Trang

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Fatima, Đức Gioan Phaolô II và bí mật thứ ba

Fatima, Đức Gioan Phaolô II và bí mật thứ ba
Vũ Văn An5/16/2016



Nhân dịp kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên ngày 13 tháng 5 năm 1917, cách nay 99 năm, báo chí Công Giáo viết nhiều chung quanh ý nghĩa của sự kiện Fatima nói chung.

Năm điều đáng lưu ý của Bí Mật Thứ Ba

Điều nổi bật nhất vẫn là ý nghĩa của Bí Mật Thứ Ba, một bí mật dù đã được bật mí nhưng vẫn là một bí mật với rất nhiều người Công Giáo hiện nay. Về ý nghĩa này, chính thị nhân hàng đầu của biến cố là chị Lucia cho hay: “việc giải thích không thuộc thị nhân mà thuộc Giáo Hội”. Thành thử, việc giải thích một số dấu hiệu và biểu tượng của Đức Mẹ Fatima nhằm đem lại cho tín hữu một hướng dẫn rõ ràng để hiểu ý định của Thiên Chúa muốn mạc khải cho ta là tùy thuộc Giáo Hội Công Giáo.

Giáo Hội đã làm việc trên năm 2000, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (nay là Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI), viết một bài nhận định và giải thích thần học khá dài về “Bí Mật Thứ Ba” nổi tiếng. Ngài được trao trách nhiệm minh giải các dấu hiệu và biểu tượng trong các thị kiến về Đức Mẹ và ngài đã thực hiện được nhiều khám phá rất đáng lưu ý.

Theo ký giả Philip Kosloski, trong số các khám phá ấy, 5 điều sau đây đáng lưu ý hơn cả.

Thống hối, thống hối, thống hối!

1. “Chữ chủ yếu của phần thứ ba này là lời nài van 3 lần: ‘Thống hối, thống hối, thống hối!’ Lời đầu tiên của Tin Mừng xuất hiện trong tâm trí ta: ‘Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Hiểu các dấu chỉ của thời đại có nghĩa chấp nhận sự cấp thiết của thống hối, của hóan cải, của đức tin. Đây là đáp ứng đúng đắn đối với thời điểm lịch sử này, một thời điểm được đánh dấu bằng nhiều nguy cơ trầm trọng được phác họa trong các hình ảnh sau đây”.

Sứ điệp chính của Đức Mẹ Fatima là “thống hối”. Ngài tìm cách nhắc thế giới nhớ tới việc phải quay lưng khỏi sự ác và sửa chữa các tàn hại do tội lỗi ta gây ra. Đây là “chìa khóa” để hiểu các phần còn lại của “bí mật”. Mọi sự đều xoay quanh nhu cầu thống hối này.

Chúng ta đã rèn nên Lưỡi Gươm Rực Lửa 

2. “Thiên thần với lưỡi gươm rực lửa bên trái Mẹ Thiên Chúa nhắc ta nhớ tới các hình ảnh tương tự trong Sách Khải Huyền. Điều này muốn nói lên đe dọa phán xét đang ló dạng trên thế giới. Ngày nay, viễn tượng thế giới trở thành đống tro tàn bởi biển lửa không còn là một sản phẩm thuần tưởng tượng nữa: chính con người, với các phát minh của họ, đã rèn nên lưỡi gươm rực lửa. Thị kiến, sau đó, đã cho thấy quyền lực chống lại thứ sức mạnh tàn phá ấy, sự huy hoàng của Mẹ Thiên Chúa và, theo một nghĩa nào đó, phát xuất từ việc này là lời mời gọi thống hối”. 

Phần hiện ra này là phần gây phiền não hơn cả. Dường như Thiên Chúa muốn giáng xuống ta “lưỡi gươm rực lửa”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh rằng “lưỡi gươm rực lửa” này là điều chính chúng ta tạo ra (như bom nguyên tử chẳng hạn), chứ không hẳn từ trời giáng xuống. Tin vui là: thị kiến cho hay lưỡi gươm rực lửa “tàn lụi khi tiếp xúc với vẻ huy hoàng của Đức Mẹ” trong liên hệ với lời kêu gọi “thống hối, thống hối, thống hối!”. Mẹ Diễm Phúc mới là người có tiếng nói quyết định sau cùng và vẻ sáng lạn của ngài chặn đứng mọi tai biến.

Tương lai không được tạc vào đá 

3. “Sự quan trọng của tự do con người được làm nổi bật: thực vậy, tương lai không được xác định một cách bất biến, và hình ảnh mà ba trẻ nhìn thấy không hề là một cuộc duyệt phim trước về tương lai trong đó, không điều gì có thể thay đổi được. Thực thế, trọn trọng điểm của thị kiến là đem tự do vào viễn ảnh và lái tự do về hướng tích cực… [Viễn kiến này] nhằm huy động các lực lượng thay đổi theo hướng đúng đắn của chúng”. 

Trái với niềm tin bình dân, các viễn kiến được Đức Mẹ Fatima ban cho không phải là một cuộc duyệt trước điều sẽ xẩy ra. Chúng là một cuộc duyệt trước những điều có thể xẩy ra, nếu ta không đáp lại lời kêu gọi thống hối và hoán cải của Đức Mẹ. Ta vẫn còn duy trì được ý chí tự do của ta và ta được thúc giục sử dụng nó để phục vụ thiện ích của toàn thể nhân loại.

Máu Các Tử Đạo là Hạt Giống của Giáo Hội 

4. “Phần kết luận của ‘bí mật’… là một thị kiến đầy an ủi, một thị kiến nhằm mở ra một lịch sử máu và nước mắt cho quyền năng chữa lành của Thiên Chúa. Dưới cánh thập giá, các thiên thần thu lượm máu các tử đạo, và với máu này, các ngài đem lại sự sống cho các linh hồn đang trên hành trình hướng về Thiên Chúa… Như Giáo Hội đã được sinh hạ từ sự chết của Chúa Kitô, từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người thế nào, thì sự chết của các tử đạo cũng sinh hoa trái cho sự sống tương lai của Giáo Hội như vậy. Do đó, thị kiến của phần thứ ba trong ‘bí mật’, dù thoạt đầu gây phiền não là thế, nhưng đã kết thúc bằng một hình ảnh đầy hy vọng: không có đau khổ nào vô ích cả, và chính một Giáo Hội đau khổ, một Giáo Hội của các vị tử đạo mới trở thành cột mốc cho con người trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của họ”.

Đúng là thị kiến trên có mùi đau khổ và nguy biến, nhưng nó không vô ích. Giáo Hội có thể phải đau khổ nhiều trong những năm sắp tới, nhưng việc này không nên khiến ta phải ngạc nhiên. Giáo Hội vốn kinh qua bách hại ngay từ thời đóng đinh và sự đau khổ của chúng ta hiện nay sẽ chỉ sinh hiệu quả tốt trong tương lai.

Đừng sợ. Thầy đã thắng thế gian 

5. “ ‘Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng’. Điều này có nghĩa gì? Trái tim rộng mở cho Chúa, được thanh tẩy nhờ việc chiêm ngắm Người, thì mạnh hơn súng đạn bất cứ loại nào… Thần Ác đang có uy lực trong thế giới này… Nó có uy lực vì tự do của ta liên tục để mình bị dẫn xa rời Thiên Chúa. Nhưng… tự do chọn điều ác không còn tiếng nói sau cùng của nó nữa… tiếng nói thắng thế là tiếng nói này: ‘Các con sẽ chịu nhiều thống khổ trong thế gian, nhưng các con đừng sợ; Thầy đã thắng thế gian’ (Ga 16:33). Sứ điệp Fatima mời gọi ta tin tưởng vào lời hứa này”. 

Tóm lại, “bí mật” Fatima cho chúng ta niềm hy vọng giữa lòng một thế giới bị tan hoang bởi tham lam, ích kỷ và chiến tranh. Satan sẽ không chiến thắng và các kế hoạch tàn ác của nó sẽ bị phá tan bởi Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Rất có thể có đau khổ lớn lao trong một tương lai gần, nhưng nếu ta bám chặt lấy Chúa Giêsu và Mẹ của Người, chúng ta vẫn mãi chiến thắng.

Đức Gioan Phaolô II và biến cố Fatima

Cựu mục sư Anh Giáo nay là linh mục Công Giáo Dwight Longenecker thì cho rằng Fatima chứng minh cho ta thấy đàng sau chính trị và quyền lực, còn có “Một Tay Chơi” khác. Và theo vị linh mục này, các vị giáo hoàng từ Đức Piô XII trở đi đều nói lên niềm tin của các ngài vào tính siêu nhiên của các biến cố diễn ra tại Fatima, nên toàn thể loài người nên lưu tâm tới chúng.

Đức Piô XII có liên hệ trực tiếp với các biến cố Fatima vì ngài được thụ phong giám mục cùng ngày với việc khởi đầu của chúng. Nhưng vị giáo hoàng có liên hệ nhiều nhất với chúng phải kể Đức Gioan Phaolô II. Trước nhất, ngày 13 tháng 5 năm 1981, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 64 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ngài bị ám sát ngay tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Hôm đó, một sát thủ có huấn luyện đã cận kề bắn hai loạt đạn trực tiếp vào Đức Giáo Hoàng. Một viên đạn trượt ngón tay ngài, một viên trúng thân ngài nhưng không trúng động mạch chính ở bụng và cột xương sống cũng như mạch thần kinh chính.

Wodzimierz Redzioch, tác giả cuốn “Stories about John Paul II. Told by his close friends and co-workers” (Ignatius Press), ngày 13 tháng 5 vừa qua, thuật lại các biến cố diễn ra tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981 mà chính ông được mục kích.
Theo ông, lịch trình làm việc của Đức Gioan Phaolô rất xít xao. Hôm đó là ngày ngài chính thức thiết lập Viện Giáo Hoàng Nghiên Cứu Về Hôn Nhân và Gia Đình. Buổi sáng ngài tiếp nhà di truyền học nổi danh người Pháp là Jerome Lejeune và vợ ông ta, sau đó dùng bữa trưa với họ. Buổi chiều, ngài có buổi yết kiến chung thường lệ vào ngày thứ Tư. Khoảng 5 giờ chiều, xe jeep mầu trắng chở Đức Giáo Hoàng xuất hiện tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô… Xe chạy chậm giữa đám đông tín hữu vẫy cờ, vẫy khăn tay. Thỉnh thảng xe dừng lại để Đức Giáo Hoàng ôm hôn trẻ thơ rồi trao lại cho cha mẹ chúng.

Bỗng nhiên Redzioch thấy bồ câu ở công trường vụt bay đi và sau đó là cảnh hỗn loạn quanh chiếc xe chở Đức Giáo Hoàng; chiếc xe ngay sau đó lùi lại và chạy về hướng lầu chuông. Ông không hiểu chuyện gì xẩy ra, rồi nghe những tiếng thất thanh nổi lên: “Tấn Công! Tấn Công!”. Người thì òa lên khóc, người thì tỏ ý thất vọng hoặc đứng im không một lời nói. Có người qùy xuống cầu nguyện vì nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đã qua đời.

Lúc ấy các nhân viên Tòa Thánh đều rút lui hết, công chúng không biết phải làm gì. Linh mục Casimir Przydatek, giám đốc trung tâm dành cho các khách hành hương Ba Lan giật lấy máy vi âm và bắt đầu đọc kinh mân côi: công chúng tham gia cầu nguyện và hát thánh ca. Một trong các món quà được khách hành hương Ba Lan đem tới định tặng Đức Gioan Phaolô II, bức ảnh Đức Mẹ Czestochowa. Cha Casimir đã đặt bức ảnh đó vào chiếc ghế trống của Đức Giáo Hoàng.

Tới phòng báo chí của Tòa Thánh, ông được nghe cha Panciroli đề cập tới khả thể thủng lá lách. Sau đó, xem truyền hình trực tiếp từ Bệnh Viện Gemelli, ông được hay: xe cứu thương đến bệnh viện rất nhanh, nên cuộc giải phẫu đã tiến hành vào lúc 5 giờ 55 chiều, và đã thành công như mọi người đã biết.

Một chi tiết được Redzioch cho biết thêm là trong khi tới tái khám tại Bệnh Viện Gemelli hồi tháng Bẩy, Đức Gioan Phaolô II được trao cho một phong bì trong đó có nguyên văn bản “bí mật thứ ba” của Fatima do chính tay chị Lucia viết. Điều này cho thấy ngài rất lưu tâm tới vấn đề và đã ra chỉ thị cho Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết bài nhận định như trên đã nói. Điều ấy cũng đủ chứng minh sự tương quan giữa việc được cứu thoát khỏi cuộc mưu sát và biến cố Fatima.

Trước nhiều giải thích khác nhau về biến cố sống sót lạ lùng này, Đức Gioan Phaolô II cho biết: “Một bàn tay bắn, một bàn tay khác hướng dẫn đạn đạo”. Chính sát thủ Mehmet Ali Agca đã nói với Đức Giáo Hoàng, ngày hai người gặp nhau hôm 27 tháng 12 năm 1983 rằng: anh nể sợ “thần nữ Fatima” vì ngài đã che chở Đức Giáo Hoàng tuyệt diệu đến thế.

Ký giả John L. Allen thì cho rằng biến cố trên có một tầm rất quan trọng đối với triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Đúng hơn nó là lý do khiến ngài tiếp tục thi hành thừa tác vụ Phêrô dù sức khỏe không còn cho phép ngài làm việc này một cách hữu hiệu theo cái hiểu của con người nữa.

Theo Allen, Đức Gioan Phaolô II luôn coi thế giới, cả các thăng trầm trong chính cuộc sống của ngài, như là một phần trong vở bi hài kịch của vũ trụ bao la, của cuộc chiến đấu giữa sự thiện và sự ác, và tin chắc rằng các giải thích của trái đất về các thăng trầm ngài gặp không bao giờ làm cạn kiệt các khả thể.

Như trên đã nói, đối với ngài, chính sự bầu cử của Đức Mẹ Fatima đã cứu sống ngài. Và trong thế giới quan của ngài, việc cứu sống này không những giúp ngài sống còn mà còn giúp cả triều giáo hoàng của ngài sống còn nữa.

Và nếu bạn thành thực tin rằng nếu Đức Mẹ đã cầu bầu để Thiên Chúa “treo chén” các định luật vật lý và giữ bạn tại chức, thì bạn không thể, một buổi sáng thức giấc nào đó, đành lòng mà buông câu: đủ lắm rồi, và bỏ đi. Nói khác đi, Đức Gioan Phaolô đơn giản tin rằng quyết định bỏ đi không phải nằm trong tay ngài.

Thế giới quan nói trên có thể có liên quan tới biến cố Fatima ở một khía cạnh khác. Đây là nhận định của linh mục Jeff Kirby. Ai cũng biết tên của thị trấn này vốn do người Moors, theo Hồi Giáo, đặt cho, lúc họ chiếm đóng bán đảo Tây Bồ, để vinh danh Fatimah, người con gái yêu qúy của giáo chủ Mohammed, vì chỉ có cô là sinh cho ông các người thừa kế nam nhi sống quá tuổi thơ.

Họ coi cô là người phụ nữ thánh thiện thứ hai xưa nay của trần gian. Tước hiệu người phụ nữ thánh thiện nhất xưa nay được họ dành cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Thành thử, ta có quyền hỏi tại sao Đức Mẹ đã chọn Fatima để hiện ra? Nếu Đức Mẹ đã vượt qua mọi rào cản kỳ thị để hiện ra ở địa điểm ấy, thì rất có thể ngài sẽ một lần nữa vượt qua mọi rào cản để giúp con cái ngài có cơ hội sống hòa bình và hiệp thông với những người hiện bị coi là trở ngại lớn nhất của hoà bình và hiệp thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét