19/06/2016
Chúa Nhật tuần 12 thường niên năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: Dcr 12, 10-11
"Họ sẽ nhìn thấy Ðấng họ đã đâm thâu
qua".
Trích sách Tiên tri Dacaria.
Ðây Chúa phán: "Ta sẽ gieo rắc tinh thần ân phúc và cầu
nguyện trên nhà Ðavít và trên dân cư Giêrusalem. Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Ðấng
họ đã đâm thâu qua: họ sẽ khóc than người, như khóc than con một, họ sẽ thương
tiếc người như quen thương tiếc đứa con đầu lòng đã chết.
Trong ngày đó, tại Giêrusalem sẽ có tiếng khóc than to lớn,
như khóc than Ađadremmon trong cánh đồng Magêđđô".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao
thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như
đất héo khô, khát mong mà không gặp nước! - Ðáp.
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để
nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng
hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ
tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và
miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. - Ðáp.
4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp
trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng
đỡ người con. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gl 3, 26-29
"Anh em đã chịu phép rửa tội, nên anh em
đã mặc lấy Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ
tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức
Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và
Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một
trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng
dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy,
thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở
trong người ấy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 18-24
"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con
Người phải chịu nhiều đau khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và
có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân
chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy
Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri
thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các
con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của
Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng:
"Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các
luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Người lại phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta,
hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng
sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng
sống mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Vác lấy thập giá của mình
Bài sách Dacaria hôm nay với những lời: "Chúng sẽ nhìn
lên Ta, người chúng đã đâm" (13,10) gợi lại cho chúng ta bầu khí của ngày
lễ Thánh Tâm cử hành trong tuần qua. Nhưng phụng vụ hôm nay không muốn kéo dài
lễ Thánh Tâm đâu. Nằm trong số các Chúa nhật thường niên sau lễ Chúa Thánh Thần
Hiện xuống, hôm nay phụng vụ chỉ muốn cho chúng ta nhìn vào công cuộc cứu độ vừa
hoàn tất trong cuộc đời trần gian của Ðức Giêsu để chúng ta đón nhận mọi hồng
ân được ban xuống cho chúng ta và để chúng ta cố gắng sống phù hợp với ơn cứu độ
đã nhận được. Thế nên các bài Kinh Thánh vừa nhắc lại mầu nhiệm Cứu Thế vừa nói
lên yêu sách của đời sống mới. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận mạc khải để được sức
trung thành với ơn gọi Kitô hữu.
1. Ðấng Tiên Tri Sẽ Cứu Chuộc Chúng Ta
Thiên Chúa quá thương dân Người. Không bao giờ Người bỏ họ
bơ vơ, không được hướng dẫn. Càng khi họ gặp cảnh thử thách tối tăm mặt mũi,
Chúa càng soi sáng dẫn đưa họ. Bài sách Dacaria hôm nay làm chứng điều ấy.
Ðây là một đoạn sách khó hiểu. Trước hết nó nằm trong phần
II của sách mang tên Dacaria. Phần này gồm các chương 9-14; khác hẳn với phần
trước gồm 8 chương đầu là của Dacaria thật sự. Ông thuộc dòng tư tế, xuất hiện
công bố Lời Chúa vào khoảng năm 520, tức là gần lúc dân Chúa trở về sau lưu đày
ở Babylon. Phần II trong sách của ông ám chỉ những biến cố lịch sử muộn hơn nhiều,
có thể là 200 năm sau những việc đã xảy ra trong phần I. Thế nên, chúng ta phải
đặt bối cảnh của Phần II sách Dacaria vào thời "Thiên Cư" (diaspora),
tức là vào lúc Israen không còn là một quốc gia nữa, nhưng đã trở thành một dân
phiêu bạt, sống từng đám một ở nhiều quốc gia khác nhau.
Chúa đã bỏ hẳn dân Người rồi sao? Các kinh nghiệm sau lưu
đày cho thấy hết hy vọng xây dựng lại dân tộc. Tác giả phần II sách Dacaria
không phủ nhận sự thật phũ phàng, nhưng không mất lòng tin ở lòng Chúa thương
xót. Ông chắc chắn Chúa không bỏ rơi dân Người. Người là Ðấng Trung Tín cho dù
dân Người vẫn bội phản. Nhưng có thể Người sẽ thương dân một cách khác và kỳ diệu
hơn. Cách ấy thế nào? Ðoạn sách hôm nay trả lời điều ấy.
Sấm của Giavê như sau: "Sẽ xảy ra là trong ngày ấy Ta sẽ
đổ xuống nhà Ðavít và dân cư Giêrusalem một thần khí ơn huệ và khẩn nguyện...".
Lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột. Nó nói lên tư cách trung thành của Thiên
Chúa. Người không bỏ nhưng sẽ thi hành mọi lời hứa. Người kiên quyết dùng nhà
Ðavít biến dân cư Giêrusalem nên dân thiết nghĩa với Người. Qua Giêrêmia Người
đã hứa ban cho dân một tinh thần và một thần khí mới để họ không còn giữ đạo
hình thức và tội lỗi nữa, nhưng sẽ có trái tim thịt để thi hành lòng yêu mến.
Hôm nay dùng miệng Dacaria, Người khẳng định lại sẽ đổ thần khí ấy xuống cho
dân để họ thành khẩn với Người mà được đầy ân sủng.
Nhưng Chúa sẽ không thi hành lời hứa như trong quá khứ nữa.
Trước đây Người đã đưa dân ra khỏi Ai Cập để lập giao ước, nhưng rồi họ đã
không trung thành. Gần đây, Người đã cho họ từ Babylon trở về nhưng rồi họ cũng
không xây dựng lại được một dân tộc đạo đức. Lần này Người nghĩ ra một kế hoạch
huyền diệu. Người sẽ gởi đến cho dân một tiên tri mới, một vua hòa bình, một
nhân vật mầu nhiệm giống như Người nhưng vẫn khác Người. Dân tưởng Ngài cũng chỉ
là một vị tiên tri như mọi tiên tri khác.
Thành ra cuối cùng họ cũng xử với Ngài như với các tiên tri
trước đây. Họ đâm giết Ngài. Nhưng kỳ diệu làm sao! Khi nhìn vào Người mà họ vừa
đâm chết, dân sẽ oà khóc lên, ân hận vô cùng. Sự vô tội của Ngài mở mắt cho họ
thấy tội lỗi của họ. Lòng thống hối ăn năn thay đổi trái tim chai đá của họ
thành trái tim thịt. Nhờ đó họ được thần khí mới và trở nên dân mới.
Nội dung của sấm thì rõ đấy. Nhưng lời văn không phải dễ hiểu
ngay đâu. Tác giả viết: "Chúng sẽ nhìn lên Ta, Người chúng đã đâm".
Câu này như khẳng định chính Thiên Chúa là người bị thương tích. Nhưng câu sau,
tác giả lại ghi: "Chúng sẽ khóc than trên Người, như người ta khóc than
người con một". Và như vậy, người bị đâm lại không phải là chính Thiên
Chúa nữa. Danh từ "người con một", hay "người con đầu
lòng", thường ám chỉ người quý hóa nhất trong gia đình, trong dân được chọn,
và cũng có khi là toàn dân Thiên Chúa nữa.
Ngày nay với mạc khải trọn vẹn ở nơi Ðức Giêsu, chúng ta thấy
lời sấm quả thực đã nói về Ðấng Thiên Sai cứu thế một cách rất phong phú. Người
vừa có bản tính Thiên Chúa vừa là loài người; Người vừa là Con Một và Con Ðầu
Lòng vừa cũng là toàn thể Dân Chúa. Do đó thánh Gioan thật có lý khi đứng dưới
chân thập giá, nhìn lên Ðấng bị đâm thâu, mà nhớ lại lời sách Dacaria chúng ta
đọc hôm nay (Ga 19,37).
Nhưng khi chưa có mạc khải toàn bộ nơi Ðức Giêsu Kitô, lời sấm
ở đây chắc chắn phải mầu nhiệm. Nhưng nếu chúng ta đọc với nhiều đoạn Dacaria
khác nói về vua hòa bình đến ngồi trên lưng lừa (9,9) nói về người mục tử đến
bênh vực chiên Israen nhưng bị bạc đãi (11,4-17; 12,10-13; 13,7-9), chúng ta sẽ
thấy tác giả ở trong truyền thống tiên tri và nói về Ðấng Thiên Sai sẽ đến. Ðặc
biệt chúng ta hãy so sánh những đoạn Dacaria ở đây với những bài ca về Người
Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Isaia, và sẽ thấy: "Ngài cũng đã bị đâm vì những
ngỗ nghịch của chúng tôi... và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch"
(53,5.12).
Như vậy, đoạn sách Dacaria hôm nay là một trong những yếu tố
quan trọng dựng lên hình ảnh về Ðấng Thiên Sai cứu thế. Tự nó, những lời sấm
này còn nhiều vẻ mầu nhiệm. Nhưng được đọc dưới ánh sáng tử nạn phục sinh của Ðức
Giêsu, nó đã trở nên hầu như hiển nhiên. Dù vậy nó vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Chẳng hạn nó chưa nói gì về việc Ðức Kitô sống lại. Tác giả Gioan nhận thấy như
vậy, nên sau khi vận dụng lời Dacaria vào việc Ðức Giêsu chết trên thập giá và
trích lại câu: "Chúng nhìn xem Người chúng đã đâm", Gioan trong sách
Khải huyền đã muốn bổ túc khía cạnh Phục sinh và đã viết: "Này Ngài đến với
ánh mây trời, và mọi mắt phàm sẽ trông thấy Ngài, kể cả những kẻ đã đâm
Ngài" (1,7).
Nhưng đó là Gioan muốn làm cho lời Dacaria được đầy đủ.
Chúng ta chẳng cần làm như thế. Phụng vụ hôm nay chỉ muốn chúng ta nhớ rằng:
Dacaria đã báo trước về cuộc tử nạn cứu độ của Ðức Giêsu, điều mà không ai để ý
khiến chính Người hôm nay phải báo lại cho môn đệ biết trong bài Tin Mừng Luca
mà chúng ta cần suy niệm thêm.
2. Người Sẽ Chịu Nhiều Ðau Khổ
Thật vậy, cho dù có cả một truyền thống tiên tri báo trước về
cuộc khổ nạn của Ðấng Thiên Sai Cứu Thế, người Do Thái hầu như không để ý gì. Họ
chỉ trông đợi một vị hoàng tử, một bậc hoàng đế mà họ tin rằng sẽ cứu độ cho họ
với những chiến công hiển hách. Não trạng của môn đồ Ðức Giêsu trong đoạn đầu
cũng như vậy. Họ mơ ước một ngày nào đó được ngồi bên tả hữu ở trong nước của
Người. Nhưng Người thì ý thức rõ rệt về kế hoạch của Thiên Chúa trong sách
Isaia và Dacaria. Người biết: Con Người sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ. Và Người
phải đưa môn đệ vào mầu nhiệm này.
Cũng như mỗi khi phải làm công việc nào quan trọng (xem Lc
3,21; 5,16; 6,12; 9,28; 11,1; 23,24) hôm nay trước khi mạc khải cho môn đệ chân
lý cao cả này, Ðức Giêsu đã cầu nguyện (9,18). Rồi Người đối thoại, đi từ những
vốn liếng tri thức mà họ có, dần dần giúp họ khuất phục các tồn tại và đi đến mạc
khải chân lý. Người đi từ sự kiện Hêrôđê cũng như mọi người bấy giờ bắt đầu đặt
những dấu hỏi về bản thân Người. Ai ai cũng đã nghe nói và chứng kiến cách thức
Người đã sinh sống, giảng dạy và chữa bệnh. Bề ngoài Người thật đơn sơ, bình dị.
Nhưng chắc chắn sự thật không phải chỉ như vậy. Người là con người rất khác thường.
Phải nói, Người thật độc đáo. Không thể kể Người vào hạng người nào. Không phải
chỉ là một vị tiên tri. Nơi Người có một sự sống thần linh. Nên phải nói Người
là một tiên tri đã sống lại. Có lẽ là Gioan Tẩy giả đã phục sinh? Hay là Êlya
hiện về. Hoặc phải là một tiên tri nào đó? Chính Hêrôđê cũng phải lưỡng lự
không dám khẳng định thế nào và đang chờ xem (9,7-9).
Còn các môn đồ Ðức Giêsu thì nghĩ thế nào? Họ vẫn đi theo
Người và ở gần Người hơn hết. Họ phải có nhận định về Người hơn người ta chứ? Ðức
Giêsu muốn họ phải nói lên suy nghĩ của họ. Phêrô thay mặt anh em thưa:
"Thầy là Ðức Kitô của Thiên Chúa".
Chúng ta không thấy Ðức Giêsu công nhận hay phủ nhận câu trả
lời một cách trực tiếp và minh bạch. Tức là trả lời như vậy đúng nhưng chưa được
sáng tỏ. Người là Ðức Kitô, chắc rồi; nhưng Ðức Kitô là gì? Theo nguyên tự,
Kitô là người được xức dầu để lo việc của Thiên Chúa. Trong dân Chúa, chỉ có
hoàng đế, tư tế và tiên tri đươc xức dầu để có ơn của Chúa mà phục vụ dân,
nhưng dần dần, với truyền thống của các tiên tri, danh từ "Ðấng được xức dầu"
tức là Ðấng Kitô được dành để ám chỉ Ðấng Thiên Sai - cứu thế sẽ đến khi thời
gian đã sung mãn. Vậy khi tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, ông
Phêrô nói lên niềm tin Ngài là Ðấng Thiên Sai cứu thế. Lời khẳng định của ông rất
đúng nên trong một đoạn văn tương tự ở sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Ðức
Giêsu đã khen Phêrô là người có phúc vì không phải xác thịt đã nói cho Phêrô biết
được như vậy, nhưng là chính Cha trên trời đã soi sáng dạy dỗ ông. Ở đây, trong
sách Luca, Ðức Giêsu không khen Phêrô. Người cũng không trực tiếp chấp nhận lời
ông tuyên xưng. Người còn muốn dạy dỗ ông hiểu thêm nữa và hiểu cho thật đúng.
Là vì khi công nhận Người là Ðấng Kitô, người ta vẫn còn có
thể ngộ nhận về Người, khi có một quan niệm không đúng về Ðấng Kitô. Người ta
có thể hình dung Ngài là Ðấng sẽ đến để cứu chuộc dân Chúa bằng những chiến
công hiển hách. Và ở đây là quan niệm của hầu hết mọi người, kể cả các môn đồ của
Ðức Giêsu. Họ nghĩ rằng Ðấng Kitô sẽ phải sống mãi... bởi vì, như bài Tin Mừng
hôm nay cho thấy, họ quan niệm Ngài như một bậc đại tiên tri đã sống lại để
không bao giờ chết nữa. Người ta đâu có để ý đến những lời tiên tri về một Ðấng
Thiên Sai sẽ bị đau khổ và bị đâm thâu, như bài sách Dacaria hôm nay loan báo.
Thế nên, Ðức Giêsu không muốn môn đồ cứ hiểu lầm mãi, mặc dù
lời họ tuyên xưng hôm nay thật đúng, nhưng nội dung lời ấy chưa được họ hiểu
rõ. Ðức Giêsu lôi kéo tâm trí họ đi vào nội dung và cho họ biết: Con Người sẽ
chịu nhiều đau khổ, bị các đầu mục và hàng tư tế phế thải, bị giết đi và ngày
thứ ba sẽ sống lại... lúc đó họ hãy tuyên xưng Ngài là Ðấng Kitô của Thiên
Chúa; và khi ấy lời tuyên xưng mới có nội dung chân thật. Trong khi chờ đợi, họ
không nên đọc lại lời tuyên xưng ấy với ai, kẻo người ta tiếp tục ngộ nhận, coi
Người là Ðấng Kitô sẽ phải sống mãi, đang khi như các lời tiên tri đã loan báo,
Người còn phải đi qua đau khổ và sự chết rồi mới phục sinh. Ðồn thổi tin Người
là Ðấng Kitô lúc này chỉ tổ làm cho người ta không được chuẩn bị sẵn sàng để
đón nhận việc Người sắp bị nộp và bị giết.
Ðức Giêsu không làm như vậy. Người phải kéo tâm trí người ta
vào kế hoạch của Thiên Chúa; nên Người nói với mọi người: Ai muốn đi theo Ta,
thì phải chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo
Ta. Tôi dám nghĩ tác giả Luca khi viết sách đã muốn áp dụng Lời Chúa vào trường
hợp cụ thể của độc giả, nên đã nói rõ ràng là mọi người phải vác lấy khổ giá của
mình mỗi ngày mà theo Chúa. Chứ thực ra có lẽ Ðức Giêsu đã chỉ vắn tắt nói rằng
mọi người phải vác lấy thập giá mà đi theo Chúa, vì chính Người sẽ phải vác thập
giá đi trước. Và như vậy, Người muốn dạy người ta biết, kẻ đi theo Người đừng
ngộ nhận tìm ngồi bên tả, bên hữu một Ðấng Kitô chiến thắng oanh liệt ở trần
gian. Họ phải biết uống chén đắng với Người. Còn chuyện ngồi bên tả, bên hữu
trong vinh quang, thì cứ để Chúa Cha định liệu, tức là chỉ nên trông đợi trong
bình diện mầu nhiệm Nước Trời, chứ không phải ở trần gian này.
Như thế bài Tin Mừng Luca hôm nay không những rõ rệt và cụ
thể hơn bài sách Dacaria vì xác định công khai Ðức Kitô sẽ bị bắt, bị giết
nhưng sẽ sống lại; mà còn cho chúng ta thấy mọi kẻ đi theo Người, tức là mọi
Kitô hữu đều phải vác lấy thập giá của mình mà bước theo. Như vậy, sứ điệp của
Ðức Kitô còn có thể là một Tin Mừng cho mọi người nữa không? Nói cách khác,
chúng ta có nên sợ cho thân phận những người đi theo Ðức Kitô mà phải vác thập
giá hằng ngày không? Bài thư Phaolô tuy không trả lời hết mọi khía cạnh, nhưng
cũng nói lên một điều rất đáng chú ý suy nghĩ.
3. Chúng Ta Ðược Thừa Tự Lời Hứa
Thánh Phaolô biết rõ các đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu khi viết:
"Phàm ai đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, thì đã được mặc lấy Ðức
Kitô", người đã cân nhắc nội dung của những lời ấy. Theo Người, "được
thanh tẩy trong Ðức Kitô" là đã cùng chết với Ngài cho xác thịt, thế gian
và tội lỗi, để đóng đinh con người cũ vào thập giá và mặc lấy con người mới.
Không bao giờ thánh Phaolô nói đến thanh tẩy mà không nghĩ đến mầu nhiệm thập
giá, tức là đối với người, chẳng ai là Kitô hữu nếu không vác lấy thập giá hằng
ngày của mình mà đi theo Ðức Kitô đã chịu đóng đinh.
Nhưng đồng thời thánh Tông đồ cũng đã nghĩ đến những ơn lành
phong phú đi kèm theo việc vác thập giá, đến nỗi đối với người, thập giá đã trở
thành thánh giá đem lại vinh quang và sự sống dồi dào. Ở đây người chỉ khai triển
một khía cạnh vinh quang của vinh quang thánh giá. Người nói, nhờ mặc lấy Ðức
Kitô, chúng ta hết thảy là con cái Thiên Chúa. Không còn Do Thái hay Hy Lạp,
nam hay nữ nữa, vì hết thảy đã là một trong Ðức Kitô. Và chúng ta trở thành
miêu duệ của Abraham và được thừa tự lời hứa.
Những quan niệm này rất quan trọng. Lập tức chúng ta được
đưa sang bình diện khác hẳn nếp sống thế tục. Người đã được thanh tẩy như đã cởi
bỏ hết mọi cái cũ kỹ của trần gian. Họ nên con người mới. Phái tính, chủng tộc,
giai cấp xã hội không còn quan trọng nữa. Hết mọi người là con cái Thiên Chúa,
là chi thể trong thân thể Ðức Kitô, là những kẻ thừa tự mọi lời hứa. Lối nhìn mới
mẻ này là cách nhìn của đức tin, của ý thức về ơn gọi Kitô hữu. Nó thôi thúc
chúng ta hãy nhìn xã hội loài người và tương lai của tất cả một cách mới mẻ hẳn,
để chúng ta biết bù đắp cho nhau như để xây dựng một thân thể và một hạnh phúc chung.
Nó cho đời ta một phương hướng mới vô cùng phấn khởi, phát xuất từ mầu nhiệm Ðức
Giêsu.
Giờ đây chúng ta cử hành mầu nhiệm nầy. Lời Chúa cho chúng
ta biết Người đã đến để trở thành "Ðấng bị đâm thâu" ban ơn cứu độ
cho mọi người. Thánh Thể kêu gọi chúng ta kết hợp với mầu nhiệm Tử nạn để được
sự sống mới. Bổn phận của chúng ta sau khi cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ
Thánh Thể là chứng tỏ trong đời sống những ơn ích mà mầu nhiệm Thánh giá của
Chúa Giêsu mang lại: đó là nếp sống làm con Thiên Chúa, hợp nhất với nhau trong
Ðức Kitô và xây dựng Trời mới Ðất mới như Lời Hứa.
Chúng ta hãy phấn khởi tuyên xưng niềm tin mà chúng ta sẽ
đem ra thực hành.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Chúa
Nhật 12 Thường Niên, Năm C
Bài
đọc: Zech 12:10-11; Gal 3:26-29; Lk 9:18-24.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra Đức Kitô và làm những gì Ngài yêu cầu.
Để trở thành môn đệ thực thụ của Đức Kitô, một người phải
làm 3 việc: Thứ nhất, người đó phải nhận ra Ngài là ai, địa vị quan trọng của
Ngài trong cuộc đời, và những gì Ngài truyền dạy. Thứ hai, người đó phải mong
muốn theo Ngài và làm những gì Ngài truyền dạy. Sau cùng, người đó phải thực
thi tất cả những điều đó. Đây là một tiến trình khó khăn và không thể thi hành
với sức lực con người; nhưng Thiên Chúa không những đã ban đầy đủ ơn thánh qua
công nghiệp của Đức Kitô lại còn ban Thần Khí vào tâm hồn con người để giúp con
người nhận ra, ao ước, và làm theo sự thật.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra tiến trình nhận ra
– ao ước – và thi hành sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah phác họa Kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho con người: Ngài sẽ ban Thần Khí của ơn thánh và
cầu nguyện xuống trên dòng dõi David và dân cư Jerusalem để giúp họ biết sống đẹp
lòng Thiên Chúa và tha thiết cầu nguyện, đồng thời sẽ giúp họ biết nhận ra và
than khóc Đấng họ sẽ đâm thâu là Đức Kitô để ăn năn trở lại và nhận được ơn cứu
độ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giúp các tín hữu nhận ra: khi họ chịu Phép Rửa
là họ đã “mặc lấy” Đức Kitô. Vì thế, họ không được phép kỳ thị chủng tộc hay
phân chia giai cấp, vì tất cả đều là những chi thể của một thân thể là Đức
Kitô. Trong Phúc Âm, tuy Phêrô nhận ra và tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô;” nhưng
ông chưa mong muốn một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đức Kitô khuyến khích các
ông phải can đảm đi theo con đường này mới có thể trở thành môn đệ của Ngài.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi chúng ngước nhìn
lên Ta mà chúng đã đâm thâu, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than đứa con
một.
1.1/ Khác biệt về văn bản:
- MT và nhiều bản cổ dịch, “Khi chúng ngước nhìn lên Ta mà
chúng đã đâm thâu.” Túc từ “Ta” ở ngôi thứ nhất, ám chỉ Người nói là Đức Chúa.
Khi Gioan trích dẫn câu này, thánh sử viết “Chúng sẽ nhìn lên Đấng mà chúng đã đâm
thâu” (Jn 19:37). Túc từ “Đấng” ở ngôi thứ ba, người nói không phải là Đức
Chúa.
- LXX đọc sai động từ dqr (đâm thâu)
thành rqr (chửi rủa). Chữ d và chữ r viết rất giống
nhau trong tiếng Do-thái, và dễ bị lẫn lộn với nhau. Vì thế, họ phiên dịch khác
hoàn toàn: “Chúng sẽ nhìn lên Ta mà chúng đã chửi rủa.” Mặc dù đọc sai động từ,
LXX đọc giống MT ở chỗ “Ta,” ở ngôi thứ nhất.
+ Hadadrimmon có thể là thần bão Hadad hay thần chính thức
Rimmon của Damascus (2 Kgs 5:18), mà cái chết của ông được dân chúng than khóc
mỗi năm khi thời tiết đổi qua mùa khô.
+ Vị trí của Megiddo nằm trên trục lộ giao thông chính của
hai miền Nam Bắc Palestine, nên thường là nơi của những trận chiến lớn tôn giáo
hay chính trị trong lịch sử. Vua Josiah là một vị vua tốt lành của Do-thái đã tử
trận tại đây và dân chúng than khóc sự ra đi của nhà vua.
1.2/ Ý nghĩa thần học của trình thuật:
(1) Thần khí ơn thánh và cầu nguyện: Khi Thiên Chúa muốn đập
tan quân thù để cứu dân chúng, trước tiên Ngài đổ thần khí ơn thánh và cầu nguyện
xuống trên họ. Thần khí ơn thánh ám chỉ thái độ biết sống đẹp lòng Thiên Chúa
(x/c Gen 6:8, 33:8, 34:11) để nhận được ơn lành. Thần khí cầu nguyện để dân
chúng biết nhận ra điều phải và kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa (2 Sam
12:22; Isa 27:11). Cầu nguyện với Thiên Chúa là điều không thể thiếu trong cuộc
sống con người; nhưng để biết cách cầu nguyện, con người cần được Thánh Thần
soi sáng và hướng dẫn.
Việc giải thoát hay ban ơn là việc của Thiên Chúa; nhưng con
người cần nhận ra sự cần thiết của việc giải thoát hay ban ơn và mong muốn bằng
việc kêu xin Ngài ban ơn hay giải thoát. Thiên Chúa gởi Thần Khí xuống trên con
người để họ nhận ra sự thật, những gì đáng ước mong, và khơi dậy lòng ăn năn
xám hối vì tội lỗi đã lìa xa Thiên Chúa (Eze 36:37). Việc Thiên Chúa hứa sẽ
tuôn đổ Thần Khí xuống trên con người đã được loan báo trong (Isa 44:3). Điều
này được thực hiện khi Đức Kitô được vinh quang trên Thập Giá (Jn 7:39). Đó là
lời hứa ban Thánh Thần và tất cả ơn lành thiêng liêng từ trời gồm chứa trong Đức
Kitô.
(2) Trên nhà David và dân cư của Jerusalem: Một cách tổng
quát, những nhà lãnh đạo của Thiên Chúa sẽ nhận được Thánh Thần trước như các
tông đồ trong ngày Lễ Năm Mươi, sau đó sẽ lan ra cho toàn dân. Một cách đặc
thù, “nhà của David” hay “con vua Dadid” ám chỉ Đức Kitô, Thánh Thần Thiên Chúa
ngự trên Đức Kitô là đầu của thân thể, và từ Ngài, Thánh Thần lan xuống cho tất
cả chi thể. Dân cư ở Jerusalem không phải chỉ những người sống tại Jerusalem;
nhưng còn tất cả mọi người thuộc Giáo Hội.
(3) Họ sẽ nhìn lên Ta Đấng họ đã đâm thâu và sẽ than khóc: Tại
sao không vui mừng mà phải than khóc? Than khóc vì con người nhận ra Đức Kitô
phải chết là tội của con người. Than khóc vì những kẻ đã đóng đinh Đức Kitô nhận
ra họ đã đóng đinh Người Con Một của Thiên Chúa. Con người vẫn và sẽ tiếp tục
than khóc vì họ không ngừng phạm tội phản bội tình thương của Thiên Chúa. Đức
Kitô nói “Phúc cho kẻ than khóc, vì họ sẽ được yêu ủi” là thế. Nếu họ nhìn lên
Đức Kitô chịu đóng đinh mà không nhận ra tình thương Thiên Chúa và tội lỗi của
họ, làm sao họ có thể được cứu thoát?
Họ sẽ khóc than như người ta khóc than đứa con một. Họ sẽ
thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng: Còn nỗi đau đớn nào hơn
nỗi đau đớn của cha mẹ mất đứa con một, người con duy nhất họ có. Câu này gợi lại
cho chúng ta sự than khóc của người Ai-cập khi các thiên thần tiêu diệt những đứa
con đầu lòng của họ. Hay nỗi đau đớn của các bà mẹ mất con khi vua Herode tiêu
diệt tất cả các con trẻ tại Bethlehem và các vùng phụ cận từ 3 tuổi trở xuống.
Ngôn sứ Zechariah có ý muốn nói con người phải than khóc cho tội mình như thế,
vì tội lỗi của họ mà Đức Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, đã phải đóng đinh
vào Thập Giá và bị quân lính lấy lưỡi đòng đâm thâu.
2/ Bài đọc II: Nhờ đức tin, tất cả
anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.
(1) Đức Kitô đã kiên kết chúng ta nên một: Thánh Phaolô nói
với các tín hữu Galat: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái
Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy
để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô.” Đức tin vào Đức Kitô đòi hỏi phải
có trước khi một người lãnh nhận Phép Rửa. Khi lãnh nhận Phép Rửa, người tín hữu
trở thành con cái của Thiên Chúa. Khi thánh Phaolô nói “người tín hữu mặc lấy Đức
Kitô” là có ý muốn nói họ trở nên một phần thân thể hay chi thể của Ngài.
(2) Chúng ta không được chia cắt thân thể Chúa: Nếu các tín
hữu đã trở nên những chi thể của Đức Kitô, bổn phận của tất cả là xây dựng Nhiệm
Thể này sao cho mỗi ngày đạt tới mức thập toàn. Họ không được phép chia cắt
thân thể của Ngài bằng việc “phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn
ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.”
2.2/ Anh em là những người thừa kế theo lời hứa: “Nếu anh em thuộc
về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa.”
Một số người Do-thái cho nếu Dân Ngoại muốn trở thành con
cháu Abraham, họ phải chịu cắt bì.” Thánh Phaolô trong Thư hôm nay và Thư Rôma
đả phá quan niệm này. Ngài lý luận: Abraham được Thiên Chúa hứa ban cho một
dòng dõi là vì đức tin của tổ phụ vào Thiên Chúa, chứ không do bởi việc cắt bì.
Cũng vậy, khi một người tin vào Đức Kitô, họ trở thành con Thiên Chúa và thuộc
dòng dõi Abraham. Họ được thừa kế những gì Thiên Chúa hứa nhờ lòng tin, nên
không cần phải cắt bì.
3/ Phúc Âm: "Thầy là Đấng Kitô của
Thiên Chúa."
3.1/ Căn tính của Đức Kitô: Sắp đến giờ Đức
Kitô phải lên Jerusalem để bắt đầu Cuộc Thương Khó và từ giã các môn đệ, Ngài
muốn biết sau một thời gian sống với, mặc khải và giáo dục, các môn đệ đã nhận
ra Ngài là ai chưa. Sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ:
(1) "Dân chúng nói Thầy là ai?" Câu hỏi này chỉ để
giúp các môn đệ suy nghĩ trước khi Chúa hỏi các ông câu thứ hai. Các ông thưa:
"Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ
khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." Tất cả những
danh xưng này không đủ để diễn tả căn tính của Đức Kitô, chúng chỉ nói lên phần
nào đặc tính của Chúa Giêsu qua cái nhìn nhân loại: can đảm nói và bênh vực sự
thật như Gioan Tẩy Giả, có khả năng làm nhiều phép lạ như ngôn sứ Elijah, hay
có những lời dạy dỗ khôn ngoan của một ngôn sứ. Chúa Giêsu hỏi tiếp:
(2) Các con bảo Thầy là ai? Đây là câu hỏi không dễ trả lời
vì câu trả lời không những phải nói lên căn tính của Chúa mà còn phải nói lên
niềm xác tín của các tông đồ vào Ngài. Phêrô, tuy là một người mau mắn, nhưng
nói năng không trôi chảy, đã mạnh dạn tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô của
Thiên Chúa." Trong trình thuật của Matthew, Chúa Giêsu nói với Phêrô:
"Này anh Simon con ông Jonah, anh thật là người có phúc, vì không phải
phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”
(Mt 16:17a). Điều này cho thấy để biết căn tính của Đức Kitô vượt quá trí khôn
con người; để hiểu, họ cần được sự mặc khải của Thiên Chúa qua Thánh Thần của
Ngài.
3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Tuy tuyên xưng
đúng căn tính của Đức Kitô, Phêrô vẫn chưa hiểu đúng Kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa; vì khi Chúa Giêsu nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ
mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi và can ngăn Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng
để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô:
"Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không
phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16:22-23).
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai giữ sẽ mất, ai liều sẽ
giữ lại được.” Để trở thành môn đệ của Đức Kitô, một người phải bỏ tất cả những
ý riêng không hợp với ý của Thiên Chúa và làm theo thánh ý của Ngài. Ngoài ra,
người đó còn phải chấp nhận con đường đau khổ, nghĩa là phải bắt chước Đức Kitô
vác Thập Giá hằng ngày để mưu cầu ơn cứu độ cho mình và cho tha nhân.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
Chúng ta cần xin Thánh Thần Chúa soi sáng để nhận ra Đức
Kitô và những chân lý Ngài truyền dạy. Chúng ta cần xin Thánh Thần Chúa thúc đẩy
để mong ước những điều tốt lành từ Thiên Chúa và chê ghét tội lỗi của mình. Sau
cùng, chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh giúp chúng ta đủ sức thi
hành điều chúng ta mong muốn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
19/06/16 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C
Lc 9,18-24
Lc 9,18-24
Suy niệm: Chỉ cần một câu trả lời đúng và đắc ý người phỏng vấn là người đi xin việc được chấp thuận ngay. Khổ nỗi có quá nhiều phương án trả lời mà chỉ có một cách làm đắc ý người phỏng vấn thì biết làm thế nào đây?! Các môn đệ không ở trong hoàn cảnh này vì Chúa Giê-su đã chọn và nhận các ông vào làm việc cho mình trước khi các ông được hỏi. Hôm nay Chúa hỏi các môn đệ là để dần tỏ cho các ông khuôn mặt và sứ mệnh của Đấng-được-Chúa-Cha-xức-dầu. Sứ mệnh đó là cứu thế trong đau khổ-tủi nhục-vinh quang: hai mặt của một đồng xu!
Mời Bạn: Mãi đến khi Chúa Giê-su sống lại, các môn đệ mới hiểu nội dung của những lời Tin Mừng hôm nay. Còn chúng ta bây giờ chẳng khó khăn gì để hiểu những lời đó, nhưng vẫn còn một thách đố lớn đó là thực thi điều mình đã hiểu, đó là dám hy sinh từ bỏ chính mình để bước theo Chúa Giê-su-vác thập giá-liều mạng sống. Đó chính là câu trả lời phỏng vấn đẹp ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống hằng ngày, bạn đã làm gì để tỏ ra mình đang sống điều mình tin vào Chúa? Có nhiều cách, bạn hãy quyết làm một trong những đề nghị này: bỏ rượu chè, dẫn con cái đi dự lễ ngày thường, nhắc bảo chúng học giáo lý ngày Chúa Nhật, thăm viếng người đau ốm trong xóm…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ mình Chúa mới có lời ban sự sống đời. Xin cho con tin và làm theo lời Chúa dạy, nhờ đó cuộc sống của con sẽ là câu trả lời đúng ý Chúa cho những ai muốn hỏi con như Chúa đã hỏi các môn đệ ngày xưa.
THẦY LÀ AI?
Mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Kitô hữu. Vượt qua lớn nhất là vượt qua chính mình mỗi ngày. Từ bỏ chính mình
là để có thể sống cho tha
nhân.
Suy niệm:
Ðám
đông bảo Thầy là ai?
Nói
chung đám đông coi Ngài là một ngôn sứ đã khuất,
nhưng
nay sống lại:
một
Gioan Tẩy Giả, một Êlia hay một ngôn sứ nào khác.
Hiểu
như thế đã là kính trọng lắm rồi,
nhưng
tiếc thay lại không đúng,
vì
Ðức Giêsu chẳng phải là người của kiếp trước hiện về...
Hôm
nay tôi cũng cần biết người quanh tôi nghĩ gì về Ngài:
một
nhà cách mạng xã hội? Một nhà cải cách tôn giáo?
một
người đã dám sống và đã chịu chết,
để
khai sinh một xã hội bình đẳng và huynh đệ đại đồng?
Có
cái nhìn còn khiếm khuyết,
nhưng
đã là một con đường rộng mở về chân lý.
Các con bảo Thầy là ai?
Phêrô
trả lời đúng: Thầy là Ðức Kitô của Thiên Chúa.
Bản
thân tôi cũng phải trả lời câu hỏi trên,
sau
khi đã theo Chúa một thời gian dài.
Ðức
Giêsu là một mầu nhiệm không ngừng mở ra và lớn mãi.
Ngài
không thay đổi, nhưng sau mỗi biến cố,
tôi
lại khám phá ra những nét mới nơi con người Ngài.
Ngài
vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay,
nhưng
Ngài thường đến với tôi dưới nhiều dáng dấp.
Ðời
tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi:
“Con bảo Thầy là ai?”
Càng
lúc câu trả lời càng được thanh luyện.
Tôi
sẽ sống dựa trên câu trả lời của mình.
Ðức
Kitô bảo mình là ai?
Ngài
thường định nghĩa mình bằng những hình ảnh cụ thể.
Tôi là Cửa (Ga 10,7), là Mục Tử (10,11), là Ánh Sáng
(12,46).
Tôi là Ðường (14,6), là Cây Nho (15,1), là Bánh
(6,51).
Ðịnh
nghĩa nào cũng gắn chặt Ngài với con người.
Cửa
để chiên ra vào. Mục Tử để chiên được sống.
Ánh
Sáng để ta dễ bước đi, Ðường để đưa ta đến với Cha.
Thân
Nho để các cành sinh trái, Bánh để nuôi nhân loại.
Ðức
Kitô sống cho con người và sống với con người.
Ngài nhận mình là Chúa, là Thầy, là Bạn,
là
Anh Trưởng của mọi người chúng ta.
Ngài
nhận mình là Ðức Kitô dân Do thái mong đợi.
Nhưng
Ngài không giấu ta thân phận của Ngài:
phải
vượt qua khổ đau và cái chết mới được vào cõi sống.
Ðức Kitô bảo tôi là ai?
Kitô
hữu là người vác thập giá theo sau Ðấng vác thập giá.
Chẳng
có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.
Thân
phận Kitô hữu gắn liền với thân phận Thầy mình:
“Nếu
ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài” (2Tm 2,11).
Mầu
nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Kitô hữu.
Vượt
qua lớn nhất là vượt qua chính mình mỗi ngày.
Từ
bỏ chính mình là để có thể sống cho tha nhân.
Mất
mạng sống mình là để tín trung với Chúa.
Ước
gì tôi là tôi hơn, khi tôi ra khỏi tôi.
Cầu
nguyện:
Lạy
Thầy Giêsu,
Thầy
không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy
cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy
còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì
Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những
điều riêng tư thầm kín nhất
trong
tương quan giữa Thầy và Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy
đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc
nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng
đầu một đoàn em đông đúc.
Xin
cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha
để
trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy
Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm
môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn
Thầy lại hạ mình xuống
phục
vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa
chân cho chúng con như một nô lệ
và
chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin
cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và
sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG SÁU
Tình Yêu Hôn Nhân Và Gia Đình Kitô hữu
Nơi người Kitôhữu, vai trò làm cha làm mẹ trước hết là một
thực tại luân lý và tâm linh. Người ta chỉ cần có mấy tháng để đưa một em bé
vào đời, nhưng trọn cả đời người cũng không đủ để hoàn thành việc nuôi dạy đứa
con. Thật vậy, có rất nhiều giá trị – cả nhân bản lẫn siêu nhiên – mà cha mẹ phải
truyền đạt cho con cái mình. Bởi vậy, hành vi trao ban sự sống của cha mẹ có một
chiều kích hoàn toàn nhân bản. Và điều này đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn,
trí phán đoán, sự khéo léo và tình yêu thương mấy cũng không vừa. Đó là nẻo đường
mà cả gia đình được mời gọi cùng nhau bước đi từ ngày này sang ngày khác. Trong
đó, mọi thành viên của gia đình – cả cha mẹ lẫn con cái – sẽ trưởng thành ngày
càng hơn. Quả vậy, các bậc cha mẹ sống tư cách làm cha làm mẹ một cách đầy
trách nhiệm sẽ khám phá thấy rằng trong tình yêu hôn nhân của họ có những khía
cạnh rất tuyệt vời mà họ vốn không ngờ.
Những khía cạnh thâm sâu ấy của tình yêu hôn nhân cho phép
chúng ta nhìn thoáng thấy chân trời rộng lớn ấy. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu
giữa người nam và người nữ siêu vượt trên kinh nghiệm về thời gian và nó tự mở
ra tới viễn tượng sự phục sinh vinh quang của thân xác, ở đó sự sinh sản thể lý
sẽ không còn, nhưng mối kết hợp tâm linh của hai tâm hồn sẽ vẫn tồn tại.
Trong ánh sáng này, hình ảnh của Giu-se được nhận thấy có một
ý nghĩa phi thường. Vì trong cuộc hôn nhân trinh khiết giữa ngài với Đức Trinh
Nữ Maria, một cách nào đó ngài báo trước kinh nghiệm trọn vẹn về thiên đàng.
Ngài cho chúng ta thấy sự phong phú của tình yêu phu phụ được xây dựng trên những
hòa điệu thâm sâu của linh hồn và được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch yêu thương
không bao giờ cạn kiệt.
Đây là một bài học rất có ý nghĩa cho thời đại chúng ta – một
thời đại mà gia đình thường lâm vào khủng hoảng chỉ vì tựa vào một thứ tình yêu
thiếu hẳn chiều sâu và sự phong phú này. Đàng khác, gia đình hôm nay in hằn những
rối rắm, những nhấn mạnh thái quá đến bản năng và những sự lôi cuốn bên ngoài.
Đành rằng bản năng và những lôi cuốn bên ngoài rất quan trọng, nhưng chúng
không thể là nền tảng của tình yêu hôn nhân đối với các đôi vợ chồng Kitôhữu.
Chúng ta hãy học lấy gương mẫu của Thánh Giu-se.
“Này con, sao con nỡ làm thế? Kìa cha con và mẹ đã lo lắng
tìm con” (Lc 2,48). “Cha con” – đó là Thánh Giu-se, chồng của Mẹ Thiên Chúa, và
trước mặt người đời là cha của Giê-su Na-da-rét, Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa.
Câu nói trên là một lời khiển trách rất bình dị, rất ‘người’. Nhưng, trên tất cả,
câu nói ấy bày tỏ mối ưu tư. Nỗi ưu tư này chính là đặc trưng của vai trò làm
cha làm mẹ, từ khoảnh khắc thụ thai đứa con trong cung lòng người mẹ, xuyên qua
tuổi ấu thơ và cả cho đến tuổi trưởng thành. Mối ưu tư ấy của cha và mẹ há
không phải là phản ảnh của sự quan phòng thần linh đó sao?
Và rồi, một câu nói khác nữa, lần này là của Đức Giê-su:
“Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu nói của
Giê-su, người con, nói với cha mẹ mình – là Giu-se và Maria. Câu nói ấy vén mở
cho thấy rằng ở giữa mối ưu tư nói trên của cha và mẹ, vẫn có những khả năng
cho đứa con lớn lên, vẫn luôn có khả năng cho tiếng gọiđến từ Thiên Chúa: “Con
phải ở trong nhà Cha con…”
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19 – 6
Chúa Nhật XII Thường niên
Dcr 12,10-11;13,1; Gl 3,26-29; Lc 9,18-24.
Lời suy niệm: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện. Các môn đệ cùng ở đó với Người, và Người
hỏi với các ông rằng: Dân chúng nói Thầy là ai?”
Sau một thời gian dài Chúa Giêsu đã rao giảng, đã chữa lành
với bao phép lạ giữa dân chúng từ nơi này đến nơi khác. Giờ đây Người long trọng
hỏi các môn đệ của Người về dân chúng nói Người là ai. Các môn đệ đã trả lời những
gì các ông đã nghe, nhưng Chúa Giêsu chưa thỏa mãn; Người lại đặt câu hỏi này đối
với các môn đệ, là những người đã theo sát Người, cùng ở với Người, đã được Người
dạy cách riêng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phần đông cũng đã giữ thái
độ im lặng, chỉ có một mình Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa cũng đang hỏi chúng con về Chúa. Xin
cho chúng con phải học biết về Chúa để trả lời với lòng tin của mình, đừng để
chúng con phải im lặng hầu che giấu vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Mạnh Phương
19 Tháng Sáu
Thế Ư?
Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật
trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô
nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai.
Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ
kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên:
"Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính
ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền
sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng
lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành
vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ
trong làng.
Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã
nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của
cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ
dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi
người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ
mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây
xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ
Maria.
Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một
sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước
tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa
xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải
trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản
thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu
chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực
hiện.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời.
Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có
thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên
Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét