Lớn lên trong tình bác ái
phu thê - Phần II chương IV Tông huấn Niêm Vui Yêu Thương
Lớn lên trong tình bác ái phu
thê
Phần hai chương 4 Tông huấn
“Niềm vui yêu thương” của ĐTC Phanxicô có tiểu đề: “Lớn lên trong tình bác ái
phu thê” gồm các số từ 120 đến 141.
ĐTC viết: Bài ca Đức Ái của
thánh Phaolô cho phép chúng ta bước sang tình bác ái phu thê. Nó là tình yêu kết
hiệp hai vợ chồng, được thánh hóa, làm giầu và soi sáng bởi ơn thánh của bí
tích hôn nhân. Nó là một sự “kết hiệp yêu thương”, tinh thần và dâng hiến,
nhưng quy tụ trong mình sự hiền dịu của tình bạn và nỗi đam mê dục vọng, có thể
tồn tại, cả khi các tình cảm và sự đam mê suy yếu đi. ĐGH Pio XI đã dậy rằng
tình yêu như thế thấm nhập tất cả mọi bổn phận của cuộc sống phu thê và “có cái
ưu tiên của sự cao quý”. Thật vậy, tình yêu mạnh mẽ như thế do Chúa Thánh Thần
đổ vào, là phản ánh của Giao Ước không thể phá huỷ được giữa Chúa Kitô và nhân
loại, đã đạt tột đỉnh trong sự tận hiến cho tới cùng, trên thập giá: “Thần Khí,
mà Chúa đổ xuống, trao ban cho con tim mới, và khiến cho người nam và người nữ
có khả năng yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu chúng ta. Tình yêu phu thê đạt sự
tràn đầy mà nó được chỉ định, là tình bác ái phu thê” (s.120).
Hôn nhân là một dấu chỉ quý
báu, bởi vì “khi một người nam và một người nữ cử hành bí tích Hôn Nhân, Thiên
Chúa tự “phản ánh” trong họ, in dấu nơi họ các đường nét và tính cách
không xóa nhòa được của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Thiên
Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, cả Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông: Ba Ngôi
Cha, Con và Thánh Thần từ luôn mãi và cho luôn mãi sống trong sự hiệp nhất toàn
vẹn. Và đó chính là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa khiến cho hai vợ
chồng chỉ là một đời sống. Điều này bao gồm các hậu quả rất cụ thể và thường
ngày, bởi vì do sức mạnh của Bí Tích, hai vợ chồng được trao ban một sứ mệnh
đích thực để từ các điều đơn sơ, tầm thường, họ khiến trở thành hữu hình tình
yêu mà Chúa Kitô có đối với Giáo Hội và tiếp tục trao ban sự sống cho Giáo Hội
(s. 121).
Tuy nhiên, không được lẫn lộn
hai bình diện khác nhau: không được vất lên vai hai người có giới hạn gánh nặng
kinh khủng phải diễn lại một cách toàn vẹn sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội
Ngài, bởi vì hôn nhân như dấu chỉ bao gồm “một tiến trình năng động, tiến tới từ
từ với việc sát nhập tiệm tiến các ơn của Chúa (s. 122).
Toàn cuộc sống, mọi sự để
chung - Sau tình yêu kết hợp
chúng ta với Thiên Chúa, tình yêu phu thê có tất cả mọi đặc tính của một
tình bạn tốt: tìm thiện ích của người khác, tính cách hai chiều, sự thân mật, dịu
hiền, ổn định và một tương tự giữa bạn bè, mà ta xây dựng với cuộc sống được
chia sẻ. Tuy nhiên, hôn nhân thêm vào tất cả điều đó một sự độc quyền bất khả
phân ly, được diễn tả ra trong chương trình ổn định chia sẻ và cùng nhau
xây dựng toàn cuộc sống. Chúng ta hãy chân thành và nhận ra các dấu chỉ của thực
tại: ai si tình thì không dự phóng rằng tương quan đó chỉ có thể kéo dài một thời
gian; ai sống sâu đậm niềm vui lấy nhau thì không nghĩ tới một cái gì chóng
qua. Những người đồng hành với việc cử hành một sự kết hiệp tình yêu tràn đầy,
cả khi có mỏng giòn đi nữa, cũng hy vọng nó có thể kéo dài trong thời gian. Các
con cái không chỉ ước mong rằng cha mẹ chúng yêu nhau, mà cũng trung
thành với nhau và luôn luôn hiệp nhất nữa. Các dấu chỉ này và nhiều dấu chỉ
khác cho thấy rằng trong chính bản chất của tình yêu phu thê có việc rộng mở
cho sự vĩnh viễn. Sự hiệp nhất kết tinh trong lời hứa hôn nhân cho luôn mãi,
thì hơn là một hình thức xã hội hay một truyền thống, bởi vì nó đâm rễ trong
các khuynh hướng tự phát của bản vị con người; và đối với các tín hữu nó là một
giao ước trước mặt Thiên Chúa, là Đấng đòi hỏi sự trung thành: “Thiên Chúa là
chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong buổi thanh xuân, mà
ngươi đã phản bội, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi… Chớ
có ai phản bội người đàn bà đã cưới trong tuổi thanh xuân. Vì Ta ghét việc rẫy
vợ” (Ml 2,14-16) (s. 123).
Một tình yêu yếu đuối hay bệnh
hoạn, không có khả năng chấp nhận hôn nhân như một thách đố đòi hỏi chiến đấu,
tái sinh, tái sáng chế và bắt đầu trở lại luôn luôn mới cho tới chết, không thể
nâng đỡ một độ cao dấn thân. Nó nhượng bộ nền văn hóa tạm bợ, ngăn cản một tiến
trình liên lỉ lớn lên. Tuy nhiên “hứa hẹn một tình yêu cho luôn mãi là điều có
thể, khi chúng ta khám phá ra một dự án lớn lao hơn các dự án riêng của mình,
nâng đỡ và cho phép chúng ta trao ban toàn tương lai cho người ta yêu”. Để
cho tình yêu như thế có thể vượt qua mọi thử thách và duy trì sự trung
thành, mặc cho tất cả, cần phải xin ơn thánh củng cố và nâng cao nó. Như thánh
Roberto Bellarmino đã nói: “Sự kiện một người nam và một người nữ kết hiệp với
nhau trong một mối dây triệt để và bất khả phân ly, trong cách thế họ không thể
tách rời nhau, cho dù có các khó khăn nào đi nữa và cho tới khi mất niềm hy vọng
có con cái, điều này không thể xảy ra nếu không phải là một mầu nhiệm lớn lao
(s. 124).
Ngoài ra, hôn nhân là một
tình bạn bao gồm các nét của sự đam mê, nhưng luôn luôn hướng tới một sự kết hiệp
dần dần ổn định và sâu xa hơn. Bởi vì nó đã không chỉ được thành lập cho
việc sinh con cái, nhưng để tình yêu đối với nhau có các biểu lộ đúng đắn, phát
triển và đi tới chỗ trưởng thành. Tình bạn đặc biệt này giữa một người nam và một
người nữ chiếm hữu được một tích cách toàn bộ sự kết hiệp mà người ta chỉ trao
ban trong sự kết hiệp vợ chồng. Chính vì sự kết hợp toàn bộ này mà nó cũng độc
quyền, trung thành và rộng mở cho việc truyền sinh. Người ta chia sẻ với nhau mọi
sự, kể cả tính dục, luôn luôn trong sự tôn trọng lẫn nhau. Công Đồng Chung
Vaticăng II đã khẳng định điều này, khi nói rằng “một tình yêu như thế, cùng kết
hiệp với các giá trị nhân bản và thiên linh, dẫn đưa hai vợ chồng tới sự trao
ban tự do cho nhau, được diễn tả ra bằng các tình cảm và cử chỉ hiền dịu và thấm
nhập toàn cuộc sống của hai người” (s. 125).
Niềm vui và vẻ đẹp – Trong hôn nhân thật là điều tốt, săn sóc niềm
vui của tình yêu. Khi việc tìm kiếm thú vui ám ảnh, nó chỉ khép kín trong một
môi trường và không cho phép tìm ra các loại thỏa mãn khác. Trái lại, niềm vui
nới rộng khả năng vui hưởng, và cho phép tìm ra sự ưa thích trong các thực tại
khác nhau, cả trong các giai đoạn của cuộc sống trong đó thú vui tắt lịm. Vì thế
thánh Toma mới nói rằng người ra sử dụng từ “niềm vui” để ám chỉ sự nở rộng của
con tim. Niềm vui hôn nhân, mà người ta có thể sống cả giữa khổ đau, bao hàm việc
chấp nhận rằng hôn nhân là một phối hợp cần thiết giữa các niềm vui và mệt nhọc,
căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ và giải thoát, thỏa mãn và kiếm tìm, khó chịu
và vui thú, luôn luôn trên con đường của tình bạn, thúc đẩy hai vợ chồng lo lắng
cho nhau: trợ giúp và phục vụ nhau (126).
Tình yêu của bè bạn gọi là
“tình bác ái”, khi ta tiếp nhận và đánh giá cao giá trị mà người khác có. Vẻ đẹp
- “giá trị cao” của người khác không trùng hợp với các lôi cuốn thể lý hay tâm
lý – cho phép chúng ta nếm hưởng tính cách thánh thiêng của con người mình, mà
không cần áp đặt chiếm hữu nó. Trong xã hội tiêu thụ ý thức về vẻ đẹp nghèo nàn
đi, và như vậy niềm vui cũng tắt lịm. Mọi sự hiện hữu để bị mua, bị chiếm hữu
và tiêu thụ, kể cả các bản vị con người. Trái lại, sự dịu hiền là một biểu lộ của
tình yêu này tự giải thoát khỏi ước muốn chiếm hữu ích kỷ. Nó đưa chúng ta tới
chỗ rung động trước một người với lòng kính trọng vô biên, và với một sự lo sợ
gây hư hại cho người đó hay lấy mất sự tự do của họ. Tình yêu đối với người
khác bao hàm việc chiêm ngưỡng và đánh giá cao điều xinh đẹp và thánh thiêng của
bản vị con người, hiện hữu vượt ngoài các nhu cầu của tôi. Điều này cho
phép tôi kiếm tìm thiện ích của họ, cũng như khi tôi biết rằng nó không thể là
của tôi, hay khi nó đã trở thành khó thương một cách vật lý, gây hấn hay tạo
khó chịu. Vì vậy từ tình yêu qua đó một người được chấp nhận tuỳ thuộc sự kiện
họ cho nó một cái gì nhưng không (s. 127).
Kinh nghiệm mỹ thuật của tình
yêu được diễn tả trong cái nhìn chiêm ngưỡng tha nhân như một đích điểm trong
chính nó, cả khi nó có yếu đau, già nua hay mất đi các lôi cuốn có thể cảm nhận
được. Cái nhìn đánh giá một tầm quan trọng vĩ đại và tiết kiệm nó thường tạo ra
một thiệt hại. Có biết bao điều mà các cặp vợ chồng và con cái đôi khi làm để
được chú ý. Nhiều vết thương và cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ lúc chúng ta thôi
chiêm ngưỡng mình. Đây là điều được diễn tả ra bằng vài thở than và phản đối mà
người ta nghe thấy trong các gia đình: “Chồng con không nhìn con nữa, xem ra
con vô hình đối với anh ấy”. “Xin anh làm ơn nhìn em, khi em nói”. “Vợ con
không nhìn con nữa, bây giờ nàng chỉ để mắt đến con cái thôi”.”Trong nhà
con không được ai chú ý hết, và họ cũng chẳng trông thấy con nữa, làm như thể
con không hiện hữu”. Tình yêu mở mắt và cho phép trông thấy, vượt xa tất cả một
bản vị có giá trị biết mấy (s. 128).
Niềm vui của tình yêu chiêm
ngưỡng như thế cần được vun trồng. Vì được tạo dựng để yêu thương, chúng ta biết
rằng không có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui chia sẻ một thiện ích: “Hãy tặng
quà và nhận quà tặng, và hãy vui chơi” (Hc 14,16). Các niềm vui sâu đậm nhất của
cuộc sống nảy sinh, khi ta có thể mưu cầu hạnh phúc cho người khác, trong một
việc diễn tả trước của Trời. Nên nhớ tới một cảnh trong cuốn phim tựa đề “Bữa
ăn trưa cuả Babette”, trong đó bà bếp quảng đại nhận được một vòng tay ôm biết
ơn và một lời khen: “Chị sẽ khiến cho các thiên thần thú vị chừng nào!”. Thật
là dịu hiền và an ủi, niềm vui phát xuất từ việc mưu cầu yêu thương cho
người khác, trông thấy họ vui hưởng. Niềm vui ấy, hiệu quả cuả tình yêu huynh đệ,
không phải là niềm vui của sự khoe khoang của kẻ nhìn ngắm chính mình, nhưng là
niềm vui của người yêu thương và hài lòng vì thiện ích của người mình yêu, tuôn
đổ xuống trên người khác và trở thành phong phú nơi họ (s. 129).
Đàng khác, niềm vui được canh
tân trong đau khổ. Như thánh Agostino đã nói, “nguy hiểm trong chiến trận càng
to lớn bao nhiêu, thì niềm vui chiến thắng càng sâu đậm bấy nhiêu”. Sau khi hiệp
nhất trong đau khổ và chiến đấu, hai vợ chồng có thể kinh nghiệm rằng thật đáng
công, vì họ đã đạt được điều gì đó tốt đẹp, đã cùng nhau học hỏi được điều gì
đó, hay bởi vì họ có thể đánh giá điều họ có một cách lớn lao hơn. Ít niềm vui
của con người sâu đậm và hân hoan như khi hai người yêu nhau đã cùng nhau chinh
phục được cái gì đó đã khiến cho họ trả giá bằng một nỗ lực chia sẻ lớn lao (s.
130).
Lấy nhau vì tình yêu - Tôi muốn nói với các người trẻ rằng
không có gì trong tất cả những điều này bị hư hỏng, khi tình yêu mặc lấy hình
thái của cơ chế hôn nhân. Sự kết hiệp tìm thấy trong cơ chế này kiểu nhập thể sự
ổn định và trưởng thành thực sự và cụ thể của nó. Có đúng thật là tình
yêu thì rất nhiều hơn là một sự thỏa thuận bề ngoài, hay một hình thái của khế
ước hôn nhân, nhưng cũng chắc chắn là quyết định trao ban cho hôn nhân một hình
thể hữu hình trong xã hội với các dấn thân xác định, biểu lộ tầm quan trọng của
nó: nó cho thấy sự nghiêm chỉnh của việc đồng hóa với người khác, nó ám chỉ một
thắng vượt khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa của tuổi trẻ, và nó diễn tả quyết định
thuộc về nhau. Lấy nhau là một kiểu diễn tả rằng thực sự người ta bỏ tổ ấm của
mẹ để dệt các tương quan khác mạnh mẽ và lãnh một trách nhiệm mới trước một người
khác. Điều này có giá trị hơn rất nhiều một hiệp hội tự phát nhằm khích lệ
nhau, và nó sẽ là một tư nhân hóa hôn nhân. Hôn nhân như cơ chế xã hội là sự
che chở và là dụng cụ cho việc dấn thân đối với nhau, cho sự trưởng thành của
tình yêu, để cho quyết định của người khác lớn lên trong vững vàng, cụ thể và
sâu xa, đồng thời để nó có thể chu toàn sứ mệnh của nó trong xã hội. Vì thế,
hôn nhân vượt quá mọi kiểu mau qua và kéo dài. Nòng cốt của nó đâm rễ sâu trong
chính bản chất của con người và xã hội tính của nó. Nó bao gồm một loạt các đòi
buộc nảy sinh từ chính tình yêu, từ một tình yêu xác quyết và quảng đại đến độ
có khả năng đánh liều cả tương lai (s. 131).
Lựa chọn hôn nhân trong kiểu
này diễn tả quyết định thực sự và hiệu quả biến đổi hai con đường thành một con
đường, cho dù có gì xảy ra đi nữa, và mặc cho bất cứ thách đố nào. Vì tính cách
nghiêm chỉnh của dấn thân công khai này của tình yêu, nó không thể là một quyết
định vội vã, mà, vì cùng lý do đó, người ta không thể rời lại một cách vô hạn định.
Dấn thân với một người khác trong kiểu triệt để và vĩnh viễn luôn luôn
bao gồm một số liều lĩnh và đánh cá táo bạo nào đó. Việc khước từ lãnh nhận dấn
thân ấy là ích kỷ, vụ lợi, hèn hạ, không biết thừa nhận các quyền lợi của người
khác, và không bao giờ đi tới chỗ giới thiệu họ với xã hội như đáng được yêu
thương một cách vô điều kiện. Đàng khác, những người thực sự si mê, có khuynh
hướng biểu lộ tình yêu của họ cho các người khác. Tình yêu được cụ thể
hóa trong một hôn nhân ký kết trước các người khác, với tất cả các đòi buộc
phát xuất từ cơ chế này, là việc biểu lộ và che chở của một tiếng “có” người ta
trao ban không dè dặt và không giới hạn. Tiếng “có” ấy có nghĩa là nói với người
khác rằng họ sẽ có thể luôn luôn tín thác, rằng họ sẽ không bị bỏ rơi, nếu họ sẽ
mất đi sự lôi cuốn, nếu sẽ có các khó khăn, hay nếu được cống hiến các cơ may
vui thú mới hay các lợi lộc ích kỷ (s. 132).
Tình yêu được biểu lộ và lớn
lên – Tình yêu bè bạn hiệp nhất
tất cả các khía cạnh của cuộc sống hôn nhân, và trợ giúp các thành phần trong
gia đình tiến tới trong mọi giai đoạn của nó. Vì thế các cử chỉ diễn tả tình yêu
ấy phải được liên lỉ vun trồng, không hà tiện, nhưng giầu lời nói quảng đại.
Trong gia đình cần dùng lời nói. Tôi muốn lập lại. Ba từ: xin phép, cám ơn, xin
lỗi. Ba từ chià khoá. Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn
và xin phép, khi trong một gia đình người ta không ích kỷ và học nói “cám ơn”,
và khi trong một gia đình một người nhận ra rằng mình đã làm một điều xấu và biết
“xin lỗi”, thì trong gia đình ấy có hoà bình và có niềm vui. Chúng ta đừng hà
tiện trong việc dùng các từ này, hãy quảng đại trong việc lập lại chúng ngày
qua ngày, bởi vì vài thinh lặng đè nặng, đôi khi cả trong gia đình, giữa chồng
vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh em với nhau. Trái lại, các lời thích hợp
được nói đúng lúc, che chở và dưỡng nuôi tình yêu ngày qua ngày (s. 133).
Tất cả điều này được thực hiện
trong một con đường lớn lên thường hằng. Hình thái đặc biệt này của tình yêu là
hôn nhân, được mời gọi trrưởng thành liên lỉ, bởi vì cần luôn luôn áp dụng cho
nó điều thánh Tôma Aquino đã nói về tình bác ái: “Do bản chất của nó, bác ái
không có giới hạn tăng trưởng, vì nó là một sự tham gia của tình bác ái vô tận
là Thánh Thần… Cả từ phía chủ thể cũng không thể đặt một giới hạn cho nó, bởi
vì với sự lớn lên của tình bác ái, cũng luôn càng lớn lên hơn khả năng của một
tăng trưởng tiếp theo”. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ khích lệ như sau: “Xin Chúa làm
cho anh em lớn lên và tràn đầy trong tình yêu giữa anh em và đối với mọi người”
(1 Tx 3,12), và ngài thêm: “Còn về tình huynh đệ, thưa anh em, chúng tôi khuyên
nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa” (1 Tx 4,9-10). Còn hơn thế nữa. Tình yêu
hôn nhân không được giữ gìn trước hết bằng cách nói tới sự bất khả phân ly như
là một bó buộc, hay bằng việc lập lại một giáo lý, mà bằng cách củng cố nó nhờ
một sự tăng trưởng liên lỉ dưới sự thúc đẩy của ơn thánh. Tình yêu mà không lớn
lên thì bắt đầu có các nguy cơ, và chúng ta chỉ có thể lớn lên khi đáp trả lại
ơn thánh Chúa qua các cử chỉ của tình yêu, với các cử chỉ trìu mến thường xuyên
hơn, sâu đậm hơn, quảng đại hơn, hiền dịu hơn, tươi vui hơn. Người chồng và người
vợ sống ý nghĩa của sự kết hợp riêng và luôn ngày càng có được nó một cách tràn
đấy hơn. Ơn tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn đầy trên hai vợ chồng cũng đồng
thời là một lời kêu gọi phát triển món quà ơn thánh đó (s. 134).
Chúng không tốt vài tưởng tượng
về một tình yêu liêu trai và toàn hảo, và như thế nó không có kích thích tăng
trưởng nào. Một ý tưởng thiên quốc về tình yêu trần thế quên rằng điều tốt đẹp
hơn là điều chưa đạt tới được, là rượu chín mùi với thời gian. Như các Giám Mục
Chile đã nhắc nhớ: không có các gia đình toàn vẹn mà quảng cáo lừa đảo và duy
tiêu thụ đề nghị với chúng ta. Trong các gia đình đó năm tháng không qua đi,
không có bệnh tật, khổ đau, cái chết… Quảng cáo duy tiêu thụ cho thấy một ảo ảnh
không dính dáng gì tới thực tại, mà các bậc cha mẹ trong gia đình hằng ngày phải
đương đầu. Chấp nhận với óc thực tế các hạn hẹp, các thách đố và các bất toàn,
và lắng nghe lời kêu gọi hiệp nhất lớn lên, làm cho tình yêu trưởng thành và
vun trồng tình liên đới của sự hiệp nhất thì lành mạnh hơn (s.135).
Đối thoại – Đối thoại là một kiểu ưu tiên và không thể thiếu
để sống, diễn tả và làm chín mùi tình yêu trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Nhưng nó đòi hỏi một thực tập dài và dấn thân. Đàn ông, đàn bà, người trưởng
thành và giới trẻ có các kiểu truyền thông khác nhau, dùng các ngôn ngữ khác
nhau, di chuyển với các mật hiệu khác nhau. Kiểu đặt câu hỏi, kiểu trả lời, giọng
sử dụng, thời điểm và các yếu tố khác có thể điều kiện hóa việc thông truyền.
Ngoài ra, cần luôn luôn phát triển vài thái độ diễn tả tình yêu khiến cho việc
đối thoại có thể đích thực (s. 136).
Dành thời gian cho mình, thời
gian phẩm chất gồm việc kiên nhẫn và chú ý lắng nghe, để cho người khác diễn tả
tất cả những gì cần diễn tả. Điều này đòi hỏi khổ chế không bắt đầu nói trước
lúc thích hợp. Thay vì bắt đầu cống hiến các ý kiến hay lời khuyên, cần phải bảo
đảm là đã lắng nghe tất cả những gì mà người khác cần nói. Điều này đòi hỏi sự
thinh lặng nội tâm để lắng nghe, không có các tiếng động trong tâm trí: lột bỏ
mọi vội vã, để qua một bên các cần thiết và cấp bách của mình, dành khoảng
không. Nhiều khi một trong hai vợ chồng không cần một giải pháp cho các vấn đề
của mình, nhưng cần được lắng nghe. Họ phải nhận thức được rằng nỗi cực nhọc, sự
thất vọng, sợ hãi, cơn giận dữ, niềm hy vọng, giấc mơ của họ đã được tiếp nhận.
Tuy nhiên, thường có các lời than thở như: người phối ngẫu không nghe mình; khi
xem ra bắt đầu nghe, thì thực sự họ đang nghĩ tới điều gì khác; hay cảm thấy
người ấy chỉ chờ cho xong chuyện; hoặc tìm cách thay đổi đề tài, hay trả lời
cho nhanh để kết thúc buổi nói chuyện (s. 137).
Phát triển thói quen thực sự
coi người khác quan trọng. Đây là việc trao ban giá trị cho con người họ, thừa
nhận rằng họ có quyền hiện hữu, suy nghĩ một cách tự lập, và sống hạnh phúc.
Không bao giờ được đánh giá thấp điều họ có thể nói hay phản đối, mặc dù cần diễn
tả quan điểm riêng của mình. Ở đây ta hiểu ngầm xác tín, theo đó tất cả mọi người
đều có một phần đóng góp cần cống hiến, bởi vì họ có một kinh nghiệm khác về cuộc
sống, bởi vì họ nhìn các sự vật từ một quan điểm khác, bởi vì họ đã có các lo lắng
chín mùi khác, và họ có các tài khéo và trực giác khác. Có thể thừa nhận sự thật
của tha nhân, tầm quan trọng của các âu lo sâu xa của họ và nền tảng của điều họ
nói, cả đàng sau các lời gây hấn nữa. Vì lẽ đó cần tìm đặt mình vào vị thế của
họ và giải thích chiều sâu con tim của họ, nhận diện điều khiến cho họ say mê,
và lấy nỗi đam mê ấy làm điểm khởi hành để đào sâu cuộc đối thoại (s. 138).
Có tâm trí rộng rãi để không
khép kín với nỗi ám ảnh trong ít tư tưởng, và có sự linh động để có thể thay đổi
hay bổ túc các ý kiến của mình. Có thể từ tư tưởng của tôi hay của người khác nổi
lên một tổng hợp mới làm giầu cho cả hai. Sự hiệp nhất cần mong mỏi không phải
là sự đồng nhất, mà là một “sự hiệp nhất trong khác biệt”,hay một sự “khác biệt
được hoà giải”. Trong kiểu làm giầu này cho sự hiệp thông huynh đệ, các khác biệt
gặp gỡ nhau, tôn trọng nhau và đánh giá cao nhau, nhưng vẫn duy trì các sắc
thái khác nhau và các dấu nhấn làm giầu cho công ích. Cần phải tự giải thoát
mình khỏi bó buộc đồng đều. Và cũng cần phải khôn lanh để nhận ra đúng lúc các
xen lấn có thể xuất hiện, làm sao để chúng không phá hủy một tiến trình đối thoại.
Chẳng hạn nhận ra các tâm tình xấu có thể dấy lên và tương đối hóa chúng để
chúng không gây hư hỏng cho sự hiệp thông. Thật quan trọng khả năng diễn tả điều
mà ta cảm thấy, mà không gây thương tích; sử dụng một ngôn ngữ và một kiểu nói
có thể được chấp nhận dễ dàng hơn, hay được tha nhân khoan nhượng, mặc dù nội
dung đòi hỏi; trình bầy các phê bình của mình mà không gây ra giận dữ như hình
thức báo thù, tránh một ngôn ngữ dậy đời chỉ tìm tấn kích, châm biếm, đổ lỗi, đả
thương. Nhiều cuộc thảo luận giữa lứa đôi không phải vì các vấn đề rất nghiêm
trọng. Đôi khi đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, ít quan trọng, nhưng điều làm hại
tâm hồn là kiểu nói lên các điều ấy hay thái độ ta có trong cuộc đối thoại
(s.139).
Có các cử chỉ chú ý tới người
khác và các biểu lộ lòng thương mến. Tình yêu vượt qua các hàng rào tệ hại nhất.
Khi ta có thể yêu một ai đó, hay khi chúng ta cảm thấy được họ yêu, chúng ta hiểu
điều họ muốn diễn tả và làm cho chúng ta hiểu một cách tốt đẹp hơn. Thắng vượt
sự giòn mỏng khiến cho chúng ta sợ người khác như thể họ là một “địch thủ”. Thật
rất quan trọng xây dựng sự chắc chắn của mình trên các lựa chọn sâu xa, các xác
tín và các giá trị, chứ không phải trên việc thắng một cuộc thảo luận hay trên
sự kiện người ta cho chúng ta có lý (s. 140).
Sau cùng, chúng ta hãy thừa
nhận rằng để cho cuộc đối thoại có lợi, cần có điều gì đó để nói, và điều này
đòi hỏi một sự phong phú nội tâm được dưỡng nuôi bằng việc đọc và suy tư cá
nhân, bằng lời cầu nguyện và sự rộng mở cho xã hội. Nếu không, các cuộc thảo luận
trở thành nhàm chán và thiếu vững vàng. Khi mỗi người trong cặp vợ chồng không
săn sóc trí tuệ của mình và không có các tương quan khác biệt với những người
khác, cuộc sống gia đình trở thành đồng tộc hôn chế và việc đối thoại nghèo nàn
đi (s. 141).
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét