23/04/2017
Chúa Nhật 2 PHỤC SINH năm A
Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
(phần I)
Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47
"Tất cả mọi kẻ
tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Khi ấy, các anh em bền
bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ
bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc
phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi
kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia
nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất
một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ
đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho
gia tăng số người được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 2-4.
13-15. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của
Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi nhà
Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà
Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người
tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tôi đã bị đẩy, bị
xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của
tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên
trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. - Ðáp.
3) Phiến đá mà những
người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm
ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta
hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9
"Nhờ việc Ðức
Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng
được sống".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phêrô Tông đồ.
Chúc tụng Thiên Chúa
là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu
Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được
sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để
cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ
tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng,
tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức
tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh
em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em
yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng
không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì
chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những
ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau
Chúa Giêsu hiện đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ
nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người
Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho
các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy
giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:
"Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy
Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai,
thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma
gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ
khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã
nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu
tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn
đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng
kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn
Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy
đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy
tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều
phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng
các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con
Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Niềm tin vào
việc Chúa sống lại phát xuất từ những sự kiện không chối cãi được
Chúng ta đã có thể nhận thấy vì sao Phụng vụ hôm nay lại đọc cho chúng ta
đoạn Tin Mừng vừa nghe. Bởi vì hôm nay là ngày thứ 8 sau lễ Phục sinh; thế mà 8
ngày sau khi sống lại Chúa đã hiện ra đặc biệt cho Thôma.
A. Bài Tin Mừng Yoan
Câu chuyện về người Tông đồ này, chúng ta đã từng nghe biết. Và khi muốn
chế nhạo ai, nhiều khi chúng ta bảo họ cứng lòng tin như Thôma. Nhưng thật sự,
Thôma vẫn là một vị thánh Tông đồ và người đáng kính phục hơn chúng ta tưởng.
Ít nhất người cũng hơn chúng ta nhiều. Theo Tin Mừng Yoan, Thôma là vị Tông đồ
có suy nghĩ sáng sủa và nhiệt tình quả cảm. Khi Ðức Yêsu nói với các môn đệ rằng:
con đường Người đi, sau này họ cũng sẽ đi. Thôma liền thưa: nhưng chúng con
không biết Thầy đi đâu thì làm sao biết được đường lối của Thầy? (14,5). Nhưng
dù vậy, khi thấy Chúa dứt khoát muốn lên Yêrusalem, không kể chi đến những nguy
hiểm đang chờ, Thôma đã bảo anh em: Nào cả chúng ta nữa hãy lên Yêrusalem chịu
chết với Người. Một tính tình như vậy chỉ đáng khen, chứ có gì là đáng chê.
Riêng trong câu chuyện hôm nay, thoạt tiên Thôma có vẻ như là người Tông đồ
duy nhất không muốn tin việc Chúa sống lại. Ðó chỉ là lối thuật truyện của tác
giả Tin Mừng thứ tư. Những sách Tin Mừng khác cho biết lúc đầu nhiều môn đệ
không muốn tin như vậy. Nhưng Yoan khi kể chuyện thích nói đến "một"
người để làm nổi bật ý nghĩa lên. Ông có lý để chọn Thôma vì người Tông đồ này,
như ta đã nói, có óc suy nghĩ sáng sủa. Những môn đệ khác đã được thấy Chúa;
còn ông, ông cũng muốn được hân hạnh đó, nếu có thể được. Và hơn nữa, ông muốn
có bằng chứng xác thực hơn kiểu cách anh em mô tả. Ông muốn được mắt thấy tay sờ.
Yoan mô tả thái độ của ông như vậy để khẳng định rằng: niềm tin của các Tông đồ
vào việc Chúa sống lại căn cứ vào những cơ sở thật chắc chắn.
Ðó là chủ đích của cả đoạn Tin Mừng Yn 20. Từ đầu chí cuối, tác giả muốn
nhấn mạnh: niềm tin vào việc Chúa sống lại phát xuất từ những sự kiện không chối
cãi được. Yoan và Phêrô chỉ tin sau khi đã thấy mồ trống và các khăn liệm xác.
Maria Magđala chỉ nhận ra Thầy đã sống lại sau khi nghe rõ tiếng Thầy gọi tên
mình. Mọi Tông đồ khác, kể cả Thôma, con người có suy nghĩ sáng sủa, cũng chỉ
công nhận Chúa đã phục sinh khi đã nhìn thấy Người. Ðức tin của các Tông đồ có
cơ sở chắc chắn. Họ thật là các chứng nhân của việc Chúa sống lại.
Thành ra kết câu chuyện về Thôma cũng giống như chuyện về Maria Magđala.
Cả hai đều vắng mặt khi những người khác được "ơn". Ðiều ấy thúc đẩy
họ khao khát được ơn lớn hơn. Và quả thật, Chúa đã thưởng công những tâm hồn cậy
tin. Maria đã được hơn Yoan và Phêrô vì Chúa đã hiện ra với bà và thân mật dịu
dàng gọi tên bà. Thôma cũng vậy, ông được Chúa hiện ra cho một mình ông, nếu ta
nói được như thế.
Còn câu Chúa nói: "Bởi thấy Ta, con đã tin; phúc cho những ai không
thấy mà tin", không thể làm Thôma buồn, vì ông thuộc thế hệ các Tông đồ,
những người đã thấy và đã tin. Ai dám bảo thế hệ ấy không có phúc? Chính Chúa
đã có lần nói với họ: Phúc cho chúng con vì được xem thấy, nghe thấy bao điều
mà các tiên tri vua chúa không được thấy và nghe. Họ có phúc vì đã thấy và đã
tin, đang khi có bao kẻ cũng thấy mà không tin. Ðức tin không chỉ căn cứ vào những
điều đã thấy. Bọn Biệt phái có mắt mà như mù. Nên Thôma đã thấy và đã tin, thì
đã có phúc rồi. Và chắc chắn niềm vui của ông thật đã to lớn khi thấy Chúa hiện
ra và nói với mình. Câu nói kia không nhắm ông nữa, nhưng hướng về độc giả sách
Tin Mừng và chúng ta hết thảy. Chúng ta không thuộc thế hệ những người mắt thấy,
mà chúng ta tin, thì chúng ta là những người có phúc. Có phúc vì đã được ơn
Chúa ban, vì đức tin, cuối cùng, là ơn ban của Chúa. Người ban cho những ai Người
đã tiền định. Chính cái phúc đó mà chúng ta phải suy nghĩ bây giờ theo lời thư
1 Phêrô.
B. Bài Thư Phêrô
Tác giả bắt đầu bằng lời chúc tụng Thiên Chúa vì nghĩ đến hạnh phúc mình
đã được với tư cách là tín hữu. Quả vậy, chỉ vì lòng thương lớn lao mà Người đã
ban cho tất cả chúng ta được ơn tái sinh nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô Phục sinh từ
cõi chết. Chúng ta đâu đã thấy Người, thế mà chúng ta vẫn mến tin Người. Do đâu
vậy, nếu không phải do lòng thương xót lớn lao của Người? Chính lòng thương xót
ấy đã ban Ðức Kitô cho chúng ta, đã để Người chết cho chúng ta và đã phục sinh
Người từ kẻ chết cho chúng ta. Tất cả những việc lớn lao đó nằm trong kế hoạch
tình yêu muốn cho chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên nghĩa tử trong Ðức
Kitô, khiến chúng ta được trông đợi hồng phúc lớn lao bất diệt sau này. Sánh với
phúc lộc ấy, những đau khổ ở đời này có là chi? Ðó chỉ là tạm bợ và rơm rác làm
cho vàng sáng tỏ. Thế nên chúng ta hãy giữ vững niềm tin, nhìn vào Ðức Kitô sống
lại trong vinh quang mà chắc chắn vào tương lai rực rỡ đang chờ mình. Hạnh phúc
ở ngay trong niềm tin ấy.
Như vậy bài thư Phêrô đã tiếp nối bài Tin Mừng Yoan, cho chúng ta thấy hạnh
phúc của mình khi tin Ðức Kitô sống lại và dùng niềm tin ấy khuyến khích chúng
ta trong cuộc đời phấn đấu ở trần gian. Nhưng thật lầm tưởng khi suy nghĩ việc
Chúa Phục sinh nguyên trong tương quan với mình mà thôi. Khi nói với Thôma:
phúc cho những ai không thấy mà tin, Chúa sống lại gián tiếp ngỏ ý muốn có những
người như vậy; nghĩa là Thôma và các Tông đồ phải đi tìm những người như thế.
Người cũng đã dạy Maria, khi đã nhận ra Người sống lại, hãy đi báo tin cho các
môn đệ. Niềm tin phục sinh bao hàm sứ điệp truyền giáo. Ðức tin của những người
đã thấy làm cho những kẻ không thấy mà tin. Những kẻ này có phúc qua trung gian
những người trên. Chúng ta nay được phúc lộc nhờ lời giảng của các Tông đồ. Và
tác động của các Ngài tới chúng ta qua Giáo Hội mà buổi đầu đã được tác giả
sách Công vụ mô tả như chúng ta vừa nghe đọc. Chúng ta cần tìm hiểu đoạn Thánh
Kinh này để biết rõ môi trường phải nung nấu niềm tin hạnh phúc của chúng ta
vào việc Chúa phục sinh.
C. Bài Sách Công Vụ
Rõ ràng câu cuối bài sách Công vụ cho thấy "số những kẻ được cứu rỗi
cứ mỗi ngày được Chúa ban thêm" cho cộng đoàn các Tông đồ lập ra. Và ta phải
hiểu niềm tin cứu rỗi nơi mỗi người cũng chỉ tăng trong các cộng đoàn như thế.
Thế nên tìm hiểu các cộng đoàn này là một nghĩa vụ.
Tác giả sách Công vụ - thánh Luca - đã nhiệt tình làm công việc ấy. Ở đây
rõ ràng người không phác họa tự ý. Bản văn của người thiếu thứ tự và có nhiều
nét lặp lại, khiến ta có thể nói người đã nghe tin về nhiều cộng đoàn khác nhau
và thấy Ơn Chúa Thánh Thần làm việc ở các cộng đoàn khác nhau thế nào, người
ghi tất cả lại như là một bản thống kê các sinh hoạt phong phú của Chúa Thánh
Thần.
Trước hết chúng ta thấy các tín hữu bấy giờ kiên trì (hay chuyên cần) với
giáo huấn của các Tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện. Không
có sự chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, không thể đào sâu và giữ vững đức
tin. Người ta sẽ tin hời hợt và có thể lạc mất niềm tin. Việc kiên trì kết hợp
với các Tông đồ, với quyền giáo huấn ở trong Hội Thánh là điều kiện để giữ được
liên lạc và kết hợp được với Ðức Kitô hầu khỏi bỏ rơi mất niềm tin.
Ðồng thời khi liên kết với đầu, người ta cũng mật thiết với anh em là
cùng chi thể trong một thân thể. Các tín hữu đầu tiên đã chuyên cần với hiệp
thông, không những trong cùng một đức tin nhưng còn trong một lòng mến. Họ chỉ
có một lòng một ý (4,32). Không một người nào nói là mình có của gì riêng, nhưng
đối với họ mọi sự đều là của chung. Chắc chắn chúng ta không nên hiểu chế độ
"của chung" đã phổ cập ở mọi nơi, trong những cộng đoàn đông đảo.
Nhưng sự kiện có một số người sau khi đã đón nhận đức tin, đã biết tình nguyện
bỏ chung của để chia sẻ và tương trợ nhau, cũng nói lên ơn Chúa Thánh Thần làm
việc mạnh mẽ nơi tâm hồn các tín hữu. Luca ghi nhận sự kiện ấy như là dấu chỉ về
đời sống mới và hạnh phúc phục sinh. Ðó có thể là lý tưởng, nhưng vẫn là đặc sủng,
là tiếng gọi, là biểu thị của đức tin sống động và toàn vẹn, là dấu chỉ đời sống
phục sinh phát triển đến mức cụ thể chi phối đến cả đời sống vật chất.
Tuy nhiên sự hiệp thông sâu xa và căn bản nằm ở bình diện khác. Chính
Thiên Chúa và sự sống của Người là nguồn mạch phát sinh ra sự sống trong Hội Thánh.
Thế nên hàng ngày các tín hữu chuyên cần với việc bẻ bánh và kinh nguyện. Sách
Công vụ nói: họ bẻ bánh ở nhà vì đó là nghi lễ riêng của Kitô giáo, không làm tại
Ðền thờ được. Họ làm việc ấy "lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lòng ngợi
khen Thiên Chúa", vì đây là lễ Tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ mọi người
nơi Ðức Yêsu Kitô Tử nạn và Phục sinh. Chính trong nghi lễ bẻ bánh họ nhận ra sự
hiện diện của Chúa đã chết và sống lại; họ thấy Thiên Chúa ra tay cứu độ loài
người, nên lòng họ hân hoan, miệng dâng lời ngợi khen. Lúc ấy tâm hồn được bồi
dưỡng, dạ họ trở nên đơn thành; họ trở nên tạo vật mới, nên bánh không men của
lễ Vượt Qua, tức của mầu nhiệm Phục sinh.
Ngoài ra, họ tỏ ra chuyên cần với việc cầu nguyện vì đó là thái độ chung
của mọi người có tin tưởng. Người Dothái trung thành với kinh nguyện ở Ðền thờ.
Các môn đệ Chúa cũng vậy. Sách Công vụ kể Phêrô và Yoan lên Ðền thờ cầu nguyện
vào giờ chung với mọi người. Nhưng ngay từ đầu các tín hữu đã có lối cầu nguyện
riêng chung với nhau, như khi chờ nhận ơn Chúa Thánh Thần. Và việc cầu nguyện
này cần cho đời sống mới đến nỗi Phêrô khẳng định các việc từ thiện bác ái
không được làm suy giảm.
Chính nhờ nếp sống chuyên cần với việc giáo huấn, hiệp thông, bẻ bánh và
cầu nguyện như thế mà Hội Thánh lớn lên trong sự mến phục của toàn dân và được
Chúa chúc lành cho tăng trưởng.
Thế thì đời sống đức tin mới của mỗi người cũng chỉ có thể phát huy được
nhờ bốn sự chuyên cần trên, tức là nhờ việc tham gia vào nếp sống chuyên cần của
Giáo hội. Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta qua Ðức Yêsu-Kitô, Ðấng đã chết và sống
lại. Thôma đã xem thấy Người và đã tin. Chúng ta không thấy nhưng vẫn tin vì
Người đang hoạt động nơi các Tông đồ và Giáo hội. Chính việc liên kết với các
Tông đồ và hiệp thông với anh em trong việc bẻ bánh và cầu nguyện làm cho chúng
ta được hợp nhất với Chúa và nhận lấy sự sống của Người. Sự sống này là sự sống
Thần Linh hay Thánh Thần mà Ðức Kitô đã đem lại khi Người Tử nạn-Phục sinh. Khi
phát triển sự sống ấy có thể phát sinh ra một nếp sống mới thật sự khiến toàn
dân mến phục và nhiều người theo Chúa.
Chúng ta cần suy nghĩ về những điều ấy và đem ra thực hành. Chắc chắn đời
sống riêng của chúng ta và đời sống chung của giáo xứ sẽ khả quan hơn nhiều. Và
để bắt đầu, chúng ta hãy sốt sắng hiệp thông với nhau trong việc tuyên xưng một
đức tin, trong việc cầu nguyện và bẻ bánh, để có thể hiệp thông trong việc chia
sẻ tương trợ nhau trong đời sống.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật II Phục Sinh, Năm A - DIVINE
MERCY
Bài đọc: Acts
2:42-47; 1 Pet 1:3-9; Jn 20:19-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm
tin của các môn đệ vào Tin Mừng Phục Sinh
Nếu cuộc đời con người
chấm dứt với cái chết, con người cứ việc ra sức ăn chơi, mua sắm, và hưởng thụ
mọi thú vui trên đời; nhưng nếu con người biết có một cuộc sống vĩnh cửu mai
sau, con người phải biết suy xét, và làm mọi cách để đạt được cuộc sống mai sau
đó. Lý do đơn giản vì đó là cuộc sống mai sau là cuộc sống hạnh phúc và vững bền
mãi mãi.
Tuần trước chúng ta đã
được chứng kiến Tin Mừng Phục Sinh qua các bài đọc. Tuần này, các bài đọc cho
chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của niềm tin vào sự phục sinh.
Trong bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cho chúng ta một cộng đoàn lý
tưởng, sống hạnh phúc với nhau đặt căn bản trên niềm tin của sự phục sinh. Tác
giả muốn cho chúng ta thấy niềm tin vào sự phục sinh mai sau có sức mạnh biến đổi
các cá nhân và cộng đoàn, để sống theo một lý tưởng tuyệt vời: để mọi sự làm của
chung và sống tình hiệp thông huynh đệ trọn hảo với nhau. Trong bài đọc II,
thánh Phêrô chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết
thay cho con người. Nhờ Ngài, con người sẽ không phải chết đời đời; nhưng được
hy vọng để đạt tới cuộc sống muôn đời. Để đạt được ơn cứu độ, đức tin con người
cần được tinh luyện bằng những thử thách; nhưng đức tin sau khi được tinh luyện
sẽ đem lại cho con người thành quả tuyệt vời là ơn cứu độ. Trong Phúc Âm,
Thomas được Chúa Giêsu cho thấy bằng chứng để ông tin, nhưng Ngài cũng quở
trách Thomas, và là lời răn dạy cho những người đòi bằng chứng trước khi tin:
“Phúc cho những người không thấy mà tin.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trình thuật ngắn gọn của
sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta cái nhìn bên trong vào cộng đoàn Kitô hữu
nguyên thủy, và hai nguyên tắc cốt yếu để xây dựng và làm cho cộng đoàn mỗi
ngày mỗi lớn mạnh lên.
1.1/ Để thỏa mãn những
nhu cầu tâm linh, họ làm ba việc:
(1) Chuyên cần nghe
các Tông Đồ giảng dạy: Cộng đoàn đầu tiên phải ý thức rất rõ lời dạy của Chúa
Giêsu, khi ma quỉ cám dỗ Ngài: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng
còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Các Tông-đồ không chỉ nhớ những lời
giảng dạy của Thiên Chúa, nhưng đức tin của các ông còn được vững mạnh qua việc
chứng kiến Chúa Giêsu Phục Sinh. Nghe và thực hành những gì Chúa dạy qua các
Tông-đồ sẽ giúp xây dựng đời sống cá nhân, và như một hệ quả, cũng sẽ xây dựng
đời sống cộng đoàn.
(2) Siêng năng tham dự
Lễ Bẻ Bánh: Vì sách Công Vụ Tông Đồ được viết rất sớm (khoảng 50 AD), nên cộng
đoàn đầu tiên phải thực hành lời Chúa Giêsu dạy trong Bữa Tiệc Ly chỉ ít năm
sau khi Chúa Phục Sinh: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.” Lễ Bẻ Bánh
cung cấp sức sống cho cá nhân, và như một hệ quả, cũng cung cấp sức sống cho cộng
đoàn. Lời Chúa và Lễ Bẻ Bánh trong cộng đoàn đầu tiên là hai yếu tố chính giúp
hình thành cấu trúc của Thánh Lễ sau này.
(3) Cầu nguyện không
ngừng: Giống như Chúa Giêsu, cộng đoàn đầu tiên phải đương đầu với nhiều nguy
hiểm từ phía Thượng Hội Đồng, các hoàng đế Rôma, và ngay cả trong nội bộ. Họ
vâng lời Chúa Giêsu dạy bằng cách cầu nguyện không ngừng để khỏi sa vào những
chước cám dỗ.
1.2/ Để bày tỏ tình bác
ái với nhau, họ cũng làm ba việc:
(1) Sống hiệp thông với
nhau: Lễ Bẻ Bánh là căn nguyên của đời sống hiệp nhất. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ
ra cho muôn người được ăn. Khi họ ăn Mình Thánh Chúa, tất cả cùng trở nên các
chi thể của thân thể Ngài. Để giữ cho thân thể Chúa được vẹn toàn, sự hiệp nhất
là điều không thể thiếu. Hiệp nhất cần để gìn giữ cộng đoàn khỏi những chia rẽ
đến từ bên ngoài lẫn bên trong.
(2) Họ để mọi sự làm của
chung: “Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.”
Đây là lý tưởng tuyệt vời và cũng là ý định của Thiên Chúa. Ngài dựng nên mọi sự
cho tất cả mọi người hưởng dùng, chứ Ngài không muốn của cải nằm trong tay một
số người trong khi những người khác phải thiếu thốn đau khổ. Cộng đoàn các Kitô
hữu đã được trang bị đức tin đầy đủ để sống theo lý tưởng này. Nếu cộng đoàn
các Kitô hữu không sống được lý tưởng này, sẽ không có một cộng đoàn hay chính
thể nào trên thế giới có thể làm chuyện đó.
(3) Họ dùng bữa với
lòng đơn sơ, vui vẻ: “Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn
sơ vui vẻ.” Khó có thể xác định Lễ Bẻ Bánh và bữa ăn huynh đệ là một hay hai biến
cố khác nhau trong cộng đoàn đầu tiên; nhưng chúng ta có thể chắc chắn là họ
dùng bữa với nhau với tâm hồn đơn sơ và vui vẻ.
2/ Bài đọc II: Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng
sống động.
2.1/ Sự sống đời đời được
thực hiện nhờ Đức Kitô.
(1) Đức Kitô mang cho
chúng ta niềm hy vọng là cuộc sống đời đời: Tác giả Thư Phêrô I dâng lời cảm tạ
lên Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng
sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại.” Trước khi Đức Kitô tới,
con người không có hy vọng được hưởng cuộc sống đời đời; nhưng vì yêu thương,
Chúa Cha đã cho Con Một của Ngài chịu chết để đền tội cho nhân loại. Nhờ cái chết
và sự phục sinh, Ngài mang lại cuộc sống đời đời cho con người.
(2) Đặc điểm của gia
tài của Đức Kitô: Tác giả nói cho chúng ta một số những chi tiết quan trọng về
kho tàng là cuộc sống đời đời:
+ Không thể hư hại: Những
gì thuộc về trái đất sẽ bị hư hại và hủy diệt; những gì thuộc thượng giới sẽ tồn
tại muôn đời.
+ Không thể vẩn đục:
Cuộc sống nơi trái đất có nhiều ô nhiễm, bệnh tật; cuộc sống trên thượng giới
giải phóng con người khỏi mọi ô nhiễm của đời này.
+ Không thể tàn phai:
Những gì là vật chất sẽ có ngày phai tàn; những gì thuộc thượng giới sẽ vĩnh viễn
mãi mãi.
+ Được lãnh nhận trong
Ngày sau hết: Con người chỉ có được kho tàng này sau khi chết.
2.2/ Phải trung thành
trong mọi thử thách mới hy vọng đạt sự sống đời đời: Tác giả liệt kê một điều kiện cần thiết để đạt được kho
tàng: Phải trung thành giữ vững đức tin vào Đức Kitô. Theo Tin Mừng, con người
cần tin vào Đức Kitô; nhưng đức tin này sẽ bị thử thách vì những giá trị hào
nhoáng của thế gian và của ma quỉ. Khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được
tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự cho
người tin. Một điều khó cho con người là họ phải tin và yêu Đức Kitô dù chưa thấy
mặt Ngài; nhưng chính vì điều này, con người sẽ lãnh nhận phần thưởng của mình.
Tác giả viết: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt
mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ
vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.”
3/ Phúc Âm: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"
3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với
các Tông đồ, lúc không có Thomas.
(1) Bình an của Chúa
Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như trình thuật kể tâm trạng
của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ
nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người
Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế, Đức Giêsu biết rõ các ông cần
điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! Nói
xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy
Chúa.”
Bình an các ông có được
là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy
Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc mới xảy ra; nhưng giờ đây
các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng
minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói với các ông là sự thật, tất cả
những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài đều hiện thực. Sự hiện diện của
Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm
cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.
(2) Lệnh được sai đi:
Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục thi hành sứ vụ Ngài
đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an cho anh em! Như Chúa
Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào
các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai,
thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."” Sự
bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của Đức Kitô, nhưng
còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô đã thổi hơi vào
các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài sai các ông đi
rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các ông không dám sống
và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận được sự bình an
qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các tông đồ mở tung
cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu Đức Kitô đã
chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.
3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với
các Tông đồ, có cả Thomas.
(1) Sự cứng lòng của
Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas, cũng gọi là Didymus,
không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng
tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở
tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh
sườn Người, tôi chẳng có tin." Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các tông
đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, cách
thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người dùng để
tin một điều là sự thật.
(2) Phản ứng của
Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu lại có
mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức
Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người
bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay
ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Ông Thomas thưa Người:
"Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì
đã thấy Thầy, nên anh tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm
tin vào Chúa sống lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên
Chúa của ông. Tin khi đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn
tin điều gì là thật; nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn,
khi Ngài nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin
Thiên Chúa qua các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời
chứng của các chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế
giá. Chúng ta đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của
Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin giúp biến đổi
mỗi cá nhân và cộng đoàn. Để có thể trở thành một cộng đoàn lý tưởng, mọi thành
phần đều phải không ngừng thăng tiến niềm tin.
- Gian nan thử thách
không thể thiếu để tôi luyện đức tin. Vì thế, chúng ta đừng sợ phải đương đầu với
chúng, nhưng hãy khôn ngoan dùng sức mạnh của niềm tin để vượt thắng chúng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Kính
Lòng Chúa Thương Xót Ga 20,19-31
TIN VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG
“…để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20,31)
Suy
niệm: Có chuyện kể một
gia đình trong đêm gặp hỏa hoạn, mọi người chạy thoát ra hết chỉ còn một cậu bé
đang mắc kẹt lại trong ngôi nhà đang bốc cháy ngùn ngụt. Cậu bé đứng trên cửa
sổ ngôi nhà đang bốc cháy và kêu cứu, người cha đứng dưới đất gọi lên: “Con hãy nhảy xuống
đi, có ba ở đây!”. Cậu bé đáp: “Nhưng con không thể, vì con không thấy
ba”. Người
cha nói lớn: “Con
không thấy ba, nhưng ba thấy con”. Rồi cậu bé mạnh dạn nhảy xuống và nằm gọn
trong vòng tay nâng đỡ của người cha. Cậu bé được cứu sống nhờ dám tin vào
người cha của mình, tin người cha luôn yêu thương sẽ che chở và bảo vệ mình.
Mời Bạn: Cái chết và sự phục
sinh của Đức Giê-su cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và
tội lỗi con người. Là “Thiên Chúa của kẻ sống”, Ngài không chỉ xóa sạch tội
lỗi, đưa con người từ sự chết vào cõi sống mà còn ban cho con người được có khả
năng yêu thương như Ngài. Bạn được mời gọi nhận ra và đặt niềm tin vào Lòng
Thương Xót ấy, biết làm đầy trái tim của mình bằng Tình yêu của Chúa Cha, để có
lòng thương xót như Ngài (Khuôn Mặt Xót Thương, số 9).
Sống Lời Chúa: Làm một hành vi tha
thứ hay một việc bác ái với người khác, với ý thức để tạ ơn Chúa về một ơn mình
đã nhận được.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng
con sẽ là kẻ vô ơn nếu chỉ biết nhậnmọi ơn lành từ nơi Chúa mà không trao ban
bao giờ. Xin cho con biết học nơi Chúa tình yêu quảng đại và bao dung, để đời sống
chúng con được trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.
(5 phút lời Chúa)
HÃY NHÌN XEM (23.4.2017 – Chúa nhật 2 Phục sinh, Năm A: Chúa nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa)
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo
kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Suy niệm:
Thân xác chúng ta thường
mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần bị
trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại
cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì cũng
là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp,
nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục sinh
hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra Ngài
nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết
sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên một
điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã bị
đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy
đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi
thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp gì.
Ngài không ngượng mà cho
các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi
với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ
niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có chúng
thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi
khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh hoàng
và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên thiên
đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh khỏi
những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi
sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên
nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin
Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương
tưởng chẳng thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho người
khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã
làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ
chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu
những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám phá
thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng
sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi
xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ
đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi hỏi
quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm
cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng
cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của
lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá điều
ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến
các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là
Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một
bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc
thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được
thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi
tin.
Có khi phải tập nhìn lại
những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả thế
giới,
để rồi tin rằng Chúa phục
sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và
vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai không
thấy mà tin”,
và phúc cho những ai biết
thấy nên tin.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui
tươi.
dù có phải lo âu và thống
khổ,
xin cho con đừng bao giờ
khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những
người quanh con,
những người -cũng như
con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu
thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn
biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận
khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong
khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối
cùng.
Và con sẽ về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương
muôn đời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG TƯ
Xây Dựng Hòa Bình
Là Chống Lại Sự Chết
Con người hôm nay có
thật sự sẵn lòng tham dự vào sự hiển thắng của Thiên Chúa trên sự chết hay
không? Có một thách đố cho con người hôm nay. Thách đố này vừa phức tạp vừa
thúc bách hơn bất cứ thách đố nào khác. Đó chính là thách đố của hòa bình. Chọn
lựa hòa bình có nghĩa là chọn lựa sự sống. Xây dựng hòa bình có nghĩa là tham dự
một cách can đảm và đầy trách nhiệm vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa của những
người sống. Thiên Chúa mời gọi con người hôm nay chống lại sự chết bất cứ nơi
đâu sự chết xuất hiện.
Bất cứ nơi đâu mà sự
chết xuất hiện xét như là hệ lụy của ích kỷ, chia rẽ và bạo lực, thì con người
phải chống lại nó. Bất cứ nơi đâu mà máu người ta đổ ra do những xung đột quân
sự, do chiến tranh du kích, do khủng bố, do trả thù, bất cứ nơi đâu mà phẩm giá
con người bị chà đạp, nhân vị và tự do của con người bị phủ nhận … thì con người
phải phản kháng.
Tôi muốn mời gọi mọi
người – thuộc mọi niềm tin tôn giáo, tất cả mọi người thiện chí – cùng cầu nguyện
đặc biệt cho hòa bình. Chúng ta hãy khẳng định lại quyết tâm vượt thắng sự chết.
Chúng ta hãy khẳng định chiến thắng của sự sống, chiến thắng của Chúa Kitô Phục
Sinh.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23 – 4
Chúa Nhật II Phục
Sinh Cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
(Chúa Nhật Về
Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa)
Cv 2, 42-47; 1Pr 1,
3-9; Ga 20, 19-31.
LỜI SUY NIỆM: “Đặt ngón tay
vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin.”
Trước sự cứng lòng tin
của Tôma. Không chịu tin Chúa Giêsu đã sống lại mà các Tông Đồ đã được nhìn thấy
Người khi Người ngự đến đứng giữa họ trong khi các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu
không muốn bị mất Tông Đồ Tôma, vì Người yêu thương Tôma và tất cả chúng ta
ngày hôm nay, Người đã hiện đến lần thứ hai, cũng trong khung cảnh đó, để đáp ứng
những đòi hỏi mà Tôma đã công khai nói với những người trong Nhóm Tông Đồ. Khi
được thấy Chúa, với lời quở trách của Người. Tôma đã tuyên xưng: “Lạy Chúa của
con, Lạy Thiên Chúa của con”
Lạy Chúa Giêsu. Với sự
cứng lòng của Tôma, Với lời quở trách của Chúa: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy
tin”. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận Tin Mừng, và những giáo
huấn của Giáo Hội, để luôn vui sống với lời chúc phúc của Chúa: “Phúc thay những
người không thấy mà tin.”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-04
Thánh GIORGIÔ
Tử Đạo (+303)
Thánh Giorgiô chịu chết
vì đạo ở Lydda, Palestine có lẽ trước thời vua Constantinô. Đó là tất cả những
gì chúng ta biết chắc về vị thánh thời danh này. Nhưng lòng tôn kính dành cho
Ngài lan rộng cách mau chóng. Người Đông phương gọi Ngài là vị tử đạo vĩ đại,
người Hy lạp mừng kính Ngài, các hiệp sĩ suy tôn Ngài, nước Anh chọn Ngài làm
thánh bổn mạng và lễ kính của Ngài được coi là lễ nghỉ bắt buộc, tại đây cho tới
năm 1778.
Có nhiều sách viết về
thánh Giorgio nhưng lại khác biệt và không liên hệ gì với nhau:
Một tài liệu kể rằng:
Thánh nhân sinh ra tại Cappatocia trong một gia đình quyền quí. Cha Ngài là
lương dân, mẹ Ngài là một Kitô hữu. Khi thân phụ qua đời, Ngài theo người mẹ về
Palestine. Sau này, Ngài ôm mộng làm lính chiến. Diocletianô đã nhận thấy khả
năng chiến đấu của Ngài nên dù còn rất trẻ,
Ngài đã được xếp vào
hàng sĩ quan cao cấp. Nhưng khi vị vua này ra sắc chỉ cấm đạo, Giorgiô đã can đảm
chỉ trích ông trước hội nghị về sắc chỉ bất công này. Lời biện hộ làm mủi lòng
người nghe, nhưng nhà vua đã nổi giận và ra lệnh hành hạ thánh nhân, Ông còn
cho cột thánh nhân lại và giam vào ngục tối. Ông còn cho cột thánh nhân vào
bánh xe với dao bén và mũi nhọn mà xoay vòng. Những hình phạt còn nhiều thứ độc
dữ như đánh đòn, dầu sôi...
Tuy nhiên, khi tưởng
thánh nhân đã chết, thì một phép lạ đã chữa lành mọi vết thương. Thấy mọi cực
hình đều vô hiệu, nhà vua dịu giọng mở lời khuyên nhủ. Thánh nhân xin vua cho đến
đền thờ. Tưởng thành công, ông đã triệu tập dân chúng lại và dọn sẵn lễ vật cho
Giorgiô dâng kính các ngẫu thần.
Tại đền thờ, thánh
nhân dùng tượng thần Apolô mà hỏi: - Người có phải là Thiên Chúa để cho chúng
tôi dâng lễ vật không ?
Tượng thần bỗng lên tiếng
: - Không, tôi không phải là Thiên Chúa.
Thánh Giorgiô liền làm
dấu thánh giá và tượng thần đổ vỡ tan tành.
Mọi người run sợ. Nhà
vua truyền lệnh chém đầu thánh nhân ngày hôm đó.
(daminhvn.net)
23 Tháng Tư
Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Một ký giả kia được
phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của
nhân dân tại đó.
Sau một cuộc hành
trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn
ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc
khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều
dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm
o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan
biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc
dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng
thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất.
Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa
thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một
bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ
dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng
ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến
nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan
sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ
cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa
thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn
vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng
sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị
tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Kết thúc thời gian
sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: "Hãy sinh sôi nảy nở
và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời
và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ
lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng
sẽ làm thức ăn cho các ngươi".
Với công trình sáng tạo
và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng
con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị
và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là
chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc
chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh
nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa
ngục và thiên đàng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét