Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc
VATICAN. Sáng 4-4-2017, ĐTC đã tiếp kiến 300 tham dự viên Hội
nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp ”Phát triển các dân tộc” (Populorum progressio)
của Đức Chân Phước Phaolô 6 ban hành.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt khai triển ý
nghĩa của thành ngữ ”phát triển nhân bản toàn diện” mà Thông Điệp của Đức
Phaolô 6 cổ võ và đó cũng là danh xưng của Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn
diện mới được thành lập.
Trước tiên đó là ”hội nhập các dân tộc khác nhau trên
thế giới.” ĐTC nói: ”Nghĩa vụ liên đới buộc chúng ta phải tìm kiếm những thể thức
đúng đắn để chia sẻ, để tránh thảm trạng phân chia lệch lạc: người thì có nhiều
quá, kẻ thì không có gì, người gạt bỏ và kẻ bị gạt bỏ. Chỉ có con đường hội nhập
giữa các dân tộc mới giúp nhân loại có được một tương lai hòa bình và hy vọng”.
ĐTC nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là đưa vào việc phát
triển tất cả những yếu tố làm cho sự phát triển thực sự là phát triển, nghĩa là
bao gồm các hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chánh, lao công, văn hóa, đời sống
gia đình, tôn giáo, tất cả đều không thể từ bỏ được trong tiến trình tăng trưởng.
Trong sự phát triển toàn diện ấy, cần có sự hội nhập
các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, thể xác và linh hồn. ĐTC đặc biệt lưu ý về
”ý niệm nhân vị, một ý niệm nảy sinh và tăng trưởng trong Kitô giáo, giúp theo
đuổi một sự phát triển hoàn toàn là nhân bản. Vì nhân vị luôn nói lên chiều
kích tương quan, chứ không phải cá nhân chủ nghĩa, khẳng định sự hội nhập, chứ
không phải là sự loại trừ, phẩm giá duy nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải
sự bóc lột, tự do chứ không phải sự cưỡng bách.
Hội nghị
Buổi tiếp kiến của ĐTC dành cho các tham dự viên nằm
trong chương trình 2 ngày của Hội nghị kỷ niệm 50 năm Thông điệp Phát Triển các
dân tộc.
Lên tiếng trong buổi khai mạc Hội nghị hôm 3-4-2017,
ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và ĐHY Peter Turkson, Bộ
trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, xác quyết rằng sự quyết tâm của
Giáo Hội Công Giáo thăng tiến công lý, bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng hòa
bình và cổ võ phát triển là một câu trả lời theo vũ trụ quan Kitô giáo và nhắm
mục tiêu tối hậu là giúp con người đạt đến hạnh phúc với Thiên Chúa.
ĐHY Mueller nói: ”Chính trong thế giới này mà chúng ta
có thể cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chính trong trần
thế này, những người nam nữ được kêu gọi học biết, yêu mến và thờ phượng Thiên
Chúa, phục vụ Chúa và anh chị em mình. Vì thế, ta không thể tách rời mối quan
tâm đối với những sự thuộc về Thiên Chúa, ra khỏi quan tâm đối với công trình
sáng tạo của Chúa, đặc biệt là con người”.
ĐHY Mueller cũng nhận xét rằng khi thiếu chiều kích đức
tin và không chú tâm đến mục tiêu siêu việt của cuộc sống con người, thì các ý
niệm ý thức hệ và chính trị về sự phát triển sẽ thất bại, cho dù chúng có một
vài thành công ban đầu.. Có những quan điểm không Kitô về sự phát triển, trong
đó có cả chủ trương của cộng sản kiến tạo thiên đường trần thế, hoặc quan niệm
duy thực dụng tìm kiếm mức độ hạnh phúc cao nhất cho đại đa số nhân loại, hoặc
quan niệm của Darwin hay đế quốc về sự sống còn và phát triển của những gì là mạnh
nhất, và quan niệm tư bản với sự khai thác thế giới và lao công là những phương
thế vi phạm phẩm giá con người”.
Về phần ĐHY Turkson, ngài nhắc lại rằng tên của Bộ Phục
vụ phát triển nhân bản được rút trực tiếp tự giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong
thông điệp ”Phát triển các dân tộc”, trong đó có khẳng định rằng quan niệm thịnh
hành về sự phát triển, đặc biệt khi nói về những cố gắng của quốc tế giúp đỡ những
nước nghèo trên thế giới, quá hạn hẹp vì người ta chỉ chú tâm đến các vấn đề
kinh tế thay vì chú trọng đến các dân tộc.
Sự phát triển nhân bản toàn diện qui trọng tâm vào trọn
con người và mọi dân tộc, nhìn nhận họ là những tác nhân đầu tiên trong việc
phát triển và tiến bộ của họ. Giáo Hội Công Giáo định nghĩa sự phát triển là tiến
từ một hoàn cảnh sống khiến phẩm giá con người dễ bị thương tổn để đi tới một
cuộc sống củng cố nhân phẩm: ”Tình thương trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển.
Sự phát triển nhân bản toàn diện, qua sự nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa
và ước muốn chia sẻ tình thương ấy, chứng tỏ mối quan tâm đối với những người
di dân và tị nạn, người yếu đau, các nạn nhân chiến tranh và tất cả những người
bị đe dọa gạt ra ngoài lề vì nghèo đói hoặc vì lý do chủng tộc” (CNS 3-4-2017,
SD 4-4-2017)
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét