20/07/2017
Thứ năm tuần 15 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Xh
3, 13-20
"Ta là Ðấng tự hữu. Ðấng tự hữu sai tôi đến với anh em".
Trích sách Xuất Hành.
(Khi nghe tiếng Thiên
Chúa phán ra từ giữa bụi gai), Môsê thưa với Người rằng: "Này con sẽ đến với
con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh
em. Nếu họ có hỏi con "Tên Người là gì", con sẽ nói sao với họ?"
Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Ðấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ
bảo con cái Israel thế này: Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em".
Thiên Chúa lại nói với
Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: Thiên Chúa của tổ phụ anh em,
Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến
với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi
thế hệ. Ngươi hãy đi họp các kỳ lão Israel lại và bảo họ rằng: Chúa là Thiên
Chúa tổ phụ anh em, là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa
Giacóp hiện ra với tôi và phán rằng: Ta đã thăm viếng các ngươi, Ta đã thấy tất
cả những sự ngược đãi đối với các ngươi trong đất Ai-cập, nên Ta nói rằng: Ta sẽ
dẫn đưa các ngươi khỏi cảnh khốn khó ở Ai-cập, mà đem vào đất Canaan, Hêthê,
Amorrha, Phêrêzê, Hêvê và Giêbusa, là đất chảy đầy sữa và mật.
"Chúng sẽ nghe lời
ngươi. Vậy ngươi và các kỳ lão Israel hãy đi đến vua Ai-cập và tâu cùng vua rằng:
Chúa là Thiên Chúa người Do-thái đã gọi chúng tôi. Chúng tôi phải đi ba ngày
đàng lên nơi hoang địa, để tế lễ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.
"Nhưng Ta biết rằng
vua Ai-cập sẽ không để cho các ngươi ra đi đâu, trừ khi ra tay hùng mạnh. Vì thế
Ta sẽ giơ tay ra đánh phạt Ai-cập bằng những phép lạ mà Ta sẽ làm giữa họ. Khi
đó, vua mới để cho các ngươi đi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 1và 5.
8-9. 24-25. 26-27
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Hoặc đáp: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca tụng
Chúa, hãy hoan hô danh Người; hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy nhớ
lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều miệng Người
phán quyết. - Ðáp.
2) Tới muôn đời Người
vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước
Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac. - Ðáp.
3) Chúa đã khiến dân
Người sinh sản rất đông, và làm cho họ uy dũng hơn cả quân thù. Người đã đổi
lòng chúng để chúng ghét dân Người, và đối xử gian ngoan với các tôi tớ của Người.
- Ðáp.
4) Bấy giờ Người đã
sai Môsê là tôi tớ của Người và Aaron mà Người đã chọn. Các ông thực hiện những
phép lạ của Người giữa bọn chúng, và những điều kỳ diệu trong lãnh thổ họ Cam.
- Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! -
Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều
lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 28-30
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta
sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì
Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình
an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Ðến Với
Chúa
Những kẻ vất vả mang
gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con
người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến
trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi
họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh
Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng
của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn.
Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón
tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh
thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn
quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân
chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức.
Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai
chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa
Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ
tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của
Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy
luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ
loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi
dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống
theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với
tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm
vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Xin cho chúng ta biết
lắng nghe lời mời gọi đến với Chúa, tin tưởng vào Chúa và lấy tình yêu đáp trả
tình yêu để "ách Chúa trở nên êm ái và gánh Chúa trở nên nhẹ nhàng"
cho chúng ta.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 15 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Exo
3:11-20; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa muốn giúp con người vượt qua những đau khổ.
Khác với người Hy-lạp
và phần đông các tôn giáo khác quan niệm một Thiên Chúa vô cảm, Do-thái Giáo, Hồi
Giáo, và Kitô Giáo, tin tưởng một Thiên Chúa biết các nỗi đau khổ của con người.
Ngài quan tâm đến những đau khổ con người phải chịu, và Ngài có cách giúp con
người vượt qua những đau khổ đó. Đối lại, con người phải chạy đến với Thiên
Chúa, lắng nghe và thi hành những lời Ngài dạy dỗ, để họ có sức mạnh vượt qua
những đau khổ của cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
nhấn mạnh đến những chân lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa nói với Moses:
"Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối
xử với các ngươi bên Ai-cập;" và Ngài đã có sẵn một kế hoạch để cứu thoát
dân tộc Israel ra khỏi cảnh làm nô lệ khổ cực cho người Ai-cập. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu thấu hiểu những khó nhọc và gánh nặng của dân chúng. Ngài kêu mời họ
hãy đến học hỏi và được bổ dưỡng nơi Ngài, để ách của họ trở nên êm ái và gánh
của họ trở nên nhẹ nhàng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên
Chúa muốn giải thoát con cái Israel khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập.
1.1/ Thiên Chúa mặc khải
Thánh Danh Ngài cho Moses: Ông Moses nêu một
lý do để Thiên Chúa mặc khải Danh Thánh của Ngài: "Bây giờ, con đến gặp
con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh
em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?"
Thiên Chúa cho ông Moses một lúc hai Danh Thánh:
(1) Đấng Hằng Hữu:
Thiên Chúa phán với ông Moses: "Ta là Đấng Hằng Hữu." Người phán:
"Ngươi nói với con cái Israel thế này: "Đấng Hằng Hữu sai tôi đến với
anh em."
Trong tiếng Do-thái,
"Đấng Hằng Hữu = Yahveh" là một động từ có nghĩa như động từ "to
be" trong tiếng Anh hay "essere" trong tiếng La-tinh. Thiên Chúa
luôn luôn hiện hữu, Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cứu cánh. Một
văn hào Pháp chú giải: Yahveh là một lời hứa của Thiên Chúa:
"Ta luôn ở với con;" hay một lời cầu nguyện từ phía
nhân loại: "Xin Thiên Chúa luôn ở với con."
(2) Thiên Chúa là Đức
Chúa của các Tổ-phụ: Thiên Chúa lại phán với ông Moses: "Ngươi sẽ nói với
con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của
Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob, sai tôi đến với anh em.
Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu
Ta từ đời nọ đến đời kia."
Khi cho Moses biết Danh
Thánh này, Thiên Chúa cũng nhắc lại lời Ngài đã hứa với các Tổ-phụ là Ngài sẽ bảo
vệ giòng dõi của các Tổ-phụ đến muôn đời, nếu họ trung thành bước theo đường lối
của Ngài.
1.2/ Thiên Chúa sẽ đưa
dân vào Đất Ngài đã hứa.
(1) Thiên Chúa quan
tâm đến đau khổ của con cái Israel: Thiên Chúa truyền cho Moses hãy đi triệu tập
các kỳ mục Israel và nói với họ: "Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em,
Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Jacob, đã hiện ra với tôi và phán: Ta
đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với
các ngươi bên Ai-cập. Ta đã phán: Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên
Ai-cập mà lên miền đất tràn trề sữa và mật."
(2) Kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa cho dân Israel: Trước tiên, ông Moses phải thuyết phục các kỳ mục của
Israel; nhưng Thiên Chúa bảo đảm với Moses: "Họ sẽ nghe tiếng ngươi."
Sau đó, ông Moses phải đi với các kỳ mục Israel đến gặp vua Ai-cập.
+ Xin phép vua Ai-cập
trước: Các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: "Đức Chúa, Thiên Chúa của người
Do-thái, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày
đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi."
+ Trước khi Thiên Chúa
biểu tỏ uy quyền: Chúa phán với Moses: "Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ
không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. Ta sẽ ra
tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho
các ngươi đi."
Đau khổ của dân
Do-thái là do vua Ai-cập gây nên. Nhà vua sẽ không nhượng bộ cho dân Israel ra
đi, vì vua sẽ mất một khối lao động lớn, cho tới khi Thiên Chúa tỏ uy quyền của
Ngài để vua Ai-cập nhận ra qua 7 thiên tai; và chỉ với thiên tai cuối cùng
"giết hại các con đầu lòng" của Ai-cập, nhà vua mới đồng ý để dân
Israel ra khỏi Ai-cập.
2/ Phúc Âm: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi.
2.1/ Chúa Giêsu quan tâm
đến nỗi khổ đau của con người: "Tất cả
những ai đang vất vả làm việc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ
cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, vì
không ai có thể tránh được đau khổ: phần hồn cũng như phần xác. Khi con người
làm việc mệt nhọc, con người cần được nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe; Chúa
Giêsu hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Những điều
Chúa Giêsu giúp chúng ta là BT Giao Hòa và Thánh Thể, Lời Chúa, và các ơn lành
hồn xác. Ngài đã mang lấy các bệnh tật của con người và chữa lành mọi vết
thương hồn xác.
2.2/ Ngài có cách để giải
thoát con người khỏi đau khổ: "Anh em
hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh
tôi nhẹ nhàng."
(1) Hãy mang lấy ách của
Chúa Giêsu: Đau khổ không thể nào tránh được trong cuộc đời. Chúa Giêsu không hứa
Ngài sẽ cất khỏi đau khổ cho con người, nhưng Ngài có thể giúp cho con người có
sức mạnh để chịu đựng đau khổ, vì Ngài cũng đã từng chịu đau khổ và vác Thánh
Giá lên đồi Golgotha. Chúa có thể cho chúng ta nhìn ra ý nghĩa của đau khổ để sẵn
sàng chịu đựng. Ách của Chúa Giêsu vừa vặn để chúng ta có thể mang mà không cảm
thấy đau đớn.
(2) Hãy học với Chúa
Giêsu: Hai bài học quan trọng Chúa đề cập đến hôm nay:
+ Bài học hiền hậu:
Đây là mối phúc thứ hai trong Bát Phúc, chỉ sau bài học khó nghèo. Nếu con người
muốn có sự bình an thực sự trong tâm hồn, họ phải học cho được bài học hiền hậu
này. Theo gương Đức Kitô, người hiền hậu không dễ dàng nóng nảy với tha nhân,
ngay cả với kẻ thù. Trong chương 5 của Tin Mừng Matthew, Chúa dạy các môn đệ phải
tha thứ, làm ơn, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi mình. Ai cũng biết sự
nóng nảy và tức giận gây đau khổ và thiệt hại thế nào cho thân thể; hơn nữa, nếu
một trong hai bên không thỏa thuận làm lành, thù hận có thể đưa tới cái chết của
một trong hai người, và gây nhiều thiệt hại cho cả hai gia đình.
+ Bài học khiêm nhường:
Có thể nói đa số các đau khổ của con người là hậu quả của tính tự kiêu tự đại,
không chịu biết mình. Tục ngữ Việt-nam có câu "trèo cao té đau." Nếu
con người chịu bằng lòng với số phận cứ ở dưới đất, đừng leo lên cây, làm sao
có thể té được? Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta bạc nhược, hay không có tinh
thần cầu tiến; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết mình trong mối tương
quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng bao giờ theo thời để rồi ganh đua sát
ván, người ta sống làm sao mình phải được như vậy hay hơn người. Một cuộc chạy
đua như thế sẽ làm chúng ta mệt mỏi và đau khổ xảy ra khi chúng ta không đạt được
điều chúng ta mong ước.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn quan
tâm đến những đau khổ của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để
được dạy dỗ, được chữa lành, và được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
- Con người phải chạy
đến với Ngài để lắng nghe và thực thi những lời Chúa dạy dỗ. Hai bài học quan
trọng con người cần học nơi Thánh Tâm Chúa là hiền hậu và khiêm nhường.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Th.
A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo Mt 11,28-30
ÁCH CỦA
CHÚA GIÊ-SU
“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ
nhàng.” (Mt
11,30)
Suy
niệm: Cái “ách”, biểu tượng
của khổ sai, nô dịch, của nặng nề, tủi nhục, thế mà Chúa Giê-su lại bảo “Hãy
mang ách của Ngài” vì nó “êm ái, nhẹ nhàng”! Một điều thật khó nghe
đối với ai không học trong trường của Chúa Giê-su. Thoát khỏi cái ách nặng nề
của những quy định hết sức rối rắm, chi li trong đạo Do thái để rồi lại khoác
lấy ách của Giê-su, phải chăng là rơi vào cái vòng luẩn quẩn? Trái tim Chúa Giê-su
đang thổn thức vì đủ thứ “ách nặng nề” đang đè lên vai những con người bé mọn,
nghèo đói, bị bỏ rơi… của tất cả mọi thời đại. Ngài mời chúng ta đến nghỉ ngơi
bồi dưỡng trong trái tim đầy yêu thương của Ngài. Ngài đề nghị chúng ta vác lấy
cái ách của Ngài bằng cách chỉ cần trút bỏ đi lối sống ích kỷ của chúng ta và
mặc lấy tâm tình hiền hậu và khiêm nhường của Ngài thì lập những cái ách nặng
nề sẽ trở nên nhẹ nhàng êm ái.
Mời Bạn: Những phút giây bạn
đến cầu nguyện với Chúa Giê-su là một sự nghỉ ngơi trong Ngài hay đó là một
gánh nặng nề, nhàm chán đối với bạn?
Chia sẻ: Bổn phận và luật
buộc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật có trở thành “ách nặng nề” với bạn không?
Làm thế nào để điều đó trở thành “êm ái, nhẹ nhàng” với bạn?
Sống Lời Chúa: Tìm một dịp để cảm
thông và chia sẻ với những người đang có tâm sự buồn phiền. Một lần viếng thăm,
một cuộc điện thoại... Tại sao không, ngay lúc này?
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, con
phú dâng tất cả mọi gánh nặng của đời sống con cho Chúa. Xin ban cho con một
con tim quảng đại để nâng đỡ những gánh nặng của anh em con. Và đừng để con trở
nên gánh nặng cho người khác.
(5 phút Lời Chúa)
Hiền hậu và khiêm nhường (20.7.2017 – Thứ năm Tuần 15 Thường niên)
Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.
Suy niệm:
Sống làm người ở đời ai
tránh được gánh nặng.
Chẳng phải chỉ những
người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng.
Gánh nặng gắn liền với
phận người.
Có gánh nặng gia đình,
gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác.
Có gánh nặng buồn đau của
quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.
Xem ra mỗi người không
vác nổi gánh nặng của mình.
Ai cũng thấy có lúc cần
đến người khác.
Đức Giêsu nhìn thấy những
ai đang mang gánh nặng vào thời của Ngài.
Đặc biệt những kẻ phải
giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu.
Luật Chúa lẽ ra phải đem
đến niềm vui hạnh phúc,
thì lại trở thành “những
gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23, 4).
Đức Giêsu mời đến với
Ngài tất cả những ai đang vất vả,
tất cả những ai chưa là
môn đệ của Ngài.
Ngài hứa sẽ cho họ được
nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28. 29).
Sự nghỉ ngơi ở đây chính
là sự bình an sâu xa của người được cứu độ,
được hưởng các mối phúc
ngay từ bây giờ,
và bắt đầu được sống
trong ngày Sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.
“Hãy đến với tôi; hãy
mang ách của tôi; hãy học với tôi.”
Lời mời của Đức Giêsu lôi
kéo những ai vất vả đến với Ngài.
Ngài mời họ làm môn đệ và
sống theo giáo huấn của Ngài.
Trong Cựu Ước, ách tượng
trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho Môsê
Đi theo làm học trò Đức
Giêsu, không phải là không có ách.
Ách của Đức Giêsu chính
là lời giáo huấn của Ngài.
Lời giáo huấn ấy chúng ta
đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.
“Ách của tôi êm ái và
gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).
Nhiều người không hiểu
tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái,
khi mà Ngài đưa ra những
đòi hỏi triệt để hơn,
tận căn hơn những đòi hỏi
của Luật được giải thích bởi Môsê.
Thật ra sự êm ái nhẹ
nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn,
nhưng đến từ tình yêu của
tôi đối với Đức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay có 7
chữ tôi.
Cái tôi hiền hậu và khiêm
nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài
Chính tình yêu làm cho
ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ.
Người ta thấy nặng nề khi
bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài,
nhưng lại dễ làm theo sự
thúc đẩy của một tình yêu bên trong.
Tự do hơn và vui tươi
hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.
Làm sao để việc giữ đạo,
theo đạo, sống đạo,
không trở thành một gánh
nặng đè trên người Kitô hữu?
Làm sao để chúng ta tự do
hơn và vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu
và tìm được sự nghỉ ngơi
cho tâm hồn mình?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến
hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được
thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày
Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của
cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên
trời cao;
và những vẻ đẹp của trần
gian
không ngăn bước chân con
tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG BẢY
Ước Gì Mọi Miệng Lưỡi
Đều Ngợi Khen
Ân Sủng Rạng Ngời Của
Ngài
“Thiên Chúa đã yêu
thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào
người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Lời ấy
của Đức Giêsu làm nên cốt lõi của giáo thuyết về sự tiền định. Chúng ta nhận ra
giáo thuyết này trong giáo huấn của các Tông Đồ, nhất là trong các Thư của
Thánh Phao-lô.
Chẳng hạn, chúng ta đọc
thấy trong Thư Ê-phê-sô: “Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, …
đã tuyển chọn chúng ta trong Người, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước
thánh nhan Ngài chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Theo ý muốn và lòng
nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô –
để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài ban tặng cho chúng ta trong người
Con yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Những xác quyết ấy về
định mệnh của chúng ta trong Đức Kitô giải thích hùng hồn yếu tính của điều mà
chúng ta gọi là “tiền định”. Thật vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật
ngữ này để phòng tránh mọi nguy cơ ngộ nhận khi người ta sử dụng nó – điều khá
thường xảy ra. Chẳng hạn, người ta có thể ngộ nhận rằng sự tiền định đồng nghĩa
với một số mệnh mù quáng nào đó – hay là “cơn giận” thất thường của một vị chúa
hay ghen tị. Trong mạc khải thần linh, từ ngữ “tiền định” có nghĩa là sự chọn lựa
đời đời của Thiên Chúa. Sự chọïn lựa đó luôn luôn tích cực, sáng suốt và đầy
lòng tự phụ. Đó là một sự chọn lựa của tình yêu.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
20 Tháng Bảy
Ai Cũng Có Lý
Cách đây không lâu,
tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như
sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan
tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện
hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan tòa dõng dạc tuyên bố: "Anh có
lý". Ðến lượt người thứ hai phân trần, anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm
nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau kho nghe anh trình bày dông dài, quan
tòa cũng tuyên bố: "Anh có lý".
Cậu con trai nhỏ của
quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai
đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau:
con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta
không muốn nhận ra phần có lý của người khác cũng như chính phần lỗi của mình.
Và đó chính là đầu mối của mọi bất hòa.
Vô nhân thập toàn,
nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận
ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng
ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có
thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét