phải nói gì về tất cả những công nhân trong tiềm năng, nhất là những người
trẻ, nhiều khi phải chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, hoặc bị thất
nghiệp dài.
ĐTC nói thêm rằng: ”Tất
cả những lực lượng ấy có thể tạo nên sự khác biệt đối với một xí nghiệp đặt con
người ở nơi trung tâm hoạt động của mình, đặt chất lượng tương quan của mình, sự
dấn thân chân thành trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, cho tất cả
mọi người. Thực vậy, ”Cùng nhau hành động” có nghĩa là bố trí công việc không
phải trên một thiên tài đơn độc của một cá nhân, nhưng trên sự cộng tác của nhiều
người, nói khác đi, đó là liên kết với nhau để đề cao những năng khiếu của tất
cả mọi người, không bỏ qua đặc tính có một không hai của mỗi người. Nơi trung
tâm của mọi xí nghiệp của anh chị em, cần có con người, không phải con người trừu
tượng, lý thuyết, nhưng con người cụ thể với những ước mơ, những nhu cầu, hy vọng
và cơ cực của họ”.
Cũng trong bài huấn dụ,
ĐTC khẳng định rằng ”Đứng trước bao nhiêu hàng rào bất công, cô đơn, nghi kỵ và
ngờ vực vẫn còn được người ta dựng lên thời nay, thế giới lao động, nơi mà anh
chị em chiếm vị thế hàng đầu, được kêu gọi thực hiện những bước can đảm, để khẩu
hiệu ”họp nhau và cùng nhau hành động” không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng
là một chương trình cho hiện tại và tương lai.
”Ước gì con đường chủ yếu
của anh chị em luôn luôn là công lý, từ bỏ mọi những lối đi tắt với những thứ
tiến cử và thiên vị, những lệch lạc nguy hiểm do sự bất lương và thái độ thỏa
hiệp dễ dàng. Ước gì qui luật tối thượng trong mọi sự là quan tâm đếnphẩm giá của
tha nhân, là giá trị tuyệt đối và không thể tùy tiện sử dụng. Ước gì chân trời
vị tha này là đặc điểm trong sự dấn thân của anh chị em: nó sẽ làm cho anh chị
em quyết liệt không để phẩm giá con người bị chà đạp nhân danh những đòi hỏi của
việc sản xuất, che đậy sự thiển cận cá nhân chủ nghĩa, sự ích kỷ buồn thảm và sự
khao khát lợi lộc. Ước gì xí nghiệp mà anh chị em đại diện luôn cởi mở đối với
ý nghĩa bao quát của cuộc sống, giúp nó thực sự phục vụ công ích, với nỗ lực
làm gia tăng và làm cho mọi người được hưởng những thiện ích của thế giới này”
(E.V, 203)
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét