Cha José Maria di Paola - cha xứ ổ chuột ở Buenos Aires,
Argentina
Hồi đầu tháng 3 năm nay (2017), trong lần gặp các cha xứ của
giáo phận Roma, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói đến cha José Maria di Paola, thường
được biết với tên “cha Pepe”, cha xứ của khu ổ chuột de La Carcova, ở ngoại ô
thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ở Argentina người ta gọi các cha xứ này là
“các cha xứ ổ chuột”. Cha Pepe cho biết chỉ tại thủ đô đã có 56 khu ổ chuột, và
có tới 650 ở các vùng ngoại ô xung quanh. Ở đó, tại những nơi tiêu biểu của
“biên cương” mà Đức giáo hoàng Phanxicô đề ra, một số các linh mục làm chứng
cho Tin mừng mỗi ngày bằng cách sống giữa những người bị nền kinh tế phế bỏ và
hủy diệt.
Các “cha xứ ổ chuột” đã hiện diện từ cuối những năm 1970,
theo ảnh hưởng của Công đồng Vatican thứ hai, các linh mục và giáo dân quyết định
sống đức tin bằng cách chia sẻ với những người bần cùng nhất. 30 năm sau, đức tổng
giám mục Bergoglio của Buenos Aires, nay là Đức giáo hoàng Phanxicô, đã mang một
động lực mới đến cho các cha xứ ổ chuột này. Các cha xứ ổ chuột tiếp tục rong
ruổi qua các nẻo đường, khi đi bộ, lúc đạp xe, hoặc sử dụng các phương tiện cũ
kỹ. Mỗi vị có một sứ vụ, không đòi hỏi phải giống nhau, không ganh đua, nhưng
là đồng hành với cuộc sống của những người ở các khu ổ chuột. Các vị tin là
Chúa đặt mình ở đây, qua bổ nhiệm của giám mục, để tiếp tục con đường và hoạt động
mục vụ của các cha xứ ổ chuột tiền nhiệm ở các ổ chuột này.
Trong một cuốn sách, cha Pepe đã thuật lại công việc chống lại
việc buôn bán ma túy và dấn thân giúp người nghèo. Cha kể “Tôi bắt đầu cách đây
20 năm, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô lúc ấy còn là đức cha Bergoglio, phụ tá giáo
phận, đã quyết định gửi tôi đến Ciudad Oculta, một khu phố ngoại ô của thủ đô
Buenos Aires, để làm việc với các trẻ em và người nghèo. Có lẽ ngài hiểu rằng
hai đặc sủng đặc biệt của ơn gọi linh mục giáo phận của tôi có thể diễn tả tốt
hơn trong các khu ổ chuột…
Sự xuất hiện của đức cha Bergoglio tự nó đánh dấu sự khác biệt.
Từ 1996 đến năm 2003, không có viên chức chính phủ nào từng đặt chân đến khu ổ
chuột và nhân vật xã hội quan trọng duy nhất đã đi qua đó là đức hồng y
Bergoglio. Nếu hôm nay ngài nói đến các biên cương là vì ngài đã sống điều đó:
ngài không ở lại Buenos Aires, ở công trường tháng 5, nói về lịch trình du
hành, nhưng là nhìn vào thành phố theo cách khác, từ khía cạnh của đường số 21
của thành phố Ciudad Oculta, của Villa Bajo Flores. Nếu có một linh mục đau bệnh,
ngài đến với linh mục đó để dâng Thánh lễ, để uống mate (một thứ trà của người
Argentina), tóm lại, ngài hiện diện, là một người trong chúng tôi. Sự dấn thân
của ngài ở các khu ổ chuột đã đem lại cho chúng tôi nhiều sức mạnh, đã mở ra một
con đường mới và đã tạo nên mối liên hệ trực tiếp giữa ngài và các cư dân của
các nơi này.
Ban đầu chúng tôi có 10 linh mục và trong vòng một thời gian
ngắn, dù là trong thời kỳ khủng hoảng ơn gọi, chúng tôi đã phát triển thành 20.
Sự trợ giúp và hiện diện của đức Bergoglio thì rất quan trọng cũng bởi vì, trên
hết, chúng tôi đã thừa hưởng một lịch sử, nhưng các thách thức mà chúng tôi phải
đối mặt thì mởi mẻ, khác với những thách thức thời cha Carlos Mugica và các bạn
đồng hành của cha. Cha Mugica là một trong những linh mục đầu tiên dấn thân tại
các khu ổ chuột vào những năm 70. Vào thời đó, ưu tiên là xây dựng các cống
rãnh và lắp đặt các hệ thống điện. Còn khi chúng tôi đến đó, chúng tôi gặp phải
lũ lụt, thiếu nước uống tại một số nơi, vấn đề có sở hạ tàng và trên hết là tội
phạm và ma túy. Trong 20 năm tôi sống ở các khu ổ chuột, nạn ma túy lan tràn
không ngừng. Từ khía cạnh mục vụ, điều này đòi phải can thiệp theo cách khác: cần
biết phải làm gì với các trẻ em và người trẻ bi buộc vào thị trường tàn phá của
các kẻ buôn ma túy và nạn nghiện ngập ma túy…
Cha Pepe đã bị đe dọa và đức cha giáo phận đã chuyển ngài đi
làm việc ở nơi khác một thời gian. Cách đây 4 năm, ngài đã trở lại làm việc và
vẫn tiếp tục công việc chống lại nạn buôn bán ma túy và giúp đỡ những người
nghèo. (Avvenire 11/06/2017)
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét