17/10/2016
Thứ Hai
tuần XXIX thường niên
Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử
đạo.
Lễ nhớ.
* Giám mục I-nha-xi-ô
thành An-ti-ô-khi-a đã bị án
quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến
đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó,
người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan
và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ
một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng
tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với
Chúa Cha”.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2,
1-10
"Người
làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em
thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những
tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này,
theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động
trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa,
xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm
theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ
chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác.
Nhưng
Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu
thương chúng ta, đến đỗi khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho
chúng ta sống lại trong Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống
lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được
thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng
ta trong Ðức Giêsu Kitô.
Vì
chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh
em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được
tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu
Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta,
và ta thuộc quyền sở hữu của Người (c. 3b).
Xướng:
1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm
vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. - Ðáp.
2) Hãy
biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền
sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3) Hãy
vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy
tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4) Vì
Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung
tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những
của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo
anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia,
ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi
người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham
lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người
lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh
nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi
còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế
này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa
thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn,
ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui
chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người
ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho
ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa,
thì cũng vậy".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Ðiều Chỉnh Hướng Ði
Văn
hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú
hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:
Tôi muốn
thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi,
và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất
thuộc về anh.
Con
người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh
không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa
ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa
mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh
càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu
có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy.
Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh
không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại
và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho
tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa
lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn
cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con
người.
Nỗi khốn
khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ
không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức
mình.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu
dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông
tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem
theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu
dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý
nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm
cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng
lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền
bính.
Cuộc sống
hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta
thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng
đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc
lòng quảng đại của chúng ta.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có
niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời.
Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ
dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của
Thiên Chúa.
Dù phải
lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy
can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 29 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Eph 2:1-10; Lk 12:13-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thế nào gọi là sống?
Phải chăng là
có nhiều tiền? Phải chăng để thỏa mãn xác thịt? Phải chăng là được mọi thứ quyền
uy, danh vọng? Hai Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy cuộc sống đích thực không
lệ thuộc vào những điều này, nhưng là biết sống theo Đức Kitô và sự quan phòng
của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ.
1.1/ Lối sống theo
thế gian: là lối sống trong
tội (harmatia) và đi trật đường (paraptoma). Theo nguyên nghĩa, tội là như mũi
tên đi trật đích, thay vì phải hướng tới mục đích của cuộc sống. Theo nghĩa
này, tội không chỉ là những tội nặng ký như: trộm cướp, giết người, ngọai tình;
nhưng là tất cả những gì làm ngăn cản con người không đạt tới cuộc sống lý tưởng
như Thiên Chúa muốn cho con người. Thánh Phaolô liệt kê 5 lọai ảnh hưởng trên
cuộc sống con người:
(1) Sống theo
trào lưu của thế gian: Con người sống theo tiêu chuẩn và giá trị của thế gian.
Những tiêu chuẩn và giá trị này hòan tòan đi ngược với những tiêu chuẩn và giá
trị của Thiên Chúa. Chẳng hạn Thiên Chúa dạy hy sinh, bác ái, tha thứ… trong
khi thế gian dạy ích kỷ, thụ hưởng và hận thù.
(2) Sống theo sự
điều khiển của ma quỉ: Thánh Phaolô mô tả là sống theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền
lực trên không trung bày vẽ.
(3) Sống bất
tuân với những gì Thiên Chúa dạy: Thánh Thần trong con người luôn hướng dẫn con
người biết và sống theo sự thật. Khi con người nghe ma quỉ sống ngược lại sự thật
là con người đã bất tuân và trở thành thù địch của Thiên Chúa.
(4) Sống theo
đam mê của trí khôn (epithumia): mong muốn những điều sai trái và những điều cấm
đóan. Rất nhiều người đã không biết tận dụng tài năng và tự do Thiên Chúa ban để
làm lợi ích cho mình và tha nhân nên đã phải lãnh những hậu quả do bệnh tật đem
tới hay bỏ mình trong chốn lao tù.
(5) Sống theo
tính đam mê của xác thịt: Theo Thánh Phaolô, tội của xác thịt không chỉ là những
tội về tình dục, nhưng còn bao gồm nhiều tội khác như: thờ tà thần, ghen tương,
nóng giận, hận thù, chia rẽ, bè phái… (Gal 5:19-21).
Chúng ta có thể
tóm gọn 5 điều trên vào 3 điều rất dễ nhớ mà chúng ta hay đọc trong các kinh là
trong cuộc đời này, con người phải chống chọi với ba thù: ma quỉ, thế gian, và
xác thịt. Kẻ thù nào cũng nặng ký, con người không thể thắng vượt nếu không có
Thánh Thần và các ơn thánh Chúa ban. Thánh Phaolô thú nhận: “Bẩm sinh chúng tôi
là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác.”
1.2/ Lối sống theo
Đức Kitô: Ngược lại với lối
sống xác thịt là lối sống theo Đức Kitô, hay theo Thánh Thần như Thánh Phaolô
diễn tả trong (Rom 9). Hậu quả của lối sống theo xác thịt là con người phải chịu
cơn thịnh nộ của Thiên Chúa qua các hình phạt và sau cùng là cái chết. Nhưng tại
sao con người không phải chết? Lý do là như Thánh Phaolô nói hôm nay: “Nhưng
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta
đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô.
Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” Không những thế, “Người còn cho chúng
ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.”
1.3/ Chính do ân sủng
và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: Qua hai lối sống đã trình bày trên, Thánh Phaolô đưa đến kết luận:
“Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải
bởi sức anh em, nhưng là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc
anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” Con người không thể làm gì để có thể
được cứu độ, ngay cả việc giữ Lề Luật, nhưng hòan tòan do lòng thương xót của
Thiên Chúa được thể hiện qua việc dùng Đức Kitô, Người Con Một, cho con người để
Ngài gánh tội cho nhân lọai và đưa con người về hưởng nhan thánh Chúa. Vì thế,
chúng ta không được trở lại sống theo tính xác thịt, nhưng sống theo sự hướng dẫn
của Thánh Thần để sinh lợi ích cho chúng ta và cho mọi người.
2/ Phúc Âm: Không phải vì dư giả mà mạng sống con người
được bảo đảm.
Trong Phúc Âm,
Thánh Luca cũng đưa ra 2 lối sống: theo thế gian và theo sự quan phòng của
Thiên Chúa. Một số hậu quả của lối sống theo thế gian:
(1) Sống tranh
giành, kiện cáo: Thay vì dùng thời đến với Chúa Giêsu để nghe những lời dạy dỗ
tốt lành và những mặc khải cao quí của Thiên Chúa, thì có người trong đám đông
nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho
tôi." Chúa Giêsu thẳng thắn từ chối công việc phân xử của cải nên Ngài
đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho
các anh?"
(2) Sống tham
lam vơ vét mọi thứ: Hạnh phúc cuộc đời không hệ tại vào những gì con người đang
có, nhưng vào những gì con người là hay sẽ là. Chúa Giêsu nói lên chân lý này
khi Ngài dạy các môn đệ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ
tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải
đâu."
(3) Sống đầu cơ
tích trữ: Một xảo thuật của các con buôn là “đầu cơ tích trữ.” Họ kiếm lời bằng
cách bỏ tiền mua bán tất cả những gì rẻ và dư thừa để tạo nên sự khan hiếm; sau
đó sẽ bán ra với giá gấp mấy lần so với giá họ mua vào. Người phú hộ này tuy
không có mục đích kiếm lời như các con buôn, nhưng cũng tích trữ để lo riêng
cho mình.
(4) Sống ích kỷ
và hưởng thụ: Thay vì dùng những của cải dư thừa để giúp người khốn khó, ông chỉ
ích kỷ nghĩ đến mình. Chỉ trong vài hàng ngắn ngủi, ông đã xử dụng chữ “tôi” đến
hơn 10 lần. Điều này chứng tỏ ông đã không nghĩ đến người khác. Mục đích của ông
khi đầu cơ tích trữ của cải được Thanh Luca mô tả rất rõ ràng: “Lúc ấy ta sẽ nhủ
lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ
ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
(5) Sống như
không có ngày mai: Nhà phú hộ đã không nghĩ đến những gì có thể xảy đến trong
tương lai. Chúa Giêsu mở mắt cho ông nhìn thấy sự thật: “Đồ ngốc! Nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Chúa kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt
Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tin Mừng đích
thực: Mọi người đều phạm tội và xứng đáng phải chết; nhưng vì lòng thương xót của
Thiên Chúa, Ngài đã tiền định cho con người được cứu độ qua Đức Kitô.
- Con người
không thể làm gì để được hưởng ân sủng Thiên Chúa ban, ngay cả việc giữ Luật.
Điều con người có thể làm là trông cậy vào lòng thương xót Chúa và tin vào Đức
Kitô.
- Không phải vì
giầu có mà cuộc sống được bảo đảm. Phải tránh xa mọi thứ tham lam. Sống trong sự
quan phòng của Thiên Chúa.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
17/10/16 THỨ HAI TUẦN
29 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo
Lc 12,13-21
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo
Lc 12,13-21
Suy niệm: Cách đây ít lâu, hiệu trưởng của một trường
điểm tại một thành phố lớn bị đình chỉ công tác vì đã nhận tiền của một số phụ
huynh khi họ muốn chạy cho con họ vào học tại trường này. Báo chí còn phanh
phui bà nhận được 600 đô cho mỗi vụ chạy trường này. Vụ việc tạo ra một dư luận
ầm ĩ vào thời điểm đó, thế nhưng lại chẳng là “cái đinh gì” so với những vụ lùm
xùm tham nhũng, lừa đảo lên tới hằng vạn, thậm chí hằng triệu đô-la ngày nay.
Sống trong xã hội chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ, nhiều người lầm tưởng rằng
tiền bạc có giá trị tối cao, nên đã dùng bất cứ thủ đoạn nào để tìm kiếm nó,
hưởng thụ nó, bám vào nó như chỗ dựa an toàn, bảo đảm cho hạnh phúc của họ. Họ
đã suy nghĩ và hành động chẳng khác gì ông phú hộ trong dụ ngôn Tin Mừng.
Mời Bạn: Người
ta thường nói đồng hành với chúng ta có ba thứ là bà con, bạc tiềnvà việc lành phúc đức. Giờ chết đến, bà con họ hàng
bỏ tôi tại cửa mồ giữa trời đất. Tiền bạc còn phũ phàng hơn bỏ tôi ngay tại
giường chết. Chỉ có việc lành phúc đức tôi đã làm mới cùng tôi qua bên kia thế
giới. Lời Chúa hôm nay cảnh báo bạn cũng chân lý đó: hãy coi chừng mọi thứ tham lam,
vì của cải không phải là chỗ dựa bảo đảm an toàn cho bạn mãi đâu.
Sống Lời Chúa: Tâm
niệm Lời Chúa: “Người
nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có
lợi gì?” (Lc
9,26)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con. Xin đừng để chúng con vì quá đam
mê của cải mà quên lo cho phần rỗi đời đời của mình.
Những
kho lớn hơn
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người
biết mở kho để trao đi và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối
với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm
nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty
thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để
trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào
kho.
Ai cũng muốn cho kho của
mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của
ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích
trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ
sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra
giải pháp này:
phá những kho cũ, làm
những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu,
của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề
phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông
vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép
ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông
tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần
đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm
cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông
đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào
chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ
vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ
chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc,
khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho,
sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính
toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái
chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao
rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình
phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được
ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như
giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có
một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng
làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ
hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái
kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không
xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh
cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là
nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để
tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt,
ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước
mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để
trao đi
và thấy Thiên Chúa liên
tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra
trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của
mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý
thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ
thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con
giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô
túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của
người khác,
có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc
sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép
kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh
lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san
sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người
đói nghèo
là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết
cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu
thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI
Người Nghèo
Là Những Ai?
Nhưng ai là người
nghèo trong thời đại chúng ta? Tin Mừng nói đến những người mù, những người bị
áp bức, và những người bị giam cầm (Lc 4,18). Người nghèo là những người sống
mà không có được những nhu cầu thiết yếu để sống, cả những nhu cầu vật chất lẫn
tinh thần.
Ngoài ra, trong
thế giới hôm nay, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương mình để lánh nạn. Hàng
triệu người, đôi khi toàn bộ những bộ tộc hay những vùng dân cư, bị đứng trước
nguy cơ tuyệt chủng vì hạn hán hay vì thiếu lương thực.
Làm sao người ta
có thể nhắm mắt trước tình trạng nghèo khổ và ngu dốt của những đồng loại mình
chưa bao giờ có được cơ hội đến trường? Làm sao có thể không day dứt khi nhìn
thấy vô số người đang phải chịu đựng một cách hoàn toàn bất lực trước sự bất
công và trước tình trạng kém phát triển? Cũng có rất nhiều người đã bị tước đoạt
quyền tự do tín ngưỡng và phải đau khổ cùng cực bởi vì họ không thể tôn thờ
Thiên Chúa theo lương tâm mình.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công
Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17 -10
Thánh
Ignatiô Antiôchia, giám mục tử đạo
Ep 2,1-10;
Lc 12,13-21.
Lời suy niệm “Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, xin Thầy bảo
anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: Này anh, ai đã đặt tôi làm người
xử kiện hay là người chia gia tài cho các anh.”
Qua câu chuyện
có người đến xin Chúa Giêsu chia gia tài, trước hết Chúa Giêsu chối từ sự tôn
phong Người là người xử kiện hay là người chia gia tài cả người đó. Chúa Giêsu
đã dẫn đưa tất cả đám đông trong đó có cả các môn đệ của Người vào dụ ngôn:
“Nhà phú hộ”, để chỉ dạy cho họ phải có thái độ nào đối với của cải vật chất.
Lạy Chúa Giêsu.
Trong cuộc sống ở trần thế này, chúng con đang bị nhiễm cái tính ích kỷ, chỉ biết
cái tôi của mình. Xin cho mỗi người trong chúng con đừng thu tích của cải cho
mình, nhưng phải biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, để chúng con khỏi khỏi bị
Chúa phán: “Đồ ngốc”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-10
Thánh
INHAXIÔ Thành Antiokia
Giám Mục Tử
Đạo (+107)
Người ta nghĩ rằng:
thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt
giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô
giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: Ngài là đứa trẻ đưa năm chiếc bánh và hai
con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là Ngài đã
được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau
khi thánh giám mục Evôda qua đời. Suốt bốn muôi năm cai quản giáo phận, kể cả
những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, Ngài đã tỏ ra là một giám mục gương
mẫu về mọi nhân đức.
Mười lăm năm
bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen
nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt
được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ong coi việc bách hại các tín hữu
Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm107, ông
tới Antiôkia. Được biết tại đây có giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng
tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu Ngài tới để xét hỏi.
Sau khi đe dọa và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện
này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình
về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân
chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này thánh Inhaxiô có dịp tiếp
xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết bảy bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến
đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được
các tín hữu ngưỡng mộ Ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
- Trên đất liền
hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào
mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng
cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện
tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu".
Ở Smyrna, thánh
Inhaxiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của
thánh Gioan như thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn
lừng danh. Tại đây thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo hội tới
thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, Ngài đã viết
thư khuyên nhủ họ:
- Hãy tránh xa
những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi
như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn,
nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh
Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện
của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng
nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các
thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, Ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu
Manhêsianô (Magnésiens): - Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân đức giám
mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của Ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã
với Ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi Ngài.
Với dân Trallianô
(Tralliens) Ngài viết: - "Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa.
Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi
đã sẵn sàng chiếm hữu".
Nhưng Ngài sợ
dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách
đi Italia, Ngài khẩn khoản: - "Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng
chứng quí mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ
tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu
Kitô, Đức giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để Ngài được đưa vào vinh
quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên
Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để
trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.
Tốt hơn, hãy
săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang
trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình
tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì
cho tôi ? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô...
Ngài còn viết
thêm: - Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một
dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha".
Thánh nhân còn
viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo hội và những sai
lầm nguy hại.
Ngày 20 tháng
12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc
bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân
chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lập lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi
dân Roma: "Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền
nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô". Hai con sư tử gầm rống và
bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại
và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương Ngài lại được đưa về Roma.
(daminhvn.net)
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới từa đề
"Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ
kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn
bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để
đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy
ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn giúp mẹ một chuyện.
hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng
ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa".
Có lẽ để khỏi
nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta
yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ
đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương
với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh
niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật
anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu không thể đi
ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho
chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh
niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ
đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã
mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa
nhỏ.
Chàng thanh
niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý
nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi
nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng
lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào: "Kính Mừng
Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát,
chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại
các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời
Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: "Ðức bà đi
viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ Maria, cũng như
bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó
là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ
Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm
lại.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét