25/06/2017
Chúa Nhật 12 thường niên năm A.
(phần I)
Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay
kẻ dữ".
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người
thoá mạ và chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo
nó, chúng ta hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng:
"Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng
Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ
ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời,
không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người
công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù
nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca
tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 14
và 17. 33-35
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi
(c. 14c).
Xướng: 1) Sở dĩ vì
Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người
anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự
nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ
Chúa đổ trên mình con. - Ðáp.
2) Nhưng, lạy Chúa,
con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình
thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của
Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức
từ bi xin nhìn đến tấm thân con. - Ðáp.
3) Các bạn khiêm cung,
hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì
Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy
ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. -
Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15
"Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy
đâu".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng
như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết,
và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội.
Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi
không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ
không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội
phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều
người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức
Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17b và
a
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật".
- Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 26-33
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có
gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết.
Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con
nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ
những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ
Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim
sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con
không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các
con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên
xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là
Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó
trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy ca tụng Chúa;
hãy ngợi khen Người
Chúa nhật trước chúng
ta đã thấy quá khứ, hiện tại, tương lai của Dân Chúa cũng như của từng người
trong chúng ta được bao trùm trong lòng nhân nghĩa của Chúa. Người thương chúng
ta vô vàn, đã giải thoát chúng ta trong quá khứ, đang phù trợ chúng ta trong hiện
tại và sẽ làm cho tương lai chúng ta được hạnh phúc.
Nhưng đó là cái nhìn đức
tin. Còn con mắt nông cạn và xác thịt có lẽ chỉ thấy đời nhiều đắng cay. Lời
Chúa hôm nay muốn soi sáng chúng ta về phương diện này, để chúng ta thấy lòng
nhân nghĩa Chúa bao trùm cả những nét buồn thảm bi đát trong cuộc đời chúng ta.
A. Trước Hết, Lời Chúa
Chẳng Bao Giờ Che Giấu Các Ðau Khổ
Cựu Ước cũng như Tân Ước
không những mô tả mà còn tìm hiểu khía cạnh cam go trong đời sống con người một
cách sâu sắc.
Bài sách tiên tri
Yêrêmya hôm nay tuy vắn tắt nhưng gợi lên hình ảnh của một đời người nhiều nước
mắt. Vị ngôn sứ ấy đã được chọn ngay từ trước khi thành hình trong lòng mẹ để đảm
nhiệm một sứ vụ gay go bạc bẽo. Yêrêmya đã muốn chối nhưng không được. Ông phải
ra đi tiên báo những hoạn nạn sẽ xảy tới. Nghe ông nói nhiều, người ta đã dần dần
đồng hóa ông với kẻ mang tai ương vạ gió. Người ta tránh ông như tránh dịch,
Nhưng đâu được phép rút lui, ông phải theo lệnh Chúa đến phản đối thái độ bất
trung của nhà cầm quyền đối với giao ước. Người ta bắt ông, nhốt ông, kết án
ông là tên phản bội, bán nước. Ngay họ hàng thân thích cũng khử trừ ông. Vì ông
thuộc dòng tư tế, mà muốn cải cách theo Yosyas, chủ trương hủy bỏ hết các nơi tế
tự bất xứng ở địa phương để tập trung tất cả phụng vụ trang nghiêm về
Yêrusalem.
Xã hội bắt bớ, họ hàng
tẩy chay, ông một thân một mình chịu bao đau khổ. Những tiên tri khác còn được
hạnh phúc có vợ có con, Yêrêmya được lệnh Chúa sống độc thân để tuyên sấm cho
toàn dân biết: tai họa sắp giáng xuống, đừng dại gì mà dựng vợ gả chồng kẻo vợ
con sẽ chết đói, chết chém và chẳng được chôn cất. Dân chưa bị chiến tranh và
đi đày lê thê... nhưng vì là tiên tri của những biến cố đó, Yêrêmya đã phải sống
trước ở nơi bản thân tất cả số phận cay đắng của dân bội bạc. Ông là vị ngôn sứ
khổ sở, là hình ảnh của Ðấng sẽ đến gánh tội thiên hạ, là người được chọn để đi
vào con đường hẹp. Ông là người đi trước chúng ta về phương diện đau khổ ở đời.
Vì đời chúng ta không
phải chỉ mang theo những khổ đau như mọi người, nhưng còn có những gánh nặng
khác mà ta có thể gọi chung là thánh giá. Ðó là những đau đớn vì Danh Chúa,
dành cho chúng ta là những người được chọn. Ðức Kitô đã nói với các môn đệ của
Người: vì Danh Thầy, thế gian sẽ ghét bỏ các con và người ta sẽ giải các con đến
các tòa án. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay còn gợi lên cả nỗi lo sợ quằn quại
không ngừng: tội lỗi chúng ta hằng phạm có khiến chúng ta mất tin tưởng vào hạnh
phúc đời sau không? Ðây là lo sợ cuối cùng, lo sợ ở trước mặt Chúa, đang khi những
tai họa và bất hạnh nói trên nằm trong tương quan đối với người khác, với gia
đình và xã hội.
Thật, mọi vấn đề đau
khổ ở đời đã được Sách Thánh liệt kê và nghiên cứu. Yêremya đã sống giữa cảnh
thù nghịch. Ông tiên báo về con người đau khổ của Ðức Kitô; rồi Ðức Kitô lại
báo trước cho chúng ta biết thân phận khổ sở của những người theo Chúa. Cuối
cùng thánh Phaolô nói lên nỗi lo sợ phập phồng dày vò tâm trí những kẻ biết
mình tội lỗi.
B. Nhưng Ðồng Thời Lời
Chúa Cũng Dọi Sáng Trên Các Ðau Khổ
Yêrêmya bị ghét bỏ và
tấn công tứ phía, nhưng không nao núng, vì như lời ông nói hôm nay: Chúa luôn
luôn ở với ông như người chiến sĩ vô địch. Ông sống ở thời Cựu Ước, nên lối diễn
tả niềm tin của ông chưa được tế nhị. Ông tin rằng kẻ thù của ông sẽ lao đao,
thất bại; sẽ hổ ngươi và nhục nhã. Và niềm tin ấy đã biến thành lời cầu nguyện:
xin cho con được thấy kẻ thù của con bị báo thù.
Ngày nay chúng ta
không được cầu nguyện như thế vì Chúa Yêsu đã dạy chúng ta phải yêu mến kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ghét bỏ mình. Nhưng chúng ta phải có niềm tin chắc
chắn như Yêrêmya. Giữa bao nghịch cảnh và mọi khổ đau, Chúa vẫn ở với chúng ta,
không những như người chiến sĩ vô địch, nhưng hơn nữa như một người cha săn sóc
đếm từng sợi tóc trên đầu người con, để không một cái tóc nào rụng xuống mà
không có ý của Người. Hai con chim sẻ chỉ đáng giá một đồng xu thôi, thế mà Cha
trên trời vẫn săn sóc đến chúng. Còn chúng con, chúng con đáng giá ngàn ngàn lần
hơn tất cả loài chim sẻ. Nói một cách đơn sơ hơn, những đau khổ rủi ro ở đời
không bao giờ được làm chúng ta quên lòng nhân nghĩa Chúa. Chúng ta phải nắm vững
niềm tin đã trình bày Chúa nhật trước: quá khứ, hiện tại và tương lai chúng ta
được bao bọc trong tình yêu trung tín của Cha trên trời. Yêrêmya đã thâm tín như
vậy. Chúa Yêsu nhắc lại cho chúng ta nhớ. Và chân lý là ánh sáng chiếu soi vào
các khổ đau mà chúng ta gặp để hiểu rõ chúng là gì.
Chúa Yêsu trong bài
Tin Mừng hôm nay nói: chúng không có gì đáng sợ. Thử thách và khổ đau ở đời thoạt
nhìn vào thì thấy sợ, thấy ghê. Nhưng chiếu ánh sáng của Chúa vào, và nhìn
chúng bằng con mắt đức tin, chúng ta dường như sẽ thấy chúng đang dần dần tan
biến. Bản chất của chúng đâu có vững bền? Cuối cùng, tức là chung cuộc thử
thách chỉ là những mây mù phải tan để làm tỏ hiện bộ mặt thật của thực tại. Có
gì che giấu mà không bị bại lộ; có gì thầm kín mà lại không được công bố ra? Rồi
đây Ðức Kitô sẽ ở trên Thánh giá, Người sẽ chiến thắng tử thần, dọi ánh sáng phục
sinh vào việc làm của mọi kẻ thù địch Ngài; thế gian sẽ bẽ bàng trong tội lỗi
và kẻ tin Ngài sẽ hân hoan. Rồi đây Ðức Kitô cũng sẽ lại xuống trong vinh
quang. Ánh sáng vinh hiển Người sẽ phán xét hành động và ý nghĩ thâm sâu của mọi
người; thử thách và đau khổ của những kẻ được Người chọn sẽ biến mất như đêm tối
tan biến trước ánh sáng mặt trời. Thế nên, nếu con cái Chúa không có gì phải sợ
khi đã tin ở sự săn sóc của Cha trên trời, thì các môn đệ của Người cũng chẳng
có gì phải hãi khi bị bắt bớ vì tòa án loài người cũng sẽ qua đi khi ngày chung
thẩm của Chúa đến. Người ta có thể giết các môn đệ của Chúa, nhưng có nên sợ những
kẻ chỉ giết được xác mà không giết được hồn không? Dĩ nhiên người môn đệ muốn
được sự bình tĩnh chắc chắn trong mọi thử thách, thì phải có sự tự tin ở trong
hồn mình, tức là có thể tin vào giá trị đạo đức của mình ở trước tòa Chúa sau
này và bây giờ nơi lương tâm của chính mình.
Nhưng ai dám tự hào
thâm tín như vậy? Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay đoán được tâm trạng của
chúng ta. Người sợ chúng ta nao núng khi nghĩ đến tội lỗi của mình. Và nguời
chiếu ánh sáng tin tưởng vào lương tâm lo lắng ấy khi đề ra chân lý sau đây:
Phải, tất cả chúng ta
đều đã phạm tội. Từ Ađam cho tới nay, tội lỗi đã thống trị và tràn ngập. Nhưng
chính sự kiện phổ quát của chế độ tội lỗi khiến chúng ta suy đến thời đại phổ
quát của ân sủng. Một người đã du nhập tội lỗi vào thế gian để đến nỗi không ai
không tội lỗi; thì Thiên Chúa là Ðấng nhân nghĩa và trung tín đã mở màn thời đại
ân sủng phổ quát khi ban Con Một Người đến chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
Và không thể Ðức Yêsu
chỉ giống như Ađam. Người phải trổi vượt ông vô vàn. Thế thì chế độ ân sủng mà
Người đã khai mạc cho thời sau hết này phải vượt xa thời kỳ tội lỗi xưa đã bắt
đầu với Ađam. Chúng ta có kinh nghiệm về thời đại tội lỗi xấu xa này, thì chúng
ta càng phải có lòng tin sâu xa hơn nữa về thời kỳ ân sủng do Ðức Kitô sáng lập.
Tin như vậy, không ai
còn có thể nghĩ mình không được chan chứa ân sủng. Và đời sống tuy nhiều khổ
đau và tội lỗi, tuy nhiên nước mắt như đại dương và đầy bất công bất hạnh, đức
tin bảo chúng ta phải quả quyết ân sủng của Ðức Kitô còn mênh mông dư đầy bội
phần. Và những gì chúng ta đã nói về lòng nhân nghĩa của Chúa đối với con người,
vẫn còn đúng mãi, mặc dầu đời người có thể là bể khổ.
C. Thế Thì, Thái Ðộ Của
Chúng Ta Phải Thế Nào?
Yêrêmya đã kết thúc
bài nói về đau khổ mình gặp bằng một lời kêu gọi tin tưởng. Ông nói: hãy ca tụng
Chúa; hãy ngợi khen Người vì Người sẽ cứu mạng sống kẻ khó nghèo khỏi tay kẻ cường
bạo. Lòng tin tưởng của ông không phải vô điều kiện. Chúa sẽ cứu người nghèo khổ.
Tin Mừng của Người sẽ chỉ được rao giảng cho những con người ấy. Nói đúng ra,
chỉ hạng khó nghèo mới đón nhận Tin Mừng của Chúa và do đó mới được cứu độ. Mà
khó nghèo hay nghèo khó Phúc Âm, trước hết là tin tưởng tín nhiệm hoàn toàn vào
Chúa và chỉ cậy dựa trông cậy vào Người mà thôi, tức là phải lấy nhân nghĩa đáp
trả nhân nghĩa.
Và lòng tín nghĩa chân
thật ấy phải được chứng tỏ rõ ràng, đặc biệt khi bị thử thách. Chính Chúa Yêsu
trong bài Tin Mừng hôm nay đã tuyên bố rõ ràng: ai xưng Ta ra trước mặt người đời
thì Ta cũng xưng kẻ ấy ra trước mặt Cha Ta; còn ai chối Ta trước mặt người đời
thì Ta cũng chối kẻ ấy trước mặt Cha Ta.
Ðiều kiện này có thể
khiến lòng nhiều người áy náy. Thế nào là xưng Chúa ra trước mặt người đời? Ðeo
ảnh, làm dấu đọc kinh trước khi ăn cơm, đi dự lễ ngày Chúa nhật, là những hành
vi tuyên xưng Chúa? Bao giờ cũng phải làm? Và có khi nào được miễn không?
Ở đây, không ai có thể
đưa ra một câu trả lời gãy gọn áp dụng cho hết mọi trường hợp. Muốn có câu giải
đáp phổ cập này, có lẽ chúng ta phải vươn lên trên mọi vấn nạn cụ thể. Và hãy hỏi
thế nào là tuyên xưng Chúa ra trước mặt người đời?
Ảnh đeo nhắc người ta
nhớ đến Chúa; nhưng chưa chắc người nào đeo ảnh cũng tuyên xưng Chúa ra. Ðã có
những người đeo Thánh giá vàng để trang trí và có thể có những người mang thập
tự lớn để phản chứng, không phải vì Danh Chúa nhưng vì mình và vì quan niệm của
riêng mình. Và chúng ta cũng có thể nói tương tự về việc làm dấu, đọc kinh, đi
lễ v.v� Nói tóm, giá trị không nằm ở việc làm, nhưng ở niềm tin.
Thánh Phaolô đã nói như vậy. Ðiều quan trọng là mỗi người phải tự hỏi về niềm
tin của mình. Và chính niềm tin ở trong mình sẽ phán đoán các hành vi của chúng
ta. Và chắc chắn người có đức tin mạnh mẽ sẽ biết cư xử đúng với sự tự do của
con cái Thiên Chúa, nghĩa là luôn luôn biết phải làm gì và không cần làm gì để
tuyên xưng Chúa ra trước mặt người đời.
Giờ đây cũng vậy,
Thánh lễ sẽ cử hành ở giữa chúng ta. Lẽ ra mọi người sẽ tuyên xưng niềm tin một
cách hết sức chân thành. Nhưng biết đâu và không ý tứ thì sẽ có những kẻ xem lễ
mà không dự lễ. Vì xem lễ thì chỉ cần mắt nhìn vào, nhưng dự phần thì phải dấn
thân, đem tâm hồn mình đến thông phần Mình Máu Ðức Kitô.
Ai thật sự tham dự lễ
tế này mà không thấy Thiên Chúa yêu thương mình, đến nỗi ban Thịt Máu Người cho
chúng ta? Và ai thật sự đáp trả tình yêu của Người lại có thể lo sợ các thử
thách trong đời sống? Vì cả khi sống giữa đau khổ, người yêu Chúa vẫn cảm thấy
sâu xa mình được Chúa yêu. Và với tình yêu ấy Thánh Thần đã đổ được đổ xuống
trong lòng chúng ta để một sự an ủi ngọt ngào vẫn tràn ngập tâm hồn của những
thân xác đang bị đau khổ. Ðó là niềm tin, là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta hãy
mạnh dạn tuyên xưng.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 12 Thường Niên, Năm A
Bài đọc:Jer
20:10-13; Rom 5:12-15; Mt 10:26-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:Đừng
sợ! Uy quyền của Thiên Chúa thắng vượt mọi quyền hành của thế gian.
Con
người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ khổ cực, sợ đau đớn, sợ mất mát, sợ tù
đày, sợ hậu quả của tội, và nhất là sợ chết; vì chết sẽ lấy đi tất cả những gì
con người có. Nhưng Thiên Chúa đòi con người không được sợ hãi, vì sợ hãi làm
cho con người không dám sống theo sự thật để làm chứng cho Thiên Chúa, sợ hãi
làm con người không dám sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa mà chỉ bằng lòng với
tiêu chuẩn của thế gian, và sợ hãi làm con người trở thành nô lệ cho xác thịt,
cho thế gian và cho ma quỉ. Để thắng vượt sợ hãi, con người cần một niềm tin vững
mạnh nơi Thiên Chúa và uy quyền của Ngài; đồng thời con người cũng cần biết nấc
thang giá trị của những gì con người sở hữu.
Các
bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những lý do tại sao chẳng có gì phải sợ
hãi. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuy có sợ hãi vì địch thù vây quanh tứ
phía; nhưng ông đã thắng vượt được nhờ niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Ông
tin Thiên Chúa sẽ cứu ông khỏi mọi gian truân và sẽ làm cho các địch thù của
ông phải bẽ mặt hổ ngươi. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu
Rôma đừng sợ ngay cả tội lỗi, vì Đức Kitô đã vô hiệu hóa hậu quả của tội nhờ
máu của Người đổ ra trên Thập Giá. Hơn nữa, máu của người còn có sức thánh hóa
và ban muôn vàn ân sủng cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn
đệ đừng sợ hãi bất cứ điều gì, vì Ngài đã chiến thắng tất cả. Các môn đệ phải vững
tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa để dám làm chứng cho sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pashhur
chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, Jeremiah
phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân
thành Jerusalem. Tư tế Pashhur, con ông Immer, là Tổng Quản Đốc
Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho
đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên
trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của ngôn sứ Jeremiah
đặt cho tư tế Pashhur; sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên
tri (Jer 20:3).
Jeremiah
nói tiên tri về vận mạng của Pashhur và của toàn dân: “Quả thật, Đức Chúa
phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất
cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi
sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ
bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải
thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho
tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá,
tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pashhur, chính ông và tất cả những người ở
trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải
chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm
láo!"
Tất
vả những gì ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm đều ứng nghiệm: Judah rơi vào tay quân
thù Babylon vào năm 587 BC. Tất cả của cải quí giá của Đền Thờ và của Thành đều
bị tịch thu mang về Babylon. Tất cả vua quan và tư tế đều bị lưu đày sang
Babylon, dĩ nhiên có cả Pashhur, và ông đã chết trong nơi lưu đày.
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm
sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương
đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà
vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu
không có sức mạnh của Thiên Chúa. Ngôn sứ tin tưởng và cầu nguyện: “Đức Chúa hằng
ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất
điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã
ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Ngôn
sứ biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người
công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu
suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự
cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát
kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết.
2.1/ Đức Kitô đã giải
thoát con người khỏi tội lỗi: Một thắc mắc
thường được nhiều người nêu lên: Tại sao Thiên Chúa lại trừng phạt tất cả con
người vì tội bất tuân của Adam? Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này bằng cách so
sánh Adam với Đức Kitô, Ngài lý luận như sau: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi
đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn
tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội... Nhưng sự sa ngã của Adam không
thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất
đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người
duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” Đức Kitô
được so sánh như một Adam mới. Ngài đến để giải phá tất cả những hậu quả của tội
do Adam cũ gây nên.
Tuy
nhiên, không phải chỉ có Adam phạm tội, mà tất cả mọi người đều phạm tội. Thánh
Phaolô nói: “Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không
có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Adam đến thời Moses, sự chết
đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam
đã phạm. Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới.” Ai cũng biết phải có Lề Luật thì mới có
tội. Thế mà Lề Luật chỉ có từ thời Moses, khi Đức Chúa ban cho con cái Israel
Thập Giới. Tại sao thánh Phaolô qui tội cho con người khi Lề Luật chưa được ban
hành? Có lẽ thánh Phaolô muốn ám chỉ đến Luật Tự Nhiên, như ngài đã từng đề cập
đến trong Roman 1:20-21.
2.2/ Ân sủng của Thiên
Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô: Giáo Hội gọi tội của Adam quả là cần thiết, là tội hồng
phúc trong bài ca Exsultet của đêm Vọng Phục Sinh, vì nhờ tội đó mà chúng ta có
Đức Kitô đến để ở với con người. Ngài không chỉ chuộc tội, nhưng còn mặc khải
cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa, và nhờ công cuộc cứu độ của Người
mà chúng ta được lãnh nhận hết ân sủng này đến ân sủng khác.
Vì
Đức Kitô đã đổ máu ra chuộc tội, chúng ta không sợ hãi hậu quả của tội nữa, vì
từ nay chúng ta đã có cách khử trừ tội lỗi bằng cách chạy đến với bí-tích Giao
Hòa. Chúng ta cũng không còn sợ ngay cả cái chết là hậu quả của tội; vì nếu tội
được xóa bỏ, hình phạt do tội gây nên cũng được xóa bỏ. Chúng ta có hy vọng được
sống đời đời với Đức Kitô trên thiên đàng.
3/ Phúc Âm: Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
3.1/ Ba thái độ phải có của
người môn đệ Đức Kitô: Để trở thành môn đệ
trung thành của Đức Kitô, một người phải có ba thái độ sau:
(1)
Sẵn sàng chấp nhận gian khổ: "Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh
em." Người môn đệ Đức Kitô chắc chắn sẽ bị người đời bắt bớ, vì họ đã từng
bắt bớ và giết Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải nhớ rõ điều này:
"Trò không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đầy tớ được
như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beel-zebul, huống
chi là người nhà."
Trong
khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp những người
phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người môn đệ nói những
điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn
chứng: người môn đệ nói phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang
khi khán giả ngồi dưới đã từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu
cha mẹ đang khi khán giả gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải
sinh con cái cho nhiều đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.
(2)
Không được sợ hãi người đời: Nếu người môn đệ sợ làm người đời mất lòng, sợ bị
phê bình hay bị chống đối, người môn đệ sẽ không dám nói sự thật mà ông được
kêu gọi để rao giảng; ngược lại, ông sẽ tìm cách nói những gì mà khán giả
thích, cho dẫu những điều này không phải là những gì Chúa dạy. Đó là lý do Chúa
Giêsu răn dạy các môn đệ: "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có
gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.
Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh
em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng."
Khi
làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả
tính mạng như trường hợp của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để
làm chứng cho sự thật, vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh
quang, và cho linh hồn các ngài được sống đời đời.
(3)
Phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Để dạy các môn đệ điều này,
Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: Thứ nhất, chim sẻ: Ngài nói: "Hai con chim sẻ
chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài
ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ."
Thứ hai, tóc trên đầu: Ngài nói: "Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng
đếm cả rồi." Tóc trên đầu con người quá nhiều và rụng xuống hàng ngày. Nếu
một sợi tóc vô nghĩa rơi xuống hàng ngày như vậy còn được Thiên Chúa quan tâm tới,
huống hồ là số phận của những người môn đệ Chúa.
Trong
sự quan phòng của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử
thách niềm tin yêu của con người dành cho Ngài. Nếu con người sợ hãi và trốn
tránh đau khổ, con người không chứng minh niềm tin yêu của họ dành cho Ngài.
3.2/ Phần thưởng cho những
môn đệ sống trung thành và làm chứng cho sự thật: Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: "Phàm ai
tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy
trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." Ngược lại,
"Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt
Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." Người nào sợ hãi không dám tuyên
xưng danh Thầy mình, không dám nói những sự thật Thầy dạy, người ấy không phải
là môn đệ Đức Kitô. Trong Ngày Chung Thẩm, Đức Kitô cũng không nhận những người
như thế trước mặt Cha của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải tập luyện để đừng sợ hãi bất cứ một điều gì trong cuộc đời vì
Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Gian khổ và bắt bớ chắc chắn sẽ đến, nhưng
chúng chỉ là cơ hội cho chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho
Thiên Chúa, và giúp chúng ta tập luyện nhân đức.
-
Khi không còn sợ hãi bất cứ điều gì, chúng ta mới bắt đầu sống và sống tròn đầy,
vì chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; lúc đó,
ma quỉ và thế gian phải sợ chúng ta.
-
Mỗi người chúng ta đều có bổn phận phải chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành
cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy vượt qua mọi sợ hãi để sống theo sự thật và làm chứng
cho Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Mt
10,26-33
VỮNG
MẠNH TRONG NIỀM TIN
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà
không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác
lẫn hồn.” (Mt
10,31)
Suy
niệm: Nếu vào Google tìm từ
khóa: “Sợ là gì?”, bạn sẽ có 2.160.000 kết quả. Nếu lần giở Kinh Thánh, bạn sẽ
có hơn 365 lời trấn an: “Đừng sợ!”. Hôm nay, Thầy Giê-su ba lần trấn an các môn
đệ:
1. Đừng
sợ rao giảng lời chân lý vì Tin Mừng cần được công bố cho tất cả mọi
người ở mọi nơi mọi thời;
2. Đừng
sợ bị bách hại, đe dọa khi thi hành sứ vụ, vì tình thương và sự quan phòng
của Thiên Chúa luôn ở cùng người được sai đi; và
3. Đừng
sợ khi tuyên xưng Danh Thầy, vì lòng tín nghĩa sẽ được đền đáp. Chính niềm
tin soi dẫn cho bạn biết phải làm gì, cũng như không nên làm gì, để tuyên xưng
niềm tin ấy trong hoàn cảnh cụ thể.
Mời bạn: Sống các giá trị Tin
Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong hoàn cảnh hiện nay thì chẳng dễ dàng chút
nào, khi bao tệ nạn, sai lạc về luân lý đang lan tràn, khi sự thật bị bóp méo
công khai, khi những con người dấn thân vì công bằng, bác ái bị đấu
tố! Tựa như Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ không hề nao núng trước những tai họa
và bất công, bạn và tôi cũng được mời gọi sống vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh
hiện tại. Tội ác tràn ngập thế gian, nhưng chúng ta có Thầy Giê-su, Đấng đã đến
để tái tạo ân sủng và nói cho ta biết: Thiên Chúa không bỏ ta mồ côi, nhưng
đồng hành với ta, mời gọi ta tín thác nơi lòng từ bi và ân nghĩa của Ngài.
Chia sẻ: Điều gì đang làm bạn
mất lòng tin vào sự quan phòng của Chúa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa
những đau khổ ở đời, xin cho con luôn hướng nhìn lên Thánh giá, để tìm nơi đó
sức mạnh và tình thương của Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
ANH EM ĐỪNG SỢ (25.6.2017 – Chúa nhật 12 Thường niên, năm A)
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ, để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng này,
ba lần Đức Giêsu nhắc chúng ta “đừng sợ” (cc. 26. 28.31).
Cuộc sống con người bị
trói buộc bởi những nỗi sợ,
có lý và vô lý, đến từ
bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng văn minh con người
càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi sợ làm người ta mất
tự do, mất bình an, mất vui…
“Đừng sợ” là điệp khúc
trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần.
Đừng sợ, Simon, khi Thầy
gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên
mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy
được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con
gái ông đã chết (Mc 5, 36).
Đừng sợ, hỡi các phụ nữ,
khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).
Nỗi sợ có vẻ gắn liền với
phận người mong manh.
Nhưng Đức Giêsu muốn giải
phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất
mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không dám tuyên nhận Thầy
trước mặt người đời.
Đức Giêsu mời các môn đệ
nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều mình nghe Thầy thì
thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ không được giữ riêng
cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng sợ cái giá phải trả
cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì có điều gì còn quý hơn
cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu
cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng Ngài đã không để
cho nỗi sợ thắng mình,
khi dám nói tiếng xin
vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha lo cho cả những sinh
vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim sẻ là thức ăn rẻ
tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền lương một ngày mua
được ba chục con chim sẻ.
“Thế mà không một con nào
rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả đến sợi tóc của trên
đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù một sợi cũng được
Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính vì thế người Kitô
hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ chẳng còn sợ ai, ngoài
Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là trở
nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng là biết sợ ai.
“Mày cùng chịu một án
phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh trộm lành đã nói với
người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin Chúa giải thoát chúng
ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để chúng ta được tự do,
biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt
khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan
hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại
hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả
chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo
Chúa
mà không tính toán thiệt
hơn,
anh hùng vượt trên mọi
nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu
đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho
sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
25 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Nâng Đỡ
Hiện Hữu
Và Chống Lại Hư Vô
Nơi sự hiện diện của
Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy ý muốn từ đời đời của Ngài được diễn tả ra vừa
trong tư cách là Đấng Sáng Tạo vừa là người gìn giữ mọi sự. Ý chí của Ngài là một
ý chí tối cao điều động mọi sự theo chính bản chất tốt lành của Ngài. Ngài tiếp
tục hành động – như chính Ngài đã hành động trong hành vi sáng tạo đầu tiên – để
nâng đỡ sự hiện hữu và chống lại hư vô, để ủng hộ sự sống và chống lại sự chết,
để hậu thuẫn cho ánh sáng và chống lại sự tối tăm (Ga 1, 4 – 5).
Nói tắt, Đấng Tạo Hóa
bênh vực sự thật. Ngài bênh vực sự thiện và vẻ đẹp của tất cả những gì hiện hữu.
Trong mầu nhiệm quan phòng của Ngài, Thiên Chúa tiếp tục quyết liệt khẳng định
sự đánh giá của Ngài như được ghi trong Sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy thế là
tốt đẹp… Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 25.
31).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
5 Tháng Sáu
Lau Chùi Làm Gì?
Trong những mẩu
chuyện giáo lý ngắn, Ðức Gioan Phaolô I có thuật lại câu chuyện sau đây:
"Những người xem thường việc năng đi xưng tội nhắc tôi nhớ đến anh giúp việc
của ông Jonathan Swift. Một lần kia, sau khi ngủ đêm trong một quán trọ, ông
Swift bảo người giúp việc đem cho ông đôi giày ống mà ông đã mang hôm qua. Khi
thấy đôi giày còn dính đầy bụi đất của cuộc hành trình vất vả xuyên qua những
cánh đồng lầy lội, ông Swift nhíu mày tỏ vẻ khó chịu và bảo anh giúp việc:
"Tại sao anh lại không lau chùi đôi giày cho sạch sẽ?".
Thấy chủ bất bình
và xẵng giọng, anh giúp việc hơi áy náy nhưng cũng gãi đầu, ấp úng thưa:
"Tôi nghĩ là... lau chùi cũng không ích lợi gì. Vì hôm nay, sau khi ông đi
vài dặm đường, đôi giày lại bị dơ bẩn trở lại".
Nghe người giúp việc
biện luận như thế, ông Swift giả vờ gật đầu đồng ý rồi bảo người giúp việc:
"Anh cho thắng yên ngựa, chúng ta khởi hành càng sớm càng tốt kẻo muộn".
Một lúc sau, mọi việc
đã được thu xếp xong và ông Swift ra lệnh lên đường. Nhưng người giúp việc chạy
vội đến kéo nài: "Thưa ông, chúng ta không thể lên đường ngay được vì tôi
chưa ăn sáng".
Ông Swift vừa leo
lên ngựa vừa bảo: "Ăn uống làm gì cho uổng công vì sau vài dặm đường, dạ
dày anh lại cồn cào kêu đói".
Cũng thế, có nhiều người
bảo: năng lãnh nhận bí tích Giải Tội có ích lợi gì. Vì thông thường sau khi
xưng tội, linh hồn chúng ta lại bị dơ bẩn trở lại vì những tội tái phạm. Có lẽ
họ cũng có lý. Nhưng giữ linh hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng
là một việc nên làm. Lại nữa, những người hiểu đúng nghĩa của phép Giải Tội và
Xưng Tội đúng cách sẽ được nghiệm thấy là phép Giải Tội không những rửa sạch mọi
tì ố của tội lỗi, nhưng còn hiệu lực giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm
thường vấp ngã với mục đích củng cố tình thân hữu của mình với Ðức Giêsu và sống
trọn tình hiếu thảo Cha con đối với Thiên Chúa.
Không ai trong chúng
ta dùng cơm xong lại thu dọn ngay những chén đĩa, nồi niêu đã dùng vào sóng
chén, viện cớ là: rửa làm gì cho uổng công, đến bữa an sau chúng lại dơ bẩn trở
lại.
Cũng không ai bảo: giặt
quần áo hay tắm gội làm gì cho hoài công, tốn nước. Một thời gian sau thân thể
và quần áo lại bị dơ bẩn trở lại.
Vâng, Ðức Gioan Phaolô
I dạy chúng ta: hãy năng đi xưng tội, dù biết rằng con người yếu đuối hay tái
phạm những lỗi lầm mình đã vấp ngã. Và trong lúc lãnh nhiệm phép Giải Tội, hãy
nhớ lời Ðức Giêsu bảo người phụ nữ ngoại tình: "Này chị, những kẻ tố cáo
chị đâu cả rồi, không ai lên án chị ư? Ta cũng vậy, Ta không lên án chị. Hãy về
và từ nay, đừng phạm tội nữa".
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét