Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)
Vũ Văn An6/3/2017


Đâu là những điều căn bản trong niềm tin Công Giáo?

Kitô Giáo thường được mô tả như một tôn giáo “tuyên tín” (creedal) nghĩa là chủ yếu không dựa vào một số luật lệ, như Do Thái Giáo, hay các thực hành thiêng liêng, như Hồi Giáo, mà dựa vào một số niềm tin được tổng hợp thành các kinh tin kính. Mỗi Chúa Nhật trong Thánh Lễ, người Công Giáo khắp thế giới khẳng định các niềm tin cốt lõi trong đức tin của họ bằng cách đọc lời kinh có tên là Kinh Tin Kính Nixêa, tức bản tuyên xưng đức tin đã được chấp thuận năm 325 CN bởi toàn thể các giám mục tại Công Đồng Nixêa tọa lạc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Bản kinh này như sau:

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,

sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời:
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật;
được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha;
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế;
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.

Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô,
Người chịu khổ hình và mai táng.
Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh,
Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang,
để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần,
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống;
Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.
Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con;
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.

Mọi xác tín cốt lõi của đức tin đều ở đó, từ ý niệm Thiên Chúa có Ba Ngôi (Cha, Con, Thánh Thần), tới việc Nhập Thể (Con Thiên Chúa trở thành phàm nhân trong Chúa Giêsu Kitô), tới việc Chuộc Tội (Chúa Kitô chết trên Thập Giá vì tội lỗi thế giới), tới sự Phục Sinh (Chúa Kitô sống lại từ cõi chết). Cũng bao gồm trong đó là các niềm tin cốt lõi của Đạo Công Giáo về chính Giáo Hội, tin rằng Giáo Hội “duy nhất” (hợp nhất), “thánh thiện”, “Công Giáo” (phổ quát) và “tông truyền” (do các vị kế nhiệm các tông đồ hướng dẫn, tức các giám mục).

Muốn có một trình bày trọn vẹn về giáo huấn Công Giáo, nguồn tài liệu tốt nhất là Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, do Tòa Thánh xuất bản năm 1992. Cuốn này trình bày chi tiết các giáo huấn chính thức về đủ mọi vấn đề, được tổ chức thành 4 chủ đề, đôi khi được gọi là 4 “cột trụ” của đức tin:

•        Tuyên xưng đức tin (giải thích các chủ đề nền tảng trong kinh tin kính)
•        Cử hành mầu nhiệm Kitô Giáo (việc thờ phượng và các bí tích)
•        Sự sống trong Chúa Kitô (Mười Điều Răn và giáo huấn luân lý)
•        Cầu nguyện trong Kitô Giáo

Đâu là những điểm khác nhau chính giữa người Công Giáo và các Kitô hữu khác?

Qua nhiều thế kỷ, khi Kitô Giáo bắt đầu rạn nứt, với sự ly khai của Đông Phương khỏi Tây Phương mà truyền thống cho là từ thế kỷ 11 trở đi, hay Phong Trào Thệ Phản thế kỷ 16, một số dị biệt thần học có tính đặc trưng giữa người Công Giáo và các chi khác của Kitô giáo đã được chú ý.

Thí dụ, trong khi người Thệ Phản có xu hướng nhấn mạnh tới một mình Thánh Kinh như là tiêu chuẩn cho đức tin của họ, thì người Công Giáo nhấn mạnh tới cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, nghĩa là lời giảng dạy liên tục của Giáo Hội qua các thời đại, nhất là được phát biểu trong “huấn quyền”, hay chức vụ giảng dạy chính thức của Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Ngoài ra, trong khi người Thệ Phản có xu hướng nhấn mạnh tới một mình đức tin mà thôi như là chìa khóa để được cứu rỗi, thì người Công Giáo quả quyết rằng người ta bị phán xét cả về đức tin lẫn việc làm, nghĩa là cách sống chứ không duy bởi những điều mình tin.

Một dị biệt cổ điển nữa liên quan tới Phép Thánh Thể hay Lễ Tạ Ơn, trong đó, có bánh và rượu. Trong khi một số ngành của Kitô Giáo coi bánh và rượu như biểu tượng hay nhắc nhớ tới mình và máu Chúa Kitô, thì Đạo Công Giáo quả quyết rằng: bánh và rượu, dù vẫn giữ bề ngoài của chúng, nhưng thực ra, chúng đã trở thành thịt và máu Chúa Kitô (tiếng chuyên môn chỉ việc này là “biến thể”). Thành thử, đối với người Công Giáo, phạm thánh đối với bánh đã truyền phép là một trong những tội phạm kinh sợ nhất và đây cũng là lý do, trong nhiều thế kỷ qua, nhiều vị tử đạo đã hy sinh mạng sống mình để bảo vệ Bánh Thánh đã truyền phép.

Cũng còn một dị biệt nữa trong đức tin Công Giáo đó là truyền thống nhấn mạnh tới việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là tiêu mẫu của Giáo Hội. Các Kitô hữu khác thường tố cáo người Công Giáo nâng Đức Maria lên địa vị thiên tính, và do đó phạm tội đa thần, nhưng về phương diện chính thức, Đạo Công Giáo vốn phân biệt giữa việc “tôn kính” Đức Maria và việc “tôn thờ” một mình Thiên Chúa.

Cũng thế, Đạo Công Giáo cổ vũ việc tôn kính các thánh, tức những con người nam nữ thánh thiện trong các thế kỷ qua từng được Giáo Hội thừa nhận trong một nghi lễ gọi là “phong thánh”. Dù người Công Giáo không thờ phượng các thánh, nhưng Giáo Hội dạy rằng các thánh có thể cầu bầu cùng Thiên Chúa cho ta được các ơn đặc biệt, nên người Công Giáo được khuyến khích ngỏ các lời cầu nguyện lên các ngài. Nhiều vị thánh tương đối ít ai biết đến, nhưng nhiều vị nổi tiếng khắp hoàn cầu. Thí dụ, những người mộ mến Cha Piô, một nhà huyền nhiệm và là một vị hiển tu người Ý thế kỷ 20 được cho là mang 5 dấu thánh nghĩa là 5 vết thương của Chúa Kitô trên Thập Giá, hiện nay đã tạo nên một mạng lưới gồm 3,348 nhóm cầu nguyện tại 60 quốc gia trên thế giới.

Đôi khi, các dị biệt gây hậu quả nhiều nhất giữa người Công Giáo và các Kitô hữu khác không thuộc phạm vi thần học đúng nghĩa, nhưng thuộc một phạm vi đặc thù gọi là “Giáo Hội học” hay các học lý về Giáo Hội. Nói chung, Đạo Công Giáo có điều thường được gọi là Giáo Hội học “cao”, nghĩa là gán cho Giáo Hội một bản chất và một vai trò có tính thần thánh mạnh mẽ, hơn là chỉ coi nó như một sản phẩm của khế ước xã hội giữa các tín hữu với nhau. Đạo Công Giáo dạy rằng Giáo Hội được mời gọi bước vào hiện hữu bởi chính Chúa Kitô và Người ban cho Giáo Hội cả cơ cấu lẫn sứ mệnh, “Hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ của Thầy, rửa tội cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần”.

Một cách đặc biệt, ba phạm vi của Giáo Hội học có xu hướng tạo nên tranh cãi hơn cả giữa người Công Giáo và các Kitô hữu khác là:

1. Các thừa tác vụ

Đạo Công Giáo chủ trương rằng linh mục không phải chỉ là một nhà lãnh đạo cộng đồng hay một đại diện hay được Chúa Kitô ủy quyền, nhưng trong những thời khắc chủ yếu, ngài còn thực sự đứng in persona Christi, trong ngôi vị của Chúa Kitô và hành động nhân danh Người, như khi tha tội trong tòa giải tội, và trong lúc truyền phép bánh và rượu khi cử hành Thánh Lễ. Thần học truyền thống của Công Giáo nói đến sự “thay đổi hữu thể học” (ontological shift) diễn ra trong bí tích Truyền Chức Thánh, lúc một linh mục được “đồng hình dạng” (configured) với Chúa Kitô không chỉ theo nghĩa biểu tượng mà là theo nghĩa sâu xa trên bình diện hữu thể của chính Người. Vì lý do này, các nhà phê bình trong nhiều thế kỷ đôi khi cho rằng Đạo Công Giáo tôn vinh chức linh mục thái quá, có hại cho hàng giáo dân.

2. Phẩm trật

Phẩm trật (hierarchy) là hạn từ tập thể chỉ các giám mục của Giáo Hội hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, và thông thường người ta vốn nói: Đạo Công Giáo là bộ phận tôn giáo có tính phẩm trật một cách độc đáo. Đạo Công Giáo quả quyết rằng cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội không đơn giản là sản phẩm của lịch sử, mà là cơ cấu do chính Chúa Kitô ban cho Giáo Hội. Hơn nữa, Đạo Công Giáo còn dạy rằng Chúa Kitô trao cho các tông đồ và các vị kế nhiệm các ngài trọn vẹn thẩm quyền giảng dạy, cai quản, và thánh hóa nhân danh Người. Trong thực hành, các xác tín này được diễn dịch thành việc nhấn mạnh tới thẩm quyền của cả vị giám mục cá thể lẫn toàn thể các giám mục hợp lại.

3. Ngôi vị giáo hoàng

Dĩ nhiên, điều khác biệt nhất của Giáo Hội Công Giáo là chức vụ của ngôi vị giáo hoàng. Đạo Công Giáo dạy rằng Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm Thánh Phêrô và, do đó, là “vị đại diện của Chúa Kitô” trên trần gian như một trong các tước hiệu truyền thống của ngài. Như đã thấy trên đây, luật Giáo Hội nói rõ ràng rằng Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền “tối cao, trọn vẹn, tức khắc, và phổ quát” đối với mọi vụ việc trong Giáo Hội Công Giáo. Trên thực tế, Đức Giáo Hoàng ủy phần lớn thẩm quyền này cho các phụ tá và cộng sự viên ở Vatican, những vị được giáo luật cấp phép đưa ra các quyết định có tính trói buộc nhân danh Đức Giáo Hoàng. Quan niệm cao qúy về chức vụ giáo hoàng này vừa là một vốn qúy lớn lao của Đạo Công Giáo theo nghĩa một Giáo Hội có tới 1 tỷ 200 triệu thành viên rải rác khắp thế giới tất nhiên cần có một trung tâm thẩm quyền mạnh mẽ, vừa là một nguyên nhân gây tranh chấp, theo nghĩa các nhà phê bình vốn cho rằng Giáo Hội quá tập trung quyền hành và quá nhiều quyền lực đã bị tập trung vào Rôma.

Có sự bất đồng nào trong Giáo Hội Công Giáo về một số các giáo huấn trên không? Và bất đồng như thế nào?

Những gì phác thảo trên đây đều là các giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo, nhưng sẽ là một thiếu sót đáng kể khi ngụ ý rằng tất cả khối 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo khắp thế giới đều nhất thiết chia sẻ các niềm tin ấy hệt như chúng đã được tuyên bố. Cuộc tranh chấp về học lý gần như cũng quen thuộc trong Đạo Công Giáo y như Thánh Lễ hàng ngày vậy, và điều này, về căn bản, khó lòng tránh được đối với một tôn giáo nặng tuyên tín vốn nhấn mạnh rất nhiều tới sự tương tác giữa lý lẽ và đức tin. Đôi khi, sự bất đồng được tổ chức và công khai, nhưng thường có tính tư riêng và không được công bố, một vấn đề của những người Công Giáo cá thể ấp ủ những quan điểm không hoàn toàn phù hợp với đường lối chính thức.

Thực vậy, khó tìm được một người Công Giáo công khai bác bỏ các yếu tố cốt lõi của kinh tin kính, như Thiên Chúa có Ba Ngôi, chẳng hạn, hoặc, Chúa Kitô chết vì tội lỗi thế gian, hay Người sẽ trở lại để phán xét người sống và người chết. Bất kể một người Công Giáo nào đó có cảm thấy chắc chắn trăm phần trăm hay không về những vấn đề ấy, nói chung, họ không thách thức chúng, nhưng chấp nhận chúng như là thành phần đã được giải quyết của truyền thống Giáo Hội.

Tuy nhiên, khi ta đào sâu các giáo huấn khác, cuộc tranh luận và sự bất đồng trở nên thông thường hơn. Thí dụ, rất nhiều người Công Giáo công khai bác bỏ, và nhiều người hơn nữa, ít nhất, cũng thắc mắc về chủ trương chính thức chỉ tấn phong chức linh mục cho đàn ông mà thôi. Nhiều người khác thách thức các khía cạnh khác thuộc nền luân lý tính dục chính thức của Giáo Hội, như việc Giáo Hội ngăn cấm ngừa thai, triệt sản, và hôn nhân đồng tính, thậm chí một số người còn bất đồng cả chủ trương về phá thai nữa, nếu không phải để bênh vực luân lý tính của chính việc phá thai, thì ít nhất, cũng để chất vấn xem liệu có nên nghiêm cấm nó một cách hợp lệ hay không. Về phía ngược lại của cán cân, một số người Công Giáo cho rằng Giáo Hội đã đi quá xa trong những thời điểm gần đây trong việc ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, như thể không còn sự thật trong các vấn đề tôn giáo nữa, hay trong việc Công Giáo chống đối án tử hình hoặc ủng hộ việc cải tổ chính sách di dân.

Một trong các căng thẳng kinh niên trong Giáo Hội Công Giáo là phải nhất trí bao nhiêu với giáo huấn chính thức mới đủ để được coi là còn đứng trong hàng ngũ và, dĩ nhiên, ai là người quyết định việc này. Đây là những điểm được bàn cãi sôi nổi trong phần lớn lịch sử của Giáo Hội, và trong thế kỷ 21 này, chưa có điều gì cho thấy các căng thẳng này được giải quyết.


Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét