Trang

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Một trăm năm Fatima: Jacinta dưới ngòi bút Lucia (tiếp theo)

Một trăm năm Fatima: Jacinta dưới ngòi bút Lucia (tiếp theo)
Vũ Văn An5/2/2017


Gia đình chống đối

Trong khi ấy, tin tức về những điều xẩy ra được loan truyền. Mẹ con trở nên lo lắng, và bằng mọi giá, muốn con phải chối bỏ những gì con đã nói ra. Một ngày kia, trước khi con đi trông coi đoàn vật, mẹ cương quyết bắt con phải thú nhận là con nói dối, và để làm được việc này, mẹ con vừa vuốt ve vừa đe dọa, thậm chí dùng cả cán chổi nữa. Bất chấp tất cả những thứ này, mẹ không nhận được gì cả trừ sự câm như hến hoặc việc xác nhận mọi điều con đã nói. Mẹ đành bảo con đi chăn đoàn vật và trong ngày phải đắn đo kỹ điều này: mẹ không bao giờ dung thứ một lời nói dối nào của con cái mẹ cả, càng không dung thứ loại nói dối này. Mẹ cảnh cáo con rằng mẹ sẽ ép buộc con, mỗi tối, phải tới những người con đã lừa dối để thú nhận rằng con đã nói dối và xin họ tha thứ.

Con đi rời nhà với đoàn vật, và hôm đó, các bạn đồng hành bé nhỏ của con đang đứng đợi con. Khi thấy con khóc, các em chạy lại và hỏi con điều gì đã xẩy ra. Con cho các em hay mọi sự đã xẩy ra và nói thêm:

“Các em cho chị hay đi, chị phải làm gì bây giờ? Mẹ chị cương quyết bằng bất cứ giá nào cũng bắt chị phải nói chị nói dối. Nhưng làm thế nào chị có thể làm thế được?”

Lúc ấy, Frncisco nói với Jacinta:

“Em thấy đó! Tất cả tại lỗi em. Tại sao em phải nói cho họ hay chứ?”

Con nhỏ, dàn dụa nước mắt, qùy xuống, chắp tay, và xin chúng con thứ lỗi. Em nói trong nước mắt:

“Em đã làm sai, nhưng em sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì với bất cứ ai nữa”.

Đức Cha có lẽ sẽ thắc mắc ai dạy Jacinta thực hiện hành vi khiêm nhường này? Con không biết. Có lẽ em thấy các anh chị trong nhà xin cha mẹ tha thứ trước khi đi rước lễ; hoặc, như con vốn nghĩ, Jacinta là em bé được Chúa ban dư đầy ơn phúc, và một sự hiểu biết tốt hơn về Người và nhân đức.

Một thời gian sau, khi cha xứ cho vời chúng con tới để tra hỏi, Jacinta cúi đầu và khó khắn lắm ngài mới thành công trong việc nhận được một hay hai lời của em. Khi đã ra ngoài, con hỏi em:

“Tại sao em không trả lời cha xứ?”

“Vì em đã hứa với chị sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì với bất cứ ai!”.

Một ngày kia, em hỏi:

“Tại sao chúng ta không thể nói: Đức Mẹ bảo chúng ta làm việc hy sinh cho các người tội lỗi?”

“Để họ không còn hỏi chúng ta thực hiện loại hy sinh nào”.

Mẹ con càng ngày càng buồn bực hơn về cách sự việc diễn tiến. Điều này khiến mẹ thực hiện một cố gắng khác để buộc con phải thú nhận là con nói dối. Một sáng sớm kia, mẹ gọi con và cho con hay mẹ sẽ dẫn con tới gặp cha xứ; mẹ nói:

“Khi tới đó, con phải qùy gối, thưa với ngài rằng con nói dối, và xin ngài thứ lỗi”.

Khi đi ngang qua nhà dì con, mẹ con vào bên trong một lúc. Việc này cho con cơ hội nói với Jacinta điều xẩy ra. Thấy con buồn như thế, em chẩy nước mắt mà nói:

“Em sẽ dậy và gọi anh Francisco. Chúng em sẽ đi và cầu nguyện cho chị ở bờ giếng. Khi chị trở về, hãy đến tìm bọn em ở đó”.

Khi con trở về, con chạy tới giếng, và ở đó, hai em đang qùy gối, cầu nguyện. Ngay khi thấy con, Jacinta chạy tới ôm lấy con, rồi nói:

“Chị thấy không, Chúng ta không nên sợ bất cứ điều gì! Đức Mẹ luôn luôn phù hộ chúng ta. Ngài là người bạn tốt xiết bao của chúng ta!”

Từ ngày Đức Mẹ dạy chúng con dâng các hy sinh của chúng con lên Chúa Giêsu, bất cứ lúc nào chúng con có điều gì phải đau khổ, hay thoả thuận làm một hy sinh nào đó, Jacinta đều hỏi:

“Chị có nói với Chúa Giêsu rằng việc này là vì tình yêu đối với Người chưa?”

Nếu con nói chưa, em sẽ bảo:

“Vậy em sẽ nói với Người” rồi chắp tay, em ngước mắt lên trời và thưa:

“Lạy Chúa Giêsu, việc này là vì tình yêu đối với Chúa, và để các người tội lỗi ăn năn trở lại!”.

Yêu mến Đức Thánh Cha

Hai linh mục, tức những vị đến tra hỏi chúng con, khuyên chúng con nên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Jacinta hỏi Đức Thánh Cha là ai. Các linh mục tốt lành đã giải thích ngài là ai và ngài rất cần lời cầu nguyện như thế nào. Điều này khiến Jacinta yêu mến Đức Thánh Cha đến nỗi, mỗi lần dâng các hy sinh lên Chúa Giêsu, em đều thêm: “và cho Đức Thánh Cha”. Cuối kinh Mân Côi, em luôn luôn đọc 3 kinh Kính Mừng cho Đức Thánh Cha, và thỉnh thoảng, em đưa ra nhận xét:

“Em thích được gặp Đức Thánh Cha quá! Rất nhiều người tới đây, nhưng Đức Thánh Cha thì không bao giờ tới!”

Trong sự đơn sơ con nít, em tưởng Đức Thánh Cha cũng có thể đi đó đi đây như bất cứ ai khác!

Một ngày kia, cha con và chú con được mời ra trước ông quận trưởng vào sáng hôm sau cùng với 3 đứa chúng con.

Chú con tuyên bố “tôi sẽ không đem các con tôi đi, cũng sẽ không mang chúng ra trình bất cứ tòa án nào. Tại sao, chúng đâu có đủ tuổi để phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi của chúng, và ngoài ra, chúng không thể nào chịu đựng nổi chuyến cuốc bộ đường trường tới Vila Nova de Ourém. Tôi sẽ đi để xem họ muốn gì”.

Cha con thì nghĩ khác:

“Còn con gái tôi, tôi sẽ mang cháu đi theo! Hãy để cháu tự trả lời; tôi không hiểu mô tê gì về việc này”.

Họ mượn dịp này làm chúng con thất đảm bằng mọi cách có thể của họ. Hôm sau, khi chúng con đi qua nhà chú con, cha con phải đợi chú con ít phút. Con chạy tới chào tạm biệt Jacinta, lúc đó vẫn còn đang nằm trong giường. Hồ nghi không biết chúng con còn gặp lại nhau nữa hay không, con quàng tay ôm lấy em. Bật khóc, con nhỏ thều thào:

“Nếu họ giết chị, chị hãy nói với họ là anh Francisco và em cũng y hệt như chị, và chúng em cũng muốn chết. Giờ đây, em sẽ ra giếng ngay cùng với anh Francisco, và chúng em sẽ hết lòng cầu nguyện cho chị”.

Khi màn đêm đã phủ, lúc con trở về, con chạy tới giếng, và thấy hai em vẫn còn đang ở đấy, qùy gối, mình nghiêng về phía chiếc giếng, hai tay ôm lấy đầu, khóc thảm thiết. Ngay khi thấy con, hai em reo lên vì ngạc nhiên:

“Chị đến đó hả? Tại sao, chị của chị tới đây múc nước và cho bọn em hay họ đã giết chị rồi! Chúng em đang cầu nguyện và khóc chị đây này!”

Bị giam ở Ourém

Một thời gian sau, khi chúng con bị tống giam, điều làm Jacinta đau khổ hơn cả là cảm thấy bị cha mẹ bỏ rơi. Nước mắt lưng tròng, em bảo:

“Cả cha mẹ chị lẫn cha mẹ em đều không tới thăm chúng ta. Các ngài không quan tâm gì tới chúng ta nữa!”

Francisco lúc đó lên tiếng: “Em đừng khóc, chúng ta có thể dâng hy sinh này lên Chúa Giêsu cho người tội lỗi”.

Rồi, ngước mắt và giơ tay lên trời, em dâng lời:

“Ôi lạy Chúa Giêsu, con dâng việc này vì lòng yêu mến Chúa và để các người tội lỗi ăn năn trở lại”.

Jacinta thưa thêm:

“và cho cả Đức Thánh Cha nữa, và để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria”.

Sau khi bị biệt giam ít lâu, chúng con được đoàn tụ với nhau cùng một phòng ở trại giam. Khi họ bảo nay mai chúng con sẽ bị đưa đi thiêu sống, Jacinta đi qua một bên, đứng bên cửa sổ nhìn qua chợ bán trâu bò. Thoạt đầu con nghĩ em bị quang cảnh làm cho suy tư, nhưng không bao lâu, con khám phá ra em đang khóc. Con đi tới và kéo em lại gần và hỏi xem tại sao em khóc. Em đáp:

“Vì chúng ta sắp phải chết mà không được gặp cha mẹ, cả mẹ cũng không!”

Nước mắt chẩy đầy má, em nói thêm:

“Em ước ao ít nhất được gặp mẹ em”.

“Vậy, há em không muốn dâng hy sinh này cho các người tội lỗi ăn năn trở lại hay sao?”

“Có, em muốn!”

Với khuôn mặt vẫn đẵm nước mắt, em chắp tay, ngước mắt lên trời và dâng lời:

“Ôi lạy Chúa Giêsu, hy sinh này vì lòng yêu mến Chúa, vì sự ăn năn trở lại của các người tội lỗi, vì Đức Thánh Cha, và để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria!”

Các tù nhân có mặt lúc ấy tìm cách an ủi chúng con. Họ bảo:

“Các em chỉ cần cho ông quận trưởng biết bí mật! Bất kể Đức Bà muốn hay không muốn các em nói!”

Jacinta mạnh mẽ đáp lại:

“Không bao giờ! Cháu chẳng thà chết còn hơn!”

Kinh Mân Côi ở trong nhà tù

Sau đó, chúng con quyết định đọc Kinh Mân Côi. Jacinta cởi mẫu ảnh em đang đeo quanh cổ xuống và yêu cầu một tù nhân treo nó lên một chiếc đinh ở trên tường cho em. Qùy trước mẫu ảnh này, chúng con bắt đầu cầu nguyện. Các tù nhân cùng cầu nguyện với chúng con, nghĩa là, nếu họ biết cách cầu nguyện, nhưng ít nhất, họ cũng qùy gối. Khi Kinh Mân Côi đã xong, Jacinta lại đến bên cửa sổ và khóc. Con hỏi:

“Này Jacinta, há em không dâng hy sinh này lên Chúa được hay sao?”

“Có, em có dâng, nhưng em cứ nghĩ đến mẹ em hoài, và không làm sao nín khóc được”.

Vì Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đã bảo chúng con phải dâng lời cầu nguyện và các hy sinh của chúng con để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tin Vô Nhiễm Maria nữa, nên chúng con thỏa thuận với nhau rằng mỗi người chúng con sẽ chọn một trong các ý chỉ này. Một người dâng cho các người tội lỗi, một người dâng cho Đức Thánh Cha và người còn lại dâng để đền vì các tội xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Maria. Sau khi đã quyết định như thế rồi, con bảo Jacinta chọn bất cứ ý chỉ nào em thích.

“Em sẽ dâng cho mọi ý chỉ, vì em thích hết mọi ý chỉ này”.

Và sau cùng… khiêu vũ

Trong số các tù nhân, có một người chơi đàn concertina (tựa như áccócđêông). Để chúng con khuây khỏa, ông ấy bắt đầu chơi đàn và các tù nhân khác bắt đầu hát. Họ hỏi chúng con có biết nhẩy không. Chúng con thưa chúng con biết các điệu “fandango” và “vira”. Đối vũ của Jacinta là một người phạm tôi ăn cắp, vì thấy em nhỏ quá nên đã bế em lên và vừa bế em vừa nhẩy! Chúng con chỉ những mong Đức Mẹ thương đến linh hồn ông và cho ông trở lại!

Lúc này, chắc Đức Cha sẽ nói: “Quả là một thiên hướng tốt để tử đạo!” Đúng vậy. Nhưng chúng con chỉ là những đứa trẻ nên không nghĩ quá khỏi điều này. Jacinta rất thích nhẩy, và có khiếu đặc biệt về việc này. Con còn nhớ một ngày kia em khóc lóc thảm thiết vì một người anh đi chiến đấu rồi được thông báo là chết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Để em khuây khỏa, con sắp xếp một cuộc khiêu vũ với hai người anh của Jacinta. Trời, con nhỏ nhẩy ơi là nhẩy, nhẩy đến quên cả khóc, nước mắt hết chẩy đằm đìa trên má. Em thích nhẩy đến nỗi chỉ cần một người chăn chiên nào đó chơi nhạc cụ là đủ để em nhẩy một mình. Bất chấp như thế, khi Ngày Hội tới hay khi Ngày Lễ Kính Thánh Gioan tới, em tuyên bố:

“Em sẽ không nhẩy nữa”.

“Tại sao không?”

“Vì em muốn dâng hy sinh này lên Chúa”.

Còn tiếp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét