Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tài liệu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin: Giáo Hội Tái Sinh (4)

Tài liu mi ca B Giáo Lý Đc Tin: Giáo Hi Tái Sinh (4)
Vũ Văn An6/17/2016



V. Thực hành trong Giáo Hội liên hệ tới mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng

19. Sau cùng, điều cần thiết là phải nói tới một số yếu tố trong việc Giáo Hội thực hành cụ thể mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng đã được định hình như các nhóm đặc sủng trong hiệp thông Giáo Hội.

Tính hỗ tương 

20. Trước nhất, việc thiết lập các mối tương quan tốt đẹp giữa các hồng ân đa dạng trong Giáo Hội đòi phải thực sự tháp nhập thực thể đặc sủng vào đời sống mục vụ của Giáo Hội đặc thù. Điều này buộc các nhóm đa dạng phải thừa nhận thẩm quyền của các mục tử trong Giáo Hội như là một thực tại trong chính đời sống Kitô Giáo, và khi thành thực ước muốn được thừa nhận, được tiếp đón và sau cùng được thanh luyện, họ phải tự đặt mình vào thế sẵn sàng phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. Mặt khác, những vị được ủy thác các hồng ân phẩm trật, khi thi hành việc biện phân và đồng hành với các đặc sủng, cần phải thân ái tiếp nhận những gì mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng trong hiệp thông Giáo Hội, do đó, lưu ý tới các hoạt động mục vụ và trân qúi sự đóng góp của họ như là một nguồn chân chính gây ích lợi cho mọi người.

Các hồng ân đặc sủng trong Giáo Hội hoàn vũ và đặc thù

21. Liên hệ tới việc phân tán và tính đặc thù của các thực thể đặc sủng, ta cũng phải xét tới mối tương quan có tính cơ cấu và yếu tính giữa Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội đặc thù. Vì lý do này, cần phải minh xác rằng: như ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội của Chúa Kitô “là Giáo Hội phổ quát, nghĩa là, một cộng đồng khắp thế giới của các môn đệ Chúa, một cộng đồng hiện diện và hoạt động giữa những đặc điểm đặc thù và tính đa dạng về người, về nhóm, về thời gian và nơi chốn” (87). Do đó, chiều kích đặc thù là chiều kích nội tại đối với chiều kích phổ quát và ngược lại; có một “nội tại tính hỗ tương” (88) giữa các Giáo Hội đặc thù và Giáo Hội hoàn vũ. Trong bối cảnh này, các hồng ân phẩm trật riêng của Vị Thừa Nhiệm Thánh Phêrô được thi hành để bảo đảm và làm dễ nội tại tính của Giáo Hội hoàn vũ bên trong các Giáo Hội địa phương; cũng thế, Chức Vụ Tông Đồ của các giám mục cá thể không bị giới hạn bên trong các giáo phận của các ngài nhưng được kêu gọi tuôn trào ra toàn thể Giáo Hội, nhờ cả tình âu yếm thích đáng đối với tính hợp đoàn và các hiệu quả của tính này, và nhất là nhờ tình hiệp thông với centrum unitatis Ecclesiae (tâm điểm sự hợp nhất Giáo Hội) là chính Giám Mục Rôma. “Là người kế nhiệm Thánh Phêrô, ngài là nguyên lý và nền tảng trường cửu và hữu hình của sự hợp nhất cả các giám mục lẫn tín hữu giáo dân. Tuy nhiên, các giám mục cá thể là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong các Giáo Hội đặc thù của các ngài, được lên khuôn theo mẫu mực Giáo Hội hoàn vũ; chính trong và từ các Giáo Hội này, mà có Giáo Hội Công Giáo duy nhất” (89). Điều này hàm nghĩa: trong mọi Giáo Hội đặc thù, “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Chúa Kitô thực sự hiện diện và hoạt động” (90). Do đó, việc qui chiếu tới thẩm quyền của Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô, tức việc hiệp thông cum Petro et sub Petro (với Phêrô và dưới Phêrô) là có tính cấu tạo đối với mọi Giáo Hội địa phương (91).

Nhờ cách này, nền tảng của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đã được đặt trong mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội đặc thù. Một đàng, các hồng ân đặc sủng được ban cho toàn thể Giáo Hội; đàng khác, tính năng động của các hồng ân này phải tự thể hiện trong việc phục vụ một giáo phận cụ thể, vốn “là một phần của Dân Chúa đã được ủy thác cho một giám mục để được ngài chăn dắt với sự hợp tác của linh mục đoàn” (92). Vì mục đích này, điều hữu ích là nhớ tới trường hợp Đời Sống Thánh Hiến; đây không phải là một thực tại nằm ở ngoài và độc lập đối với đời sống của Giáo Hội địa phương; đúng hơn, nó tạo ra một cách thế để hiện diện giữa Giáo Hội địa phương, một cách hiện diện được đánh dấu bởi tính triệt để của Tin Mừng và sở đắc các hồng ân chuyên biệt của mình. Đặc ân “miễn trừ” (exemption) mà truyền thống vốn ban cho nhiều Viện Sống Đời Thánh Hiến (93) không ngụ hàm một thứ siêu tòng thổ không nhập tịch (disincarnated dislocation) hay một thứ độc lập bị hiểu sai lầm, mà đúng hơn là một sự tương tác sâu sắc hơn giữa chiều kích phổ quát và chiều kích đặc thù của Giáo Hội (94). Tương tự như thế, các thực thể đặc sủng mới, khi sở hữu đặc tính siêu giáo phận (supra-diocesan), không nên tự coi mình như hoàn toàn độc lập đối với Giáo Hội đặc thù; đúng hơn, họ nên phong phú hóa và phục vụ Giáo Hội này bằng chính tính đặc thù ấy, một tính đặc thù vốn được chia sẻ bên kia biên giới của một giáo phận.

Các hồng ân đặc sủng và các bậc sống của Kitô hữu

22. Các hồng ân đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban phát có thể có liên hệ với toàn bộ trật tự hiệp thông của Giáo Hội về cả phương diện bí tích lẫn Lời Thiên Chúa. Tùy theo các nét đa dạng của chúng, các hồng ân này có thể mang nhiều hoa trái trong việc chu toàn các bổn phận vốn phát sinh từ phép rửa tội, phép thêm sức, phép hôn phối và phép truyền chức thánh. Chúng cũng giúp ta khả năng hiểu rõ hơn Truyền Thống Tông Đồ về phương diện thiêng liêng; ngoài việc nghiên cứu thần học và việc giảng dậy của những vị được ủy thác charisma veritatis certum (đặc sủng chân lý chắc chắn) (95), truyền thống này còn có thể được thâm hậu hóa nhờ những vị nắm được “một sự hiểu biết sâu sắc các thực tại thiêng liêng do cảm nghiệm bản thân” (96). Trong bối cảnh này, điều hữu ích là liệt kê các câu hỏi nền tảng liên hệ tới mối tương quan giữa các hồng ân đặc sủng và các bậc sống khác nhau, lưu ý đặc biệt tới chức linh mục chung của Dân Chúa và chức linh mục thừa tác và phẩm trật, hai chức linh mục “dù khác nhau trong yếu tính chứ không phải chỉ trong mức độ […] nhưng có liên hệ qua lại với nhau: mỗi chức, theo cách riêng của nó, đều là một tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô” (97). Thực vậy, chúng tạo ra “hai cách tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, là chức bao gồm hai chiều kích nhưng kết hợp làm một trong hành vi hy sinh tối thượng trên thập giá” (98).

a) Thứ nhất, ta cần nhìn nhận sự tốt lành của các đặc sủng khác nhau đã khai sinh ra nhiều hiệp hội có tính Giáo Hội giữa mọi tín hữu, được kêu gọi làm cho ơn sủng bí tích sinh nhiều hoa trái, dưới sự lãnh đạo của các mục tử hợp pháp của họ. Chúng đem lại một dịp may chân chính để người ta sống và phát triển ơn gọi làm Kitô hữu cách thích đáng của họ (99). Các hồng ân đặc sủng này giúp các tín hữu có thể sống chức linh mục chung của Dân Chúa như là một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ: là “các môn đệ của Chúa Kitô, chuyên chăm cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa, (xem Cv 2:42-47), [họ] nên tự trình bầy mình như của lễ hy sinh sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (xem Rm 12:1). Ở khắp nơi trên trái đất, họ phải làm chứng cho Chúa Kitô và trả lời cho những ai muốn có lời giải thích về niềm hy vọng được sống đời đời của họ (xem 1Pr 3:15)” (100). Thuộc loại này còn có những hiệp hội rất có ý nghĩa đối với đời sống hôn nhân Kitô Giáo; những hiệp hội này “nên cố gắng dùng các chương trình huấn giáo và các hành động của họ để củng cố giới trẻ và chính các cặp vợ chồng, nhất là những cặp vợ chồng mới cưới, và huấn luyện để họ đảm nhiệm cuộc sống gia đình, xã hội và tông đồ” (101).

b) Nhờ việc tham dự của họ vào một thực thể đặc sủng, các thừa tác viên thụ phong cũng có thể được nhắc nhở về ý nghĩa phép rửa của chính họ, nhờ đó họ trở nên con cái Thiên Chúa, cũng như sứ mệnh và ơn gọi chuyên biệt của riêng mình. Nơi một hiệp hội Giáo Hội nhất định, thành viên thụ phong của đoàn tín hữu có khả năng tìm được một trợ giúp nào đó để họ sống cách sâu sắc hơn các thách đố trong thừa tác vụ chuyên biệt của họ trong tương quan với toàn thể Dân Chúa, nhất là bộ phận được ủy thác cho họ, và trong tương quan với việc thành thực vâng lời Đấng Bản Quyền (102). Tương tự như thế, ta cũng có thể nói cùng một điều vừa nói với các ứng viên chịu chức linh mục thuộc một hiệp hội Giáo Hội đặc thù, như Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis (103) đã quả quyết; một tương quan như thế cần được bầy tỏ một cách trung thành tích cực đối với chính việc đào tạo chuyên biệt của họ, làm giầu việc đào tạo này bằng đặc sủng liên hệ. Cuối cùng, tùy theo đặc tính riêng của từng hiệp hội, sự trợ giúp mục vụ mà vị linh mục có khả năng cung ứng cho hiệp hội phải luôn phù hợp vớiregimen (tông hiến?) đã được dự trù cho việc hiệp thông trong Giáo Hội, nhất là phần dành cho các Chức Thánh, liên quan tới việc nhập tịch (incardination) (104) và vâng lời đối với đấng bản quyền (105).

c) Sự đóng góp của hồng ân đặc sủng vào chức linh mục do phép rửa và vào chức linh mục do thừa tác đã được minh tả bằng Đời Sống Thánh Hiến; đời sống này, tự nó, vốn được định vị trong chiều kích đặc sủng của Giáo Hội (106). Một đặc sủng như thế, một đặc sủng nói lên “sự đồng hình đồng dạng đặc biệt với Chúa Kitô, Đấng khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời” (107) như một hình thức sống bền đỗ (108) do lời khấn giữ các lời khuyên của Tin Mừng, đã được ban giúp người ta “có khả năng hái lượm được nhiều hoa trái dư thừa hơn từ […]ơn sủng của phép rửa” (109). Đối với cả tín hữu giáo dân lẫn các linh mục, linh đạo của Các Viện Đời Sống Thánh Hiến có thể trở thành nguồn tài nguyên quan trọng giúp họ sống ơn gọi riêng của họ. Hơn nữa, các thành viên của các Viện Đời Sống Thánh Hiến, với sự đồng thuận cần thiết của các bề trên của họ (110), thường có thể tìm thấy nơi các hiệp hội mới một sự trợ giúp quan trọng để sống ơn gọi của mình, và ngược lại, có thể cung ứng một “chứng tá trung tín, hân hoan và có tính đặc sủng đối với đời sống thánh hiến” (111), nhờ thế, tạo nên một sự phong phú hóa hỗ tương.

d) Sau cùng, điều có ý nghĩa là tinh thần các lời khuyên của Tin Mừng cũng đã được Huấn Quyền đề nghị cho mọi thừa tác viên thụ phong (112). Ngay bậc sống độc thân, một điều bắt buộc đối với các linh mục trong truyền thống Latinh đáng kính (113) cũng đã rõ ràng có cùng một đường hướng với các hồng ân đặc sủng; bậc sống này không chủ yếu có tính chức năng; đúng hơn, nó “thực sự làm người ta đặc biệt trở nên đồng hình đồng dạng với chính lối sống riêng của Chúa Kitô” (114), trong đó, việc hoàn toàn hiến mình cho sứ mệnh mà bí tích truyền chức thánh trao ban đã được thể hiện (115).

Các hình thức thừa nhận của Giáo Hội 

23. Tài liệu này có ý định minh giải vị trí thần học và Giáo Hội học của các hiệp hội mới trong Giáo Hội dưới ánh sáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ đóng góp vào việc nhận diện được một cách cụ thể các phương thế thoả đáng nhất để Giáo Hội thừa nhận chúng. Bộ Giáo Luật hiện hành cung cấp các phương thế pháp lý khác nhau để thừa nhận các thực thể mới trong Giáo Hội, vốn do các hồng ân đặc sủng mà có. Các phương thế này cần phải được xem xét một cách thận trọng (116), tránh các tiền lệ không biết xem xét thoả đáng cả các nguyên tắc luật lệ nền tảng lẫn bản chất và tính đặc thù của các thực thể đặc sủng đa dạng.
Nhìn từ mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng, điều cần là phải xem xét hai tiêu chuẩn căn bản không thể tách biệt nhau: a) tôn trọng tính đặc thù của các nhóm đặc sủng cá thể, tránh những trói buộc pháp lý bóp nghẹt tính mới mẻ vốn phát sinh từ kinh nghiệm chuyên biệt. Nhờ cách này, người ta tránh được nguy cơ các đặc sủng đa dạng bị coi như các nguồn tài nguyên tầm thường trong Giáo Hội; b) tôn trọng các regimen (hiến chế?) nền tảng trong Giáo Hội, nhờ cách này, ta làm dễ việc tháp nhập hữu hiệu các hồng ân đặc sủng vào đời sống của cả Giáo Hội đặc thù lẫn Giáo Hội hoàn vũ. Nhờ thế, tránh được bất cứ nguy cơ nào khiến các thực thể đặc sủng bị coi như hoạt động song song với đời sống Giáo Hội hay không được sắp xếp trong tương quan với các hồng ân phẩm trật.

Kết luận 

24. Khi chờ để được tuôn đổ Chúa Thánh Thần, các môn đệ đầu tiên đã rất chuyên chăm và hợp nhất trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu (xem Cv 1:14). Ngài đã hoàn toàn chấp nhận mọi ơn sủng và làm cho chúng sinh hoa trái, nhờ thế, ngài đã được Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh phong phú hóa một cách siêu dư tràn: quan trọng nhất là ơn được làm Mẹ Thiên Chúa. Mọi con cái của Giáo Hội có thể chiêm ngưỡng sự ngoan ngoãn hoàn toàn của ngài đối với hành động của Chúa Thánh Thần: một sự ngoan ngoãn không tì vết trong đức tin và trong sự khiêm nhường trong sáng. Do đó, Đức Mẹ đã chứng tỏ một cách trọn vẹn việc ngoan ngoãn và trung thành lãnh nhận mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, như Công Đồng Vatican dạy, Đức Trinh Nữ Maria, bằng đức ái mẫu thân của ngài, “chăm sóc anh em của Con mình, những đứa con vẫn còn đang lữ thứ trên trần gian giữa vòng vây của nguy hiểm và thử thách, cho tới lúc chúng được đưa vào cõi hạnh phúc tại quê hương đích thực của chúng” (117). Vì ngài “tự để mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên con đường đức tin hướng về đích phục vụ và sinh hoa trái, nên hôm nay, ta nhìn lên ngài và xin ngài giúp chúng ta công bố sứ điệp cứu rỗi cho mọi người và giúp các môn đệ mới, đến lượt họ, trở thành các người rao giảng Tin Mừng” (118). Vì lý do này, Đức Maria được nhìn nhận là Mẹ Giáo Hội và chúng ta, đầy lòng tin tưởng, cùng chạy đến với ngài, để, nhờ sự giúp đỡ đắc lực và sự cầu bầu mạnh thế của ngài, các đặc sủng, được Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu, được lãnh nhận một cách ngoan ngoãn và sinh hoa trái cho đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội và cho thiện ích của thế giới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong buổi yết kiến dành cho Đức Hồng Y Bộ Trưởng ngày 14 tháng Ba, 2016, đã chấp thuận Thư này, từng được Phiên Họp Toàn Thể của Thánh Bộ này thông qua, và truyền cho công bố.

Rôma, từ Văn Phòng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 15 tháng Năm, 2016, Ngày Lễ Hiện Xuống.

Hồng Y Gerhard Müller, Bộ Trưởng

Luis F. Ladaria, S.I., Tổng Giám Mục hiệu tòa Thibica, Thư Ký
_____________________________________________________________________________________________________________
[87] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis Notio, 7: AAS 85 (1993), 842.
[88] Đã dẫn, 9: AAS 85 (1993), 843.
[89] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 23.
[90] Đã dẫn, Sắc Lệnh Christus Dominus, 11.
[91] Xem Đã dẫn, 2; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis Notio, 13-14, 16: AAS 85 (1993), 846-848.
[92] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Christus Dominus, 11.
[93] Xem Đã dẫn, 35; Bộ Giáo Luật, điều 591; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 412, §2: Thánh Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 22: AAS 70 (1978), 487.
[94] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Communionis Notio, 15: AAS 85 (1993), 847.
[95] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 888-892.
[96] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8.
[97] Đã dẫn, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 10.
[98] Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Gregis (16 tháng 10, 2003), 10: AAS 96 (2004), 838.
[99] Xem Đã dẫn, Tông Huấn Christifideles Laici, 29: AAS 81 (1989), 443-446.
[100] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 10.
[101] Đã dẫn, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 52; Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 72: AAS 74 (1982), 169-170.
[102] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (25 tháng 3, 1992), 68: AAS 84 (1992), 777.
[103] Xem Đã dẫn, 31, 68: AAS 84 (1992), 708-709, 775-777.
[104] Xem Bộ Giáo Luật, điều 265; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 357, §1.
[105] Xem Bộ Giáo Luật, điều 273; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 370.
[106] Thánh Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Mutuae Relationes, 19, 34: AAS 70 (1978), 485-486, 493.
[107] Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata, 31: AAS 88 (1996), 404-405.
[108] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 43.
[109] Đã dẫn 44; Xem Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 5; Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata, 14, 30: AAS 88 (1996), 387-388, 403-404.
[110] Xem Bộ Giáo Luật, điều 307, §3; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 578, §3.
[111] Thánh Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Chỉ Thị Ripartire Da Cristo (19 tháng 5, 2002), 30: Enchiridion Vaticanum, 21, 472.
[112] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, 27-30: AAS 84 (1992), 700-707.
[113] Xem Đức Phaolô VI, Thông Điệp Sacerdotalis Caelibatus (24 tháng 6, 1967): AAS 59 (1967), 657-697.
[114] Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum Caritatis, 24: AAS 99 (2007), 124.
[115] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, 29: AAS 84 (1992), 703-705; Công Đồng Vatican II, Sắc LệnhPresbyterorum Ordinis, 16.
[116] Hình thức pháp lý đơn giản nhất để thừa nhận các thực thể Giáo Hội có bản chất đặc sủng hiện nay dường như là hình thức hiệp hội tư của các tín hữu Kitô (Xem Bộ Giáo Luật, điều 321-326; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 573, §2-583). Tuy nhiên, cũng nên xem xét các hình thức pháp lý khác với các đặc điểm chuyên biệt, như các hiệp hội công của các tín hữu Kitô (xem Bộ Giáo Luật, điều 573-730; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 573, §1-583), các hiệp hội giáo sĩ của tín hữu Kitô (Xem Bộ Giáo Luật, điều 302), các viện đời sống thánh hiến (Xem Bộ Giáo Luật, điều 573-730; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 410-571), các Hội Đời Sống Tông Đồ (Xem Bộ Giáo Luật, điều 731-746; Bộ Giáo Luật Đông Phương, điều 572) và các giám hạt tòng nhân (Xem Bộ Giáo Luật, điều 294-297).
[117] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 62.
[118] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 287: AAS 105 (2013), 1136.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét