Kẻ giàu có bóc lột người lao động giống như đỉa hút máu.
VATICAN. Ai bóc lột người
khác trong lao động để làm giàu cũng giống như những con đỉa hút máu. Đó là tội
trọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ
sáng thứ Năm, 19.05, tại nguyện đường thánh Marta.
Kẻ giàu hút máu người
nghèo
“Bài đọc một trích thư
Gia-cô-bê là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những kẻ giàu có tích trữ tiền bạc,
bóc lột người khác. Giàu có tự bản chất là tốt nhưng nó chỉ là phương tiện, có
tính tương đối chứ không phải là cùng đích. Có nhiều người đã lầm lạc khi cố gắng
theo đuổi một cái gọi là ‘nền thần học về sự thịnh vượng’ với lý lẽ rằng: Nếu
Thiên Chúa thấy bạn công chính, Người sẽ ban cho bạn dư đầy của cải. Vâng, giàu
có là tốt. Nhưng vấn đề ở đây là đừng để tâm hồn mình quá dính bén với giàu có,
vì chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Sự giàu
có hay tiền của sẽ trở thành những dây xích ràng buộc ta, tước mất tự do để bước
theo Đức Giêsu. Thánh Gia-cô-bê nói: ‘Các người đã gian lận mà giữ lại tiền
lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Tiền lương ấy đang
kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những người thợ gặt ấy đã thấu đến
tai Chúa các đạo binh.’
Khi giàu có được tạo nên bằng
việc bóc lột người khác, người giầu bóc lột người nghèo, thì chính những người
nghèo ấy dần dần biến thành nô lệ. Hãy nghĩ đến thế giới ngày hôm nay của chúng
ta, tình trạng ấy cũng như vậy thôi. ‘Tôi muốn làm việc.’- ‘Vâng, tốt thôi.
Chúng ta hãy kí hợp đồng, từ tháng 9 đến tháng 6. Không có trợ cấp về hưu dưỡng,
không có bảo hiểm sức khỏe…’ Lương chỉ được tính đến tháng 6, vậy tháng 7 và
tháng 8 biết lấy chỉ mà ăn. Chẳng lẽ chỉ ngồi ngáp gió? Tới tháng 9 người ta mới
tính lương lại cho công nhân. Những người tính toán chi li như thế thật giống
như những con đỉa, sống nhờ vào xương máu của những người lao động, đã bị họ biến
thành nô lệ.”
Bóc lột lao động là tội trọng
Đức Thánh Cha nhớ lại có lần
người ta đã kể với ngài về một cô gái kiếm được một công việc, phải làm 11 giờ
mỗi ngày với 650 euro mà không được khai báo, tức là cô không hề nhận được những
phúc lợi xã hội như lương hưu và bảo hiểm y tế. Họ nói với cô: ‘Nếu cô thích,
thì vào làm; còn không thích, thì cút đi. Còn nhiều người khác đang chờ tới
phiên kìa. Sau cô còn một hàng dài.’ Thánh Tông đồ Gia-cô-bê đã nói về những
người giàu, được vỗ béo trong của cải này là: ‘Lòng các ngươi đã được no đầy thỏa
mãn trong ngày sát hại. Máu của những người mà các ngươi bóc lột đã kêu thấu đến
tai Thiên Chúa.’ Đó là tiếng kêu đòi công lý. Ngày hôm nay, việc khai thác bóc
lột người khác thực sự là một hình thức nô lệ. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng nô lệ
không còn tồn tại nữa. Nhưng thật sự nó vẫn tồn tại. Đúng là không còn cảnh những
người đến Châu Phi bắt dân bản địa bán làm nô lệ nữa. Nhưng trong chính những
thành phố của chúng ta, vẫn có những con buôn khi họ đối xử với người lao động
cách bất công.
Ngày hôm qua, trong buổi tiếp
kiến chung, chúng ta đã cùng suy tư về hình ảnh người phú hộ và anh Lazarô
nghèo khổ. Người phú hộ ngự trị trong thế giới riêng của mình và không nhận ra
bên cạnh cửa nhà có một người đang chết đói. Ông phú hộ đã không nhận ra và để
cho người ta chết đói trước cửa. Thật vậy, ngày hôm nay, có những người đang chết
đói khi phải làm việc để mang lại lợi nhuận cho người khác. Sống trên xương máu
của người khác là một tội trọng. Cần phải có lòng ăn năn sám hối thật nhiều và
một sự bồi thường thật xứng đáng mới có thể đền bù được tội lỗi này.
Lễ tang của kẻ bủn xỉn
Người ta hay kể câu chuyện về
tang lễ của một ông bủn xỉn: Sau lễ, người ta không đóng nắp quan tài của ông lại
được vì ông muốn mang theo tất cả những gì ông có. Tuy nhiên, ông không mang
theo được gì hết. Dù có giàu có đến đâu, khi chết đi, người ta cũng không thể
mang theo được gì.
Chúng ta hãy xem những tấn kịch
cuộc đời: bóc lột người khác, bòn rút xương máu người khác, biến người khác trở
thành nô lệ, những kẻ buôn người – không chỉ buôn bán phụ nữ trong các ngành kỹ
nghệ mại dâm và buôn bán trẻ em để bóc lột sức lao động nhưng còn có một hình
thức buôn bán khác ẩn dưới lớp vỏ ‘văn minh’: ‘Tôi trả công cho anh như thế,
nhưng anh không hề có kỳ nghỉ, không có bảo hiểm sức khỏe, không có gì hết....
Mọi thứ đều không được khai báo. Nhờ làm như thế, tôi mới trở nên giàu có.’
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được
sự đơn sơ, giản dị mà ngày hôm nay Đức Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng: Một
chén nước lã vì danh Đức Giêsu thì quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có được
tích góp bằng việc bóc lột người khác.”
Vũ Đức Anh Phương SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét