04/03/2017
Thứ bảy đầu tháng, sau lễ Tro
Bài Ðọc I: Is 58, 9b-14
"Ngươi hãy ca
tụng Chúa khi ngươi bỏ đường lối của ngươi".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ðây Chúa phán: "Nếu
ngươi loại bỏ ra khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời nói hiểm độc;
khi ngươi hết lòng quảng đại với người đói khát, làm cho tâm hồn đau khổ được
thư thái, thì sự sáng của ngươi xuất hiện trong tối tăm và tối tăm sẽ trở nên
như giữa ban ngày. Và Thiên Chúa sẽ luôn luôn ban cho ngươi được thảnh thơi,
cho tâm hồn ngươi tràn ngập ánh sáng huy hoàng, cho xương cốt ngươi được mạnh mẽ,
và ngươi sẽ như cánh vườn xinh tươi, như nguồn suối nước không bao giờ khô cạn.
Nhờ ngươi, những điêu tàn ngày xưa sẽ được tái thiết, ngươi sẽ gầy dựng lại nền
tảng dòng dõi ngươi. Thiên hạ sẽ gọi ngươi là "kẻ tu bổ những chỗ sứt mẻ,
kẻ tu bổ lại đường lối nơi cư ngụ".
"Nếu ngươi không
tự tiện đi đường xa trong ngày Sabbat là ngày thánh, và ngươi coi ngày Sabbat
là ngày hạnh phúc, ngày thánh, ngày hiển vinh của Thiên Chúa; nếu ngươi bỏ công
ăn việc làm và những cuộc bàn tính mưu lợi mà ca tụng Chúa, thì ngươi sẽ được
hoan lạc nơi Thiên Chúa, và Ta sẽ đưa ngươi lên làm chủ các núi đồi, Ta cho
ngươi thừa hưởng gia nghiệp của Giacóp, tổ phụ ngươi, vì chính Chúa đã
phán".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 85, 1-2.
3-4. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy con đường lối Chúa, để con sống
theo chân lý của Ngài (c. 11a).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
xin ghé tai, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống
con vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào
Chúa. - Ðáp.
2) Ngài là Thiên Chúa
của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy
tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, vì Chúa
nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa,
xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không
nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Lc 5, 27-32
"Ta không đến
kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo
ông: "Hãy đi theo Ta". Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi
đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế
và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật
sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: "Sao các người lại ăn uống
với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới
cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi
ăn năn hối cải".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tin mừng của
lòng thương xót
Vua thánh Louis IX
của Pháp nổi tiếng là khôn ngoan, ứng biến tài tình. Có một nông dân nọ được
mùa củ cải. Để đánh dấu thành công, ông chọn củ cải lớn nhất trong vụ mùa và
đem dâng kính Đức vua. Ông đến cung điện và xếp vào hàng những người ngày ngày
đến dâng tặng vật cho đức vua. Ai cũng mang đến một lễ vật cao quí và cũng chuẩn
bị xin vua một đặc ân.
Người nông dân
nghèo trái lại chỉ có một tâm tình duy nhất, là nói lên niềm vui được trung mùa
của mình. Mọi người không ngờ rằng đây là tặng vật đã làm vua hài lòng nhất.
Nhà vua sai các cận
vệ đem đến một cái cân và truyền lệnh hãy cân số lượng vào bằng củ cải này và
trao cho người nông dân. Hành động này của vua đã khơi dậy lòng ham muốn của
các đình thần. Một tuần sau, một nịnh thần giầu có lựa con ngựa đẹp nhất đem tặng
vua với hy vọng được tưởng thưởng. Thế nhưng, khi đón nhận con ngựa, nhà vua
cám ơn và truyền cho các cận vệ: “Các khanh hãy mang tặng người này một củ cải,
đó là phần thưởng dành cho những người suốt ngày chỉ biết nói những lời xua nịnh
và chờ chực đặc ân”.
Giai đoạn trên đây có
thể gợi lại cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn, nghèo
hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài kết
thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước Trời trước
những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một thể hiện cụ
thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng trên núi:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng được loan bao cho những
người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận
Tin mừng.
Tin mừng của Chúa
Giêsu là Tin mừng của lòng thương xót: chỉ khi nào con người nhận thức được
thân phận nghèo hèn tội lỗi cảu mình, con người mới thấy được tình thương bao
dung hải hà của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó
ân sủng càng dồi dào”. Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng tin tưởng
phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh
nâng đỡ của Chúa. Tin mừng của Chúa là Tin mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc
cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự
trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được
hạnh phúc bình an đích thực.
Giữa những bôn ba tìm
kiếm của cuộc sống, xin cho chúng ta luôn đặt Chúa vào chỗ nhất. Cho dù phải
đánh mất tất cả, xin cho chúng ta luôn tin rằng chúng ta đang có tất cả và được
Chúa làm gia nghiệp duy nhất.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy sau Lễ Tro
Bài đọc: Isa
58:9-14; Lk 5:27-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương
xót quan trọng hơn việc giữ Luật.
Luật lệ làm ra cho lợi
ích của con người. Nói cách khác, vì lợi ích của con người, nên mới có những luật
lệ để bảo vệ những lợi ích này. Vì thế, sống tinh thần của luật lệ quan trọng
hơn sống vụ luật. Nếu phải vi phạm luật lệ để cứu người, một người có bổn phận
phải làm như thế. Trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu, đa số những vụ xung đột
giữa Ngài và các Biệt-phái, cùng các Kinh-sư, xoay quanh nguyên lý này.
Các Bài Đọc hôm nay
cũng đặt trọng tâm trên nguyên lý này. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah nhấn mạnh
đến lòng thương xót, biểu lộ qua sự giúp đỡ những người yếu kém, hơn là vụ hình
thức bên ngòai. Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và các Kinh-sư trách Chúa Giêsu và
các môn đệ đã ăn uống, làm bạn với những người thu thuế tội lỗi. Chúa Giêsu sửa
sai và nhắc khéo cho họ biết: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người
tội lỗi sám hối ăn năn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sống mối liên hệ với con người và Thiên Chúa.
1.1/ Việc ăn chay đúng
nghĩa: Lý do chính tại sao dân Do-Thái mất
quê hương và phải lưu đày là không sống đúng đắn mối liên hệ với Thiên Chúa và
vi phạm các bất công xã hội. Sống mối liên hệ với Thiên Chúa không phải chỉ là
dâng lễ vật, giữ các Lề Luật, hay việc ăn chay hời hợt bên ngòai; nhưng là sống
theo thánh ý Thiên Chúa, tôn trọng công bằng, và giúp đỡ mọi người.
(1) Sống theo thánh ý
Thiên Chúa: Trước, trong, và sau thời gian lưu đày, Thiên Chúa không ngừng gởi
các tiên tri tới để cho dân biết ý định của Thiên Chúa; dân chúng có bổn phận
phải nghe và làm theo những gì các tiên tri dạy bảo. Trong quá khứ, nhiều lần họ
đã bắt bớ, đe dọa, và ngay cả giết các tiên tri; vì thế Tiên-tri Isaiah kêu gọi:
Phải loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, và phải
làm thoả lòng người bị hạ nhục.
(2) Sống công bằng xã
hội: Lý do chính yếu của việc nghèo đói là vì bất công xã hội, người giàu dùng
sự khôn ngoan và sức mạnh của mình để bóc lột người nghèo. Vì thế, khỏang cách
giữa hai giai cấp ngày càng lan rộng: người giàu mỗi ngày một giàu thêm và người
nghèo càng ngày càng nghèo đi. Thời gian ăn chay không những giúp người giàu hiểu
biết người nghèo và chia cơm sẻ áo cho họ; đồng thời cũng giúp người giàu nhận
ra những bất công họ đã vi phạm.
(3) Giúp đỡ những người
yếu kém: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, những người được Thiên Chúa ban
cho có tài năng và của cải, là để giúp những người yếu kém; chứ không phải để
kiêu căng, phách lối, và bóc lột họ.
Để phục hồi quốc gia
và xây dựng một xã hội lành mạnh, ba điều nói trên phải tìm thấy nơi những người
lãnh đạo, trước khi họ có thể dạy dỗ cho mọi người dân trong nước.
1.2/ Mục đích của ngày
Sabbath: là để con người nghỉ ngơi phần xác
và củng cố mối liên hệ phần hồn với Thiên Chúa. Tiên-tri Isaiah liệt kê một số
những điều nên và không nên làm trong ngày này: “Nếu ngươi giữ chân không vi phạm
ngày Sabbath, và không tìm lợi lộc trong ngày thánh của Ta, nếu ngươi gọi ngày
Sabbath là "niềm vui" và ngày thánh của Đức Chúa là "vinh hiển,"
nếu ngươi tôn trọng ngày đó mà tránh đi đường, tránh kiếm lợi, tránh nói huyên
thuyên.” Nếu trong ngày Sabbath mà con người không tư tưởng gì đến Thiên Chúa,
lại còn cười nói huyên thuyên và đưa điều đặt chuyện, hay tìm kiếm mánh mung để
tìm lợi lộc, làm sao có thể gọi là giữ ngày Sabbath?
2/ Phúc Âm: Chúa đến để kêu gọi tất cả ăn năn trở lại.
2.1/ Chúa gọi Matthew,
người thu thuế: Người Do-Thái thời đó dưới
ách đô hộ của Đế quốc Rôma. Những người thu thuế được coi như những người phản
bội: vào hùa với Đế quốc để bóc lột dân chúng bằng việc đóng thuế. Họ đối xử bất
công với dân chúng, vì luôn thu thuế quá giới hạn mà dân phải đóng. Vì thế, những
người thu thuế được xếp lọai với những người ăn trộm, ăn cướp. Họ không được bước
vào Đền Thờ và hội đường để dâng lễ vật.
- Khi Chúa Giêsu gọi
Matthew, Ngài biết rõ căn tính và nghề nghiệp của Matthew; nhưng Ngài đã có một
kế họach khác cho Matthew: biến ông thành người rao giảng và ghi chép lại Tin Mừng.
Khi nhận lời mời dự tiệc tại nhà của Matthew, Ngài biết sẽ bị vây quanh bởi bạn
bè của Matthew, những người thu thuế; nhưng Ngài muốn cho họ cơ hội để nhìn thấy
sự trở lại của Matthew mà ăn năn xám hối.
- Thái độ của Matthew
rất can đảm và dứt khóat: ông bỏ tất cả, đứng dạy đi theo Chúa Giêsu. Ông can đảm
vì dám bỏ một “nghề hái ra tiền,” và không thắc mắc “rồi làm gì mà ăn?” Ông dứt
khóat với quá khứ cũ tội lỗi, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn; tuy nghèo
mà sạch, và không ai có thể nhìn ông với ánh mắt khinh dể và ngăn cấm ông đến với
Thiên Chúa. Chúa Giêsu thực sự đã phóng thích ông khỏi làm nô lệ cho tội lỗi,
và cho ông cơ hội làm lại cuộc đời.
2.2/ Chúa đến để kêu gọi
tội nhân ăn năn trở lại: Cuộc đối thọai ngắn
ngủi giữa Chúa Giêsu và các Biệt-phái cùng các kinh sư cho chúng ta thấy sự
tương phản giữa con người và Thiên Chúa:
- Những người Biệt-phái
và những Kinh-sư thuộc nhóm của họ lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng:
"Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?" Phản ứng
của họ cũng giống như phản ứng của đa số con người: “gần mực thì đen, gần đèn
thì sáng,” chơi với những người tội lỗi sẽ lây nhiễm các tội của họ. Một khi
con người đã rơi vào vũng bùn lem luốc, họ sẽ không còn cách nào để thóat ra;
dư luận con người là hàng rào che kín cuộc đời của họ.
- Đức Giêsu đáp lại họ
rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi
không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn
năn." Phản ứng của Chúa Giêsu giống như phản ứng của người quân tử, ví
mình như cách hoa sen: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Không những không để
mình hôi tanh, mà còn như một lương y, tận tâm chữa trị, và phục hồi sức khỏe
cho bệnh nhân. Nếu những Biệt-phái và các Kinh-sư chịu xét mình cẩn thận, họ
cũng là những bệnh nhân đang cần chữa trị vì tính kiêu căng, khinh người, và
phê bình chỉ trích. Điều nguy hiểm là họ tự cho mình là công chính, và vì thế,
không cần được Chúa Giêsu chữa bệnh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta là tội
nhân, không ai có thể vỗ ngực xưng mình là công chính trước mặt Thiên Chúa.
Chúng ta cần được Thiên Chúa chữa lành.
- Nếu chúng ta được
Thiên Chúa cho cơ hội làm lại cuộc đời, chúng ta cũng phải cho anh chị em cơ hội
và giúp họ làm hòa cùng Thiên Chúa.
- Luật Lệ làm ra cho sự
tốt lành của con người. Luật lệ có thể vi phạm nếu xét thấy cần thiết để đưa
con người về với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Th.
Ca-xi-mia
Lc 5,27-32
LÊ-VI TRỞ LẠI
“Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.” (Lc 5,27)
Suy niệm: Sự trở lại của
Lê-vi được thực hiện bằng một loạt hành động: từ bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo
Đức Giê-su. Bỏ tất cả đối với Lê-vi là bỏ nghề thu thuế cùng với những hệ quả
kéo theo do cái nghề tội lỗi này mang lại như: bỏ nguồn thu nhập béo bở nhưng
bất chính, bỏ chỗ dựa vững chắc vào đế quốc Rô-ma, bỏ ánh mắt khinh miệt của
dân chúng đối với ông. Nay gặp dịp Đức Giê-su kêu gọi, ông mau mắn đứng dậy,
dứt khoát bước ra khỏi cái ghế thu thuế, rũ bỏ nghề nghiệp gắn liền với tội
lỗi. Đi theo Đức Giê-su, nghĩa là làm một cuộc đổi đời. Từ người thu thuế Lê-vi
trở thành môn đệ Đức Giê-su với tên gọi là Mát-thêu. Ông theo Chúa, chứng kiến
việc Chúa làm, nghe Chúa giảng dạy và ghi chép lại, nhờ đó chúng ta có được
cuốn Tin Mừng gọi là Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.
Mời Bạn: Lê-vi
là người thu thuế tội lỗi đã trở về và trở thành người môn đệ Đức Giê-su. Chúng
ta không làm việc gì cộng tác với đế quốc để bóc lột dân mình như Lê-vi, nhưng
mỗi người chúng ta có chung một ông tổ là A-đam. Chúng ta sinh ra trong tội
A-đam, và lớn lên trong tội riêng. Chúng ta cần trở về. Mẫu gương trở lại của
Lê-vi là lời nhắc nhở chúng ta hãy trở về. Trở về vì tội lỗi đã đưa chúng ta đi
xa. Trở về bằng tâm tình sám hối và xưng thú. Đó cũng chính là cách sống tinh
thần Mùa Chay.
Sống Lời Chúa: Trong
Mùa Chay mời bạn thực hiện lời kêu gọi “hãy trở về” bằng hành động hòa giải với
Chúa và Hội Thánh qua bí tích Giao Hoà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho
chúng con Mùa Chay như cơ hội trở về. Xin cho chúng con mau mắn dùng cơ hội này
để trở về cùng Chúa.
( 5 phút lời Chúa)
Kêu gọi người tội lỗi sám hối (4.3.2017 – Thứ bảy sau Lễ Tro)
Trước khi làm cho người khác hoán cải, chính
chúng ta phải hoán cải nơi cái nhìn của mình về người khác.
Suy niệm:
Việc Thầy Giêsu kêu gọi
anh Lêvi làm môn đệ
phải được coi là một cuộc
cách mạng lớn vào thời bấy giờ.
Chẳng ai gọi một người
thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình.
Làm thế là hạ giá chính
Thầy và cả nhóm môn đệ.
Đức Giêsu đã vượt qua
những biên giới ngăn cách rạch ròi
giữa tội lỗi và công
chính, giữa thanh sạch và ô nhơ.
Người Do Thái thường
không giao tiếp với các người thu thuế,
họ bị coi là tội nhân vì
làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam.
Đức Giêsu chẳng sợ mời
anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.”
Ngài không nhìn anh bằng
ánh mắt khác với các môn đệ kia.
Chỉ một lời mời của Ngài
đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách.
Lêvi đã quảng đại đáp lại
bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.
Đối với người Do Thái,
bữa ăn có tính thiêng liêng.
Đó là lúc người ta thông
hiệp với nhau, nên một trong tình bạn.
và cùng chia sẻ với nhau
một thứ đồ ăn, thức uống.
Chính vì thế ăn uống với
người tội lỗi là điều không được phép,
vì điều ấy sẽ khiến mình
bị ô nhơ.
Đức Giêsu có vẻ không sợ
chuyện này,
khi Ngài nhận lời ăn tiệc
chia tay do anh Lêvi khoản đãi.
Bữa tiệc thật là lớn, có
đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh.
Trong số khách mời có cả
các môn đệ.
Đức Giêsu dám đến nhà
người tội lỗi và ăn với họ.
Hẳn là Ngài rất vui và tự
nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách.
Chỉ có những người
Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.
Đức Giêsu sẽ cho họ thấy
những lý do.
Vì những người thu thuế
và tội nhân là những người đau yếu (c. 31).
Những người đau yếu mới
cần đến thầy thuốc Giêsu.
Vì mục tiêu của đời Đức
Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32),
nên Ngài phải đến với họ,
gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương.
Đức Giêsu cho họ thấy
trái tim thật sự của Thiên Chúa.
Không như người Pharisêu
nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân.
Đức Giêsu cũng dành chỗ
cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.
Đức Giêsu giúp chúng ta
biết cách mời người khác hoán cải.
Đến với họ, nhìn họ bằng
cái nhìn mới, và vui vẻ làm bạn với họ.
Trước khi làm cho người
khác hoán cải,
chính chúng ta phải hoán
cải nơi cái nhìn của mình về người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha
thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc
đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém
đi
vì chịu ảnh hưởng của
con,
không ai giảm bớt lòng
thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng
hành của con
trong cuộc hành trình về
quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao
nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời
yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc
đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm
việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý
tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning
Christ)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG BA
Đến Gần Thiên Chúa,
Chúng Ta Sẽ Được Biến Đổi
Hằng năm, qua phụng vụ,
Mùa Chay nhắc lại cuộc gặp gỡ của Mô-sê với Thiên Chúa hằng sống. Tại gốc rễ
kinh nghiệm đức tin của chúng ta, chúng ta phải thấy bật ra sự cao cả khôn dò của
Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt quá các cảm quan và vượt quá trí hiểu của chúng ta;
thế nhưng, Ngài lại hiện diện với chúng ta. Cũng như Ngài đã tự tỏ hiện cho
Mô-sê, Ngài cũng tự tỏ hiện cho chúng ta.
Sự hiện diện và quyền
năng của Thiên Chúa được đổ tràn xuống trên Mô-sê, và cuộc đời ông đã được biến
đổi. Ông có được sức mạnh và quyền lực mới. Vâng, Mô-sê vốn cảm nhận sâu sắc
tình cảnh bị áp bức của dân mình tại Ai-cập và vốn khát vọng giải phóng họ khỏi
cảnh nô lệ. Nhưng ông đã không có đủ sức để thực hiện điều ấy… Ông đã phải trốn
thoát qua đất Midian sau khi hạ sát một người Ai-cập.
Bấy giờ, Thiên Chúa gọi
đích danh ông và tỏ cho ông biết danh tánh Ngài. Qua Danh này, quyền năng của
Thiên Chúa được biểu lộ nơi Mô-sê, một quyền năng sẽ thực hiện bao sự việc lạ
lùng. Mô-sê trở lại Ai-cập, đứng trước mặt Pha-ra-on, và với quyền năng Thiên
Chúa, ông thuyết phục được nhà vua. Cũng chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, ông
đã vượt qua được sự yếu đuối và nhút nhát của đồng bào mình. Ông giải thoát họ
khỏi ách nô lệ bên Ai-cập. Vì thế, Mô-sê trở thành công cụ của cuộc Xuất hành –
tức cuộc Vượt Qua của giao ước cũ. Trong cuộc Xuất hành này, Thiên Chúa tự biểu
lộ chính Ngài như “Đấng Giải Phóng”. “Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các
ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ” (Xh
20,2).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04 – 3
Thánh Casimirô
Lời suy niệm: “Đức Giêsu đi
ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi đang ngồi ở trạm thu thuế. Người
bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi.’ Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.”
Chúa Giêsu luôn mời gọi
những con người đang làm việc: Như Chúa đã gọi Anrê và Phêrô khi hai ông đang
chài lưới, Chúa gọi Gioan và Giacôbê khi hai ông đang vá lưới, giờ đây Chúa gọi
ông Lêvi khi ông đang ngồi tại trạm thu thuế. Chúa kêu gọi và tuyển chọn không
theo cách của thế gian, nhưng Người đào tạo họ theo cách của Người với ơn ban của
Người.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng
con đang là những con người bất xứng; nhưng chúng con khẩn cầu cùng Chúa xin
Chúa dùng chúng con trong cách của Chúa để chúng con được vui hưởng hạnh phúc
và trở nên khí cụ bình an của Chúa nơi chúng con đang sống.
Mạnh Phương
04 Tháng Ba
Các Con Hãy Nên Trọn Lành!
Người ta kể lại rằng
thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ
giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên
thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng,
thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện
được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác
nữa không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện
8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn
chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút
giây. "Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?". Người thợ giày bảo:
"Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho
người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó
là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của
ngài cho Giáo hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi
mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc
dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày
tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi
đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người
khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh
Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ
giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Có rất nhiều cách để
nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi
người. Có người nên thánh ngay trong bấc sống của mình giữa trần gian. Có người
chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung
khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó
là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói
được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù
tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức
bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...".
Không có đức bác ái,
không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng
trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy
nên trọn hảo như Cha các con trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên
Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương
con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của
Tình Yêu!
Người thợ giày trong
câu chuyện của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo,
ông còn tưởng nghĩ đễn người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã
nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của
mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là
điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn
mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng
nhất.
"Hãy nên trọn
lành như Cha các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng
ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con
người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha
bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có
thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca 5:27-32
Thứ Bảy, 4 Tháng 3, 2017
Thứ Bảy sau Lễ Tro
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Chúa Cha đầy lòng thương xót,
Khi Chúa kêu gọi chúng con ăn năn,
Là lúc Chúa muốn chúng con hướng về tha nhân
Để xây dựng công lý và hòa bình giữa tất cả chúng con.
Theo như lời giao ước của Chúa,
Với quyền năng của Chúa, xin Chúa hãy để cho chúng con
Trở thành ánh sáng cho những ai còn trong bóng tối,
Thành nước uống cho những ai đang khao khát,
Thành những kẻ xây dựng lại hy vọng và hạnh phúc cho mọi người.
Vì thế nguyện xin cho chúng con được trở thành dấu chỉ sống động
Cho tình yêu và lòng trung thành của Chúa,
Vì Chúa là Thiên Chúa của chúng con đến muôn đời.
2.
Phúc Âm – Luca 5:27-32
Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở
bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo
Ta.” Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo
Người.
Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thiết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác
cùng ngồi ăn với các ngài.
Những người Biệt Phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của
Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với
những người thu thuế và tội lỗi như vậy?”
Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những
ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần
thôi. Ta đến không phải để kêu mời người
công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hoán cải.”
3.
Suy Niệm
- Bài Tin Mừng hôm nay trình bày
cùng một chủ đề mà chúng ta đã suy niệm trong tháng Giêng với Tin Mừng Máccô
(Mc 2:13-17). Tuy nhiên, lần này lại là
Tin Mừng Luca mà lời và văn bản ngắn hơn nhiều, tập trung sự chú ý vào bữa ăn
chính là việc kêu mời và hoán cải của ông Lêvi, và sự hoán cải cũng hàm ý dành
cho chúng ta là những người đang bước vào thời điểm mùa Chay.
- Chúa Giêsu kêu gọi một người tội
lỗi làm môn đệ của Người. Chúa Giêsu gọi
ông Lêvi, một người thu thuế, và ngay lập tức, ông bỏ lại mọi sự, đi theo Chúa
Giêsu và bắt đầu hình thành một phần của nhóm các môn đệ. Ngay lập tức, thánh Luca nói rằng ông Lêvi đã
chuẩn bị một bữa tiệc lớn trong nhà mình.
Trong sách Tin Mừng theo Máccô, dường như đó là bữa tiệc trong nhà của
Chúa Giêsu. Điều quan trọng ở đây là lời
khẳng định về sự hiệp thông của Chúa Giêsu với những người tội lỗi, cùng ngồi
ăn với Chúa, đó là một điều cấm kỵ.
- Chúa Giêsu đã không đến để kêu
mời những người công chính. Cử chỉ của
Chúa Giêsu đã gây ra tức giận phẫn uất trong số những chức sắc tôn giáo. Điều cấm kỵ là ngồi cùng bàn với các người
thu thuế và phường tội lỗi, bởi vì ngồi cùng bàn với một ai đó có nghĩa là thù
tiếp người ấy, coi người đó như anh em!
Với cách làm việc này của mình, Chúa Giêsu đang chấp nhận những kẻ bị loại
trừ và đối xử với họ như là anh em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa. Thay vì nói trực tiếp với Chúa Giêsu, các
Kinh Sư của người Biệt Phái nói với các môn đệ:
Tại sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy? Và Chúa Giêsu trả lời cho họ: “Những ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc,
chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta
đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hoán
cải!” Ý thức về sứ vụ của mình đã giúp
Chúa Giêsu tìm được câu trả lời và cho thấy đường lối của việc loan báo Tin Mừng
Thiên Chúa. Người đến để đoàn kết các
dân tộc bị phân tán, tái hòa nhập những người bị hắt hủi, để mặc khải rằng
Thiên Chúa không phải là một vị phán quan nghiêm khắc luôn lên án và tống khứ,
mà Người là bậc Phụ Mẫu đón nhận và ấp ủ.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Chúa Giêsu đón nhận và bao gồm
tất cả mọi người. Còn tôi thì có thái độ
nào?
- Cử chỉ của Chúa Giêsu mặc khải
kinh nghiệm mà Người có về Thiên Chúa là Cha.
Hình ảnh về Thiên Chúa mà tôi có và thể hiện cho những người khác qua
cách cư xử của tôi thì như thế nào?
5. Lời
nguyện kết
Lạy CHÚA, xin lắng tai và đáp lời con,
Vì thân con nghèo hèn túng quẫn.
Xin CHÚA bảo toàn sinh mạng con, bởi vì con trung hiếu.
Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây hằng tin tưởng nơi Ngài.
(Tv 86:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét